Thư gửi thầy mẹ

Thư gửi thầy mẹ

Tác giả: Nguyễn Bính

Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này, đưa hộ cho thầy mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương:

Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi! Thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
Con đi năm ấy tháng tư
Lúa chiêm xấp xỉ, giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa, quạnh nhà
Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.
Cha giã gạo, mẹ thổi cơm
Có con, con vắng, ai làm thay cho?
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh,
Lại mang ân ái vào mình
Cái yêu làm tội, làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi…
Ở thư này, thầy mẹ ơi!
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
Xin thầy mẹ cứ yên tâm
Đừng thương nhớ, một vài năm, con về.
Thầy ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng…

Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng
Lạy thầy, lạy mẹ thấu lòng cho con.

Sau những năm đi xa trở về, viết bài thơ ngày giỗ Má

Sau những năm đi xa trở về, viết bài thơ ngày giỗ Má

Tác giả: Lâm Chương

Má tôi mất năm tôi mười hai tuổi
Tôi ra ngoài hiên đứng khóc
Ngó lên cây me già buồn hiu trước ngõ
Mây trắng bay qua tàng cây lá nhỏ
Nắng xế chiều héo hắt trên sân
Đàn gà con kiếm ăn trong hàng dâm bụt
Tôi biết từ đây tôi như con gà côi cút
Phải tập bươi tập sống một mình
Rồi những sớm hôm trái gió trở trời
Không ai sờ trán tôi thăm chừng nóng lạnh
Không có bàn tay nào vuốt tóc tôi
Trong những đêm khuya cựa mình trở giấc.

Ngày đưa tang tôi không còn nước mắt
Lầm lũi đi trong đám người chân đất
Trời âm u sương muối mùa Đông
Gió tháng Chạp se da quần áo ngắn
Trên đầu tôi đội một vòng khăn trắng
Vòng khăn mang số phận con người
Lúc quan tài hạ huyệt
Tôi quay mặt đi không dám nhìn
Lòng quặn đau cơ hồ chảy máu
Nén tiếng khóc vào trong cổ họng
Tôi cúi đầu ngó xuống bàn chân
Bàn chân lấm bùn đen câm nín
Như nỗi lòng khép kín trong tôi

Nhà tôi nghèo trống trước trống sau
Vách liếp che không ngăn được gió mùa
Mái tranh dột trời mưa dùng thau hứng nước
Chiếc bàn gỗ mọt ăn đêm ngày kẽo kẹt
Chiếc giường tre sắp làm củi đốt
Manh chiếu thấm mồ hôi
Mùng mền thâm niên thủng lỗ
Đêm tôi nằm co đắp mền không đủ ấm
Hai bàn tay tôi kẹp vào đùi
Nghe chó sủa sợ ma và bóng tối
Tuổi thơ tôi có những đêm dài tiếp nối
Giấc mơ nào cũng nước mắt rưng rưng.

Tôi thèm ăn mà bếp núc tro tàn củi lửa
Nồi niêu ám khói đen
Chén dĩa sành mẻ miệng
Chiếc ấm sứt vòi
Thùng gạo trong nhà đong chẳng đầy lon
Liếp rau sau hè không tay người chăm sóc
Cỏ dại mọc chen cây ớt cây cà.

Ba tôi làm con gà trống chạy rông
Tha về từng hạt gạo nuôi đàn con ốm đói
Anh chị tôi đội nón mê mặc quần dưới rốn
Bỏ học đi ra đồng mót lúa
Những đứa em tôi mặt mày lem luốc
Mũi chảy thò lò và khóc đòi ăn
Tôi giữ em không kể sáng trưa chiều.

Tay chân tôi khẳng khiu mà bụng rất to
Tôi nằm ngửa cho em vỗ bụng làm trống
Những đứa em tôi không biết cười
Bởi trên đời chẳng có gì vui
Tôi nắn những hòn bi
Những con trâu bằng đất sét làm đồ chơi
Khi em chán tôi bò bốn chân làm ngựa
Em cưỡi đi quanh quẩn trong nhà
Ngày nào tôi cũng giữ em
Ngày nào em tôi cũng khóc
Tôi không biết hạnh phúc là gì
Cũng không hiểu thế nào là đau khổ
Có những hoàng hôn nắng ráng mỡ gà
Tôi dẫn em ra đầu ngõ ngóng anh chị tôi về
Nghe tiếng chim cu từ rừng xa vọng lại
Nghe gió từ bờ sông thổi lên
Tôi buồn mà không hiểu vì sao
Ở đằng xa phía cuối con đường
Dáng anh chị tôi đi thất thểu trong chiều
Đầu đội lúa mót
Tay cầm xâu cá nhỏ
Anh chị tôi mỉm cười như mếu
Tôi cũng cười nhưng sao lòng muốn khóc

Đêm tháng Bảy thằng em tôi chết
Trời mưa dầm dột ướt chiếc giường tre
Gió vi vút luồn qua vách liếp
Như quỷ thần réo gọi hồn ma
Ba tôi đắp mặt em bằng manh áo cũ
Trên đầu nằm thắp một ngọn đèn lu
Đèn trứng vịt không soi người tỏ mặt
Nhà âm u nhang khói quyện mùi
Ba tôi ôm đầu ngồi lặng thinh chờ trời sáng
Anh chị em tôi đứng nép vào nhau
Vừa hỉ mũi vừa lau nước mắt
Tôi thương em không thế nào kể xiết
Nhớ lúc em đi ra đi vào đói bụng
Vét nồi cơm không còn một hột
Nhà nghèo đâu dám mơ miếng thịt
Đời cúi thấp ngó hoài mặt đất
Trên lưng đè tảng đá ngàn cân.

Người lối xóm cho cái hòm gỗ tạp
Đưa em đi bằng chiếc xe trâu
Em về đất nằm bên cạnh má
Trên khu gò đầy những cỏ may.

Những thằng bạn nhỏ mau quên
Hay đùa chơi dưới cây me già trước ngõ
Chẳng đứa nào còn nhắc em tôi
Buổi trưa trưa tôi một mình đi bộ
Lên gò ngồi nhớ má thương em.

Mồ côi cha ăn cơm với cá
Mồ côi má lót lá mà nằm
Tôi lớn lên trong niềm tủi cực
Có lúc phải cắn răng để đừng bật khóc
Bà con xa ngoảnh mặt làm ngơ
Bà con gần nhìn nhau ghẻ lạnh.

Tôi bước đi trên dải đất này
Lòng buốt nhức qua bao ngày thương khó
Đêm thắp đèn ngồi mơ một chùm hoa đỏ
Và môi ai nở một nụ cười.

Thơ cho con

Thơ cho con

Lỡ tay muối mặn con ơi
trách gì cái vụng của người làm cha
gà cồ quanh quẩn phận gà
xòe đôi cánh cũ đem ra che trời

Mẹ đem vào cõi xa vời
những câu dạy bảo những lời khuyên răn
bây giờ nét ở đường ăn
cha nông nổi, lại cỗi cằn thương yêu

Những người bạn tốt cũng nhiều
những lời bạn tốt bao nhiêu thì vừa
ngẩng lên trời đã quá trưa
sau lưng sầm sập cơn mưa sẫm chiều

Cha giờ đứng mũi trớ trêu
thời gian để lại rất nhiều chỗ đau
đường dài biết đậu vào đâu
còn ai đổ lửa vào dầu nữa không?

Thế gian có vợ có chồng
mà cha gánh nước bên sông một bờ
lựa chiều bong bóng mà mưa
sông sâu mà bước, thiếu thừa mà đong

Chim chiều đã sợ cành cong
rủi may, phúc họa, long đong phận người
cha dù khóc giữa cuộc đời
hong khô nước mắt, để cười với con.

Về người cha đã khuất

Về người cha đã khuất

Tác giả: Lý Phương Liên

Cha em là công nhân sở điện Bờ Hồ
Điện là bạn của người Hà Nội
Nên cha vắng lâu rồi bà con còn nhắc hỏi

Cây cột đèn đầu phố rõ cao
Dây gánh nặng hai vai xà sứ
Giống dáng đứng cha em làm sao

Trạm biến thế gần ngã tư Hàng Đào
Cửa sắt suốt ngày im khóa
Mà dòng điện vẫn chia đều mọi ngả
Con nhớ dáng ngồi lặng lẽ của cha

Điện chạy nhanh trong gió hát đường xa
Khi mắc dây cha thường huýt sáo
Những mối nối chắc bền qua giông bão
Bàn tay cha săn như gọng kìm
Cây bút điện là người báo tin
Tiếng điện gọi ở nơi mạch tắc
Con thấy cha sáng bừng tia mắt
Và dòng điện lại từ nơi đó hiện ra…

Từ ngày em trai vào sở điện nối nghề cha
Ai cũng bảo em giống cha như đúc.

Tiễn con gái lớn về nhà chồng

Tiễn con gái lớn về nhà chồng

Hóa ra bố lại yếu lòng hơn mẹ!
Lúc người ta đến xin dâu
Mẹ vẫn cười rất tươi
Mà bố thì rưng lệ
Lời thưa nghèn nghẹn giữa câu…

Bố chẳng buồn đâu
Ai lại buồn trong một ngày như thế?
Bố chỉ thương con
Vất vả hồi thơ bé
Thuở ấy nhà ta thật nghèo
Con vừa sinh đã phải cùng chia sẻ
Một quả trứng ba người nhường nhau
Mền bông rách truyền hai thế hệ
Thời khốn khổ tránh sao điều nặng nhẹ
Con buồn nhiều không, khi bố mẹ bất hòa?
Giờ con thành con người ta
Phận gái lớn rồi phải thế
Con mặc váy cưới kiêu sa
Cổ mang vòng vàng sang quý
Bố không ưa bày vẽ
Nhưng muốn ngày vui con không thua kém bạn bè…

Xe hoa đưa con đi
Căn nhà đột nhiên trống trải
Vẫn biết mai các con lại về
Nhưng có điều gì đã rời xa…mãi mãi
Nâng ly rượu một mình trong nắng chiều nán lại
Ta già rồi ư?

5-12-2002

Ngày đã chiêm bao

Ngày đã chiêm bao

Tác giả: Phạm Đương

Ngày phủ lên cây những vệt mờ mờ
Buồn rệu rã

Con nhớ
Ngày mưa ngõ nhà mình
Lênh láng nước
Ngày nắng cửa nhà mình
Nhuộm vàng con mực

Ngày nào không chiêm bao
Cha vác cuốc ra đồng
Đêm đêm vác tù và
Mẹ giấu nước mắt vào tro bếp

Ngày nào mẹ ngồi hiên nhà
Đợi anh Hai về từ mặt trận
Anh Hai giờ thành cây dứa dại làng An Đại
Mà mẹ ơi sao dáng mẹ ngồi không đổi
Có phải dáng mẹ ngồi hay là đá núi?

Con nhớ
Ngày ấy mẹ không khóc
Lúc tiễn con đi lính
Mẹ sợ con dẫm lên dấu chân anh Hai
Rồi mẹ vỡ nước mắt
Khi con về
Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão
Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành!

Bây giờ sao dời vật đổi
Lũ trẻ không còn mê bong bóng màu
Không còn thấy cầu vồng bảy sắc
Không còn ngồi trong nhà nhìn bong bóng nước
Ngồi đếm sao rơi dạt góc trời nào

Chợt thấy mình
Ngày đã chiêm bao

Chuyện bà tôi

Chuyện bà tôi

Tác giả: Đinh Long

(Bà mẹ Việt Nam anh hùng)

Người ta chỉ chết một lần
Bà tôi sống chết lẫn lầm mà đau

Ba lô bốn chiếc trên đầu
Như là bốn khối huyết cầu còn tươi

Ngày ngày cơm bữa bà nuôi
Vẫn nguyên như thể năm người… ngày xưa

Thương con biết mấy cho vừa
Đêm canh giấc ngủ, sớm trưa dỗ dành

Chú mát tính, chú đành hanh
Bà nhìn lên đốm hương vành, bà khuyên

Chia công bằng những vàng tiền
Chú vùng đắt đỏ, chú miền đảo xa

Chú nào bé nhất nhiều quà
Chú hay đau yếu, chú qua luyện rèn

Chú nhiều huy hiệu, bằng khen
Cứ như bà đã ở “bên kia” rồi

Bà buồn một nỗi khôn nguôi
Cả bốn sau biết ai người khói nhang…

Sáng ra, các chú xếp hàng
Bà giao nhiệm vụ, bà sang lễ chùa

Sống bằng nước lã, nước mưa
Đi bằng hương khói ngày xưa, bây giờ

Đời còn thực thực, hư hư
Đời còn những tháng năm thừa nào hay

Ngửa bàn tay, sấp bàn tay
Cả đời bà lại ăn mày lời ru.

Ra đi

Ra đi

1

Ra đi từ một làng quê bên chợ,
Ở đây là vùng đồi,
Không có biển, nên từ “biển” cũng xa xôi
Có người già chỉ thấy biển qua mắm tươi khô cá
Nơi này có ngã ba sông,
Có đò dọc đò ngang, nhưng không có tàu,
Có chợ, chưa có phố.

Hết cuộc chiến tranh này, đến cuộc chiến tranh kia
Thay nhau đè lên những mái gianh
Mái gianh mùa hanh cháy nhanh
Tường sỏi đen màu khói.

Không thể có thời gian dành chỗ đứng cho những nhà tầng mái bằng, mái ngói.
Chiến tranh như máy ủi,
Chiến tranh thù văn minh.

Chợ cháy,
Làng cháy.
Tre, rạ,
Không kịp dựng nhà, dựng lều
Quê hương mà ta sinh ra và quý yêu
Khổ đau là thế
Ta cũng chỉ là một viên sỏi nhỏ bong ra từ mảnh đất này.

2

Buổi ra đi ta đọc bài thơ,
Đêm sân đình gửi lời yêu thương thấm vào tất cả
Con rùa đá, con nghê đồng, viên ngói vỡ, bức tường rêu phong.
Tan vào cả nước đục ngã ba sông, chỉ xin gửi vào lòng người một giọt thương, giọt nhớ.
Bài thơ ngây thơ
Người nghe cũng hồn nhiên ngây thơ
Cái thời sẵn lòng tin và dễ đồng lòng
Cái thời dễ nghe, hay khen
Cái thời, quen nghĩ theo một chiều xuôi như chiều nước chảy
Vì vậy
Mà bài thơ tìm ra cái chết
Lại được người nghe rưng rưng…

3

Cha tôi vắng mặt,
Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn như vuốt vào đôi mắt,
Đó là lúc người khuyên tôi vào đại học, mà tôi quyết ra đi…

Bà nội
Ngồi nơi cửa bếp
Cái nhìn và cái gật đầu của bà là lời vĩnh biệt
Bà chết, sẽ vắng mặt tôi

Mẹ
Hết đứng lại ngồi,
Chạy ra, chạy vô,
Mẹ không bước ra ngoài ngưỡng cổng
Chỉ có ánh mắt mẹ là vượt qua cả đích đi của con.
Khúc lưng cong của con đường làm cho con ngoái lại.
Mỗi khúc quanh là sự lìa xa cái cũ,
Và là cái nhìn lệch hướng với đích đang đi.
Chân mẹ vẫn bám trên đất nhà mình
Con cảm rằng ở đấy có cây sung cây vả
Con ước khúc đường quanh này hãy vật vã, vồng lên như càu vồng, để con leo lên, cho con thấy mẹ.
Trên đường con đi,
Hun hút trong tâm sâu ý nghĩ chỉ là dáng mẹ tiễn con,
Đó cũng là dáng mẹ chờ con và đón con.
Lời hẹn “trở về” chưa chắc đã còn, nhưng con mãi mãi vẫn là con mẹ,
Mẹ cứ buồn cứ lo, cứ bạc đầu, cứ ốm đau, vì làm sao khác được.
Chỉ dáng mẹ với cái nhìn là không có sau có trước, không lụi tàn, không mờ phai.
Chỉ một lần như vậy, và như vậy mãi không thôi.

4

Em không chia tay anh ngày ra đi,
Em tiễn anh ở nơi trường sơ tán.
Buổi ra đi
những đôi trai gái tiễn đưa nhau
Tiếng khóc dùng dằng.
Em vắng,
Nhưng cái nhìn của em vọng từ xa lặng
Để chỉ mình anh được ngắm em nhiều…

Hai trái đồi quê hương như hai vú người thương
Vồng lên trên cánh đồng lúa quê hương đương thì con gái
Gió hè mát và màu gió xanh như màu lúa vậy
Ngực cánh đồng chắc khoẻ thơm hương trinh trắng dậy thì.

Hai trái đồi là hai trái vú
Anh đã lớn lên bằng những dòng sữa thơm ngọt từ đây
Đậu, sắn, ngô, khoai có cả màu hoa sim tím.
Ở dưới chân đồi có cái giếng,
Không biết ai đào, tự thuở nào,
Miệng giếng bằng miệng nón em
Quanh năm viền hoa sim và cỏ chỉ.
Giếng chỉ sâu bằng đáy nón
Nhưng nước không bao giờ cạn.
Như chiều sâu lòng em
Sâu đến độ không đựng nổi vành môi khi anh quá yêu.
Nhưng em không chiều, em che chiếc nón.
Trên bờ giếng là hòn đá tảng,
Có một vệt bàn chân đủ từng đường vân năm ngón.
Khuôn bàn chân bằng cả người anh.
Thuở chăn trâu
Có lúc anh đã áp thử lưng mình.
Em cười, khóc sợ run người không can nổi.
Em không mách mẹ,
Để đêm ấy hai đứa vặn nhỏ đèn canh chừng bóng tối.
Mờ sương em đứng đợi anh
Chẳng có thánh thần nào vật nổi nghĩa tình,
Con trẻ thương nhau thương từ tấm bé…

Bàn chân vị thần núi tự thuở nào không rõ
chỉ có bàn chân phải
Em cứ hỏi anh
Thế còn bàn chân trái?
Anh nói như dỗ dành,
Để ngày lớn khôn anh sẽ đi tìm nốt bàn chân
Em lặng im,
Em nhìn, như mơ về cái hướng nào ấy mà anh sẽ đi trong mai sau lớn khôn.

Tuổi bé thơ không đi hết vòng đồi
Không leo qua chóp vú,
Ngang lưng đồi là con đường đỏ
Vành nón chao nghiêng, chiếc quai hồng hằn nghiêng.
Nắng xiên khoai, xiên vào mặt phải bàn chân.
Anh xa em, để anh đi tìm nốt bàn chân trái của thần.

Anh đi để lại dáng chờ
Anh đi mang theo nửa phần nỗi nhớ
Tất cả những gì sau lưng còn nợ
Sẽ trả phía bên kia thời gian,
– NĂM NĂM, MƯỜI NĂM, HAI MƯƠI NĂM, HOẶC LÂU HƠN NỮA
Em có đứng được không?

5

Đi bằng chân cũng đến được chiến trường,
Ngày hôm nay lại thêm một con người bay vượt ra ngoài sức hút của trái đất để đến một hành tinh.
Chiến trường thêm ta,
Chiến tranh thêm ta,

Và vũ trụ cũng nhận thêm một con người mới.
Cả hai việc giống nhau là ĐẾN.
Cả hai chiều đi cùng có một chặng đường
Cả hai chiều đi đều phải canh chừng cái chết
Phải cùng sống và cùng đến đích
Cái đích cuối cùng là hoà bình.
Đi chân đất vào chiến tranh,
Đi tàu vũ trụ vào mây xanh.
Những hạt gạo đều và cùng trắng,
Những dé lúa uốn cong một chiều cong lưỡi câu,
Những quả trứng cùng tròn một vòng tròn trứng.
Hạt gạo gãy đôi,
Dé lúa đứng thẳng,
Trái trứng đập ra.
Lúc đó ta mới nhận ra cái riêng của chúng.

Tôi đi vào đồng đội
Để
Làm một dé lúa uốn câu,
Làm một quả trứng như những quả trứng.
Tôi không còn là tôi nữa
Từ rất xa,
Trên đường bằng, hay trên chót vót núi cao, ai cũng gọi được tên tôi.
Ai cũng có thể nói chuyện với tôi từ phía sau lưng, từ phía cánh tay.
Chẳng cần nhìn mặt tôi mà vẫn thấy thân tình.
Tôi yêu quý cái bình thường
Và cái bình thường cũng cho tôi tình yêu mới
Cái bình thường dạy tôi biết quên mình đi để làm một hạt gạo,
chứ đừng làm hạt gạo gãy đôi.
Và tôi đủ sức leo lên tận đỉnh đồi
Chẳng có đỉnh núi nào cao hơn chóp vú người yêu,
Tôi chưa thấy ngôi sao nào cao hơn trán tôi…

6

Cây táo sau nhà chỉ chín vào mùa đông,
Buồng cau trước cửa cũng già vào mùa đông,
Những cuống quả ngày đêm lo sợ,
Những cơn gió bắc gầm gào,
Nước mắt mẹ cũng già, cũng chín thành giọt trong mùa đông
mỗi khi ra vườn vào cửa, mỗi khi nhìn bếp lửa, mỗi khi đếm từng hạt cơm.

Cuộc chiến tranh cũng gầm gào réo rít,
Bóng một người lính qua cổng cũng làm mẹ giật mình, chợt mừng chợt lo,
Cái thắc thỏm nhiều hơn sự tin chắc.
Ánh mắt của người lính lạ mặt lia vào cổng,
Cái thận trọng, rụt rè của người lính hỏi thăm đường…

Bảy lần mẹ sinh con gái
Nỗi lo này giống nỗi lo lúc chuyển bụng sinh con.
Mười lần táo chín,
Mười lần cau già,
Mười lần nước mắt mẹ rụng vào vạt áo lại thấm khô.
Và rồi cũng vào một mùa đông nào đó,
Táo chín chia hết cho trẻ nhỏ láng giềng
Cau già nhường cho những lứa đôi may mắn
Lúc đó nước mắt mẹ rụng đầy mặt con.

Và lần thứ hai nước mắt của con lọt vào tai mẹ,
Con bé bằng lúc mới sinh
Con làm sao nghe được tiếng rơi của giọt nước mắt
Làm sao nhìn được nụ cười trên gương mặt mẹ.
Dù cả hai lần sinh ra con đã thành người.
Vẫn chỉ mẹ nghe được tiếng khóc của con
Lần đầu ấy
Và cả lần thứ hai này,
Nhưng lần này, mẹ phải hỏi con:
Ai sinh ra con để con về với mẹ?

7

Đi làm đảng viên
Đi làm liệt sĩ,
Tất cả đều không thành
Chỉ là thương binh.

Thương binh không vết sứt ngoài da,
Thương binh có những vết rách trong phổi,
Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội.
Thương binh có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan,
Có vết đạn trong van tim, có vết loét lam nham trong dạ dày.
Và nguy hiểm nhất là có tế bào lạ biến hình của chất độc da cam nằm lặng yên, mỉm cười thâm trầm trong máu…
Chỉ có bộ óc là không hề sây sứt gì,
Bộ óc thêm những vết nhăn hằn sâu
Thêm những chất xám trong tinh chất
Bộ óc được thêm nếp gấp,
Diện tích có thể bọc được địa cầu,
Chiều dài có thể nối tới những ngôi sao xa nhất
Chiều sâu không thể đo bằng đáy đại dương.
Bộ óc không nguyên lành khi qua chiến tranh,
Nhưng cái đổi thay không làm thương tổn,
Mà là sự sống lớn.
Không có cái gì chết đi trong bộ óc
Chỉ có những điều
Tạm quên
Lánh vào vô thức
Sẽ có ngày được khơi lên…

8

Ra đi từ vùng đồi,
Ra đi từ ngôi nhà cũ.
Ngôi nhà cũ
Là những mảnh nợ chắp vào nhau,
Cây cột
Là gốc xoan cộc ở vườn sau ông ngoại,
Cái kèo, cái rui, cái gianh cái rạ,
Cả những miếng vá bằng vải nhựa rách, mẹ nhặt, khi chiều tàn phiên chợ những năm mất mùa, để đắp lên cho kín cây rui gian giữa.
Tất cả là của người ta
Mình đã có chi gọi là làm chủ.

9

Chiến tranh – tan những gia đình
Chiến tranh – gắn chặt xã hội,
Những gia đình kiểu Việt Nam: con trâu đi bừa, chồng cày vợ cấy.
Giặc đến mấy chục năm nay
Lúc vắng cha, là lúc tan nhà
Lúc vắng con nhà không còn
Một mình mẹ, gồng gánh, tảo tần, lặn lội đằng đẵng một chiều dài không gian lặp đi lặp lại hai màu sớm – tối, trên một không gian ruộng, chợ, làng, nhà…
Thế mà vẫn lớn hơn, không gian và thời gian của con và của cha đi xa.

10

Chẳng phải mẹ để rách và chờ con đâu
Mẹ thừa sức làm được ngôi nhà mới.
Vì mỗi nếp nhăn dài và rối
Mỗi sợi tóc hàng ngày bạc vội
Là lời giục giã của xóm giềng
Là cái dáng giơ lên của con dao lưỡi liềm
Chỉ chờ mẹ gật đầu là chặt tre cắt rạ.
Mẹ cứ im lặng
Cái im lặng nặng trơ như đá
Mẹ chẳng dám chối từ ai.
Mẹ chỉ dám thở dài lúc một mình quên mất
Mẹ chờ hết thời loạn li
Con đi
Có lúc vọng lại tiếng đồn buồn
lời nói mẹ bỏ ngoài tai nhưng trong bụng bồn chồn.
Mẹ chờ
Mẹ tin ngày hoà bình sẽ đến.
Con có về không?
Đó là câu hỏi không thể tự dối lòng
Cứ lấp lửng một mối lo chiến tranh
Không dám nghĩ đến sự nguyên lành
Chỉ mong con đừng mất.

Cha tôi đang nói:
Cha không bao giờ mắc tội với con.
Con cứ đi đi rồi con sẽ hiểu.
Không có con đường nào dài bằng suy nghĩ của con đâu,
Không có cánh rừng nào nhiều cây bằng suy nghĩ của con đâu.
Con hãy đi đi!
Vượt Trường Sơn đến tận mũi Cà Mau,
Con sẽ thấy suy nghĩ của con phải gấp đi, gấp lại, như cuộn dây thừng cha đang cầm trên tay đây.
Tất cả những con đường con sẽ đi chỉ dài bằng đoạn gấp.
Còn suy nghĩ của con sẽ dài bằng cả sợi dây thừng.
Hãy đi đi! Tìm lấy những điều dại mà học
Con sẽ phải tự khôn lên
Nếu chỉ toàn những điều khôn lọt vào con, con sẽ không vượt ra khỏi mình được.
Con không chết được đâu, đừng sợ!
Cũng như mẹ, ở trong cha, con là mãi mãi.

Điều nhớ nhất là trung thực
Đấy, cha đã phải tự nói ra hai chữ ấy, tức là cha đã phải cắt một đoạn ruột của cha cầm trong tay để con được nhìn tận mắt.
Nói như vậy để rõ rằng cha không có lỗi
Nếu còn đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha, may ra con mới hiểu được một chữ,

Hãy đi đi!
Hãy nhớ lấy!
Ở dưới bảy thước đất này, có một nắm xương của con nằm dưới đó
Đừng quên là hàng năm, cha phải quỳ vái trước nắm xương đó.
Người ta ví chiều cao của núi Thái Sơn và cái vô tận của cái vô nguồn
Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao
Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha.
Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người.
Hãy lương thiện hơn trong việc này nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ.

Hãy đi đi!
Học lấy những điều dại
Để gấp khúc những suy nghĩ của mình lại thành cuộn thừng lớn,
Lúc đó con sẽ yêu quý cha bằng cả sợi dây thừng.

11-1984

Chuyện đời mẹ

Chuyện đời mẹ

Con chẳng về đâu dù mưa hay nắng
Sông Thu Bồn trăng tháng bảy còn in
Mười năm trời con làm mây viễn xứ
Mười năm dài biền biệt dấu chân chim

Ngày mẹ chết con chưa tròn một tháng
Cha tảo tần sớm nắng với chiều mưa
Thiếu sữa mẹ đời con thành đại hạn
Thiếu lời ru con lớn với lọc lừa

Ngày mẹ chết con nằm trong máng cỏ
Có hay đâu mây kéo một phương trời
Cha vấn cho con một vành tang nhỏ
Con mang đi, đi suốt phận con người

Từ mẹ chết cha một đời góa bụa
Sống âm thầm trong mái lá tường xiêu
Xin cho con bú từng hơi sữa lạ
Giọt mồ hôi nhỏ xuống chén cơm chiều

Những đêm mưa con nằm nghe cha kể
Chuyện đời cha dài như một giòng sông
Mẹ có đẹp? Cha nhìn xa không nói
Nhưng con nghe dao cắt ở trong lòng

Chuyện cha mẹ gặp nhau không cưới hỏi
Buổi giao thời xiêu lạc cả bà con
Rượu tân hôn cha thay bằng nước vối
Dưới hàng tre Nghi Hạ nắng hanh vàng

Và phương ấy bao mùa mưa sẽ đến
Nấm mồ hoang hương khói lạnh từ đây
Cầu xin mẹ bình yên qua chín cõi
Trên dương gian con nối cuộc lưu đày

Ngoại

Ngoại

Tác giả: Phan Thành Minh

Hương thu trĩu cánh lá vàng
Ngỡ con bướm lạc bên hàng giậu thưa
Cành cao gõ kiến ếm bùa
Nắng rơi về phía đung đưa dịu dàng

Ác là bói thóc đồng hoang
Dăm ên sáo sậu mơ màng lưng trâu
Sắt son đậu xuống môi trầu
Nhớ quên nhắc ngoại
Gật đầu
Ra ni…

Quặn lòng mỗi bước chân đi
Trăm roi khất nợ những khi mẹ còn
Bây giờ mây trắng đầu non
Không ai hỏi nợ… lòng con ngậm ngùi

Tím bầm cả giậu mồng tơi
Xót xao chuông khánh
Nghẹn lời khói hương
Người đi vào cõi nhớ thương
Cong oằn lưng ngoại gió sương lặng thầm.