Con gà đất, cây kèn và khẩu súng

Con gà đất, cây kèn và khẩu súng

Nhân nghĩ về người thổi kèn trong “Mũi thép” kịch của Nguyễn Vũ

I.
Con gà đất bảy màu
Sống bằng hơi con trẻ
Hùng dũng gọi mùa xuân
Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia lạc
Ngày vui bay trong tiếng gà giòn giã
Buổi sáng, buổi trưa, buỗi chiều, hối hả
Ôi tiếng gà đầu năm
Hạnh phúc tròn trong hơi sữa
Nồng nàn mùi đất sang xuân
Những con gà đất không ăn được
Nó vỡ trên tay, trong giấc ngủ trẻ thơ
Nó vỡ trên tay, một sự thật, không ngờ
Mẹ ít tiền không đủ mua con khác
Hẹn con mùa xuân sau.
Mùa xuân sau, tuổi thơ đi qua
Con gà đất của anh không còn gáy nữa
Hạnh phúc chuyền môi một thằng bé bên nhà
Cũng tiếng gà, cũng ngày xuân, hối hả…
Lời mẹ hẹn thành xót xa.

II
Thành phố mọc như nấm độc những xnách-ba
Mỹ và đĩ
Lưỡi dao găm và đồng đô-la
Xe nhà binh trút vào đây hối hả
Một mùa xuân quay cuồng và tan rã
Một mùa xuân cố trốn một mùa đông
Những con gà ướt trụi trốn mưa giông
Anh đến:
Hai tay nâng một cây kèn
Một con gà sắt tây mẹ chưa hề hứa hẹn
Và anh không mong
Nhưng phải có tiền để không phải mua con gà mà mua sự sống
Phải có tiền để được đứng ngả ba đường
Ôi! tiếng kèn giật tròn như một vòng thòng lọng
Riết lất cổ anh
Treo anh lên giữa tiếng cười nghiêng ngửa
Những tiếng kèn
Nấc lên giữa bốn bức tường địa ngục
Ngoài cửa kia những em giơ tay gầy chầu chực
Cuối đường kia rung đất tiếng bom rơi
Đất nước đau thương giận cho anh điệu nhạc
Chẳng chia buồn, như một kẻ xa xôi
Người thổi kèn thấy đời mình xoay trong ống sắt
Muốn ngắt hơi
Anh bỗng mơ một con gà bảy sắc
Nở như hoa trên môi
Đó là con gà bốn mùa không vở nát
Gáy dưới mặt trời
Bằng nhịp thở cuộc đời
Vang trong xóm mạc
Những con gà giục mùa sinh sôi…

III
Một mùa xuân tiếng đại bác rầm rầm
Bản hành khúc những binh đoàn giải phóng
Vút từng không tiếng gió phất cờ sao
Ôi ngày hội của những người đứng lên đòi được sống
Những âm thanh ngàn sóng đại dương trào…
Người thổi kèn nhận phần mình khẩu súng
Như nhận một chỗ ngồi dưới tay nhạc trưởng
Chợt hiểu rằng, đây khao khát thẳn sâu
Mẹ đã hẹn một lần và anh đợi từ lâu
Anh đã đi từ
Con gà đất cây kèn và khẩu súng
Để nhận lấy tình yêu của thuở ban đầu

Tên đặt cho con

Tên đặt cho con

Tác giả: Thiếu Khanh

Đặt tên cho con
là Hùng là Dũng
Mai sau lớn lên
Con đừng giống Ba hèn nhát một đời
Không dám bước qua dây thép gai
Không dám nhìn nhau bốn bên
anh em ruột thịt

Đặt tên cho con là Sương là Tuyết
Mai sau lớn lên
Con đi làm nguội lửa căm hờn

Đặt tên cho con
là Đường là Mật
Mai sau lớn lên
Con mang tiếng hát ngọt ngào
Thay nỗi đắng cay chua xót
Con người áp bức lẫn nhau.

Đặt tên cho con
là Ruộng là Vườn
Mai sau lớn lên
Con làm người Việt Nam da vàng
Biết quê hương mình tan nát
Đạn bom ghim sâu thương tích
trên thi thể nước non
Biết biển sông ngầu đỏ
Núi cao lở lói
Nương rẫy khô cằn.

Đặt tên cho con
là Việt là Nam
Mai sau lớn lên
Con không làm người Âu người Mỹ
Nhìn đồng bào con đói no lây lất
Bằng đôi mắt ngoại nhân hờ hững
lạnh lùng

Và để mai sau
Ba xong cuộc chiến trở về
Tên con nhắc nhở
Ba khô nước mắt tủi cực chiến tranh
Âu yếm gọi con
Bằng tình thương yêu còn lại.

Viết cho các con tôi

Viết cho các con tôi

Kính dâng Mẹ

Khi các con khôn lớn thế nào cũng nghe kể chuyện đời ba
Chuyện một nhà thơ yêu hòa bình nên bị đời cho đi khiêng đạn
Khi chiều xuống, bụi mù trời trên ngọn đồi ba đóng
Ba bắt đầu thương nhớ các con ba
Dù ở tiểu khu này ba là tên tiểu tốt
Nhưng các con nên tự hào ở tấm lòng ba

Ôi câu chuyện người anh hùng lỡ vận
Nên bụi đời cùng những kẻ ngu phu
Ðó là câu chuyện đời ba các con cần phải nhớ
Ôi một quãng đời dài lê bước ưu du

Ba không cực lòng khi bị đời khinh rẻ
Con đường ba đi đã chọn từ lâu
Nhưng khi nhìn những đám hoa râm trên đầu tóc nội
Ba đã khóc thầm khi nghĩ đến mai sau

Rồi mai mốt khi các con đã lớn
Hãy tìm trong trang nhục sử Việt Nam
Ðể thấu hiểu vì sao ba khổ cực
Vì sao nên đất nước lầm than

Con hỏi cha

Con hỏi cha

Tác giả: Chế Lan Viên

Con hỏi cha: “Bom có giết chết mèo?”
“Có. Khi xuống hầm, con hãy nhớ mang theo.”
Con lại hỏi: “Bom có giết thỏ cao-su và ngựa gỗ?”
Ôi! Đồ chơi trẻ bao lần hoen máu đỏ!
Con hỏi cha: “Bom có giết mẹ không?”
“Không.” Và cha ôm con, nước mắt lưng tròng!
Con lại hỏi: “Bom có thể giết chết con không đấy?”
Đừng có hỏi, con ơi, đừng có hỏi,
Để ngày mai cha ra trận cho con.

Ra đi

Ra đi

1

Ra đi từ một làng quê bên chợ,
Ở đây là vùng đồi,
Không có biển, nên từ “biển” cũng xa xôi
Có người già chỉ thấy biển qua mắm tươi khô cá
Nơi này có ngã ba sông,
Có đò dọc đò ngang, nhưng không có tàu,
Có chợ, chưa có phố.

Hết cuộc chiến tranh này, đến cuộc chiến tranh kia
Thay nhau đè lên những mái gianh
Mái gianh mùa hanh cháy nhanh
Tường sỏi đen màu khói.

Không thể có thời gian dành chỗ đứng cho những nhà tầng mái bằng, mái ngói.
Chiến tranh như máy ủi,
Chiến tranh thù văn minh.

Chợ cháy,
Làng cháy.
Tre, rạ,
Không kịp dựng nhà, dựng lều
Quê hương mà ta sinh ra và quý yêu
Khổ đau là thế
Ta cũng chỉ là một viên sỏi nhỏ bong ra từ mảnh đất này.

2

Buổi ra đi ta đọc bài thơ,
Đêm sân đình gửi lời yêu thương thấm vào tất cả
Con rùa đá, con nghê đồng, viên ngói vỡ, bức tường rêu phong.
Tan vào cả nước đục ngã ba sông, chỉ xin gửi vào lòng người một giọt thương, giọt nhớ.
Bài thơ ngây thơ
Người nghe cũng hồn nhiên ngây thơ
Cái thời sẵn lòng tin và dễ đồng lòng
Cái thời dễ nghe, hay khen
Cái thời, quen nghĩ theo một chiều xuôi như chiều nước chảy
Vì vậy
Mà bài thơ tìm ra cái chết
Lại được người nghe rưng rưng…

3

Cha tôi vắng mặt,
Người đã tiễn tôi bằng cái nhìn như vuốt vào đôi mắt,
Đó là lúc người khuyên tôi vào đại học, mà tôi quyết ra đi…

Bà nội
Ngồi nơi cửa bếp
Cái nhìn và cái gật đầu của bà là lời vĩnh biệt
Bà chết, sẽ vắng mặt tôi

Mẹ
Hết đứng lại ngồi,
Chạy ra, chạy vô,
Mẹ không bước ra ngoài ngưỡng cổng
Chỉ có ánh mắt mẹ là vượt qua cả đích đi của con.
Khúc lưng cong của con đường làm cho con ngoái lại.
Mỗi khúc quanh là sự lìa xa cái cũ,
Và là cái nhìn lệch hướng với đích đang đi.
Chân mẹ vẫn bám trên đất nhà mình
Con cảm rằng ở đấy có cây sung cây vả
Con ước khúc đường quanh này hãy vật vã, vồng lên như càu vồng, để con leo lên, cho con thấy mẹ.
Trên đường con đi,
Hun hút trong tâm sâu ý nghĩ chỉ là dáng mẹ tiễn con,
Đó cũng là dáng mẹ chờ con và đón con.
Lời hẹn “trở về” chưa chắc đã còn, nhưng con mãi mãi vẫn là con mẹ,
Mẹ cứ buồn cứ lo, cứ bạc đầu, cứ ốm đau, vì làm sao khác được.
Chỉ dáng mẹ với cái nhìn là không có sau có trước, không lụi tàn, không mờ phai.
Chỉ một lần như vậy, và như vậy mãi không thôi.

4

Em không chia tay anh ngày ra đi,
Em tiễn anh ở nơi trường sơ tán.
Buổi ra đi
những đôi trai gái tiễn đưa nhau
Tiếng khóc dùng dằng.
Em vắng,
Nhưng cái nhìn của em vọng từ xa lặng
Để chỉ mình anh được ngắm em nhiều…

Hai trái đồi quê hương như hai vú người thương
Vồng lên trên cánh đồng lúa quê hương đương thì con gái
Gió hè mát và màu gió xanh như màu lúa vậy
Ngực cánh đồng chắc khoẻ thơm hương trinh trắng dậy thì.

Hai trái đồi là hai trái vú
Anh đã lớn lên bằng những dòng sữa thơm ngọt từ đây
Đậu, sắn, ngô, khoai có cả màu hoa sim tím.
Ở dưới chân đồi có cái giếng,
Không biết ai đào, tự thuở nào,
Miệng giếng bằng miệng nón em
Quanh năm viền hoa sim và cỏ chỉ.
Giếng chỉ sâu bằng đáy nón
Nhưng nước không bao giờ cạn.
Như chiều sâu lòng em
Sâu đến độ không đựng nổi vành môi khi anh quá yêu.
Nhưng em không chiều, em che chiếc nón.
Trên bờ giếng là hòn đá tảng,
Có một vệt bàn chân đủ từng đường vân năm ngón.
Khuôn bàn chân bằng cả người anh.
Thuở chăn trâu
Có lúc anh đã áp thử lưng mình.
Em cười, khóc sợ run người không can nổi.
Em không mách mẹ,
Để đêm ấy hai đứa vặn nhỏ đèn canh chừng bóng tối.
Mờ sương em đứng đợi anh
Chẳng có thánh thần nào vật nổi nghĩa tình,
Con trẻ thương nhau thương từ tấm bé…

Bàn chân vị thần núi tự thuở nào không rõ
chỉ có bàn chân phải
Em cứ hỏi anh
Thế còn bàn chân trái?
Anh nói như dỗ dành,
Để ngày lớn khôn anh sẽ đi tìm nốt bàn chân
Em lặng im,
Em nhìn, như mơ về cái hướng nào ấy mà anh sẽ đi trong mai sau lớn khôn.

Tuổi bé thơ không đi hết vòng đồi
Không leo qua chóp vú,
Ngang lưng đồi là con đường đỏ
Vành nón chao nghiêng, chiếc quai hồng hằn nghiêng.
Nắng xiên khoai, xiên vào mặt phải bàn chân.
Anh xa em, để anh đi tìm nốt bàn chân trái của thần.

Anh đi để lại dáng chờ
Anh đi mang theo nửa phần nỗi nhớ
Tất cả những gì sau lưng còn nợ
Sẽ trả phía bên kia thời gian,
– NĂM NĂM, MƯỜI NĂM, HAI MƯƠI NĂM, HOẶC LÂU HƠN NỮA
Em có đứng được không?

5

Đi bằng chân cũng đến được chiến trường,
Ngày hôm nay lại thêm một con người bay vượt ra ngoài sức hút của trái đất để đến một hành tinh.
Chiến trường thêm ta,
Chiến tranh thêm ta,

Và vũ trụ cũng nhận thêm một con người mới.
Cả hai việc giống nhau là ĐẾN.
Cả hai chiều đi cùng có một chặng đường
Cả hai chiều đi đều phải canh chừng cái chết
Phải cùng sống và cùng đến đích
Cái đích cuối cùng là hoà bình.
Đi chân đất vào chiến tranh,
Đi tàu vũ trụ vào mây xanh.
Những hạt gạo đều và cùng trắng,
Những dé lúa uốn cong một chiều cong lưỡi câu,
Những quả trứng cùng tròn một vòng tròn trứng.
Hạt gạo gãy đôi,
Dé lúa đứng thẳng,
Trái trứng đập ra.
Lúc đó ta mới nhận ra cái riêng của chúng.

Tôi đi vào đồng đội
Để
Làm một dé lúa uốn câu,
Làm một quả trứng như những quả trứng.
Tôi không còn là tôi nữa
Từ rất xa,
Trên đường bằng, hay trên chót vót núi cao, ai cũng gọi được tên tôi.
Ai cũng có thể nói chuyện với tôi từ phía sau lưng, từ phía cánh tay.
Chẳng cần nhìn mặt tôi mà vẫn thấy thân tình.
Tôi yêu quý cái bình thường
Và cái bình thường cũng cho tôi tình yêu mới
Cái bình thường dạy tôi biết quên mình đi để làm một hạt gạo,
chứ đừng làm hạt gạo gãy đôi.
Và tôi đủ sức leo lên tận đỉnh đồi
Chẳng có đỉnh núi nào cao hơn chóp vú người yêu,
Tôi chưa thấy ngôi sao nào cao hơn trán tôi…

6

Cây táo sau nhà chỉ chín vào mùa đông,
Buồng cau trước cửa cũng già vào mùa đông,
Những cuống quả ngày đêm lo sợ,
Những cơn gió bắc gầm gào,
Nước mắt mẹ cũng già, cũng chín thành giọt trong mùa đông
mỗi khi ra vườn vào cửa, mỗi khi nhìn bếp lửa, mỗi khi đếm từng hạt cơm.

Cuộc chiến tranh cũng gầm gào réo rít,
Bóng một người lính qua cổng cũng làm mẹ giật mình, chợt mừng chợt lo,
Cái thắc thỏm nhiều hơn sự tin chắc.
Ánh mắt của người lính lạ mặt lia vào cổng,
Cái thận trọng, rụt rè của người lính hỏi thăm đường…

Bảy lần mẹ sinh con gái
Nỗi lo này giống nỗi lo lúc chuyển bụng sinh con.
Mười lần táo chín,
Mười lần cau già,
Mười lần nước mắt mẹ rụng vào vạt áo lại thấm khô.
Và rồi cũng vào một mùa đông nào đó,
Táo chín chia hết cho trẻ nhỏ láng giềng
Cau già nhường cho những lứa đôi may mắn
Lúc đó nước mắt mẹ rụng đầy mặt con.

Và lần thứ hai nước mắt của con lọt vào tai mẹ,
Con bé bằng lúc mới sinh
Con làm sao nghe được tiếng rơi của giọt nước mắt
Làm sao nhìn được nụ cười trên gương mặt mẹ.
Dù cả hai lần sinh ra con đã thành người.
Vẫn chỉ mẹ nghe được tiếng khóc của con
Lần đầu ấy
Và cả lần thứ hai này,
Nhưng lần này, mẹ phải hỏi con:
Ai sinh ra con để con về với mẹ?

7

Đi làm đảng viên
Đi làm liệt sĩ,
Tất cả đều không thành
Chỉ là thương binh.

Thương binh không vết sứt ngoài da,
Thương binh có những vết rách trong phổi,
Được hàn lại bằng kháng sinh và tình đồng đội.
Thương binh có siêu vi trùng nằm ngủ trong gan,
Có vết đạn trong van tim, có vết loét lam nham trong dạ dày.
Và nguy hiểm nhất là có tế bào lạ biến hình của chất độc da cam nằm lặng yên, mỉm cười thâm trầm trong máu…
Chỉ có bộ óc là không hề sây sứt gì,
Bộ óc thêm những vết nhăn hằn sâu
Thêm những chất xám trong tinh chất
Bộ óc được thêm nếp gấp,
Diện tích có thể bọc được địa cầu,
Chiều dài có thể nối tới những ngôi sao xa nhất
Chiều sâu không thể đo bằng đáy đại dương.
Bộ óc không nguyên lành khi qua chiến tranh,
Nhưng cái đổi thay không làm thương tổn,
Mà là sự sống lớn.
Không có cái gì chết đi trong bộ óc
Chỉ có những điều
Tạm quên
Lánh vào vô thức
Sẽ có ngày được khơi lên…

8

Ra đi từ vùng đồi,
Ra đi từ ngôi nhà cũ.
Ngôi nhà cũ
Là những mảnh nợ chắp vào nhau,
Cây cột
Là gốc xoan cộc ở vườn sau ông ngoại,
Cái kèo, cái rui, cái gianh cái rạ,
Cả những miếng vá bằng vải nhựa rách, mẹ nhặt, khi chiều tàn phiên chợ những năm mất mùa, để đắp lên cho kín cây rui gian giữa.
Tất cả là của người ta
Mình đã có chi gọi là làm chủ.

9

Chiến tranh – tan những gia đình
Chiến tranh – gắn chặt xã hội,
Những gia đình kiểu Việt Nam: con trâu đi bừa, chồng cày vợ cấy.
Giặc đến mấy chục năm nay
Lúc vắng cha, là lúc tan nhà
Lúc vắng con nhà không còn
Một mình mẹ, gồng gánh, tảo tần, lặn lội đằng đẵng một chiều dài không gian lặp đi lặp lại hai màu sớm – tối, trên một không gian ruộng, chợ, làng, nhà…
Thế mà vẫn lớn hơn, không gian và thời gian của con và của cha đi xa.

10

Chẳng phải mẹ để rách và chờ con đâu
Mẹ thừa sức làm được ngôi nhà mới.
Vì mỗi nếp nhăn dài và rối
Mỗi sợi tóc hàng ngày bạc vội
Là lời giục giã của xóm giềng
Là cái dáng giơ lên của con dao lưỡi liềm
Chỉ chờ mẹ gật đầu là chặt tre cắt rạ.
Mẹ cứ im lặng
Cái im lặng nặng trơ như đá
Mẹ chẳng dám chối từ ai.
Mẹ chỉ dám thở dài lúc một mình quên mất
Mẹ chờ hết thời loạn li
Con đi
Có lúc vọng lại tiếng đồn buồn
lời nói mẹ bỏ ngoài tai nhưng trong bụng bồn chồn.
Mẹ chờ
Mẹ tin ngày hoà bình sẽ đến.
Con có về không?
Đó là câu hỏi không thể tự dối lòng
Cứ lấp lửng một mối lo chiến tranh
Không dám nghĩ đến sự nguyên lành
Chỉ mong con đừng mất.

Cha tôi đang nói:
Cha không bao giờ mắc tội với con.
Con cứ đi đi rồi con sẽ hiểu.
Không có con đường nào dài bằng suy nghĩ của con đâu,
Không có cánh rừng nào nhiều cây bằng suy nghĩ của con đâu.
Con hãy đi đi!
Vượt Trường Sơn đến tận mũi Cà Mau,
Con sẽ thấy suy nghĩ của con phải gấp đi, gấp lại, như cuộn dây thừng cha đang cầm trên tay đây.
Tất cả những con đường con sẽ đi chỉ dài bằng đoạn gấp.
Còn suy nghĩ của con sẽ dài bằng cả sợi dây thừng.
Hãy đi đi! Tìm lấy những điều dại mà học
Con sẽ phải tự khôn lên
Nếu chỉ toàn những điều khôn lọt vào con, con sẽ không vượt ra khỏi mình được.
Con không chết được đâu, đừng sợ!
Cũng như mẹ, ở trong cha, con là mãi mãi.

Điều nhớ nhất là trung thực
Đấy, cha đã phải tự nói ra hai chữ ấy, tức là cha đã phải cắt một đoạn ruột của cha cầm trong tay để con được nhìn tận mắt.
Nói như vậy để rõ rằng cha không có lỗi
Nếu còn đi được bằng hai chân về đứng trước mặt cha, may ra con mới hiểu được một chữ,

Hãy đi đi!
Hãy nhớ lấy!
Ở dưới bảy thước đất này, có một nắm xương của con nằm dưới đó
Đừng quên là hàng năm, cha phải quỳ vái trước nắm xương đó.
Người ta ví chiều cao của núi Thái Sơn và cái vô tận của cái vô nguồn
Núi Thái Sơn rất cao nhưng vẫn là một chiều cao
Con không được lấy chiều cao ấy mà đo công lao của cha.
Nếu dùng chiếc cân, nếu dùng cây thước, để làm rõ ra tình yêu thì đó là điều tàn nhẫn của con người.
Hãy lương thiện hơn trong việc này nếu con không bao giờ nghĩ về cha như người đời đang nghĩ.

Hãy đi đi!
Học lấy những điều dại
Để gấp khúc những suy nghĩ của mình lại thành cuộn thừng lớn,
Lúc đó con sẽ yêu quý cha bằng cả sợi dây thừng.

11-1984

Nhớ nhà khi đi hành quân

Nhớ nhà khi đi hành quân

Tác giả: Lê Nguyên Ngữ

Nắng nhạt đường truông rừng lá đậm
Dừng quân dưới núi buổi hoàng hôn
Cây rừng lính nấu cơm xanh khói
Gió thấp luồn qua mấy trũng mòn

Ven rừng thơ thẩn đi tìm táo
Lót lòng dăm quả đợi chờ cơm
Chợt nhớ mẹ chiều xưa cố quận
Nấu cơm chái bếp khói xanh rờn

Cơm chiều thường dọn bên giàn mướp
Đầu bạc đầu xanh mâm kín hơi
Giờ cơm nón sắt bên rừng bụi
Nửa cháy nửa khê chẳng kịp mời

Ba năm làm lính mê chinh chiến
Nhớ mẹ đôi lần nhớ phớt qua
Chiều nay bỗng nhớ sao là nhớ
Một mẹ quê xa tuổi hạc già

Một mẹ ngày đi đầu nhuốm bạc
Bây giờ chắc tóc quyện màu mây
Rừng núi khuất quanh đường trở lại
Vời trông cố quận khói mây bay

Mây bay về thấp ngang rừng thấp
Gối súng nằm trên chiếu lá khô
Thương mẹ xưa lo từng chỗ ngủ
Nay sống qua đêm giữa bụi bờ

Đêm chỗ con nằm thơm lá mục
Mơ về quê mẹ ngát hương cau
Thức giấc di quân trời chửa sáng
Trăng lạnh đường truông bạc chiến hào

Khúc một

Khúc một

Tác giả: Thanh Thảo

“Người ta không thể chọn để được sinh ra nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”

Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi
Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ
Chuyến tàu tăng-bo ngoài ga sơ tán
Vẳng tiếng còi đêm có bao người vội nói lời chia tay
Ngày mai con đi
Nửa đất đai này mẹ gánh
Sông Cầu chảy lơ thơ
Sông Hồng trằn sóng đỏ
Tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ
Đêm cuối cùng bên con mắt mẹ dệt những gì
Làm sao con hiểu hết
Cả đời mẹ chưa từng viết một bức thư
Dù chỉ dăm ba chữ
Ngày mai con đi
Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ
Chiếc áo bọc hình hài mẹ cho
Bọc trái tim dòng máu mẹ cho
Không bao giờ đổi khác

Mẹ ơi, sau khi sống đêm từ giã ấy năm năm rồi
Sau khi sống ngày 30 tháng 4 đất nước
Sau khi sống bao bạn bè đã chết
Con xin lại bắt đầu từ mẹ
Từ cơn ho của mẹ một mình khuya khoắt
Từ dáng đi dáng ngủ của mẹ hằn vất vả
Làm sao con hiểu hết
Mẹ đã hát ca dao
Mẹ giặt áo bên cầu
Hồn nhiên gió bay dải yếm

Cho con xin bắt đầu từ mẹ
Để nói về chúng con
Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
Xanh màu áo lính
Đã từng sung sướng đã từng nghẹn ngào
Được làm con mẹ
Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt
Những năm
Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
Những năm
Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời

Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!

Gục đầu bên mộ mẹ

Gục đầu bên mộ mẹ

Gục đầu bên mộ mẹ
Nước mắt chìm tha ma
Lụa tâm hồn ai xé
Kinh cầu ai ngân nga

Lòng ta hằng mơ ước
Có hôm nao được về
Con tàu xuôi bến nước
Hân hoan vang tình quê

Mẹ ơi ngày ấy đến
Chúng không cho con về
Ôi lũ người chưa yêu mến
Và những tấm lòng chưa biết say mê!

Lòng chúng làm bằng thép
Tim chúng vấy bùn nhơ
Cầu hư danh gượng ép
Chà đạp lên giấc mơ

Thế là hết mẹ ơi
Tàu nhổ neo đi rồi
Con không về với mẹ
Máu rướm mềm lên môi

Nghiến răng kìm căm tức
Lang thang chiều tha ma
Quên làm sao u uất
Nguôi làm sao xót xa

Gục đầu bên nấm mộ
Mẹ ơi con không về
Chuông nhà thờ ai đổ
Ai nghe buồn lê thê

Ngày hòa bình đầu tiên

Ngày hòa bình đầu tiên

I.
Anh về lại ngôi nhà mình
Sau mười năm chiến tranh.
Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,
Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,
Mưa… Mưa… Mưa…
Mưa ngoài trời
Khắp nơi,
Mưa ngoài sân,
Nhưng cũng mưa cả trong nhà…
Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…
Nhà dột.
Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột
Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.
Mắc võng.
Lại mắc võng.
Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.
Võng đưa sẽ ướt,
Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh đung đưa
Ngày xưa,
Chỗ ướt mẹ nằm, sau mười năm
Vẫn chỗ mưa mẹ đứng
Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo
Ðừng để ngọn lửa rụng!
Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…
Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên
Ru êm cánh võng.
Người lính nằm im,
Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng
Trong đêm hòa bình đầu tiên.

II.
Không có trái bom nào rơi đúng nhà mẹ,
Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ
Chỉ có đứa con trai đi xa
Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống
Ðã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ khác nhau
Nắng mưa lọt vào sau
Xuyên
Xối
Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối, cũng chỉ dài
Bằng một phần sự mong đợi
Và những hạt nắng, những hạt mưa nếu đem xếp lại, có thể cao hơn mọi trái núi.
Mười năm, cũng chỉ là thoáng qua,
Vì tuổi mẹ sáu bẩy lần hơn,
Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn…
Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ
Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ
Chứ không phải chiến tranh.
Có phải những viên đạn trong vô hình ý nghĩ
Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé
Ðã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ
Như những hạt nắng hạt mưa giọt sót vào đây,
Ðể ai ai cũng phải nhìn và vội ngoảnh đi ngay…
Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng một lần tin, một lần vui,
Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.
Chẳng có na-pan, lân tinh, phốt-pho
Chỉ có mưa nắng,
Sự xa vắng,
Khiến mái rạ mục mủn, bạc như màu tóc bạc,
Ðôi sẻ tự tình bị hẫng hốt hoảng vù lên, bụi mù như tro bay…
Mong đợi
Yêu đương,
Giả định: sống chết
Của mẹ về con, làm cho con được sống.
Con trở về giản dị,
Cái ngõ nhỏ, mái nhà quê,
biến thành cổng trời, thành lâu đài trong mắt mẹ đón con.
Buổi sớm,
Nắng xiên nghiêng,
Anh nằm ngửa,
Mái nhà có mắt nhìn anh
Người lính
Lần đầu tiên giật mình…
Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,
Những con đường sáng lên như nắng
Và mỗi người là hạt bụi lung linh.
Mẹ vẫn lên nhà xuống bếp một mình,
Chiến thắng của mẹ là anh
Niềm vui của mẹ là anh.
Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh…
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình
Thành những mũi tên
Thành những viên đạn,
Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
Phải nhận tất cả,
Vẫn anh.
Hôm qua chưa nhận một viên đạn
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này
Hai bàn tay.
Mẹ giục:
– Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà

Mùi ổ rơm.

1985