Quê mình giờ nóng lắm phải không Cha

Quê mình giờ nóng lắm phải không Cha
Tháng 6 về đang đúng vào vụ gặt
Lại thương Mẹ thêm quầng trên khóe mắt
Vai Cha gầy như gánh cả Miền Trung.

Tuổi thơ con dẫu sống giữa bao dung
Cũng từng trải cảnh chân bùn, tay lấm
Mà mãi đến bây giờ con mới thấm
Cái gian truân, vất vả ở quê nhà.

Bữa cơm đứng, ăn tạm mấy quả cà
Bát nước rau buổi trưa về uống vội
Sáng ra đồng, gà gáy, trời đang tối
Lúc trở về bóng đã ngã tròn xoe…
Hai ống quần nặng trĩu bởi bùn quê
Vẫn chợp mắt ngon lành trên phản gỗ,
Mây đen đến lại “vắt chân lên cổ”
Chạy quáng quàng như tắm cả mồ hôi.

Những trưa hè, rải lúa giữa nền vôi
Nắng đổ xuống nơi đỉnh đầu bỏng rát
Những cơn mưa tháng năm thường nặng hạt
Đến rồi đi, nhưng chẳng hẹn bao giờ.
Biết quê mình mọi thứ đã khác xưa
Cuộc sống đổi thay, chẳng như ngày trước
Nhưng Cha ạ! Làm sao con quên được
Hình ảnh năm nao…một thủa cơ hàn.

Người bé tẹo, cao chưa quá mặt bàn
Chân đạp máy, tay với lên chia lúa
Da sạm màu trong bộ đồ diêm dúa
Ngước nhìn Cha, con miệng mếu, mắt tròn
Qua ngày tháng rồi ai cũng lớn khôn
Cũng lựa chọn cho riêng mình cuộc sống
Nhưng mỗi lúc nhớ quê hương, đồng ruộng
Thương Cha mình, mặn chát giọt mồ hôi.

Có ai về xin nhắn nhủ giùm tôi
Rằng tôi nhớ mùi rơm khô ngai ngái
Nhớ cái nắng như “phát rồ, phát dại”
Nhớ quê nhà xứ Nghệ, nhớ Miền Trung.

Nguồn: Thơ Phan Quang

Xem thêm một số bài thơ hay viết về tháng 6:

https://phongnguyet.info/chao-thang-6-chum-tho-tinh-viet-cho-co-gai-thang-6-dong-day-yeu-thuong

https://phongnguyet.info/tho-thang-6-khuc-tu-tinh-thang-sau-troi-mua-buon-tam-trang

Những cánh buồm

Những cánh buồm

Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Những nơi đó cha chưa hề đi đến.”

Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”

Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.

Nói với con cuối năm

Nói với con cuối năm

Tác giả: Lưu Quang Vũ

Cha lên làng sơ tán thăm con
hoa mận nở trắng vườn
năm sắp hết
chợ quê rộn rịp
vàng hương nếp mới lá rong xanh
Hai cha con ngồi trên bờ đê cao
sông chiều ngút khói
gió rạp mình cỏ dại
sau lưng Hà Nội sương mờ
thành phố vừa trải qua
những trận bom hủy diệt
lòng cha giờ dập nát
những xác người máu loang
biết nói gì với con
đôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế
cuộc chiến đã mấy chục năm trời
con mới gần ba tuổi
tia nắng sớm mong manh chùm lá mới
đêm của đời gió bão đã dài lâu
Con bi bô với bàn ghế cỏ cây
tập gọi tên các sự vật trên đời
tập tin lời người lớn
cha làm sao nói được
những khổ đau lầm lạc trên đường
các ác đen xì trong mỗi quả bom
mang mặt đẹp nói cười khôn khéo
Con hát ngọng nghịu
“vịt dắt tay gà đi chơi”
áp trán vào gò má thơ ngây
cha bỗng thấy chẳng còn gì đáng sợ
cha dạy con mến thương tất cả
rồi tự con sẽ biết căm thù
cha dạy con tin yêu từ ngọn cỏ
rồi mai sau con sẽ nghi ngờ
con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha
con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới
lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa
con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần suối mát của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha

Tết hòa bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa
– Bên kia sông là gì hở cha?
– Bên kia sông có đường đất đỏ
có ruộng mía trổ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa.
– Có bươm bướm không cha?
– Có, có rất nhiều bươm bướm
Con thì thầm trong hơi thở mạnh
– Sông rộng thế làm sao sang được?
Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
– Bên kia sông có nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò
đi sang bên ấy.

Những đồ chơi của con

Những đồ chơi của con

Suy dinh dưỡng từ trong thai
Con lớn từng ngày èo uột
Cha đi làm nhà nước
May mà mua được búp bê

À ơi con bế con chơi
Búp bê đầy đặn còn người còi xương
Này chú gấu phốp pháp
Con bồng toát mồ hôi
Cô bé ni lông mập mạp
Nằm bên con trông cọc cạch buồn cười

Chiếc xe tăng khẩu súng cũng tròn đầy
Vũ khí còn có da có thịt
Chú ngựa gỗ có ăn gì đâu mà chắc nịch
Sao con chẳng giống búp bê?

Ngày mai
Ngày mai
Ngày mai
Có thể cha sẽ kiếm cho con mọi thứ
Nhưng tuổi thơ không đến lần thứ hai.

Hãy đi qua tháng năm này con ơi
Hỡi những con búp bê béo tốt
Sao để con người còi cọc trước đồ chơi?

Giấc mơ

Giấc mơ

– Bố ơi!
Đêm qua con nằm mơ thấy mình được ăn thịt!
– Con ơi!
Bằng tuổi con bố mặc quần thủng đít
Nhiều khi bố mơ thấy mình được ăn một bữa cơm no!

Bốn mươi năm đi qua
Từ giấc mơ đến giấc mơ
Từ miếng cơm đến miếng thịt
Từ cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh kia
Vớ vẩn thay bố con ta
Sao toàn mơ những giấc mơ tầm thường tội nghiệp
Ngủ đi sẽ hết đói thôi
Để con mơ những giấc mơ đẹp
Về ngày mai ca hát đại đồng…

Ngủ đi thằng bé còi xương
Văn chương của bố đồng lương của trời
À ơi khát vọng con tôi
Bao nhiêu người
ngã xuống rồi
Còn mơ ?

Dặn con

Dặn con

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào

Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…

Cửa Lục Thủy 13.11.1991

Với con

Với con

Tác giả: Thạch Quỳ

Con ơi con thức dậy giữa ngày thường
Nghe chim hót đừng nghe mê mải quá
Qua đường đất đến con đường sỏi đá
Cha e con đến lớp muộn giờ.

Con ơi con nàng Bạch Tuyết trong mơ
Không thể nào yêu con thay mẹ được
Và vì thế, nếu khuy áo con bị đứt
Thì nói lên để mẹ khâu cho.

Và con ơi trên ấy ngân hà
Có thể rồi con sẽ lên đến được
Nhưng đêm nay thì con cần phải học
Bốn phép tính cộng trừ hay đọc một trang thơ.

Con ơi con, nếu thầy giáo dạy con
Có ánh sáng bảy màu trong ánh sáng
Thì con hỡi hãy khêu cho rạng
Ngọn bấc đèn con hãy vặn lên to.

Con ơi con, trái đất thì tròn
Mặt trăng sáng cũng tròn như đĩa mật
Tất cả đấy đều là sự thật
Nhưng cái bánh đa tròn, điều đó thật hơn!

Mẹ hát lời cây lúa để ru con
Cha cày đất để làm nên hạt gạo
Chú bộ đội ngồi trên mâm pháo
Bác công nhân quai búa, quạt lò.

Vì thế nên, lời cha dặn dò
Cũng chưa hẳn đã là điều đúng nhất
Cha mong con lớn lên chân thật
Yêu mọi người như cha đã yêu con.

Cha tôi

Cha tôi

Tác giả: Lê Đạt

Đất quê cha tôi đất quê Đề Thám
Rừng rậm sông sâu
Con gái cũng theo đòi nghề võ
Ngày nhỏ cha tôi dẫn đầu lũ trẻ đi chăn trâu
Phất ngọn cờ lau
Vào rừng Na Lương đánh trận
Mơ làm Đề Thám
Lớn lên, cha tôi đi dạy học
Gối đầu trên cuốn Chiêu hồn nước
Khóc Phan Chu Trinh
Như khóc người nhà mình
Ôm mộng bôn ba hải ngoại
Lênh đênh khói một con tàu
Sớm tối ngâm nga mấy vần cảm khái
Đánh nhau với Tây
Bỏ việc lang thang vào Nam ra Bắc
Cắt tóc đi tu nhưng quá nặng nghiệp đời
Gần hai mươi năm trời
Tôi vẫn nhớ lời cha tôi cháy bỏng
Dạy tôi làm thơ, ước mơ, hi vọng
Những câu Kiều say sưa đưa cuộc đời bay bổng
Tiếng võng trưa hè mênh mông
Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì.

Nhưng công việc làm ăn mỗi ngày mỗi khó
Cuộc đời chợ đen chợ đỏ
Thù hằn con người
“Muốn sống thanh cao đi lên trời mà ở
Mày đã quyết kiêu căng
Níu lấy cái lương tâm gàn dở
Dám không tồi như chúng tao
Suốt đời mày sẽ khổ”.

Quan lại trù cha tôi cứng đầu cứng cổ
Người “An Nam” dám đánh “ông Tây”
Mẹ ỉ eo dằn vặt suốt ngày
Chửi mèo, mắng chó
“Cũng là chồng là con
Chồng người ta khôn ngoan
Được lòng ông tuần ông phủ
Mang tiền về nuôi vợ”.

Bát đĩa xô nhau vỡ
Cha tôi nằm thở dài
Cha nhịn đi cho đỡ
Anh em tôi, bỏ cơm
Hai đứa dắt nhau ra đường tha thẩn
Trời mùa đông trăng sáng
Sao nở như hoa

Không biết Ngưu Lang trên kia
Có bao giờ cãi Chức Nữ.
Rồi cha tôi lui tới nhà quan tuần, quan phủ
Lúc về, gặp tôi đỏ mặt quay đi
Một hôm, tôi thấy chữ R.O1 treo ngoài cửa

Cha tôi không dạy tôi làm thơ nữa
Người còn bận đếm tiền ghi sổ
Thỉnh thoảng nhớ những ngày oanh liệt cũ
Một mình uống rượu say
Ngâm mấy câu Kiều, ôm mặt khóc
Tỉnh dậy lại loay hoay ghi sổ đếm tiền
Hai vai nhô lên
Đầu lún xuống
Như không mang nổi cuộc đời
Bóng in tường vôi im lặng
Ngọn đèn leo leo ánh sáng
Bóng với người như nhau
Mùi ẩm mốc, tiếng mọt kêu cọt kẹt
Ở chân bàn hay ở cha tôi?

Cuộc sống hàng ngày nhỏ nhen tàn bạo.
Rác rưởi gia đình miếng cơm manh áo
Tàn phá con người.
Những mơ ước thời xưa như con chim gẫy cánh
Rũ đầu chết ngạt trong bùn
Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng.
Cha đã dạy con một bài học lớn
Đau thương kiên quyết làm người.
Không nên lùi bước cuộc đời phải thắng.

7 – 1956

Phép chia không có lỗi

Phép chia không có lỗi

Tác giả: Phi Tuyết Ba

Con đã học làm phép chia
Con tự tìm ra thương số
Con hãy tin mọi điều trong sách vở
Dẫu ngoài đời không giống thế đâu con!

Bầu trời kia lúc đục, lúc trong
Con sông quê khi đầy, khi cạn
Không có phép chia mưa khi nắng hạn
Không có phép chia đều no ấm yên lành

Nơi con hòa bình, nơi khác chiến tranh
Phía trước văn minh, đằng sau tăm tối
Người sang, kẻ hèn, người no, kẻ đói
Trên trái đất này hạnh phúc chẳng chia đều

Lớn lên rồi con sẽ hiểu tình yêu
Không tìm được dễ dàng như phép tìm thương số
Dẫu vậy, cha vẫn muốn con tin mọi điều trong sách vở
Bởi phép chia không có lỗi đâu con!

Oan nghiệt

Oan nghiệt

Tác giả: Nguyễn Bính

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?
Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.

Ngọc nữ trót sinh vào tục lụy
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc hay là khóc
Rồi gởi cho người thiên hạ nuôi
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười
Có mẹ có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi
Vài ba năm nữa con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng “mẹ ơi”
Đời em xuống dốc tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi
Sắt son một chuyến giăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi
Cỏ bồng trở lại kinh kì được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thủy nữa hay thôi?
Rồi có một đêm màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo đời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu bảy xuân đương độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Một lứa bên giời chung lận đận
Thương nhau cha soạn khúc Tì bà
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha
“Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
“Con thuyền buộc một mối tình nhà…”
Giờ đây cha khóc vì thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệp
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn…

Huế 1941