Cõi xưa

Cõi xưa

Tác giả: Lê Đình Cánh

Con về không kịp mẹ ơi
Cơi trầu đã khép lại lời trối trăng
Mái đầu đã lạnh sương giăng
Hàng mi chớp ánh sao băng cuối trời

Cỏ xanh đã hát thành lời
Áo nâu về với cuộc đời đất nâu
Thôi đành để lại phía sau
Câu hò sông Mã nửa đau nửa buồn
Sông Chu chớp bể mưa nguồn
Trời quê bão giật mây cuồn cuộn mây…
Trăm năm cây lúa vẫn gầy
Giếng thơi muôn thuở vẫn đầy ca dao!

Về làng

Về làng

Tác giả: Nguyễn Duy

Làng ta ở tận làng ta
mấy năm một bận con xa về làng
gốc cây hòn đá cũ càng
trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay

Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng còng bạc nắng thâm mưa
bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì

Không răng… cha vẫn cười khì
rượu tăm còn để dành khi con về
ngọt ngào một chút nem quê
cay tê cả lưỡi đắng tê cả lòng

Gian ngoài thông thống gian trong
suốt đời làm lụng sao không có gì
không răng… cha vẫn cười khì
người còn là quý xá chi bạc vàng

Chiến tranh như trận cháy làng
Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu
chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa

Đường làng cây cỏ lưa thưa
thanh bình từ ấy sao chưa có gì
không răng… cha vẫn cuời khì
giàu nghèo có số nghĩ chi cho buồn

mẹ ta vo gạo thổi cơm
ba ông táo sứt lửa rơm khói mù
nhà bên xay lúa ù ù
vẫn chày cối thậm thịch như thuở nào

Lũ em ta vác cuốc cào
giục nhau bước thấp bước cao ra đồng
mồ hôi đã chảy ròng ròng
máu và nước mắt sao không có gì

Không răng… cha vẫn cười khì
đời là rứa kể làm chi cho rầu
cha con xa cách đã lâu
mấy năm mới uống với nhau một lần…

Ruột ta thắt mặt ta nhăn
Cha ta thì cứ không răng cười cười
Ta đi mơ mộng trên trời
để cha cuốc đất một đời chưa xong

Thanh Hóa, cuối 1988

Từ một dòng sông

Từ một dòng sông

Tác giả: Võ Minh Trang

Gõ cây bút hỏi thơ già mấy tuổi
Bóng trăng ngoan ngày cũ có còn không
Dòng ký ức có tung mù gió rối
Kiếp lục bình được mấy bận trổ bông?

Bờ tre cũ trên đất vườn quê cũ
Trỗi thanh bình bệu má gió nồm đông
Gọi thơ về gom mảnh trời quá khứ
Thắp hoa niên bùng cháy ngọn đèn hồng

Rủ bạn bè lột áo xuống chơi sông
Đá bò đúp hoặc chạy rong đuổi cá
Nước sông Thu-Bồn em ơi mùa hạ
Không tắm sông không thể biết được đâu

Gái chọn bên bồi trai thích vực sâu
Mà vẫn giữ trọn câu tình thu thủy
Bởi trót vay món nợ lòng thi sĩ
Nên thân đành lạ lẫm bến sông quê

Mấy mươi năm mới có buổi quay về
Thôn xóm cũ chừng lạ huơ lạ hoắc
Những đứa trẻ lớn thình không biết mặt
Bạn bè xưa tan tác sạch sành sanh

Nhìn dải Thu-Bồn thương đất Phú-Hanh
Con cá nhỏ sống trong đồng ruộng nhỏ
Lắc hàng rào vàng rưng gai mắt ó
Thương đôi chân của mẹ quá chừng thôi

Ngoài rẫy tranh lắm gai dứa xấp xôi
Trời nắng chang chang ngày dài đổ lửa
Mẹ tắm mồ hôi nhòe dòng máu ứa
Sánh tình con chưa xứng nửa lời ru

Đại lượng Mẹ cười mát giọng sông Thu
Đã lớn khôn chưa cái thằng khéo dại
Đừng bận bịu lạc lòng như con gái
Đường vào xuân gai góc lắm kia mà

Mẹ nhọc nhằn chờ đá sỏi đơm hoa
Chuối thanh tiêu nhỏ buồng nhưng trái ngọt
Nương tre lão măng non cao chót vót
Tình Mẹ tình quê nặng lắm Mẹ ơi

Dòng chảy tháng năm đắng hột bời lời
Chạnh cõi người mòn gót chân trên sỏi
Vàng trái thị khói lam chiều quê ngoại
Mái chèo thơ thổn thức buổi quay về

Đất ngày thường

Đất ngày thường

Tác giả: Hữu Thỉnh

(Trích Trường ca)

Mười bảy tuổi chắc gì mưa ướt áo
Em đứng so le bên mùa ngâu
Em chọn mùa ngâu để tha hồ lãng quên, tha hồ mơ mộng
Anh đi qua không gặp mắt em nhìn

Mưa trút nỗi niềm
Gió trên đường lai láng
Lật hạt gạo anh tìm
Em đứng cùng ai
Em đứng cùng ai
Lật hạt gạo lại thấy em đang hát
Gió có điều chi mà tìm đến sông dài

Mười năm rồi
Khúc mía gầy anh chưa hề róc vỏ
Mẹ một mình đi cấy cánh đồng xa
Mẹ đã đi hết con đường của mẹ
Hạt thóc đâu
Hạt thóc đâu
Sấm chớp trước hiên nhà

Mười bảy tuổi chắc gì mưa ướt áo
Mẹ mong em vấp phải cầu vồng
Em hẹn về tháng Tư
Bánh trôi nước vỡ đường không gặp bóng
Em hẹn về tháng Sáu
Ngọn sào tre ngấp nghé trái bòng non
Mẹ nhờ cuốc kêu
Cuốc kêu nhỏ máu
Mẹ nhờ khói bếp
Trời ngắt khói đem đi
Rau sam rau dệu rau gì
Rủ nhau thương mẹ những khi mẹ chờ

Anh xuống đò Phụng Hiệp tìm em
Lục bình trôi tránh mặt
Tôm cá quăng mình vào tiệc lớn
Ai chèo đò như dáng mẹ ta khom

Ngọn dừa vuốt gió dài thêm
Vuốt dài thêm con đường sông nước
Chẳng thấy em đâu củi rều trôi chóng mặt
Chiều động lòng cho câu lý cầm tay

Anh đi tìm em câu lý vắt vai
Người cắp thúng đi dọc đường số một
Người thắt cổ dưới gốc cây bình bát
Người đi nhờ phóng ảnh để thờ con

Mẹ ơi mây héo con xin mẹ
Cho con lên an ủi mặt trăng buồn
Chợ tan đường cũng như tan chợ
Bán được buồn hay mua được buồn hơn

Ta vay bóng mát mà không trả
Trời hiểu vì sao lại mất mùa
Ta đã qua những mặt bàn nguy hiểm
Những người hiền vương vít giữa rơm khô

Người ta bảo em rẽ qua kênh Sáng
Anh rẽ bùn qua kênh Sáng tìm em
Người ta bảo em rẽ qua tiệc cưới
Anh tới nơi bát đũa đã say mèm

Nếu em không hứa em quay lại
Cá chẳng hơi đâu đớp bóng cầu
Nếu em không hứa em quay lại
Sáo chẳng rủ đàn bổ xuống lưng trâu

Thư gửi thầy mẹ

Thư gửi thầy mẹ

Tác giả: Nguyễn Bính

Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này, đưa hộ cho thầy mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương:

Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi! Thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!
Con đi năm ấy tháng tư
Lúa chiêm xấp xỉ, giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa, quạnh nhà
Cha già đập lúa, mẹ già rũ rơm.
Cha giã gạo, mẹ thổi cơm
Có con, con vắng, ai làm thay cho?
Con dan díu nợ giang hồ
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh,
Lại mang ân ái vào mình
Cái yêu làm tội, làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình
Mình đi thương nhớ người tình xa xôi…
Ở thư này, thầy mẹ ơi!
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm
Xin thầy mẹ cứ yên tâm
Đừng thương nhớ, một vài năm, con về.
Thầy ơi, đừng chặt vườn chè
Mẹ ơi đừng bán cây lê con trồng…

Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng
Lạy thầy, lạy mẹ thấu lòng cho con.

Con gà đất, cây kèn và khẩu súng

Con gà đất, cây kèn và khẩu súng

Nhân nghĩ về người thổi kèn trong “Mũi thép” kịch của Nguyễn Vũ

I.
Con gà đất bảy màu
Sống bằng hơi con trẻ
Hùng dũng gọi mùa xuân
Mặt trời vàng long lanh trên chợ Gia lạc
Ngày vui bay trong tiếng gà giòn giã
Buổi sáng, buổi trưa, buỗi chiều, hối hả
Ôi tiếng gà đầu năm
Hạnh phúc tròn trong hơi sữa
Nồng nàn mùi đất sang xuân
Những con gà đất không ăn được
Nó vỡ trên tay, trong giấc ngủ trẻ thơ
Nó vỡ trên tay, một sự thật, không ngờ
Mẹ ít tiền không đủ mua con khác
Hẹn con mùa xuân sau.
Mùa xuân sau, tuổi thơ đi qua
Con gà đất của anh không còn gáy nữa
Hạnh phúc chuyền môi một thằng bé bên nhà
Cũng tiếng gà, cũng ngày xuân, hối hả…
Lời mẹ hẹn thành xót xa.

II
Thành phố mọc như nấm độc những xnách-ba
Mỹ và đĩ
Lưỡi dao găm và đồng đô-la
Xe nhà binh trút vào đây hối hả
Một mùa xuân quay cuồng và tan rã
Một mùa xuân cố trốn một mùa đông
Những con gà ướt trụi trốn mưa giông
Anh đến:
Hai tay nâng một cây kèn
Một con gà sắt tây mẹ chưa hề hứa hẹn
Và anh không mong
Nhưng phải có tiền để không phải mua con gà mà mua sự sống
Phải có tiền để được đứng ngả ba đường
Ôi! tiếng kèn giật tròn như một vòng thòng lọng
Riết lất cổ anh
Treo anh lên giữa tiếng cười nghiêng ngửa
Những tiếng kèn
Nấc lên giữa bốn bức tường địa ngục
Ngoài cửa kia những em giơ tay gầy chầu chực
Cuối đường kia rung đất tiếng bom rơi
Đất nước đau thương giận cho anh điệu nhạc
Chẳng chia buồn, như một kẻ xa xôi
Người thổi kèn thấy đời mình xoay trong ống sắt
Muốn ngắt hơi
Anh bỗng mơ một con gà bảy sắc
Nở như hoa trên môi
Đó là con gà bốn mùa không vở nát
Gáy dưới mặt trời
Bằng nhịp thở cuộc đời
Vang trong xóm mạc
Những con gà giục mùa sinh sôi…

III
Một mùa xuân tiếng đại bác rầm rầm
Bản hành khúc những binh đoàn giải phóng
Vút từng không tiếng gió phất cờ sao
Ôi ngày hội của những người đứng lên đòi được sống
Những âm thanh ngàn sóng đại dương trào…
Người thổi kèn nhận phần mình khẩu súng
Như nhận một chỗ ngồi dưới tay nhạc trưởng
Chợt hiểu rằng, đây khao khát thẳn sâu
Mẹ đã hẹn một lần và anh đợi từ lâu
Anh đã đi từ
Con gà đất cây kèn và khẩu súng
Để nhận lấy tình yêu của thuở ban đầu

Ai về Kinh Bắc

Ai về Kinh Bắc

Tác giả: Văn Cao

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ
Bạn bè còn lại mấy bài thơ…

Trông qua song cửa: trời vàng úa
Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!
Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống
Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa

Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già
Cố thét song lời tôi yếu quá
Ngựa đầu chân chạy nhạc càng xa…

14.10.1941

Dâng má thương

Dâng má thương

Từ đáy thời gian, dậy tiếng ru,
Ầu ơ lời má, giọng trầm phù
Má ơi, hồn đất bao năm thiếp
Bỗng chốc trưa nay vẳng, tít mù.

Kẽo kẹt xà nhà tiếng võng đưa
Đâu đây đồng vọng cõi xa xưa:
Thổ ngơi thơm phức; hồn ma cũ,
Lòng rộn vui mà mắt lệ mờ.

Ngày qua, năm tháng cứ trôi xuôi
Một phút nhớ xưa, thoắt ngậm ngùi.
Những ngỡ tro tàn trong bếp lạnh,
Hay đâu than ngún dưới tro vùi.

Ngược dòng năm tháng mấy dòng này
Những áng tuyết xưa gợi lại đây
Gởi cả muôn thương cùng vạn nhớ…
Tân Uyên đất má, thảm vơi đầy.

Nhà tôi

Nhà tôi

Tác giả: Lâm Hảo Dũng

Ơi những ngày xưa dưới mái nhà
Mẹ ngồi lựa thóc ngắm mây xa
Những lo mưa sớm bên đồng nội
Làm mất màu tươi mấy gốc cà

Xanh ngắt một màu bên liếp rẫy
Giàn dưa leo sớm bỏ vòi cong
Còn ghen đậu đũa vừa đơm trái
Hay lũ rau thơm đám cúc tần

Có mấy hàng cau nhỏ thế thôi
Mẹ thường nhắc nhở những khi vui
Một mai đám cưới không lo thiếu
Trầu tốt cau ngon thuốc đượm mùi

Đây đống rơm khô dưới gốc gòn
(Là nơi tôi rải mộng lang thang)
Chờ em từ thuở con trăng tối
Cho đến trăng đầy em mới sang

Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau non
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.

Nhà bố ở

Nhà bố ở

Nghỉ hè, Páo đi thăm bố
Ngọn núi ở lại cùng mây
Mặt trời theo về thành phố
Tiếng suối nhoà dần sau cây…

Con đường sao mà rộng thế
Sông sâu chẳng lội được qua
Người, xe đi như gió thổi
Ngước lên mới thấy mái nhà.

Nhà cao sừng sững như núi
Mấy trăm cửa sổ gió reo
Đường lên đi vào trong ruột
Quanh co như Páo leo đèo.

Bố ở tầng năm chót vót
Gió như đỉnh núi bản ta
Sớm chiều xuống lên thang gác
Nhớ sao đèo dốc quê nhà…