Danh sách 1 thơ về tình yêu gia đình hay nhất mọi thời đại hay nhất

1 Bài thơ về gia đình ngắn hay mang ý nghĩa sâu sắc nhất 2022

Bài thơ về gia đình ngắn hay mang ý nghĩa sâu sắc nhất 2022
  • Tác giả: chanhtuoi.com
  • Ngày đăng: 06/08/2022
  • Đánh giá: 4.96 (770 vote)
  • Tóm tắt: 1
  • Khớp với kết quả tìm kiếm: Đâu là hạnh phúc thế gian

    Có cha có mẹ muôn vàn yêu thương

    Con cái hiếu thảo bốn phương

    Vui lòng cha mẹ vượt tường khổ đau

Bài ca về Tổ quốc xa xôi Песня о далекой Родине

Tác giả: Robert Rozhdestvensky

Песня о далекой Родине

Я прошу, хоть ненадолго
Грусть моя, ты покинь меня,
Облаком, сизым облаком,
Ты полети к родному дому,
Отсюда к родному дому.

Берег мой, покажись вдали,
Краешком, тонкой линией,
Берег мой, берег ласковый,
Ах, до тебя, родной, доплыть бы,
Доплыть бы хотя б когда-нибудь.

Где-то далеко, где-то далеко
Идут грибные дожди,
Прямо у реки в маленьком саду
Созрели вишни, наклонясь до земли.
Где-то далеко в памяти моей
Сейчас, как в детстве, тепло,
Хоть память укрыта
Такими большими снегами.

Ты, гроза, напои меня,
Допьяна, да не до смерти.
Вот опять, как в последний раз,
Я все гляжу куда-то в небо,
Как-будто ищу ответа.

Я прошу, хоть ненадолго
Грусть моя, ты покинь меня,
Облаком, сизым облаком,
Ты полети к родному дому,
Отсюда к родному дому.

Bản dịch của Nguyễn Quỳnh Hương

Ta xin, dù chỉ một lát thôi
Nỗi buồn ơi, hãy rời xa ta nhé,
Hãy bay như làn mây xám nhẹ
Trở về nhà ta nơi xa xôi.
Ngôi nhà thân thương nhất trên đời.

Hiện ra nào, bến bờ mong mỏi,
Sợi chỉ ảo mờ nơi chân trời,
Bến bờ quê, bến bờ thương nhớ,
Ta ước, lúc nào đó trong đời
Cập bến quê thoả lòng khắc khoải.

Ở nơi xa, rất xa xôi ấy,
Mưa nấm mùa hè ấm áp rơi.
Vườn nhỏ xinh bên sông êm ả,
Cây anh đào trĩu quả chín rồi.

Ở nơi rất sâu trong ký ức
Như còn hơi ấm tuổi thơ tôi
Dù đời đã từ lâu tuyết phủ
Biết bao nhiêu năm tháng đã trôi.

Тa mong cơn dông uống cùng ta,
Đến say thôi, ta chưa thể chết,
Thêm một lần, như lần sau chót,
Ta vơ vẩn nhìn trời cao vút,
Như vẫn tìm, vẫn đợi hồi âm.

Ta xin, dù chỉ một lát thôi
Nỗi buồn ơi, hãy rời xa ta nhé,
Hãy bay như làn mây xám nhẹ
Trở về nhà ta nơi xa xôi.
Ngôi nhà thân thương nhất trên đời.

Bản dịch của Nhất Minh

Ta xin ngươi, dù chỉ trong chốc lát
Nỗi buồn của ta, hãy bỏ ta đi.
Hãy hoá thành đám mây kia màu xám,
Hướng nhà ta ngươi hãy bay về,
Từ nơi đây bay thẳng về quê.

Bến bờ của ta, từ xa xa hãy hiện,
Một dải kia thanh mảnh phía chân trời,
Bến bờ của ta, bến bờ âu yếm,
Thân thuộc biết bao, ta mơ cập bến ngươi,
Cập bến ngươi ngày nào đó xa xôi.

Ở đâu đó xa xăm, đâu đó
Cơn mưa phùn đang rả rích tuôn rơi,
Ngay bên sông, trong khu vườn nhỏ
Cây anh đào chín trĩu quả xinh tươi.

Ở đâu đó xa xăm trong ký ức
Ấm lòng ta, như thơ ấu, lúc này.
Dù ký ức bị nhạt nhoà che phủ
Dưới biết bao lớp lớp tuyết dày.

Hỡi cơn giông, hãy cùng ta cạn chén
Uống say thôi, không chết đâu mà.
Lại một lần, như là lần cuối
Nhìn bầu trời cao ngất trên ta,
Như đi tìm lời đáp sâu xa.

Ta xin ngươi, dù chỉ trong chốc lát
Nỗi buồn của ta, hãy bỏ ta đi.
Hãy hoá thành đám mây kia màu xám,
Hướng nhà ta ngươi hãy bay về,
Từ nơi đây bay thẳng về quê.

Bản đồ nước Việt

Tác giả:  Đoàn Văn Cừ

Tôi sẽ giữ suốt đời trong trí nhớ
Quãng ngày xanh học tập tại quê hương
Trong căn nhà nho nhỏ dưới cây bàng
Có tấm biển đề “An thôn học hiệu”

Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng suốt trong giờ quốc sử
Thầy tôi bảo: “Các em nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Bao anh hùng thủa trước của giang san
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để đêm ngày nối được chí tiền nhân
Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân nước Việt lại là dân hùng liệt
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam
Bên những trang lịch sử bốn nghìn năm
Đầy chiến thắng vinh quang, đầy máu thắm
Ta sẽ phải suốt đời đau uất hận
Nếu Việt Nam địa giới phải chia rời,
Dân Việt Nam huyết mạch rẽ đôi nơi
Người Nam, Bắc không cùng chung cội rễ
Ta nhất định không bao giờ chịu thế
Núi sông nào cũng của nước Việt Nam!”

Tiếng thầy tôi suốt buổi học vang vang
Trên án sách, bên những hàng cửa kính
Giờ tôi tưởng như đương ngồi dự thính
Thầy tôi đương hùng biện giữa thanh niên
Đương quyết vì quyền lợi giống Rồng Tiên
Đòi giữ vững bản đồ non nước Việt.

Bài thơ quê hương

Tác giả: Nguyễn Bính

Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.

…Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang…”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn…”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng…

Quê tôi đó – bạn ơi! – là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.

Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.

Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi… chung lòng cứu quốc…”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.

Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.

Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.

Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!

Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người…
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!

Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô…
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.

Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.

Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.

Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).

Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.

Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.

Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.

Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.

Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.

***

Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.

Bài thơ của một người yêu nước mình

Tác giả: Trần Vàng Sao

Buổi sáng tôi mặc áo đi giày
ra đứng ngoài đường
Gió thổi những bông nứa trắng bên sông
Mùi tóc khô còn thơm lúa mùa qua
Bầy chim sẻ đậu trước sân nhà
Những đứa trẻ đứng nhìn ngấp nghé
Tôi yêu đất nước này như thế
Mỗi buổi mai
Bầy chim sẻ ngoài sân
Gió mát và trong
Đường đi đầy cỏ may và muộng chuộng
Tôi vẫn sống
vẫn ăn
vẫn thở
như mọi người

Đôi khi chợt nhớ một tiếng cười lạ
Một câu ca dao buồn có hoa bưởi hoa ngâu
Một vết bùn khô trên mặt đá
Không có ai chia tay
Cũng nhớ một tiếng còi tàu.
Mẹ tôi thức khuya dậy sớm
Năm nay ngoài năm mươi tuổi
Chồng chết đã mười mấy năm
Thuở tôi mới đọc được i tờ
Mẹ thương tôi mẹ vẫn tảo tần
Nước sông gạo chợ
Ngày hai buổi nhà không khi nào vắng người đòi nợ
Sống qua ngày nên phải nghiến răng
Cũng không vui nên mẹ ít khi cười
Những buổi trưa buổi tối
Ngồi một mình hay khóc
Vẫn thở dài mà không nói ra
Thương con không cha
Hẩm hiu côi cút
Tôi yêu đất nước này xót xa
Mẹ tôi nuôi tôi mười mấy năm không lấy chồng
Thương tôi nên ở goá nuôi tôi
Những đứa nhà giàu hằng ngày chửi bới
Chúng cho mẹ con tôi áo quần tiền bạc,
như cho một đứa hủi
Ngày kỵ cha họ hàng thân thích không ai tới
Thắp ba cây hương
Với mấy bông hải đường
Mẹ tôi khóc thút thít
Cầu cha tôi phù hộ tôi nên người
Con nó còn nhỏ dại
Trí chưa khôn chân chưa vững bước đi
Tôi một mình nuôi nó có kể chi mưa nắng
Tôi yêu đất nước này cay đắng
Những năm dài thắp đuốc đi đêm
Quen thân rồi không ai còn nhớ tên
Dĩ vãng đè trên lưng thấm nặng
Áo mồ hôi những buổi chợ về
Đời cúi thấp
Giành từng lon gạo mốc,
Từng cọng rau hột muối
Vui sao khi con bữa đói bữa no
Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này khôn nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào nhớ tuổi mình bao nhiêu.
Tôi bước đi
Mưa mỗi lúc mỗi to,
Sao hôm nay lòng thấy chật
Như buổi sáng mùa đông chưa thấy mặt trời mọc
Con sông dài nằm nhớ những chặng rừng đi qua
Nỗi mệt mỏi, rưng rưng từng con nước
Chim đậu trên cành chim không hót
Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may
Tôi yêu đất nước này những buổi mai
Không ai cười không tiếng hát trẻ con
Đất đá cỏ cây ơi
Lòng vẫn thương mẹ nhớ cha
Ăn quán nằm cầu
Hai hàng nước mắt chảy ra
Mỗi đêm cầu trời khấn phật, tai qua nạn khỏi
Tôi yêu đất nước này áo rách
Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió
Vẫn yêu nhau trong từng hơi thở
Lòng vẫn thương cây nhớ cội hoài
Thắp đèn đêm ngồi đợi mặt trời mai
Tôi yêu đất nước này như thế
Như yêu cây cỏ ở trong vườn
Như yêu mẹ tôi chịu khó chịu thương
Nuôi tôi thành người hôm nay
Yêu một giọng hát hay
Có bài mái đẩy thơm hoa dại
Có sáu câu vọng cổ chứa chan
Có ba ông táo thờ trong bếp
Và tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen
Tôi yêu đất nước này và tôi yêu em
Thuở tóc kẹp tuổi ngoan học trò
Áo trắng và chùm hoa phượng đỏ
Trong bước chân chim sẻ
Ngồi học bài và gọi nhỏ tên tôi
Hay nói chuyện huyên thuyên
Chuyện trên trời dưới đất rất lạ
Chuyện bông hoa mọc một mình trên đá
Cứ hay cười mà không biết có người buồn.
Sáng hôm nay gió lạnh vẫn còn
Khi xa nhà vẫn muốn ngoái lại
Ngó cây cam cây vải
Thương mẹ già như chuối ba hương
Em chưa buồn
Vì chưa rách áo
Tôi yêu đất nước này rau cháo
Bốn ngàn năm cuốc bẫm cày sâu
Áo đứt nút qua cầu gió bay
Tuổi thơ em hãy giữ cho ngoan
Tôi yêu đất nước này lầm than
Mẹ đốt củi trên rừng cha làm cá ngoài biển
Ăn rau rìu rau éo rau trai
Nuôi lớn người từ ngày mở đất
Bốn ngàn năm nằm gai nếm mật
Một tấc lòng cũng trứng Âu Cơ
Một tiếng nói cũng đầy hồn Thánh Gióng.
Tôi đi hết một ngày
Gặp toàn người lạ
Chưa ai biết chưa ai quen
Không biết tuổi không biết tên
Cùng sống chung trên đất
Cùng nỗi đau chia cắt Bắc Nam
Cùng có chung tên gọi Việt Nam
Mang vết thương chảy máu ngoài tim
Cùng nhức nhối với người chết oan ức
Đấm ngực giận hờn tức tối
Cùng anh em cất cao tiếng nói
Bản tuyên ngôn mười bốn triệu người đòi độc lập tự do
Bữa ăn nào cũng phải được no
Mùa lạnh phải có áo ấm
Được nói cười hát ca yêu đương không ai cấm
Được thờ cúng những người mình tôn kính
Hai mươi năm cuộc đời chưa khi nào định.
Tôi trở về căn nhà nhỏ
Đèn thắp ngọn lù mù
Gió thổi trong lá cây xào xạc
Vườn đêm thơm mát
Bát canh rau dền có ớt chìa vôi
Bên hàng xóm có tiếng trẻ con khóc
Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái tử
Đất nước hôm nay đã thấm hồn người
Ve sắp kêu mùa hạ
Nên không còn mấy thu
Đất nước này còn chua xót
Nên trông ngày thống nhất
Cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam
Cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc
Lòng vui hôm nay không thấy chật
Tôi yêu đất nước này chân thật
Như yêu căn nhà nhỏ có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Và yêu tôi đã biết làm người
Cứ trông đất nước mình thống nhất.

Cảm đọc thơ Trần Vàng Sao

CẢM ĐỌC THƠ TRẦN VÀNG SAO
(tẶNG : Trần Nguyên Vấn)
Ngây thơ giữa ngã ba đường
Tóc xanh chẳng thích,má hường cũng chê ?
Tấm thân nhục mạ ủ ê
Thôi,về Vỹ Dạ trăng khuya một mình .
Cô đơn một kiếp nhân sinh
Tấm lòng “yêu nước” gửi tình ở đâu ?
Hương giang ôm mảnh trăng sầu
theo Đạt Ma vượt sông sâu…khác thuyền
Tâm “xao” Đời chẳng bình yên
Say thơ chi để đảo điên đoạn trường
Bơ vơ giữa ngã ba đường…

Bài thơ của mẹ Việt muôn đời

Tác giả:  Xuân Diệu

Nắng trong xanh, trời cũng trong xanh.
Mây bay, trái giỡn trên cành.
Một con chim cánh vàng như nắng
Bay qua thông còn hát thanh thanh.

Thông ngâm, sông cũng long lanh,
Nước non rất đỗi an lành,
Một buổi trưa của Mẹ hoa giam ríu rít
trong mành thời gian.

Trưa hôm nay lòng con sao cảm xúc!
Răng thánh tha như hai lượt phím đàn;
Bờ bên mắt lệ đầy như chẩy trút,
Vì vui, vì mừng, vì ngợi Việt Nam.

Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,
Giữa đáy trưa, trong lòng mẹ vô cùng.
Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung.

Sương uống mãi chẳng bao giờ hết sáng
Của trời cao chói lói mỗi triều ngày.
Sáo ca mãi lòng tre run choáng váng,
Gió vẫn đây ngàn nội bốn phương bay.

Không nói được lời hương lên thỏ thẻ.
Không nói được trưa, không nói được ngày.
Không nói được lòng con tôn quý Mẹ,
Không nói được trời, không nói được mây.

Mẹ còn ngự mênh mông và diễm lệ,
Ánh linh lung soi đôi mắt dịu hiền.
Nước bông bống dỡn với trời se sẽ,
Canh la đà bên Mẹ vẫn làm duyên.

Núi cao ngất đứng hầu như trẻ nít,
Cuốn thân xanh dưới chân Mẹ biển nằm.
Sóng xếp nếp cảnh gia đình quấn quít,
Dờ con tầm hồi hộp mấy ngàn năm.

Miền Trung Bộ như vòng cung sắp bắn,
Dáng em Nam mềm mại chiếc chân giỏ,
Chị Bắc Bộ cánh quạt xoè tươi tắn:
Ba vẻ cùng biêng biếc một màu tơ.

Hồ sắc cốm hợp với đồng lá mạ,
Ao cá rô êm ả ngủ chờ sung,
Làng tre thầm điểm nhà vàng mái rạ:
Ôi những chiều quê, ôi những chiều hồng.

Quần xắn gối, chân nâu đi vặm vỡ;
Áo tứ thân hay theo nhịp gánh gồng;
Môi trầu thắm hạt na cười hớn hở;
Mẹ thái bình yêu những việc nhà nông.

Con chim hót, con bướm thì đập cánh,
Con cá bơi, con trâu lững lờ nhai,
Con nít chạy đuổi nhau cười nhí nhảnh,
Mẹ tươi vui ôm ấp cả trăm loài.

Việt Nam hỡi! ôi rừng vàng biển bạc!
Việt thanh thanh. Việt sắc sảo mặn mà,
Việt rộng mở như nụ cười nước Việt,
Việt muôn đời! con xin gửi bài ca.

Bài học đầu cho con

Tác giả: Đỗ Trung Quân

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…

Lời phổ nhạc cho bài thơ của Giáp Văn Thạch

Quê hương

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

ĐK:
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một Mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người

Bản chính qua lời đọc của tác giả trên làn sòng phát thanh RFA

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tiinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…..

Bản gốc

Nhà thơ Đỗ Trung Quân và ca khúc Quê Hương
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2008-10-05

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này Mặc Lâm giới thiệu xuất xứ một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Đỗ Trung Quân mang tên “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ thành ca khúc với tên tựa “Quê Hương”.

Sinh năm 1955 tại Sài Gòn, Đỗ Trung Quân vừa là bút danh vừa là tên thật của ông. Năm 1976, ông tham gia phong trào thanh niên xung phong và bắt đầu sáng tác. Một số bài thơ của ông đã trở thành nổi tiếng như Hương Tràm (1978) được Vũ Hoàng phổ nhạc, Chút Tình Đầu cũng với Vũ Hoàng phổ nhạc thành bài “Phượng Hồng” (1988), Bài Học Đầu Cho Con (1986) được Giáp Văn Thạch phổ nhạc thành bài “Quê hương”.

Vào đầu thập niên 1990 khi bài thơ “Bài Học Đầu Cho Con” được nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đưa vào ca khúc đã chiếm được cảm tình của người nghe và nhanh chóng trở thành bài hát được phổ biến nhiều nhất liên tiếp trong nhiều năm trời. Từ trong cũng như ngoài nước, bài thơ đã khơi động mạnh mẽ tâm trạng nhớ quê của hàng triệu người Việt xa xứ bởi lời lẽ tưởng chừng bình dị nhưng lại rất khéo léo gợi tâm lý quê hương qua hình ảnh quen thuộc của người mẹ Việt Nam. Có một điều đáng nói là tuy nổi tiếng nhưng bài thơ cũng gặp không ít phê phán gay gắt, nhất là những người xa nước bởi một câu cuối kết thúc của bài thơ. Người nghe thật sự bị hụt hẫng khi đang trong tâm trạng bị thuyết phục bởi những hình ảnh quen thuộc thân thương trong ký ức bỗng dưng nơi cuối cùng của bài thơ một âm thanh nghiêm khắc vang lên như kết án những con người lưu lạc…thế là người ta vừa thích vừa ghét, vừa muốn nghe tiếp lại vừa bực bội tắt máy khi sắp đến những dòng cuối cùng…

Chúng tôi có dịp nói chuyện với nhà thơ Đỗ Trung Quân về thi ca, văn nghệ trong cũng như ngoài nước. Đáng lẽ đề tài được nói đến sẽ là nhiều bài thơ cũng như hoạt động văn nghệ của anh, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại muốn hướng đến câu hỏi mà nhiều năm nay tôi vẫn để đó chờ dịp được hỏi. Câu hỏi này chúng tôi chắc cũng rất nhiều người muốn nghe, và nhân đây mời quý vị theo dõi.

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, cảm ơn anh đã dành cho chương trình VHNT của Đài Á Châu Tự Do. Nói về những hoạt động văn nghệ của anh tôi tin rằng sẽ rất lý thú, nhưng cũng như anh đã biết thời gian của chương trình không cho phép, vậy thì nên chăng xin đề nghị là chúng ta sẽ nói về một bài thơ của anh mà thôi, vì chính bài thơ này đã làm nên tên tuổi của Đỗ Trung Quân. Nếu được, xin anh đọc lại cho thính giả nghe tác phẩm “Bài Học Đầu Cho Con” vì theo tôi biết giọng đọc của anh cũng hấp dẫn không kém khi anh làm thơ…

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Bài thơ có tựa là “Bài Học Đầu Cho Con”.

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…

Bài thơ kết thúc ở đấy, thưa quý vị.

Mặc Lâm: Thưa anh Đỗ Trung Quân, xin thứ lỗi nếu tôi nói không chính xác vì thật ra bài thơ còn một câu cuối nữa mới thành khổ thơ tứ tuyệt, tức là bốn câu, vì anh chỉ đọc có ba câu mà thôi. Trong nhạc phẩm “Quê Hương” do nhạc sĩ Giáp Văn Thạch phổ từ bài thơ này có hai câu cuối là: Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người….Xin anh cho biết đâu là nguyên bản…

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Dạ. Thưa anh và thưa quý vị, bài thơ này được đăng lần đầu vào năm 1986, xuất xứ của nó là hồi đó tôi đề tặng bé Quỳnh Anh. Quỳnh Anh là con của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bây giờ. Khi tôi đề tặng thì Quỳnh Anh mới chỉ được một tuổi thôi. Tôi đăng lần đầu năm 1986 ở báo Khăn Quàng Đỏ. Khi đăng bài này thì người biên tập có bỏ một vài đoạn và thêm một đoạn, đúng ra là một câu, cái câu cuối cùng. Những người biên tập bài này là chị Việt Nga, con của nhà thơ Lê Giang. Chị Việt Nga thì cũng đã mất vị bạo bệnh.

Mặc Lâm: Anh có thể cho biết cụ thể hơn một chút xíu về việc này không, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Một khổ thơ “Quê hương là cầu tre nhỏ…” tôi dùng thể thơ 6 chữ thì tự nhiên tôi bỏ lửng. Thông thường một khổ thơ có bốn câu, thế thì thấy tôi bỏ lửng như vậy thì chị Việt Nga đã thêm vào.

Mặc Lâm: Và sau khi biết bị báo Khăn Quàng Đỏ tự tiện sửa thơ của mình như vậy thì anh có phản ứng gì không, và những lần tái bản sau thì bài thơ có được sửa lại cho đúng không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Khi tôi thấy họ sửa và bỏ một vài đoạn nên khi đăng lại vào năm 1991 ở trong tập Cỏ Hoa Cần Gặp (thơ, 1991) thì tôi đăng lại nguyên bản, và nguyên bản thì nó có khác với bài đầu tiên do khi đó đã được cắt bớt một vài đoạn và thêm một câu là “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Thì, thưa anh, khi tôi đăng lại thì nó có khác. Thật ra mà nói thì nhạc sĩ phổ theo cái bản của năm 1986 chứ không phải là theo bản của năm 1991.

Tập thơ “Cỏ Hoa Cần Gặp” (1991) thì trước khi rời Việt Nam thì nhà thơ – nhà dịch giả Hoàng Ngọc Hiến in cho tôi, và cái bản chính của nó là nằm ở tập này, không có câu cuối cùng.

Thưa anh, bây giờ thì nói như thế thì tôi có một phản ánh lại là chị Việt Nga là người biên tập bài này,cũng như nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã mất rồi, tôi là người còn sống, nói thế nào đó nó cũng là khó ở chỗ là những người đã mất thì không nói lại được và tôi rất ngần ngại.

Mặc Lâm: Như vậy thì nhạc sĩ Giáp Văn Thạch đã phổ bài thơ này trước khi được anh đăng lại phải không thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Anh Giáp Văn Thạch đã phổ theo bài thơ năm 1986 là bài thơ đã được bớt một vài đoạn. Nếu quý vị để ý thì sẽ thấy là không có một đoạn mà tôi viết tiếp là:

“Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi.

Khi tôi làm bài thơ này, tôi gửi cho bé Quỳnh Anh. Chúng tôi lúc đó là bạn với nhau. Giai đoạn đó thì ai cũng nghèo. Tôi không có gì làm quà cho cháu Quỳnh Anh, mà Quỳnh Anh bây giờ đã là một cô gái 23 tuổi, học ở Pháp. Thế thì khi tôi tặng như vậy thì tôi chọn một bài thơ cho trẻ con và tôi chọn một thể thơ dễ thuộc, dễ nhớ, đó là thơ 6 chữ, thơ 5 chữ – thơ 6 chữ đó, một thể thơ dễ thuộc ở Việt Nam. Và những hình ảnh thì tôi chọn những hình ảnh rất là gần gũi: cây khế, cầu tre, con diều…

Mặc Lâm: Anh vừa nhắc đến từ “con diều” khiến tôi nghĩ rằng anh đã thiếu mất đoạn này vào lúc đầu anh đọc bài thơ đó ạ.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Lúc nãy tôi đọc hình như có thiếu một đoạn thưa quý vị. Đó là:

“Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…”

Xin thứ lỗi là vì tôi cũng không thuộc thơ mình lắm. Tôi xin được bổ sung một đoạn như thế. Và nó ra đời ở trong một cái giai đoạn là, xin quý vị nhớ giùm là năm 1986, khi đó văn chương ở Việt Nam hầu hết còn ở trong giai đoạn động viên xã hội chủ nghĩa, tức là lao động, tức là một chút gì đó còn có chiến tranh. Cái bài thơ này hoàn toàn không dính dáng tới cái đó bởi vì tôi làm để tặng cho một cô bé còn rất là nhỏ và mới chỉ một tuổi. Và những hình ảnh đó, tôi nghĩ rằng nếu có hình dung là cháu lớn lên sau này, cháu có đi khắp nơi, đi tới nước nào cũng vậy, ở đâu nó cũng thế. Thì những hình ảnh đó cháu mang theo và đó là đất nước của mình. Sau này thì bài thơ trở thành ngoại giao, trở thành mang một chút sứ mệnh chính trị, thì xin thưa với quý vị là điều đó nằm ngoài ý muốn của tác giả, bởi vì một bài thơ được viết và khi để nó ra, nó sống hay nó chết, cái đó không nằm trong tầm tay của người sáng tác. Thật sự tôi cũng rất ngạc nhiên là bài thơ này có một số phận rất là đặc biệt, nó được nhiều người biết đến, nó được loan đi rất là xa, nó có thể gây yêu mến nhưng đồng thời nó cũng có thể gây ngộ nhận. Tất cả những cái đó thì đó là số phận riêng. Tốt nhất là thôi cứ để nó có số phận của nó.

Mặc Lâm: Chúng tôi cũng được nghe là anh đã giao lại tác quyền bài thơ này cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, sự thật như thế nào, thưa anh?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Thưa anh và thưa quý vị, trong vòng 7 năm nay tôi đã làm một văn bản cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam là tất cả những liên quan đến bài thơ “Quê hương” thì xin được chuyển hoàn toàn cho gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch những gì thuộc về vật chất. Tôi đã làm một bản uỷ quyền cho Cục Bản Quyền ở Việt Nam. Nhạc sĩ Phó Đức Phương là người đã chấp nhận cái thơ tay này của tôi. Gia đình nhạc sĩ Giáp Văn Thạch thì thật ra mà nói cũng rất khó khăn. Rất tiếc là ảnh mất sớm. Tôi nghĩ là cái việc mà tôi làm nó cũng như mọi người ở Việt Nam là nó cũng thuộc đạo lý Việt Nam thôi. Nhưng mà bản quyền ở Việt Nam thật ra mà nói thì cũng không nhiều đâu. Cái điều đó cũng không giúp cho gia đình ảnh bao nhiêu, nhưng mà cá nhân tôi thì xin phép là tôi đã chuyển gần 7 năm nay tôi chuyển tất cả những gì liên quan đến ca khúc đó cho gia đình anh Thạch.

Mặc Lâm: Và trước khi từ giả, anh có lời gì cần chia sẻ với thính giả nghe đài hay không ạ?

Nhà thơ Đỗ Trung Quân: Tôi xin cảm ơn anh vì tôi đã có dịp để nói lại một bài thơ mà thật ra thì nó cũng đã lâu, cũng đã cũ, nhưng dẫu gì đi nữa thì thỉnh thoảng cũng có người nghe, có người hiểu nó, có người bực mình nó…

Bản in trong tập “Cỏ hoa cần gặp”

Bài học đầu cho con

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vòng tay ấm
Con nằm ngủ giữa mưa đêm
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi
Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương có ai không nhớ…

Bài ca quê hương

Tác giả: Tố Hữu

29 năm dằng dặc xa quê
Nay mới về thăm, mừng tái tê…
Mới được nghe giọng hờn dịu ngọt
“Huế giải phóng nhanh, mà anh lại muộn về!”

Ôi, cơ chi anh được về với Huế
Không đợi trưa nay phượng nở với cờ
Về với phá Tam Giang, như con trích con chuồn dưới bể
Về với rừng lá bến Tuần, lợp nón bài thơ…

Cơ chi anh sớm được về bên nội
Hoá nỗi đau tan nát Phù Lài
Như quê bạn, Niệm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai!

Cơ chi anh sớm được về bên ngoại
Giữ bờ tre, bến nước Thanh Lương
Thương các cậu, các dì chịu khảo tra, không nói
Đào hầm nuôi cán bộ tháng năm trường!

Quê hương ơi, sao mà da diết thế
Giọng đò đưa… lòng Huế đó chăng?
Ví dù đèn tắt, đã có trăng
Khổ em thì em chịu, biết làm răng đặng chừ…

Câu hò xưa mối tương tư
Thiết tha đôi lứa, mà như đôi miền
Bây giờ, nước lớn, thuyền lên
Bắc Nam mình lại nối liền thịt da.

Bây giờ hết nỗi gần xa
Anh vào Hương Thuỷ, anh ra Phong Điền
Đường làng, lạ mấy cũng quen
Bước chân cứ nhớ, chẳng quên lối nào.

Ngày đi lòng vẫn tự hào
Nay về càng ngẩng đầu cao với trời
Thừa Thiên, đẹp cảnh, đẹp người
Nút xanh khí phách, biển ngời sức xuân

Núi này Bạch Mã, Hải Vân
Mây đưa Anh Giải phóng quân lên đèo
Biển này, Cửa Thuận sóng reo
Thanh thanh vành mũ tai bèo là em.

Hương Giang ơi… dòng sông êm
Qủa tim ta, vẫn ngày đêm tự tình
Vẫn là duyên đó, quê anh
Gió mưa tan, lại trong lành mặt gương.

*

Bến nghèo, xưa chuyến đò ngang
Nay cầu chống Mỹ, xe sang dập dìu
Tràng Tiền, biết mấy là yêu!
Tuổi thơ áo trắng, sớm chiều bướm bay.

Ngự Bình, thông lại xanh cây
Bên kia Vọng Cảnh, bên này Thiên Thai.
Bức tranh non nước tuyệt vời
Bàn tay ta lại xây đời ta đây!

Hoàng cung, thôi đã rêu dày
Ngẩn ngơ thần tượng còn say thủa nào?
Tươi rồi cuộc sống thanh tao
Bát cơm hến cũng ngọt ngào lòng ta.

*

Huế ơi, đẹp lắm quê nhà
Câu Nam ai hoá bài ca anh hùng.
Ai đi qua đó miền Trung
Xin mời ghé lại, vui cùng Huế tôi!

Bài ca dao về trăng

Tác giả: Lâm Hảo Dũng

trăng treo bảng lảng bên vàm
sầu ai làm những tiếng đàn xôn xao
khuya về con hạc bay mau
nhà tôi bên ngõ phai màu rêu xanh
trăng treo em khóc một mình
cái thôn hiu hắt, cái đình xác xơ
cái tôi buồn bã ai ngờ
theo sông làm một ván cờ rủi may

trăng treo sợi tóc lung lay
sợi tôi giếng cạn nước ngày xưa xa
nhớ trường nhớ ngọn roi da
nhớ em thước kẻ khóc oà hổ ngươi
trăng treo như thể trăng cười
một hôm rước xóm vắng người yêu ma
cũng đành cắt thịt chia da
chờ mai bông súng sau nhà héo hon

trăng treo ai biết trăng buồn
hỏi em cọng lúa nàng thơm ngậm ngùi
gió đưa em đến bên tôi
chỉ trăng nhớ tuổi đôi mươi bồi hồi
nhớ chiều rợp tiếng chim vui
nghe ai hẹn kiếp luân hồi có nhau
trăng treo tôi khỉ tôi hầu
tôi đi dưới đất lộn đầu trên cao

khi buồn vẽ mặt bôi râu
nhìn xem lũ quỷ không đầu xưng vương
khi em đảo ngược thần hồn
thấy tôi cải tạo mười năm chưa về
khi tôi lúc tỉnh lúc mê
lúc ăn cỏ dại bên lề ruộng hoang
ví dù đức Phật Kim Cang
cũng nghe nước mắt chảy tràn chúng sanh

trăng treo phát nguyện tâm thành
một tôi xuống tóc tụng kinh Di Đà
cái thời độc vật ra ma
cái tâm tự tại giữa nhà Việt Nam
trăng treo em kết hoa tràm
hoa sen còn để chiều lên lễ chùa
hoa bần ngại nỗi vị chua
hoa mây giăng mắc bao mùa lao lung

trăng treo diệu nước diệu sông
diệu tôi cứu khổ ai lòng đói meo
lội từ sông cái Sa Keo
về ngang Mỹ Phước chim chiều kêu thương
trăng treo ngọn ráng bên đường
phải con trăn của “Tà Xuông” xổng chuồng
hết thời nuôi rắn tìm quên
mà nghe khuya đập nỗi niềm nhục thân

trăng treo tôi có một lần
hỏi tên tôi để không lầm lẫn tôi
cái khung trại đứng ven trời
cái tôi là một bóng người mỏng manh
trăng treo sáng đủ trăm cành
còn tôi con thú thu hình thảm thay
em hiền em cũng đâu hay
bạn tôi năm ngoái xuôi tay mấy người

trăng treo lũ quạ lũ dơi
lũ mang mắt cáo đổi đời đổi tên
đổi ngày mặt nhựt ra đêm
trong tôi vừa cháy lửa rừng khói ươm
trăng treo mùa nước xa nguồn
dường như em kéo chỉ buồn phải không?
thôi về hái búp hái bông
hái dây bình bát mình trồng trước sân

hái em con mắt tôi nằm
con sông tôi lội theo dòng nước xưa
mẹ buồn sợi tóc đong đưa
chờ tôi ngủ dậy những mùa ấu thơ
trăng treo tự cổ đến giờ
có nghe đèn đóm phai mờ oán than
riêng tôi tiếc phận da vàng
buồn khô mấy lớp vẫn hoàn buồn ơi!

trăng treo ông giáo làng tôi
nhờ xiêu mái dột giận đời đi hoang
cọc cành nhịp guốc khua vang
vời trông lũ trẻ hai hàng lệ sa
trăng treo quan án quan toà
cái quan đánh bộ mất nhà mất con
mất em đùa gió sân trường
mất tôi “đại học công nông” mấy mùa

trăng treo thằng tướng thằng vua
thằng hay khoác lác vẽ bùa đeo chơi
thằng ôm súng đứng trông trời
thằng tham lam chứa bạc mười bạc trăm
những thằng để mất Việt Nam
cái gươm chính khí hẹn lần khất mai
ngậm ngùi tôi nhớ ông Hai
từ cao nguyên xuống đầm lầy chết thiêng

trăng treo ông Vỹ ông Hưng
ông Năm ông Cẩn xanh hồn nước tôi
cái ông binh nhất bỏ đời
vinh danh hơn những thằng tôi mọn hèn
lạy em mấy vạn quan tiền
mấy năm tù ngục mấy miền đạn bom
lạy em quên những hờn căm
chờ trăng sáng lại ao đầm núi sông
lạy em một lạy cuối cùng
cho tôi quên hết nỗi buồn lưu vong

Bài ca dao về nước

Tác giả: Lâm Hảo Dũng

Nước tôi trôi lạc bềnh bồng
Xót thương rau húng rau thơm cỗi cằn
Nhớ hoài cái cọng rau răm
Mà nghe đứt ruột chùm bông cải trời
Nước trôi cuối vịnh đầu doi
Biết em còn gửi nụ cười về tôi
Tàn canh thắp ngọn dầu hôi
Cháy không ánh sáng giận đời đổi thay

Nước trôi ban mặt ban ngày
Bọn em con gái quần dài ống loe
Đầu sông con quốc gọi hè
Giục tôi nhớ ngọn nhà bè chia hai
Nước trôi ông sãi chùa này
Tụng kinh cứu khổ không đầy quạt cau
Nhịp nhàng khi chậm khi mau
Khi mai hoàn tục cưới hầu lập thê

Nước trôi vịt ngỡ chàng bè
Cái thân rau muống nhà quê suốt đời
Buồn vui là lúc em ngồi
Võng đưa kẽo kẹt nhớ thời mẹ ru
Nước trôi chim cút chim cu
Tiếng con chim ụt bên mồ kêu vang
Năm xưa trồng luống cải vàng
Ngồng cao mấy thước trổ toàn máu tươi

Nước tôi cô chín cô mười
Hai cô chỉ lấy một người mới ngoan
Tóc dài tóc để lang thang
Những cành phượng biếc muộn màng đơm bông
Nước trôi cỏ nội hương đồng
Con ong hút mật vẽ vòng trên cao
Nhớ em bên gốc trâm bầu
Cũng đang nhen nhúm mối sầu về tôi

Nước trôi bông bí mồng tơi
Một em mướp đắng khóc đời hẩm hiu
Khóc tôi nhà dột cột xiêu
Liếp phên mục nát cũng liều trôi sông
Nước trôi mùa cõi trời đông
Thấy em con nhện kéo buồn giăng mau
Vì dù cọng đất nắm rau
Bậu đi sao nỡ quên màu cố hương

Nước trôi liếp mạ chân vườn
Mẹ tôi ngồi vá nỗi buồn loanh quanh
Cái thời hoàng đế chưa sanh
Cái em là một bóng hình phôi pha
Nước trôi cây ớt cây cà
Một hôm gió sớm thổi nhà đi đâu?
Thôi về vuốt ngọn cần câu
Thả rong dưới xóm trộn bầu nấu canh

Nước trôi cái điệu tam bành
Uống ly rượu để ngỡ mình pháp sư
Cũng la bắt ấn niệm phù
Cũng mê xôi thịt gà to mái dầu
Nước trôi phủ sứ ăn trầu
Còn mơ Tây đến kéo tàu vô sông
Hết thời thầy ký thầy thông
Viết đơn mướn tại nhà lồng chợ mai

Nước trôi bá ngọ nhà bay
Cái thân chín vía có ngày đạn ăn
Thà như rau ngổ trong đầm
Nhớ con tép trấu võ vàng tháng khô
Nước trôi nước đẩy rau dừa
Chờ em con mắm đầu mùa mưa sa
Mẹ già lạy Phật Thích Ca
Lạy quanh tám hướng ngôi nhà trống trơn

Nước tôi trôi mất tôi còn
Bỗng dưng liều mạng cô hồn vượt biên
Mắt dài gửi lại cho em
Mà chân cứ bước ưu phiền lên cao
Nước trôi bông cỏ mần trầu
Cái toa trị liệu nát đầu lương y
Lục bình nhúc nhích ra đi
Nghĩ thương trụ điện ở lì chết khô

Nước trôi ông Huệ họ Hồ
Cưới cô công chúa treo cờ tướng quân
Theo dòng xuôi đến sông Côn
Chợt nghe sông Lại dỗi hờn sông Ba
Nước trôi ông táo coi nhà
Một tôi ông địa ông tà co ro
Có đâu am miếu ra trò
Buồn mai lũ trẻ nô đùa ném chơi

Nước trôi một cuộc đổi đời
Cũng nghe đâu đó giọng người áo cơm
Con gà cục tác đống rơm
Con trâu nằm xó muỗi mòng vo ve
Nước trôi em gái miền quê
Mai vô hợp tác thôi về ăn rau
Ăn nhằm cái ngọn bông lau
Theo cha lên núi dựng màu cờ xưa

Nước trôi chiếc lọp chiếc lờ
Chiếc đăng chiếc đó đương chờ mối ai
Chiếc dù chiếc nón ngang vai
Chiếc tôi con én bay ngoài không gian
Nước trôi em gái da vàng
Bao năm rồi vẫn cơ hàn chiến tranh
Vái trời vái đất uy linh
Vái tôi em mốt lên đình khóc cha
Vái thần vái quỷ vái ma
Vái tôi em mốt xây nhà Việt Nam…