Oan nghiệt

Tác giả: Nguyễn Bính

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận
Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?
Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.

Ngọc nữ trót sinh vào tục lụy
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc hay là khóc
Rồi gởi cho người thiên hạ nuôi
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười
Có mẹ có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi
Vài ba năm nữa con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng “mẹ ơi”
Đời em xuống dốc tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi
Sắt son một chuyến giăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi
Cỏ bồng trở lại kinh kì được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thủy nữa hay thôi?
Rồi có một đêm màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo đời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu bảy xuân đương độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Một lứa bên giời chung lận đận
Thương nhau cha soạn khúc Tì bà
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha
“Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
“Con thuyền buộc một mối tình nhà…”
Giờ đây cha khóc vì thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệp
“Bảy nổi ba chìm với nước non”
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn…

Huế 1941

Ai về Kinh Bắc

Tác giả: Văn Cao

Có ai cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi nhờ đem hộ lá thư?
Trời hỡi! Ốm nằm trong quán trọ
Bạn bè còn lại mấy bài thơ…

Trông qua song cửa: trời vàng úa
Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu!
Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống
Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa

Hỡi người cưỡi ngựa về Kinh Bắc
Tôi gửi thư đưa hộ mẹ già
Cố thét song lời tôi yếu quá
Ngựa đầu chân chạy nhạc càng xa…

14.10.1941

Nhà tôi

Tác giả: Lâm Hảo Dũng

Ơi những ngày xưa dưới mái nhà
Mẹ ngồi lựa thóc ngắm mây xa
Những lo mưa sớm bên đồng nội
Làm mất màu tươi mấy gốc cà

Xanh ngắt một màu bên liếp rẫy
Giàn dưa leo sớm bỏ vòi cong
Còn ghen đậu đũa vừa đơm trái
Hay lũ rau thơm đám cúc tần

Có mấy hàng cau nhỏ thế thôi
Mẹ thường nhắc nhở những khi vui
Một mai đám cưới không lo thiếu
Trầu tốt cau ngon thuốc đượm mùi

Đây đống rơm khô dưới gốc gòn
(Là nơi tôi rải mộng lang thang)
Chờ em từ thuở con trăng tối
Cho đến trăng đầy em mới sang

Thèm quá nồi canh chua cá lóc
Chút bông so đũa cọng rau non
Ai lên phố thị mà không nhớ?
Mùi vị dưa nồng điên điển thơm

Mười mấy năm rồi đi biệt xứ
Nhà tôi còn đó mẹ tôi không?
Nghe thương những cánh chim tu hú
Mãi gọi bên sông điệp khúc buồn.

Nhớ Quế Sơn

Tác giả: Xuân Trường

Tặng Đ.K.Trinh

Tôi trải lòng mình ra trên giấy
những câu thơ đang gầy gạo tháng giêng
những cánh đồng xa xanh đợi ngày giáp hạt
giật mình giấc mơ tháng chạp thiếu tiền

Mẹ nghiêng nón phía mặt trời nửa buổi
nghe thì thầm ran rát gió Trường Sơn
ngọn nồm ngược sông
mẹ dặm đồng chọn ngày lành vụ mới
xuân đang dần về phía sau…

Hành trình phương Nam ba lô con còn chật
hương xuân thơm lừng bánh tét…
nụ cười còn văng vẳng tiếng mừng nhau
tự bao giờ và cho hết mai sau
chữ nghĩa của con vẫn ướt mồ hôi mẹ
và bật mầm lên
từ đường cày ải của cha…

Đêm nay dài quá
giấc ngủ phương Nam cứ trằn trọc quê nhà
chắc sáng mai qua cổng trường đại học
lại bồng bềnh chân đất tít quê xa

Quế Sơn trong con như trỗi thành phép lạ
nâng lên từng bước con đi
như đất trời nâng cánh cò chiều chao gió
hoàng hôn quê mình mẹ ạ…

Con vẫn còn đây tất cả
nắng trung du đất thổ đất nà
hạt gạo khỏe mạnh, cõng khoai, cõng sắn…
nên hành trình mới chịu nổi phong ba

Dáng dấp miền Trung đã sinh ra con trước bão
trên núi đồi, dưới nắng lửa rưng rưng
con tin vào những thử thách ấy
vững chân con giữa vội vã Sài Gòn

Có nhớ thương nào bằng nỗi nhớ mẹ – con.

Ngày đã chiêm bao

Tác giả: Phạm Đương

Ngày phủ lên cây những vệt mờ mờ
Buồn rệu rã

Con nhớ
Ngày mưa ngõ nhà mình
Lênh láng nước
Ngày nắng cửa nhà mình
Nhuộm vàng con mực

Ngày nào không chiêm bao
Cha vác cuốc ra đồng
Đêm đêm vác tù và
Mẹ giấu nước mắt vào tro bếp

Ngày nào mẹ ngồi hiên nhà
Đợi anh Hai về từ mặt trận
Anh Hai giờ thành cây dứa dại làng An Đại
Mà mẹ ơi sao dáng mẹ ngồi không đổi
Có phải dáng mẹ ngồi hay là đá núi?

Con nhớ
Ngày ấy mẹ không khóc
Lúc tiễn con đi lính
Mẹ sợ con dẫm lên dấu chân anh Hai
Rồi mẹ vỡ nước mắt
Khi con về
Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão
Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành!

Bây giờ sao dời vật đổi
Lũ trẻ không còn mê bong bóng màu
Không còn thấy cầu vồng bảy sắc
Không còn ngồi trong nhà nhìn bong bóng nước
Ngồi đếm sao rơi dạt góc trời nào

Chợt thấy mình
Ngày đã chiêm bao

Mười năm vắng mẹ

Tác giả: Khánh Hạ

Mười năm vắng mẹ hè cũng lạnh
Mưa ngâu tức tưởi mỗi thu về
Ngưu Lang – Chức Nữ xưa mẹ kể
Cha ngồi nhắc lại, hụt cơn mê

Mười năm vắng mẹ vườn cỏ mọc
Dế mèn đi lạc tuổi thơ con
Trên giàn nắng, hoa mướp gầy vàng vọt
Bậc cầu ao cha gắng gột nỗi buồn

Mười năm vắng mẹ nhà chống chếnh
Ngõ buồn tênh nhớ tiếng chổi mẹ đưa
Câu hát ru nhớ giọng mẹ những trưa
Ầu ơ cha dỗ, động mưa trong lòng…

Ngày mai mùa xuân

Mẹ ạ!
Những ngày tàn đông
Hình như bây giờ nơi ấy
Gió lồng lộng thổi hoa vàng
Bập bềnh
Sóng xô nhau chạy

Con nhớ mẹ ngồi hong tóc
Mắt buồn dõi tận trời xa
Thương mùa trầu vừa héo lá
Và hàng cau lão tàn hoa
Con nhớ mẹ ngồi nhặt thóc
Hạt đau giấu vội vào lòng
Tóc đen ngả màu rạ cũ
Nồng nàn vùi lấp lặng câm

Mẹ ạ!
Bao mùa xa mẹ
Vẫn còn nhớ nhịp cầu ao
Nhớ từng cánh bông súng tím
Gầy trong tay mẹ xanh xao

Chiều nay
tàn đông con nhớ
Ngày mai mùa xuân đã về
Ngày mai…
– Ai mừng tuổi mẹ?

12/1993

Nhớ nhà khi đi hành quân

Tác giả: Lê Nguyên Ngữ

Nắng nhạt đường truông rừng lá đậm
Dừng quân dưới núi buổi hoàng hôn
Cây rừng lính nấu cơm xanh khói
Gió thấp luồn qua mấy trũng mòn

Ven rừng thơ thẩn đi tìm táo
Lót lòng dăm quả đợi chờ cơm
Chợt nhớ mẹ chiều xưa cố quận
Nấu cơm chái bếp khói xanh rờn

Cơm chiều thường dọn bên giàn mướp
Đầu bạc đầu xanh mâm kín hơi
Giờ cơm nón sắt bên rừng bụi
Nửa cháy nửa khê chẳng kịp mời

Ba năm làm lính mê chinh chiến
Nhớ mẹ đôi lần nhớ phớt qua
Chiều nay bỗng nhớ sao là nhớ
Một mẹ quê xa tuổi hạc già

Một mẹ ngày đi đầu nhuốm bạc
Bây giờ chắc tóc quyện màu mây
Rừng núi khuất quanh đường trở lại
Vời trông cố quận khói mây bay

Mây bay về thấp ngang rừng thấp
Gối súng nằm trên chiếu lá khô
Thương mẹ xưa lo từng chỗ ngủ
Nay sống qua đêm giữa bụi bờ

Đêm chỗ con nằm thơm lá mục
Mơ về quê mẹ ngát hương cau
Thức giấc di quân trời chửa sáng
Trăng lạnh đường truông bạc chiến hào

Gửi mẹ mùa xuân

Tác giả: Kim Tuấn

Tết này chắc con thôi leo núi
Đêm ngủ rừng thôi ngó trời xanh
Sớm mai qua núi tay kiềm súng
Đã xa xôi như thế cũng đành

Tết này ngưng chiến lo đồn trại
Đêm gác chòi cao nhìn núi cao
Lửng lơ dăm bóng đèn soi sáng
Mưa dưới đồi xa khuất chiến hào

Chiến hào đêm lạnh run cơn gió
Lá động cành trơ và khói sương
Co ro trong áo tay ghì súng
Lửa ngút trời xa bãi chiến trường

Tết này thêm chút tiền lương lính
Có dăm trăm bạc gửi quê nhà
Mẹ mua thêm gạo ăn qua Tết
Con ở rừng cam khổ cũng qua

Con ở rừng ăn Tết cá khô
Có cơm gạo sấy kiếp sông hồ
Khi vui chung bạn dăm chai đế
Khi chết nằm yên dưới nấm mồ

Tết này Tết nữa chưa yên giặc
Chắc mai chắc mốt có hòa bình
Con nghe nói thế con tin thế
Phương này như cũ vẫn phiêu linh.

Quê mẹ

Tác giả: Nguyễn Bá Trạc

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành
Vườn nhà ông ngoại thơm hoa bưởi
Khi tóc em vừa mới chớm xanh

Năm mười tám tuổi ta ngây ngất
Yêu một dòng sông những chuyến đò
Trưa trên Văn Thánh thơm mùi gỗ
Anh chẳng cho lòng chút đắn đo

Em, xóm Bao Vinh đường lót gạch
Hương chiều thoang thoảng mấy hàng cau
Anh theo gió thẳng lên An Cựu
Em đuổi hồn mình xuống Bãi Dâu

Anh nhớ Thanh Long cầu nước chảy
Bao nhiêu nước chảy những cơn mê
Anh vô quê mẹ năm mười một
Huế hay Hà Nội cũng là quê

Ngày xưa trong những bài hát cũ
Nay mới hay ra toàn chuyện buồn
Câu hát của người xa đất mẹ
Hát từ những thủa có quê hương

Chao ơi, cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành?

(Thơ tháng 6, 1987 – Chuyện Của Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải)