Đất mật (Trích đoạn trường ca Trầm tích)

Tháng mười trời chóng tối
Bờ ao tím rần túm lá lộc mưng
Lá lộc mưng trảy non chát ngòm cổ họng
Tôi bứt về nhà giúp mẹ thay cơm
Giúp đêm bớt dài
Giúp mai chậm đến
Giúp các em tôi khuây nỗi khát thèm
Giúp cành lộc mưng kịp lên da non
Và giúp tôi dụm dành niềm hy vọng

Chiều chiều mẹ ra sông mót cá
Tôi tha thẩn khắp vườn bòn mấy quả mận xanh
Thủ thỉ với con diều tre trận mưa đá đêm qua làm sã cánh
Thủ thỉ với bóng cò trong ca dao mới dạt vào tránh bão
Thủ thỉ với chiếc sào phơi bện rễ cây rừng
Thủ thỉ với cây mít còm nhựa ứa rưng rưng
Đâu biết có bà vẫn lần theo canh chừng gai góc
Lụi hụi dáng lưng còng lóng ngóng vịn cơn mưa

Tuổi ngoài tám mươi bà ngồi bện dây thừng
Bện cả màn sương vào mái tóc
Cái khăn nâu bà vấn trên đầu
Quấn chặt những đêm dài không ngủ
Chỉ còn câu hát ru
Tối tối mượt mà bay vào giấc mơ của cháu
Những lời ru nồng đượm sắc màu
Mùa thu ngấn xanh
Mùa đông phả ấm
Những lời ru ngọt như đường ngậm
Lọc từ năm tháng cay chua
Biết lấy chi cho lũ cháu nô đùa
Bà xâu mấy đồng xu rỉ xanh rỉ vàng chuột tha vào trong ngạch
Quàng lên buồng chuối sau nhà
Quàng lên buổi chiều buồn thời gian không đấu giá
Hy vọng nhòa vào chùm sao tua rua

Hy vọng đổi mùa
Cuối vườn tiếng lá chuối khô xô nhau như xáo ốc
Hoa bèo khô rốc còn sởn da gà run cả bờ ao
Tuổi thơ tôi đi qua
Trong nắng mưa lấn bấn
Trong bóng bà đã lấm bóng hoàng hôn
Những khi bà ốm
Giàn trầu không đầu hồi bỗng dưng trụi lá
Mùi hương bay váng vất cả chiều
Gió mang lá trầu vàng đặt vào manh chiếu
Ngoài sân
Một mình cây cau dầm trong sương muối
Âm thầm cúi đầu
Giấu bóng vào hiên
Đợi chừng nửa đêm khi bà tỉnh giấc
Mây buông mảnh trăng liềm
Ánh trăng nâng bóng cau non đặt mớm vào mép võng
Bỏm bẻm miếng trầu
Rón rén thức mùi hương

Trầm tích của mạch nguồn luồng lạch
Bây giờ phẳng lặng đất nâu

Chuyện bà tôi

Tác giả: Đinh Long

(Bà mẹ Việt Nam anh hùng)

Người ta chỉ chết một lần
Bà tôi sống chết lẫn lầm mà đau

Ba lô bốn chiếc trên đầu
Như là bốn khối huyết cầu còn tươi

Ngày ngày cơm bữa bà nuôi
Vẫn nguyên như thể năm người… ngày xưa

Thương con biết mấy cho vừa
Đêm canh giấc ngủ, sớm trưa dỗ dành

Chú mát tính, chú đành hanh
Bà nhìn lên đốm hương vành, bà khuyên

Chia công bằng những vàng tiền
Chú vùng đắt đỏ, chú miền đảo xa

Chú nào bé nhất nhiều quà
Chú hay đau yếu, chú qua luyện rèn

Chú nhiều huy hiệu, bằng khen
Cứ như bà đã ở “bên kia” rồi

Bà buồn một nỗi khôn nguôi
Cả bốn sau biết ai người khói nhang…

Sáng ra, các chú xếp hàng
Bà giao nhiệm vụ, bà sang lễ chùa

Sống bằng nước lã, nước mưa
Đi bằng hương khói ngày xưa, bây giờ

Đời còn thực thực, hư hư
Đời còn những tháng năm thừa nào hay

Ngửa bàn tay, sấp bàn tay
Cả đời bà lại ăn mày lời ru.

Ngoại

Tác giả: Phan Thành Minh

Hương thu trĩu cánh lá vàng
Ngỡ con bướm lạc bên hàng giậu thưa
Cành cao gõ kiến ếm bùa
Nắng rơi về phía đung đưa dịu dàng

Ác là bói thóc đồng hoang
Dăm ên sáo sậu mơ màng lưng trâu
Sắt son đậu xuống môi trầu
Nhớ quên nhắc ngoại
Gật đầu
Ra ni…

Quặn lòng mỗi bước chân đi
Trăm roi khất nợ những khi mẹ còn
Bây giờ mây trắng đầu non
Không ai hỏi nợ… lòng con ngậm ngùi

Tím bầm cả giậu mồng tơi
Xót xao chuông khánh
Nghẹn lời khói hương
Người đi vào cõi nhớ thương
Cong oằn lưng ngoại gió sương lặng thầm.

Trốn

Tác giả: Đàm Huy Đông

Tôi về trốn trong căn bếp tro than của mẹ
Những nỗi buồn bồ hóng bám đen
Nghẹn ngào những que cời cháy dở
Cái ang sứt đựng hồn biển cả
Trong bao diêm
lửa đợi tay người
Tôi trốn trong thùng trấu tối thui
Lặng nghe
Tiếng lép bép bỏng rơm thơm trong bếp
Lục bục nồi cám lợn đang sôi
Tiếng siêu nước thở dài
cay mờ khói

Tôi về trốn trong móm mém xa xưa câu chuyện cổ của bà
Sau bức vách loang cốt trầu nồng ấm
Có ghét, có yêu, có đen, có trắng
Có đúng, có sai, ân báo, oán đền
Níu vào thơ dại niềm tin
Mà chỉ còn mây trắng
Dáng còng in vệt nắng chiều nghiêng

Tôi chạy về trốn trong cánh đồng của cha
Lúa ngô hiền lành, sá cày thẳng thắn
Gã bù nhìn bị bỏ quên không trách ai phụ bạc
Hát với cỏ xanh và áo đỏ cào cào

Tôi chạy về trốn phía dòng sông
Vạt hoa cải hoang mang vàng chiều năm cũ
Ai quăng chài bắt niềm tin đã vỡ
Sông cong gầy như vệt mi em.