Cái nhầm

Cái nhầm

Tác giả: Vũ Đình Văn

Vẫn đang rộn rã hành quân
Qua làng bỗng nhẹ bước chân lên thềm
Nheo nheo nắng, mẹ êm êm:
Ghé nhà mời nước, anh tìm hỏi ai?

Lạ kìa, nó thật?… Con ơi
Dỗi chi cứ bặt tăm hơi đến chừ.
Cha mi… quên cả rồi ư
Một chữ chẳng viết, một thư chẳng về
Run run mắt mẹ đỏ hoe
Mắt tôi bổi hổi cũng nhoè run run:
– Mẹ nhầm ai đó, chúng con
Hành quân ghé lại ngang đường nghỉ ngơi
Mẹ già rân rấn nhìn tôi
Nhìn ba lô lại nhìn người ở xa
Mẹ con vỡ lẽ cười xoà
Đong đưa nắng đọng bóng già lâm châm.
Mẹ rằng: có lúc vô tâm
Lại vui đáo để, nghĩ nhầm hoá hay.
Chẳng là những dạo trước đây
Ba gian nhà mẹ vui đầy ba gian
Lớp đi, lớp đến rộn ràng,
Ngày reo diễn tập, đêm vang hát hò.
Nghĩ mà thương, nghĩ là lo
Nó lên đường sớm, biết cho những gì
Nhìn đứa đến, nhớ đứa đi
Những ngày mưa xối nhớ khi nắng giòn.
Dẫu rằng mẹ chẳng sinh con
Thì sinh cái nghĩa, nghĩa còn quý hơn.

Lại đi gió dọc hàng dương
Đường ra mặt trận là đường trong quê
Say sưa chuyện ấy bạn nghe
Có đi nhớ lại, có về nhớ sang
Nhắn người nặng gánh hành trang
Yên tâm, phía ấy qua làng. Yên tâm…

Ánh lửa

Ánh lửa

Tác giả: Xuân Hoài

Nửa đêm các con vào
Áo quần mưa thấm ướt
Làm sao khô kịp được
Mai các con lên đường

Tội, sập ngắn làm giường
Chân dài không đủ duỗi
Nghe nó ngáy sinh thương
Chắc hành quân mệt mỏi

Mẹ kiếm trong bếp nồng
Ít than hồng nhóm lửa
Áo quần chăng đầy cửa
Mẹ ngồi hong suốt đêm.

Tóc bạc như mây mềm
Hồng lên trong ánh lửa.
Ngồi nhẩm quê từng đứa
Mẹ mong đêm nay dài.

Nhớ nhà khi đi hành quân

Nhớ nhà khi đi hành quân

Tác giả: Lê Nguyên Ngữ

Nắng nhạt đường truông rừng lá đậm
Dừng quân dưới núi buổi hoàng hôn
Cây rừng lính nấu cơm xanh khói
Gió thấp luồn qua mấy trũng mòn

Ven rừng thơ thẩn đi tìm táo
Lót lòng dăm quả đợi chờ cơm
Chợt nhớ mẹ chiều xưa cố quận
Nấu cơm chái bếp khói xanh rờn

Cơm chiều thường dọn bên giàn mướp
Đầu bạc đầu xanh mâm kín hơi
Giờ cơm nón sắt bên rừng bụi
Nửa cháy nửa khê chẳng kịp mời

Ba năm làm lính mê chinh chiến
Nhớ mẹ đôi lần nhớ phớt qua
Chiều nay bỗng nhớ sao là nhớ
Một mẹ quê xa tuổi hạc già

Một mẹ ngày đi đầu nhuốm bạc
Bây giờ chắc tóc quyện màu mây
Rừng núi khuất quanh đường trở lại
Vời trông cố quận khói mây bay

Mây bay về thấp ngang rừng thấp
Gối súng nằm trên chiếu lá khô
Thương mẹ xưa lo từng chỗ ngủ
Nay sống qua đêm giữa bụi bờ

Đêm chỗ con nằm thơm lá mục
Mơ về quê mẹ ngát hương cau
Thức giấc di quân trời chửa sáng
Trăng lạnh đường truông bạc chiến hào

Năm cụm núi quê hương

Năm cụm núi quê hương

Tác giả: Tường Linh

Anh thương binh về thăm nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường
Anh trở lại với bàn tay còn lại
Vẫn vẫy chào Non Nước quê hương

Quê hương anh
Mây giăng đèo Ải
Chiều ấu thơ êm ả câu hò
Nước mấy nguồn sông hẹn về Cửa Đại
Ngũ Hành Sơn năm cụm núi xanh lơ.

Anh lớn lên giữa bài ca châu thổ
Những mùa thu ngọt trái nam trân1
Biển xa lộng gió
Thuyền lưới đầy khoang cá trắng ngần

Mẹ thường kể anh nghe
Chuyện mẹ cùng cha
Ngày xưa đôi lứa
Trai lành, gái đảm thương nhau
Bến nước sông sâu
Nhịp cầu, giếng xóm
Cô gái mười lăm hái hoa bắt bướm
Nắng sớm thêm vàng màu áo lụa Duy Xuyên
Cậu trai xóm dưới ngoan hiền
Đêm khuya khoắt học bài bên bếp lửa

Mẹ già thương hai đứa
Mẹ già cho lấy nhau

Vài buồng cau, mấy liễn trầu
Đám cưới đi ngang bờ sông hoa gạo đỏ
Biển rộng buồm xa ăm ắp gió
Ngũ Hành năm cụm xanh xanh
Cha mẹ chỉ tay thề với núi:
– Mỗi ngón tay là một cụm Ngũ Hành
Năm cụm núi không thể nào thiếu một
Năm ngón tay không thể chia lìa

Lời mẹ đều đều. Sương rụng vườn khuya.

Anh ra đi từ mùa thu quê hương bốc lửa
Rừng xa, xa rồi những lứa nam trân
Mẹ đã già và cha không còn nữa
Mây giăng nhiều trên đỉnh Ải Vân.

Chiều hôm nay anh trở về nguyên quán
Một bàn tay vĩnh viễn gửi sa trường

Mẹ già đón anh
mừng vui
bỡ ngỡ
Mẹ khóc
mẹ cười
mái tóc rung hoa sương

Không theo anh về bàn tay năm ngón
Nhưng về theo anh nghìn chiến công
Về theo anh sông đầy mấy ngọn
Mùa vui chim ca, cá trắng, cam hồng
Anh nhìn núi Ngũ Hành năm cụm
Màu núi thêm xanh
Mất bàn tay, còn quê hương thắm thiết
Mỗi ngón tay dâng một cụm Ngũ Hành.

Niềm vui hiện tại
Bếp ấm ân tình
Anh viết thư cho người yêu bằng tay trái
Đời vẫn xanh và núi vẫn xanh.

(Trích tập Nghìn Khuya, xuất bản 1965)

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Minh Kỳ phổ nhạc thành nhạc phẩm cùng tên.

Dưới đây là phiên bản do Phi Nhung trình bày.

Gửi mẹ mùa xuân

Gửi mẹ mùa xuân

Tác giả: Kim Tuấn

Tết này chắc con thôi leo núi
Đêm ngủ rừng thôi ngó trời xanh
Sớm mai qua núi tay kiềm súng
Đã xa xôi như thế cũng đành

Tết này ngưng chiến lo đồn trại
Đêm gác chòi cao nhìn núi cao
Lửng lơ dăm bóng đèn soi sáng
Mưa dưới đồi xa khuất chiến hào

Chiến hào đêm lạnh run cơn gió
Lá động cành trơ và khói sương
Co ro trong áo tay ghì súng
Lửa ngút trời xa bãi chiến trường

Tết này thêm chút tiền lương lính
Có dăm trăm bạc gửi quê nhà
Mẹ mua thêm gạo ăn qua Tết
Con ở rừng cam khổ cũng qua

Con ở rừng ăn Tết cá khô
Có cơm gạo sấy kiếp sông hồ
Khi vui chung bạn dăm chai đế
Khi chết nằm yên dưới nấm mồ

Tết này Tết nữa chưa yên giặc
Chắc mai chắc mốt có hòa bình
Con nghe nói thế con tin thế
Phương này như cũ vẫn phiêu linh.

Khúc một

Khúc một

Tác giả: Thanh Thảo

“Người ta không thể chọn để được sinh ra nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”

Khi con thưa với mẹ
Mưa bay mờ đồng ta
Ngày mai con đi
Khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ
Chuyến tàu tăng-bo ngoài ga sơ tán
Vẳng tiếng còi đêm có bao người vội nói lời chia tay
Ngày mai con đi
Nửa đất đai này mẹ gánh
Sông Cầu chảy lơ thơ
Sông Hồng trằn sóng đỏ
Tiếng gà sang canh mùi xôi không ngủ
Đêm cuối cùng bên con mắt mẹ dệt những gì
Làm sao con hiểu hết
Cả đời mẹ chưa từng viết một bức thư
Dù chỉ dăm ba chữ
Ngày mai con đi
Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ
Chiếc áo bọc hình hài mẹ cho
Bọc trái tim dòng máu mẹ cho
Không bao giờ đổi khác

Mẹ ơi, sau khi sống đêm từ giã ấy năm năm rồi
Sau khi sống ngày 30 tháng 4 đất nước
Sau khi sống bao bạn bè đã chết
Con xin lại bắt đầu từ mẹ
Từ cơn ho của mẹ một mình khuya khoắt
Từ dáng đi dáng ngủ của mẹ hằn vất vả
Làm sao con hiểu hết
Mẹ đã hát ca dao
Mẹ giặt áo bên cầu
Hồn nhiên gió bay dải yếm

Cho con xin bắt đầu từ mẹ
Để nói về chúng con
Lớp tuổi hai mươi, ba mươi điệp trùng áo lính
Xanh màu áo lính
Đã từng sung sướng đã từng nghẹn ngào
Được làm con mẹ
Được ra trận những năm đất nước mình khốc liệt
Những năm
Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách
Những năm
Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời

Rồi tới lúc chúng con thay áo khác
Nhưng khi cởi áo ra
Con không còn gì thay được!

Ngày hòa bình đầu tiên

Ngày hòa bình đầu tiên

I.
Anh về lại ngôi nhà mình
Sau mười năm chiến tranh.
Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,
Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,
Mưa… Mưa… Mưa…
Mưa ngoài trời
Khắp nơi,
Mưa ngoài sân,
Nhưng cũng mưa cả trong nhà…
Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…
Nhà dột.
Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột
Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.
Mắc võng.
Lại mắc võng.
Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.
Võng đưa sẽ ướt,
Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh đung đưa
Ngày xưa,
Chỗ ướt mẹ nằm, sau mười năm
Vẫn chỗ mưa mẹ đứng
Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo
Ðừng để ngọn lửa rụng!
Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…
Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên
Ru êm cánh võng.
Người lính nằm im,
Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng
Trong đêm hòa bình đầu tiên.

II.
Không có trái bom nào rơi đúng nhà mẹ,
Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ
Chỉ có đứa con trai đi xa
Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống
Ðã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ khác nhau
Nắng mưa lọt vào sau
Xuyên
Xối
Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối, cũng chỉ dài
Bằng một phần sự mong đợi
Và những hạt nắng, những hạt mưa nếu đem xếp lại, có thể cao hơn mọi trái núi.
Mười năm, cũng chỉ là thoáng qua,
Vì tuổi mẹ sáu bẩy lần hơn,
Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn…
Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ
Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ
Chứ không phải chiến tranh.
Có phải những viên đạn trong vô hình ý nghĩ
Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé
Ðã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ
Như những hạt nắng hạt mưa giọt sót vào đây,
Ðể ai ai cũng phải nhìn và vội ngoảnh đi ngay…
Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng một lần tin, một lần vui,
Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.
Chẳng có na-pan, lân tinh, phốt-pho
Chỉ có mưa nắng,
Sự xa vắng,
Khiến mái rạ mục mủn, bạc như màu tóc bạc,
Ðôi sẻ tự tình bị hẫng hốt hoảng vù lên, bụi mù như tro bay…
Mong đợi
Yêu đương,
Giả định: sống chết
Của mẹ về con, làm cho con được sống.
Con trở về giản dị,
Cái ngõ nhỏ, mái nhà quê,
biến thành cổng trời, thành lâu đài trong mắt mẹ đón con.
Buổi sớm,
Nắng xiên nghiêng,
Anh nằm ngửa,
Mái nhà có mắt nhìn anh
Người lính
Lần đầu tiên giật mình…
Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,
Những con đường sáng lên như nắng
Và mỗi người là hạt bụi lung linh.
Mẹ vẫn lên nhà xuống bếp một mình,
Chiến thắng của mẹ là anh
Niềm vui của mẹ là anh.
Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh…
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình
Thành những mũi tên
Thành những viên đạn,
Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
Phải nhận tất cả,
Vẫn anh.
Hôm qua chưa nhận một viên đạn
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này
Hai bàn tay.
Mẹ giục:
– Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà

Mùi ổ rơm.

1985

Chiến Ca Mùa Hè – Chiến thắng cuối cùng

Chiến Ca Mùa Hè – Chiến thắng cuối cùng

Tác giả: Phạm Lê Phan

Sau chiến thắng cuối cùng
Xin mời mẹ qua sông
Về Gio Linh. Cửa Việt.
Ươm mầm sống trên đồng hoang đất chết
Dựng ngày mai trên tàn phế thương đau
Mời mẹ trẩy về đường 9 xôn xao
Mừng hội lớn đẹp Khe Sanh, Lao Bảo
Giặc tan rồi – quê mình thay sắc áo
Ôi Trị Thiên ngạo nghễ dưới mây trời
Ơi Trị Thiên thương mến của ta ơi!

Con đưa mẹ về Tam Biên
Trường Sơn say hội gió
Gióng chiêng cao mời bè bạn trở về
Chất củi thêm cho lửa cạn rừng khuya
Trai gái vui chơi mừng ngày tái ngộ
Hỡi những người con xin về ca múa
Quên thương đau và rũ sạch oán hờn
Mai đốt rừng gieo lại lúa ba trăng
Tha gỗ về xuôi, kéo nông cơ lên bản
Rừng ngọt mật ong, nấm thơm màu nắng
Đem sức người hòa nhập sức Trường Sơn
Đẩy núi lên cao, kéo suối lại gần
Thêu hy vọng xanh tháng ngày vạm vỡ
Ôi, hy vọng rực hồng sau một thời thử lửa

Theo đường máu 13 mẹ qua An Lộc
Trên đổ nát dù chưa im tiếng khóc
Những vành tang mờ khói mộ rưng rưng
Ngày Lộc Ninh giờ hẳn đã tưng bừng
Rừng điệp điệp đã phai màu hận cũ
Xin tưới mồ hôi cho phì nhiêu đất đỏ
Khơi lại muôn giòng màu trắng cao su
Lấp hố bom, san phẳng ruộng vườn xưa
Đốn cành gãy cho mầm xanh khởi nhú
Rừng khoác trăm hoa xênh xang nhịp búa
Thành phố hồi sinh ngạo nghễ cờ bay
Ngọn cỏ vươn cao nhìn suốt tương lai.

(4-1972)

Chiến Ca Mùa Hè – Bài Tam Biên

Chiến Ca Mùa Hè – Bài Tam Biên

Tác giả: Phạm Lê Phan

Mẹ bỏ Dak To từ khi giặc tới
Băng rừng sương qua con suối ngậm ngùi
Cả giang san cõng nặng một lưng gùi
Mẹ bỏ lại cái buôn rừng rực lửa
Gió nghiến răng tre dài như nói nhỏ
Thương cái bò, thương cái mác đào măng
Cái nhà sàn ôm nương lúa ba trăng
Mai còn chi dưới gót thù xâm lược
Mẹ về miền xuôi phố phường ngơ ngác
Mang tiếng khèn trắc ẩn điệu quê hương
Mắt kéo mây nhòa nhạt suối trăng hờn

Con ở lại nếm căm thù cay đắng
Chong mắt cạn những đêm rừng sâu thẳm
Nghe thú điên rung nhịp pháo đổ hồi
Giấc chiến hào đêm lụt hỏa châu soi
Đêm thét lửa trên biển người cuồng nộ
Đêm hội máu – đêm bập bùng man rợ
Đêm lửa hờn thắp sáng rực niềm tin
Chiến thắng sau cùng nở dưới bình minh
Và sông núi ngàn năm không thể mất
Con vươn lớn trong một niềm bí mật
Của tình yêu thương giữa mẹ và con
Một thiêng liêng mà giặc đã không còn