Chân dung

Cha tôi
Huyết thống tổ tiên trích ngang bản mặt
Trán rộng cộm nỗi đau
Rụa ràn cơn sóng đất
Thấm vào đêm
Thấu cả sang ngày

Cha tôi
Mắt vẫn cười
Buồn vui trúng trật
Con cháu sum vầy
Bếp chật
Khói phân vân

Cha tôi
Ém nắng mưa lên vạt tóc trắng ngần
Xói lở gót chân trần
Mỏng dần lá lúa
Sông Lam thẳm lời nguyền
Thảnh thơi về biển

Cha tôi
Bây giờ nhòa vào miền những giấc mơ
Mỗi ban mai cỏ lại xanh ngơ ngác
Gió vót đọt tranh lia ngàn mũi mác
Chọc qua vỉa đá
Tìm trời…

10/10/1998

Cổ tích làng

Tác giả: Trần Quang Quý

I. Giếng làng

Không còn ai gánh nước giếng làng
Tiếng gầu lịm vào bờ đá
Mặt trời lặn dưới đáy chiều váng đỏ
Giấc ngủ bầy rêu xám vỉa gạch già

Nụ cười đầy nón
Ai đổ ra lênh láng thềm hoang
Tôi đã uống no đời thôn dã
Mảnh trăng cong vục cạn giếng làng

Thiếu nữ chiều nay thôi hong tóc
Khuya đường ngõ vắng lặng thùng khua
Tôi biết bao nàng tiên áo gụ
Đã vục từ lòng giếng những giọt mơ…

Mặt giếng cũ như mắt quê để ngỏ
Tôi về soi, ứa vỡ mạch nguồn

II. Cổng làng

Tiễn nhau một chiều yếm thắm
Chàng trai xưa giờ đã chống gậy hèo
Những bà lão răng đen hạt nhót
Cái duyên thầm còn giắt ở hầu bao?

Nhón gót thời gian
Lớp gạch già lõm mặt
Cánh cổng lăn kẽo kẹt đời người

Thế giới vào làng luồn mái tam quan
Có bầy chim cắp mùa lên tổ
Có những nỗi đời lót trong rơm rạ
Có một nỗi lòng giắt một nỗi quê

Tôi khép lại những ngày xưa yếm thắm
Không sao khép nổi mắt ai chờ
Làng đã đóng đinh tôi vào cánh cửa
Mỗi ngày khép mở giữa câu thơ.

III. Ngọn khói

Nơi hạt thóc vội vàng xa vỏ
Bếp trấu ủ suông khói thả lên trời
Ôi giấc mơ của mẹ tôi
Người giấu kỹ trong từng bồ thóc
Trong nút lá chuối khô nút chặt từng lọ giống
Sương muối giăng nghẽn lúa trổ đòng

Nhưng ngọn lửa từ mẹ tôi chưa bao giờ lụi tắt
Củ khoai lùi cứ nức nở thơm ra
Ngày lận lụi nép trong vỏ trấu
Mà khói lên mơ mộng mỗi căn nhà

Tôi nhớ khói ngày quê rạn ngực
Mắt còn cay mờ một lối chiều
Có sợi khói thắt tôi không nút buộc
Em về tóc giũ cuối vườn sương

Ngày mai có thể làng thôi khói
Cơm tháng mười thôi ủ bếp tro
Khi tỉnh giấc vẫn thấy làng lầm lũi trên mặt đất
Thì ngọn khói đã là mây biếc
Buộc tôi lên như buộc một cánh diều.

IV. Làng tôi

Những đứa trẻ sinh ra như rơm rạ
Lấm lem hơi thở mùa màng
Những vết chân trần sắp bước qua thế kỷ
Lối dẫn tôi về lằn những vết chân trâu
Bật lên giấc mơ bầy ngựa phi nước đại
Lẳng nghe kẽo kẹt tre già
Chúng rỉ rả về những phận người quanh năm lấm láp
Những gương mặt lão nông như mùa đông bạc vỏ cây
Tôi chạm vào cổ tích làng tôi

Cổ tích làng tôi tắm ở cầu ao
Em cứ thả trắng ngần trăng ướt
Tôi vục xuống lòng tay như hứng được
Một làn hương bồ kết bay hờ

Cổ tích làng tôi đựng trong chiếc mủng
Mẹ bưng tháng năm lệch ngõ
Bưng những hạt thóc lép đi qua cơn gió
Bưng những nỗi đời đi giũ ở bờ sông

Những gương mặt lão nông giờ vơi lắm rồi
Trên đồng nội thêm nhiều nấm cỏ
Cổ tích làng tôi vùi trong đất
Những ngày xưa im mãi không về.

Trong tập Mắt thẳm, NXB Lao động, 1993

Trốn

Tác giả: Đàm Huy Đông

Tôi về trốn trong căn bếp tro than của mẹ
Những nỗi buồn bồ hóng bám đen
Nghẹn ngào những que cời cháy dở
Cái ang sứt đựng hồn biển cả
Trong bao diêm
lửa đợi tay người
Tôi trốn trong thùng trấu tối thui
Lặng nghe
Tiếng lép bép bỏng rơm thơm trong bếp
Lục bục nồi cám lợn đang sôi
Tiếng siêu nước thở dài
cay mờ khói

Tôi về trốn trong móm mém xa xưa câu chuyện cổ của bà
Sau bức vách loang cốt trầu nồng ấm
Có ghét, có yêu, có đen, có trắng
Có đúng, có sai, ân báo, oán đền
Níu vào thơ dại niềm tin
Mà chỉ còn mây trắng
Dáng còng in vệt nắng chiều nghiêng

Tôi chạy về trốn trong cánh đồng của cha
Lúa ngô hiền lành, sá cày thẳng thắn
Gã bù nhìn bị bỏ quên không trách ai phụ bạc
Hát với cỏ xanh và áo đỏ cào cào

Tôi chạy về trốn phía dòng sông
Vạt hoa cải hoang mang vàng chiều năm cũ
Ai quăng chài bắt niềm tin đã vỡ
Sông cong gầy như vệt mi em.