Thái Sinh Gặp Ngũ Nương

Thái Sinh Gặp Ngũ Nương (Nguyễn Bính)

1. Ngẫm xem từ trước đến giờ,
Việc đời biến thực như cờ thất tinh.
Kim năng ngữ, kiếm dục minh,
Ngán cho thế sự nhân tình bấy nhiêu.

5. Ngày xưa ở quận Trần – Lưu,
Có nhà họ Thái ra chiều hiếm hoi.
Vợ chồng tuổi ngoại sáu mươi,
Khói hương duy được một người con trai.
Gọi tên là Thái Bá Giai,
10. Vẫn cho khuya sớm dùi mài sử kinh.
Nếp nhà vốn sẵn thông minh,
Giai còn nhỏ đã nức danh thần đồng
Văn chương lừng lẫy khắp vùng,
Đọc trơn bẩy bước, thuộc lòng năm xe,
15. Thầy đồ gặp bạn thường khoe:
“Nó rồi ông Cống, ông Nghè nay mai
Tài hoa nó đã hơn người,
Công danh nó hẳn gấp mười lũ ta.
Hậu sinh khả uý lắm mà,
20. Ta như quạ tuổi, nó là phượng non”
Đời tươi như những khuyên son
Thái ông hy vọng cho con nên người,
Trước là tỏ mặt với đời,
Sau là vui hưởng phúc trời cũng hay
25. Thái bà canh cửi luôn tay,
Cơm ăn hôm sớm áo may lạnh nồng.
Đàn bà làm tướng bên trong,
Khuyên con Từ Mẫu, thờ chồng Mạnh Quang
Đã tần tảo, lại tao khang
30. Dưỡng sinh nghĩa cả đá vàng duyên cao
Ngày ngày nắng xế bờ ao
Mưa khuya vườn chuối ra vào tóc sương.

Thái sinh mỗi buổi tan trường,
Thường về qua xóm Hiền lương cạnh làng,
35. Nhà ai vách trúc rèm lan,
Thường nghe văng vẳng tiếng đàn bay ra
Tiếng đâu thắm ngọc tươi hoa,
Tiếng đâu nắng xế, trăng tà, mưa khuya.
Tiếng đâu chắp nối chia lìa,
40. Ngựa lên ải quạnh, chim về rừng xa,
Tiếng đâu, ôi! Tiếng tỳ bà,
Dừng chân Chung Tử để mà vấn vương,
Thẫn thờ sớm nắng chiều sương
Đàn ai trêu khách qua đường mãi đây.
45. Đàn không là rượu mà say,
Đàn không cay đắng mà cay đắng lòng.
Nhà ai? Quạnh vắng vô cùng,
Thắm gieo hiên biếng vàng phong ngõ lười
Tiếng oanh nhại tiếng ai cười,
50. Bóng dương bắt chước bóng người phất phơ
Một mình năm ngẩn mười ngơ,
Thái sinh ngâm mấy vần thơ cảm hoài
Đêm đêm trong tiếng học bài,
Dường như có lẫn một vài tiếng tơ.

55. Mặt đường thêm nhặt lá ngô,
Bãi xe nằm cát đò đưa lạnh chèo.
Khắp trời gió lộng vi veo,
Sương mai dưới núi, sương chiều bên sông.
Thái sinh thắc mắc bên lòng,
60. Chờ mong nhưng biết chờ mong những gì?
Mơ màng như ở, như đi,
Như vương kén lại, như lìa tổ ra,
Như gần thôi lại như xa,
Xót trăng đầu tháng, thương hoa cuối mùa.
65. Bỗng không ai đợi mà chờ,
Ai tin mà tưởng, ai ngờ mà oan?
Chiều thu thơ thẩn bóng vàng,
Có ai xuôi bước cho chàng đi qua.
Nhà ai bặt tiếng tỳ bà,
70. Trong vườn thấp thoáng bóng hoa: Bóng nguời,
Bóng người? không, bóng hoa tươi,
Bóng hoa? không, cả bóng người bóng hoa.
Liễu điều thua vẻ thướt tha,
Đây là đâu? Phải đây là Đào Nguyên?
75. Cõi trần mà có người tiên,
Nõn nà như huệ, dịu hiền như lan.
Thái sinh dừng bước bên đàng.
Hồn say đắm quá tình càng đắm say.

Đàn âu kia hẳn tay này,
80. Sớm chiều trong gió bay đầy tiếng tơ.
Ngàn thu sóng vỗ vào bờ,
Ngàn thu tài tử vẫn chờ giai nhân.
Trong vườn người đẹp bâng khuâng,
Nhè cành vin thắm, tay ngần ngại tay,
85. Gió chiều thổi cánh hoa bay,
Gió chiều nhắn gửi với ngày thu sơ?
Thốt như linh cảm bấy giờ,
Giai nhân đưa mắt qua bờ dậu thưa.
Giật mình: “Ô! Lạ lùng chưa?
90. Người nào đứng đó ngẩn ngơ nhìn mình?
Người nào có vẻ thư sinh
Mà đường đột thế ra tình bướm ong?”
Quay đi người đẹp lạnh lùng,
Gót son nhẹ bước vào trong buồng điều.

95. Hoa thu rơi rụng thêm nhiều,
Gió chiều heo hắt, nắng chiều héo hon.
Thái sinh như kẻ mất hồn,
Nắng tô mãi bóng ưu buồn dài ra.
Ngẩn ngơ quên trở lại nhà,
100. Bỗng đâu một tiếng cười xoà bên tai.
“Anh này đứng đợi chờ ai?
Hay là định đứng học bài ở đây?”
Thái sinh đỏ tía mặt mày,
Ngoảnh đầu nhìn lại mới hay bạn mình.
105. “Đi đâu về đó? Lưu sinh!”
Lưu cười một tiếng hữu tình mà thưa:
“Huynh ơi! Đệ thật không ngờ
Từ bao mặt trắng vương mơ má hồng!”
Hai người so bước thong dong,
110. Thái rằng: “Xin thú nỗi lòng cùng anh
Từ ngày quen mái nhà tranh,
Tiếng tơ người đẹp vô tình bay ra.
Ý lòng nghe vướng tình hoa,
Nhớ nhung không biết có là tương tư?
115. Đêm trường rối cả cơn mơ.
Rút con chỉ thắm thả thơ lá điều
Mỹ nhân vũ mộ vân triêu,
Biết đâu hàn sĩ sớm chiều lại qua.
Vừa rồi tỏ mặt Hằng Nga,
120. Mây vương tóc liễu son pha má đào
Mi dài, mắt sáng như sao,
Huynh ơi! Đệ ngỡ lạc vào thiên thai
Song giai nhân chẳng đoái hoài,
Hững hờ nàng rảo gót hài vào trong.
125. Cửa ngoài thắm rụng vàng phong,
Biết sao mà ngỏ nỗi lòng bấy lâu?
Từ nay sách ủ đèn sầu,
Một thân lẵng đẵng qua cầu nhớ thương.”

Lưu sinh nghe nói tỏ tường:
130. “Anh xông vào chốn tình trường làm chi?
Đã mang một tiếng nam nhi,
Trông lên còn lắm bước đi còn nhiều,
Hay gì ong bướm ghẹo trêu,
Có như Kim Trọng, Thuý Kiều ngày xưa
135. Trâm thề quạt ước đong đưa,
Mười lăm năm lận se tơ không thành
Ví chăng cấu kết với tình,
Sao anh không liệu về trình song thân
Hai nhà tính chuyện hôn nhân
140. Để cho chỉ Tấn, tơ Tần xe chung
Nên ra nên vợ nên chồng,
Áo xanh rực rỡ má hồng đảm đang
Sáng trăng, trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ.
145. Can gì thương nhớ bâng quơ,
Đắng cay cho gặp hững hờ mà chơi.”

Thái sinh nghe chửa dứt lời,
Vội vàng bái tạ rằng: “Tôi không ngờ
Mấy lời anh dậy vừa giờ,
150. Thực như bó đuốc soi bờ ao khuya.
Làm cho tôi tỉnh giấc mê,
Làm cho tôi thấy đường đi phải đường
Mực đen đèn sáng tỏ tường,
Một lời anh đáng làm gương muôn đời.”
155. Chữ rằng: “Chọn bạn mà chơi.”

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thái Sinh Gặp Ngũ Nương” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Thái Sinh Cưới Ngũ Nương

Thái Sinh Cưới Ngũ Nương (Nguyễn Bính)

Bóng tà đã tắt hai người chia tay
Độ trời mỏi cánh chim bay.
Đò đưa chuyến cuối tiễn ngày sang đêm.
Nhà lan ngõ trúc êm đềm
160. Đôi song đựng nguyệt bốn thềm đông hoa
Giai nhân trong ngọc trắng ngà,
Vốn dòng họ Triệu, tên là Ngũ nương,
Từ lâu ngõ kín cao tường,
Hai thân, nửa mái tóc sương, chầu trời
165. Tủi mình là gái mồ côi
Ngã ba đường cái đầy lời bướm ong.
Vậy nên khoá chặt khuê phòng,
Đem thân liễu yếu vun trồng hoa tươi.
Lụa đào chưa lọt tay ai,
170. Mùa hoa bán cất cho người mua buôn.
Bụi hồng chăng ở chân son,
Xuân xanh tuổi mới trăng tròn gương nga.
Anh mai, chị cúc, em trà,
Đầy vườn hồng hạnh, một nhà chi lan.
175. Phụ thân truyền lại ngón đàn,
Cho con từ buổi từ quan trở về.
Lời trung vua chẳng thèm nghe.
Cái thanh cao ép một bề thì thôi.
Về nhà dạy trẻ đàn chơi
180. Vinh hoa với đám mây trôi khác gì?
Hạc vàng đôi chiếc bay đi
Nghìn thu trần thế có về nữa đâu.
Bỗng nhiên trời thảm đất sầu,
Khăn tang hai dải trên đầu Ngũ Nương.
185. Cửa nhà này chút lửa hương,
Bốn dây tơ héo, một vườn hoa tươi.
Ngũ Nương chẳng chút biếng lười,
Hoa đầy sớm sớm, đàn vơi chiều chiều.
Gái tơ yên phận nhà nghèo,
190. Nghĩ chi lá thắm, chỉ điều vẩn vơ.
Nào hay vì mấy đường tơ,
Xui nên chắp nối giấc mơ một người.
Có không, duyên nợ bởi trời,
Thái sinh ngay buổi được lời bạn khuyên
195. Vội về trình với thông huyên
Xin cho mình được kết duyên cùng người
Rằng con đã lớn khôn rồi,
Chăm nghiên bút để biếng lười thần hôn
Công cha nghĩa mẹ tày non,
200. Một con lỗi đạo làm con sao đành?
Xin cho được kết duyên lành
Để cho bên hiếu, bên tình vẹn đôi.
Hai thân nghe nói mỉm cười
Rồi ra ta sẽ mượn người dò la,
205. Ví bằng là gái nết na,
Nhà nghèo thì chọn dâu da nhà nghèo.
Để yên cha mẹ liệu chiều,
Con còn trẻ, cố mà theo học hành.
Chớ đam mê vào một chữ tình,
210. Mà hư mà phụ công trình mẹ cha.

Hết mùa lá rụng thu qua
Vườn mai bừng nở năm ba cánh gầy
Khắp trời vẫn một màu mây
Gió trôi heo hút mưa bay lạnh lùng,
215. Ai mà gối chiếc đêm đông,
Người ta lấy vợ lấy chồng ngổn ngang
Vấn danh nạp thái huy hoàng
Trong thôn đón rể, ngoài làng đưa dâu,
Liền liền như gió mưa mau,
220. Trai lành gái tốt đua nhau đá vàng
Mặt sông băng giá chưa tan,
Thái sinh đã cưới được nàng Ngũ Nương,
Động phòng tỏ sáp thêm hương,
Mắt xanh tài tử, má hường giai nhân.
225. Duyên tế ngộ, nghĩa châu trần
Giữa mùa đôngmùa xuân chen vào.
Chuyền tay hợp cẩn rượu đào
Trong thiên hạ dám men nào đọ say,
Lung linh cuối mắt, đầu mày,
230. Có tay trắng ngọc chờ tay trắng ngà.
Nồng nàn e ấp thiết tha,
Nửa như bạn mới, nửa là người xưa.

Sinh rằng: “Từ buổi vương tơ,
Lương duyên nào có ai ngờ đêm nay.
235. Kiếp xưa tu hẳn đã dày,
Mới xui chim phượng về cây ngô đồng.
Giờ đây nên vợ nên chồng,
Trăm năm thật đã thoả lòng khát khao.”

Ngũ Nương e ấp cúi đầu,
240. Mặt hoa da phấn ửng màu chu sa.
“Dám thưa thân phận đàn bà,
Mười hai bến nước có là lênh đênh
Được rày hương lửa ba sinh,
Se duyên quân tử gửi tình tri âm.
245. Trước là phụng dưỡng song thân,
Sau là sửa túi nâng khăn hầu chàng,
Mong sao trọn nghĩa đá vàng,
Lấy chồng thì gánh giang sơn nhà chồng.
Thiếp tôi vụng dại má hồng,
250. Dám xin quân tử lấy lòng mà thương.”

Sinh rằng: “Hoa đuốc phòng hương”
Em ơi! Nói chuyện đường trường ấy chi?
Chén này em hãy cạn đi,
Bóng dương xin hướng hoa quỳ đêm nay.”

255. Thưa rằng: “Giai lão từ đây,
Phải chi tình nghĩa một ngày hay sao.
Vì chàng thương đến má đào,
Xin cho giãi tỏ thấp cao đôi lời.
Khuyên chàng đừng lấy làm chơi.
260. Chăm bên tình ái, bỏ lười văn chương.
Vẻ gì một chút phấn hương,
Gắng đi cho hết con đường năm xe.
Nửa mai gió lạnh hoa hoè
Lấy đâu vốn liếng trảy về kinh đô?
265. Tài trai sự nghiệp là to,
Có coi đâu nặng chuyến đò thê nhi!
Đã lòng vàng chữ vu quy.
Phấn son thiếp dám tiếc gì phấn son?”

Sinh rằng: “Biển cạn non mòn,
270. Những lời em nói xin chôn vào lòng,
Trăm năm kết một giải đồng,
Đắm say duyên mới mặn nồng tình xuân.
Ngẫm xem lời nói tân nhân,
Kính yêu giờ lại bội phần kính yêu.
275. Mùi trinh bạch, nét yêu kiều,
Thái sinh chẳng dám ra chiều lả lơi.
Ngũ nương nàng nhẹ chén mời,
Phô răng thạch lựu, hé môi anh đào.
Tóc mây cánh phượng bồng cao,
280. Còn giai nhân đến thế nào nữa không?”
Sinh rằng: “Non nước hằng mong,
Cho nghe đôi tiếng tơ đồng được chăng?”
“Đã lời dạy đến xin vâng,
Chỉ e tài mọn phu quân chê cười.”
285. Bồ đào tửu, dạ quang bôi,
Tiếng Tỳ bà chẳng giục người lên yên
Một đàn năm ngón tay tiên,
Một đàn chim mộng triền miên bay về
Đàn như tỉnh, đàn như mê,
290. Đàn se vời vợi, đàn về đăm đăm,
Tri âm đàn gọi tri âm,
Đàn ngời ánh ngọc, đàn ngâm giọng vàng.
Phải đây là lúc hợp hoan?
Một bàn tay bốn dây đàn nở hoa.
295. Ngổn ngang nhưng vẫn khoan hoà.
Người nghe lẳng lặng để mà đắm say.
Khôn ngăn ý đẹp tràn đầy.
Thái sinh nắm lấy bàn tay đương đàn:
“Như em tài sắc song toàn:
300. Anh thề sẽ đúc nhà vàng đón em.”

Ngẩn ngơ bốn mắt trao nhìn,
Đôi môi hé nụ cười duyên não nùng!
Bên ngoài mưa gió mùa đông
Lò hương đã nguội sáp hồng thì vơi
305. Màn the đôi cánh buông rồi,
Chăn hương gối phấn một trời phấn hương
Mắt ngà men rượu yêu đương.
Thái sinh dần rõ Ngũ nương nõn nà.
Tóc nhung viền suốt thân ngà,
310. Nhuỵ hồng e ấp tinh hoa đầu mùa.
Rùng mình như nếm mơ chua,
Cái tái tê muốn vỡ bờ hợp hoan.
Nồng sôi ý phượng tình loan,
Hỡi ơi! Bó thắt đôi làn cánh tay
315. Thèm mà nín, khát mà say,
Xốn xang nhựa mạnh tuôn đầy búp tơ.
Mày cao đôi má chín nhừ,
Tân nhân ứa lệ, hoen mờ mắt xanh.
Thoắt mà đêm đã tàn canh,
320. Sáng bong bóng cá, qua mành mưa bay.
Nhành hoa tươi ngại ánh ngày,
Tiếng gà ướt rướt, giọng đầy nước mưa.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thái Sinh Cưới Ngũ Nương” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Ngũ Nương Khuyên Chồng Đi Thi

Ngũ Nương Khuyên Chồng Đi Thi (Nguyễn Bính)

Chàng đọc sách, thiếp xe tơ,
Đêm đêm trăng sáng, làm thơ đầu giường.
325. Nhà thanh đắp đổi bữa thường,
Quản chi sớm nắng, chiều sương phai nhoà,
Tròn nội trợ, vẹn tề gia.
Ra đường vội vội, về nhà chăm chăm.
Trồng dâu để đợi chăn tằm,
330. Dậy từ tối đất, đêm nằm lặn sao.
Ông bà gương sáng thềm cao.
Đứng ngồi phụng dưỡng, ra vào thần hôn
Cùng chồng duyên sắt tình son,
Vợ hiền dâu thảo tiếng đồn gần xa.
335. Tháng ngày đầm ấm bay qua,
Sánh đôi loan phượng đã tà hai trăng.
Tháng giêng vừa tiết đầu xuân,
Xanh un lá mạ, trắng ngần hoa cam,
Mưa xuân rắc bụi quanh làng,
340. Bà già sắm sửa hành trang đi chùa.
Ông già vào núi đề thơ,
Trai tơ đình đám, gái tơ hội hè.
Trường An nẩy quế đan trì
Nhà vua xuống chiếu mở kỳ ân khoa
345. Truyền rằng sĩ tử gần xa,
Thu đèn sách lại để mà tiến kinh.
Thi hương, thi hội, thi đình,
Thơm danh kim bảng, thoả tình vũ môn.

Một ngày nghe tỏ chiếu son,
350. Thái ông vội vã giục con đăng trình.
Ngậm ngùi một nỗi Thái sinh,
Thanh niên ai chẳng nặng tình thê nhi?
Má đào không thuốc mà mê,
Lửa hương hai tháng bỏ đi sao đành,
355. Ngũ nương hay rõ sự tình,
Nửa đêm vấn lại tóc xanh khuyên chồng.
Làm trai chí ở tang bồng,
Đền ơn cha mẹ phụ công học hành.
Bây giờ gặp bước khoa danh,
360. Trời cho cơ hội đầu xanh bảng vàng.
Nhờ chồng thiếp cũng vẻ vang,
Võng anh đi trước, võng nàng theo sau
Cớ chi đắm mận, say đào,
Trượng phu giam mãi thân vào buồng hương.
365. Hãy xin kíp kíp lên đường,
Tài chàng ắt hẳn không nhường một ai
Ví như chàng chẳng chịu lời,
Tội này thiếp gánh trọn đời sao xong.
Thái sinh ý chẳng đẹp lòng,
370. Đưa tay gỡ rối lại vòng tóc xanh.

Ngũ nương châu lệ hai hàng,
Vai non thổn thức, ướt tràn cánh tay:
“Ngũ nương ơi! Rõ đắng cay!
Thuốc bùa chi để chồng mày say mê?
375. Để chồng quấn quít buồng khuê,
Để cho thiên hạ, kẻ chê, kẻ cười.
Tàn đi nhan sắc cho rồi,
Vướng chân chồng, sống ở đời làm chi?
Mai ngày thiên hạ vinh quy,
380. Biển cờ rợp ngõ, ngựa xe đầy đường.
Ông Nghè toàn những người dưng
Học trò Đức Khổng còn đương ngủ ngày.
Tưởng rằng cá nước rồng mây,
Ngờ dâu thiếp đến nỗi này hỡi ơi!”

385. Thái sinh nghe bấy nhiêu lời,
Mười phần mới cả quyết cả mười phần đi:
“Thôi đừng than khóc làm chi,
Rồi xem anh cũng vinh quy như người,
Ngặt vì đường sá xa xôi,
390. Tiền lưng bị gạo cậy ai bây giờ?
Nhà ta thanh bạch từ xưa
Rách lành đắp đổi, muối dưa lần hồi
Lấy đâu nén bạc tiền rời
Vậy nên anh mới chịu ngồi bó tay.”

395. Ngũ nương nhỏ nhẹ thưa ngay:
“Ý anh đã quyết, việc này em lo.”
Của riêng còn mảnh vườn hoa.
Xin đem mại đoạn ắt là phải xong
Xin anh đừng lấy làm lòng,
400. Của chung: của vợ, của chồng, của ai?
Mong sao chàng được thành tài
Cha mẹ em hẳn ngậm cười cõi tiên.”
Thái sinh cảm nghĩa vợ hiền.
Cầm tay chàng mới thốt nên một lời:
405. “Chứng minh có đất có trời,
Cho anh đỗ để đền bồi công em.
Chuyến này đầu bảng khôi nguyên
Giàu sang bõ lúc nghèo hèn có nhau.”
Thưa rằng: “Nghĩa trọng tình sâu,
410. Vợ chồng ai dám mong đâu đền bồi.
Mai kia thật có như lời,
Phúc nhà và cũng phúc trời cho anh.
Đền ơn đội đức sinh thành
Mười năm đèn sách công trình biết bao,
415. Phấn vua tô đến má đào
Thơm lây được có phần nào mà may.”

Vừng hồng vừa rạng ngày mai
Ngũ nương trình lại với hai ông bà
Xin cho mình được về nhà,
420. Để lo liệu bán vườn hoa cho chồng.
Ông bà nghe nói mủi lòng,
Rằng: “Con hiếu thảo thật không ai bì.
Đầu xanh nào nghiệp duyên gì
Ai xui con lấy làm chi chồng nghèo?”
425. Thưa rằng: “Cha mẹ quá yêu,
Lòng con sợ hãi bao nhiêu cho vừa.
Lẻ loi chút phận trẻ thơ
Trăm thương ngàn mến cũng nhờ mẹ cha.
Vả chăng của cũng của nhà
430. Ra gì một mảnh vườn hoa lối tàn.
Con về vườn tược thành hoang,
Có, không chăm được, sao bằng bán đi
Thêm vào lộ phí một ly.
Cho chồng con kịp khoa thi mai ngày.”
435. Ông rằng: “Thực có là may
Ý con hợp với lòng thầy đang lo.”
Thưa rằng: “Thầy mẹ ưng cho
Con xin về gấp để thu xếp dần.”
Bà rằng: “Phúc đức vô ngần,
440. Dâu tôi thực đã mười phần đảm đang.
Thôi con tuỳ tiện mà làm,
Sao cho ổn thoả mọi đàng thì thôi.
Mẹ cha giờ đã già rồi
Lòng con hiếu thảo ắt trời đền công.”

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Ngũ Nương Khuyên Chồng Đi Thi” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Thái Sinh Lên Kinh Ứng Thí, Ngũ Nương Ở Nhà

Thái Sinh Lên Kinh Ứng Thí, Ngũ Nương Ở Nhà (Nguyễn Bính)

445. Ba ngày thu xếp vừa xong,
Ngũ nương sắm sửa cho chồng đi thi.
Tiểu đồng một đứa thuê đi,
Áo tơ đủ bộ ngựa kỳ một đôi
Bút nghiên lều chiếu hẳn hoi
450. Bạc thoi chẳng thiếu tiền rời có dư
Quá quan xin đủ giấy tờ
Chọn ngày tháng tốt đợi giờ lên yên.
Nàng còn sửa lễ gia tiên
Cầu cho chàng được bình yên dọc đường.
455. Lại làm một lễ tứ phương
Cầu cho chàng được vào trường hanh thông.
Cho chàng tên chiếm bảng rồng,
Xem hoa trẩy ngựa, thoả lòng nam nhi.

Đến giờ lên ngựa phân ly
460. Cả nhà tiễn Thái sinh đi bàn hoàn.
Ông nhà khuyên nhủ bảo ban,
Đưa con ba bốn dặm đàng mới lui.
Thái sinh lòng trẻ bồi hồi
Cầm tay vợ chẳng nỡ lời mà than:
465. “Từ đây cách trở quan san,
Còn đâu người ngọc trăng vàng đêm đêm.
Buồn đơn, bóng chiếc mình em,
Mẹ cha tóc bạc càng thêm chạnh lòng.”
Ngũ nương chua xót não nùng
470. Gượng lau nước mắt cho chồng yên tâm,
“Thưa rằng vàng đá một thân,
Em xin thề có quỷ thần hai vai
Thần hôn chẳng dám đơn sai,
Buồng trong há để dặm ngoài băn khoăn.
475. Thiếp tôi rau tảo rau tần,
Màn the chẳng để gió xuân lọt vào
Chàng đi dặm ngút đèo cao,
Thân ngàn vàng phải giữ sao cho toàn.
Mong chàng hai chữ bình an,
480. Chúc chàng hai chữ bảng vàng đầu danh.
Cha già mẹ yếu vợ lành
Chàng ơi chóng chóng khoa danh mà về.
Xin đừng ong bướm si mê,
Kẻo mà bóng liễu bên đê nó dài
485. Kinh đô cát bụi mù trời,
Người đi chớ để lạc loài vó câu.”

Nhìn nhau rồi lại nhìn nhau,
Gió bay tà áo loạn màu thiên thanh.
Khôn ngăn vó ngựa lâm hành
490. Dù muôn tơ liễu buông mành lê thê.
Người đi không bỏ người về,
Thương ơi! Gỗ đá biệt ly cũng buồn.
Nữa là hai vợ chồng son,
Mới hai tháng chẵn chung giường hợp toan,
495. Bỗng mà rẽ phượng chia loan,
Buồng sâu vò võ dặm ngàn lẻ loi.
Rừng thưa bóng ngựa khuất rồi,
Từ nay hẳn có hai người nhớ nhau.

Tớ thầy rong ruổi vó câu,
500. Hai bên dặm khách một màu xuân tươi.
Núi xa nổi bật da trời,
Sông gần uốn khúc nằm phơi lụa vàng.
Gieo thoi cánh én bên ngàn,
Nương dâu thấp thoáng đôi nàng gái tơ.
505. Đoản trường đình dựng mau thưa
Liễu nghiêng cành yến như chờ tay vin.
Hoa rơi nước chảy theo miền,
Buồn chăng hỡi kẻ ngang thuyền với hoa.
Ngày đi đêm nghỉ dần dà.
510. Sương mai lác đác nắng tà chênh vênh.
Ngậm ngùi lòng kẻ thư sinh,
Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ tình gối chăn.
Vắt ngang mây trắng non Tần,
Ngẩn ngơ đầu ngựa mây lần ải quan,
515. Cỏ bồng như tóc chàng Phan (ý nói vất vả)
Canh khuya quán trọ trăng vàng lẻ loi.
Đâu còn lược kép gương đôi,
Đâu còn canh cánh tay người vợ ngoan?
Và đâu còn nữa tiếng đàn,
520. Vì đâu con phượng con hoàng xa nhau?
Sáu mươi ngày đã bao lâu.
Sáu mươi ngày đã vơi đâu ái tình?
Vì đâu cho bóng lạc hình,
Cái khoa danh khéo cợt mình lắm thay,
525. Thiều quang chầm chậm vơi đầy,
Ngày thâu như tháng, ngày chày như năm,
Tiếng đàn để vắng tri âm,
Buồng hương để lạnh chiếu nằm cho ai,
Áo hoa chẳng nở sân Lai,
530. Cửa thưa đậm bóng hai người tóc sương.
Một lòng chín nhớ mười thương,
Cầu cao đón gió dặm trường mưa theo,
Vợ son con một nhà nghèo,
Ra đi ai chẳng ít nhiều xót xa.
535. Mai rồi trẩy ngựa xem hoa,
Lộc vua lộc nước ấy là duyên may.
Bằng không tên chiếm bảng ngoài.
Uổng công học vấn thẹn đời bút nghiên.
Mười năm tốn sách hao đèn,
540. Mỉa mai chúng bạn ưu phiền vợ con.
Nghĩ càng bối rối lòng đơn,
Một thầy một tớ lối sờn tịch liêu.
Này đây quán chợ về chiều,
Trai nghiêng giành khói thành xiêu bóng cờ.
545. Này đây bến đợi sông chờ,
Lao đao trong gió mấy bờ hoa lau.
Này đây truông dậm đèo cao,
O o vượn khóc rảo rào chim bay,
Này đây quán nước làng mây,
550. Ông già hái thuốc rượu say quên về.
Này đây tửu điếm bên đê,
Đôi con ngựa ốm dong xe chở hàng
Này đây rải rác xóm làng,
Tiếng nhanh dệt lụa, giọng vàng ru con.
555. Này đây phường phố bán buôn,
Cát bu vó ngựa, bụi dồn bánh xe.
Hết thành thị đến thôn quê,
Cứ cho đầu ngựa quay về Tràng An
Tớ thầy vò võ chinh an,
560. Kể chi những nỗi gian nan dọc đường.

Thương tình nàng Triệu Ngũ nương,
Giận không phá được cánh rừng trước kia.
Cánh rừng đã mọc phân ly,
Cánh rừng che mất người đi của nàng,
565. Gió xuân như gió khô hàn,
Chao ôi! Lá liễu cũng vàng tiết thu.
Gió bay đầu tóc rối bù,
Nắng phai bóng đá vọng phu nhạt dần,
Quay về vẫn dạ banag khuâng,
570. Quay về hồn vẫn theo gần dặm xa,
Phòng hương đêm ấy trăng tà.
Nàng còn thao thức để mà nhớ nhung.
Rõ ràng chăn vải gối bông,
Màn the chiếu cói nhưng chồng đã xa,
575. Nhuỵ hồng khắc khoải lòng hoa,
Bỗng dưng hai cánh tay ngà lẻ loi,
Mộng về bươm bướm bay đôi,
Mộng đi bươm bướm bay rồi còn đâu?
Há xui chàng mịch phong hầu,
580. Tài trai ai thoát khỏi cầu công danh.
Nhớ thương cho mấy cũng đành,
Nặng vai khoa giáp nhẹ tình phu thê,
Cơm gạo hẩm, củi phên che,
Chuyện xưa còn đó riêng gì mình ta?
585. Phương chi còn có mẹ cha,
Con chưa danh phận, lòng già khó nguôi.
Giờ đây đã vắng chàng rồi,
Dám chăm thương nhớ để lười thần hôn.
Một mình chiều sớm ban hôm,
590. Ra tay gánh vác giang sơn nhà chồng.
Khi ấp lạnh, khi quạt nồng,
Một thân hiếu thảo, vui lòng hai thân.
Thắt lưng buộc bụng chuyên cần,
Trưa còn trèo núi, sáng ăn cơm đèn.
595. Hạt mưa bao quản phận hèn,
Lòng son chẳng bận khen chê miệng đời.
Lời oanh nhẹ nét xuân tươi,
Rách lành xiêm áo ngọt bùi cơm canh
Chong đèn dệt lụa cho nhanh,
600. Một con thoi suốt ba canh đi về.
Kể từ một biệt trên đê,
Bốn bên hàng xóm thôi nghe tiếng đàn.
Tri âm đã vắng tai chàng
Nhện giăng dây đứt bụi hàn phím long.
605. Gái trinh chỉ biết một chồng,
Vắng chàng trang điểm phấn hồng với ai?
Điểm trang cho lắm cũng hoài,
Tổ cho ong bướm ngõ ngoài vo ve.
Liễu bồ rập nhớ thương che,
610. Cỏ thơm đã rụng hoa lê trắng ngần.
Hỡi ơi! Kẻ Việt người Tần,
Trông ra chỉ thấy mấy lần non xanh,
Về chiều mây trắng bay nhanh,
Chuông chùa triêu mộ, trống thành thu không.
615. Từ đâu giam cấm nỗi lòng,
Đêm nay cho thiếp nhớ chồng một phen
Lâm râm rễ cỏ sâu thềm,
Bóng trăng xanh biếc hoa đèn đỏ tươi.
Nhớ xưa này ghế chàng ngồi,
620. Chàng về bút thỏ, thiếp mài nghiên trăng.
Rồng bay, phượng múa nào bằng.
Tiếng ngâm cao điệu mạch văn xuôi dòng.
Tay gầy khép mở cánh song,
Lược thôi hai suối gương lồng một tranh.
625. Cung đàn tiếng trọc tiếng thanh,
Dây vần dây vũ, điệu bình điệu cao.
Đêm nay lại nhớ đêm nào
Chồng tôi xa vắng gió vào chi đây?
Đêm nào để đến đêm nay
630. Nằm vơi trăng xế nhớ đầy gối nghiêng.
Nét xuân còn để y nguyên
Buồng xuân còn thoảng hương nguyền thanh tân
Gái xuân đem lại mùa xuân,
Nõn như hai cánh tay trần thì thôi.
635. Đêm nay mộng cả hai người
Ngổn ngang hình ngọc lả lơi ý vàng
Đêm giờ tình thiếp ngổn ngang,
Cửa thiên thai ngỏ nhưng chàng đã xa.
Tương tư cho hết canh gà,
640. Nằm gan lại sợ việc nhà ai coi,
Rào thương lấp nhớ cho rồi,
Cha giả mẹ yếu dám rời đạo con.
Nhớ chi xuân hết hay còn
Ngày hao gió tỉa đêm mòn mưa pha.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thái Sinh Lên Kinh Ứng Thí, Ngũ Nương Ở Nhà” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Thái Sinh Đỗ Trạng Nguyên Và Cưới Con Gái Thái Sư

Thái Sinh Đỗ Trạng Nguyên Và Cưới Con Gái Thái Sư (Nguyễn Bính)

645. Thái sinh rong ruổi đường xa,
Vời trông trước mắt đã là Tràng An,
Tưng bừng phố dọc đường ngang,
Cung son rực rỡ điện vàng nguy nga
Chật đường sĩ tử gần xa,
650. Mưa xuân đã héo hoa trà mới tươi.
Tớ thầy tìm chốn nghỉ ngơi
Sáng sau chải chuốt ra chơi phố phường
Kinh đô gái đẹp dị thường,
Hoa thua màu thắm liễu nhường vẻ thanh
655. Vàng đeo ngọc giắt đầy mình,
Lụa điều sắc sáng, gấm xanh da trời.
Khi không cũng đắm được người,
Mắt đưa gươm bén miệng cười dao tâu.
Thái sinh dạo gót hồi lâu,
660. Không ai cắt cứa mà đau đớn lòng.
Phồn hoa trăm tía ngàn hồng,
Phút giây quên kẻ phòng không đợi chờ.
Guồng đời rối rít vòng tơ,
Nước men tráng lệ phai mờ thuỷ chung,
665. Thi hương thi hội vừa xong,
Thái sinh thực đã thoả lòng nam nhi.
Tên treo đầu bảng hai kỳ,
Tiếng tăm nổi dậy bốn bề đất kinh.
Tuần sau nhập điện thi đình,
670. Tài cao học rộng phúc lành duyên may.
Đầy thêm chữ tốt văn hay,
Chín lần lên chấm năm mây xuống bài.
Truyền loa kéo bảng cửa ngoài
Trạng nguyên là Thái Bá Giai ấp Trần.
675. Bỗng mà rực rỡ phong vân,
Thái sinh còn ngỡ mình nằm chiêm bao.
Vua ban dạ yến lầu cao,
Mũ hoa giải tía áo bào đai xanh
Tràng An mưa thuận gió lành
680. Vua cho chạy ngựa cấm thành xem hoa.
Ngẫm mình rạng vẻ tân khoa,
Cao vời lộc nước sáng loà ơn vua
Khi xưa áo vải anh đồ,
Ngựa hoa áo gấm bây giờ quan sang.
685. Trong triều khuyết chức Nghị lang
Vua liền chiếu xuống lúc chàng lai kinh,
Thang mây đều bước công danh,
Mải vui thành thị nhẹ tình gia hương.
Đua đòi kiểu cách quan trường,
690. Chọn nơi luồn cúi tìm đường giao du.
Mâm đào lý, chén tạc thù,
Đăng sơn buổi sớm dạ du canh trường
Bén mùi liễu ngõ hoa tường
Hà Mô lăng hạ, Tầm Dương giang đầu.
695. Chưa sang giàu đã sang giàu
Tuyệt nhiên quan trạng hết sầu hết thương.
Nhớ gì hai mái tóc sương,
Tao khang một chút phấn hương quê mùa.
Những ai ngày tưởng đêm mơ,
700. Lên lầu đợi cửa đợi chờ những ai
Lòng người chóng đã đơn sai,
Má tơ ứa lệ, cửa sài bóng nghiêng.

Trăng già sao khéo vô duyên
Chân con nhạn lẻ buộc thêm chỉ điều
705. Có quan thừa tướng họ Ngưu,
Quyền cao chức trọng đầu triều vẻ vang,
Thái sư bậc nhất vẻ vang,
Hiếm hoi duy được một nàng gái tơ.
Đặt tên là Ngọc tiểu thơ
710. Ngọc còn đợi giá mối chờ tường đông
Thái sư lòng vẫn nhủ lòng,
Phi tài Thám, Bảng đừng hòng se duyên.
Khoa này lại có Trạng nguyên,
Thái sư chắc dạ: “Rể hiền là đây”
715. Truyền cho sắm sửa chọn ngày,
Nem công chả phượng đặt bày yến diên.
Thiếp sang mời Thái Trạng nguyên,
Thiếp vừa nhận được, Trạng liền đi ngay.
Thâm nghiêm cổng chắc tường dày,
720. Vươn thân trúc thẳng, vươn mày liễu cong.
Lầu đãi nguyệt, gác nghênh phong
Đá mờ rêu nước hồ trong mây đào
Hạc vàng cất tiếng xôn xao,
Bâng khuâng Trạng ngỡ lạc vào Thiên Thai
725. Tháí sư đón cửa khách ngoài,
Cùng nhau nhẹ bước lên đài chu sa.
Xuân tàn rồi, hết mùa hoa
Chín mươi chín thống cẩm trà còn tươi.
Thái sư nhìn khách cả cười
730. Bấy lâu mời tỏ mặt người văn nhân,
Gọi là đôi chén tẩy trần
Muốn cùng quan Trạng kết thân lâu dài.

Sinh rằng: “Ngài dạy quá lời,
Dám đâu đũa mốc mà chòi mâm son
735. Người tiến chức, kẻ quyền môn,
Bao dung “cho được vuông tròn là may”
Rằng: “Sao Trạng nhún mình thay,
Bây giờ chức nhỏ mai ngày quan cao,
Ơn vua có hẹp ai nào,
740. Đôi ta một trước một sau đó mà,
Ngày nay quan Trạng tân khoa
Đừng nên câu chấp mới là tình thân”
Nghe lời Thừa tướng ân cần
Thái sinh lòng mới mười phần ung dung
745. Bóng dương đã tắt lửa hồng.
Đài son này bóng chiều phong bốn bề,
Chuông chùa ràn rạn xa nghe,
Đinh nghinh tân chủ khách về song song,
Trong ngoài sáp tỏ đèn chong,
750. Cột cao kết lá mai vồng treo hoa
Mâm son đũa ngọc chén ngà,
Dinh quan Thừa tướng quả là thần tiên,
Kẻ hầu, đầy tớ, uy nghiêm,
Sính ca nhã nhạc nổi lên từng hồi.
755. Chia ngôi khách chủ cùng ngồi
Rượu dâng mùi quế trầm khơi màu huyền,
Bắt vào câu chuyện hàn huyên,
Văn chương khách nói, uy quyền chủ khoe.
Người nghiên bút, kẻ ngựa xe,
760. Mọi lời mọi đẹp, mọi bề mọi hay.

Ba tuần so rượu nửa say,
Thái sư ý mới giãi bày chuyện riêng:
“Từ ngày nội tướng quy tiên
Thực không biết chữ tục huyền ra sao,
765. Trời cho một gái má đào
Tiện đây để gọi ra chào Trạng Nguyên.”
Thị tỳ cúi dạ lời truyền,
Thoắt thôi đã thấy thuyền quyên bước vào,
Nghiêng đầu nàng mỉm miệng chào,
770. Thái sinh đáp lễ lòng xao xuyến lòng,
Người đâu phấn ngát son nồng,
Lụa tơ uyển chuyển xuyến vòng lung linh.
Chao ôi! Đôi mắt đa tình,
Cái môi mọng mọng, cái mình thon thon.
775. Rượu nồng, dê béo, gái non,
Trạng quên hết cả, Trạng còn nhớ chi.
Xem tình khứ nhãn lai my
Thái sư biết đích Trạng si mất rồi.
Truyền con rót chén rượu mời:
780. Chúc người chức trọng, chúc người quan cao.
Tay tiên rót chén rượu đào,
Đổ đi thì tiếc uống vào thì say.
Phòng hoa đã trổ gót hài,
Tiệc hoa đã có một người bạc đen.

785. Chủ rằng: “Đây chút thuyền quyên,
Ý ta muốn để kết duyên cùng người,
Trai tài gái sắc vừa đôi,
Nên chăng Trạng ngỏ một lời cho hay.”
Cao cao thôi lại dày dày,
790. Trắng trong màu tuyết tròn đầy gương nga.
Thái sinh rộn rực tình hoa,
Ối con bướm dại lân la nhuỵ đào.
Hoa xuân đêm mới nghẹn ngào,
Người đen bạc lại đắm vào phấn son.
795. Cành tơ nõn, búp xuân tròn,
Mày cong nét liễu, môi thon hình thuyền.
Khó khăn cũng thể lên tiên,
Xót xa cũng thể thuyền quyên gặp chồng,
Lụa đào xé lẻ như không.
800. Cái son mất mát cái hồng ngổn ngang.
Chúa xuân sao nỡ vội vàng,
Tình xuân gắn chặt cánh màn lan tiêu.
Chán chường gối lệch chăn xiêu,
Tay non rời rã, nét kiều châu chan.
805. Sáp chong vẫn tỏ hồng nhan,
Trầm hương vẫn tỏ từng làn khói xanh.
Ngọc nương thỏ thẻ lời oanh,
Trong câu e ấp có tình lả lơi.
Rằng: “Xin hỏi thật một lời,
810. Lọt trong hai cánh tay người đã ai?
Khỏi sao trăng gió tình trai,
Thiếu chi thiên hạ hoa nhài áo xanh.”

Nghe câu hỏi bất thình lình,
Thái sinh chợt nhớ đến tình tao khang.
815. Đêm nào mềm đá chảy vàng,
Đêm nào thánh thót cung đàn đuốc hoa,
Đêm nào ấp ngọc ôm ngà,
Đêm nào như thế, thế mà đêm nay
Xa nhau nào đã bao ngày,
820. Đã phai mờ đã đổi thay không ngờ.
Khi xưa gánh nặng ai chờ.
Qua cầu ai đợi bây giờ quên nhau.
Áo ai may chửa nhạt màu,
Liễu ai bẻ tặng qua cầu còn tươi.
825. Đã quên sao đã phụ rồi,
Cánh tay người ấy cho người đêm nay
Nhưng thôi giờ đến nước này,
Nhớ chi câu chuyện những ngày đã qua.
Im đi sự cửa sự nhà,
830. Liệu lời bướm nói cho hoa vừa lòng.
“Học trò Đổng Tử, Ôn Công
Hết đầu câu chuyện vợ chồng ra sao
Mà toan ướm mận thử đào
Lưu lang thực quả chưa vào thiên thai
835. Ngọc chưa giũa, đá chưa mài,
Nàng ơi! Trai vẫn là trai nguyên lành.”

Nàng rằng: “Đừng nói dối quanh.
Chắc là chàng đã gửi tình cùng ai.
Cứ lòng thiếp đoán không sai,
840. Cố hương hẳn đã có người tử sinh.”
Tân lang có tật giật mình,
Vội vàng bưng kín miệng bình cho yên
“Lòng trời tác hợp cho nên,
Xe tơ chóng vánh kết duyên lâu dài,
845. Song song gái sắc trai tài,
Ngờ nhau chi thế cho hoài đêm xuân.
Chưa hề quen một giai nhân,
Chưa hề chăn gối tay trần của ai.”
Đêm xuân ai bảo là dài,
850. Đã lùn bóng sáp, đã phai hương trầm
Má hồng là đá nam châm,
Tu mi là sắt để nằm cạnh nhau.
Bình cam lộ, ánh lưu cầu,
Trộn chung hai suối, một màu mây xanh.
855. Não người những nét đồng trinh
Thân tơ lả tả, lửa tình xiêu xiêu,
Dâng lên như nước thuỷ triều,
Hoa nuông ý bướm, bướm chiều tình hoa.
Sáp không ai nói nữa mà
860. Động phòng bỗng chốc chan hoà bóng đêm,
Tiếng xô chăn gối êm đềm
Nhỏ to hơi ngắn, giọng mềm lả lơi.
Vợ chồng như đũa có đôi.
Hai con người ấy không rời nhau ra,
865. Ban ngày uống rượu xem hoa,
Đêm đêm chong sáp để mà gối chăn.
Thái sư kén được văn nhân
Bắt chàng ở rể cho gần cha con.
Nuông chiều hai vợ chồng son,
870. Thái sinh thực đã vuông tròn giàu sang.
Đi lên ngọc, dẫm lên vàng,
Mặc toàn gấm vóc, ăn toàn cao lương.
Xé trăm vuông lụa khi buồn.
Đóng mười cỗ ngựa chật đường khi đi.
875. Quả tươi mong vãi biến thuỳ
Soi gương nước giếng, vẽ my tay chàng.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thái Sinh Đỗ Trạng Nguyên Và Cưới Con Gái Thái Sư” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng

Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng (Nguyễn Bính)

Thái sinh từ được giàu sang,
Đã quên mây núi Thái Hàng vẫn bay
Đã quên người vợ thơ ngây
880. Một thân tấm cám từ ngày hàn vi,
Quên rồi chứ nhớ làm chi,
Người ta quan Trạng thiếu gì giai nhân,
Thiếu gì ngọc chuốt vàng dâng
Nơi quyền quý, cái vân phong thiếu gì.
885. Quên rồi chứ nhớ làm chi,
Người ta quan Trạng thiết gì cố nhân!
Gái quê nghèo khó ngu đần,
Gái quê sửa túi nâng khăn vụng về.
Chẳng thương thì mấy chẳng chê,
890. Tham vàng bỏ ngãi ra gì ai ơi!
Đổi thay chớp mắt tình đời,
Rượu làm đỏ mặt vàng xui đen lòng.
Thời gian đi nhẹ như không,
Mà tàn nhạt hết sắc hồng màu xanh.
895. Tháng ngày lần lữa bay nhanh,
Lòng ai đã bạc hết tình chồng con.
Có như nước chảy đá mòn,
Chỉ còn vui đấy chẳng còn thương đây.
Vầng trăng khi khuyết khi đầy,
900. Lòng người cứ mỗi một ngày một vơi.
Quên cho đến hết thì thôi,
Nhưng người xa ấy là người đã xa.
Nào cha mẹ, nào cửa nhà,
Người thục nữ tiếng tỳ bà trôi xuôi.
905. Nói lời rồi lại ăn lời,
Người như cóc chẳng bôi vôi chẳng về
Bạc đen đã vẹn mọi bề
Thương gì mùa hạ tiếc gì mùa xuân.
Ngọc nương hỏi đến song thân,
910. Thản nhiên Sinh đáp: “Từ trần đã lâu”
Chao ôi! Chữ hiếu là đâu,
Bạc ra cửa miệng tội cao bằng trời.
Người mà đến thế thì thôi
Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi

915. Đã qua đường ấy quen xe,
Đã qua bên ấy nhớ gì đến sông.
Ngũ nương vẫn nhớ thương chồng.
Thờ hai thân vẫn một lòng dâu con.
Hỡi ơi! Đôi mắt đã mòn,
920. Nhớ ai bằng gái còn son nhớ chồng?
Rộn ràng buổi chợ đang đông
Cỏ huyên chẳng có hoa hồng cứ bay
Xuân thu đắp đổi từng ngày,
Kể từ xa cách đã đầy nửa năm.
925. Tin chồng vẫn bặt hơi tăm,
Ngày trông nhạn vắng đêm nằm bướm bay.
Buồn lòng lại sợ cho ai,
Biết đâu may rủi đường dài ra sao.
Tràng An ở mãi nơi nào,
930. Để cho cha mẹ ra vào băn khoăn.
Để cho thơ dại một thân,
Trăng non liễu yếu thêm phần đắng cay.
Tiếc không có cánh mà bay,
Tìm chàng góc bể chân mây cùng là.
935. Ra đi? Thân gái đường xa,
Sớm hôm cha mẹ cửa nhà cậy ai?
Đành thôi nay lại chờ mai,
Đành thôi thở ngắn than dài đêm thâu.
Hay là chàng đã quên nhau,
940. Bỏ nơi áo vải mà cầu cao sang,
Lẽ đâu chàng nỡ phũ phàng,
Cha mẹ còn đó, nước làng còn đây.
Dù cho bỏ một thân này,
Bỏ quê hương, bỏ mẹ thầy hay sao!
945. Nhưng mà học rộng tài cao,
Nghĩ như người ấy lẽ nào bạc đen.
Mười năm theo đạo thánh hiền,
Một ngày dễ đã dám quên cương thường
Hay là tai nạn dọc đường,
950. Tớ thầy lưu lạc về phương trời nào.
Hay là vực thẳm đèo cao
Hay nơi trường ốc làm sao mất rồi?
Hay là chàng đã… nhưng thôi.
Lạy trời phù hộ chồng tôi tốt lành.
955. Chàng ơi! Có thấu cho tình,
Trăm nghìn lo nghĩ một mình thân em
Bóng trăng thu rải đầy thềm
Bởi lo cha mẹ nên thêm nhớ chàng.
Tường xiêu treo mãi thân đàn,
960. Bốn dây thương nhớ một bàn tay hoa,
Chờ mong như suốt đêm qua,
Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày,
Lần lần lá rụng rồi đây
Tơ đàn rã rượi, cho tay lỗi đàn.
965. Tiếng đâu rào rạt rộn ràng,
Ngựa ai, ai cưỡi qua ngàn lá khô?
Tiếng đâu xao động bờ xô,
Xe ai, ai đẩy ngang bờ dâu xanh.
Buồng hương bóng bóng hình hình
970. Gió hiu hiu hắt qua mành mành hoa,
Người về chỉ những người ta,
Gió mơ hồ, gót đường xa quên về,
Nay rồi mai lại ngày kia,
Nhớ mong chờ đợi đến khi… hỡi chàng?

975. Suốt trời nắng đổ chang chang,
Nắng khô sông rộng, nắng vàng rừng thưa,
Trời làm mấy tháng không mưa,
Bao nhiêu đồng đất nẻ khô như sành,
Mùa màng mất sạch sành sanh,
980. Dân gian lo sợ mà đành bó tay,
Người sang Bắc, kẻ về Tây,
Vợ con phiêu bạt, tớ thầy biệt ly,
Bỏ nhà bỏ cửa kéo đi,
Đò ngang vắng khách, chợ thì hết đông.
985. Túng vô độ, đói vô cùng
Người ta đã biết cơm sung, cháo dền.
Ngũ nương mới thực lo phiền,
Nhà nghèo lại gặp truân chuyên thế này,
Bao nhiêu của cải riêng tây,
990. Nàng đem bán rẻ từng ngày ăn đong,
Gắng cho cha mẹ yên lòng
Đường xa vẫn chẳng thấy chồng về cho.
Thất thường bữa đói bữa no,
Hôm nay đã vậy lại lo mai ngày.
995. Nàng thì vóc liễu thêm gầy,
Mẹ cha lại mấy bữa rày không cơm,
Tảo tần thương một thân đơn,
Ngọn rau lá cỏ qua cơn đói lòng.
Thiên tai cơ cận khắp vùng,
1000. Trời cao thăm thẳm, đầy đồng nắng hoa.
Triều đình xót nỗi dân quê,
Lấy lương Hà Nội chở về Hà Đông.
Huyện quan thông sức khắp vùng,
Đúng ngày ai nấy phải cùng lên nha.
1005. Ít nhiều chi nữa cũng là,
Cái tin phát chẩn đồn xa đồn gần.
Nghe tin có phát chẩn bần,
Ngũ nương chẳng quản đường gần hay xa.
Canh năm vừa rạng tiếng gà,
1010. Lẻ loi thân gái bước ra ngại ngùng.
Trên trời sao hãy còn đông,
Cỏ mòn một lối đồng không bốn bề.
Cơ hàn lạnh tái lạnh tê,
Sương thu xuống gió thu về bông bênh
1015. Rừng gần cây mất màu xanh,
Đỉnh non trông thấy, trông thành nghe xa,
Nửa ngày vừa tới huyện nha,
Đông như kiến những người ta ngạt ngào.
Một tuồng rách rưới như nhau,
1020. Một tuồng mặt võ, mình sầu hom hem
Bà bồng cháu, chị dắt em,
Con thơ lạc mẹ, người chen với người
Tiếng than tiếng khóc bời bời,
Ngồi trên có đến ông trời cũng đau,
1025. Đến giờ nổi hiệu trống chầu
Người ta cứ giẫm lên nhau mà vào!
Ngọn roi vun vút mưa rào,
Tiếng van lạy tiếng kêu gào điếc tai.
Ngũ nương vóc liễu mình mai,
1030. Đổi hai mắt lệ lấy vài đấu lương.
Chàng đi hoa nở đầy đường,
Cơ hàn biết thiếp đoạn trường này không.

Về thôi xay, giã, giần, sàng,
Vội vàng vo gạo, vội vàng thổi cơm,
1035. Ngọt ngào lưng thảo lưng thơm,
Mẹ cha chắc dạ là con vui lòng,
Con mà nhịn đói cũng xong,
Mẹ cha nhịn đói lòng không sao đành.
Dối rằng đã có phần mình,
1040. Bao nhiêu cơm gạo riêng dành hai thân,
Còn mình nấu cám mà ăn,
Miễn sao sống được qua lần thì thôi,
Cám không phải của ngọt bùi,
Người không là lợn nuốt trôi sao đành,
1045. Khi xưa bác mẹ hiền lành
Mà nay cay đắng riêng mình mới oan.
Thương thân thêm nỗi nhớ chàng,
Lòng đau chín khúc, lệ tràn đôi mi.
Người đi bằn bặt không về,
1050. Dãi dầu đôi đức, ê chề một thân,
Nghẹn ngào vừa khóc vừa ăn.
Ông bà nhẹ bước lại gần mới hay,
“Trời ơi! Sao đến nỗi này!
Cám kia ai bắt tội này! Con ơi!
1055. Chồng con nó bỏ con rồi,
Mẹ cha làm khổ một đời con đây
Trai ơi mày phụ vợ mày,
Mày đi mất mặt không quay đầu về,
Quên tình phụ tử, phu thê,
1060. Vô nhân bạc nghĩa chết đi cho rồi.
Con đi vui thú quê người,
Để dâu gánh hết nợ đời hay sao!?”

Ngũ nương tươi tỉnh má đào,
Rằng: “Con khoẻ mạnh thế nào cũng xong!
1065. Mẹ cha đầu bạc răng long,
Có như thế mới yên lòng làm con,
Cho dù ngày tháng mai mòn,
Đình vi thúc thuỷ lòng con dám rời
Xin thầy mẹ cứ yên vui,
1070. Chồng con chắc chẳng phải người bạc đen,
Một là đường xá chưa quen,
Hai là đất khách cạn tiền đò giang,
Hoặc là tên chiếm bảng vàng,
Nhà vua giữ lại làm quan trong triều,
1075. Mẹ thầy hiền đức bao nhiêu,
Chồng con ắt chẳng gặp điều không may,
Lòng con dám quản chua cay,
Sớm hôm hầu hạ mẹ thầy là vui”.
Ông bà nghe bấy nhiêu lời,
1080. Tạm ngăn giọt thảm, tạm vơi lòng sầu.
“Ví dù còn có kiếp sau,
Mẹ xin trở lại làm dâu cho mày.”

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Ngũ Nương Chờ Đợi Và Phụng Dưỡng Cha Mẹ Chồng” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Cha Mẹ Chồng Lần Lượt Qua Đời, Ngũ Nương Quyết Định Tìm Chồng

Cha Mẹ Chồng Lần Lượt Qua Đời, Ngũ Nương Quyết Định Tìm Chồng (Nguyễn Bính)

Đói no ngày cũng qua ngày
Lá thu khô đã rơi đầy vườn đông
1085. Bệnh già kéo đến như không
Ba ngày chạy chữa Thái ông từ trần
Tiền không đủ một vuông khăn
Ngũ nương đem ít áo quần bán đi
Cửa nhà đang lúc hàn vi,
1090. Miễn sao một chút lễ nghi gọi là
Thêm thương một nỗi mẹ già
Bóng dâu đầu bãi, nắng đà sang sông
Sớm khuy bà chỉ đau lòng
Có con mà đám ma chồng không con.
1095. Hay đâu gió tủi chăng hờn
Thái bà lâm bệnh từng cơn ly bì
Đói no thôi có quản gì,
Ngũ nương một dạ đình vi đã đầy.
Tiền đâu thang thuốc lúc này,
1100. Còn lo rau cháo một ngày đôi phen.
Một thân mấy nỗi lo phiền,
Nghĩ bề nào cũng chẳng yên bề nào.
Tin người vẫn bặt âm hao
Nhớ ra dặm cát, thương vào buồng the
1105. Úa mòn sắc liễu bên đê,
Ngựa vinh quy chẳng thấy về cố hương.
Tóc dài tủi lược hờn gương,
Lòng tơ biết mấy canh trường ngổn ngang.
Đời cho áo gấm về làng,
1110. Có khi hai chiếc lá vàng đã rơi.
Mới hay khe khắt là đời,
Đắng cay là thiếp… chao ôi! Là chàng!
Mẹ chàng chẳng thuốc chẳng thang
Chê cơm chán cháo lòng càng đắng cay,
1115. Nơi nào chàng hỡi có hay,
Ngõ ngưng sương bạc, vườn bay lá vàng.

Có người viễn khách qua làng,
Tin đồn lại đến tai nàng Ngũ nương
Nàng về trình mẹ tỏ tường,
1120. Rằng: “Xin dâng mẹ tin mừng mẹ vui,
Chồng con đỗ Trạng nguyên rồi,
Làm quan ở đấy từ hồi đăng khoa.”
Thái bà nghe nói xót xa:
“Con ơi! Đừng nói nữa mà mẹ đau.
1125. Nó giờ thương nhớ gì đâu,
Cầm như chiếc nón qua cầu gió bay,
Mẹ giờ sống chết kể ngày,
Sâu nông cậy một thân mày thuỷ chung,
Sinh con ai nỡ sinh lòng,
1130. Ngờ đâu nó cũng lộn vòng bạc đen.
Ới ông ơi! Có linh thiêng,
Đón tôi chầu chức toà sen cho rồi!
Sống dai chỉ khổ dâu thôi.”

Ngũ nương vội vã tìm lời khuyên can:
1135. “Mẹ đừng suy nghĩ miên man?
Cho hao mình hạc cho tàn bóng trăng.
Hẳn là trọn đạc quân thần,
Chồng con chưa nhẽ buông thân mà về.”
Thái bà khi tỉnh khi mê,
1140. Nghe tin vui chính là nghe tin buồn,
Thương dâu lại giận hờn con,
Ngọn đèn trước gió chẳng còn chắc chi.
Ngũ nương khuyên giải rầm rì,
Lòng riêng cảm thấy điều gì không hay.
1145. Tơ tình lỡ dở rồi đây,
Đam mê biết tính từ ngày phòng chung.
Bây giờ xa mặt cách lòng,
Người ta tiếc lục tham hồng một phương.
Thái bà sắp biệt cõi duơng,
1150. Gọi nàng dâu đến bên giường mà than:
“Vợ chồng kẻ Bắc người Nam,
Đầu xanh tuổi trẻ ai làm nhỡ con
Kinh kỳ trướng phủ quyền môn,
Bạc vàng xe ngựa phấn son thiếu gì,
1155. Sang giàu thì bỏ hàn vi,
Nó không về, nó không về nữa đâu,
Thương con mười sáu tuổi đầu,
Câu “sang đổi vợ” là câu thế thường
Con giờ một nắng hai sương,
1160. Mẹ đi con ở giữa đường bơ vơ.
Chọn người quân tử mà thờ,
Ôm con thuyền nát đợi chờ làm chi?
Ngũ nương châu lệ đầm đìa:
“Chồng con dù chẳng có về cũng thôi.
1165. Cũng đành bỏ héo xuân tươi,
Dám đâu một gái đi hai lần đò.
Mẹ còn mạnh chán chưa lo,
Ráng ăn chút ít chóng cho lại người.”
Thái bà lẳng lặng mỉm cười,
1170. Mà trong khoé mắt sáng ngời hạt châu.
Bà nhìn cho kỹ con dâu,
Ý bà muốn nói một câu tận tình.
Dù cho lời nói không thành,
Một nhìn cũng tỏ ngọn ngành xót thương.
1175. Thác về đôi ngả âm dương,
Nghìn thu một sớm thiên đường là đây.

Ngũ nương chi biết đắng cay,
Nhà nghèo giờ biết ma chay thế nào?
Của riêng đã nhẵn như bào,
1180. Biết tìm đâu thấy, biết đào đâu ra.
Nhát lòng xẻ bảy chia ba,
Nỗi mình đơn chiếc, nỗi nhà tang thương.
Lấy đâu cỗ ván lưng cơm,
Thoi vàng giấy nén nhang thơm phụng thờ.
1185. Mong ai đôi mắt đã mờ,
Khóc cha khóc mẹ bây giờ ai hay.
Một mình tính đó toan đây,
Chỉ duy còn mớ tóc mây đáng tiền.
Đen như mun, óng như huyền,
1190. Chiều dài chấm đất, chất mềm như tơ.
Cắt lòng một lưỡi dao đưa,
Than ôi! Đôi ngả tóc tơ chia lìa.
Kiếm nhà quyền quý bán đi,
Món hàng đã hiếm thiếu gì người mua.
1195. Ít nhiều lo liệu cho vừa,
Mồ yên mả đẹp bây giờ đã xong.
Thương thay phận gái xa chồng,
Tóc xanh đã ngắn má hồng lại phai.
Đau lòng thiếp lắm chàng ơi,
1200. Thần hôn thiếp dám đơn sai đâu mà.

Theo nhau cha mẹ về già,
Chàng đi nước thẳm non xa chẳng về.
Nỡ nào nghĩa cắt tình chia,
Nỡ nào được Sở quên Tần cho đang.
1205. Thiếp như áo rách giấy tàn,
Vinh hoa rồi đấy biết chàng tính sao?
Thương nhau liễu yếu tơ đào,
Một thân mang nặng biết bao nhiêu tình.
Ma chay mồ mả đã đành,
1210. Tìm chồng xem cái duyên mình ra sao?

Ngũ nương cửa đóng ngõ rào,
Đem hai bảo vật tìm vào Trường An.
Bức tranh cha mẹ bên chàng,
Tỳ bà đây một cây đàn ngày xưa.
1215. Bức tranh hôm sớm phụng thờ,
Dù con lưu lạc bao giờ dám quên.
Tỳ bà gởi chút tài riêng,
Dọc đường đàn hát kiếm tiền độ thân.
Tuổi non sớm đã thanh bần,
1220. Trời xanh còn bắt phong trần nữa đây.
Vàng người đắm, rượu người say,
Lòng này ai biết thân này ai thương.
Trước khi từ biệt gia hương,
Nàng làm một lễ cáo tường vong linh.
1225. Gởi là bát nước lưng canh,
Bốn bên cha mẹ thấu tình cho con.
Dưỡng, sinh, tống, tử đã tròn,
Con cin lặn lội nước non tìm chồng.
Làm người có thuỷ có chung,
1230. Cúi không thẹn đất, ngửa không thẹn trời.
Sống đâu không thẹn với đời,
Chết đi không thẹn với người cõi âm.
Cúi đầu quỳ lạy bốn thân,
Gieo cầu rút đất cho gần dặm xa.
1235. Giữa đường tai nạn thì qua,
Trường An chả mấy chốc mà đến nơi.
Tìm chàng để gặp mà thôi,
Chắc chi đồn đại như lời người ta.
Thăm xong phần mộ hai nhà,
1240. Ngũ nương lủi thủi bước ra khỏi làng.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Cha Mẹ Chồng Lần Lượt Qua Đời, Ngũ Nương Quyết Định Tìm Chồng” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Nỗi Gian Truân Trên Đường Lên Trường An Tìm Chồng

Nỗi Gian Truân Trên Đường Lên Trường An Tìm Chồng (Nguyễn Bính)

Trên đầu hai nếp khăn tang,
Một tờ tranh một cây đàn tả tơi.
Mùa đông rét cắt da trời,
Gió giàn trước mặt, sương phơi đầy đồng.
1245. Một thân sương gió não nùng,
Bờ đê: này chỗ đưa chồng năm xưa.
Gió xe tơ, liễu bơ phờ,
Nàng còn dừng lại ngẩn ngơ nỗi mình.
Bỗng nhiên dĩ vãng hiện hình,
1250. Ngày xưa – Ôi! thuở thanh bình còn đâu.
Vườn hoa đâu nở muôn màu,
Tử tiên, hồng phấn, tú cầu, đỗ quyên.
Cha thương mến, mẹ diệu hiền,
Bỏ con thơ dại cõi tiên vội vàng.
1255. Vườn nhà chăm chút sớm khuya,
Mùa đào đỏ nụ, mùa lê trắng ngần.
Người nào đứng đó băn khoăn,
Duyên đâu chỉ Tấn, tơ Tần lại se.

Cái đêm hôm ấy đêm gì?
1260. Chén đâu hợp cẩn cung tỳ lương duyên.
Nắng hồng đã tỏ gương sen,
Động phòng sực nhớ mùi hương động phòng.
Song song đấy vợ đây chồng,
Say sưa đắp những đường vòng cánh tay.
1265. Lời thề như thể hát hay,
Muốn đem tài sắc dựng ngay nhà vàng.
Ái ân thiếp thiếp, chàng chàng,
Đắm say đến nỗi không màng công danh.
Nửa đêm vấn lại tóc xanh,
1270. Đưa chồng đây chốn trường đình là đây.
Người đi một ngót thu nay…
Ôi! Ngày xưa chỉ là ngày xa xưa!
Bây giờ nói đến bây giờ,
Có như cả một bài thơ não nùng.
1275. Nghĩ câu phận gái chữ tòng,
Đầu tang tóc rối, tìm chồng phương xa.
Cũng liều đất khách xông pha,
Mai đây thân phận rồi ra thế nào.
Ngại ngùng bước thấp bước cao,
1280. Mắt xanh lệ ứa, má đào châu sa.

Ngổn ngang rừng khổ rừng già,
Song le đường khổ cũng là đường cong.
Xạc xào chợ vẫn bên sông,
Tiều phu khói củi, mục đồng than trâu.
1285. Đò nan cắm lẻ bến sầu,
Chiều đông trời cũng ngả màu biệt ly.
Mái tranh khói nổi sắc chì,
Bộ hành đã tắt người đi sang cầu.
Chàng ơi! Chàng ở về đâu?
1290. Xa xôi có rõ tình nhau thế này.
Khi xưa đôi lứa sum vầy,
Bây giờ ra kẻ ăn mày ăn xin.
Đây không lẻ gạo quan tiền,
Mà trong lòng cái ưu phiền chan chan.
1295. Ví mà chàng đã cao sang,
Còn thương đến kẻ cơ hàn này không?
Nhớ chăng tình nghĩa vợ chồng,
Nhớ chăng lời hẹn hoa phòng ngày xưa?
Mây đùn trời lập cơn mưa,
1300. Ngũ nương tìm chốn ngủ nhờ qua đêm.
Năm canh gan héo ruột mềm,
Năm canh mưa rỏ nát thềm nhà ai.

Sáng sau chẳng quản đường dài,
Lại bơ vơ lại lạc loài lại đi.
1305. Thấy đâu đình đám hội hè,
Rẽ vào đàn hát dở nghề kiếm ăn.
Trường An đâu phải đường gần,
Hồng nhan còn phải phong trần bao nhiêu.
Tha hương lội suối băng đèo,
1310. Người đi chỉ bóng cùng theo với người.
Tì bà ai oán vì ai,
Nước non lặn lội xa khơi tìm chồng.
Nắng mưa dầu dãi má hồng,
Đắng cay chà xát tấm lòng xuân tơ.
1315. Đường trần khăn gói gió đưa,
Tiền rơi thiên hạ, cơm thừa người ta.
Suối vàng mẹ mẹ cha cha,
Ngờ đâu thân phận con ra thế này.
Thành xiêu cờ đổ bóng gầy,
1320. Bên sông gấp gấp tiếng chày giặt sa.
Mưa bay đồi núi phai nhoà,
Tiếng chuông sơn tự, canh gà ải quan.
Đôi vườn cúc nở mơ màng,
Hiu hiu giãi một sắc vàng buồn tênh.
1325. Ngang đường quán rượu chênh vênh,
Long đong vó ngựa trôi nhanh xuống đồi.
Xóm làng rải rác nơi nơi,
Lụa người người dệt, con người người ru.
Thị thành cát bụi bay mù,
1330. Ngổn ngang một lũ trong tù đào sông.
Dần dà đã hết mùa đông,
Cỏ cây e ấp giữa lòng lá non.
Xuân về khắp cả giang sơn,
Đã hay cửa cũ xanh rờn lầu xưa.
1335. Đón xuân thiên hạ nhởn nhơ,
Leo đu ngoài nội đỏ thơ trong đình.
Xôn xao gái tốt nhà lành,
Thương ôi! Tiều tuỵ một mình Ngũ nương.
Hỏi thăm từng một độ đường,
1340. Bao lâu rồi chẳng đến Trường An cho.

Lem nhem mặt bụi mày tro,
Mắt thơ kém biếc má thơ nhạt đào.
Đêm sương ngày nắng từ bao,
Ốm o thục nữ xanh xao liễu hồ.
1345. Gặp kỳ nguyên đán bấy giờ?
Ngũ nương ráng sắm đủ đồ hương hoa.
Treo tranh lên một gốc đa,
Lại quay về hướng quê nhà phương đông.
“Có thương con trẻ long đong,
1350. Phù cho được gặp mặt chồng nay mai.
Dù chàng ăn ở đơn sai,
Cũng xin chẳng dám nửa lời làm chi.
Hay hèn đành thói nữ nhi,
Lỡ ra thôi có tiếc gì thân con.
1355. Cốt sao tình hiếu vuông tròn,
Cốt sao giữ tấm lòng son vẹn toàn.
Giàu sang cũng thể nghèo nàn,
Chết đi cũng đến hai lần tay không?”
Từ phần rỏ lệ ngùi trông,
1360. Đường xa dặm thẳm cô bồng lại bay.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Nỗi Gian Truân Trên Đường Lên Trường An Tìm Chồng” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi

Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi (Nguyễn Bính)

Lần lần đàn hát đó đây,
Mùa xuân hết chín mươi ngày như chơi.
Nắng lên đã chói quê người,
Tiền sen đã đúc xanh tươi mặt hồ,
1365. Nghe đồn sắp đến kinh đô,
Ngũ nương lòng những nửa lo nửa mừng.
Phần lo duyên phận nửa chừng,
Tay nâng chén muối, đĩa gừng nhớ quên ?
Phần mừng mai mốt Trạng nguyên
1370. Tha hương gặp gỡ vợ hiền thuỷ chung,
Bấy lâu cách mặt xa lòng,
Mẹ cha đã khuất mà chồng chẳng hay.
Chàng nên danh phận dường này,
Mồ hai thân đã mọc đầy cỏ xanh.
1375. Biết bao công đức sanh thành,
Làm con phải nhớ lấy tình mẹ cha.
Trống chiêng rộn rã nẻo xa,
Dường như ở đó người ta hội chùa.
Ngũ nương thân thể mỏi rừ,
1380. Lòng sương từ sáng đến giờ chưa ăn.
Tìm đường cố gắng dừng chân,
Rẽ vào đàn hát qua lần lấy no,
Đến nơi quã thực hội chùa,
Thiện nam tín nữ đông như kiến đàn.
1385. Ngũ nương cất nhẹ tiếng vàng,
Dạo lên một khúc đoạn tràng quen tay.
Tiếng đàn đậm nhạt mây bay,
Nhặt thưa gió quyện vơi đầy triều âm.
Bỗng không vò võ cung Hằng,
1390. Bỗng không nổi sóng đất bằng cung Ngô.
Bỗng không cát trắng đất Hồ,
Bỗng không nước đục đôi bờ sông Ngân,
Như xa thôi lại như gần,
Cao dần lại thấp, thấp dần lại cao.

1395. Hát rằng: “Chín chữ cù lao,
Làm con phải trả thế nào hỡi ai!
Con nuôi cha mẹ kể ngày,
Mà công cha mẹ xem tày bể non.
Thiếp tôi mười sáu tuổi son,
1400. Vợ chồng sum họp mới tròn hai trăng.
Chồng tôi ứng thí Tràng An,
Sớm trông chiều ngóng đã tàn thu đông,
Phận nuôi cha mẹ thay chồng,
Dám đâu quỳ hoắc héo lòng hôm mai.
1405. Đỗ xanh mọc kín bãi rồi,
Một năm đằng đẵng chồng tôi không về.
Một mình cày mướn may thuê,
Gặp năm kém đói giữa khi thanh bần.
Lấy gì phụng dưỡng hai thân,
1410. Mẹ cha lại bỏ cõi trần mà đi.
Đem lòng tử biệt sinh ly,
Mồ công cố đắp quản gì một thân.
Một tờ tranh một cây đàn.
Đi hành khất tới Tràng An tìm chồng.
1415. Biết rằng có gặp nhau không.
Biết rằng gặp có một lòng như xưa.
Thôi thì thân gái hạt mưa
Vũng lầy giống ngọt cũng chừ người ta.
Nửa năm bỏ cửa bỏ nhà,
1420. Nằm gai nếm mật đường xa dặm dài.
Lòng này than thở cùng ai,
Chàng ơi! Sao chẳng đoái hoài quê hương?
Hay gì lưu lại bốn phương,
Nhớ câu “phụ mẫu tại đường” hay quên?
1425. Hay là bầu rượu lắm men,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Dù chàng phú quí kinh đô,
Mà hai thân đã yên mồ từ lâu.
Vậy thì chín chữ cù lao,
1430. Chàng ơi! Trả đến kiếp nào cho xong?”

Tay run giọng yếu não nùng.
Người nghe ai cũng chạnh lòng rơi châu.
Còn đương giọng ướt tỏ sầu,
Trống cờ rộn rã từ đâu tiến vào,
1435. Mọi người nhốn nhác xôn xao,
Giạt ra nhường lối võng đào kiệu hoa.
Vợ chồng quan Trạng tân khoa.
Hiệu còi dồn bước, tiếng loa dọn đường.
Ngũ nương đứng nép bên đường,
1440. Trông lên thật đã rõ ràng, than ôi!
Xa nhau mới một năm trời,
Người ngồi trên kiệu phải người đâu xa.
Người ngồi trên kiệu trông ra,
Giật mình nhận thấy để mà quay đi.
1445. Vòng sau quay kín nữ tì,
San hô cẩn bánh, lưu ly buông mành.
Ngũ nương ngờ cả mắt mình,
Hỏi người bên cạnh xem tình thực hư.
Người rằng: “Con rễ Thái sư,
1450. Vợ chồng ý hẳn vào chùa hành hương.”
Nàng rằng: “Tôi kẻ viễn phương.
Xin cho được biết tỏ tường họ tên.”
Người rằng: “Đệ nhất uy quyền,
Ông này vừa đỗ Trạng Nguyên năm rồi,
1455. Chính tên là Thái Bá Giai,
Rể quan Thừa tướng ai mà không hay!”
Ngũ nương nghe hết lời này.
Ruột gan thắt quặn, mặt mày tối tăm.
Thôi, thôi, thôi chẳng còn nhầm,
1460. Đứng đây nào có phải nằm chiêm bao?

Bây giờ chức trọng quyền cao,
Vợ con thừa tướng ai nào nhớ ai ?
Hỡi ơi! được cá quên chài
Được cây quên búa, được người quên ta,
1465. Được rày quên mẹ, quên cha,
Đến như phụ mẫu nữa là phu thê.
Khi xưa nói nói, thề thề,
Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai.
Duyên mình đến thế thì thôi,
1470. Cam thân nghèo khổ mặc người giàu sang.
Nhất tâm bỏ ngãi quên vàng,
Công hầu khanh tướng cũng bằng vất đi.
Đã lầm một chữ vu quy,
Thân này thôi dám bận gì đến ai?
1475. Uổng đời quần vải thoa gai?
Qua đường hờ hững con người ăn xin.
Nàng bèn cắn ngón tay tiên,
Giở tranh cha mẹ viết lên vài dòng.
“Tôi Ngũ nương họ Triệu,
1480. Quê ở quận Trần Lưu.
Vợ chồng hai tháng mới cùng nhau
Nam Bắc đôi nơi đã cách rẽ,
Phận là gái vì chồng nuôi bố mẹ,
Nhà thì nghèo nhiều nỗi đáng thương tâm,
1485. Khi dưỡng sinh ăn cám để nhường cơm,
Lúc tống tử lo ma mà cắt tóc,
Lòng thiếu phụ tơ vò chín khúc,
Mồ công cô tay đắp hai ngôi.
Tỳ bà ai oán vì ai.
1490. Nước non lặn lội xa khơi tìm chồng.”
Nàng tìm đến chốn trai phòng,
Đưa tranh quỳ lạy sư ông cậy lời.
Từ bi người hãy vì tôi,
Dâng tranh này tới mặt người Trạng nguyên.
1495. Dù ngài có hỏi căn duyên,
Xin sư đừng có nói thêm lời nào.

Trường An xe ngựa xôn xao,
Phơi đầy gấm vóc, chất cao bạc vàng.
Vui rực rỡ, sướng huy hoàng,
1500. Cái giàu vô tận, cái sang vô cùng.
Bỏ quên đây cái thuỷ chung,
Bỏ quên đây một tấm lòng bơ vơ.

Nàng đi trong bóng chiều mờ,
Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga.
1505. Nàng đi với chiếc tỳ bà,
Nước non thôi hết ai là tri âm.
Nàng đi từng bước âm thầm,
Đầu xanh tóc ngắn áo chàm màu tang.
Nàng đi hạc nội mây ngàn,
1510. Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi.

Chập chờn ánh lửa ma trơi,
Từ nay thực có một người bị quên.
Sang sông trót lỡ chuyến thuyền,
Tiếng tỳ bà có nổi lên lần nào!
1515. Hay là huyền tuyệt diệu cao,
Nghìn thu chẳng để lọt vào giai nhân.
Từ khi lạc với cây đàn,
1518. Chẳng ai còn thấy bóng nàng Ngũ nương.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!