Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi (Nguyễn Bính)
Lần lần đàn hát đó đây,
Mùa xuân hết chín mươi ngày như chơi.
Nắng lên đã chói quê người,
Tiền sen đã đúc xanh tươi mặt hồ,
1365. Nghe đồn sắp đến kinh đô,
Ngũ nương lòng những nửa lo nửa mừng.
Phần lo duyên phận nửa chừng,
Tay nâng chén muối, đĩa gừng nhớ quên ?
Phần mừng mai mốt Trạng nguyên
1370. Tha hương gặp gỡ vợ hiền thuỷ chung,
Bấy lâu cách mặt xa lòng,
Mẹ cha đã khuất mà chồng chẳng hay.
Chàng nên danh phận dường này,
Mồ hai thân đã mọc đầy cỏ xanh.
1375. Biết bao công đức sanh thành,
Làm con phải nhớ lấy tình mẹ cha.
Trống chiêng rộn rã nẻo xa,
Dường như ở đó người ta hội chùa.
Ngũ nương thân thể mỏi rừ,
1380. Lòng sương từ sáng đến giờ chưa ăn.
Tìm đường cố gắng dừng chân,
Rẽ vào đàn hát qua lần lấy no,
Đến nơi quã thực hội chùa,
Thiện nam tín nữ đông như kiến đàn.
1385. Ngũ nương cất nhẹ tiếng vàng,
Dạo lên một khúc đoạn tràng quen tay.
Tiếng đàn đậm nhạt mây bay,
Nhặt thưa gió quyện vơi đầy triều âm.
Bỗng không vò võ cung Hằng,
1390. Bỗng không nổi sóng đất bằng cung Ngô.
Bỗng không cát trắng đất Hồ,
Bỗng không nước đục đôi bờ sông Ngân,
Như xa thôi lại như gần,
Cao dần lại thấp, thấp dần lại cao.
1395. Hát rằng: “Chín chữ cù lao,
Làm con phải trả thế nào hỡi ai!
Con nuôi cha mẹ kể ngày,
Mà công cha mẹ xem tày bể non.
Thiếp tôi mười sáu tuổi son,
1400. Vợ chồng sum họp mới tròn hai trăng.
Chồng tôi ứng thí Tràng An,
Sớm trông chiều ngóng đã tàn thu đông,
Phận nuôi cha mẹ thay chồng,
Dám đâu quỳ hoắc héo lòng hôm mai.
1405. Đỗ xanh mọc kín bãi rồi,
Một năm đằng đẵng chồng tôi không về.
Một mình cày mướn may thuê,
Gặp năm kém đói giữa khi thanh bần.
Lấy gì phụng dưỡng hai thân,
1410. Mẹ cha lại bỏ cõi trần mà đi.
Đem lòng tử biệt sinh ly,
Mồ công cố đắp quản gì một thân.
Một tờ tranh một cây đàn.
Đi hành khất tới Tràng An tìm chồng.
1415. Biết rằng có gặp nhau không.
Biết rằng gặp có một lòng như xưa.
Thôi thì thân gái hạt mưa
Vũng lầy giống ngọt cũng chừ người ta.
Nửa năm bỏ cửa bỏ nhà,
1420. Nằm gai nếm mật đường xa dặm dài.
Lòng này than thở cùng ai,
Chàng ơi! Sao chẳng đoái hoài quê hương?
Hay gì lưu lại bốn phương,
Nhớ câu “phụ mẫu tại đường” hay quên?
1425. Hay là bầu rượu lắm men,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
Dù chàng phú quí kinh đô,
Mà hai thân đã yên mồ từ lâu.
Vậy thì chín chữ cù lao,
1430. Chàng ơi! Trả đến kiếp nào cho xong?”
Tay run giọng yếu não nùng.
Người nghe ai cũng chạnh lòng rơi châu.
Còn đương giọng ướt tỏ sầu,
Trống cờ rộn rã từ đâu tiến vào,
1435. Mọi người nhốn nhác xôn xao,
Giạt ra nhường lối võng đào kiệu hoa.
Vợ chồng quan Trạng tân khoa.
Hiệu còi dồn bước, tiếng loa dọn đường.
Ngũ nương đứng nép bên đường,
1440. Trông lên thật đã rõ ràng, than ôi!
Xa nhau mới một năm trời,
Người ngồi trên kiệu phải người đâu xa.
Người ngồi trên kiệu trông ra,
Giật mình nhận thấy để mà quay đi.
1445. Vòng sau quay kín nữ tì,
San hô cẩn bánh, lưu ly buông mành.
Ngũ nương ngờ cả mắt mình,
Hỏi người bên cạnh xem tình thực hư.
Người rằng: “Con rễ Thái sư,
1450. Vợ chồng ý hẳn vào chùa hành hương.”
Nàng rằng: “Tôi kẻ viễn phương.
Xin cho được biết tỏ tường họ tên.”
Người rằng: “Đệ nhất uy quyền,
Ông này vừa đỗ Trạng Nguyên năm rồi,
1455. Chính tên là Thái Bá Giai,
Rể quan Thừa tướng ai mà không hay!”
Ngũ nương nghe hết lời này.
Ruột gan thắt quặn, mặt mày tối tăm.
Thôi, thôi, thôi chẳng còn nhầm,
1460. Đứng đây nào có phải nằm chiêm bao?
Bây giờ chức trọng quyền cao,
Vợ con thừa tướng ai nào nhớ ai ?
Hỡi ơi! được cá quên chài
Được cây quên búa, được người quên ta,
1465. Được rày quên mẹ, quên cha,
Đến như phụ mẫu nữa là phu thê.
Khi xưa nói nói, thề thề,
Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai.
Duyên mình đến thế thì thôi,
1470. Cam thân nghèo khổ mặc người giàu sang.
Nhất tâm bỏ ngãi quên vàng,
Công hầu khanh tướng cũng bằng vất đi.
Đã lầm một chữ vu quy,
Thân này thôi dám bận gì đến ai?
1475. Uổng đời quần vải thoa gai?
Qua đường hờ hững con người ăn xin.
Nàng bèn cắn ngón tay tiên,
Giở tranh cha mẹ viết lên vài dòng.
“Tôi Ngũ nương họ Triệu,
1480. Quê ở quận Trần Lưu.
Vợ chồng hai tháng mới cùng nhau
Nam Bắc đôi nơi đã cách rẽ,
Phận là gái vì chồng nuôi bố mẹ,
Nhà thì nghèo nhiều nỗi đáng thương tâm,
1485. Khi dưỡng sinh ăn cám để nhường cơm,
Lúc tống tử lo ma mà cắt tóc,
Lòng thiếu phụ tơ vò chín khúc,
Mồ công cô tay đắp hai ngôi.
Tỳ bà ai oán vì ai.
1490. Nước non lặn lội xa khơi tìm chồng.”
Nàng tìm đến chốn trai phòng,
Đưa tranh quỳ lạy sư ông cậy lời.
Từ bi người hãy vì tôi,
Dâng tranh này tới mặt người Trạng nguyên.
1495. Dù ngài có hỏi căn duyên,
Xin sư đừng có nói thêm lời nào.
Trường An xe ngựa xôn xao,
Phơi đầy gấm vóc, chất cao bạc vàng.
Vui rực rỡ, sướng huy hoàng,
1500. Cái giàu vô tận, cái sang vô cùng.
Bỏ quên đây cái thuỷ chung,
Bỏ quên đây một tấm lòng bơ vơ.
Nàng đi trong bóng chiều mờ,
Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga.
1505. Nàng đi với chiếc tỳ bà,
Nước non thôi hết ai là tri âm.
Nàng đi từng bước âm thầm,
Đầu xanh tóc ngắn áo chàm màu tang.
Nàng đi hạc nội mây ngàn,
1510. Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi.
Chập chờn ánh lửa ma trơi,
Từ nay thực có một người bị quên.
Sang sông trót lỡ chuyến thuyền,
Tiếng tỳ bà có nổi lên lần nào!
1515. Hay là huyền tuyệt diệu cao,
Nghìn thu chẳng để lọt vào giai nhân.
Từ khi lạc với cây đàn,
1518. Chẳng ai còn thấy bóng nàng Ngũ nương.
Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Ngũ Nương Gặp Thái Sinh Rồi Bỏ Đi” của tác giả Nguyễn Trọng Bính. Thuộc tập Tỳ Bà Truyện (1942), danh mục Thơ Nguyễn Bính trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!