Chơi Giữa Mùa Trăng

Chơi Giữa Mùa Trăng

Chơi Giữa Mùa Trăng (Hàn Mặc Tử)

Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kỳ ảo, thơm thơm, và nếu người thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả… Và rơi đến đâu, chạm vào thứ gì là chỗ ấy, thứ ấy vang lên tuy chẳng một ai thấy rõ sức rung động. Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một mùa ao ước xây bằng châu lệ, làm bằng chia ly, và hơn nữa, hiện hình của một nguồn khoái lạc chê chán… Phải không hở chàng Ngưu và ả Chức?

Sông? Là một giải lụa bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh. Chị tôi và tôi đồng cầm một mái chèo con, nhẹ nhàng lùa những dòng vàng trôi trên mặt nước.

Chị tôi cười nả nớt, tiếng cười trong như thuỷ tinh và thanh khiết lạ thường. Luôn luôn cứ hỏi tôi và đố tôi cho kỳ được: “Này, chị đố em nhé, trăng mọc dưới nước hay mọc trên trời, và chúng mình đi thuyền trên trời hay dưới nước?” Tôi ngước mắt ngó lên trời rồi ngó xuống nước và cũng cười đáp lại: “Cả và hai, chị a”. Sướng quá, chao ôi, hai chị em lại thỉnh thoảng rú lên cười làm náo động luồng tinh khí của hạo nhiên.

Vây chúng tôi bằng ánh sáng, bằng huyền diệu, chưa đủ, Ngưu lang và Chức nữ, chúa của đêm trung thu còn sai gió thu mang lại gần chúng tôi một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến: trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa… Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê, không còn biết là có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói… Ở thượng tầng không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn giang!”

Đi trong thuyền, chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền…

Trên kia, phải rồi, trên kia, in hình có một vì tiên nữ đang kêu thuyền để quá giang.

Thình lình vùng mộng của chúng tôi bớt vẻ sáng lạn. Chị tôi liền chỉ tay về phía bến đò thôn Chùa Mo[1] và bảo tôi rằng: “Thôi rồi! Trí ơi! Con trăng nó bị vướng trên cành trúc kia kìa, thấy không? Nó gỡ mãi mà không sao thoát ra được, biết làm thế nào, hở Trí”. Tôi cười: “Hay là chị em ta cho thuyền đỗ vào bến này, rồi ta trèo lên động cát với tay gỡ hộ cho trăng thoát nạn”. Hai chị em liền giấu thuyền trong một bụi hoa lau bông vàng phơi phới, rồi cùng lạc vào một đường lối rất lạ, chân dẫm lên cát mà cứ ngỡ là bước trên phiến lụa. Nước suối chảy ở hang đá trắng, tinh khiết như mạnh nước ngọc tuyền, chồm lên những vừng lá, hễ trông đến là kinh hãi vì ngó giống con bạch hoa xà như tạc…

Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi xem chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê cả lưỡi và hàm răng. Chị tôi làm thinh – mà từng lá trăng rơi lên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng. Động là một thứ hòn non bằng cát trắng quá, trắng hơn da thịt của người tiên, của lụa bạch, hơn phẩm giá của tiết trinh – một màu trắng mà tôi cứ muốn lăn lộn điên cuồng, muốn kề môi hôn, hay áp má lên để hưởng sức mát rượi dịu dàng của cát…

Hai chị em đồng dang tay níu áo gượng vào nhau dấn bước lên cao… Thỉnh thoảng mỏi hai đầu gối quá, cả chị liền em đồng ngã lăn ra. Lại một dịp cho tiếng cười của chị tôi được nở ra, giòn tan trong không khí. Lên tới đỉnh là hao mòn đi một ít. Nhưng mà ngợp quá sáng quá, hứng trí làm sao? Đây có phải là nước Nhược non Bồng, động phủ thần tiên ngàn xưa còn sót lại? Nhìn xuống cát cố tìm dấu tích gì lưu lại một vết chân của Đào Nguyên Tiên nữ, nhưng tấm cát phẳng lờ như lụa căng, trinh bạch làm sao.

Bất tri thử địa hà xứ
Tu tựu Đào Nguyên vấn chủ nhân?

Bây giờ chúng tôi đương ở giữa mùa trăng, mở mắt ra cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiêu diêu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói… Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi đây cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác.

Ánh sáng tràn trề, ánh sáng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu… Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là đức tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.

Tôi nắm tay chị tôi giật lia lịa và hỏi một câu hỏi tức cười làm sao: “Có phải chị không hở chị?”. Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên: “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng, mà em đây cũng là trăng nữa!”.

Ngó lại chị tôi và tôi, thì quả nhiên là trăng thiệt. Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi, và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức. Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái “ta” của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt… Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng, và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng. Chị tôi đằng xa chạy lại bảo tôi:

– Em la to quá, chị sợ âm thanh rung động đến khí trời, rồi những ánh trăng sẽ tan ra bọt mất…

– Không, không, chị ơi! Rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi…

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Chơi Giữa Mùa Trăng” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Mùa Thu Đã Tới

Mùa Thu Đã Tới

Mùa Thu Đã Tới (Hàn Mặc Tử)

Tận hưởng cái thú vị của hạnh phúc trong một phút đê mê, nghĩa là đã sống đầy đủ vậy. – Hãy cầu nguyện vì Ác tinh xuống hoạ cho người để nghe rõ tiếng kêu thương, vì hạnh phúc nằm trong đau khổ.

Tín đồ nhà Phật lấy phút cuối cùng là hạnh phúc.

– Em ơi! Ghen ghét hạnh phúc của người là một sự điên rồ…
Ngày nay còn ai đâu biết đến giá trị của sắc đẹp.
Triết lý và văn thơ là những danh từ đã chết.
Triết lý là vun trồng, nuôi nấng thi văn, mà thi văn là để bắt nghĩa ra triết lý.

Tôi không cần ai giảng triết lý, vì nếu trong khi mộng tôi đến xứ Hy Lạp và đã đọc câu châm ngôn khắc dưới chân pho tượng khổng lồ của Sardanapale: “Ăn chơi thả cửa kỳ dư không bằng một cái nhịp tay”.

Mùa thu chưa tới. Hồn tôi đã nhuộm màu ảo não. Trăng thu ở lòng tôi đã mờ mờ lạnh.
Đời thái bình. Nàng không phải ái ngại, chờ sương tan, đưa tiễn khách chinh phu.

Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mang trời đánh ngã. – Than ôi! Tài hoa là một điều tai hại!

Con sông này đã đi qua.
Suốt đời ta thề không trở lại.
Vì cô lái đã lên bờ… Không có ái tình tuyệt đối…

Yêu thương chỉ là một trạng thái của tâm hồn. Gò má đỏ ửng lên… Đấy là hơi máu dồn lại, vì thẹn, vì hờn, vì cảm… vì say nắng ban mai.

Những ai đã về Huế mà không ăn đào?
Hãy cắn miếng nữa, và cắn cho sâu.
Xin đừng cắn nhằm môi thiếu nữ.

“Nhứt nhựt bất kiến như tam thu” nếu phải quỳ luỵ dâng tất cả những ngày sung sướng đã qua và sẽ tới cho người để đổi lấy một phút gặp gỡ… tôi cũng xin vâng.

Nhưng chẳng bao giờ tôi chịu đem những ngày đau khổ cực điểm lấy những đêm hoan lạc trong trong cung A hoàn.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Mùa Thu Đã Tới” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Kêu Gọi

Kêu Gọi

Kêu Gọi (Hàn Mặc Tử)

Ý ở trong lòng thì rạo rực xốn xang, khi phô phang lên giấy thì tê dại, ngất ngư, như không có chút gì là rung động nữa. Vì thế tôi đọc thơ Nàng thấy tình lặng lẽ như khí hậu của đêm buồn…

Mỗi khi nàng bấm một đường tơ, có ai nghe Nàng nói gì chăng? Đừng tưởng tình Nàng câm như bình mực, cái nhấn buông ra, biết bao là lời thương tiếc thủa thanh xuân? Mà chỉ có trăng nhận lấy, cảm động run lên, gió nghe qua luống cuống không biết bay về phương mô và hoa lá thì sượng sần…

Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên… Ấy là dấu hiệu của mùa thơ đã chín. Gặt hái cho mau kẻo ngọn thơ càng cao, người thơ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta.

Một đêm say rượu nhớ Nàng. Khách đã khóc sưng vù đôi mắt và từng giọt lệ đã vô tình nhỏ vào ly rượu, có ai ngờ khách đến cuồng tâm dại trí nhúng cả mảnh hình Nàng trong rượu rồi mê man, vừa uống vào lòng cả rượu, cả nước mắt và cả bóng dáng xinh tươi của Nàng!

Ở đời chỉ có một hạnh phúc. Làm chi có đến hai cảnh Tịnh độ và Niết bàn. Gần tận thế rồi, thiếu gì tiên tri giả ra đời. Nàng hãy mê man màu sắc thanh thiên, như đã mê son phấn của xa hoa. Yêu nhau làm gì nữa. Lửa bầu trời sắp tuôn xuống đốt rụi cả thế gian và không gian. Mau mau vồ lấy trăng sao, kẻo một mai rơi rụng vào hư lãng.

Thôi còn chi là ánh sáng nữa. Nhạc sẽ không va nhằm tơ trăng và hương sẽ không gần được hương, như lòng ai đương gọi lòng ai…

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Kêu Gọi” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Quan Niệm Thơ

Quan Niệm Thơ

Quan Niệm Thơ (Hàn Mặc Tử)

Gửi Trọng Miên

Miên có hỏi Trí về quan niệm thơ. Đối với Trí, quan niệm rất khác thường, không giống Baudelaire lắm. Theo Baudelaire thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu Miên lấy tập Thơ điên của Trí ra, Miên sẽ thấy nhiều bài thấm thía những tình cảm rất nồng và rất say sưa… Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc. Chỗ ấy hơi đồng một quan niệm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi, vì trong khi làm thơ Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói “la passion est chose naturelle”… nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy.

Tình cảm – hay cảm hứng (enthousiasme) – với dục tình (passion) khác nhau nhiều. Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường, ngoài đều răn của Đức Chúa Trời… Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (élément de la poésie) nhưng người đời, u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng chí tôn. Vì thế trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây lên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm trọn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình:

“Khồng rên xiết là thơ vô nghĩa lý”

hay:

“Ta hiểu chi trong ánh gió nhiệm màu
Những hạt lệ của trích tiên đày đoạ”

Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thuỷ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, ngỡ ngàng và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngọt ngào mỹ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ (genèse d’un poème). Song le miệng lưỡi của thi sĩ vẫn còn nóng ran, vẫn còn khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời (génie créateur, aimant toujours le nouveau). Của thế gian nếm mãi chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn đi tìm mãi, vẫn còn kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn. Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui đặng, vì thi sĩ nhận thấy ở người con trai cũng như ở người con gái, đều có một tâm thuật nhỏ nhoi, tầm thường không hợp với tính tình thanh cao của thi sĩ. Vì thế thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự – Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Thi sĩ chỉ có thể chút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ. Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền!

Miên ơi, như thế là Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt lạc quan và bi quan.

Trí đã tóm tắt những ý đã nói: có điều này nữa, Trí khác hẳn với Baudelaire. Baudelaire nói: thơ văn không thể dung hoà với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ (La poései ne peut pas sous peine de mort ou de déchéance, s’assimiler à la science ou à la morale. Elle n’a pas la vérité pour objet, elle n’a qu’elle même). Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú, dồi dào, phát triển hết cả anh hoa, huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ, cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin có Chân lý, không nhận Chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.

Quy Nhơn,
Juin, 1939

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Quan Niệm Thơ” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Khao Khát

Khao Khát

Khao Khát (Hàn Mặc Tử)

Tôi đòi cao lương, mỹ vị của nguồn đạo ngày xưa,
Thì trăng gió đều cho tôi muốn hộc hào quang.

Tôi cầm đêm lại cho y nguyên khí hậu, nhưng mà khúc sinh ca đời Nghiêu Thuấn còn đồng vọng trong pho sách, trên trang giấy tài hoa.

Mùa thương nhớ dậy khắp phương trời, miệng lưỡi tôi sao không thèm khát máu thanh xuân?

Tôi từ trong chiêm bao đi ra, đi về thuyền ở bên trăng cổ độ. Nước mắt khóc vì người lạ không biết tuổi trân châu. Buồn dồn lại từng đống, đừng có ai đếm cho ai biết là bao nhiêu, bởi vì tôi chưa thoả.

Lòng cô liêu làm chi tìm được một mùa xuân ấm áp? Và bao làn tư tưởng bay đi rồi, mong chi níu lại để thương thầm?

Tuồng hát đêm qua, sao không thấy Quan Công phò nhị tẩu? Cho tôi mong đến ngày sum hiệp của thơ trăng?

Chao! Mộng thì xa, tình thì rộng, biết làm sao xin với lượng trời đây!

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Khao Khát” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Tình

Tình

Tình (Hàn Mặc Tử)

Tình cảm!

Tình hoài!

Tình ơi là tình!

Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư…

Tình không những chân lưu trong khí huyết của hồn tôi, tình còn lưu lộ ra làn da nong nóng, hồng đào như trứng gà so. Tình còn trút ra ở đầu mày, cuối mắt, đằng môi. Và thiết tha chưa, lời nói bằng hơi thôi đã bối rối vì mê…

Tình dồn lên giấy trắng: ý tôi bỗng rung rung và đọng lại đây như trăng đọng dưới cầu.

Tình thoát ra ở điệu nhạc mênh mang trong bờ bến của chiêm bao, yếu đuối, run rẩy trước làn gió ngọt ngào…

Tình tiết ra theo tiếng hót của chim non, phối hiệp với sóng điện không gian.

Tình còn nuôi mãi trong nguồn ánh sáng thiêng liêng và sợi tơ thanh khí của đêm hào hoa còn run lẩy bẩy vì tức tối không nói được ra lời.

Và đây là dòng nước cuốn khúc Ly tao, có ai biết là tình đang man mác.

Ôi chao ơi! Thơ tôi bay cao vót qua lâu đài nước mây, là tình tôi đang phơi phới. Đừng có ai đi trong nguồn hương mà va nhầm hồn phách của tôi!…

Tôi làm mất tình rồi, chừ tôi đang kiếm đây. Không biết những tiếng hát đầu mùa có gặp cùng chăng?

Thôi thôi! Có cô vãi non nào chận bắt tình tôi, đem về chùa đốt ra khói hương thơm.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Tình” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Thơ

Thơ

Thơ (Hàn Mặc Tử)

Ai nói vườn trăng là nói vườn mơ.
Ai nói bến mộng là nói bến tình.
Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo.

Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng, xung quanh người là mơn trớn với yêu đương vây phủ bởi trăm giây quyến luyến- Làm bằng êm dịu, làm bằng thanh bai… Gió phương mô đẩy đưa người đến bờ xa lạ, đầy trinh tiết và đầy thanh sắc. Người dừng lại để hái những lá tinh hoa. Người nín lặng để mà nghe tiếng trăng reo vang như tiếng châu báu vỡ lở. À, ra người cũng dại dột hốt vàng rơi bọc trong vạt áo.

Trí người đã dâng cao và thơ người dâng cao hơn nữa. Thì ra người đang say sưa đi trong mơ ước, trong huyền diệu, trong sáng láng và vượt khỏi ra ngoài hư linh.

Tôi làm thơ?

Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng.

Anh sẽ thấy hơi đàn lả lướt theo hơi thở của hồn tôi và chìu theo những sóng điện nóng ran trút xuống bởi năm đầu ngón tay uyển chuyển.

Anh sẽ run theo khúc ngân nga của tơ đồng, sẽ để mặc cho giai âm rền rĩ nuối không ngưng.

Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt khi một tia sáng xôn xao lại có vì sao vỡ. Những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rên vang dưới ngòi bút.

Tôi làm thơ?

Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả, những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.

Và cũng nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.

Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi?

Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.

Thôi mời cô cứ vào…

Anh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh…

Bài này chính là tựa tập Thơ điên của tác giả.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Thơ” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Ra Đời (II)

Ra Đời (II)

Ra Đời II (Hàn Mặc Tử)

Cho mau lên! Dồn ánh nguyệt vào đây… Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo. Tình cảm ta sẽ nóng ran như mặt trời. Ý tứ ta sẽ cao cường hơn ngọn núi.

Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành, ơn cả… Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc…

Ôi! Trời hạo nhiên đây không phải là công trình châu báu của Người sao!

Lòng vô lượng đây không do phép tác mầu nhiệm của Đấng Vô thỉ Vô chung?

Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…

Đưa ra, nào là gió chia biệt, trăng đoàn viên, chim tứ chiếng, mây giang hồ, và nào là trời thanh sắc, lòng nhũ hương, niềm mộc dược.

Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!…
Phải mời cho được Xuân Thiên ra đời…
Bình an cả và thiên hạ…

Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho, tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là Ngọc Như Ý, tên xuân là Dạ Lan Hương.

Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, châu lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…

Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đỡ ngán và cao rao danh Cha cả sáng.

Và loài người hãy cám ơn Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng…

Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió.
Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao…

Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa Xuân Như Ý.

Sau Thiên Chúa giáng sinh năm 1939
Viết tại Quy Nhơn trong một ngày rất say, rất dại và rất nhớ, rất thương

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Ra Đời (II)” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Linh Hồn Thanh Khiết

Linh Hồn Thanh Khiết

Linh Hồn Thanh Khiết (Hàn Mặc Tử)

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, mang cho tôi xin một tràng hoa.

Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng, trong biển hồn kính mến thiêng liêng.

Nhiều phép lạ bởi trời đưa xuống, người thế gian nghẹn ngào vì cảm mộ khi quan chiêm công trình thần bí Đấng Tối Cao.

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, có thấy chăng ánh hào quang tỏ dần, màu sắc trắng tuyết, hình thể đồng trinh, linh hồn hiển hiện giữa loài người?… Lòng vội ngỡ là hồn á thánh, thơ, tinh tuý nguyện cầu – đáng bốc lên thành hương thơm, thanh khí, mà xuống trần gian chịu kiếp làm người!

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy hoan hô các Mẹ và Chị dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi cho chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật, hủi phong.

Tôi muốn cao ngâm những lời ca ngợi đầm khát khao trong suối ngọt ngào khi Chị, Mẹ cất tiếng hát: Chúa cứu tôi! Chúa cứu tôi!

Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả đây là hình tượng của

LINH HỒN THANH KHIẾT

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa súng, tiếng hát thanh tao, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trề đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người hầu Chúa.
Phanxicô Trí
Cảm tạ Chúa
Đêm thứ tư 24 octobre 1940

Bài thơ này nguyên được viết bằng tiếng Pháp với tiêu đề La pureté de I’ame, và được chính Hàn Mặc Tử dịch sang tiếng Việt.

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Linh Hồn Thanh Khiết” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Chiêm Bao Với Sự Thực

Chiêm Bao Với Sự Thực

Chiêm Bao Với Sự Thực (Hàn Mặc Tử)

Khi ngòi bút của tôi đã thấm nhuần những ý nghĩ cao cường, truyền sang bởi điện tinh truyền của trí tuệ, tôi phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng. Hỡi quý nhân, người có nghe thấy điều gì mới lạ, tinh khôi, reo lên, hiện lên, và sử linh tư tưởng của người? Người có cảm giác ra làm sao. Hay là mắt người đã no rồi, tai người đã đầy hơi khoái lạc, thần trí người đã mê man, người linh tính để phân biệt màu sắc và âm thanh của sự vật. Người thấy gì trong ánh sáng? Một chất cao quý thanh khiết, trắng hơn hàm răng của người gái đẹp? Người ta nghe rõ những gì trong giai âm vừa thoáng? Những tiếng run run, van lơn, nồng như hơi thở của xuân xanh? Hay là tiếng vỡ lở của những ngôi sao sáng láng?

*

Như có ma lực vô song xô tôi đến bến bờ huyền diệu. Đêm nay là một đêm hào hoa, nên mùa trăng bát ngát, giờ bốn phương thôi không cầu nguyện nữa mà lòng tôi rực lên cảm hứng.

Hễ là hơi khói càng nhẹ, hơi trăng càng trong thì hơi thở của tôi càng thơm tho không khác một mùi hương! Nếu tôi lấy làm lạ, ắt là tôi phải tự giảng: đnag khi trăng, sao, mây khói dâng cao hoà hợp thành khí hạo nhiên, tôi không thở bằng phổi nữa, tôi thở bằng hơi thở tinh sạch của tôi… Hơi thở ấy góp cùng muôn hơi đằm thắm sẽ châu lưu khắp bầu thế giới và chung quanh tôi dầu gần gũi hau bao la đều nhuộm một mày sắc phiếu diễu. Nhãn tuyến đưa tới đâu, cũng gặp chói lói, cũng gặp hào quang. Nên trí tôi rất ngớp, miệng lưỡi tôi không phải bối rối những tựa hồ như mới nếm xong khí vị thanh cao của muôn điệu nhạc, của muôn mạch tình trai trẻ. Tôi hứng lấy và nhận lấy ở trong hồn muôn ý tứ và muôn thinh sắc của trời mộng xa xưa.

*

Ngoài cảnh đã xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu tà khí anh linh của non sông đều xông vào tôi rút hết tinh tiết ở tôi. Tôi có thể bảo đấy là một lối thần gia cách cảm, mà ngoại cảnh hay thâm tâm đồng xáođộng, bởi giây khoái lạc vô ngần. Và có thể say mê đến điên dại, bắt chước Lý Thái Bạch đại la tiên vồ trăng trên mặt nước. Từ sự thực đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, và từ huyền diệu đi tới chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực, bị ánh sáng của chiêm bao vây riết…

Bây giờ tôi đố tôi thử có nhận được tính cách của giây phút này không, và tôi ở trong cảnh thực hay là đương bị hăm giữa trùng vây của chiêm bao?

*

Tôi gặp rất nhiều người lạ – cũng như tôi chưa từng thưởng thức những mùi hương quý trọng. Ở chỗ này – không biết là chỗ nào. Có điều tôi nhận thấy từ hoa cỏ tới gió trăng đều im lặng, trầm ngâm, ít khi lay động… Song le trăng vẫn sáng, hoa vẫn thơm, cỏ vẫn tươi, và trí tôi vẫn tinh anh… Có khi thần phách của tôi đến rã rời đê mê vì đột nhiên có đôi môi của người đàn bà nào cọ sát vào môi tôi… Tôi cảm thấy có sự khoái lạc vô biên cũng như tôi cảm thấy sự sợ hãi vô cùng một khi tôi phải còn thú dữ ở đâu vồ lấy. Và cũng như tôi cảm thấy sự buồn, thương tiếc lúc người tôi âu yếm mà bỗng nhiên có sức mạnh gì vượt đến cướp mất hoặc bị một tiếng vang gì đến phá đám. Sự hồi phục của thần trí một cách bất ngờ ấy, tức là lối cắt đứt mạch máu, cắt đứt đường gân môi giới giữa hai cảnh: mộng và thực. Bây giờ tôi là chủ quan rồi, vì tôi vừa thoát ly ra khỏi cực lạc giới toàn thân tôi rung động như một sợi đường tơ.

*

Tôi vừa tỉnh giấc chiêm bao, mà tôi vẫn không tin, vẫn còn ngờ vực. Hình như khứu giác của tôi nhận thấy một thứ mùi gì rất mới, rất nồng và rất gần… Tôi ở cách thành mộng bao xa? Không, khít bên tôi đây, nhưng làm sao tôi không đi tới được nữa. Và tôi cũng không rờ được bằng đôi tay, như tôi đang ghì chặt cái gối bông đây. Mộng tàn rồi, nghĩa là mộng biến đi, những điều tôi vừa thoáng thấy toàn là huyền hoặc cả? Có lẽ nào! Tôi thấy thực như đã thấy sự sống của tôi. Những phút giây trong sáng đây không phải là phút giây mê sảng nữa. Có nhận thấy hai hàng nước mắt rưng rưng của tôi không?

*

Chiêm bao rã rời trong khi ánh sáng sự thực rọi tới. Bây giờ ngoại cảnh và nội tâm điều hoà, run lên những nhịp tiêu thiều thanh bai… Tôi cảm thấy hồn tôi mất đi một nửa, và tôi đương sống trong sự mơ hồ…

Có hay không, hư hay thực là những huyền ảnh chập chờn trước mắt. Nếu Đường Minh Hoàng phục sinh, chắc cũng rỉ tai tôi mà nói cái chuyện lên cung trăng với chuyện xuống âm ti gặp Dương Quý Phi là có thực. Tôi cũng tin là có chứ sao!

Và tôi sẽ kỷ thuyết minh một cách rất nhà Phật là sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực…

Những điều phải trái ấy dầu thế nào, cũng có liên lạc, mật thiết và thông cảm với nhau.
Xác tôi đây là mộ lý luận cứng cát về sự thực, và hồn tôi thuộc về giới vô vi.

*

Tôi đương sống ngày hôm nay. Mà ngày hôm qua là một giấc chiêm bao. Có ai bảo là giấc chiêm bao ấy là vu vơ; có ai bảo tôi có xác mà không hồn.

Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa…

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Chiêm Bao Với Sự Thực” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!