Gánh

Gánh

Tác giả: Xuân Diệu

Không phải chuyện đời xưa, mà chuyện đời nay,
Có một người chất vạn gánh trên vai,
Vạn gánh đầy tràn, gánh to, gánh nhỏ,
Gánh như núi, gánh dồn như thác đổ
Trên đôi vai. Người ấy gánh, và đi!

Bao nhiêu mặt trận rồi? Bao nhiêu tiền tuyến?
Ba mươi năm! hết chuyến rồi lại chuyến!
Tưởng là đây, nơi nghỉ mệt, lấy hơi,
Tưởng một phút này quạt mát, ngồi chơi,
Nhưng mà không! mới lau mồ hôi trán
Đã lại bước, đặng dành trời ánh sáng!
Vừa sinh ra trong nước mắt, mồ hôi,
Nhổ tre pheo đánh cho địch tơi bời!
Lớn lên trong tù, chân còng xích sắt,
Mà tay trắng thành ngọn dao, đã chặt!
Mới vươn vai, mừng đạp đất đội trời,
Đã ầm ầm lửa khói lũ tanh hôi,
Đã lại trường chinh dọc dài theo biển,
Lấy dãy Trường Sơn làm đòn gánh,
Lấy hai mươi triệu làm một người,
Lấy bốn nghìn năm làm thế dựa,
Như một người gánh nặng đường trơn
Mười ngón chân xoè bám sâu xuống đất,
Bặm môi bước, gánh nặng nề cũng nhấc!
Trận này chưa phải trận cuối cùng:
Đau khổ năm năm, mặt trận dành thống nhất,
Thà nghiến thịt bầm xương
Hơn là đứt gan đứt ruột!
Con người mang muôn gánh ở trên vai
Nhìn mặt trời mọc đỏ, bước khoan thai,
Chân cứng đá mềm, – và đang còn mặt trận
Dài đến vô cùng
Tên gọi là: Xây dựng!

Trăm dâu đổ đầu tằm,
Trăm trách nhiệm đổ vào người trách nhiệm.
Bàn ghế ở đâu xộc xệch: người ấy phải lo.
Đường sá ở đâu bụi bặm: người ấy phải lo.
Trẻ con bụng còn dun lãi: người ấy phải lo.
Hàng xóm bực mình chửi đổng: người ấy phải lo.

Một lá rau, hạt muối: cũng cơ đồ;
Một tấm áo cũng to như biển cả;
Một người khóc, phải giải sầu, nâng đỡ;
Trên núi còn run: lỗi đó tại mình!

Gánh mưa vừa cạn. Gánh hạn đã sang;
Đê mới đắp. Bão rập rình muốn tới.
Chống mù chữ. Chống chữ mù trở lại,
Lo trồng cây. Vì lo thiếu cột nhà.

Chuyện tâm hồn, lo khúc hát, bài ca.
Lo tiếng nói, đặng nói ra khúc chiết.
Vũ trụ đó, mau phòng vào xa tít!
Khối óc luôn luôn khởi những công trình.

Ôi người yêu, yêu hơn cả ái tình,
Người rất mực xa xanh và đỏ thắm,
Người gần gũi và bao la vạn dặm,
Người một người và ức triệu con người,
Ba mươi năm, và sau, trước: muôn đời.
Người gánh gánh của chúng tôi: là Đảng.
Người gánh gánh với chúng ta: là Đảng.
Người gánh ta, ta gánh Người: là Đảng.
Người gánh đất, Người gánh trời: là Đảng.
Ôi ngời ngời Đảng Cộng sản Đông Dương,
Đảng Lao động Việt Nam, là một đó;
Kim tự tháp diệu kỳ trong vũ trụ,
Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: ngôi sao,
Và thân mình dám ngạo cả trời cao
Là vai gắn của biết bao đồng chí.
Và nền tảng vững vàng hơn chiến luỹ
Là nhân dân, là dân tộc quật cường.

Không phải chuyện đời xưa, mà chuyện đời nay,
Chuyện đời nay mới cao dày đến thế;
Chuyện của Đảng, lớn lao và tập thể.
Gánh lúc đầu còn đòn gánh thủ công,
Gánh hôm nay đã rèn thép, đúc đồng,
Gánh ngày mai có thể là đòn bẩy
Sức nguyên tử trong tay quần chúng dậy,
Gánh to, gánh nhỏ, nhiệm vụ thật đầy,
Đảng cùng ta phá,
Đảng cùng ta xây!

11-1959

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Gánh” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Đấu Tranh

Đấu Tranh

Đấu Tranh (Xuân Diệu)

Diệu kỳ! chỉ hai tiếng mà thôi,
Đảng đã về dựng lại đời tôi.
Đảng đã dạy cho tôi hai tiếng
Đấu tranh là lẽ sống trên đời.

Trong đời cũ trái tim ngoài ngực,
Tôi thoi thót đêm ngày đau nhức,
Cái gì nuôi, cái gì quật hố chôn,
Đảng dạy cho tôi phân biệt từ nguồn.

Đảng cho tôi xương sống của tâm hồn,
Một rễ xâu các tế bào rời rã;
Một tiếng gọi của biển người sâu cả
Đã vào làm cốt lõi của tim tôi.

Từ đó, nhà tựa vào cột cái.
Khi gió bão tưởng vật mình, bẻ gãy,
Khi muôn sương đè trên một bấc đèn,
Tôi lại từ dưới vực đấu tranh lên;

Chỉ còn hai tiếng: đấu tranh! tranh đấu!
Tôi chiếm lại từng ống xương, mạch máu,
Giành với âm u từng mỗi tế bào,
Giật với ốm đau từng giọt máu đào.

Tôi biết tôi người lính trong hàng trận,
Không phải gậy toè đầu, mà mũi tên vót nhọn,
Không phải sỏi lăn lóc, mà viên gạch xây nhà;
Trên vai có gánh, mới vững đường xa.

Đấu tranh là nhân trong lòng chiếc bánh,
Là lửa đốt lên, chim cất cánh.
Đảng đã cho tôi đứng thẳng làm người,
Đường Đảng tôi đi, rộng mãi chân trời.

11-1959

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Đấu Tranh” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Lý Tưởng

Lý Tưởng

Lý Tưởng (Xuân Diệu)

Có một nguồn trong hơn thuỷ tinh
Soi mình lại thấy cả muôn mình.

Nơi ấy, Đảng cùng ta đi tới.

Có một trời ai cũng thấy xanh,
Bốn xuân no ấm mãi hoà bình.

Nơi ấy, Đảng cùng ta đi tới.

Một lâu đài cửa sổ mênh mông
Đẹp thêm hoài, xây chẳng lúc xong.
Một đường cái đạp qua bùn máu
Vẫn chiếu ra bảy sắc cầu vồng.

Một chất ngọc mà như xạ thơm
Rắn hơn thép, hiền như hạt cơm.
Một ngọn lửa muôn lòng đều thắp;
Một ráng hồng tươi cả chiều hôm.

Nơi ấy, Đảng cùng ta đi tới,
Dù đã sáng hay còn đêm tối,
Dù mình ta một nửa còn đau,
Dù thời gian nơi chậm, nơi mau.

Nơi ấy, Đảng cùng ta đi tới,
Cả trái đất là ngôi nhà mới
Cơm tràn trề, bánh chín phây phây,
Nồi Thạch Sanh ăn mãi còn đầy.

12-1959

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Lý Tưởng” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Tạc Theo Hình Ảnh Cụ Hồ

Tạc Theo Hình Ảnh Cụ Hồ

Tạc Theo Hình Ảnh Cụ Hồ (Xuân Diệu)

Anh bộ đội đứng gác trong đêm khuya,
Lá vông đồng rụng quanh anh tầm tã;
Gió bấc thổi từng hồi như cắt dạ,
Anh bộ đội đứng gác trong đêm khuya,
Cổng mênh mang, đường vắng chẳng ai về…

Khuya rất khuya. Cả bốn bề lặng ngắt.
Không ai thức, ngoài anh chong đôi mắt.
Thành phố im như không một cửa nhà.
Chiếc mũ sao anh đội thấm sương sa.
Đêm ở quanh vai, rét dài theo gió.
Đầu vẫn thẳng, anh một mình đứng đó
Canh giữ, làm tròn nhiệm vụ vô danh.

Rét lay mình thức giấc giữa năm canh,
Tôi nhìn thấy đằng xa, anh bộ đội
Vẫn đứng tự bao giờ trong đêm vời vợi,
Mắt tỏ, tai nghe tiếng động bốn bề,
Như mình anh phụ trách cả đêm khuya,
Anh phụ trách cả núi sông, trời đất.

Tôi bỗng nghĩ: anh bộ đội lặng yên, trầm tĩnh
Đã tạc theo hình ảnh của Cụ Hồ,
Đã tạc theo hình ảnh Bác vô tư,
Hồ Chí Minh kiên trinh, người lĩnh cũ.

Tôi lại nghĩ: trong lòng ta Bác nở,
Chúng ta mang Hồ chủ tịch trong mình,
Bác đã cho ta khuôn mẫu bóng hình
Để tạc mãi suốt đời theo ảnh Bác.

Đó là gương sáng trong vằng vặc.
Đó là hình đẹp nhất của ta.
Nguyện hi sinh phấn đấu xông pha
Tạc theo Hồ Chí Minh vĩ đại.

12-1959

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Tạc Theo Hình Ảnh Cụ Hồ” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Lệ

Lệ

Lệ (Xuân Diệu)

Tặng Cách mạng tháng Tám
và Cách mạng tháng Mười

I

Từng tuôn giọt lệ mấy muôn năm
Lấp cả con người bởi bụi lầm!
Đựng nát là gan, rơi thấm đá,
Vạch trời, từng đã xé hờn căm!

Nghẹn ngào lên cổ, mắt mờ hoa
Tan vỡ trên môi một tiếng oà.
Nếm mãi vị buồn ghê mặn, chát,
Người ôi! lạnh đói gỡ không ra.

Những đôi trai gái trước yêu đương
Biết mấy chia duyên lại cách đường!
Cha mẹ nói oan, quan nói hiếp,
Mực mài nước mắt gửi người thương.

Thầm không tiếc nấc nỗi cô dâu,
Nỗi gái buôn mình, nỗi vợ hầu.
Áo chị nữ tì lau chẳng ráo;
Gối người sương phụ thấm canh thâu.

Có khi lai láng huyết ra tòng
Nước mất nhà tan hận chẳng cùng!
Có lúc trải nhiều oan nghiệt quá,
Mắt khô, lệ gạn chảy vào trong…

Trăm ngàn kiếp lệ cuốn theo sông,
Biển chứa long lanh sóng vạn trùng!
Trái đất – ba phần tư nước mắt
Đi như giọt lệ giữa không trung.

II

Trong khoảng đời đau khổ ấy, tôi sinh.
Tôi lớn lên, cay đắng những tâm tình.
Dân nô lệ ở trong vòng lưới sắt,
Mỗi cử động, tôi thấy đều vướng mắc;
Đi trong đời như một kẻ lột da,
Rách đau thương ở giữa bọn gian tà.
Nhìn dân chúng khổ vì đâu, chẳng biết!
Vũ trụ tưởng tàn, thế gian tưởng hết,
Không đấu tranh mà chỉ có thương tâm,
Tôi thảm một mình, quẩn tháng quanh năm.

Thuở đau ấy, sao dễ dàng tê tái!
Một bóng trăng đi, một làn gió tới,
Rụng lá trên cây, nhạt nắng trong chiều,
Khóc còi tàu đem khuất mất người yêu,
Khóc với nhạc sầu biệt người chín suối,
Tìm can đảm trong vô cùng yếu đuối,

Vẫy mùi soa đưa tiễn cả thời gian,
Gắng ươm hoa trên những đống tro tàn!
Sa mạc đời tỉ tê dòng suối khóc,
Kho của cải chỉ còn hàng lệ ngọc!
Khóc là ngôn ngữ để tỏ yêu đương,
Khóc thấy êm đềm, lệ có mùi hương!
Khóc mà khóc, chẳng vì sao nữa cả…
Như đoàn kết những nỗi buồn thiên hạ,
Như góp thu giọt lệ của muôn đời!

*

– Máu của linh hồn là nước mắt
Còn rơi biết đến lúc nào thôi?

III

Đến bây giờ Cách mạng tuổi mười hai,
Đã bốn mươi năm Cách mạng tháng Mười,
Vui Khởi nghĩa, gian khổ cùng Kháng chiến,
Chia với nhân dân cay đắng ngọt bùi,
Như gỗ thuyền ăn chịu cùng muối biển,
Cách mạng dần dần thay đổi hồn tôi.

Tôi hãy còn những khi rơi lệ cũ,
Nhưng cũng lạ! giữa mưa ngàn thác lũ,
Bốn bề cây, sao chẳng thấy bơ vơ?
Chân rớm máu, mồ hôi nhiều có đổ,
Sao mắt tôi không thấy lệ hoen mờ.

Tôi đã trải những đau lòng tột độ,
Căm uất đốt đôi thái dương muốn nổ,
Giặc giết bạn tôi, giặc bắn rụi nhà,
Nhìn thóc cháy khi đồng bào đói khổ,
Lệ tôi dàn; rồi đứng lại, không sa.

Tôi ít khóc, hay khóc thì cũng ngắn.
Mạch sầu thảm như dừng dừng cạn cạn,
Mây buồn thương như lảng lảng xa xa,
Mắt trong tỏ… – nhưng lạ lùng vô hạn!
Bỗng một nguồn lệ mới lại tuôn ra.

Một nguồn lệ từ bao la vĩ đại,
Từ nghĩa lớn của nhân quần, sông núi,
Từ tương lai, từ phơi phới trên cao,
Ào ạt tới như mùa xuân đổ suối,
Sương sớm mai trên mặt thắm hoa đào.

Nói sao đây với ơn nghĩa đồng bào;
Những lớp mở trong những làng, những bản,
Một bó chè tươi, một rổ khoai lang,
Các mẹ đến thăm với cả lòng vàng,
Trời nắng nỏ, đi mười lăm cây số,
Mặt nhăn nhíu như gốc già cổ thụ,
Cười thương yêu như mầm biếc. Tôi vui
Hai tay nhận quà, bỗng ở trong tôi
Lệ ùn đến – may nửa chừng ngừng lại,
Cay sống mũi như là ăn rau cải!

Ấm thay tình đồng chí giữa đêm đông;
Họp chi bộ rồi, đèn dọc vẫn chong,
Chúng ta kể những mẩu đời trước cũ;
Bao nhiêu kiếp đầu thai qua cửa khổ,
Đến bây giờ rộng mở cả mai sau;
Những đảo cô đơn, Đảng nối nhịp cầu;
Yêu nhau quá, ta để tràn tâm tưởng,
Lòng càng khóc, càng nhẹ nhàng sung sướng!

Khi một đoàn khăn đỏ thiếu niên qua,
Khi quê vui như đón ruộng về nhà:
Hoặc đỉnh đèo cao, nhìn trùm Tổ quốc,
Có gì thương, gì mến ở xa xa…
Khi ta muốn ào ra
Với non sông hay quần chúng chan hoà:
Những lúc đó, lòng đầy vui khẽ thắt…
Tôi đã biết rồi. Sắp dàn nước mắt.

Ở sân bay
Bộ đội ta chào đồng chí Chu Ân Lai.
Tôi thấy các anh ăn mặc sáng ngời,
Mắt thẳng trước, họ bước đều như thép,
Bỗng chạm vào tôi – một cái gì cao đẹp,
Bất thần đâu nước mắt ứa tự nhiên,
Tôi phải quay đi, sợ các bạn nhìn.

*

– Ôi thật dạt dào, đắm say, kỳ ảo
Những giọt lệ loài người vừa sáng tạo!

IV

Hãy cảm ơn Đảng Cộng sản, lòng ta ơi!
Hãy cảm ơn những người dựng con người;
Hãy cảm ơn Hồ Chí Minh đồng chí
Đã rèn luyện một nửa già thế kỷ,
Xây dựng từng chi bộ, dành từng tấc non sông!
Tôi cũng cảm ơn anh bộ đội anh hùng,
Ơn anh thợ, ơn anh cày lao lực;
Cảm ơn cả những vồng khoai, luống đất
Nuôi tôi no để biết khóc vì thương,
Khóc vì vui, và cả khóc vì buồn.
Ta chủ động hồn ta sinh nước mắt,
Đó là suối tưới cho hồn dịu mát;
Xưa lệ sa, ta oán hận đất trời,
Nay lệ hoà, ta lại thấy đời tươi!

*
* *

– Giọt nước mắt ta
Chan chứa tình người.

1957

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Lệ” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Mười Lăm Năm

Mười Lăm Năm

Mười Lăm Năm (Xuân Diệu)

Em lấy anh từ ngày hăm nhăm tuổi,
Đến bây giờ em đã bốn mươi,
Anh trả cho em trời đất để làm người.
Anh trả cho em Tổ quốc và sông núi.

Anh mở rộng đời, vô cùng biên giới.
Tám năm, em uống nước trên ngàn,
Hiểu lòng khe suối;
Lại sống vùng đồi, đi khắp những đồi son;
Lại xuống đồng bằng học cái sáng, cái khôn;
Vinh hiển, anh đưa em trở về Hà Nội!
Mười lăm năm anh cho em gần gụi
Người, những con người,
Tay, những bàn tay
Vĩ đại, bình thường, tinh khéo, thơ ngây.
Em biết cân mồ hôi và giọt máu,
Em mới biết cầm bút như ngọn dáo!

Mười lăm năm ăn hạt gạo của anh,
Uống ngụm nước,
Øn ngọn rau,
Thấm nghĩa nặng tình!
Hạt gạo của những người thắt bụng,
Quả trứng của những người mặt hãy còn xanh.
Đĩa đèn dầu dọc, anh thắp soi trang;
Trang sách giấy thô, đọc vào: sán lạn!
Tấm áo đắp ôm, tấm chăn bầu bạn;
Em ngã anh nâng, đau ốm có anh.

*

Đến bây giờ buồm ta gió lộng trời xanh,
Sóng nổi dâng, thuyền ta đầy mai mốt.
Điện chảy tràn trề, áo cơm tươi tốt,
Đêm kia ta lấn, ruộng đất không bờ.
Chân giày nhớ lúc chân thô
Cười thơm lệ đắng, bao giờ em quên!

Ở với anh hai thứ tóc đã chen,
Anh đã vào trong em như ánh sáng.
Anh đã hoá như đêm ngày, mưa nắng,
Như khí trời em thở, nước lớn em bơi.
Em mặc anh như tấm áo rạng ngời,
Kiêu hãnh chói con ngươi em sáng rực!
Mười lăm năm là sách vàng em đọc,
Mười lăm năm là tràng ngọc em đeo.
Trong tâm hồn em, anh mãi mãi buông neo;
Nghe tiếng nói anh, thấy lòng vui reo bát ngát;
Đẻ với anh những đứa con tinh thần, biết ca biết hát.

*

Mười lăm năm qua,
Chứ ba mươi năm nữa,
Muôn đời, muôn thuở,
Có bao giờ em sống xa anh!

7-7-1960

Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Mười Lăm Năm” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Riêng Chung (1962) > Những Kỷ Niệm Lớn, danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!