Ngọn Quốc Kỳ

Ngọn Quốc Kỳ (Xuân Diệu)

I

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo;
Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng.
Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo;
Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo.

Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo,
Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt.
Hoa cỏ đón, mà núi sông cũng biết,
Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!

Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây.
Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ:
Tất cả vải là một cười thắm đỏ!
Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!

Nào những huyền u uất, tím thê lương,
Nào những tía, nào những hồng yếu đuối,
Thắm lại hết! – Nào những màu bạc lái,
Những bùn tro, những than tựa đêm tăm
Vàng lại rồi!
Nước cũ bốn nghìn năm
Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi.

II

Trong mộng lớn triền miền không tiếng gọi,
Giấc mộng ao hồ, giữa xiềng lạnh đói.
Cái đêm nô lệ, trong bệnh hoang mang.
Năm năm rồi, bỗng lên ở Hậu Giang
Một sắc đỏ lạ lùng như máu chảy.
Trong sắc đỏ, vàng hãy còn áy náy.
Như nhớ xưa là sắc những triều vua.
Nhưng lâu lâu cùng với đỏ chen đua,
Vàng vững lại, biến là màu dân tộc.
– Cuộc khởi nghĩa phá tan đời nô bộc
Lần đầu tiên theo cờ đỏ sao vàng.

*
* *

Cánh sao mai đưa lại ánh vừng dương.
Cả buổi sáng cũng thoát từ buổi ấy.
Toàn dân Việt như hẹn giờ đứng dậy:
Tỉnh Hóc Môn, rồi lại thức Đô Lương,
Bắc Sơn rồi, Thái Nguyên dậy phá cương!
Nhưng cờ đó, mà mấy ai đã biết?
Lưới quân cướp vẫn bủa giăng trùng điệp;
Hồn non sông phải náu giữa chông gai.
Bốn năm dư mang mẻ nỗi ai hoài
Như Thái Tổ ở Lam Sơn ngày trước.
Đường tranh đấu dẫu gieo neo: cứ bước!
Kịp khi vang súng mồng chín tháng Ba.

Gió đã lên! gió dậy khắp sơn hà!
Gió đã nổi! gió thổi cờ vun vút,
Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt:
Khiến quốc dân đều tỉnh dậy, nhìn lên…

Một luồng vui căng hết ngực thanh niên.
Những men mới trộn vào lòng đất nước.
Khít răng lại, đứng vào hàng cứu quốc.
Mở lòng ra, ôm đón lấy sao vàng.

*
* *

Phố Kinh đô nhiều bữa ngó thê lương.
Lạc hồn nước, cảnh như người: chán ngán.
Bỗng chót cây xanh, một vầng chói sáng,
Như đem xuân lại, như kéo mai về.
Dân Việt qua thấy đốt cả hồn quê,
Thấy máu chảy, thấy tim ngừng, kính cẩn.
Máu chảy ở đâu? mà lòng mát giận!
Sao nơi đâu mọc? mà chuyển xiềng gông!

Tứ phía gai thêm với bốn bề chông,
Nhưng mỗi phút cờ mỗi càng vững sắc.
Kho thóc chia ra, cướp trên miệng giặc.
Thuế thu đón lại, giật giữa tay quan.
Súng chính danh xơi bầy chó Việt gian,
Báo bí mật chửi quân hèn khiếp đởm!
Rải loạn truyền đơn, tung ra bươm bướm.
Thét to khẩu hiệu, quần tụ mít tinh,
Nào vải dăng, nào chữ viết chênh vênh,
Nào biển cắm: cũng là cờ đứng chủ!

– Cờ tôn quý! ảnh giang sơn cẩm tú!
Biết bao phen phải xếp dưới hòm rương!
Biết bao khi khủng bố rảo trên đường,
Phải giấu kỹ, để yêu thương đáy dạ!
Mỗi câu nói là một lần xông xả:
Lúc cờ bay, là mỗi lúc liều thân!

III

Rừng trong khi ấy chuyển phong vân
Sắp sửa xôn xao cuộc hợp quần,
Vời vợi núi cao kêu bạn đến,
Thành đô trai trẻ cũng dời chân.
Áo nâu thấm lại niềm quê tổ,
Cơm muối giờ đây nặng ái ân,
Võ trang thỏi sắt thành dao nhọn,
Khúc gỗ đơn thô hoá gậy thần!

*
* *

Ai từng nghe nói quân du kích?
Nhắc đến lòng son tràn cảm kích.
Ôi những chiến sĩ, những anh hùng,
Những kẻ hồn xanh như ngọc bích:
Đi theo tiếng gọi nước non thiêng.
Đứng dưới sao vàng ra kháng địch.
Giống nòi là trọng, Việt Nam tôn,
Chông mác coi thường, đời nhẹ tếch.
Mắt trào lửa giận cháy con ngươi!
Miệng hát quân ca loè ánh sáng!
Vai mang súng đoạt của quân thù.
Mũ lấy trên đầu quân giặc loạn.
Gươm mài nước suối bén ghê da,
Dao đọng bóng trăng đeo sáng loáng:
Hồn còn theo đuổi bóng cờ bay,
Nhìn lại chân không chẳng có giày!

Áo đơn một chiếc, rách sờn vai,
Quần thủng móng heo, chưa kịp vá.
Thấp cao hai ống: buộc dây thừng.
Nhà cửa để trong khăn gói cả!
Dân quân ăn mặc đủ màu quê.
Nâu lẫn, chàm pha, đen trắng kề.
Đủ cỡ áo quần, may đủ kiểu.
Tấm bào tơi lá trải sơn khê!
Thèm, ăn măng trúc; đói, cơm khô.
Khát: suối bên đèo tuôn nước lã.
Cheo leo xác mệt, tối nghiêng nằm,
Thân lót bằng rơm, đầu gối rạ.
Đâu có màn che, đâu trướng rủ?
Chỉ có hồn thiêng ru giấc ngủ.
Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu quân nhu,
Nhưng dạ anh hùng thì thật đủ!

Hết trận ngày qua, đến trận mai:
Đất này một tấc chẳng nhường ai!
Thắng luôn Đình Cả; Ngân Sơn được;
Đá hãy kinh hoàng trận Võ Nhai!
Lại theo Đề Thám vùng Yên Thế;
Rền khắp núi sông, cười thế hệ.
Hạ du cũng thuộc tiếng truyền vang,
Nghe đội nữ binh hồ Ba Bể!
– Chiến khu thành lập giữa chon von
Thay mãi bờ sông, nhích mãi non.
Biên giới mỗi ngày thay mấy lượt;
Rộng ra đồi ấp, đến làng thôn.
Bốn phương nhạt nhẽo đời không sắc,
Sáng sớm ngưỡng trông về Việt Bắc.
Dưới còn hùm sói nhục dân gian,
Trên đã thanh bình không vó giặc.
Hoang mang phương dưới hận đòi cơn,
Tổ quốc lên cao lánh tủi hờn.
Hồn nước ở đây Khu Giải Phóng,
Ngoài kia còn tối cả giang sơn.

Đây quân du kích dao chen ánh,
Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh.
Cờ như mắt mở thức thâu canh,
Như lửa đốt hoài trên chót đỉnh.
Cờ như nắng mãi ấm luôn luôn,
Sưởi khắp lòng ai nghe vắng lạnh.
Sớm hôm canh giữ lấy hồn thiêng,
Bay mãi trên giời, treo sứ mệnh!

Ai làm du kích vượt đèo cao?
Ai khiến thanh niên lần bước đá?
Ai xui dân gánh việc anh hùng?
Bổn phận nghìn năm, ai giục giã?
Ai lên tiếng gọi?
– Ấy sao vàng!
Ấy Việt Nam – Hồn như lửa hạ!
Vì bởi yêu cờ mới tới đây.
Xông pha sương gió, gội mưa đầy.
Áo trăm lần ướt rồi khô lại,
Thân hết chui rừng lại lách mây.
Mấy lần nhọc mệt lòng toan nản.
Trông thấy sao vàng, tay vuốt trán,
Chân quên đá nhọn, gối quên chồn,
Bước lại so đều chưa thấy chán!
Những phen tin tưởng muốn lung lay,
Sao gọi trên cờ phất phới bay.
Mật đắng nếm ngon như nhắm tốt.
Cổ khô còn hát được bài hay.

IV

Mấy phen từng gian khổ với chua cay,
Có một buổi cờ về Hà Nội.
Về ngự trị ở trên đài sáng chói,
Giữa dân gian, trong những tiếng hoan hô:
Ngự trên cây, trên phố, ngự trên Hồ:
Cờ chiến thắng! Cách Mạng thành
Tháng Tám!
Ôi lịch sử! cùng mấy ngày tháng tám,
Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân.
Nên đâu đâu, trong ngõ hẻm, đường gần,
Khắp kẻ chợ đến làng quê cũng vậy:
Chị bán củi ra thị thành đón lấy;
Anh kéo xe làm giấy dán trên mui;
Em bé con hì hục cố pha mùi;
Ông lão đón mớ lửa hồng vào dạ.
Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả:
Máu nén lâu từ ấy đã bùng ra.
Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa.
Trên gốc cũ nảy một chồi sống mới.
Cả anh dũng đã tưng bừng trở lại,
Một trăm năm tan nát tựa mù sương!

Việt Nam! Việt Nam! cờ đỏ sao vàng!
Những ngực nén hít thở Ngày Độc Lập!
Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp!
Nếp cờ bay chen vỗ sóng bài ca…
– Bốn nghìn năm, trông Mặt Mẹ không già.
Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy.
Ngắm từng biếc, chúng con mừng biết mấy
Thấy còn dư máu đỏ để trang hoàng!

V

Sao vàng ơi, sao chưa hết vinh quang.
Sao dắt nẻo! Chưa đến ngày sao nghỉ.
Đã xông lướt, sao phải còn cố chí.
Nước chưa yên, còn nhọc đến sao vàng.
Lũ xâm lăng luồn lỏi kéo binh sang.
Tức mặt đất, rầm tiếng chân mãnh thú.
Cậy súng ống, giở trò gian tặc cũ,
Chúng quyết đem thời Trung Cổ về đây:
Lập gươm dao, roi vọt, với tù đày,
Lập trở lại luật côn đồ bạo ngược!
– Ôi năm cánh sao vàng trên đất nước
Đang cười bay, bỗng lặng giữa từng cao.
Thân rướn lên như căng thẳng buồm đào.
Rồi sắc đỏ chuyển những luồng tức bực.
Trong gió bão, cả thân cờ thét ngược:
“Tiến lên! tiến lên! Đoàn Việt tiến lên!”

Sao vàng đi, màu đỏ hộ bốn bên,
Đến những chốn có nghiêng nghèo, khói lửa.
Nơi nào khổ, nơi nào đâu máu ứa,
Cờ đến kêu: “Tổ quốc ở bên ta!”.
Cờ đứng lên chiêu tập sức muôn nhà.
Cờ giữ đất, quyết tranh từ mỗi bước.
Tiền Giang đã, rồi Hậu Giang đến lượt;
Đường Sài Gòn Chợ Lớn, phố Gò Công,
Tỉnh Long Xuyên, hay thành thị Vĩnh Long.
Bóng cờ nổi đã tan hồn lũ sói.
Lúc thất bại cũng như hồi thắng lợi,
Cờ gian lao vẫn nở nụ cười khinh;
Lê Lợi xưa ba lần ẩn Chí Linh.
Hưng Đạo trước mất hai lần Hà Nội;
Nếu thuốc súng có hoen màu một buổi,
Thì sao đâu! máu nghịch lại tươi mà!

Càng đấu tranh, vàng mới lại vàng ra;
Có nung nấu, đỏ mới càng đỏ riết;
Theo cờ gọi những con dân nước Việt
Dâng máu xương không tiếc với sơn hà!

Em mười lăm trèo lên bóp Quận Ba.
Treo cờ Việt để dọi vùng Khánh Hội.
Tiếng súng nổ? Khi em nằm hấp hối:
“- Xin chôn em bằng một đoá sao huyền”.
Anh hùng nay, những đồng chí Bình Xuyên
Trước miệng cọp vẫn cắm cờ đột ngột.
Xé cờ giặc, dựng cờ ta chót vót,
Chợ Cai Răng thương liệt sĩ Lê Bình.
Còn biết bao nhiêu nghĩa vụ, ân tình
Hiến tổ quốc dưới sao vàng nền đỏ!
Khi xuất hiện cho đến ngày rạng tỏ,
Năm cánh sao ngừng chiến đấu bao giờ?

VI

Có xông pha, tranh đấu mới nên cờ.
Có máu chảy, nên sắc này mới đỏ.
Đỏ vì huyết đám đem tung trước gió,
Đỏ vì căm, vì tức, đỏ vì sao?
Đỏ vì dận như thác lũ ào ào,
Dân nổi dậy dựng cao trào cách mạng!
Đỏ vì thế. Đỏ vì là ánh sáng.
Phải đâu là vì gấc, đỏ vì son,
Mà quẩn quanh trên mảnh giấy con con.
Ông hoạ sĩ vẽ ra cờ xanh, đỏ?

Xanh đỏ ấy ra thẹn thùng với gió,
Tủi cùng sương, không đáng với non sông,
Hổ cùng cây, chưa dám mọc trên đồng;
Trên mấy nóc hãy lấp la, lấp ló.
Nghe tiếng súng đã giật mình hoảng sợ
Xem buồn thiu, tan hết chí hiên ngang
Bay ngẩn ngơ, lơ láo tựa cờ hàng!

Bọn Chiêu Thống, một bọn Trần Ích Tắc,
Tạo ra chúng, cũng đủ màu, đủ sắc,
Cũng tốn kim, tốn chỉ, cũng công trình,
Cũng lá cờ! – Nhưng thiếu chút uy linh.
Thiếu lịch sử. Chung quy là: miếng vải!
Ôi nhục nhã! Cảnh sắn bìm ỷ lại!
Thẹn Quang Trung, thẹn Hưng Đạo Đại Vương;
Cười ả Trần đòi tranh với Thánh tôn!
Nhưng dân Việt không lầm. Dân có mắt.
Nghìn vạn thuở dân tộc này không tắt,
Lửa đã nhen, thì sẽ cháy từ đây.

Không gì vùi cho được nữa.
– Cờ bay!
Cờ bay sáng! Cờ bay hồng! Rạng rỡ!
Hỡi dân Việt! Cờ của ta vẫy đó,
Tiến lên! tiến lên! theo sứ mạng non sông!
Cờ là ta, là dân chúng, cờ mọc tựa vừng đông,
Sống hay chết, chẳng nhục dòng giống Việt!
Dân là nước, nước là ta, đã quyết!
Kìa sao vàng máu đỏ đã cao treo!

VII

Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo.
Gió nước Việt biết bao là thoả chí;
Vì đã được một lá cờ hùng vĩ,
Đẹp mà vui, dòn dã lại vinh quang;
Để sáng xuân đem đỏ lẫn cùng vàng,
Để trưa hạ gió pha thành ánh lửa;
Để thu tới dội sắc đào chan chứa,
Thổi cờ bay, thấy ấm cả lòng không;
Để dù cho sương lạnh những chiều đông,
Gió nghe máu chuyển một dòng chẳng tắt.
Để gió phất phơ, hay là hiu hắt,
Để sương u ẩm, hay nắng tưng bừng,
Để mưa êm hay sấm dữ đùng đùng,
Sao vẫn sáng, máu xây nền vẫn đỏ!
Cờ là đó. Việt Nam này vẫn đó;
Hồ Chí Minh, muôn thuở Tiến Quân ca.
Sáng muôn năm, nền Dân Chủ Cộng Hoà.

Bài thơ tình các bạn vừa xem là bài “Ngọn Quốc Kỳ” của tác giả Ngô Xuân Diệu. Thuộc tập Ngọn Quốc Kỳ (1945), danh mục Thơ Xuân Diệu trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!

Viết một bình luận