Chính Hữu tên thật Trần Đình Đắc, sinh năm 1926 tại Vinh, là nhà thơ quân đội thực thụ cả ở phía tác giả lẫn tác phẩm. Từ lúc viết bài thơ đầu cho đến nay Chính Hữu vẫn phục vụ trong quân đội. Đề tài thơ hầu hết là đề tài đánh giặc, nhân vật trung tâm là anh bộ đội. Tình cảm quán xuyến trong toàn bộ thơ Chính Hữu là tình cảm người lính, trong đó lòng yêu Tổ quốc và tình đồng chí là hai chủ đề hay được đề cập. Thơ Chính Hữu thể hiện một cá tính trầm lặng nhưng cả nghĩ và dào dạt yêu thương, trong lòng luôn luôn có sự khắc khoải về trách nhiệm trước những nỗi gian lao của đồng bào, đồng chí. Ông hay nghiêng về những hy sinh xót xa, với sự chân thành cảm phục biết ơn và rất nhiều tự vấn về trách nhiệm mình. Các tác phẩm; Đầu súng trăng treo (tập thơ, Nhà xuất bản Văn học, 1966), Thơ Chính Hữu (tập thơ, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1997), Tuyển tập Chính Hữu (Nhà xuất bản Văn học, 1998). phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.
Đồng chí
Tác giả: Chính Hữu
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí!
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
2-1948
Bài thơ Đồng chí được sáng tác vào đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (thu đông 1947) đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của giặc Pháp lên chiến khu Việt Bắc. Bài thơ là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất viết về người lính Cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Bài thơ đã được nhạc sĩ Minh Quốc phổ nhạc thành bài hát Tình đồng chí.
Nguồn:
1. Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
2. Ngữ văn 9, NXB Giáo dục, 2009
Ngày về
Tác giả: Chính Hữu
Có đoàn người lên đóng trên rừng sâu
Đêm nay mơ thấy trở về Hà Nội
Bao giờ trở lại?
Phố phường xưa gạch ngói ngang đường
Ôi hôm nay họ nhớ mái nhà hoang
Bức tường điêu tàn ngày xưa trấn ngự
Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa
Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh thề mãi đến khi già
Phơi nắng gió. Và hoa ngàn cỏ dại
Nghe tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về, trở về, chiếm lại quê hương
Nguy nga sao cái buổi lên đường
Súng chuốt gươm lan, mắt ngời sáng quắc
A ha! nhà xiêu mái sập
Xác oan cừu ngập lối chân đi
Gạch ngói xưa mừng đón gót lưu ly
Bước căm giận xéo quân thù lớp lớp
Mịt mù khói ngợp
Cờ máu huy hoàng
Phất nắng
Ôi bài chiến thắng reo vang.
1947
Ngọn đèn đứng gác
Tác giả: Chính Hữu
Trên đường ta đi đánh giặc
Ta về Nam hay ta lên Bắc,
Ở đâu
Cũng gặp
Những ngọn đèn dầu
Chong mắt
Đêm thâu
Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt,
Như miền Nam
Hai mươi năm
Không đêm nào ngủ được,
Như cả nước
Với miền Nam
Đêm nào cũng thức…
Soi cho ta đi
Đánh trận trường kỳ
Đèn ta thắp niềm vui theo dõi
Đèn ta thắp những lời kêu gọi.
Đi nhanh đi nhanh
Chiến trừõng đã giục
Đầy núi đầy sông
Đèn ta đã mọc.
Trong gió trong mưa
Ngọn đèn đứng gác
Cho thắng lợi, nối theo nhau
Đang hành quân đi lên phía truớc.
1965
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc.
Nguồn: Trường Sơn – đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009
Đường ra mặt trận
Tác giả: Chính Hữu
Những buổi vui sao, cả nước lên đường,
Xao xuyến bờ tre, từng hồi trống giục
Xóm dưới làng trên, con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm, ríu rít theo nhau
Súng nhỏ súng to, chiến trường chật chội
Tiếng cười hăm hở, đầy sông đầy cầu
Bộ đội dân quân, trùng trùng điệp điệp
Chào nhau không kịp nhớ mặt
Dô hò nón vẫy theo,
Hàng ngũ ta đi dài như tiếng hát
Chào những ngôi trường ngói đỏ bình yên
Lấp lánh cánh đồng đang gặt đang hái
Xuôi ngược công trường những bánh xe reo
Ngọn khói con tàu như tay vẫy gọi
Đất nước mình đây,
Hai mươi năm
mưa, nắng, đêm, ngày
Hành quân không mỏi
Sung sướng bao nhiêu: tôi là đồng đội
Của những người đi, vô tận, hôm nay.
Yểm hộ miền Nam
Thình thình đại bác
Nhịp những bước chân
Cả nước
lên đường
1965
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc.
Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Trang giấy học trò
Tác giả: Chính Hữu
Em đến trường
Tay cầm cuốn vở
Gió thổi đời em
Lật từng trang mở
Trường mới
như tâm hồn em
Lợp toàn ngói đỏ
Tóc xanh mát bóng cây
Thơm mùi trang giấy mới
Vui với em phơi phới
Tổ quốc lớn từng ngày
Chúng mang bom nghìn cân
Giội lên trang giấy
Mỏng như một ánh trăng ngần
Hiền như lá mọc mùa xuân
Ôi từng trang giấy
Trong lòng anh, đập khẽ, đêm nay
như bàn tay vẫy
như một bàn tay ròng ròng máu chảy!
Nếu em sống lại
Anh đi một nghìn đêm
Để giành lấy cho em
Một ngày không sợ hãi
Trận địa thức bên em
Bóng quân thù hung ác
Không che được ánh đèn
Soi cho em ngồi học
Ôi ánh đèn thúc giục
Như mệnh lệnh hành quân
1966
Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Giá từng thước đất
Tác giả: Chính Hữu
Năm mươi sáu ngày đêm bom gầm pháo giội,
Ta mới hiểu thế nào là đồng đội.
Đồng đội ta
là hớp nước uống chung
Nắm cơm bẻ nửa
Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa
Chia khắp anh em một mẩu tin nhà
Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp
Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết.
Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta ?
Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
giá từng thước đất,
Các anh ở đây
Trận địa là đây,
Trận địa sẽ không lùi nửa thước,
Không bao giờ, không bao giờ để mất
Mảnh đất
Các anh nằm.
1954-1961
Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Bắc cầu
Tác giả: Chính Hữu
Bom nó bằng gang
Tay ta bằng sắt
Hỡi con sông sâu
Cầu ta lại bắc
Hỡi những con đường
Đừng đau chia cắt
Nối nhịp thuỷ chung
Đinh ta đóng chặt
Ta đứng đêm ngày
Bốn bên khói lửa
Hai tay ta đỡ
Bạt ngàn quân đi
Góp vào tiếng súng
Một tiếng dô ta
Mỗi chuyến xe qua
Chở cả lòng ta
Theo ra mặt trận
Sông vỗ trùng trùng
Nhịp cầu điệp điệp
Đưa cả đất nước
Đi về phía nam
1966
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Quốc Anh phổ nhạc.
Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Lá ngụy trang
Tác giả: Chính Hữu
Mười năm đi mải miết
Mang quê mình xanh biếc trên lưng.
Khi ta hành quân đã khuất,
Lá nguỵ trang còn đọng tiếng chim rừng
Tha thiết
Cây mọc trăm miền gửi lá theo ta
Gian khổ đêm ngày chiến dịch,
Vẫn nghe rì rào thôn xóm ta qua
Nghe núi nghe sông trong cành lá hát.
(1961)
Ngọn gió
Tác giả: Chính Hữu
Em có bao giờ nửa đêm thức dậy
Nghe ngọn gió phương này thổi sang phương ấy
Đấy là hồn anh đang thở đêm đêm
Đi giữa đất trời đến hát ru em…
Nguồn: Tuyển tập thơ Tình bạn tình yêu xuất bản năm 1987
Thư nhà
Tác giả: Chính Hữu
Một lá thư nhà
hôm nay ta đọc
Trong chiến hào chuẩn bị tiến công,
Ta mới hiểu thêm
từng chữ, từng dòng
Chưa bao giờ hiểu hết,
Ta mới biết
Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông,
Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết.
Thư người hậu phương gánh gạo đưa chồng,
Hai vai khó nhọc,
Viết gửi cho ta ngổn ngang từng nét
Như gồng như gánh dân công,
Ánh mực lập loè đường xa lửa đuốc.
Lặn lội đi theo cả nước
Lên đây đánh giặc cùng ta
Đêm nay ở đâu?
lưng đèo?
cuối dốc?
Một lá thư nhà
Chia đôi nhiệm vụ
Hai người đoàn tụ
Hai đầu chiến công.
(1954-1961)
Nguồn: Đầu súng trăng treo, NXB Văn học, Hà Nội, 1972
Nhà văn Vũ Quần Phương đã nhận xét về thơ Chính Hữu “Có thể nói mỗi bài thơ Chính Hữu đều có một tìm tòi mới. Anh giữ bản sắc dân tộc một cách sáng tạo. Anh học ca dao trong hình ảnh ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt, trong công việc của người vợ gánh gạo đưa chồng hai vai khó nhọc. Người xưa nói chia ly nơi đầu cuối một dòng sông, anh nói đoàn tụ ở hai đầu chiến trường. Câu thơ núi biên giới Núi, lại núi, lại núi phải chăng cũng phát triển từ câu thơ: Một đèo, một đèo, lại một đèo… Khi học tập một cách nói tự bên ngoài, Chính Hữu cũng không sa vào lai căng, lộ liễu, do anh biết bám chắc vào chất sống Việt Nam, tâm hồn Việt Nam.”