Thơ Nguyễn Công Trứ – Phóng khoáng và tràn đầy chất “Ngông” Phần 1

Giới thiệu đến quý độc giả yêu thơ Nguyễn Công Trữ, phần 1 của tuyển tập thơ Nguyễn Công Trứ hay và đầy đủ nhất. Nguyễn Công Trứ là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam, nổi tiếng là vị quan thanh liêm, tài trí hơn người nhưng có lối sống tự do và vô cùng ngang tàng, ngạo nghễ.

Nội Dung

Phụng thờ hương khói bấy nhiêu đông
Một phút làm nên rạng tổ tông
Trống đánh vang lừng miền ấp lý
Tàn bay phấp phới cõi tây đông
Làng trên xã dưới đem đầu lại
Kẻ ngược người xuôi ngoảnh mặt trông
Vận hội khi may đen hoá đỏ
Làm trai như thế sướng hay không?

Cơn chếnh choáng xoay vần trời đất lại,
Chốc ngâm nga xáo lộn cổ kim đi.
Cái công danh là cái chi chi,
Quý nhân tưởng bất như nhàn nhân quý.
Thú yên hà gửi nơi thành thị,
Nhớ Đông Ba, Gia Hội có hai cầu.
Khi gió mát lúc trăng thâu,
Dập dìu những văn nhân tài tử.
Trong ngọc đá vàng thau ai biết thử,
Có xanh xanh trên ấy đã cầm quyền.
Đua hồng sánh lục bấy nhiêu niên,
Nào đã thấy hoa khôi là mấy mặt.
Thôi cũng muốn Nam vô Di đà Phật,
Trót dở đem thân thế hẹn tang bồng.
Nghìn dặm đường một gánh non sông,
Còn mơ tưởng năm xưa cầm với hạc.
Thời nhân bất thức dư tâm lạc,
Mượn phong tình mà giả nợ phong lưu.
Thanh nhàn ngâm một vài câu,
Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi.
Để cho đó gẫm mà coi.

Gớm chết nhân tình thế thái,
Lạt nồng, coi chiếc túi đầy vơi!
Trông tốt màu, lựa ý theo hơi,
Giọng thù phụng ngọt ngào đủ mực.
Khi trở mặt, sa mày nặng mặt,
Thói đảo điên hủng hỉnh không dời.
Nghe ra thời cũng buồn cười,
Nghĩ lại từ đây phải chạy.
Buộc chỉ cổ tay chừa trước ấy,
Chống rèm con mắt ngắm sau này.
Việc trăm năm ngày tháng hãy dài,
Đường kim cỗ hẳn nhiều lúc gặp.
Thôi cũng chớ can chi mà gấp,
Bỗng bồn chồn hấp tấp khéo xinh,
Gớm cho thế thái nhân tình!

Giang sơn bất thiểu anh hùng khách
Gánh kiền khôn đeo nặng kẻ rừng nho
Thiên phú ngô, địa tái ngô
Thiên địa sinh ngô nguyên hữu ý
Dã thị giang sơn chung tú khí
Quả nhiên đài các xuất danh công
Hội rồng mây cho phỉ chí tang bồng
Cờ báo tiệp giữa trời Nam bay bướm nhẹ
Tài bộ thế mà công danh lại thế
Nợ trần hoàn quyết giả lúc này xong
Dồi dào thiên tứ vạn chung
Khanh hầu xa mã tướng công lâu dài
Trần ai ai dễ biết ai?

Tang bồng hồ thỉ nam nhi trái
Cái công danh là cái nợ nần
Nặng nề thay hai chữ “quân thân”
Đạo vi tử, vi thần đâu có nhẹ
Cũng rắp điền viên vui tuế nguyệt
Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Xếp bút nghiên theo việc kiếm cung
Hết bốn chữ “trinh trung báo quốc”
Nghiêng mình những vì dân vì nước
Túi kinh luân từ trước để về sau
Nghìn thu một tiếng công hầu

Cõi trần thế nhân sinh là khách cả(1)
Nợ phong lưu kẻ giả có người vay
Trong trần ai(2), ai biết ai hay
Làm ra đấng phi thường cho rõ mặt
Quân tử dụng tâm vô đố tật
Trượng phu xử thế hữu kinh quyền(3)
Bất vưu nhân, bất oán thiên (4)
Ba vạn sáu nghìn ngày thích chí
Năm ba chén trà nhân rượu trí(5)
Một vài câu thơ thánh phú thần
Nhởn nhơ trong cõi hồng trần
Gặp ngày chung đỉnh đai cân (6)cũng vừa
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ.

Vũ trụ giai ngô phận sự
Chẳng công danh chi đứng giữa trần hoàn?
Chí tang bồng hẹn với giang san
Đường trung, hiếu, chữ “quân thân” là gánh vác
Thi rằng:
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông
Nợ sách đèn đem nghiên bút giả xong
Cầu xe ngựalúc đi về mới tỏ
Duyên ngư thuỷ, hội long vân còn đó
Miếng đỉnh chung cho biết mùi đời
Nhắn trăng nhủ gió đưa người
Bẻ ngành đan quế cho rồi liền tay
Trần ai ai có kém ai!

Nói phô nghe cũng giỏi con giai
Vì nỗi không tiền hóa dở ngài
Khôn khéo dễ hầu bưng khắp miệng
Khen chê thôi cũng gác ngoài tai
Tính quen mặt đó, đà ghe kẻ
Song biết lòng cho, dễ mấy ai?
Ðã thế thời thôi thôi mặc thế
Ði lâu rồi mới biết đường dài

Vũ trụ chức phận nội
Đấng trượng phu một túi kinh luân.
Thượng vị đức, hạ vị dân,
Sắp hai chữ “quân, thân” mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.

Cho hay trống thủng có làng bưng
Đã dễ rồi còn muốn dễ dưng
Mặc sức đâm thùng và tháo đáy
Tha hồ tráo đấu lại lường thưng
Khéo đem muối nọ toan gieo biển
Nghĩ rút dây kia sợ động rừng
Xấu máu xin đừng ăn của độc
Rượu làng thì uống rượu mua đừng

Ai chê rằng đểu cũng oan,
Cuộc cờ bốn nước, cung đàn một dây.

Thế nhân mạc oán tài tình lụy,
Không tài tình quang cảnh có ra chi.
Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề,
Có yến yến hường hường mới thú!
Khi đắc ý mắt đi mày lại,
Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng.
Nợ phong lưu ai nỡ chối không,
Duyên tri ngộ nên đeo đẳng mãi.
Thiên vạn khuyến quân mạc quái,
Nam nhi đáo thử thị hào.
Gẫm tài tình, nào lụy ai nào!
Ai rằng lụy, đây xin chịu cả.
Trong trần thế thiệt là cảnh giả,
Dứt tài tình chẳng uổng lắm ru.
Xin xin đừng oán mà ngu!

Tang bồng là nợ,
Đấng làm trai chi sợ áng công danh
Phú quý tương dĩ hậu ngô sinh, bần tiện tương dĩ ngọc ngô thành.
Cái vinh, cái nhục là đắp đổi
Thuỳ năng thế thượng vong danh lợi
Tiện thị nhân gian nhất hoá công
Thôi thời thôi quân tử cố cùng
Cùng khi ấy hẳn là thông khi khác
Số tảo vãn tuỳ cơ phó thác
Chớ như ai chịu chắt cũng tay không
Chơi cho phỉ chí tang bồng.

Tết nhất anh ni ai nói nghèo
Nghèo mà lịch sự, đố ai theo!
Bánh chưng chất chật chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên triêu cao ngất một gang nêu
Ai xuân, anh cũng chơi xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều

Vốn hễ anh hùng mới có nghèo
Sao mà ta lại trải trăm chiều?
Trái mùa, nghiệp cũ không nên bỏ
Ế chợ, nghề nhà cũng phải theo
Những giữ miệng đà không muốn nói
Làm sao bụng lại cứ thường trêu?
Suy ra mới biết rằng hay dở
Kể trước như ta dáng cũng nhiều

七十自壽
日對兒曹自解頤,
今吾不自故吾時。
隨幾傀儡躬人俏,
直既年華界古禧。
老實不堪裝面目,
櫻花安用冉修裨。
自慚先烈毫無狀,
怪察紅山有是非。

Thất thập tự thọ
Nhật đối nhi tào tự giải di,
Kim ngô bất tự cố ngô thì.
Tuỳ cơ khối lỗi cung nhân tiếu,
Trực ký niên hoa giới cổ hy.
Lão thực bất kham trang diện mục,
Anh hoa an dụng nhiễm tu tì.
Tự tàm tiên liệt hào vô trạng,
Quái sát Hồng Sơn hữu thị phi.

Dịch nghĩa
Hằng ngày ta sẽ cùng chơi đùa với trẻ con
Ta hôm nay không còn giống ta ngày xưa nữa
Ta theo thời mà làm con rối mua cười cho thiên hạ
Thấm thoát nay đã đến tuổi cổ lai hy
Cái chân chất không cần trau tria mày mặt nữa
Vẻ tốt tươi đem nhuộm cho râu tóc để làm gì
Ta tự lấy làm thẹn chẳng có chút công trạng gì
Thôi hãy phó mặc cho núi Hồng hạ lời khen chê.

Bầu kinh sử với níp kim cương,
Thầy tớ đều qua một chuyến giang.
Dặm hội gia tề thầy đủng đỉnh,
Toà vàng núi ngọc tớ nghênh ngang,
Thầy sao chẳng nhớ lời Hàn Dũ,
Tớ hãy còn căm chú Thuỷ Hoàng.
Trong cõi trần hoàn thầy với tớ,
Thầy về tôi Phật tớ tôi vương.

Đ.. mẹ nhân tình đã biết rồi!
Lạt như nước ốc bạc như vôi.
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược,
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi.
Chân có chẹt rồi thời há miệng,
Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi.
Dám xin các bác phen này nữa,
Nấu xáo xin đừng nấu xáo vôi.

Vận chuyển cơ trời nghĩ cũng màu,
Chắc rằng ai đói, chắc ai giàu.
Kể đâu miệng thế khi yêu ghét,
Ðược mấy lòng người có trước sau.
Cuối tết mới hay rằng sớm muộn,
Giữa vời sao đã biết nông sâu ?
Hãy xem trời đất thời liền rõ,
Dầu nắng dầu mưa có mãi đâu!

No thời ra bụt đói ra ma,
Chẳng lạ nhân tình đất kẻ ta.
Khôn khéo chẳng qua thằng có của,
Yêu vì đâu đến đứa không nhà.
Ở đời mới biết cùng thời dễ,
Muôn sự cho hay nhịn cũng qua.
Cơ tạo có đi thời có lại,
Vạch vôi lấy đó mãi ru mà.

Ngâm cùng giăng gió vài câu kiểng,
Tính với giang sơn mấy chuyện đời.
Thú gì hơn nữa thú ăn chơi,
Chi giàu khó, sang hèn là phận cả.
Ðủ lếu láo với người thiên hạ,
Tính đã quen đài các mấy lâu.
Ðàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu,
Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải!
Ðạo thông thiên địa hữu hình ngoại,
Tứ nhập phong vân biến thái trung.
Hỏi giang sơn mấy kẻ anh hùng,
Tri ngã giả, bất tri ngã giả.
Người có biết ta, hay thì chớ,
Chẳng biết ta, ta vẫn là ta.
Linh khâm bảo hợp thái hoà,
Sạch không trần luỵ ấy là thần tiên.
Ngang tàng lạc ngã tính thiên.

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt,
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao.
Đám phồn hoa trót bước chân vào,
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết.
Quá giả vãng nhi bất thuyết,
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi.
Cuộc đời thử gẫm mà suy,
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu.
Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ,
Chuyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ,
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt.
Mặc xa mã thị thành không dám biết,
Thú yên hà trời đất để riêng ta.
Nào ai, ai biết chăng là?

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền, dở cũng hay
Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi
Hẳn hoi không hết một bàn tay
Suy ra cho kỹ ai hơn nữa
Bạc quá vôi mà mỏng quá mây.

Xuống ngựa lên xe nọ tưởng nhàn,
Lợm mùi giáng chức với thăng quan.
Điền viên dạo chiếc xe bò cái,
Sẵn tấm mo bưng miệng thế gian.

Bài này gắn với giai thoại Nguyễn Công Trứ khi được vua Tự Đức cho về trí sĩ, thường ngồi trên một chiếc xe bò cái, có một chiếc mo cau treo ngay ở đít bò với bài thơ trên để giễu thói đời.

Nhân sinh thất thập cổ lai thiếu,
Trẻ thơ ngây, già tuổi tác, tính mà chi.
Giữa trung gian quang cảnh bấy nhiêu thì.
Khi ấm lạnh lại khi phiền não,
Năng đắc khẩu thời khai khẩu tiếu,
Cư chu hoàn phụ thủ quang âm.
Sao bằng giũ sạch trần tâm,
Khi ngoạn nguyệt, khi thăm hoa nở.
Cho giải kết dẫu ra sao nữa,
Nợ phong lưu như rứa lãi rồi.
Nghìn vàng chuốc lấy trận cười.

Nhân trung thụy, giác tam can nhật,
Vắt chân ngồi với bạn khách cầm ca.
Cuộc tỉnh say bàn rượu chén trà,
Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống.
Bạch tuyết thanh cao, oanh yến lộng,
Quân thiều hưởng triệt, cổ chung minh.
Này tiếng đàn tinh tính tinh tình tinh.
Thú vui thú ném ngang vành tráng sĩ.
Cõi nhân sinh thích chí,
Lúc thái bình hà nhật bất xuân phong.
Của trần hoàn không có có không,
Kho vô tận không không rồi lại có.
Chữ tài ấy ăn chơi, ở đủ!
Sôi kinh rồi đánh miếng đỉnh chung.
Một mai bẻ quế thiềm cung,
Trăng đưa đàn nguyệt, sấm rầm trống lôi.
Trăm năm đài các lạ đời!

Nhân sinh quí thích chí,
Cuộc ăn chơi chi hơn thú tụ tam,
Tài kinh luân xoay dọc xoay ngang,
Cơ điều đạc quân ăn đang đánh.
Gọi một tiếng, người đều khởi kính,
Dạy ba quân, ai dám chẳng nhường ?
Cất nếp lên, bốn mặt khôn đương;
Hạ bài xuống, tam khôi chiếm cả!
Nay gặp hội quốc gia nhàn hạ,
Nghĩ ăn chơi thú nọ cũng hay,
Gồm hai văn võ trong tay!

Ngày xuân thong thả, tính thờ ơ
Thấy chúng chăn trâu đánh cũng ưa
Tưởng làm ba chữ mà chơi vậy
Bổng chốc lên quan đã sướng chưa!

Chớ thấy người thương, bỗng hở hăm
Phải xem cho kĩ kẻo mà lầm
Chẳng ưa, thoắt chốc ra hờn mát
Không luỵ, càng nhiều tiếng nói xâm
Tưởng nỗi nhân tình mà ghét độc
Nghĩ trong thế cục những cười thầm
Thôi thôi chẳng nói chi cho lắm
Vốn hễ ân thâm, oán cũng thâm

Những điều tráo trở đã xem từng,
Song rút dây kia sợ động rừng.
Người thế những tuồng trông trước mắt,
Ở đời mấy kẻ ngắm sau lưng.
Tính toan luống đổ mồ hôi muối,
Thương xót đà no nước mắt gừng.
Đã thế thời thôi, thôi mặc thế,
Công đâu cho nhọc giận người dưng.

Ðứng núi này trông núi nọ cao
Nhân tình ơ hỡ biết làm sao!
Nghĩ mình chưa phải tình Kim Trọng
Mà đó đà mang nợ Thúy Kiều
Non nước nước non ngao ngán nỗi
Cỏ hoa hoa cỏ ngẩn ngơ chiều
Vườn hoa kia để ai rong rả
Ong bướm xông pha dáng cũng nhiều

Lần lữa tiết xuân dương có mấy,
Bóng quang âm chơi lấy kẻo già.
Trăm năm trong cõi người ta,
Xóc sổ tính ngày chơi đà được mấy ?
Thôi thôi chơi cũng là chơi vậy!
Biết mùi chơi chưa dễ mấy người.
Nợ nhà, tình vay một trả mười,
Duyên hội ngộ, cũng lừa ba lọc bảy.
Mang tiếng với non sông thời cũng phải,
Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười,
Phong lưu cho bõ kiếp người!

Bé mọn làm chi những thứ bồng!
Lớn lao thế ấy ghẹo ai rung
Đôi bên bằng phẳng trời hai mặt
Chính giữa tròn xoay nguyệt một vòng
Hiên bệ gió đưa dùi cắc cắc
Giang sơn sấm dậy tiếng tùng tùng
Huống chưng đất nước đồ sang trọng
Đai nẹp sơn son lại vẽ rồng

Mưỡu:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không lịch sự cũng người Trường An.

Nói:
Hồi thủ khả liên ca vũ địa,
Đất Trường An là cổ đế kinh.
Nước non một giải hữu tình,
Trời Nam Việt gây đồ đế kỷ,
Người thôn ổ, dấu phong lưu thành thị,
Đất kinh kỳ riêng một áng lâm tuyền.
Ven sườn non tiếng mục véo von,
In mặt nước buồm ngư thong thả.
Hoa thảo ký kinh xuân đại tạ,
Giang sơn trầm tiếu cổ hưng vong.
Tranh thiên nhiên riêng một bức tang thương,
Khách du lãm coi nhường thăm hỏi.
Đã mấy độ sao dời vật đổi,
Nào vương cung, đế miếu đâu nào.
Mỉa mai vượn hót oanh chào.

Lưu hầu Trương Lương là người có có công giúp Hán thù Hàn, đánh Tần dẹp Sở, lao đao đã lắm, mưu trí đã dầy, thật đáng bậc đế sư, nên vào hàng tam kiệt, vua ban bổng lộc rất hậu, thiên chung vạn đỉnh, mà chẳng thèm chút nào, lại muốn tìm phương thoát vòng tục luỵ, xa lối công danh, chỉ lấy sự bảo kỳ thân làm trọng. Vậy nên khi đã làm xong chức trách, tự nơi lòng, tuy chẳng tin ở sự tu tiên là đường hư đản, song cũng mượn tiếng theo Xích Tùng Tử du tiên để tiêu diêu chốn non xanh nước biếc, cảnh thanh nhàn tùng cúc trúc mai, thú tịch mịnh riêng người biết thú. Nhớ lời thầy Trình Tử khen rằng: “Trí tai Lưu Hầu, thiện tàng sở dụng!” Kinh thi rằng: “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân”, xưa nay dễ thường một mình Trương Lương làm đặng vậy.

Thương thay cho nho nhã!
Kính thay người nho nhã!

Gặp thuở thuận Tần,
Vốn lòng lương tá.

Chung đỉnh năm triều ân ái, nặng sa trung lỗi dịp phó xa,
Lược thao ba cuốn trí mưu, xa Bái hạ tìm người trưởng giả.

Đẩy đưa tấc lưỡi, đứng bậc đế sư,
Xốc vác năm năm, dựng nền vương bá.

Nghiệp Hán thù Hàn vẹn vẽ, nặng lời Huỳnh thạch ước xưa,
Đường danh nẻo lợi thờ ơ, nhẹ bước Xích tòng thong thả.

Thảnh thơi thuyền Phạm Ngũ Hồ,
Xuôi ngược buồm ngư một lá.

Lộc nước muôn nhà búng vẩy, thờ ơ áo vải đủ nguyền xưa,
Bụi trần một phút tan không, thủng thỉnh bữa thường theo khách lạ.

Dối cũng nên mà thiệt cũng nên,
Tiên chẳng bạ nhưng trần vẫn bạ.

Phú quý mặc ai lung lạc, cánh hồng giũ sạch tiếng tàng cung,
Thân danh chẳng bợn kê mê, gót phụng lọt xa vòng lão mã.

Rất khôn thay biết lẽ tới lui,
Chẳng bận mấy những điều dối trá.

Kìa kẻ cổ quăng, nọ người đại tướng, va danh nhận kiệt có ba người,
Trước xe Vân mộng, sẵn áng thương tâm, ghi chữ hảo thân riêng một giá.

Y thần tiên hư đản đã đành,
Lựu Tiêu Tín công danh bao nả?

Đường tiến thoái như gương nhât nguyệt, bàn chi kẻ phải người chăng,
Nghĩa thuỷ chung vẹn ước san hà, mới biết mưu thâm chí cả.

Vả nay:
Ôn qua cựu sử, thấy chữ “Trí tai Lưu Hầu”,
Khéo dấu thửa dùng, xưa nay mấy gã?

Trẻ tạo hoá ngẩn ngơ lắm việc
Già Nguyệt ông cắc cớ trêu nhau
Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh
Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh
Nhất toạ lê hoa áp hải đường
Từ đây tạc đá ghi vàng
Bởi đâu, trước lựa tơ chắp chỉ
Tân nhân dục vấn lang niên kỷ?
Ngũ thập niên tiền nhị thập tam!
Tình đã chung, lứa cũng phải vam
Suốt kim cổ lấy làm vận sự
Trong trần thế duyên duyên nợ nợ
Duyên cũng đành mà nợ cũng đành
Xưa nay mấy kẻ đa tình
Lão Trần là một với mình là hai
Càng già càng dẻo càng dai!

Hai mươi năm lẻ những mơ màng
Cuộc thế xem qua đã chán chường
Lúc đạt chẳng qua nhờ vận mệnh
Khi cùng chớ cậy có văn chương
Theo thời cũng rắp tìm nghề khác
Bẩm tính đà quen giữ nết ương
Thời thế, rủi may, thời cũng mặc:
Ai dư nước mắt khóc giàu sang.

Rằng đây há phải khách tầm thường,
Theo thế cho nên phải giữ giàng.
Lúc đạt chẳng qua nhờ vận mệnh,
Khi cùng chớ cậy có văn chương.
Theo thời cũng rắp tìm nghề khác,
Bản tính đà quen giữ nết ương.
Thì thế rủi may thời cũng mặc,
Ai dư nước mắt khóc giàu sang.

Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
Nợ nần dan díu mấy năm nay.
Mang danh tài sắc cho nên nợ,
Quen thói phong lưu hoá phải vay.
Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
Còn trời, còn đất, còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này?

Có lẽ ta đâu mãi thế này,
Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy.
Ðã từng tắm gội ơn mưa móc,
Cũng đã xênh xang hội gió mây.
Hãy quyết phen này xem thử đã,
Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay.
Xưa nay xuất xử thường hai lối,
Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.

Mãi thế rồi ta sẽ tính đây,
Ðiền viên thú nọ vẫn xưa nay.
Giang hồ bạn lữ câu tan hợp,
Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.
Toà đá Khương Công đôi khóm trúc,
Áo xuân Nghiêm Tử một vai cày.
Thái bình vũ trụ càng thong thả,
Chẳng lợi danh chi lại hoá hay.

Chẳng lợi danh chi lại hoá hay,
Chẳng ai phiền luỵ chẳng ai rầy.
Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,
Trong thú yên hà mặt tỉnh say.
Liếc mắt coi chơi người lớn bé,
Vểnh râu bàn những chuyện xưa nay.
Của trờì trăng gió kho vô tận,
Cầm hạc tiêu dao đất nước này.

Xem tiếp thơ Nguyễn Công Trứ: Thơ Nguyễn Công Trứ – Phóng khoáng và tràn đầy chất “Ngông” Phần 2

Viết một bình luận