Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ của Thái Bá Tân là một trong những sáng tác hay của nhà thơ này. Ở đó ta có thể cảm nhận được một sự thân thuộc, gần gũi. Thêm vào đó các vần thơ được thể hiện rất linh hoạt, bắt vần và dễ nhớ. Đây cũng chính là một điều thể hiện được khả năng sử dụng ngôn ngữ văn chương của Thái Bá Tân. Hãy cùng đón đọc các bài thơ hay của tập thơ này bạn nhé!
Nội Dung
Ngày xưa, chỉ mình ngựa
Chiếm cả đồng cỏ xanh
Rồi bỗng hươu xuất hiện
Nên có cảnh tranh giành
Muốn đuổi hươu không được
Ngựa đến nhờ thợ săn
Ông kia đáp: “Tốt lắm!
Tôi làm điều anh cần
Nhưng anh phải chịu khó
Cho tôi ngồi trên lưng
Ngậm cái này vào miệng
Đeo thêm đoạn dây thừng”
Sau khi ngựa đồng ý
Thợ săn thắng yên cương
Bắt đeo cả hàm thiếc
Toàn những thứ lạ thường
Thợ săn giữ lời hứa
Đuổi con hươu đi xa
Nhưng từ đó con ngựa
Phải phục vụ ông ta
Anh lợi dụng người khác
Vì mục đích của mình
Thì rất dễ người khác
Sẽ lợi dụng chính anh
Ngày xưa, cò và cáo
Chơi với nhau khá thân
Vì hai con là bạn
Nên thăm nhau nhiều lần
Một hôm, cò được cáo
Mời ăn cháo cua đồng
Cháo được múc ra đĩa
Một chiếc đĩa rất nông
Cáo ăn rất ngon miệng
Chén một mình thật no
“Có vẻ bác không thích?
Xin lỗi nhé, bác cò”
Hôm sau, cò mời cáo
Đến nhà ăn cháo trai
Cháo rót vào chiếc lọ
Rất nhỏ và rất dài
Giờ thì đến lượt cáo
Nhìn cò ăn thật ngon
“Mời bác ăn, bác cáo
Trong lọ, cháo vẫn còn!”
Khi anh xỏ người khác
Thì người khác, tất nhiên
Cũng có quyền xỏ lại
Bài học này đừng quên
Lần nọ có con cáo
Đêm lẻn vào chuồng gà
Thấy có chú gà trống
Đậu cao trên thanh xà
“Chào gà trống”, cáo nói
“Anh biết chưa tin này
Tin rằng vua sư tử
Quyết định từ hôm nay
Tất cả các loài vật
Phải chung sống với nhau
Trong hoà bình, thân ái
Không ai làm ai đau”
“Thế thì thật vui quá!
Bác chó đang đến đây”
Gà nói, “Tôi tin bác
Sẽ rất thích tin này
À mà kìa, anh cáo
Sao anh vội bỏ đi?
Đã có lệnh sư tử
Thì anh còn sợ gì?”
“Tôi e rằng bác chó
Chưa được nghe lệnh này
Mà tôi cũng đang bận
Chào anh, tôi đi đây”
Con cáo gian, hẳn thế
Nhưng mà nó thông minh
Gặp thế bí, vẫn biết
Tự chống đỡ cho mình
Có một con chó sói
Nhai mồi như bình thường
Thấy cổ họng vương vướng
Thì ra hóc mẩu xương
Mẩu xương cắm sâu lắm
Làm cổ họng rất đau
Hết khạc rồi đến nhổ
Lại ngửa cổ, nghiêng đầu
Chó sói hứa: Ai giúp
Lấy được mẩu xương này
Nó sẽ thưởng rất hậu
Nhưng mọi người bó tay
Cuối cùng, cò đồng ý
Sói há miệng, thế là
Cò dùng mỏ ngậm chặt
Rồi rút mẩu xương ra
“Giờ thì, như đã hứa
Ông thưởng cái gì đây?”
“Anh còn bắt tôi thưởng?
Rõ cái anh cò này!
Chui đầu vào miệng sói
Mà vẫn sống nguyên lành
Đó chẳng phải phần thưởng
Tôi đã dành cho anh?”
Ở đời, như ta biết
Đối với bọn gian tham
Không được tin lời chúng
Phải nhìn việc chúng làm
Một ngày nọ, bầy chuột
Cùng nhau họp hội đồng
Để tìm cách chống lại
Con mèo cái xù lông
Mọi người trong khi họp
Đề xuất nhiều ý hay
Cuối cùng, chú chuột nhắt
Có đề nghị thế này:
“Loài mèo, đáng sợ nhất
Là yếu tố bất ngờ
Không ai biết nó đến
Nó đang đi, hay chờ
Ta lấy chiếc chuông nhỏ
Treo lên cổ con mèo
Dù nó bước rón rén
Chiếc chuông kia cũng kêu
Vậy là ta biết trước
Mọi lúc và mọi nơi
Thế thì mèo chịu chết…”
Mọi người kêu: “Tuyệt vời!”
Nhưng chuột cống khẽ hỏi:
“Ai sẽ làm việc này?
Cái việc treo chuông đó?”
Hội đồng chuột ngồi ngây
Như người Anh vẫn nói:
Easy said than done
Kế hoạch phi thực tế
Là kế hoạch không cần
Đừng bao giờ đề xuất
Các ý tưởng, dù hay
Nhưng không thể thực hiện
Hãy nhớ bài học này
Có một con sư tử
Muốn đi vào ruộng ngô
Vốn là nơi sinh sống
Của nhóm bốn con bò
Mỗi lần sư tử đến
Bò chụm đuôi với nhau
Cùng giơ sừng đón chặn
Và húc nó rất đau
Rồi bốn con bò ấy
Không hiểu sao bất đồng
Mỗi con đi một ngả
Khi sư tử tấn công
Cũng vì không đoàn kết
Lần lượt bốn con bò
Bị sư tử ăn thịt
Còn mất cả ruộng ngô
Câu chuyện này cho thấy
Một bài học đau lòng:
Chia rẽ là thất bại
Đoàn kết sẽ thành công
Trong một trận đánh nọ
Có anh lính thổi kèn
Bị đối phương bắt được
Khi bị trúng mũi tên
Như những tù binh khác
Anh sẽ bị chém đầu
Anh van vỉ tha chết
Bằng những lời như sau:
“Tôi không hề chiến đấu
Không gươm kiếm, cung tên
Tôi vô hại, đơn giản
Chỉ là anh thổi kèn!”
“Thế thì càng đáng giết
Vì chính anh thổi kèn
Để khích lệ binh lính
Cổ vũ họ xông lên”
Câu chuyện chỉ có thế
Nhưng bài học thật sâu
Dù không phải dao kiếm
Đánh bằng lời cũng đau
Ngày xưa có chú chó
Rất thích ăn trứng gà
Lần nọ trên bờ biển
Thấy con ngao màu ngà
Vì tưởng đó là trứng
Nó há miệng rất to
Và rồi cố nuốt chửng
Coi như được bữa no
Một chốc sau, chó thấy
Bụng sôi lên cồn cào
Vừa sôi, vừa đau quặn
Đúng là vì con ngao
Nó ôm bụng, thầm nghĩ:
“Thế cũng đáng đời ta
Cái gì tròn và trắng
Cũng tưởng là trứng gà”
Trong cuộc sống cũng vậy
Khi ta nhận xét ai
Cần phải xem bản chất
Đừng vội tin bề ngoài
Có một con khỉ nọ
Vào nhà bác nông dân
Cho tay vào chiếc lọ
Để tìm kiếm thức ăn
Chiếc lọ này cổ bé
Bên trong đựng chà là
Khỉ tham, lấy nhiều quá
Không rút được tay ra
Mà lọ thì rất nặng
Không thể nào mang đi
Tay không rút ra được
Không biết phải làm gì
Và suốt đêm nó đứng
Chờ người đến bắt mình
Khó ai có thể nói
Con khỉ này thông minh
Vì giá như lúc ấy
Nó bỏ nắm chà là
Thì bàn tay lại nhỏ
Và dễ dàng rút ra
Thì xưa nay vẫn thế
Tham thường đi với ngu
Nhiều người vì tham quá
Có mắt cũng như mù
Một người đốt than nọ
Sống bằng nghề đốt than
Công việc làm rất tốt
Chẳng có gì phàn nàn
Một hôm, anh ta nói
Với người bạn quét vôi:
“Tôi mời anh dọn đến
Ở cùng nhà với tôi
Ta sẽ là bạn tốt
Cùng làm ăn với nhau”
Anh kia lắc đầu đáp:
“Tôi e không được đâu!
Tôi chuyên quét vôi trắng
Anh lại hay bôi đen
Ta là bạn quý thật
Nhưng chung sống, không nên”
Ở đời, để kiếm sống
Mỗi người có một nghề
Đều cần thiết, quan trọng
Không khen, cũng không chê
Nhưng lửa tránh xa nước
Than không được gần vôi
Chuyện “sinh nghề tử nghiệp”
Các cụ đã nói rồi
Có gã keo kiệt nọ
Chôn một hũ vàng đầy
Trong góc vườn nhà gã
Rồi ra ngắm hàng ngày
Lũ trộm rình, biết được
Liền ăn cắp hũ vàng
Gã keo kiệt vật vã
Kêu khóc, gọi dân làng
Gã nói gã giữ nó
Suốt ba chục năm nay
Không tiêu một xu nhỏ
Chỉ nhìn ngắm hàng ngày
Một người nghe, liền bảo:
“Có vàng mà không tiêu
Thì coi như không có
Sự khác nhau không nhiều
Ông hãy lấy ít sỏi
Cho vào hũ thật đầy
Như hũ vàng trước đấy
Rồi đến ngắm hàng ngày
Hũ vàng hay hũ sỏi
Hoàn toàn không khác nhau
Khi ông không cần nó
Vậy xin chớ buồn rầu”
Chúa sơn lâm sư tử
Cảm thấy mình yếu, già
Không đi săn được nữa
Bèn nghĩ kế ranh ma
Nó chui vào hang đá
Tìm một chỗ rồi nằm
Thông báo mình ốm nặng
Muôn loài phải đến thăm
Nhiều con bị ăn thịt
Khi thăm nó trong hang
Đến lượt cáo thăm nó
Nó lên giọng dịu dàng:
“Hôm nay tôi đau quá
Chị cáo lại gần đây
Ngồi với tôi một chốc”
Cáo đáp lại thế này:
“Tôi đứng đây cũng được
Vì không dám lại gần
Nhiều người đến thăm bác
Còn để lại dấu chân
Nhưng có điều, thật lạ
Toàn những dấu chân vào
Dấu chân ra không có
Xin được hỏi vì sao?”
Sư tử biết lộ tẩy
Định vồ cáo, tiếc thay
Yếu quá, không đứng nổi
Cáo thoát khỏi hang này
Từ đấy, các loài vật
Không còn đến nộp mình
Cho sư tử ăn thịt
Cũng hợp lý, hợp tình
Thấy kẻ khác biến mất
Phải tìm hiểu nguyên nhân
Để không tự nộp xác
Vào miệng chúa sơn lâm
Một người bẫy chim nọ
Bắt được con gà gô
Con gà này đặc biệt
Vừa béo lại vừa to
Trước khi bị làm thịt
Nó cầu xin được tha
Bù lại, hứa sẽ giúp
Bẫy thêm được nhiều gà
“Tôi sẽ đi tìm kiếm
Dụ gà gô đến đây
Nơi anh đang đặt bẫy
Tha hồ bắt hằng ngày”
“À, mày như thế đấy!
Giờ thì ta vặt lông
Rồi quay lên, đánh chén
Không chút vấn vương lòng’
Tìm cách hại đồng loại
Chỉ là kẻ gian tà
Hại người để mình sống
Còn gian tà gấp ba
Có một con chó nọ
Trưa thường vào chuồng bò
Nằm ngay trong máng cỏ
Đánh một giấc ra trò
Muốn ngủ thì cứ ngủ
Vấn đề là thế này:
Chó nằm trên đống cỏ
Dành cho bò hàng ngày
Bò đến ăn, nó sủa
Tự nó, nó không ăn
Con chó nằm trên cỏ
Không cho ai lại gần
Gần ba nghìn năm trước
Ê-dốp kể chuyện này
Thế mà nó vẫn đúng
Cho đến tận ngày nay
Cái mình không ăn được
Thì hãy nhường cho người
Đừng “chó nằm trên cỏ”
Một thành ngữ tuyệt vời
Một ngày nọ, chú cáo
Ven dốc núi đang trèo
Thì trượt chân, và chú
Liền bám bụi dây leo
Bụi dây leo rất yếu
Tuy xanh tốt bề ngoài
Nên dây đứt, và cáo
Tụt ngã, nằm sóng soài
“Bác dây leo thật tệ
Không chịu đỡ giùm tôi”
Dây leo đáp: “Xin lỗi
Chú nhờ nhầm người rồi
Bao đời nay tôi sống
Bằng cách bám nhờ người
Nay chú nhờ tôi giữ
Thì sao mà chẳng rơi!”
Khi nhờ người, phải chọn
Người có tóc, có râu
Chứ ích gì cái việc
Bám tóc thằng trọc đầu
Người ta đã ăn bám
Mình còn ăn bám theo
Nếu có may, không chết
Thì chắc chắn cũng nghèo
Trên đây là những bài thơ của Thái Bá Tân viết trong tập Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ mà chúng tôi đặc biệt muốn chia sẻ với bạn. Các bài thơ này rất hợp với các em bé. Bởi nó đã chuyển tải các câu chuyện ngụ ngôn thành thơ rất hay và hấp dẫn. Với giọng điệu vui vẻ và cũng chứa đựng các giá trị đã được nhà thơ ẩn sâu trong đó. Chắc chắn bạn sẽ thích cuốn sách này. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ của Thái Bá Tân hay nhất bạn nhé!