Quan Niệm Thơ (Hàn Mặc Tử)
Gửi Trọng Miên
Miên có hỏi Trí về quan niệm thơ. Đối với Trí, quan niệm rất khác thường, không giống Baudelaire lắm. Theo Baudelaire thì va lấy passion làm hứng vị cho thơ. Trước kia nếu Miên lấy tập Thơ điên của Trí ra, Miên sẽ thấy nhiều bài thấm thía những tình cảm rất nồng và rất say sưa… Trí đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc. Chỗ ấy hơi đồng một quan niệm với Baudelaire. Trí nói hơi đồng thôi, vì trong khi làm thơ Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội. Chứ đối với Baudelaire, va đã nói “la passion est chose naturelle”… nghĩa là va đã hiểu lầm chữ passion rồi vậy.
Tình cảm – hay cảm hứng (enthousiasme) – với dục tình (passion) khác nhau nhiều. Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không một chút gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường, ngoài đều răn của Đức Chúa Trời… Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (élément de la poésie) nhưng người đời, u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng chí tôn. Vì thế trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quý và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây lên, ca ngợi quyền phép của Người và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie). Bởi muốn cho loài thi sĩ làm trọn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời, Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình:
“Khồng rên xiết là thơ vô nghĩa lý”
hay:
“Ta hiểu chi trong ánh gió nhiệm màu
Những hạt lệ của trích tiên đày đoạ”
Cho nên thơ là một tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ước ao trở lại trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thuỷ vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt. thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, ngỡ ngàng và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngọt ngào mỹ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ (genèse d’un poème). Song le miệng lưỡi của thi sĩ vẫn còn nóng ran, vẫn còn khát khao thèm thuồng những vật lạ muôn đời (génie créateur, aimant toujours le nouveau). Của thế gian nếm mãi chưa bưa, chưa ớn, chưa hả hê chút nào. Thi sĩ vẫn đi tìm mãi, vẫn còn kêu rên thảm thiết, để đi đến cõi ước mơ hoàn toàn. Trong đời thi sĩ, thi sĩ đã sống cô độc, những người con gái rất xinh đẹp cũng không làm cho thi sĩ vui đặng, vì thi sĩ nhận thấy ở người con trai cũng như ở người con gái, đều có một tâm thuật nhỏ nhoi, tầm thường không hợp với tính tình thanh cao của thi sĩ. Vì thế thi sĩ cứ kêu rên thảm thiết là để tìm một người tri kỷ. Mà than ôi, không bao giờ thi sĩ tìm đặng. Người tri kỷ của thi sĩ phải là một bậc cao quý, toàn tài, toàn năng, một đấng mà thi sĩ nhận lấy như là hết cả mọi sự – Đấng ấy là Đức Chúa Trời. Thi sĩ chỉ có thể chút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng, anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ. Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Chí tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ, để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy tài lại một cách nhãn tiền!
Miên ơi, như thế là Miên đã hiểu thế nào là quan niệm của Trí về thơ. Thơ là sự ham muốn vô biên những nguồn khoái lạc trong trắng của của một cõi trời cách biệt. Câu này ăn ý với câu: thơ là những tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt lạc quan và bi quan.
Trí đã tóm tắt những ý đã nói: có điều này nữa, Trí khác hẳn với Baudelaire. Baudelaire nói: thơ văn không thể dung hoà với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ (La poései ne peut pas sous peine de mort ou de déchéance, s’assimiler à la science ou à la morale. Elle n’a pas la vérité pour objet, elle n’a qu’elle même). Baudelaire nói trái nghịch với lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú, dồi dào, phát triển hết cả anh hoa, huyền bí, và vượt lên những tầng biên giới tân kỳ, mới lạ, cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng còn ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelaire thuộc về phái vô thần, nên không tin có Chân lý, không nhận Chân lý làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.
Quy Nhơn,
Juin, 1939
Bài thơ hay các bạn vừa xem là bài “Quan Niệm Thơ” của tác giả Nguyễn Trọng Trí. Thuộc tập Chơi Giữa Mùa Trăng (1941), danh mục Thơ Hàn Mặc Tử trong Những Tác Phẩm Thơ Tiêu Biểu Và Nổi Tiếng. Hãy cùng đọc và thưởng thức những tác phẩm khác, còn rất nhiều những bài thơ hay đang chờ đợi các bạn!