Top 10 bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Vương Đình Trọng

Nhà thơ Vương Đình Trọng, sinh năm 1943 tại Đô Lương, Nghệ An. Ông tốt nghiệp khóa 7 Khoa Toán của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Vương Đình Trọng có hơn 40 năm sáng tác thơ, hơn 30 năm làm biên tập thơ ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông là nhà thơ đặc biệt say mê Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du. Thơ ông có rất nhiều bài lấy cảm hứng từ Truyện Kiều. Ông hiện đã nghỉ hưu, sống cùng gia đình tại Hà Nội. Dưới đây là một số tác phẩm nổi tiếng trong hàng trăm bài thơ của ông, cùng phongnguyet.info tham khảo nhé.

Hai chị em

Tác giả: Vương Đình Trọng

Nín đi em, Bố Mẹ bận ra tòa!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.

Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!

Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.

Nó biết đâu Bố Mẹ nó ra toà
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn Mẹ thì thôi, không còn Bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…

– Nín đi em! Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!

Nhớ con

Tác giả: Vương Đình Trọng

Mẹ nghề y nhiều đêm trực vắng nhà
Tròn một tuổi, gửi con về quê ngoại
Quê ngoại con là quê mẹ đấy
Sao bây giờ mẹ thấy xa xôi
Một con đường mờ mịt mưa rơi
Một con đường gió mùa nào cũng ngược
Một chuyến phà, người chờ hai bờ nước
Chiếc cầu phao, sóng nổi bồng bềnh
Con xa rồi, mẹ thức với mông mênh
Quờ cánh tay thấy giường chiếu rộng
Võng cởi rồi, còn dây buộc võng
Tiếng à ơi vương vấn ở hai đầu
Con xa tuần, mẹ tưởng tháng lâu
Con xa tháng, thấy năm dài đằng đẵng
Đâu mái tóc vàng hoe tơ nắng
Môi ngây thơ tập gọi: Ơi bà !
Nửa năm rồi con mới thấy mặt cha
Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm
Đừng trách con ơi, cha là người lính
Người lính mấy khi được ở gần nhà
Mẹ đưa con về ở với bà
Tình thương mẹ san đều hai ngả
Nửa theo gió gửi đi miền đất lạ
Nửa hoà vào con sóng vỗ, lời ru
Nỗi lòng cha cũng hai nửa phân chia
Nửa nhớ con, nửa thương về nơi mẹ
Chỉ riêng con còn thơ dại quá
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Có bao giờ con biết nhớ cha đâu
Nỗi nhớ ấy con giành về nơi mẹ
Cha đi suốt một thời trai trẻ
Vẫn nguyên lành trong mẹ buổi chia tay
Vẫn nguyên lành như nỗi nhớ hôm nay
Dáng cha đi trong điệp trùng đội ngũ
Đừng trách mẹ những đêm dài ít ngủ
Nhớ thương là hạnh phúc những ngày xa.

Bên mộ cụ Nguyễn Du

Tác giả: Vương Đình Trọng

Tưởng rằng phận bạc Ðạm Tiên
Ngờ đâu cụ Nguyễn Tiên Ðiền nằm đây
Ngẩng trời cao, cúi đất dày
Cắn môi tay nắm bàn tay của mình
Một vùng cồn bãi trống trênh
Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề
Hút tầm chẳng cánh hoa lê
Bạch đàn đôi ngọn gió về nỉ non
Xạc xào lá cỏ héo hon
Bàn chân cát bụi, lối mòn nhỏ nhoi
Lặng im bên nấm mộ rồi
Chưa tin mình đã đến nơi mình tìm

Không cành để gọi tiếng chim
Không hoa cho bướm mang thêm nắng trời
Không vầng cỏ ấm tay người
Nén hương tảo mộ cắm rồi lại xiêu

Thanh minh trong những câu Kiều
Rưng rưng con đọc với chiều Nghi Xuân
Cúi đầu tưởng nhớ vĩ nhân
Phong trần còn để phong trần riêng ai
Bao giờ cây súng rời vai
Nung vôi, chở đá tượng đài xây lên
Trái tim lớn giữa thiên nhiên
Tình thương nối nhịp suốt nghìn năm xa…

Mỵ Châu

Tác giả: Vương Đình Trọng

Khi quay lại chém con sau yên ngựa
An Dương Vương, người đã nghĩ suy gì?
Hay cùng đường, ai cũng là giặc giã
Và nghe lời mách bảo của Kim Quy.

Kẻ thù ở sau lưng – dù lời thần đi nữa
Người phải trông bằng chính mắt của mình
Công chúa Mỵ Châu nép Vua cha, run sợ
Khi nửa trời khói lửa đao binh

Lông ngỗng rơi, lông ngỗng rơi trắng lối
Dứt áo ra như dứt thịt da mình
Phút ly loạn, chàng ở đâu chẳng tới
Trọng Thủy ơi, thiếp đã chạy xa thành!

Nước mắt rơi xoay tròn cơn gió
Lưng Cha cùng lưng ngựa đẫm mồ hôi
Lông ngông hết, thiếp sẽ rời lựng ngựa
Làm chiếc lông cuối cùng đợi chàng đấy, chàng ơi.

Và bất ngờ, An Dương Vương quay lại
Tưởng có lời an ủi của vua cha
Mỵ Châu ngửng mặt nhìn chờ đợi
Từ trời cao, một đường kiếm sáng loà

Không phải lông ngỗng rơi mà đầu lăn xuồng đất
Nằm cuối đường như dấu chấm câu
Sao bi chém? My Châu không hề biết
Máu tụ thành sỏi đó đất Hoan Châu.

Đã là vua lại có thần mách bảo
Tưởng sáng suốt hai lần và công lý gấp đôi
Mà người chết, không hiểu sao mình chết
Thì hồn oan còn đập cửa muôn đời.

Mấy ngàn năm dâu bể, lở bồi
Lúc yên bình và cả khi giặc giã
Xin đừng trách Mỵ Châu thêm nữa
Yêu chân thành, thật có tội gì đâu?

Chị dâu

Tác giả: Vương Đình Trọng

Lớn lên cách mấy bờ rào
Một ngày vui, Chị bước vào nhà em
Áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá sáng, ngôi nghiêng mái đầu
Nhà chồng, chồng ở nhà đâu
Em chồng đông, Mẹ chồng đau ốm nhiều
Làm dâu gặp phải cảnh nghèo
Đôi bàn tay Chị chống chèo lo toan

Quê mình cái nắng chang chang
Trận mưa tháng tám lụt sang tháng mười
Khi mưa dầm, lúc nắng phơi
Âm thầm một Chị qua thời trẻ trung

Bữa cơm em út quây vòng
Đầu nồi, đơm xới tay không kịp rời
Nhớ ngày giáp hạt Chị ơi
Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau

Nghĩ mà thương lắm Chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, Mẹ đau cuối giường
Em ngồi đôi mắt nhoà sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn Chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi Chị về!

Em vào đại học xa quê
Đi biền biệt những mùa hè chiến tranh
Rồi yêu, rồi lập gia đình
Quê nhà tình Chị giữ dành không vơi
Không quen thương nhớ gửi lời
Em về, chị vẫn là người chị xưa
Bàn chân bẫm ngón đường mưa
Bữa ăn thêm quả trứng mua xóm giềng…

Tóc giờ sợ bạc đã chen
Con đầu sinh cháu Chị lên bậc Bà
Em về, em lại đi xa
Canh tư Chị thức bếp nhà lửa nhen
Tiễn đưa, chân Chị không quen
Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu

Ngoái nhìn núi dựng phía sau
Em tìm dáng Chị cuối màu trời xanh.

Câu hò sông quê

Tác giả: Vương Đình Trọng

Bến Cung anh đến đang chiều
Gặp sông mà vắng mái chèo đò ngang
Sắc trời, mặt nước mênh mang
Lặng ngồi trên cát nhìn sang đợi đò.

Nghe thương một giọng ai hò
Tưởng như lời của đôi bờ nhớ nhau
Tiếng “ơ” cong mấy nhịp cầu
Dòng sông hẹp lại trong câu mái nhì

Đò còn bờ nớ chưa đi
Cong cong như một nét mi xa vời
Thêm câu hò nữa tới nơi
Nôn nao khách quá ơi lời đò đưa!

Dân gian chín đợi mười chờ
Người trong câu hát bây giờ còn xa?
Không thương thuyền vượt phong ba
Bằng thương bến nước quê nhà đợi trông.

Đò chèo ra giữa dòng sông
Nón em quai buộc nên không trùng triềng
Sóng làm cho dáng em nghiêng
Câu hò lan gió rộng thêm mấy tầm.

Anh đi đánh giặc mười năm
Thuộc ngàn bến đợi, quen trăm sông chờ
Bâng khuâng gặp lại bây giờ
Em và man mác câu hò sông quê.

Lời hát trên sông Đà

Tác giả: Vương Đình Trọng

Đá tảng thành ghế đá
Công trường hoá công viên
Mang ánh chiều lấp loá
Bạch đàn hay bạch dương?
Con sông Đà bất chợt
Mơ màng và dịu êm
Khi các anh xích lại
Bài ca ấy bay lên

Giọng trầm trầm hơi thở
Theo nhịp đàn Ghi-ta
Biết lúc này anh nhớ
“Chiều Mát-xcơ-va” (*)
Tôi hát cùng giai điệu
Dù không thuộc lời Nga
Có gì đâu khó hiểu
Khi ta ngồi bên ta
Khi anh mang tuổi trẻ
Hát với nước sông Đà

Nhịp tim trong áo thợ
Ta quen nhau lâu rồi
Nhưng ngày hè nắng lửa
Đá cũng đổ mồ hôi
Da anh như quả chín
Cần trục quay giữa trời
Tay anh như chão bện
Kéo cáp cùng tay tôi
Khúc quan họ tôi yêu
Bao lần anh cùng hát
Khi chưa quen tiếng Việt
Bàn tay anh đệm đàn
Lòng theo về Kinh Bắc
Với sông Cầu, sông Thương

Trời sẫm màu hoàng hôn
Nhìn ngôi sao đỉnh núi
Lòng anh vừa gặp lại
Một ngôi sao quê nhà
Ấm nồng từng cơn gió
Lời ca ấy vang xa
Sông Đà hoà sóng vỗ
“Chiều Mát-xcơ-va”

Tam đảo

Tác giả: Vương Đình Trọng

Say giấc suối ru, bừng dậy muộn
Mây tránh cho ta xếp lại màn
Rộng cửa nhìn ra lòng hốt hoảng:
Chắc gì còn ở chốn trần gian?

Lần hạt bồ đề, leo từng bậc
Nguyện lời kinh kệ, ngắn đường lên
Tới đỉnh vắng chùa, không dáng Phật
May mà còn gặp nụ cười em.

Lên rừng, hồn nhập Phật
Mây trắng bạc đầu xanh
Xuống phố thân hoàn tục
Trưởng lão cũng là anh!

Lên Cao Bằng

Tác giả: Vương Đình Trọng

Lên đến Cao Bằng không sợ dốc
Đèo Giàng, đèo gió đã lùi sau
Lên đến Cao Bằng không sợ đói
Nước trong, gạo trắng sẵn từ lâu
Lên đến Cao Bằng không sợ ốm
Chợ bày ngải cứu bán thay rau…

Lên đến Cao Bằng anh chỉ sợ
Em không còn đó biết tìm đâu.

Người đẹp và lính biên phòng

Tác giả: Vương Đình Trọng

Người đẹp không ngủ trong lâu đài
Người đẹp thức với mái sàn chờ đợi
Lính biên phòng đêm tuần tra biên giới
Mang gió từng lên từng bậc cầu thang.

Người đẹp ngồi bên bếp bóc măng
Ngọn măng trắng hay cổ tay ngần trắng
Dao thái măng thì lưỡi dao lấp loáng
Mắt cắt gì mà sắc thế mắt ơi!

Lính biên phòng đùa một câu thôi
Để được thấy người đẹp cười e lệ
Hàm răng trắng, làn môi tươi tắn thế
Sao bàn tay người đẹp cứ hờ che?

Người đẹp quen đón các anh về
Bếp lửa đỏ hong khô sương núi
Rá sắn luộc thơm từng ngọn khói
Bát khoai lang đảo mật, ngọt câu mời.

Không ăn nhiều, người đẹp không vui
Nụ cười tắt còn lửa nào sáng được
Thì ăn thêm, đáp tấm lòng chân thật
Đường tuần tra còn lắm dốc, đêm dài.

Lính biên phòng lại đi vào mưa rơi
Người đẹp xuống tận chân thang đưa tiễn
Noọng ngủ ngon! Người đẹp ờ một tiếng
Nghe quen rồi cứ ngọt suốt đường biên!

Thơ Vương Đình Trọng khá tinh tế về câu chữ cũng như hình ảnh. Đọc thơ của ông độc giả sẽ có những cảm xúc tuyệt vời về cuộc sống cũng như tình người.

Viết một bình luận