Nguyễn Mỹ sinh ngày 21 tháng 2 năm 1935, tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp; huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Nguyễn Mỹ gia nhập quân đội từ khi mới 16 tuổi, chiến đấu tại chiến trường Nam Trung bộ. Năm 1954 tập kết ra Bắc, làm nhạc công trong đoàn văn công Tây Nguyên, đi học trường báo chí rồi về làm biên tập sách ở Nhà Xuất bản Phổ Thông. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nguyễn Mỹ có bài thơ Cuộc chia ly màu đỏ nổi tiếng trước khi trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Về Nam năm 1968, ông là phóng viên mặt trận báo Cờ Giải phóng Trung Trung bộ hoạt động ở Ban Tuyên truyền Văn nghệ khu V và hy sinh ngày 16 tháng 5 năm 1971 trên bờ sông Đakta, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam. phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.
Bài thơ: Cuộc chia ly màu đỏ
Cuộc chia ly màu đỏ
Ðó là cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ
Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ
Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa
Chiếc áo đỏ rực như than lửa
Cháy không nguôi trước cảnh chia ly
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy.
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt lonh lanh nóng bỏng sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang bừng trên nét mặt
– Một rạng đông với màu hồng ngọc
Cây si xanh gọi họ đến ngồi
Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Ðã toả sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá cây si
Và người chồng ấy đã ra đi…
Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế
Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”
Tôi biết cái màu đỏ ấy
Cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia ly…
(9-1964)
Bài thơ: Hoa khế nở
Hoa khế nở
Bỗng góc vườn xưa ửng tím
Trên cành khế lại đơm hoa
Mái xám mùa thu thêm đậm
Cây khế mỗi năm một già
Bạn cũ mươi đàn ong mật
Chuyện xưa say kể rì rầm
Tí tách nỗi buồn thức giấc, mênh mông
Bồi hồi, bồi hồi hoa rụng
Ngày ấy lâu rồi lâu lắm
Lui cui mấy đứa em thơ
Moi đất, nhặt hoa, bẻ táo cất nhà
Loong coong, mẻ sành, khu bát
Từ buổi mẹ thôi không hát
“Chợ chiều nhiều khế, ế chanh”
Tóc mẹ mỗi ngày một bạc
Sợi già. sợi nhớ thương anh
Mùa đông ập xuống mái nghèo
Nhà dột, nợ đòi tới tấp
Thêm lũ côn đồ nay đe, mai dập
Xao xác vườn xưa lá rụng tơi bời
Đêm lặng, nằm nghe bâng khuâng tiếng khế rơi
Nồng sương lạnh, mùi úng chua xa xót
– Đời có đủ hương thơm ngào ngạt
Sao nhà ta chỉ đùm muối ớt
Thân mẹ, em như lát khế quệt vào!
Nó như con ong rung đôi cánh cần lao
Theo bầy lớn, đưa mật hoa về tổ
Thằng lớn đi rồi, tới phiên thằng nhỏ
Thay anh lặn lội, đơm đó, thuyền câu
Con Út chiều qua, rổ khế đội đầu
Ra chợ, với vài xếp lá
Những khi gió mưa tầm tã
Lửa hồng nhen nhúm đêm đêm
Câu chuyện ngày xưa meh lại kể cho em
Trên cây khế con đại bàng sà cánh
Chờ em đến, đất vàng rơi óng ánh…
Em cười, rạng rỡ niềm vui
Biền biệt anh đi đã mấy năm trời
Có phải tìm vàng cho em, cho mẹ?
Năm tháng thương đau cuộn tròn gốc khế
Niềm tin vẫn vút bay đi
Mái rạ đêm đêm tiếng mẹ thầm thì
Lấp lánh đôi dòng ánh sáng
– Anh con đi, theo Bác Hồ, theo Đảng
Ngày kia thống nhất anh về
Rồi cả làng ta cũng sẽ no nê
Như đồng bào mình ngoài nớ
Gió bấc chừng mang hơi thở
Bỗng quên hết cả lạnh lùng
Có người lính miền Nam trên đất Bắc
Bỗng nỗi buồn thức giấc, mênh mông
Xam xám trời thu ửng tím một vùng
Hoa khế nở
reo vang
lời gợi nhớ
9-1958
Nguồn: Thơ Nguyễn Mỹ, Hội Văn nghệ Hà Nội, 1993
Bài thơ: Chị tôi
Chị tôi
Tặng chị Kim Sâm
Ngày anh lên đường công tác vắng
Cháu thứ ba chị còn mang trong bụng…
Tôi trở lại lần này
Hai cháu lớn bắt lấy tôi
Cháu bé cũng sà vào theo tu mồm gọi: – Chú!
Anh bên chị trong tấm hình ngày cưới
Nhìn xuống chúng tôi
Tôi mở hết cỡ tay ra cũng không ôm hết cháu
Chị tôi bước vào
Đứng nhìn tôi trong khung cửa
Chị đi làm về, tay xách túi ni lông
Chị sẽ kêu lên, sau một hồi đứng lặng
Chị cười rất vui mà nước mắt lưng tròng
Lũ trẻ bỏ tôi, chạy ào về phía chị
Ôi chúng nó như một bầy chim sẻ
Trông chị như cây bưởi được mùa
Mỗi bước đi cành trĩu quả đung đưa…
Chị cho tôi xem những bức thư anh gửi
Những lá thư có đóng dấu vuông
Chị cười bảo: chị vừa trong khu bốn
Tấm vải ngụy trang còn mắc trên tường
Rồi mở tủ lấy ra chiếc hộp
Cho tôi xem tấm bằng đại học
Ngày anh đi chị đang còn bổ túc
Tôi nhớ xưa anh cũng vừa học, vừa làm
Cả anh chị đều là dược sĩ
Anh còn kiêm nghề lục vấn tù binh
Chị bảo chữ La tinh khó nhớ
Và nhắc lại ngày anh treo bảng học tiếng Anh
Tôi nhìn chị lòng đầy kính phục
Nghĩ đến bốn năm đã đi qua trong căn nhà này
Ba cháu lớn khôn và tấm bằng đại học
Cả niềm vui chị gửi tới cho anh
Không nói hết bao nhiêu hoa đã rụng
Tôi chỉ đếm được trên cây những quả chín trên cành…
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Hơi ấm đường rừng
Hơi ấm đường rừng
Bao nhiêu lá rừng trút xuống lối em qua
đã tan ra thành đất bùn dấu dưới bàn chân vô số
Và những dấu chân voi chân hổ
Em bỏ lại đằng sau
Bao ngày nắng đêm mưa bề bộn những lo âu
Lòng anh trải theo những con đường sâu hút
Trên đá nhọn, nơi bàn chân em bước
Con đường sống lại mỗi ngày nối những bàn chân
gùi cõng
hành quân
Tuôn vào chiến dịch bốn mùa xuân, hạ, thu, đông
Con đường mới quen đã lạ
Anh đi với trái tim mình rộn rã
Và hơi ấm bàn chân em làm giao liên
Con đường dài xuyên mưa xuyên nắng
Con đường dài xuyên ngày xuyên đêm
Nhiều dốc lên chênh vênh
Nhiều dốc xuống chơi vơi
Và những bãi bom
vàng hoe khét lẹt
Những khúc ngoặt thoáng tanh mùi biệt kích
Đêm bặt tiếng thở của rừng sâu
Một kiếp cây đã hết tuổi xanh rồi
Ngã xuống
Và thảng hoặc những tiếng gầm ghê rợn
Tất cả bỗng trở nên thân mật, lành hiền
Anh nghe ấm hơi cười trong sắc lục
Anh đuổi theo những vần thơ đang hát về em
Anh đã gặp dọc đường
Thật nhiều cô gái trẻ
Nhiều cô hồng hào khoẻ mạnh
Nhiều cô xanh mét yếu gầy
Có cô cõng hàng nặng trĩu trên vai
Có cô mắc võng nằm lại bên đường chờ lui cơn sốt
Tất cả đều vui vẻ nhắc tên em
Không một thoáng lo âu, sợ sệt
Họ như đang ở nhà
Họ lặng im hay họ hát ca
và mỗi dáng mỗi hình đều nhắc
Đến riêng phần hình dáng của riêng em
Đến riêng phần sức lực của riêng em
Đến một phần cuộc sống của riêng em
Đến một phần mơ ước của riêng em
Lòng cảm phục khiến anh trào nước mắt!
Em nhỏ xíu như cây nứa tép
Và mong manh như một chấm nắng thu
Em, nhìn đằng sau chỉ thấy chiếc ba lô
Một nhành lá cũng làm em chậm bước
Một tảng đá còn khó khăn hơn
Đặt chân vào đâu, vào đâu cho khỏi ngã
Từ trên yên xe đạp
Giữa đường áo tím bay
Mà nay rẽ lối mây
Bàn chân nhỏ giẫm lên bao đầu núi
Xông vào nơi lửa khói để làm cây chông nhỏ giệt thù
Em đã vượt qua bao thử thách bước đầu
Đi làm người chiến thắng
Bao lo âu đã hoá niềm kiêu hãnh
Anh nhẹ nhàng sao như cánh chim bay
Qua khe qua dốc
Có phải em đã nhặt
Trong những bước đi đầy ý chí của mình
Cái âm u lạnh lẽo của rừng
Bao khó nhọc trên con đường ra trận
Rừng hôm nay như vườn đầy quả chín
Anh chỉ còn nghe rộn rã tiếng chim reo.
5.1968
Bài thơ này được tác giả viết cho người yêu khi cô gái phải tới xa hơn về phía Tây và biết rằng khó có cơ hội gặp lại.
Bài thơ: Mùa đánh Mỹ
Mùa đánh Mỹ
Những đường cày đi trong đêm tối
Những đường cày đi dưới trăng xanh
Những đường cày đi giữa nắng hanh
Đi với khẩu súng trường bình dị
Người cày ruộng bắn tàu bay Mỹ
Như diệt giống chim đến phá mùa màng
Những cậu sáo đen, những nàng cò áo trắng
Theo đường cày mổ bắt giun sâu
Chúng núp cả vào chân người cày ruộng
Khi lũ quạ sắt kia đến bắn phá trên đầu
Hố bom lấp, hồ thành ao chống hạn
Mảnh rốc két rơi cặp thép lưỡi cày
Những đường cày đi trong mưa đạn
Cày trốc lên bao mảnh máy bay
Bao đồng lúa của miền Nam nhiễm độc
Đang kêu gọi trong từng tấc đất nâu
Mùa đến tô màu xanh bên tuyến lửa
Mức chỉ tiêu năm tấn thức trong đầu
Và hạt giống các anh ngâm ủ
Hạt nảy mầm trong buổi tiễn đưa
Hạt hy vọng trong tay người vợ trẻ
Mở lá vui mong ngóng, đợi chờ
Hào giao thông nối dài mương thuỷ lợi
Trồng thêm cây cho xe pháo nguỵ trang
Xe phốt phát đạn thù xăm lỗ chỗ
Máy bơm về vệt máu còn loang!
Ngày chăm bón, đêm đắp đường, kéo pháo
Lúa hy sinh cho đường mới băng qua
Công sự mọc, bờ vùng dăng chiến luỹ
Ngớt tiếng súng rền là tiếng hót sơn ca
Và mùa màng đã dâng lên, đầy ắp
Như nước thuỷ triều, mùa màng cứ dâng lên
Mặc lửa đỏ tự trời cao vứt xuống
Bao xác máy bay bị biển lúa nhận chìm!
Người săn máy bay rình trong ruộng lúa
Lúa ôm quanh công sự bọc dày thêm
Mùa đánh Mỹ lúa cao theo nòng pháo
Gié hạt nhiều hơn băng đạn tiểu liên
Mùa đã chín, dồn vang tin chiến thắng
Người ra đi thay sắc áo nguỵ trang
Nghe thôi thúc trong từng cơn gió nhẹ
Tấp nập mây trời chở nắng xuống phương Nam
Mây cũng chín trên trời xanh vàng óng
Đoàn xe ra tiền tuyến ngát hương đêm
Đêm giã cốm nhớ người ngoài chiến địa
Bao o dân quân tay súng tay liềm
Cố xã viên vuốt chòm râu bạc
Đón lúa về ăm ắp sân phơi
Nói: Trời cũng ủng hộ ta đánh Mỹ
Từ vụ trước đến vụ này đã bảy trăm thằng rơi
Hậu phương lớn một màu vàng óng ả
Miền Nam ơi, miền Bắc lại được mùa
Ta nhập kho cả những tin thắng trận
Của hai miền, Mỹ nhất định thua!…
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Con đường ấy
Con đường ấy
Con đường nhỏ
Đi giữa hai hàng cây
Cái con đường ấy mình đầy bóng râm
Con huơu sao đã ruỗi nằm
Để nghe những tiếng thì thầm ở trên
Đôi bên là nắng
Thu đã đượm vàng
Nắng bay từng giọt – nắng ngân vang
Ở trong nắng có một ngàn cái chuông
Họ không sưởi nắng
Họ đến ngồi đây
Họ ngồi cách một gang tay
Để nghe những tiếng lá cây thì thầm
Sẽ đến mùa đông
Lá cây sẽ rụng
Xuống chỗ họ ngồi
Bên nhau đằm thắm
Nào có hề chi
Con hươu sao ấy sẽ đi
Cũng vì tiếng họ thầm thì hát ca…
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Trên cánh đồng đảm đang
Trên cánh đồng đảm đang
Tiếng máy bơm hút nước
Giục đồng lúa chín mau
Nắng chiều nay ở lại
Trên cánh đồng vàng thau
Sương hoa cà chiều thu
Bức màn đầy tiếng động
Thời gian cưỡi ngựa trắng
Một mình vội đi xa
Tiếng nhạc ngựa reo say
Hạnh phúc bừng sắc lửa
Lúa chín như tằm ngủ
Mùa gặt rồi, anh ơi
Em tưởng mình đã vượt
Cả một chặng đường dài
Như cùng anh ra đi
Từ cuối vụ chiêm trước
Vạch đường cay thứ nhất
Trên cánh đồng đảm đang
Con trâu không chịu bước
Đấy ẩy lưỡi cày lên
Nhớ ngày nào chê anh
Đường cày cũng khôn lỏi…
Cánh đồng như nới rộng
Đố anh biết vì sao?
Người cày đi đánh giặc
Ruộng có chân thì theo…
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Đường Hồ Gươm với chiếc xe lăn
Đường Hồ Gươm với chiếc xe lăn
Lửa đã thắp trên những cành hoa phượng
Xe lăn đi làm thức tiếng ve ran
Tiếng chổi quét. Tiếng mưa vui hạt sỏi
Gieo xuống lòng đường như chuông nhỏ ngân vang
Hầm trú ẩn quanh hồ bao lớp cỏ đã chen xanh
Bom bọn cướp siêu âm vừa cắt xuống ngoại thành
Và những con thiêu thân đã cháy
Xác rơi tan ngoài cửa ngõ Thăng Long!
Thêm bao lượt những chàng trai, cô gái
Giã phố vui, đất nước gọi lên đường
Họ lấy Hồ Gươm làm nơi lượn chào hò hẹn
Làm đường băng của tuổi thanh xuân
Em lái xe lăn trên đường Hồ Gươm
Đường xuất phát đến những chân trời lớn
Tuổi khăn quàng cũng náo nức muốn hành quân
Súng quyết tử giữ trời trên sân thượng
Vun vút từng đôi én “Mích” lượn vòng
Em trên xe lăn như trên voi thép
Súng tựa thành xe, đạn thắt ngang lưng
Áo em mặc xanh theo màu cỏ úa
Mắt Hồ Gươm chiếu sáng không trung
Em có thấy những ngoái nhìn thân thiết?
Người ra đi nghe ấm lửa sau lưng!
Tháp Rùa nhìn em, ơi cô gái đảm
Trên chiếc xe lăn to lớn nặng nề
Đây con đường em vẫn giong xe đạp
Qua những niềm vui trong sáng hội hè!
Ta nghe em, tiếng sịch sình chắc nặng
Giữa hôm nào đạn réo, bom rơi
Tưởng như nghe nhịp trái tim đất nước
Tiếng sần sùi sắt thép sinh sôi
Ta nghe em mang cả lòng phố cũ
Với hàng sấu tuổi thơ cánh lá vươn che
Nghe sâu xa trong mùi nồng hắc ín
Nắng lửa đang nung trái mật mùa hè
Hãy lên xuống đất này em ơi, tấm lòng ta yêu mến
Với sỏi đá hôm nay chất chứa tâm hồn
Cho thêm chắc con đường khi cần thiết cất mình lên trong lửa đạn
Bên bóng Tháp Rùa nghiêm nghị dáng kẻ đứng trao gươm
Hà Nội rộn ràng chuyển quanh trục Tháp
Với tiếng xe em cần mẫn tới lui
Đường đẹp Hồ Gươm thơm mùi lửa mới
Nối với bốn bề giặc Mỹ tan, rơi
Nối với bốn bề máu căng mạch đập
Đường chiến công như chuỗi hạt trai vui
Sáng rực Hồ Gươm tấm gương lịch sử
Xe lăn đi quanh trục Tháp của loài người
6-1966
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Tuy An
Tuy An
Núi Ông lom khom, núi Bà đội nón
Hòn Chiêng hòn Trống chiều sớm ngân nga
Ôi Tuy An, núi với người chen chúc
Nhộn nhịp sắc màu mảnh đất vang ca…
Những thung vui sớm chiều nghe biển gọi
Núi khép vòng tay không muốn người đi
Người cưỡi núi thúc chồm ra tận biển
Hòn Yến đỏ ngời giữa sóng xanh say
Những làng xóm quây quần trong thung biếc
Sắn, mía, đậu, gai trèo ruộng bậc thang
Làng trên núi, giếng Tiên trên núi
Tiếng hát lô vần vụ những chim đàn
Đất Hoà Đa đen mà sinh bông trắng
Rừng cà phê chín đỏ đất An Xuân
Xoài Đá trắng, hồ tiêu Trà Úc
Cá mắm Tiên Châu, nếp Tượng đồng trong
Đất vui quá đến sông còn bịn rịn
Sắp tới biển ròi còn mở tay ôm…
Biển vào Ô Loan nằm ngủ thiếp
Sò huyết sinh trong đáy chiếc mơ xanh
Hãy nhớ về đầm Ô Loan bạn nhé!
Trời, đất tinh trong cho bạn thấy trái tim mình…
Nguồn: Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), NXB Hà Nội, 1979
Bài thơ: Gửi một dòng sông
Gửi một dòng sông
Tôi yêu vì một dòng sông
Nước trong chảy mát như lòng tôi vui
Lụa căng hoa vẽ từng đôi
Gió xoa ngực cát trăng soi tỏ mờ
Con thoi dệt mãi đường tơ
Xe săn chỉ thắm, đôi bờ tre nghiêng
Mái chèo đưa khúc giao duyên
Êm êm sóng vỗ hồn thuyền mênh mông
Đập dừng, cán nước thành bông
Âm vang tiếng hát trầm hùng ra khơi
Bến trong in những nụ cười
Và in mắt biếc một người tôi yêu
10-1958
Nguyễn Mỹ viết văn từ kháng chiến chống Pháp. Anh đã in tập ký Trận Quán Cau (1954); Cuộc chia ly màu đỏ (thơ in chung), 1980; Thơ Nguyễn Mỹ (32 bài, có 17 bài di cảo, 1993).