Top 20 Bài thơ hay viết ngày quốc tế lao động 1-5

Top 20 Bài thơ hay viết ngày quốc tế lao động 1-5

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 bắt nguồn từ phong trào đấu tranh của công nhân Mỹ, trở thành ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động trên toàn thế giới. Bắt nguồn từ năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “… Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Ngày 20/6/1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1/5/1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức trên quy mô thế giới. phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay viết về ngày quốc tế lao động 1 – 5.

KIẾM TIỀN TỪ LAO ĐỘNG

Thơ: Hoàng Minh Tuấn

Cuộc sống xưa nay lắm luỵ phiền
Giầu nghèo chẳng phải chuyện xui hên
Nhiều vàng chớ nghĩ mình ông lớn
Ít bạc đừng xem kẻ yếu hèn
Vất vả chăm làm thì mới có
Rong chơi biếng nhác khó đương nhiên
Cao sang cũng phải từ lao động
Đến được thành công mới có tiền

Hà Nội, 28/12/2019

EM THẤY YÊU NGHỀ…

Thơ Trần Lộc

Hàng tháng trời không một ngày ngưng nghỉ
Tạt qua nhà cũng chỉ tranh thủ thôi
Thương quá ngành y, em đã lựa chọn rồi
Thật vất vả…tựa ghế ngồi chợp mắt

Đèn nháy – còi kêu giữa đêm khuya khoắt
Lại vội vàng khoác chiếc ống tai nghe
Đau đớn rên la…tiếng khóc tái tê
Của bệnh nhân đổ về trong ca trực

Lòng nhân ái xua bao điều buồn bực
Cứu mạng người phúc đẳng hà sa
Trọn vẹn niềm vui, kìm nén vỡ òa
Chia tay bệnh nhân trong ngày khỏi bệnh

Giữa sống chết em đâu chờ mệnh lệnh
Mà lương tâm cùng mệnh sống con người
Luôn sẵn sàng, luôn thường trực nụ cười
Lòng từ mẫu, điều tuyệt vời nghề nghiệp

Thương em lắm – ngày vui cứ biền biệt
Bởi bệnh tình, đâu biết đợi chờ ai.
Nghề mà anh…vì sự sống từng ngày
Em thấy yêu nghề mỗi sớm mai thức dậy.

Hải Lộc 29.4.2020

HOA ÁO TRẮNG

Thơ Lan Vương

Đoá hoa
giản dị giữa đời
Blouse áo trắng
rạng ngời nét xuân
Sắc hương
không nhuốm bụi trần
Gửi vào đất mẹ
thanh âm của đời

Rất mộc mạc
rất tinh khôi
Ủ mầm nhựa sống
bời bời yêu thương
Dẫu mưa nắng
trải canh trường
Vẫn nguyên nét đẹp
vấn vương bao người.

31/3/2020

TẶNG EM CÔ GÁI MÔI TRƯỜNG

Thơ Nguyễn Thị Khánh Hà

Ở đâu có áo phản quang
Môi trường ở đó khang trang nhất nhì
Trên đường mỗi bước em đi
Công viên hoa nở thầm thì tiếng yêu

Có em sớm sớm, chiều chiều
Phố phường sạch mát làm xiêu lòng người
Líu lo chim hót hoa cười
Có công em góp cho đời sạch thêm
Em là cô vệ sinh viên
Hào quang tỏa sáng như tiên giữa đời
Em xinh em đẹp thắm tươi
Môi trường trong sạch, mọi người yêu thương.

LAO ĐỘNG LÀ HẠNH PHÚC

Thơ Nguyễn Đình Cường

Hạnh phúc đâu có cao xa
Anh – người cầm súng, còn ta cầm cày
Thầy cô đứng bục giảng say
Lao công quét rác luôn tay sạch đường

Bao người bệnh ở nhà thương
Lương y chăm sóc tấm gương sáng ngời
Bao nhiêu công việc trên đời
Xoay trời chuyển đất, thế thời đi lên

Những người lao động – ơn đền
Tiến bộ xã hôi ngày thêm rạng ngời.

30/4/2020

TINH THẦN BẤT DIỆT

Thơ Nguyễn Thị Hồng Hạnh

“Vùng lên các nô lệ bần hàn”
Lời ca vọng thế gian bao ngày
Giai cấp lao động chung tay
Kết đoàn giành lại những ngày ấm no.

Mừng đất nước tự do độc lập
Mừng ngày hội truyền thống công nhân.
Người lao động Việt chuyên cần
Thông minh sáng tạo góp phần dựng xây.

Tinh thần bất diệt ngày quốc tế
Được muôn người nô lệ xây nên
Vững tin tiếp bước tiến lên
Giai cấp vô sản xây nền tự do..

30/4/2020

Gửi chị – người phụ hồ

Thơ Phạm Thị Hồng Thu

Tuổi hưu chị đã có thừa
Ngày ngày vẫn phải nắng mưa nhọc nhằn
Miệt mài chẳng hết băn khoăn
Chồng con, cha mẹ nặng oằn đôi vai

Thân cò đầu hôm sớm mai
Mồ hôi bạc áo mệt nhoài…sao buông
Còn thở còn phải gắng luôn
Ước chi trút được nỗi buồn đá đeo

Sinh ra đã phải kiếp nghèo
Chỉ mong con cháu không theo nghiệp mình
Gắng học hành để mưu sinh
Bằng bè bạn, khổ mấy mình cũng lo

Cảm thương thân vạc gầy gò
Còn con cháu có hiểu cho thân già?

EM LÀ NGƯỜI THỢ

Thơ Duy Hạnh Trần

Lần đầu đi làm vào nhà máy

Tác phong công nghiệp em ngạc nhiên

Các loại vật tư trên băng chuyền

Qua nhiều công đoạn ra thành phẩm.

Lò nung sản phẩm rực hơi ấm

Trang bị bảo hộ kín toàn thân

Mồ hôi sũng ướt hết áo quần

Tình cảm người thợ luôn thân thiện.

Đầu tư công nghệ loại tiên tiến

Máy móc thay dần sức chân tay

Năng suất – Chất lượng tăng mỗi ngày

Lòng người hỷ hả giữa giờ nghỉ.

Công nhân chúng em … khỏi suy nghĩ

Chăm lo quyền lợi có Công đoàn

Khuyến khích lương, thưởng … mệt mỏi tan

Đêm hội văn nghệ vang câu hát.

Mùa Hè dưỡng sức kỳ nghỉ mát

Định kỳ khám bệnh ít ốm đau

Thể thao thi đấu đậm sắc màu

Phong trào thi đua càng nổi bật .

Công đoàn nhà máy luôn là nhất

Chăm lo toàn diện cho công nhân

Tiếng tốt nhà máy vang xa dần

Bao người háo hức chờ tuyển dụng …

Giờ đây tay nghề em đã vững

Đăng ký nâng bậc thi cuối năm

Xin mời mọi người hãy tới thăm

Nhà máy của em đang đổi mới.

29/4/2020

GÁNH CẢ GIẤC MƠ CON

Thơ Hương Giang

Đêm phố thị ánh đèn vàng hiu hắt
Mẹ đã về bên tổ ấm hay chưa
Từng mảnh vá chằng chịt trên tấm lưng còng thập thững dưới làn mưa
Làm se thắt bao tấm lòng đó mẹ.

Đêm khuya rồi còn riêng mình lặng lẽ
Gánh hàng rong thập cẩm những thức quà
Nào kẹo quật, mạch nha, viên bột đỏ xanh như từng hòn bi ve
Tựa đôi mắt trẻ thơ ngác ngơ không mẹ cha hay nơi nào nương tựa

Mưa đẫm ướt cả kiếp sống phôi pha
khi cái rét nàng bân vừa về ngang cửa
Người thưa thớt và xe cộ cũng chẳng còn qua nữa
Sao mẹ chần chừ lần lữa
Chưa trở về góc nhỏ thân thương.

Câu hỏi chập chờn gieo thêm nỗi vấn vương
Con ân cần nhẹ nhàng đến gần bên mẹ
Rồi thảng thốt nghe lời rưng rưng đáp khẽ
-Mẹ chẳng có nhà, chẳng còn người thân thích đâu con.

Mẹ thấy thương bao đứa bé ngoài kia vẫn phải sống mỏi mòn
Ngày qua ngày cũng tha phương giống thế
Tấm thân già sống còn bao nhiêu đâu mà kể
Lo được chút nào, đỡ cơn đói lòng thôi.

Đêm phố thị bỗng nhạt nhoà chơi vơi
Dòng nước mặn lặn vào môi bỏng rát
Vai kĩu kịt cùng chân trần giữa màn mưa càng dần thêm nặng hạt
Mẹ gánh nhọc nhằn, gánh cả giấc mơ con.

CÁI BÓNG

Thơ Hải Tiến Đỗ

Lặng nhìn cái bóng
In trên mặt đường
Đông về nắng thương
Thân có lặn lội

Lặng nhìn cái bóng
Theo vòng xe lăn
Cơn gió cản ngăn
Mơ về nơi ấy

Lặng nhìn cái bóng
Nơi nào cũng vậy
Lăn theo bước dài
Dại khôn…khôn dại

Lặng nhìn cái bóng
Mỗi buổi sớm mai
Tròn tròn dài dài
Miệt mài lẩn khuất

Lặng nhìn cái bóng
Vui buồn bất tận
Chẳng giận… bỏ, buông
Chạy chơi theo nắng

Lặng nhìn cái bóng
Tự thấy đắng lòng
Đông về phơi hong
Ùa vào nỗi nhớ

Lặng nhìn cái bóng
Hỏi mớ bòng bong
Hỏi trời thấy không
Ta nhìn …Cái Bóng

29-4-2020

TÌNH BIỂN

Thơ Trương Tuý Anh

Hoàng hôn rực đỏ chân mây
Thuyền về đầy cá một ngày mưu sinh
Hôm sau lấp ló bình minh
Ra khơi lướt sóng chúng mình có đôi

Biển sâu hòa quyện mồ hôi
Tình chồng nghĩa vợ bồi hồi xuyến xao
Biển động con sóng dâng trào
Đẩy xô thuyền nhỏ chênh chao gập ghềnh

Tình yêu ta vẫn lâu bền
Thủy chung con sóng ôm ghềnh đá xanh.

7/2/2020.

NIỀM VUI LAO ĐỘNG

Thơ Đinh Thị Hiển

Lao động là một niềm vui
Sao mà lại sợ… vậy thời có nên?
Ở đời mong sức khỏe bền
Làm ra của cải, xây nên gia đình

Nếu mà lười nhác, tướng tinh
Lấy gì nuôi sống thân mình ai ơi!
Ở không…ăn bám trên đời
Xã hội khinh rẻ… liệu vui được nào

Ngày nay ta thấy tự hào
Tự do lao động, được trao quyền hành
Nhiều năm lao động đấu tranh
Thế giới mới được, vinh danh ngày này

Ngày nay quyền có trong tay
Pháp luật Bảo hộ ta nay vui rồi
Hăng say lao động người ơi!
Lợi mình, ích nước… Niềm vui nào bằng

NIỀM VUI LAO ĐỘNG

Tác giả: Dương Quốc Nam

Lao động cải biến con người,
Chây lười lao động cuộc đời khô khan.
Yêu lao động nghĩa toả lan,
Niềm vui lao động sẻ san tình đời.

Chúc người lao động muôn nơi,
Đẩy lùi thất nghiệp nụ cười thắm tươi.
Siêng năng sáng tạo rạng ngời,
Đủ đầy hạnh phúc cuộc đời an nhiên./.

ĐIỆU NHẠC LENG KENG

Tiếng leng keng
Mỗi chiều về, bên chiếc xe chở rác
Đã thành quen như điệu nhạc ru êm

Màu áo xanh
Mỗi chiều về, thoăn thoắt đôi tay mềm
Tiếng chổi tre lại vang lên xào xạc

Chị lao công
Mỗi chiều về, kín bưng như dấu mặt
Chỉ thấy điệu múa bên bản nhạc thân quen

Những con đường
Mỗi chiều về, cứ thấy mình sạch bong
Đâu biết rằng, nhờ có chị lao công vất vả

Nắng như mưa
Mỗi chiều về, chẳng bao giờ đổi khác
Ướt đẫm màu xanh, nhỏ từng giọt thời gian

Mồng một tháng năm
Vẫn chiều về, dòng tấp nập râm ran
Chị một mình, cùng màu xanh quen thuộc
Bên chiếc xe…bản giao hưởng leng keng.

Hải Lộc 29.4.2020

EM LÀ THỢ CẤY CỦA ANH

Thơ Lan Vương

Túi thơm cỏ nội hương đồng
Em là thợ cấy nghề nông an nhàn
Bình minh đầy nón mênh mang
Rớt tròn vai áo ánh vàng xuyến xao

Nắng trưa tay cấy nhanh nào
Cánh cò dẫn gió nghiêng chao cuối trời
Ngọt ngào tình khúc lả lơi
Rộn vui cười nói nắng ngời mắt trong

Nắng thơm hương lúa trổ đòng
Mồ hôi nhỏ xuống đếm đong mặn mà
Thênh thang một dải sơn hà
Đội mưa gánh nắng lời ca dạt dào

Say nghiêng ngả ánh trăng sao
Em là thợ cấy ngọt ngào của anh.

28/4/2020

Bình Yên

Thơ Hải Tiến Đỗ

Anh ấy một người bình dị
Ánh mắt chân tình đượm vị chất thơ
Ồ đẹp lạ qua mỗi Picture
Xâu thẳm gửi tình quê nơi anh đến

Bất chợt gặp anh, không hẹn
Kỉ niệm ùa về làm nghẹn tim ai
Duyên là vậy đúng chẳng sai
Rất đỗi tự nhiên nếu mai gặp lại

Ban đầu ư, đâu có ngại
Thiên định rồi ta có bạn là anh
Ở nơi đó rất trong lành
Bình yên lạ tự hoạ thành niềm nhớ

29.4.2020

VÙNG LÊN!

Thơ :NGA LÊ.

Những ngọn roi oằn lung người cùng khổ
Kiếp tôi đòi bị chà đạp đớn đau
Những ông chủ ngôi trên cổ trên đầu
Người lao động với bất công áp bức.

Giọt mồ hôi và gông xiềng bạo lực
Kiếp cầm tù nào dám ước mơ xa
Cái nắng khô cằn cái rét cắt da
Vắt kiệt sức mà vẫn nghèo vẫn đói.

Gầy trơ xương đôi mắt quầng mệt mỏi
Nơm nớp lo thân phận của tôi đòi
Thế giới vào tay lũ Chuột tanh hôi
Gặm nhấm đến trơ xương người cùng khổ.

Không thể cúi mãi đầu trong nô lệ
Cùng vùng lên đi cướp lấy chính quyền
Dưới ngọn cờ chân lý Mác-Lê Nin
Rọi soi sáng một chân trời hạnh phúc.

Dù phải hy sinh cũng không lùi bước
Quyết đấu tranh đây là trận cuối cùng
Thắng cường quyền đạp đổ mọi bất công
Kết liên lại thế giới cùng chung bước.

Để nhân loại thoát cường quyền áp bức
Cho lời ca vang vọng mãi đất trời
Thảng 5 về Phượng đỏ rực em ơi
Anh nắm tay em đón chào ngày Quốc Tế.

Ngày 29/4/2020.

MỐC SON VÀNG LỊCH SỬ

Thơ Nguyễn Ruyến

Nay bạn thấy ngày 8 giờ làm việc
Là đương nhiên như không khí trên đời
Là lẽ thường của cuộc sống, thế thôi
Đâu cần biết đã mặn mòi máu đổ…

Giữa nghèo thợ và sang giàu cánh chủ
Bóc lột nhiều bóc lột nữa không tha
Thợ cứ làm mặc kệ tận mấy ca
Tăng tư bản đâu phải là bóc lột

Giở trang sử trăm ba tư 134 năm trước
Bao Công nhân đã đánh đổi cuộc đời…
Để đấu tranh giành quyền sống con người
Đã lao động phải thời gian ngơi nghỉ

Chicago địa danh trên đất Mỹ
Nổ Mit tinh nêu ý kiến thợ thuyền
Đã châm ngòi cho một cuộc đấu tranh
Để Vô sản 5 châu đoàn kết lại

Mà tranh đấu vì hoà bình tự do nhân ái
Viết nên Ngày mùng 1 tháng 5
Mốc son vàng của thế giới Văn minh
Ngày Kỷ niệm vinh danh Người Lao động…

Ninh Bình, 30.04.2020

CA BA

Thơ: Hoàng Minh Tuấn

Buổi đầu tiên ta đi làm ca ba,
Dẫu mệt mỏi vì chưa quen thức trắng,
Mà sao thấy lòng vui tràn nhựa sống,
Sức mạnh nào đưa ta tới ca ba!

Trời vào khuya sương thấm lạnh làn da,
Trên lối nhỏ một mình ta rảo bước,
Gió nhẹ lay lá vàng bay lướt thướt,
Ngược nẻo về ta tìm đến ca ba!

Tiếng máy reo như một bản tình ca,
Đưa ca ba cùng ta vào nhịp sống,
Đời sinh viên sống nhờ trên học bổng,
Ăn uống nhiều chắt bóp được bao nhiêu!

Ca ba ơi vì thế ta mến yêu,
Ca ba ơi tính rồi ta hiểu chứ,
Ngoài sản phẩm ta làm ra ở đó,
Thêm khoản tiền đêm kha khá thu về!

Mặc ai cười, ai chỉ trích, ai chê,
Mặc ai bảo đi ca ba là khổ,
Mặc ai sợ những đêm dài không ngủ,
Đường ca ba ta mãi nguyện đi cùng!

Mỗi đêm về ghi thêm được một công,
Và tuần đấy tiền đêm thêm một ít,
Một tháng làm tiền để đâu cho hết,
Đi bạn ơi! Mệt mỏi có xá gì!

Đêm hết rồi, cái mệt cũng qua đi,
Ngày chợ búa tiền ta tiêu thả cửa,
Rau, quả, rượu bia, thịt kia ngoài chợ,
Ta mua về phục vụ buổi vào ca!

Nếu chẳng may có ốm, mệt nằm ra,
Tiền ta đó thuốc men vào khỏi hết,
Nào cùng ta vào ca ba kẻo tiếc,
Ai hết tiền hãy nhớ đến ca ba!

Ôi ca ba … sao vui nhộn lòng ta…!

Sofia, Bulgaria, Tháng 8 năm 1984

Tặng Cô gái ngân hàng

Thơ Đặng Ngọc Vượng

Khối óc bàn tay lao động của con người
Với vật chất thiên nhiên vô định
Làm nên của cải
Được biểu thị là những đồng tiền
Chỉ có con người yêu những con người
Yêu lao động phải đâu
Yêu những đồng tiền
Như cô gái ngân hàng
Như những ai
Lo chuyển dịch đồng tiền
Điều hòa của cải
Năm tháng miệt mài
Có cô gái ngân hàng lỡ hẹn người yêu
Cho của cải làm nên của cải
Cho con người yêu những con người
Cô lỡ hẹn để nhiều người đúng hẹn
Lỡ một chiều để nhiều chiều trăng đẹp
Khối óc bàn tay thanh xuân hối hả
Rộn dịp vào đời đất nước sau chiến tranh
Lỡ hẹn rồi càng nhớ yêu anh
Chẳng phải đâu tiểu thư tư sản
Với đồng tiền quá nỗi băn khoăn
Quen với đồng tiền hiểu chi lao động
Tiền đẻ ra tiền tiền kêu sủng soảng
Qua công tác với ngân hàng
Vui tay cũng chép vài dòng tặng cô
Chúc cô gái đẹp ước mơ

Năm 1986

Loài hoa biểu tượng của ngày này là hoa Linh lan. Ngày 1/5/1891, một cuộc biểu tình của công nhân xảy ra ở miền Bắc nước Pháp. 10 người bị bắn chết, trong đó có Marie Blindeau, mang trên mình bộ quần áo trắng tinh khiết. Để tưởng nhớ, người Pháp lấy hoa Linh lan, loài hoa nhỏ màu trắng, thơm dịu, nở vào ngày đầu tiên của tháng Năm làm biểu tượng của ngày 1/5. Cho đến ngày nay, toàn thế giới vẫn tổ chức kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động và quyền lời của những người lao động vẫn được bảo vệ.