Top 15 bài văn viết về cuốn sách mà em thích hay nhất

Top 15 bài văn viết về cuốn sách mà em thích hay nhất

Mỗi cuốn sách là một bức tranh kì diệu về cuộc sống, mở ra trước mắt chúng ta những chân trời tri thức mới. Có những cuốn sách đã trở thành kim chỉ nam soi sáng trên con đường chúng ta đi, hoặc đơn giản chỉ là lưu giữ những kỉ niệm bồi đắp cho tâm hồn. Trong thế giới sách phong phú và ngập tràn như hiện nay, có rất nhiều cuốn sách hay và ý nghĩa khiến bạn yêu thích. Vậy bạn cảm nhận về nó như thế nào? Hãy cùng phongnguyet.info tham khảo một số bài văn viết về cuốn sách em yêu thích trong bài viết sau.

Hạt giống tâm hồn – Nhiều tác giả (bài 1)

Có ai mà chưa từng một lần trải qua vị đắng của cuộc sống, lâm vào những tình huống, hoàn cảnh tuyệt vọng, bế tắc và không biết chọn lối đi nào. Và dường như mọi dự định, mọi ước mơ đều sụp đổ, không còn điểm tựa. Cảm thấy hụt hẫng và không muốn làm gì, chỉ có ý nghĩ chấm dứt buông xuôi trôi đi nỗi buồn. Những lúc như vậy hẳn ai cũng cần một động lực để đứng lên và tôi cũng vậy. Tôi đã từng tìm cho mình những cuốn sách về cuộc sống nhằm khắc phục những hạn chế và đưa ra cho mình những bài học kinh nghiệm, cho đến khi tôi tìm thấy cuốn sách ”Hạt giống tâm hồn’’. Cuốn sách đã làm không ít người thức tỉnh về bài học cuộc sống, đem lại sự đồng cảm cho nhiều người.

“Hạt giống tâm hồn” một cuốn sách nổi tiếng về các câu chuyện nghệ thuật sống và giá trị đạo đức được công ty First News Trí Việt góp nhặt, sưu tầm. Bộ sách là nguồn cảm hứng và sự thúc đẩy con người vươn lên trong mọi nghịch cảnh, chiến thắng chính mình và sống xứng đáng với phẩm chất của mình. Cuốn “Hạt giống tâm hồn” có một câu nói của Oprah Winfey rằng: “Cuộc sống luôn chứa đựng những nỗi đau mà ta không thể nào đoán trước được. Thế nhưng hãy tin rằng mọi chuyện buồn điều lướt qua chúng ta rất nhanh như một đoạn phim ngắn”. Cuốn sách đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc, mỗi người sẽ có những cảm nhận riêng về cuốn sách. Riêng tôi, sự kiên cường ý chí vươn lên chống lại chông gai của từng nhân vật trong cuốn sách là cảm nhận tôi từ họ.
“Hạt giống tâm hồn” là cuốn sách viết lên những bài học quý giá dành tặng những người đang phải đối đầu với những thử thách mà cuộc sống đem lại, là người bạn tâm sự sát cánh bên ta khi nỗi buồn ập đến, cũng là cuốn sách lấy đi những giọt nước mắt đầy cảm xúc trong trái tim người đọc. Tôi dường như đã hiểu thêm về cuộc sống này. Có những người bất hạnh và đau khổ hơn ta, nhưng vì họ tin và họ đang thấy những điều kì diệu và tiếp tục cố gắng. Cuốn sách như một trang mở đầu trong tôi, biến tôi từ con số không và biết đứng lên dần mỗi khi vấp ngã.Đắc tâm nhất ngoài cảm nhận về cuộc sống, tôi đã biết thêm cho mình những bài học quý báu. Trước đó tôi đã đặt ra hàng trăm lý do, hàng trăm câu hỏi làm sao để dẫn đến thành công và làm thế nào để chọn được con đường tương lai tốt . Hầu hết những lý do đó không có câu trả lời và không có cách giải quyết. Nhưng đến giờ, tôi đã tìm thấy câu trả lời trong “Hạt giống tâm hồn” chỉ bằng hai chữ nỗ lực.
“Hạt giống tâm hồn” như một phép màu kì diệu cách chúng ta khi gặp phải thử thách, những khó khăn tưởng chừng như không vượt qua nhưng chỉ cần có ý chí và niềm tin bạn sẽ vượt qua những khó khăn đó và chạm đến đích thành công.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nếu chúng ta mang một sức mạnh ý chí, gạt đi những giọt nước mắt đau khổ để đứng dậy, sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đó thì ta sẽ nhận ra: Đằng sau những giọt nước mắt đó vẫn còn một niềm vui và hạnh phúc và trái lại nếu dễ dàng vứt kiếm buông xuôi thì ta chỉ nhận được thất bại song song với những nỗi buồn ám mãi không buông.

Có những lúc tôi thất bại và muốn lùi lại nhưng rồi tôi đã cố gắng bước lên vì “Hạt giống tâm hồn” mang cho tôi sức mạnh vi diệu ấy. “Hạt giống tâm hồn” cuốn sách mang lại niềm tin cho mọi người và đem lại phần nào thành công cho ta, giúp ta thấy được giá trị của cuộc sống. Cảm ơn “Hạt giống tâm hồn” cuốn sách giúp tôi nhận thức đúng về giá trị bản thân và làm nguồn động lực khi tôi vấp ngã, thất bại trong cuộc sống.

Đắc nhân tâm – Tác giả Dale Carnegie

Mỗi chúng ta ai ai cũng đều có những sở thích của riêng mình và bản thân tôi cũng vậy, tôi luôn đam mê đọc sách, tôi thích rất nhiều thể loại sách, những cuốn sách để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn Đắc Nhân Tâm của tác giả Dale Carnegie.

Cuốn sách này mang lại cho tôi rất nhiều nhiều kiến thức hay trong cuộc sống, nó dạy tôi cách làm người, cách đối nhân xử thế và dạy tôi biết cách cư xử đúng mực với mọi người xung quanh. Con người có lẽ ai cũng có những cái yêu thích của riêng mình và tôi nghĩ rằng việc đọc sách mang lại cho tôi rất nhiều những kiến thức bổ ích. Nó giúp tôi phát triển thêm tư duy, học hỏi được nhiều bài học quý báu từ cuộc sống. Sách vở đó là tài sản tinh thần của con người, chính vì vậy, mỗi tác giả đều cố gắng chắt lọc những cái cần thiết và quan trọng nhất mà mình tích lũy được để viết lên những cuốn sách để đời. Tài sản của mỗi con người là khác nhau và bản thân tôi nghĩ rằng tài sản mà tôi có được đó là việc tích lũy vốn tri thức mà ngày ngày tôi đang dần học hỏi và rèn luyện, đó là thứ tài sản quý báu, không phải dùng bằng tiền có thể mua được, tôi phải bỏ thời gian, công sức, tài sản của mình ra để học hỏi và có được nó, chính vì vậy tôi luôn trân trọng và phát huy nó mỗi ngày. Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu và thị hiếu đọc sách của người đọc cũng càng ngày càng giảm dần, chính vì thế sách vở ngày càng mất đi giá trị của nó. Công nghệ ngày càng hiện đại con người dường như quên đi nhiều thứ có giá trị của cuộc sống, họ luôn tích lũy cho mình vốn tri thức từ cuộc sống, nhưng dường như quên đi nhiều thứ, đang ra cần trân trọng và giữ gìn nó mỗi ngày. Chúng ta cần phải biết sống một cách có ý nghĩa, có như vậy khi ngoảnh lại, chúng ta mới không cảm thấy luyến tiếc vì những gì đã xảy ra với chính mình.
Đắc Nhân Tâm có lẽ là cuốn sách mà tôi thấy nó hữu ích nhất, trong những cuốn sách mà tôi đã từng đọc, nó không chỉ làm cho tôi hiểu được nghệ thuật thuyết phục con người, biết cách sống đúng đắn hơn cho cuộc sống này, mà còn cung cấp cho ta vốn tri thức lớn. Tác giả là người hiểu rộng, tài cao, chính vì thế, những câu từ mà ông viết lên cũng luôn giàu giá trị biểu tượng, con người cần phải học hỏi, trân trọng và giữ gìn những tài sản vô giá này, đó là tài sản quý báu mà chúng ta nên học hỏi, giữ gìn và phát huy được giá trị tuyệt vời của nó.Tôi thường có thói quen đọc sách mỗi ngày, và điều đó làm cho tôi cảm thấy hạnh phúc, khi tôi tiếp thu và học hỏi được nhiều bài học có giá trị cho cuộc sống, nó không chỉ giúp tôi phát triển được nhiều hơn nữa những kĩ năng, cũng như tư duy đang bị khiếm khuyết của chính mình. Một cách tư duy đúng đắn có thể giúp tôi rất nhiều điều trong cuộc sống này, chính vì thế, tôi luôn phải cố gắng rèn luyện bản thân mỗi ngày để ngày càng hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn nữa.
Sở thích và niềm mơ ước sẽ luôn đi cạnh chúng ta, nó thúc dục ý chí và bản lĩnh của chúng ta mỗi ngày, chính vì vậy, luôn luôn học hỏi, cố gắng rèn luyện bản thân là điều rất cần thiết và nên thực hiện. Chỉ có việc học, đọc và tư duy mới giúp chúng ta hiểu được nhiều điều từ cuộc sống này, mỗi chúng ta phải ý thức được trách nhiệm cũng như giá trị của bản thân, để từ đó làm được những điều có giá trị và ý nghĩa nhất mà cuộc sống của chúng ta đang cần. Mỗi ngày chúng ta đều sống, rèn luyện và đang cố gắng để rèn luyện bản thân mình, điều đó giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống. Một cuốn sách hay giúp chúng ta rất nhiều điều trong cuộc sống. Nó dạy chúng ta cách làm người, dạy chúng ta lớn lên trong xã hội có nhiều điều khó khăn, cũng như mọi điều vất vả mà cuộc sống này đang đặt ra cho mỗi người. Luôn luôn rèn luyện bản thân mỗi ngày, để từ đó chúng ta hiểu được nhiều điều có giá trị từ cuộc sống này. Luôn học tập, rèn luyện và phát triển bản thân, để chúng ta có thể học hỏi và trở thành một công dân có ích cho xã hội này. Mỗi ngày phải năng học hỏi, phát triển mọi kĩ năng sống, để từ đó nâng cao được mọi kĩ năng cũng như kinh nghiệm của mình.

Chắc hẳn với mỗi chúng ta, Ai ai cũng đều có ước mơ và những thú vui của riêng mình, nhưng đối tôi niềm vui của tôi là được đọc những cuốn sách mà mình thích mỗi ngày. Đặc biệt là ” Đắc Nhân Tâm” một cuốn sách hay và vô cùng bổ ích.

Cây chuối non đi giày xanh – Tác giả Nguyễn Nhật Ánh. 

Tôi đã từng nghe nói ở đâu rằng “sách là thế giới”. Quả thật đúng như vậy, sách là thế giới thu nhỏ, cho phép ta trải nghiệm, cảm nhận rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Qua những câu chuyện đầy xúc động mỗi người lại tự rút ra những bài học cho riêng mình. Đối với tôi cuốn sách gối đầu giường, cuốn sách tôi yêu thích nhất chính là “Cây chuối non đi giày xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Câu chuyện được bắt đầu thật tự nhiên hợp lý. Nhân vật Đăng cũng là nhân vật chính trong tác phẩm nhận được lời đề nghị của người bạn: “Mày viết cho tao một bài về những kỉ niệm lúc mày còn ở đây… Mày viết thật thơ mộng vào. Như viết tiểu thuyết càng tốt”. Nhận lời đề nghị của người bạn, Đăng đã bắt tay vào viết, đó cũng là lúc biết bao kỉ niệm xưa cũ, trong trẻo, hồn nhiên của tuổi thơ ùa về: tình bạn, tình yêu, tình cảm thầy trò. Những kỉ niệm ấy thật đẹp đẽ, mơ mộng và đáng trân trọng biết bao. Trong cuốn truyện điều tôi ấn tượng nhất là hành trình tuổi thơ cũng là hành trình phát triển từ tình bạn thành tình yêu của Đăng và nhỏ Thắm. Những đứa trẻ con ngây thơ, hồn nhiên bên nhau trong suốt thuở thiếu thời: bị chết đuối hụt, chúng cùng đi học bơi, bảo vệ nhau trước những kẻ xấu, cùng nhau đi học, cùng nhau cười đùa,… và chúng ngượng ngùng, xấu hổ khi nghe thấy những lời chòng ghẹo, trêu đùa từ người khác. Nhưng trên hết đó là sự quan tâm, giúp đỡ nhau chân thành, tha thiết. Tôi đã vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên với hành động hồn nhiên mà cũng đầy chân thành của chú tiểu Khôi, Phan… khi Thắm buộc phải lấy người mà bố mẹ mai mối. Đó còn là sự yêu thương vô bờ của mẹ Thắm dành cho đứa con của mình. Chẳng phải ai khác mà chính là bà đã dán tờ giấy ấy trước nhà với nội dung phản đối hôn nhân lạc hậu. Bà mẹ ấy thật bao dung và vĩ đại biết bao. Bà biết rằng nếu bị phát hiện chắc chắn nhỏ Thắm sẽ bị ăn đòn, bởi vậy bà tình nguyện làm việc đó để đỡ đòn roi thay cho con.
Tác phẩm còn thể hiện tình người, tình làng nghĩa xóm đầm ấm, thân thiết. Ông hớt tóc chẳng khác nào ông Ba Bị mà bố mẹ vẫn dọa mỗi lần tôi hư. Ông hay chòng ghẹo những đứa bé trong làng, miệng ông nhai trầu đỏ lòm làm tất cả những đứa trẻ trong làng phải khiếp sợ. Nhưng khi thấy Đăng và Thắm bị ngã nước, sắp chết đuối ông đã vội vàng xuống cứu. Ẩn sau con người gàn dở ấy là cả một tấm lòng nhân hậu và lương thiện biết bao. Và còn rất nhiều câu chuyện nhỏ nhặt, vô cùng đời thường trong truyện khiến người ta đọc một lần rồi chẳng thể nào quên được. Có lẽ khi đọc cuốn sách này những đứa trẻ nông thôn sẽ như được sống lại những kí ức ngây thơ, hồn nhiên của mình. Chỉ là những câu chuyện vặt, câu chuyện nhỏ nhưng đầy chất nhân văn và thấm đẫm tình người. Truyện được viết bằng giọng văn nhẹ nhàng, sâu lắng, thấm đẫm chất trữ tình. Ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, đậm chất Nam Bộ khiến người đọc cảm nhận được thân thương, gần gũi. Không chỉ vậy, Nguyễn Nhật Ánh còn tạo dựng tình huống đặc sắc, những chi tiết bất ngờ làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, lí thú hơn.

Gấp cuốn sách lại, những gì đọng lại trong lòng mỗi người không chỉ là giọng văn đằm thắm, chân thành mà còn bởi tình người sâu sắc, cảm động, bởi những suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ nhưng hết sức chân thành. Qua tác phẩm, không chỉ tôi mà rất nhiều bạn khác sẽ rút ra cho mình bài học riêng cho mình: bài học về tình bạn, tình cảm hàng xóm, về tình cảm gia đình,…

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Tác giả Nguyễn Nhật Ánh (bài 1)

Có những câu chuyện đọc rồi sẽ quên. Nhưng cũng không ít quyển sách đã để lại ấn tượng khó phai, là tiền đề, mục đích, lí tưởng và là bệ phóng hướng con người tới những chân trời tương lai tươi mới. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một quyển sách như vậy.

Tôi tin với bất cứ ai từng đọc tác phẩm này đều không thể quên được thế giới mông lung và đầy mơ mộng trong con mắt của cậu bé tám tuổi tinh nghịch. Nhưng thế giới ấy chẳng hề xa hoa, bí ẩn hay mĩ miều như trong những câu chuyện cổ tích gắn liền với tuổi thơ của mỗi đứa trẻ mà nó chính là góc khuất thầm kín trong tâm hồn, là những kí ức chân thật nhất, là tấm gương rọi vào quá khứ phản chiếu lại biết bao kỉ niệm của một thời thơ ấu đã qua.
Nguyễn Nhật Ánh đã tặng bạn đọc một tấm vé trên chuyến tàu đặc biệt để mỗi người chúng ta có thể lật lại trang sách thời gian nhuốm màu dĩ vãng này trở về dòng sông trong trẻo của tuổi thơ và gột rửa hết những bụi bặm, những bế tắc, những phù phiếm ở thế giới người lớn. Xin đừng vội nghĩ rằng đây chỉ là tác phẩm sáo rỗng, vô vị dành cho bọn trẻ con mà đánh mất đi cơ hội tìm về chính bản thân mình, tìm về chính bản chất đơn thuần nhất của cuộc sống, cũng như tác giả đã từng khẳng định “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Xuyên suốt quyển sách là câu chuyện xoay quanh nhóm bạn bốn người với những “ông cụ, bà cụ non” khoác trên mình hình hài trẻ thơ gồm: nhân vật tôi (cu Mùi), con Tí sún, thằng Hải cò và Tủn – hoa khôi của xóm. Qua hành trình khôn lớn của những “bé con” đó, tôi như được chứng kiến một thước phim quay chậm lúc thì mờ ảo, nhiễu loạn nhưng có lúc hình ảnh về ngày tháng tuổi thơ lại hiện lên rõ nét, sinh động ngỡ như mới chỉ ngày hôm qua. Những hồi ức ấy nào có phải toàn mang ánh hào quang rực rỡ, nào có phải là bản hùng ca với đầy chiến tích đáng tự hào mà với cu Mùi, nó đơn thuần chỉ là nỗi buồn không rõ nguồn gốc về cuộc sống cũ kĩ theo vòng tuần hoàn tẻ nhạt “Vẫn ánh mặt trời ấy chiếu rọi mỗi ngày. Vẫn bức màn đen đó buông xuống mỗi đêm. Trên mái nhà và trên các cành lá sau vườn, gió vẫn than thở giọng của gió. Chim vẫn hót giọng của chim. Dế ri ri giọng dế, gà quang quác giọng gà”. Và hơn hết sự nghịch ngợm, ngổ ngáo của cậu nhóc lên tám còn thể hiện rất chân thật qua những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường với niềm vui thú đến lớp để tán gẫu, cãi cọ, cấu véo, ngủ gật hay chọn vị trí tối tăm cho ít bị kêu lên bảng trả bài. Ngay ở chương đầu tiên của quyển sách, chắc hẳn người đọc đã thoáng có chút giật mình, lắng đọng xen lẫn ngượng ngùng khi bắt gặp chính hình bóng của mình trong thời áo trắng qua nhân vật trữ tình. Dù bạn có dám thừa nhận hay không thì ở cái tuổi ham chơi, hiếu động ấy thì việc học như một nghĩa vụ giam cầm ta trước bao nhiêu trò chơi hấp dẫn, trước bao nhiêu khung trời mới mẻ và giờ ra chơi chính là thời gian thần tiên để chú chim non sổ lồng tìm chút niềm vui ngắn ngủi. Mạch liên tưởng độc đáo đó như thể là một chiếc chìa khóa vạn năng chạm tới mọi góc khuất riêng tư nhất trong miền kí ức của tôi, kí ức về cô học sinh lớp ba luôn thơ thẩn, mơ mộng về những bài toán chia dài ngoằng thành biết bao tòa cao ốc đồ sộ mà chính tôi là vị kiến trúc sư đại tài thiết kế nên hay những dòng chữ gà bới đang múa lượn trong quyển vở tập viết với tôi lại là món mì xoắn ốc mới mẻ, ngon lành dưới bàn tay khéo léo của đầu bếp cừ khôi… Có lẽ tôi và rất nhiều “bạn nhỏ” khác cũng đã hoặc đang đánh mất rất nhiều năm học tập quý giá, đánh mất rất nhiều kiến thức bổ ích nhưng tôi sẽ chẳng chối bỏ tuổi thơ đó, chẳng chối bỏ lỗi lầm đó vì con người không ai có thể luôn hoàn hảo, nếu ta không đủ can đảm nhìn nhận quá khứ, nhìn nhận những thiếu sót của bản thân thì ta chỉ đang tự lừa dối chính mình bởi vỏ bọc hoàn thiện giả tạo.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã nêu triết lý “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”, thật vậy qua những lời kể chân thật về tuổi thơ đã qua, tác giả đã nhẹ nhàng gởi gắm những tư tưởng mang tính giáo dục sâu lắng, nhẹ nhàng gõ tiếng chuông vang vọng vào tiềm thức con người giúp ta khai phá nên những chân lý mới lạ. Văn phong của tác giả nửa như giễu cợt, bông đùa, nửa lại mang hơi hướng triết lý sâu sắc truyền đạt tới đông đảo bạn đọc và đôi khi là các bậc cha mẹ nói riêng. Chắc ta không thể quên lời than phiền của cu Mùi “Người lớn thường cho phép mình làm tất cả những gì mình thích, kể cả những ý thích rất vớ vẩn và cấm trẻ con làm tất cả những gì họ không thích, và sự cấm cản của họ nhiều khi cũng vớ vẩn nốt”, đôi khi vì quá yêu thương con mà cha mẹ vô tình thái quá sự phán xét và áp đặt trẻ bởi họ luôn muốn con mình nhận lấy mọi điều tốt đẹp và tránh xa những cạm bẫy. Nhưng liệu có quá bất công khi chúng ta tước đi quyền được vấp ngã của con trẻ và ép chúng vào khuôn mẫu hoàn hảo chỉ chứa niềm vui và sự sung túc? Nghe có vẻ nghịch lý nhưng nó cũng giống như một món ăn tuy ngon đến mấy nhưng ăn hoài sẽ thành chán ngán, tầm thương ví như bước đường ta đi nếu quá bằng phẳng và trải đầy hoa hồng thì hạnh phúc cũng trở nên nhàm chán, vô vị vì đời người chỉ được một lần sống, ta chỉ một lần được trải nghiệm hết những hỉ, nộ, ái, ố, đau thương. Có đứa bé nào tập đi mà chưa từng vấp ngã, đứa bé chưa từng nói ngọng sẽ không thể phát âm tròn vành, rõ chữ vậy nên qua tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh còn muốn gởi thông điệp đến “những người lớn” hãy để con cái được phát triển tự nhiên nhất, ta chỉ nên khuyên răn chứ đừng ngăn cấm chúng khám phá thế giới dù biết trước đó là ngõ cụt bởi ta cũng đã từng được trải nghiệm nên hãy để trẻ con vươn tới tương lai bằng chính đôi chân nhỏ bé của bản thân.
Không chỉ vậy, trong “cho tôi một vé đi tuổi thơ” làm mỗi người lớn phải thốt lên khâm phục trước sự sáng tạo, mộng mơ của bọn trẻ mà cũng chính là của ta ngày xưa. Đó là mong ước muốn “đặt tên cho thế giới”, dùng trí tưởng tượng biến cái gối thành búp bê, biến cái nón thành cuốn tập, con chó thành bàn ủi, chiếc quạt máy thành cái tivi và thằng Mùi là Thầy hiệu trưởng…Chúng không hề lố bịch, quậy phá mà bản chất của trò chơi “kì lạ” đó là ước muốn thầm kín được thay đổi thế giới xung quanh trở nên mới mẻ, tinh khôi như thể được sinh ra một lần nữa, để chúng khỏi chán ngắt với việc ăn, ngủ, đến lớp và học bài. Nhưng có lẽ trong tác phẩm người đọc thích thú nhất vẫn là cái tình cảm ngô nghê, hồn nhiên của cu Mùi với cô bạn Tủn mà thấp thoáng hiện lên lời bộc bạch rất ngây thơ. “Sau này tôi biết đó là cảm giác ghen tuông, tất nhiên là ghen tuông theo kiểu trẻ con, còn lúc đó tôi chỉ cảm thấy khó chịu”. Đó là tình yêu con nít mà có lẽ là trong sáng, thiêng liêng hơn cả vì nó không hề bị vẫn đục bởi vòng xoáy của tiền tài, danh lợi và không bị chi phối, bão hòa cảm xúc khi người lớn cố lập trình, lên kế hoạch để ép thứ cảm xúc vô hình vào khuôn khổ chặt chẽ.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – một tác phẩm mở ra thiên đường trong trẻo, tràn ngập hoa nắng và tiếng cười giòn giã của trẻ thơ. Nguyễn Nhật Ánh đã kết nối những trang hồi ức vô tình bị lãng quên hay thậm chí là đánh mất giữa dòng đời xô bồ, tấp nập này. Ông đã mang bạn đọc từ khắp mọi nơi, mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp lên chung một chuyến tàu về lại sân ga tuổi thơ để từ đó bắt đầu hành trình tìm lại chính mình, chính bản chất “nhân chi sơ tính bản thiện”. Đọc tác phẩm mà mỗi hình ảnh, mỗi hành động, lời nói của bốn nhân vật đều để lại trong tôi một sự khắc khoải, ám ảnh sâu sắc, ám ảnh về dòng chảy hờ hững của thời gian đã mang đi mất của tôi rất nhiều thứ, mang đi mất những tháng ngày rong ruổi dạo chơi khắp xóm, mang đi mất những người bạn thân thiết đã từng là tất cả với tôi và hơn hết là mang đi mất chính hình bóng tuổi thơ thậm chí là biết bao hoài bão cháy bỏng mà tôi đã từng khát khao thực hiện cũng bị lớp bụi thời gian xóa mờ, vùi lấp.

Một lít nước mắt – Tác giả Kito Aya

Có những điều tưởng chừng giản dị trong cuộc sống con người, tuy nhiên mấy ai lại quan tâm, để ý đến. Có những ước mơ mới nhìn qua cảm thấy rất bình thường, nhưng có những người khao khát mãi cũng không với lấy được nó. Vì vậy, chúng ta hãy luôn trân trọng những điều bình dị nhất ngay xung quanh chúng ta và hãy làm những việc có thể làm khi ta còn sống. Cách nhìn cuộc sống của tôi đã thay đổi như thế từ khi tôi đọc cuốn sách này, tôi càng thêm trân trọng cuộc sống cũng như đồng cảm và yêu quý,nâng niu cuốn sách” bảo bối” của tôi, đấy là cuốn sách: “Một lít nước mắt”.

Cuốn sách “một lít nước mắt” quả là một câu chuyện cảm động, sâu lắng, dựa trên nhân vật có thật là cô bé Aya người Nhật Bản mắc phải căn bệnh nan y thoái hóa tiểu não khi mới vừa tròn mười lăm tuổi nhưng có một nghị lực phi thường. Nhan đề cuốn sách thật giàu hình ảnh và ý nghĩa nhưng phải chăng là một cách nói thậm xưng, nói quá. Không đâu, bởi khi đọc xong cuốn sách này, tôi lại nghĩ, một lít nước mắt thì vẫn chưa đủ, vẫn còn quá ít bởi lẽ câu chuyện này đã làm cảm động, rung cảm đến hàng triệu trái tim người đọc, khiến hàng triệu giọt nước mắt rơi, muôn đời chưa ráo. Cuốn sách được xuất bản dựa trên nhật kí của Aya với câu chuyện mười năm chống chọi với cái chết thật phi thường và ở tuổi hai mươi lăm, cái tuổi đẹp nhất đời người, cô đã gác bút nghìn thu, gác mọi ước mơ, hoài niệm, hi vọng về một tươi lai tốt đẹp.
Cô gái xinh đẹp ấy đã ra đi vì cơn bạo bệnh khi tuổi đời còn quá ngắn ngủi hai mươi lăm năm với những dự định cuộc sống còn nhiều dang dở. Và ước mơ lớn nhất của cô ngay lúc này đó là:” Liệu con có thể kết hôn được không?”. Cô luôn khao khát về tình yêu và hạnh phúc. Cô cần một hạnh phúc giống như bao người, thật sự rất cần… Ước mơ chưa thể thực hiện mà đã ra đi, một ước mơ, một niềm khát khao cháy bỏng làm nhức nhối tâm can người đọc.

“Con người ta ai cũng mang nặng những ưu phiền

Hễ nhớ về quá khứ là nước mắt tuôn rơi

Còn hiện thực quá phũ phàng và tàn nhẫn

Mơ ước nhỏ nhoi không cách nào thực hiện

Nghĩ đến tương lai lại sụt sùi nước mắt”.

Cuốn sách này chỉ có thể tái hiện được một phần nào đó nỗi đau của cô nhưng nó đã làm tôi xót xa khôn xiết. Khi bị bệnh, cô ăn uống khó khăn, tay chân không thể cử động như những người bình thường, tình yêu đến với cô rồi cũng xa cô khi biết cô bị bệnh, bạn bè ai cũng xa lánh vì sợ bị làm phiền, khi cận kề cái chết, mặt cô trở nên xấu xí, biến dạng. Nhưng nghị lực sống phi thường không để cô có thể gục ngã mà buộc cô phải tiếp tục sống. Bởi trong tận cùng của sự phũ phàng, tuyệt vọng, cô vẫn còn có cha mẹ yêu thương bằng cả tấm lòng, có cả Asou – một người bạn thân luôn bên cạnh cô, động viên, an ủi, khóc cùng cô những lúc khó khăn nhất. Cũng chính tình yêu thương đó đã tiếp thêm nghị lực để cô có thể tiếp tục sống thêm mười năm nữa.
Các bạn biết không, cách nhìn nhận cuộc sống của Aya rất khác biệt. Bên cạnh nghị lực phi thường, cô còn có cảm nhận khá sâu sắc về cuộc sống bên ngoài:” Mình muốn trở thành không khí”. Cô ấy ước ao mình có cuộc sống nhẹ nhàng êm dịu như bao người và muốn cho mọi người biết đến sự tồn tại của mình trên cuộc đời này. Có lẽ căn bệnh nghiệt ngã này đã khiến cho cô có cái nhìn sâu sắc hơn với thế giới, với những gì đang diễn ra xung quanh cô, tuy đơn sơ nhưng gần gũi, cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Và chính lúc này đây, cô đã cảm nhận được tình cảm gia đình dành cho mình, thiêng liêng và cao cả biết nhường nào. “Ở nơi đó, có lẽ tôi sẽ không còn nước mắt nữa”, ở thế giới hiện tại cô đã khóc thật nhiều nhưng tâm hồn vẫn luôn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt, cô ước mong thi đậu vào trường Đại học nổi tiếng ở Nhật Bản. Nhưng có lẽ mong ước ấy mãi mãi không thể thực hiện được, cô giờ đã đi đến một thế giới khác, một thế giới không còn nước mắt nữa. Trước khi chết, cô đã có một ước nguyện:” con muốn mình được nằm giữa một rừng hoa, ba..mẹ..đừng quên con nhé”. Đúng như vậy, vào cái ngày cô ra đi, tất cả mọi người biết được câu chuyện nhật kí của cô, đều xúc động, thương tiếc đến chia buồn. Trên tay mỗi người đều cầm một bó hoa tạo thành một rừng hoa xung quanh cô Aya đầy nghị lực phi thường. Đóa hoa hướng dương mà cô đã viết trong những năm tháng cuối đời:” Con biết cha mẹ luôn cầu mong một điều kì diệu sẽ đến với con.
Nhưng nếu điều kì diệu không xảy ra, mong cha mẹ cũng đừng đau buồn..” Và một câu nói mãi làm nghẹn ngào tâm hồn người đọc:” Tại sao lại là con chứ ?” Có ai đọc những dòng chữ này mà không đau lòng? Phải chăng tất cả là do số phận như Nguyễn Du từng nói:

“Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt thì người phải theo

Bắt phong trần, phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.

Đây là một cuốn sách đáng để chúng ta đọc và ngẫm nghĩ, tái hiện một câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn và nghị lực phi thường. Đọc “ Một lít nước mắt “ để ta thêm trân trọng từng giây, từng phút trong cuộc đời này. Cuộc sống của tôi diễn ra vẫn bình thường như bao ngày, tôi vẫn cảm nhận được ánh nắng mặt trời, cát, gió, không khí. Nhưng chỉ khác là từ khi tôi đọc cuốn sách ấy, tôi càng thêm trân trọng những điều giản dị ấy mà trước đây tôi chẳng để ý đến. Và tôi cảm ơn cuốn sách yêu dấu này đã giúp tôi nhận ra và thêm trân trọng những khoảnh khắc đẹp trong cuộc đời khi còn có thể.

Cảm nhận về cuốn: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Bà ngoại mình là giáo viên dạy Ngữ văn, bà là người rất thích đọc và sưu tầm nhiều loại sách. Chính bà là người đã truyền cảm hứng đọc sách cho mình ngay từ khi mình bắt đầu biết đọc. Bà có tặng mình một cuốn sách vừa đẹp vừa hay. Mình sẽ tả lại nó cho mọi người cùng nghe.

Cuốn sách bà tặng mình khá dày, có hơn hai trăm trang sách. Kích thước của nó bằng với các loại sách thông thường, khoảng 24 x 17cm. Được in với chất liệu giấy rất đẹp. Cầm quyển sách rất chắc chắn. Bìa trước và sau của của cuốn sách được làm bằng loại giấy dày và cứng, mặt trên nhẵn bóng có lẽ vì được in cùng với một lớp ni-lông mỏng. Ở bìa trước của cuốn sách mình thấy nó được trang trí rất đẹp và bắt mắt. Ở bốn góc là đường nét hoa văn tinh tế giống như những đám mây đang bồng bềnh trôi trên bầu trời. Phía gần trên cùng là dòng chữ ghi tên cuốn sách được in đậm bằng mực màu đen: KHO TÀNG TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT NAM. Chính giữa bìa sách là một bức tranh rất sinh động với những cô tiên xinh đẹp đang bay lượn giữa bầu trời, có cô cầm đàn đang ca hát, có cô lại cầm giỏ với những loài hoa thơm cỏ lạ… Bên cạnh các cô là những đám mây trắng vờn nhẹ xung quanh. Bên dưới bầu trời các cô tiên đang bay lượn là hình ảnh một làng quê yên bình với những con đường làng trải đầy rơm rạ vàng óng. Một vài người dân đang gặt lúa trên cánh đồng. Phía xa xa, đàn trâu đang thung thăng gặm cỏ. Ở dưới cùng là hàng chữ in nhỏ, màu đen NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC. Khi mở sách ra, mình thấy thơm phức mùi giấy mới. Từng dòng chữ màu đen in trên nền trang giấy trắng tinh mang đến cho mình bao nhiêu câu chuyện hay và bổ ích. Nào là chuyện chàng Sọ Dừa thông minh, tài giỏi, chuyện nàng Ba tảo tần, hiền dịu, chuyện cô Tấm chịu thương chịu khó, chuyện chàng Thạch Sanh dũng cảm thật thà và tên Lí Thông gian ác cuối cùng cũng bị trừng trị. Mỗi câu chuyện đều đã mang lại cho mình những bài học hay, ý nghĩa. Rằng ở hiền thì lại gặp hiền và kẻ làm điều ác nhất định sẽ gặp báo ứng. Có lẽ, khi bà tặng cho mình cuốn sách này, bà muốn nhắc nhở mình phải luôn học hỏi và làm theo những điều tốt lành, phải tránh xa và biết phê phán cái ác. Ở gáy sách còn gắn một dải ruy băng bằng lụa, màu đỏ để có thể dễ dàng đánh số trang khi mình đang đọc dở.

Mình yêu bà ngoại và vô cùng thích quyển sách mà bà tặng. Mình đã đọc nó nhiều lần tới nỗi có thể thuộc lòng những câu chuyện trong đó nhưng mình chưa bao giờ chán. Mỗi lúc có thời gian, mình lại kể những câu chuyện hấp dẫn ấy cho em gái nhỏ của mình nghe. Em tuy còn bé nhưng rất chăm chú nghe mình kể chuyện nên mình đã rất vui.

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Tác giả Nguyễn Nhật Ánh (bài 2)

Ai mà chẳng có một tuổi thơ thật đẹp đẽ. Tuổi thơ của tôi cũng vậy, tràn ngập tiếng cười, niềm vui, tràn ngập những yêu thương, lo lắng. Ở những nơi mà tôi từng sinh sống, có biết bao nhiêu kỉ niệm, nào là những trưa nắng, không đi ngủ trưa mà trốn đi chơi, những buổi chơi ô ăn quan hay nhảy lò cò…

Đó là một tuổi thơ chưa từng biết nghĩ đến sự cô đơn là gì, chưa lo lắng đến việc mình làm lụng để mưu sinh. Nhưng đến khi lớn lên, con người ta luôn bận rộn, luôn suy nghĩ nhiều thứ. Khi ta còn thơ bé, ta sẽ sẵn sàng làm những gì mình muốn, nhưng khi lớn lên, ta chỉ muốn làm những gì mà người khác mong muốn. Vì vậy, giữa trẻ con và người lớn luôn có nhiều điểm rất khác biệt. Tôi biết về tác giả Nguyễn Nhật Ánh đã lâu, nhưng đến bây giờ, tôi mới có dịp được đọc những cuốn sách của ông. Một trong những cuốn sách mà tôi vô cùng ấn tượng đó là cuốn “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Cuốn sách này đã được tặng giải thưởng văn học ASEAN 2010. Cuốn sách có bìa màu vàng, in hình một cậu bé, tờ bìa phía sau, tác giả đã nói rằng: “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Nguyễn Nhật Ánh viết quyển sách để nói về tuổi thơ của 4 nhân vật là thằng Cu Mùi, thằng Hải Cò, con Tí Sún và con Tũn gồm tất cả 12 chương.
Tôi vô cùng ấn tượng với chương 1 “Tóm lại đã hết một ngày” và chương 2 “Bố mẹ tuyệt vời”, bởi nó khiến cho tôi càng thêm biết ơn bố mẹ của mình. Với chương 1, tôi cảm nhận được tình yêu thương, lo lắng của mẹ dành cho tác giả lúc còn nhỏ. Mà mối quan tâm chủ yếu là về sức khỏe, đối với trẻ con thì chẳng hề để ý đến sức khỏe của mình cho mấy, nhưng đến khi càng lớn tuổi, mối quan tâm về sức khỏe càng tỏ ra vô cùng đúng đắn, quan trọng. Khi đọc quyển sách, rất nhiều kí ức ùa về trong đầu óc tôi. Tôi nhớ lại về những ngày mình 7, 8 tuổi, tôi chẳng nghĩ gì nhiều về mặt tình cảm. Nhưng càng lớn, chỉ số tăng trưởng về mặt tình cảm càng tăng lên. Chẳng hạn, tình cảm của mình đối với gia đình. Trong chương 2, tác giả kể về những trò chơi mà ông và các người bạn nhỏ trong xóm cùng nhau chơi. Nó mang lại rất nhiều tiếng cười với tôi, và chắc hẳn, nếu bạn đọc được chương này, bạn sẽ cảm nhận được giống như tôi. Ngoài ra, tôi cũng rất thích chương “Đặt tên cho thế giới”. Cu Mùi cũng Hải Cò, con Tí Sún, con Tũn cùng nhau thay đổi những suy nghĩ của bản thân. Cả bọn cho rằng “cái cánh tay là cái miệng”, nói “đi chợ thay cho đi ngủ”, cũng như “cái cặp biến đổi thành cái giếng”… Cả bọn quyết tâm thay đổi cách gọi, đặt tên lại cho cả thế giới chỉ với mục đích làm cho thế giới trở nên mới mẻ, bớt nhàm tẻ.
Những câu chuyện như vậy cũng rất mang lại tiếng cười, cho thấy được tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh rất vui, đầy lý thú. Ở cuối chương 12, tác giả có viết “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn..”. Đúng vậy, tuổi thơ cho ta rất nhiều kỉ niệm, khi nhỏ, ta thường ước mong được làm người lớn để tự do làm điều mình thích mà không phải xin phép ba mẹ.

Đến khi lớn, ta mới biết rằng, cuộc sống của một người lớn lại còn tẻ nhạt gấp nhiều lần cuộc sống trẻ con, nó khiến ta khát khao nói lên một điều rằng :“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ…”

Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế – Tác giả Adam Khoo

Sách là sản phẩm của xã hội văn minh và hiện đại. Mỗi quyển sách chứa đựng một kho tàng kiến thức vô cùng lớn và chứa nhiều nội dung phong phú khác nhau. Nó cung cấp cho xã hội loài người chúng ta sự mới mẻ trong khám phá thế giới cũng như biết bao điều lí thú trong cuộc sống.

Nhưng điều quan trọng hơn chính là tìm được cuốn sách bổ ích và cần thiết cho nhu cầu của bạn. Và một trong những cuốn sách tôi muốn giới thiệu đến ở đây đó là cuốn sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế” của tác giả người Singapore Adam Khoo và được dịch sang tiếng Việt bởi Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy. Cuốn sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế” được đúc kết từ rất nhiều năm kinh nghiệm của Adam Khoo. Adam muốn chia sẻ những phương pháp và kỹ năng mà anh đã áp dụng từ năm 13 tuổi, trên con đường đi đến thành công trong học vấn và sự nghiệp. Từ một đứa trẻ được coi là “vô dụng”, “bất tài”, “học kém” Adam đã vươn lên và trở thành một triệu phú trẻ và giàu có nhất Singapore. Nó cũng giống như tên cuốn sách, đó là những bí quyết để dẫn đến thành công mà anh chia sẻ qua từng trang sách, từng chương cũng như từng đề mục. Đầu tiên tác giả đã đưa ra một loạt những biểu hiện trước khi anh đến với thành công. Nó có thể được tóm gọn bằng những từ như “ngu si” “đần độn” (chương I). Nhưng lần lượt qua những trang sách sau bạn phải thật sự ngạc nhiên khi tác giả đã tự tạo ra cho mình một bước ngoặc lớn để thay đổi cuộc đời, số phận. Bằng những bước đi cơ bản từ dễ đến khó, Adam đã thực sự bắt tay vào hành động với mục tiêu phía trước. Lần lượt qua những trang sách này các bạn sẽ nhận biết được chân dung của một triệu phú trẻ đã phải vượt qua thử thách kiên trì như thế nào để có được ngày hôm nay. Càng đọc tôi càng thấy nó thực sự lôi cuốn, hấp dẫn, muốn đọc thật nhanh để tìm ra những bí quyết mà Adam đúc kết được. Bởi vì sự tò mò và thích thú đã khích lệ tôi lật sang những trang kế tiếp để tìm cái tôi cần. Phải công nhận Adam rất biết thu hút người đọc không chỉ bằng hình thức mà còn về cả nội dung. Bởi khi lật sang trang kế tiếp tôi thật sự lấy làm vui khi trau dồi kinh nghiệm của Adam là một thứ gì đó cất dấu cho riêng mình để chuẩn bị hành trang chiến đấu với khó khăn ở tương lai. Tôi xin trích dẫn một vài đề mục đang và đã được ứng dụng rộng rãi cho tất cả mọi người:

– Phương pháp học để nắm bắt thông tin (chương 5).

– Sơ đồ tư duy công cụ ghi nhớ tối ưu (chương 7).

– Trí nhớ siêu đẳng cho từ và số (chương 8,9).

Bạn thấy đấy những phương pháp trên đã giúp bạn cải thiện phần nào khó khăn trong học tập cũng như trong công việc. Chúng ta có thể lấy một ví dụ điển hình như sơ đồ tư duy (mind map) đã được ứng dụng mạnh mẽ ở trường học cũng như các lĩnh vực khác đã đạt được nhiều thành công. Có thể nói phương pháp không thì chưa đủ, để có nghị lực thực hiện các phương pháp trên quan trọng nhất đó là động lực để học tập. Đó cũng là một trong những phần quan trọng nhất của sách được thể hiện ở phần III “Động lực cá nhân của bạn”. Từ chương 12 đến chương 16 Adam đã trình bày những bí quyết để vượt qua lười biếng, tập trung phát triển bản thân đó là điều quan trọng nhất đối với mỗi người hay tạo quyết tâm mạnh mẽ ở chương 16. Đối với phần cuối bạn sẽ tìm được phương pháp thi cử tốt nhất thông qua chương 17 “Tăng tốc về đích”. Chiến thắng và vinh quang ở chương 18. Theo tôi nghĩ bạn đọc đến phần cuối như thế này thì bước thành công đầu tiên của bạn đã hoàn thành. Để kiên trì đọc hết một cuốn sách không hình mà lại khô khan không cảm xúc thì rất khó đối với những người không biết kiên trì, nhẫn nại để đến đích.
Tôi đã đọc hết và đã đúc kết được những kinh nghiệm riêng cho mình. Mời các bạn cùng tôi tham khảo qua những bí quyết này!

Từ những điều nói trên tôi có thể khẳng định rằng cho dù bạn là ai, đang ở đâu, đang học trường nào, đang hướng đến bất cứ mục tiêu gì trong học tập và trong cuộc sống, tôi xin chắc chắn với bạn một điều rằng, bạn sẽ tìm được câu trả lời trong quyển sách “Tôi tài giỏi, Bạn cũng thế” chứa đựng những bí quyết để Adam Khoo lập nên kì tích.

Hạt giống tâm hồn – Nhiều tác giả (bài 2)

Mỗi người trong chúng ta ai cũng có ước mơ cho dù là nhỏ bé hay vĩ đại thì những ước mơ ấy đều đáng quý, đáng trân trọng bởi đó là trụ cột tinh thần, là sức mạnh vô hình tạo động lực cho chúng ta vươn lên để đạt đến điều ta mong muốn, hướng đến ngày mai đầy hy vọng. Song đã bao giờ chúng ta tự hỏi chúng ta đang mong chờ, khao khát những điều tuyệt vời, điều ta chưa có mà vô tình quên đi những điều giản đơn xung quanh?. Tôi cũng như những người khác đã và đang ước mơ tha thiết những điều tôi chưa đạt được. Khi còn bé, tôi say sưa với cuốn truyện cổ tích và ước gì một ngày nào đó mình sẽ được biến thành một nàng công chúa xinh đẹp, một cô tiên với bao phép lạ kỳ hay có được lâu đài đầy ắp bánh kẹo. Lớp Năm, tôi bắt đầu tìm đọc về những học sinh đạt giải trong các kì thi quốc gia và ước mơ mình được như họ. Lớn hơn, nói chính xác là lúc tôi bắt đầu đọc sách “Hạt giống tâm hồn” về chuyên đề “Từ những điều bình dị”, tôi bỗng nhận ra rằng: tại sao tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ làm gì đó để ba mẹ tôi vui sau cả ngày làm việc mệt mỏi, tại sao ý nghĩ làm cách nào để chị em tôi không còn cãi nhau vì những điều vụn vặt chưa từng xuất hiện trong suy nghĩ của tôi? Cuốn sách ấy như thước phim quay chậm khiến tôi để tâm hơn những điều đơn giản, được trải nghiệm cảm xúc với từng mẩu chuyện nhỏ về những con người bình dị, tinh thần vượt lên, niềm tin chiến thắng…

Cách nhìn nhận hạnh phúc từ những điều quen thuộc là điều mà tôi nhận được từ cuốn sách này. Người ta thường nói hạnh phúc ở xa xôi lắm, hạnh phúc là khi ta có được mọi thứ tốt nhất song qua những câu chuyện sau trong “Hạt giống tâm hồn”, ta sẽ có cách nhìn khác. Nếu người thợ làm thuê trong mẩu chuyện “Cây giữ phiền muộn” đặt một chậu cây nhỏ trước nhà để mỗi khi đi làm về, anh ta sẽ chạm vào nhánh cây như lời nhắc nhở: sự phiền muộn, bực tức trong công việc không thuộc về mái ấm của anh và anh sẽ trở nên vui vẻ, dành những lời yêu thương, hành động ân cần cho vợ con anh thì cậu bé trong “Lời nói và vết đinh” lại luôn nóng nảy và cư xử cộc cằn với mọi người.

Một hôm, cha của cậu bé ấy đã đưa cho cậu túi đinh và bảo khi nóng giận hãy đóng đinh vào hàng rào gỗ và suy nghĩ về việc mình làm. Ngày đầu tiên, số đinh mà cậu ta đóng rất nhiều nhưng dần dần cậu ta ít đóng đinh vào rào ít đi cho đến ngày không cần dùng đến chiếc đinh nào, cậu ta thấy mình đã thay đổi, không còn nóng nảy chạy đi khoe với cha. Người cha tiếp tục bảo rằng mỗi ngày cậu giữ được bình tĩnh hãy nhổ một chiếc đinh ra. Nhiều ngày trôi qua, khi cậu bé vui vẻ nói rằng đinh đã được gỡ hết, lúc này người cha mới chỉ vào hàng rào: “Hàng rào sẽ chẳng còn nguyên vẹn như xưa nữa. Những điều con thốt ra trong lúc giận dữ sẽ để lại trong lòng người khác những vết thương”. Ta thấy đấy: lời nói tuy “chẳng mất tiền mua”, rất đỗi bình thường nhưng “lời nói thiện ý sưởi ấm cả ba thàng mùa đông” còn lời nói cáu gắt lại khiến mọi người tổn thương.
Nếu lời nói đem mọi người đến gần nhau thì tình yêu thương sẽ khiến quan hệ giữa người và người trở nên đẹp hơn, gắn gó hơn. Cuộc sống hiện đại đầy những lo toan đã khiến một người cha cáu gắt với đứa con trai nhỏ khi nó cứ đi theo ông và hỏi: “Bố ơi, một giờ làm việc bố kiếm được bao nhiêu tiền?”. Để con trai không làm phiền ông nghỉ ngơi, ông bực dọc trả lời là mười ngàn yên nhưng đứa con trai vẫn không buông ông và hỏi xin năm ngàn. Đến lúc này, sự nóng giận lên đến cực điểm, ông quay lại nạt nó: “A, thì ra hỏi bố đi làm được bao nhiêu tiền là vì vậy phải không? Đi ra chỗ khác chơi. Bố đang mệt!”. Đứa con sợ hãi nhìn cha rồi im lặng ra sau nhà. Sau khi tắm rửa, cơm nước và đã bình tâm, người cha nhớ lại hành động của mình khi chiều và thấy tội nghiệp con. Ông đến bên giường con, đưa nó năm ngàn và hỏi nó định mua gì. Đứa con liền cảm ơn bố và mò mẫm dưới gối, lấy ra một số tiền lẻ và hớn hở reo lên: “Thế là con đủ mười ngàn rồi! Bố bán cho con một giờ làm việc của bố đi. Con muốn bố chơi với con mà lúc nào bố cũng bận làm việc”. Người cha bàng hoàng, không biết trả lời như thế nào trước câu nói ấy. Ông sững sờ là vì không biết từ bao giờ ông lao vào công việc mà quên mất thời gian yêu thương con mình hay vì không nhận ra những gì thật sự ý nghĩa mà con trai mong đợi ở ông? Khi ta mang đến cho một người nào đó cũng chính là mang lại hạnh phúc cho bản thân. Vậy thử hỏi tại sao ta không kiềm chế cái tôi, sự nóng giận của bản thân và dành thời gian yêu thương những người xung quanh ta để họ cảm thấy hạnh phúc từ những lời nói, hành động ân cần, tình yêu thương thực sự – điều kỳ diệu mà ta luôn xem là bình thường, quen thuộc?.
Hạnh phúc đó không cần phải đem ra cân đo, đong đếm, là điều mà bao người mong muốn mà chỉ cần ta biết cách thay đổi cách nhìn theo một chiều hướng tốt hơn là ta đang giữ hạnh phúc trong tay. “Bài học từ người thầy dạy võ” sẽ cho ta thấy điều ấy. Câu chuyện bắt đầu từ việc một cậu bé mười tuổi quyết định học judo cho dù cánh tay trái của cậu bị mất trong tai nạn xe hơi. Thật lạ khi cậu có cố gắng bao nhiêu thì sau ba tháng tập luyện, thầy chỉ dạy cho cậu một thế võ duy nhất. Cuối cùng không còn kiên nhẫn, cậu đã hỏi thầy lí do song người thầy chỉ trả lời: “Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất con cần phải học”. Tuy chưa hiểu nhưng cậu vẫn tin thầy và tiếp tục học. Nhiều tháng sau, võ sư dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi Judo, cậu đã thực sự bất ngờ khi lần lượt hạ gục các đối thủ và giành chiến thắng. Trên đường về, cậu lấy hết can đảm hỏi thầy lí do gì khiến điều ấy xảy ra. Lúc này, người thầy ôn tồn bảo rằng cách duy nhất để đối phương phá thế võ mà hằng ngày cậu luyện tập là nắm vào tay trái của cậu, trong khi cậu không hề có tay trái. Đôi khi, điểm yếu của ai đó nhưng nhìn trên phương diện khác sẽ trở thành điểm mạnh, lợi thế của họ. Song vấn đề đặt ra là liệu con người ta có đủ lạc quan, dũng khí để đối diện với khó khăn, biến đau thương thành hạnh phúc hay không?
Hạnh phúc không phải tùy vào người khác, tùy vào số phận mà tùy vào chính bản lĩnh, bản thân của ta. Cho dù thế nào thì hạnh phúc tuyệt vời nhất vẫn là bắt nguồn từ cách nhìn thiện cảm, suy nghĩ lạc quan của ta với những việc, những người ta gặp. Nếu ta chưa biết cách yêu thương những người thân quen, để tâm đến những điều mắt thấy tai nghe mỗi ngày thì nên học cách làm điều ấy bởi không có sự quan tâm, tình yêu thương với những người thân – tình cảm được cho là nguồn cội cho những tình cảm khác thì ta còn yêu thương gì được nữa. Khi con người ta hạnh phúc thì họ sẽ có đủ niềm tin và nghị lực đương đầu với mọi thử thách, khó khăn trong cuộc đời. Tình yêu thương giữa người với người, những hạnh phúc chân thành mà họ đem đến cho nhau tựa như cơn gió tuy nhẹ nhàng nhưng đủ sức đẩy chiếc thuyền ra biển lớn, là điểm tựa tinh thần không thể thiếu khi ta yếu lòng, gục ngã. Mỗi khi gấp cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” lại, lòng tôi như vẫn còn bao dư ba về các số phận, những con người với hoàn cảnh khác nhau, những lời khuyên, câu ngạn ngữ vô giá… “Hạt giống tâm hồn” như thước phim quay chậm khiến tôi có cơ hội nhìn lại bản thân, hoàn thiện bản thân hơn. Nó khiến tôi nhìn lại cuộc sống trên nhiều phương diện. Tôi như trưởng thành hơn, ít cáu gắt với ba mẹ khi bị mắng hay giận dỗi lúc không vừa ý việc gì bởi tôi biết cuộc đời là hữu hạn mà tình yêu gia đình dành cho tôi là vô hạn, tôi biết đứng lên sau thất bại bởi tôi biết rằng tôi sẽ không thể thành công vào mai sau nếu chỉ nghĩ đến thất bại hôm nay…

“Hạt giống tâm hồn” như chính cái tên của nó, gieo vào lòng người đọc những hạt giống và rồi để họ tự nhận thức, cảm nhận và tự gieo trồng theo cách của họ. Tôi mong sẽ ngày càng nhiều người tìm đọc đến “Hạt giống tâm hồn” như tôi và gieo trồng những hạnh phúc giản đơn trong tâm hồn mình!

Hà Nội 36 phố phường – Tác giả Thạch Lam

Tuổi thơ những đứa trẻ như chúng ta đều được nuôi dưỡng tâm hồn bởi những cuốn sách. Sách là thứ rất lạ kì, khi tôi gọi tên là thấy thiêng liêng lắm. Vì đôi khi trong những cuốn sách như gói gọn cả gia đình tôi, quê hương tôi – Hà Nội, chốn thân thương tôi gửi trọn một thanh xuân thuở còn thơ bé. Và nhà văn Băng Sơn cũng như vậy: “Hà Nội như máu thịt tôi, không thể tách rời ra được nữa..… Hà Nội có cái gì là tôi có cái đấy..…” (trích từ tác phẩm “Hà Nội rong ruối quẩn quanh”).

Chính vì tôi yêu Hà Nội đến như thế nên bất kì thứ gì thuộc về Hà Nội, đối với tôi, chúng đều đáng để tự hào. Từ cách cầm đũa, cầm thìa, đến cách thưởng thức một món ăn, thưởng thức cái đẹp ẩm thực, đều vang lên một nét văn hóa độc đáo của người Hà Thành. Khi nhắc đến những cuốn sách với ý nghĩa tương tự như thế, nào đâu tôi có thể quên được những lời văn nhẹ nhàng, tinh tế bởi một óc quan sát tài tình như Thạch Lam với “Hà Nội băm sáu phố phường”. Thạch Lam có viết: “Hà Nội có một sức quyến rũ đối với những người ở nơi khác… ở những hang cùng ngõ hẻm của làng xa, hay ở những nương mật thẳm trong rừng núi, ban chiều vẫn có nhiều người ngóng về một phương trời để cố trông thấy cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây”. Tôi cũng như nhà văn Thạch Lam, sống trong lòng thủ đô Hà Nội, có một sự lưu luyến gì đặc biệt lắm, không kể được bằng lời, sức hút ấy còn thể hiện rõ nét hơn ở những người rời xa Hà Nội. Hà Nội có cái thú vị rất riêng, chẳng thể lẫn vào đâu được, cái thú riêng ấy là gì thì tự những người tới Hà Nội phải tìm thấy nó, mà dấu ấn sâu sắc nhất là khi được nếm thử hương vị của Hà Nội.
Lời văn của Thạch Lam đưa tôi đi tựa như một nhà bộ hành tùy hứng, tản mạn qua những con phố cổ kính rêu phong, đậm chất Hà Nội, đậm chất phương Đông. Nhẹ nhàng xuất hiện trước mắt tôi là vô vàn biển hàng mời gọi. Những chiếc biển hàng xưa chẳng có cầu kì như bây giờ, chỉ đơn giản là tên cửa hàng viết tay điểm thêm vài chữ tiếng Pháp hay tiếng Tàu, vừa để thể hiện rõ sự du nhập mãnh liệt của văn hóa phương Tây vào đất thủ đô, cũng vừa để làm nổi bật lên cái phong phú, đa dạng của vùng đất tụ hội bốn phương này. Nhưng những chiếc biển hàng ấy cũng đâu thể nói lên được sự ngon dở trên từng món ăn. Thưởng thức món ăn của Hà Nội xưa cũ, không phải là chỉ rẽ qua những nhà hàng sang trọng rồi về, mà còn là sự rong ruổi trên từng con phố. Vì chiếc đĩa sứ sang trọng quý phái đâu thể nâng niu, gìn giữ hết những món quà dân dã của Hà Nội. Muốn ăn ngon ở Hà Nội, phải theo bước chân của Thạch Lam đi lê la ngoài phố phường, đâu chỉ vài chục phút, mà phải là hàng giờ, thậm chí thâu đêm suốt sáng. Vì những thứ tinh túy nhất đâu phải dễ dàng tìm ra… Thạch Lam đưa ta rẽ qua những hàng, mà cũng chưa chắc được gọi là hàng, vì đơn giản những của ngon vật lạ ở Hà Nội là ở dưới vai, trên chiếc đòn gánh của mấy anh chị bán hàng rong hết. Thạch Lam kể: “Mỗi giờ là một thứ quà rong khác nhau, ăn quà cũng là một nghệ thuật, ăn đúng cái giờ ấy và chọn đúng người bán hàng ấy, mới là người sành ăn”. Nhà văn còn chỉ ta cách thưởng thức món ăn, cách nâng niu tận hưởng hương vị của món ăn để có thể cảm nhận được hết cái “Hà Nội” trong đó. Những tiếng rêu rao lẳng lặng vọng vào trong đêm, những tiếng bước chân lê thê đượm sự mỏi mệt, nhưng chính những tiếng rao ấy, phải chăng là những lời ru của ẩm thực mỗi đêm khuya?
Quà Hà Nội, một món quà thần kì mà chỉ cần gọi tên thôi cũng khiến người phương khác thèm muốn. Hà Nội chỉ gói gọn trong đêm, chén trà đặc nóng hôi hổi thổi bừng lên mặt ăn kèm với miếng bánh khảo bột đầy môi. Hay Hà Nội cũng chỉ là bát bún chả, bát phở đậm đà điểm vài cọng rau thơm buổi sớm. Hoặc Hà Nội cũng “thôn quê” lắm, cái ngon của món xôi nếp với hương thơm nồng nàn bởi mỡ hành khiến người ăn phải xuýt xoa nhớ mãi. Hà Nội đơn giản là một thức quà đầy thanh tao của lúa non (hay còn gọi là cốm). Hà Nội chẳng qua cũng chỉ là một thành phố lũ lượt hàng mạc như bao thành phố khác… Hà Nội chỉ vậy thôi mà sao khi nhắc đến, người ta lại dường như cảm nhận được cái sức hút mê hồn của món ăn trên đầu lưỡi? Vì món ăn Hà Nội riêng biệt lắm, hòa trộn giữa cái hương cổ xưa và nét đẹp của thời đại, để sáng tạo ra những món ăn mang mùi vị chẳng đâu có được. Tác giả là một nhà văn mà tại sao có thể biết rõ ngọn ngành về cách làm món ăn, biết được cách tận hưởng chúng? Phải chăng Thạch Lam còn có một tài năng khác? Đầu bếp chăng? Nhưng tất cả là nhờ một tình yêu Hà Nội, khiến nhà văn có một sự rung động mãnh liệt về vị giác, để một khi thưởng thức món ăn thì chẳng tài nào quên được, mà cũng chẳng muốn quên.

“Hà Nội băm sáu phố phường” chứa đựng cái hơi thở cổ kính rêu phong của một Hà Nội đã xa giờ chỉ còn lại là những kỉ niệm trong tâm tưởng mỗi người. Cuốn sách tựa như một chuyến đi mà bất kì ai cũng hằng mong ước để thỏa mãn cái vị giác khi đến đất Kinh Kì. Thạch Lam là một đứa con của thủ đô, có đôi chút tự phụ và khó tính, với những lời nhận xét đầy ngẫu hứng bằng lời văn chưa bao giờ xưa cũ. Nhà văn tôn vinh việc thưởng thức món ăn tựa như đóng vai một người nghệ sĩ, tạo ra một nét đẹp mãi vẹn nguyên trong văn hóa người Hà Thành. Bằng thể văn tùy bút đầy tinh tế, cuốn sách cũng gợi nhắc cho chúng ta rằng trong văn chương từng có một Hà Nội xinh đẹp, hiền hòa và đậm đà hương vị như thế!

“Những kẻ mộng mơ” của Elvis Nguyễn

Có thể nói sách là thứ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người, sách cho ta tri thức, nuôi dạy tâm hồn và trí tuệ của con người. Và chắc hẳn ai cũng có ít nhất một cuốn sách yêu thích của riêng mình và tôi cũng vậy. “Những kẻ mộng mơ” của Elvis Nguyễn là cuốn sách mà tôi trân quý nhất. Trong một đọc các mẩu tin trên mạng, tôi tình cờ đọc được một vài đoạn trích nhỏ của cuốn sách này, tôi đã nhận ra rằng đây là cuốn sách của cuộc đời tôi.

Có thể khẳng định rằng, cuốn sách này sẽ hấp dẫn bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự thu hút của nó đến từ cách mà tác giả phối màu và trang trí bìa sách. Cuốn sách nhỏ gọn, dài khoảng 17cm, rộng 12cm, tông màu trắng xám rất phù hợp với nội dung của cuốn sách. Mặt bìa bọc bìa bóng sáng, trơn nhẵn. Tác giả thật tinh tế và biết cách chiều lòng bạn đọc khi đính kèm theo cuốn sách những tấm ảnh nhỏ xinh dùng để người đọc viết lại cảm nhận của bản thân.

Hẳn rằng mỗi người chúng ta ai cũng đã có lần cảm thấy rằng mình thật vô dụng, rằng cuộc sống quá nhàm chán khiến ta bất lực, con người ta cảm thấy thật đơn độc, mệt mỏi và đánh mất bản thân mình. Vậy thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Cuốn sách giúp ta tìm lại chính mình, dẫn lối mình đến với bình yên và hạnh phúc. Cuốn sách không hẳn là tản văn hay tiểu thuyết mà có lẽ đơn giản chỉ là một cuốn nhật kí, nhật kí của những người đang theo đuổi đam mê, người theo đuổi danh vọng hay kẻ đang tìm kiếm tình yêu hoặc một thứ gì khác. Bởi vậy ta có thể nhìn thấy được bản thân mình ở trong đó. Tuổi trẻ đầy những hoài bão nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi đau, những vấp ngã khiến ta cảm nhận rõ vị mặn chát của những tổn thương. Ta cảm nhận được vị cuộc đời : “Chúng ta ngủ vùi tuổi thanh xuân của mình trong một quãng đời. Khi tỉnh giấc chúng ta cố gắng tìm hiểu xem mình là ai. Tại sao mình lại tồn tại ở trên đời?” . Vậy tuổi trẻ có gì? Có lẽ là sự cô đơn, sự yếu đuối cùng cực khi đối mặt với cuộc sống. Với lời văn giản đơn không quá màu mè trau chuốt mang lại cho ta nhiều cảm giác chân thực, đầy những cảm xúc lẫn lộn. Ta như có sự đồng điệu với tác giả, từ đó soi chiếu vào bản thân, tìm sự giải thoát cho những khúc mắc trong quá khứ, mở lòng bao dung cho những điều đã qua để trưởng thành, để bắt đầu một hành trình mới.

Trong những tháng ngày, bản thân mệt mỏi muốn chùn bước, cuốn sách là liều thuốc xoa dịu tâm hồn tôi, làm tôi cảm thấy mình được sẻ chia, thấu hiểu. “Tuổi trẻ chúng ta như một giấc mộng dài không lối thoát. Cho tới ngày chúng ta tỉnh giấc và tìm ra hướng đi cho riêng mình”. Tuổi trẻ của tôi đã có lúc là một trang giấy trắng vì sự lạc lối mất phương hướng nhưng đã có lúc nó cũng là trang giấy úa vàng nhuốm màu vì những giọt mồ hôi và cả nước mắt.

“Có những thứ ở lại. Có những thứ sẽ đi. Một lúc nào đó. Một nơi nào đó. Chúng ta bám víu cảm xúc, sự mất mát. Mà trưởng thành. Quên hết tất cả, hay chấp nhận hiện thực rằng chúng ta đã xa?” Mong ai đó an yên cùng tôi. – Elvis Nguyễn

“Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân

Thơ – những âm vần và nhịp điệu dễ nhớ, giản dị mà lại sâu sắc. Tôi thích thơ, nó mang lại cho tôi cảm giác như đang lạc vào một khoảng không gian cùng với tác giả. Trong không gian ấy tôi cảm nhận được cả niềm vui, nỗi buồn và cả sự tiếc nuối mà tác giả mang đến trong tác phẩm. Một bài thơ có thể ngắn có thể dài, nhưng nó lại chứa đựng cả một tư tưởng lớn bao trùm cả một thời đại. Vì chính lẽ đó, tôi đã đến thư viện trường rất thường xuyên để tìm đến những bài thơ hay và tình cờ tôi đã thấy được cuốn sách “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân, trong đó có các tác giả mà tôi yêu thích cùng với các bài thơ của họ. Và như một lẽ tất nhiên, tôi đã mượn nó để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình.

Mở đầu của cuốn sách là một bài phê bình về “Một thời đại trong thi ca”. Tôi đã rất ngỡ ngàng vì có những thứ chưa tiếp xúc và chưa biết. Vì vậy, tôi đã định bỏ nó lại, nhưng Sapphire đã viết : “Tác giả gửi đi những thông điệp và việc của người đọc là giải mã những thông điệp đó một cách thấu đáo nhất có thể”. Quyết tâm của tôi lại nổi lên, tôi mở sách ra và ngồi đọc, tìm tòi tỉ mỉ những thông tin chưa biết. Quả thật, quyển sách đã đem đến cho tôi rất nhiều sự ngạc nhiên.

“Thi nhân Việt Nam” là cuốn sách phê bình về phong trào thơ mới Việt Nam, do hai anh em nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân biên soạn. Đây là một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ thơ mới – những bài thơ lãng mãn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phương tây, ghi nhận lại những tên tuổi nhà thơ và những bài thơ giá trị trong khoảng 1932–1941. Cuốn sách bình luận theo phương pháp chủ quan, được nhiều nhà văn đánh giá rất cao về giọng bình và trình độ cảm nhận của tác giả. Cuốn sách đã tập hợp được rất nhiều tác giả mà tôi yêu thích cũng như các thi nhân ưu tú nhất của thời kỳ này. Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử,…Tổng cộng có tất cả 44 nhà thơ và Tản Đà – nhà thơ giao thoa giữa hai thời đại cũ và mới được ở “ghế danh dự”.

Tác giả đã viết “Thi nhân Việt Nam” một cách rất tỉ mỉ và chân thành. Đây là một tài liệu tốt để rèn luyện kĩ năng lí luận văn học. Cuốn sách sẽ đem lại cho bạn những kiến thức phong phú. Chẳng hạn như ông đã nói rằng không thể lấy độ dài để định giá một bài thơ; nêu cách nhận diện thơ mới sao cho đúng đắn, là phải “sánh bài hay với bài hay”, bởi lẽ “cái tầm thường, cái lố lăng chẳng phải của riêng một thời nào”. Đồng thời ông cũng nói lên hai thời đại bao gồm trong cái ta chung và cái tôi riêng, tấn bi kịch của các nhà thơ mới, gợi ý cho họ lối thoát bằng tình yêu tiếng Việt.

Có một câu văn đặc biệt được trích dẫn ở nhiều tư liệu: “Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”. Câu văn này thật sự rất hay, nó như một sự tổng kết cho một thời đại rực rỡ huy hoàng của thơ ca. Và nó cũng được rất nhiều thế hệ sau nhớ đến để mang theo suốt chặng đường đời của mình. Hoài Thanh, Hoài Chân đã làm rung động cả một thế hệ theo sau như vậy.

“Thi nhân Việt Nam” cũng đã trải qua một thời thăng trầm. Khi nó mới được xuất bản, người ta phủ nhận nó vì nó dám khen cái thứ “thơ buồn”. Nhưng điều càng bất ngờ hơn chính là Hoài Thanh cũng không ít hơn một lần chối bỏ nó. Có lẽ vì nó không hợp thời hợp thế chăng? Một cuốn sách tổng kết lại cả một giai đoạn thơ ca khi mới xuất hiện bị người ta phủ định, thì dần dà về sau, khi nhìn lại những tác phẩm ấy, ta mới hiểu rõ, mới sâu sắc cảm nhận được sự đánh giá, phê bình của tác giả dành cho một quãng thời gian đổi mới. Cuốn sách dù đã được trả về đúng vị trí, giá trị của nó nhưng thật đáng tiếc, Hoài Thanh đã mất, và cũng đem theo một nỗi niềm u uẩn.

“Thi nhân Việt Nam” là một cuốn sách rất hay. Nó phù hợp với những người yêu thơ ca. Nó cũng phù hợp với những ai muốn tìm nguồn tư liệu để tích lũy kiến thức, nâng cao khả năng lí luận văn học. Cuốn sách không phải cứ đọc ngày một ngày hai là xong, mà trong từng câu chữ, ta phải ngẫm đi ngẫm lại rất nhiều lần để hiểu được ý nghĩa của nó. Tin tôi đi, thời gian của bạn sẽ không lãng phí nếu bạn dùng để đọc và ngẫm cuốn sách này. Đọc xong sách, tôi cảm nhận sâu sắc rằng Hoài Thanh không hổ danh là nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của Văn học Việt Nam hiện đại. “Thi nhân Việt Nam” chính là cuốn sách hay nhất viết về Thơ mới, và cũng là một trong những cuốn sách hay nhất của phê bình văn học Việt Nam.

“Cuộc đời của Pi” – Yann Martel

Mỗi chúng ta, ai ai cũng đều có những sở thích riêng và bản thân tôi cũng vậy. Từ lúc còn nhỏ, tôi luôn đam mê đọc sách, tôi thích rất nhiều thể loại sách và thật may mắn, tôi đã đọc được nhiều sách hay. Trong số đó, cuốn sách để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn: “Cuộc đời của Pi” của nhà văn nổi tiếng người Canada có tên là Yann Martel. Đây là tác phẩm rất thành công của ông: Năm 2002, cuốn sách giúp tác giả giành được giải Man Booker và nhiều giải thưởng khác. Đây là một câu chuyện có thật về cuộc đời của một cậu bé người Ấn Độ đã sống sót sau 227 ngày lênh đênh trên Thái Bình Dương với chiếc thuyền cứu sinh cùng chú cọp Bengal hung dữ và nguy hiểm sau khi chuyến tàu đến Bắc Mỹ của mình bị nhấn chìm bởi một cơn bão lớn. Tác phẩm đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên năm 2013 và đạt được 4 giải Oscar.

Cậu bé Piscine Molitor Patel, hay còn được gọi là Pi, con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa. Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và nhấn chìm, còn Pi mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Bengal có tên Richard Parker, một con linh cẩu, một con đười ươi và một con ngựa vằn. Cuối cùng, sau những xung đột giữa những con thú ở trên thuyền thì chỉ còn lại chú hổ hung tợn Richard Parker và Pi lênh đênh trên biển. Pi đã trãi qua nhiều thử thách cực độ cả về tinh thần lẫn thể xác. Khi chiếc tàu bị chìm, Pi được ném xuống biển trên một chiếc tàu cứu sinh với một số lượng thực phẩm và đồ cấp cứu rất hạn chế. Pi buộc phải thực hiện một kế hoạch sống sót với một thời gian không chắc chắn trên vùng biểu sâu và khắc nghiệt. May mắn thay, Pi đã tìm ra một cuốn sổ tay giúp anh lập được kế hoạch cho thời gian sống sót của mình.

Tuy nhiên, cuộc đấu tranh dành sự sống của Pi trở nên vô cùng khắc nghiệt khi người bạn đồng hành của Pi là một con hổ Bengal trưởng thành, nó là mối nguy hại đe dọa tính mạng Pi từng giây từng phút. Khi Pi bất ngờ tìm thấy con hổ Richard Parker trên thuyền cứu sinh, anh quyết định ném tất cả vật dụng và thức ăn dự trữ trên thuyền sang chiếc bè, cột chiếc bè với thuyền cứu sinh và chuyển sang sống trên chiếc bè để tránh bị con hổ ăn thịt. Ngay lúc đó, có vẻ đó là một quyết định khôn ngoan, vì anh vẫn chưa hình dung được những nguy hiểm lớn hơn mà anh chưa bao giờ biết đến.Thật không may, vào một buổi tối, một con cá voi khổng lồ xuất hiện lật úp chiếc bè, vứt đi tất cả nguồn thực phẩm dự trữ và nước ngọt. Pi đã phải chịu đựng những cơn đói hành hạ. Lúc đó Pi nhận ra rằng sống chung với con hổ Parker trên thuyền có lẽ là một sự lựa chọn tốt hơn. Cuối cùng, nhờ những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã thành công trong việc thuần hóa Richard Parker. Chính con hổ là cái neo giúp Pi bám lấy cuộc sống và duy trì sự sống của cả cậu và Richard cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Richard Parker đã trở về với cuộc sống hoang dã không lời từ biệt người bạn đồng hành. Còn Pi được cứu sống nhờ những người dân Mê- Hi Cô.

Khi đã đọc tác phẩm “Cuộc đời của Pi”, tôi chắc bạn sẽ rút ra nhiều bài học lớn trong cuộc sống .Bài học đầu tiên tôi rút ra được là, người đọc có thể rút ra từ câu nói của cha Pi đã từng nói với cậu bé rằng: “Nếu con tin vào mọi thứ thì rốt cuộc con sẽ không tin vào điều gì cả”. Cha của Pi nói điều này với Pi tại bàn ăn trong một buổi ăn tối khi ông nhận ra sự tò mò của con trai về các tôn giáo khác nhau và muốn làm theo các tôn giáo ấy cùng một lúc. Lời nói của ông đã đúng không chỉ trong tín ngưỡng tôn giáo mà trong cả cuộc sống hàng ngày. Nếu chúng ta theo đuổi nhiều con đường khác nhau cùng một lúc sẽ nhanh chóng hủy hoại nguồn lực và cuối cùng là vỡ mộng với toàn bộ quá trình.

Trên hết, bài học quan trọng nhất mà tôi rút ra cho bản thân chính từ câu chuyện về lập kế hoạch sinh tồn của Pi. Cuộc đời của Pi là một câu chuyện của tính kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc thậm chí trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Cho dù giữa đại dương bao la, bão to, sóng lớn, cá voi, hổ dữ…, Pi không bao giờ từ bỏ hy vọng sống sót. Thay vì đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, chấp nhận cái chết, Pi đã vượt qua tất cả bằng ý chí kiên cường, bằng tất cả kĩ năng sống và sự hiểu biết và niềm tin của mình. Pi luôn tự nhắc nhở bản thân: “Arrange the boat neatly to prepare for the battle to survive: Make a meal schedule, a guard schedule, and a schedule of break. Do not drink urine or sea water. Keep yourself busy but avoid unnecessary efforts. Be able to keep the mind working by playing cards. Singing is also a way to raise the spirit and above all never give up hope…” tạm dịch là: “…Sắp xếp thuyền gọn gàng chuẩn bị cho trận chiến để sinh tồn: Lập một lịch ăn, lịch canh gác, lịch nghỉ ngơi. Không uống nước tiểu hay nước biển. Giữ mình bận rộn nhưng tránh phí sức không cần thiết. Có thể giữ trí óc hoạt động bằng cách chơi bài. Hát cũng là cách để lên tinh thần nhưng trên hết không được mất hy vọng…”. Thật sâu sắc, trong cuộc sống chắc chắn tôi và bạn sẽ phải có nhiều lúc cần phải lập kế hoạch một cách khoa học cho nhiều tình huống khác nhau, cần thích nghi để tồn tại ngay cả khi đó là những tình huống trớ trêu nhất, chúng ta vẫn có thể có một cuộc sống ý nghĩa và nhất là không bao giờ từ bỏ hy vọng. Chúng ta cần hiểu triết lý vô thường của cuộc sống, những khó khăn chỉ là tạm thời. Ngay cả khi bạn đã thử hết tất cả mọi cách thì bạn cũng có khả năng thử lại. Hãy luôn nhớ rằng, luôn có ai đó quan sát bạn và bạn luôn có lý do để cố gắng. Sẽ luôn có cơ hội cho bạn, như Pi khi đang đói bỗng nhiên có cá bay cung cấp thực phẩm, có cơn mưa rào cung cấp nước ngọt, có hòn đảo để nghỉ ngơi…

Có thể nói “Cuộc đời của Pi” là một kiệt tác về cuộc hành trình khắc nghiệt đến ngạt thở của nhân vật chính để chinh phục sự mất mát, sợ hãi, đau khổ bằng nghị lực sinh tồn, niềm tin và sự hiểu biết. Tôi nghĩ, còn gì thú vị hơn vào mỗi buổi cuối tuần rảnh rỗi, được ngồi thưởng thức những cuốn sách hay như “Cuộc đời của Pi”. Tôi xin giới thiệu cuốn sách này với những người yêu động vật, yêu cuộc sống và không bao giờ gục ngã trước những biến cố trong cuộc sống.

Hạt giống tâm hồn (mẫu 3)

Cuộc sống ở nơi thành phố tấp lập, ồn ào hối hả khiến con người ta cũng trở nên vội vã theo. Cuộc sống của tôi cứ dần trôi qua theo nhịp sống như vậy, những khoảng thời gian bình yên nhất với tôi có lẽ là lúc tôi ngồi vào bàn học đọc những cuốn sách bất hủ về cuộc sống, về gia đình, về tình yêu …. Thế giới của sách là cả một thế giới của tri thức rộng lớn. Đọc sách là chúng ta vừa được học hỏi vừa được trò chuyện với những người thông minh. Đối với tôi sách vừa là bạn vừa là thầy. ”Hạt giống tâm hồn” – Cuốn sách tôi tâm đắc nhất, cuốn sách đã thay đổi nhận thức của tôi về mọi thứ xung quanh.

Tôi tình cờ tìm được nó trong kệ sách của anh họ, chưa cần biết nội dung sách là gì nhưng khi đọc lên nhan đè của sách: ”Hạt giống tâm hồn – Góc nhìn kì diệu của cuộc sống ” tôi đã cảm thấy vô cùng thích thú và ấn tượng. Duyên phận thay, cuốn sách đó lạ trở thành món quà sinh nhật thật ý nghĩa năm tôi tròn 15 tuổi. Trong niềm vui sướng bắt đầu từ tối hôm đó dưới ánh điện vàng, tôi bắt đầu chiêm nghiệm những mẩu chuyện về cuộc sống. ”Tại sao các tác giả lại đặt tên sách là” hạt giống tâm hồn”?” đó câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra cho mình, nếu giải thích được có nghĩa là tôi đã nắm được năm mươi phần trăm nội dung cuốn sách và ý nghĩa tác giả muốn gửi gắn đến bạn đọc. Trước hết ” hạt giống” là mầm cây xanh đầy sức sống đang nhô mình ra khỏi mặt đất. ”Tâm hồn ” là nơi chất chứa bao kỉ niệm, cảm xúc … của mỗi chúng ta. Mỗi người đều có kí ức riêng dù buồn hay vui nhưng nó chắc chắn đã in sâu vào trong tâm chí chúng ta. ”Hạt giống tâm hồn” là nơi nuôi dưỡng những kí ức gieo mầm, giữ gìn và vun xới hạt mầm tốt đẹp đó trong lòng mỗi người. Để cái đẹp át đi cái xấu và để con người đối với nhau bằng một tình yêu thương.Mỗi một ngươi có một kí ức riêng một tâm hồn riêng nhưng đọc cuốn sách này tất cả những tâm hồn riêng đó sẽ hoà chung cùng một “ tâm hồn “ rộng lớn hơn ,nhân văn hơn..

“Hạt giống tâm hồn -Góc nhìn kì diệu của cuộc sống“ có thể nói là một người thầy đối với ta. Sách dạy ta cách sống làm sao cho đúng, cách đối nhân xử thế với những người xung quanh, cho ta những bài học bổ ích ,…nhất là những lứa tuổi học sinh như tôi thì sách giúp tôi có được những kĩ năng cần thiết để chính thức bước vào đời. Những buổi chiều chủ nhật yên bình , kết thúc một tuần học tập hoạt đọng vất vả, tôi lại ngồi vào bàn học thư giãn cùng những “người bạn “ của tôi. Bầu trời trong nắng nhẹ gió thổi vi vu nhè nhẹ lên qua tóc tôi,những lúc như vậy tâm hồn tôi chợt rung động khiến những gì sách viết tôi đều thấm nhuần một cách nhanh chóng. Cảnh vật tác động trực tiếp đến tâm hồn mỗi người cho họ cảm hứng, sự vui vẻ và đôi khi là cả nỗi buồn. Sách cũng vậy nhất là những cuốn sách viết về cuộc sống như hạt giống tâm hồn. Mỗi câu chuyện trong cuốn sách như một sắc màu truyền tải những thông điệp khác nhau cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau.

Mở đầu tác phẩm là lời giới thiệu về ý nghĩa cuộc sống”có thể nói cuộc sống với tất cả những khổ đau và hạnh phúc nước mắt và nụ cười chia ly và sum họp ….không ngừng khiến trái tim ta thổn thức. ”Đọc tác phẩm này đôi khi ta bắt gặp ngay chính bản tân mình trong đó trong một hoàn cảnh nào đó rõ ràng ta đã sai. Những câu chuyện hàng ngay tưởng chừng như vô vị lại mang giá trị rất lớn như câu chuyện về người đàn ông 40 tuổi muốn học nghề y nhưng cứ do dự mãi vì 6 năm sau nữa anh đã 46 tuổi rồi. Một người bạn nói với anh rằng “nếu không học nghề y, thì 6 năm nữa cậu cũng 46 tuổi vậy” câu nói đó khiến anh đi đăng kí học ngay hay câu chuyện về người phụ nữ tên Florence Chadwick – người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển Manche. Đó là những câu chuyện về sự quyết tâm đạt đến ước mơ của mình. Sách cho ta cách sống tốt nhất, những bài học nhân sinh quý báu” bạn hãy cứ theo đuổi ước mơ, nhưng dừng đẻ thành công làm thay đổi trái tim nhân ái thuở ban đầu.Khi trái tim thay đỏi thì thái độ của bạn cũng thay đổi: thái độ thay đổi thì thói quen cũng thay đổi; khi thói quen thay đổi thì tính cách cũng thay đổi ; khi tích cách thay đổi thì toàn bộ cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi”.

Đó chỉ là một trong hàng chục những triết lý sống mà sách gửi gắm đến người đọc.

Cuốn sách “Hạt giống tâm hồn – góc nhìn kì diệu của cuộc sống”đã để lại cho tôi nhiều bài học quý báu .Cuộc đời con người vốn rất ngắn ngủi hay vì cứ rong chơi rồi đến điểm cuối của cuộc đời lại đâm hối hận , chi bằng hãy lao động tích cực đi. Ít nhất lúc quay đầu lại ta cũng nhận mình đã nếm trải những gì.

Cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích: Không gia đình

Tôi là một đứa bé mồ côi…

Sinh ra trong một gia đình thiếu đi cái siết chặt từ bàn tay cha, và cái ôm ấm áp của mẹ. tôi đã luôn ước ao có được sự may mắn như bao đứa trẻ khác, nhưng cuộc sống chẳng rộng lòng cho ai tất cả, tôi đã thực sự sụp đổ khi đối diện trước những khổ đau ấy. Nhưng bất ngờ tìm thấy và đồng cảm với cuốn sách của một tác gia nổi tiếng Hector Malot, trong cuốn sách đã chứa đựng những khoảnh khắc đôi khi làm tôi đau đớn nhưng đôi khi lại thấy mình thật hạnh phúc.

Bão giông có thể đến và lấy đi hạnh phúc của bất cứ một ai, điều quan trọng ở đây là cách ta đón nhận những nghịch cảnh đó và đối mặt với chúng ra sao để làm cho những điều bình dị trở nên phi thường. Giống như cách mà cậu bé Remi trong tác phẩm “KHÔNG GIA ĐÌNH” mà tôi sắp sửa chia sẻ cho tất cả các bạn, cho những người đã và đang cần “động lực” để sống.

“Không gia đình” kể về cuộc phiêu bạt của Rêmi – một cậu bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, sống với mẹ nuôi ở một vùng quê hẻo lánh. Sau đó, em đi theo đoàn xiếc chó, khỉ của Vitali – một cụ già từng trải và đức độ, đi chu du và biểu diễn khắp mọi miền nước Pháp. Remi đã lớn lên trong sự gian khổ của cuộc hành trình. Nhiều lúc cả đoàn được ăn no mặc ấm, cũng có lúc phải đi trong trời đông giá rét, dưới cơn bão tuyết, nhịn ăn tưởng chết đến nơi. Rồi cụ Vitali mất, chỉ còn Rêmi và chú chó Capi trung thành. Từ đây em tự lập, không những lo cho mình, em còn cưu mang chú bé Matchia vào gánh hát rong. Họ đã trở thành đôi bạn thân, cùng nhau phiêu bạt, cùng chịu đựng gian khổ và cùng sẻ chia niềm sung sướng. Nhưng cuộc đời em đâu đã hết gian truân! Đã có lúc em bị kẹt dưới hầm mỏ lụt đến mười bốn ngày đêm. Có lúc khác, em vào nhầm nhà một tên vô lại vì tưởng đó là cha đẻ của mình. Rồi em lại phải vào tù vì bị mắc án oan…Nhưng dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, em vẫn noi theo nếp sống của cụ Vitali: giữ gìn nhân phẩm, ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, nhớ ơn nghĩa, luôn làm người có ích. Cuối cùng, giống như những kết thúc có hậu trong các câu chuyện cổ tích, Rêmi tìm lại được gia đình thật sự của mình và sống hạnh phúc bên những người thân yêu.

Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rêmi ta thấy được nhiều điều về số phận khổ đau của con người…Trước hết là Rêmi – nạn nhân của cuộc tranh giành quyền thừa kế tài sản. Em sống cuộc đời phiêu bạt của kẻ hát rong và phải chịu bao nhiêu gian khổ mới tìm lại được gia đình. Cuộc đời của cụ Vitali cũng là một bi kịch. Cụ vốn là một người đứng trên bậc cao nhất của nấc thang xã hội, nhưng cuối cùng lại phải làm nghề xiếc chó sống qua ngày. Sức lực của cụ bị bào mòn bởi sự khắc nghiệt của xã hội. Để rồi cụ chết, chết vì không tin vào lòng tốt của con người. Còn cả chú bé Matchia luôn bị đánh đập, hành hạ bởi ông chủ. Liệu còn số phận nào đáng buồn hơn thế? Nhưng cuốn sách này không chỉ có toàn đau khổ, nó cũng có nhiều điều thú vị để đọc, để cảm thấy vui vì những giá trị tốt đẹp của con người. Trước hết là tình cảm gia đình, tình thương của cụ Vitali dành cho Rêmi. Cụ đã dạy em nhiều điều hay lẽ phải để tồn tại trong thế giới khắc nghiệt. Bà Miligan và Arthur cũng yêu Rêmi. Họ chăm sóc, cưu mang khi em rơi vào tình trạng khó khăn nhất.Và cũng thật thiếu sót nếu không kể đến tình bạn thắm thiết giữa Rêmi và Matchia. Hai em sống đùm bọc nhau, chia sẻ đắng cay ngọt bùi,luôn sát cánh cùng nhau trong hoạn nạn. Câu chuyện này còn ca ngợi lao động, ca ngợi tinh thần tự lập tự tin của giới trẻ.

“Tiến lên! Thế giới mở rộng trước mắt tôi, tôi có thể dời chân xuống nam hay lên bắc, sang đông hay qua đoài tùy lòng.

Tôi chỉ là một đứa trẻ con, thế mà tôi đã làm chủ cuộc đời của tôi”

Hãy đắm chìm dòng cảm xúc của mình vào những trang sách để bản thân tự tin bước qua những thách thức mà cuộc sống đặt ra và để trái tim ta cảm nhận được thế giới này cần lắm những tình yêu thương như thế. Tuổi trẻ đừng ngại đương đầu với khó khăn bởi nếu không bị lạc đường ta sẽ khó biết mình vốn rất sợ hãi, nếu không bị dối gạt ta sẽ khó biết mình rất dễ tổn thương, nếu không bị bỏ rơi ta sẽ khó thấy được tính yếu đuối và dựa dẫm của mình. KHÔNG GIA ĐÌNH là một tác phẩm đầy tính nhân văn, đã mang đến cho độc giả những giá trị tinh thần tồn tại mãi theo năm tháng. Tác phẩm như ngọn đèn soi rọi cho biết bao tâm hồn thoát khỏi những bóng đêm của cuộc đời. Và cũng để những ai “có gia đình” suy ngẫm, làm sao sống cho tốt, xứng đáng với cái may mắn mà số phận ban cho.

Nếu như trong cuộc sống, sự hiến tặng đem tới niềm vui thì sự chia sớt lấy đi nỗi khổ. Ai rồi cũng sẽ có lúc rơi vào vũng lầy khổ đau hay tuyệt vọng. Thật không có gì quý giá bằng ngay trong lúc ấy có một cánh tay vững chãi cho ta tựa vào và truyền thêm sức mạnh giúp ta đủ can đảm để vượt qua. Bàn tay ấy có thể không đủ sức kéo ta khỏi vũng lầy bất hạnh nhưng nó đã làm nỗi khổ đau kia vơi đi ít nhiều. Đó là lý do mà ta luôn cần có nhau trong cuộc đời này.

Thật sự cảm ơn ông, Hector Malot!

Bạn thích cuốn sách nào trong số những cuốn sách trên? Nếu bạn đã đọc chúng, hãy chúng tôi biết cảm nhận của mình và giới thiệu thêm những cuốn sách hay khác để mọi người cùng đọc nhé.

Top 10 Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của Hạ Tri Chương

Top 10 Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của Hạ Tri Chương

Hạ Tri Chương (659-744) đỗ tiến sĩ năm 695, sinh sống, học tập và làm quan trên 50 năm ở kinh đô Trường An, rất được Đường Huyền Tông vị nể. Sau đó, ông xin từ quan về làm đạo sĩ. Ông là bạn vong niên của thi hào Lí Bạch, thích uống rượu, tính tình hào phóng. Đến nay, ông còn để lại 20 bài thơ. Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” được viết nhân lần tác giả tình cờ về thăm quê vào năm 744, khi ông đã 86 tuổi. Bài thơ thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc, hóm hỉnh mà ngậm ngùi tình yêu quê hương thắm thiết của một người sống xa quê lâu ngày, trong khoảnh khắc vừa mới đặt chân trở về quê cũ. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích tác phẩm đã được phongnguyet.info tổng hợp trong bài viết sau đây.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 1

Bài thơ Hồi hương ngẫu thư là một bài thơ hay gợi cho ta nhiều xúc động. Tác giả sử dụng tiểu đối thành công, tạo nên những vần thơ hàm súc, gợi cho người đọc bao liên tưởng về nỗi lòng của khách li hương. Bài thơ là tiếng lòng của Hạ Tri Chương, yêu quê hương tha thiết, thuỷ chung, thấm đẫm trên từng vần thơ.

Hạ Tri Chương một thi sĩ lớn đời Đường. Ông sinh (659 – 744) quê ở Cối Khê – Chiết Giang – Trung Quốc. Ông đậu tiến sĩ năm 36 tuổi, là đại quan của triều Đường được nhà Vua và quần thần rất trọng vọng. Thơ ông chan chứa lòng yêu quê hương đất nước. Một trong những bài thơ đặc sắc về chủ đề này được người đời truyền tụng là Hồi hương ngẫu thư:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Cũng như Lý Bạch, Hạ Tri Chương xa quê từ lúc còn thơ bé. Quê hương với bao kỉ niệm thân thương, gần gũi với tuổi thơ ấu của mỗi người. Có lẽ chẳng mấy ai muốn xa quê, nơi đã gắn bó thành máu, thành hồn. Mở đầu bài thơ bằng thủ pháp tiểu đối đã nêu lên một cảnh ngộ: tác giả phải từ biệt gia đình từ lúc ấu thơ, từ nhỏ không được sống ở quê. Nơi đất khách quê người gợi bao buồn khổ. Rồi đến khi tóc đã pha sương mới có dịp được trở về:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi

(Khi đi trẻ, lúc về già)

Xa quê từ ngày còn thơ bé, khi trở lại đã già rồi. Thời gian cách biệt không phải là 3 năm, 15 năm mà hơn nửa thế kỉ, gần một đời người sao lại không thương nhớ? Cảnh ngộ ấy là bi kịch của vị quan đời Đường trên con đường công danh. Cuộc đời đầy sóng gió, con người ta với một lần sinh ra và một lần vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng. Do vậy cuộc sống của họ luôn cố gắng phấn đấu cho được một chút công danh. Với Hạ Tri Chương công danh đã thành đạt nhưng phải li gia, xa quê nhà yêu dấu của mình. Có thế nói rằng đây chính là khối sầu, là một nỗi đau của bất cứ ai lâm vào cảnh ngộ này.

Ra đi từ lúc ấu thơ và khi trở lại

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Ở đây tác giả dùng phép tiểu đối để khẳng định tình cảm của tác giả với quê nhà. Quê hương trở thành máu thịt, tâm hồn đối với mỗi con người. Nó trở thành một phần cuộc đời của mỗi con người. Do vậy suốt một đời xa quê, mái tóc đã điểm sương, nhuốm màu của thời gian, gió sương cát bụi phong trần, nhưng hương âm (giọng quê) vẫn không thay đổi. Giọng quê chính là hơi thở, tiếng nói của quê hương. Trong giọng nói ấy mang hơi thở của đất mẹ, của quê cha đất tổ mà dẫu ở phương trời nào cũng không thay đổi. Chi tiết này cho thấy tình cảm của tác giả luôn gắn bó với quê hương, nơi dòng sữa ngọt ngào, tiếng ru, tình thương của mẹ hiền…Chỉ có những kẻ mất gốc thì mới thay đổi giọng quê, mới coi thường tiếng mẹ đẻ.

Trong cái biến đổi sương pha mái đầu và cái không đổi “giọng quê vẫn thế” thể hiện tấm lòng chung thuỷ, sắt son với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tình cảm ấy thật đẹp, thật đáng tự hào với Hạ Tri Chương. Hơn nửa thế kỉ làm quan phục vụ triều đình tại Kinh đô Tràng An, đứng trên đỉnh cao danh vọng, sống trong nhung lụa vàng son thế mà tình cố hương trong ông vẫn không thay đổi. Đó là điều đáng kính phục. Trở về nơi mà gần cả cuộc đời đã xa nó, đương nhiên sẽ gặp những nghịch lý.

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Khi đi xa nay trở lại nhà đã trở thành khách lạ, khi đi cũng như lũ trẻ bây giờ, lúc này trở lại đã là bác, là ông. Thời gian xa quê đằng đẵng theo năm tháng. Bạn bè tuổi thơ ngày xưa ai còn ai mất? Có lẽ họ cũng đã “sương pha mái đầu” cả rồi. Ngoảnh lại thời gian ôi đã ngót gần hết một đời người. Thời gian trôi đến không ngờ.

Trẻ con nhìn lạ không chào

Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?

Một câu hỏi hồn nhiên ngây thơ của nhi đồng để lại trong lòng tác giả nỗi buồn man mác bâng khuâng. Tuổi già sức yếu mới trở lại cố hương. Tình yêu quê hương của Hạ Tri Trương đẹp đẽ biết bao. Ta còn nhớ Tố Hữu đã từng viết:

Ngày đi, tóc hãy còn xanh

Mai về, dù bạc tóc anh, cũng về!

(Nước non ngàn dặm)

Bài thơ Hồi hương ngẫu thư là một bài thơ hay gợi cho ta nhiều xúc động. Tác giả sử dụng tiểu đối thành công, tạo nên những vần thơ hàm súc, gợi cho người đọc bao liên tưởng về nỗi lòng của khách li hương. Bài thơ là tiếng lòng của Hạ Tri Chương, yêu quê hương tha thiết, thuỷ chung, thấm đẫm trên từng vần thơ.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 2

Cùng nói về chủ đề nhớ quê hương, Lí Bạch trong bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh với giọng văn nhẹ nhàng mà thấm thía cho người đọc thấy tình cảm của người con thấy trăng mà nhớ về quê hương. Còn trong bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương lại đem đến cho người đọc những cảm xúc, tình cảm mới mẻ, đặc sắc riêng.

Tác phẩm được ông viết sau hơn năm mươi năm xa cách quê hương, cho đến những ngày cuối đời, ông từ quan trở về quê nhà. Hồi hương ngẫu thư bao gồm hai bài thơ, bài được trích trong sách là bài thơ thứ nhất. Tác phẩm không chỉ thể hiện tình yêu quê hương tha thiết mà còn thể hiện nỗi xót xa, ngậm ngùi khi trở về quê nhà.

Hai câu thơ đầu nêu lên hoàn cảnh về quê: “Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi/ Hương âm vô cải mấm mao tồi”. Câu thơ là kể mà thực chất là để bộc lộ nỗi niềm, tâm trạng: khi đi tuổi trẻ, cống hiến hết sức mình cho đất nước, khi trở về đã là ông lão râu tóc bạc trắng. Nghệ thuật đối lập: thiếu tiểu – lão đại, li gia – hồi càng khiến nỗi xót xa trở nên đậm nét hơn. Nửa đời người ông đã xa quê hương, nay trở về thời gian được sống, được gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn còn lại vô cùng ngắn ngủi. Bởi vậy câu thơ vang lên như một lời thở than đầy ngậm ngùi.

Câu thơ thứ hai thể hiện rõ nhất tình yêu quê hương của ông. Câu thơ này ông tiếp tục sử dụng nghệ thuật đối: hương âm – mấm mao, vô cải – tồi. Bao trùm lên toàn bộ câu thơ là sự tương phản, đối lập giữa cái đổi thay và cái không đổi thay. Thời gian có thể làm thay đổi ngoại hình, diện mạo, sức khỏe, tuổi tác của một con người nhưng không thể làm mất đi hồn cốt quê hương trong con người ấy. Hạ Tri Chương cũng như vậy, dù nửa đời người phải xa cách quê hương, mái tóc đã pha sương nhưng có một thứ duy nhất không thay đổi, chính là giọng quê. Tác giả đã lấy cái thay đổi để làm nổi bật lên cái không thay đổi, từ đó khẳng định tình cảm gắn bó máu thịt, bền chặt cuả mình với quê hương. Hai câu thơ cuối tạo ra tình huống bi hài:

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai

Xa quê đã lâu ngày, trẻ con nhìn thấy không chào cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù thế, rơi vào tình huống đó lòng ông cũng không khỏi ngậm ngùi, chua xót. Câu thơ phảng phất nỗi buồn sau nụ cười đùa vui, hóm hỉnh.

Ta có thể thấy sự chuyển đổi giọng điệu giữa hai câu đầu và hai câu sau khá rõ nét. Nếu như hai câu đầu chủ yếu mang giọng khách quan, cái ngậm ngùi chỉ được thể hiện ngầm ẩn. Dấu ấn thời gian in đậm nét trong các câu thơ, mọi thứ đều thay đổi duy chỉ có giọng quê là vẫn giữa nguyên. Trong hai câu sau hoàn cảnh trở nên ngang trái, trớ trêu: nhà thơ trở thành khách trên chính quê hương của mình. Sự tươi tỉnh, hồn nhiên, cùng câu hỏi của bọn trẻ đã làm rõ hơn sự thay đổi của con người, của quê hương. Như vậy, ẩn sau giọng điệu bi hài, hóm hỉnh là cảm giác buồn bã, ngậm ngùi của một người con luôn tha thiết yêu quê hương.

Bài thơ có kết cấu độc đáo, giữa hai phần tự nhiên, hợp lý, gây được bất ngờ cho người đọc. Tác giả vận dụng nghệ thuật đối tài tình cho thấy sự đổi thay của nhiều yếu tố song chỉ có tình yêu quê hương của tác giả là không đổi. Ngôn ngữ dồn nén, giàu sức biểu cảm.

Với lớp ngôn từ vừa đùa vui, hóm hỉnh vừa ngậm ngùi, buồn bã đã cho thấy tình yêu quê hương tha thiết, sâu nặng của tác giả. Qua tác phẩm này ta cũng thấy được tình yêu quê hương là một tình cảm thiêng liên và đáng trân trọng.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 3

Tha hương, xa xứ là nỗi bi kịch lớn trong đời của mỗi người, nhất là đối với các nhà thơ có tâm hồn nhạy cảm, họ càng thấm thía và đau xót hơn về nỗi đau ấy. Hạ Tri Trương là người từng trải qua nỗi sầu xa sứ, ông phải rời quê từ thuở trẻ để lên kinh đô lập nghiệp. Ở nơi đất khách quê người nỗi nhớ cố hương luôn thường trực canh cách trong lòng ông, chính vì thế được trở về quê hương lòng người trào dâng bao cảm xúc khôn tả. Bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”, Hạ Tri Trương đã thể hiện sâu sắc khoảnh khắc vừa chân thực vừa xúc động nghẹn ngào của một người con xa quê lâu ngày trở về.

Bao năm xa quê sống ở nơi đất khách với cuộc sống mới có vinh hoa phú quý, có công danh sự nghiệp những quê hương vẫn là bến đỗ bình yên mà nhà thơ luôn hướng về: “Thiếu tiểu lí gia lão đại hồi”. Câu thơ thoáng qua ngỡ chỉ là lời kể đơn thuần chân thực những phải cảm nhận kĩ mới thấy được nó chất chứa bao nghịch cảnh buồn thương, đau xót. Những cặp từ đối lập thiếu – lão, tiểu – đại mở ra vòng xoay của thời gian, đó cũng là thước đo độ dài quãng thời gian xa quê của tác giả.

Khoảng cách từ thuở trẻ đến khi đã già thực sự rất dài, nó đằng đẵng, mênh mông triền miên gần một kiếp người. Câu thơ đã cho thấy sự đau xót, tiếc nuối về khoảng thời gian đã qua với những điều còn chưa trọn vẹn. Tuổi trẻ rời quê ra đi, mải miết chạy theo con đường công danh, khi công thành danh toại cũng là lúc tuổi trẻ đã tàn phai, trong phút giây lắng lại của cuộc đời, quê hương vẫn là nơi duy nhất nhà thơ tìm về, điều này cho thấy trái tim ông chưa bao giờ thôi hướng về cội nguồn, gốc rễ của mình.

Chính những tình cảm sâu nặng đối với quê hương đã khiến ông luôn trân quý và giữ gìn những gì thuộc về bản sắc quê nhà, trong đó tiêu biểu nhất là giọng quê. “Hương âm vô cải mấn mao tồi”. Thời gian lạnh lùng trôi làm tàn phai tuổi trẻ của con người, sóng gió cuộc đời xô bồ làm bạc đi mái tóc của con người nhưng tất cả những điều đó không bao giờ làm phái mờ dấu ấn của quê hương đó là giọng quê. Sắc điệu giọng nói của con người chính là sự biểu hiện cụ thể của chất quê, hồn quê. Câu thơ với thủ pháp đối đã cho thấy cái đổi thay và điều bất biến của con người tác qua đó nhấn mạnh sự bền bỉ, nguyên vẹn của tình cảm quê hương trong tâm hồn tác giả.

Hạ Tri Trương ở nơi kinh đô, được nhà vua trọng dụng, cuộc sống nơi phồn hoa hoàn toàn cho phép ông có thế quay lưng với quê hương, thay đổi tất cả để trở thành con người đô thị quyền quý, sang trọng. Thế nhưng ông vẫn giữ được giọng quê, giữ được những cốt cách, gốc gác của quê nhà, điều này thực sự rất đáng trân trọng. Bao năm xa quê nhưng tình quê không đổi, câu thơ đã cho thấy tấm lòng thủy chung, son sắt một lòng hướng về quê hương của nhà thơ.

Yêu quê hương tha thiết, gắn bó thủy chung với cội nguồn của mình, cho nên Hạ Tri Trương luôn mong muốn một ngày được trở về, gặp lại người thân bạn bè, gặp lại những kí ức của một thời đã qua trong niềm hân hoan, chào đón. Vậy mà chính khoảnh khắc trở về quê cũ, ông đã phải trải qua bi kịch trở thành người khách lạ trên chính quê hương của mình.

“Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

Vẫn là cảnh cũ, là những hồi ức một thời nhưng người xưa nay đã không còn. Hình ảnh đầu tiên mà nhà thơ bắt gặp đó chính là lũ trẻ con, ngày ông ra đi khỏi chốn quê cũ có khi bố mẹ chúng còn chưa ra đời, nay ông trở về lũ trẻ hồn nhiên xem ông là người xa lạ. Dù biết đó là lẽ thường nhưng nhà thơ vẫn không khỏi chạnh lòng. Không một ai nhận ra ông, không một người đón tiếp ông, ông trở nên bơ vơ lạc lõng ngay trên mảnh đất quê hương mình. Trẻ con vô tư, hiếu khách chào hỏi “khách ở nơi nào đến chơi” càng kiến ông trở nên nhói lòng. Tiếng “khách” được thốt lên một cách thực sự hồn nhiên nhưng khiến Hạ Tri Trương vừa bất ngờ vừa buồn tủi, xót xa. Ông phải đón nhận nghịch lí trở thành khách lạ trên chính quê hương mình. Nỗi bi kịch của Hạ Tri Trương thật đáng cảm động và thương xót

Với những hình ảnh đối lập, từ ngữ trong sáng, giản dị, hàm súc bài thơ đã thể hiện một cách chân thực mà sâu sắc tình yêu quê hương tha thiết, thủy chung của người con xa sứ. Bài thơ khép lại nhưng nó lại mở ra những ý nghĩa lớn lao trong lòng người. Quê hương là mảnh đất thiêng liêng của mỗi con người, vì thế ta hãy biết trân trọng và hướng về nó.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 4

Hạ Tri Chương (659 – 744), tự Quý Chân, quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiên Sơn, tình Chiết Giang, Trung Quốc). Ông đậu tiến sĩ năm 695, làm quan trên 50 năm ở thủ đô Trường An. Tài và đức của ông khiến cho vua Đường Huyền Tông vị nể. Đến năm 85 tuổi, Hạ Tri Chương mới về quê sống và chưa đầy một năm sau thì qua đời. Bài thơ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê được sáng tác khi ông vừa đặt chân lên mảnh đất cố hương.

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sĩ Vĩ dịch)

Bài thơ phản ánh chân thực tâm trạng xúc động, buồn vui lẫn lộn của một người xa nhà đã lâu trong khoảnh khắc vừa mới trở về quê cũ, qua đó thể hiện tình cảm quê hương tha thiết, sâu nặng của nhà thơ.

Tên chữ Hán của bài thơ là Hồi hương ngẫu thư. Ngẫu thư nghĩa là ngẫu nhiên mà viết ra. Ngẫu nhiên vì tác giả không có chủ định làm thơ. Còn tại sao không chủ định viết mà lại viết thì đọc xong bài thơ ta mới rõ. Tác giả rằng, khi về đến làng, ông không gặp bạn bè hay những người thân trong gia đình ra đón mà gặp đám trẻ con đang chơi đùa. Đó chính là duyên cớ – mà duyên cớ thì bao giờ cũng có tính chất ngẫu nhiên, khiến tác giả cũng ngẫu nhiên nổi lên thi hứng mà viết nên bài thơ này.

Nhưng nếu chỉ vì duyên cớ ngẫu nhiên thì bài thơ không thể hay, không thể rung đọng lòng người mà đằng sau nó là tình cảm quê hương của nhà thơ dồn né bao năm giờ đây cần được thổ lộ. Tình cảm ấy như một sợi dây đàn đã căng hết mức, chỉ cần khẽ chạm vào là rung động, ngân vang, thổn thức. Phép đối ở hai câu đầu thể hiện tài thơ sắc sảo của tác giả:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.

(Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.)

Trong câu mở đầu, tác giả kể vắn tắt về cuộc đời sống xa quê đi làm quan của mình và bước đầu hé lộ tình cảm đối với cố hương. Câu thứ hia là câu tác giả miêu tả chính mình: Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Nhà thơ lấy một chi tiết đã thay đổi là mái tóc (mấn mao tồi) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi là giọng nói quê hương (hương âm vô cải) để nhấn mạnh ý: Dù hình thức bên ngoài có bị thời gian và cuộc sống lâu dài ở kinh thành làm cho thay đổi nhiều nhưng bản chất bên trong vẫn nguyên vẹn là con người của quê hương. Hai câu cuối:

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vẫn: khách tòng hà xứ lai?

(Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?) Sau năm mươi năm xa quê đằng đẵng, nay trở về làng cũ, nhà thơ chỉ thấy lũ trẻ con đang tung tăng nô đùa, chạy nhảy. Điều đó chứng tỏ lớp người cùng tuổi với ông chắc chẳng còn mấy. Thời bấy giờ, ái sống được đến bảy mươi là đã được liệt vào hạng “cổ lai hi” (xưa nay hiếm – từ dùng của Đỗ Phủ). Giá như vài người vẫn còn sốn thì liệu có ai nhận ra nhà thơ không?! Điều trớ trêu là sau bao nhiêu năm xa cách, nay trở về nơi chôn nhau cắt rốn mà nhà thơ lại “bị” xem như khách lạ! Tình huống ấy đã tạo nên cảm xúc bi hài thấp thoáng sau lời kể cố giữ vẻ khách quan, trầm tĩnh của nhà thơ.

Nói về lẽ sống chết, Khuất Nguyên có hai câu thơ nổi tiếng: Hồ tử tất thủ khâu, Quyện điểu quy cựu lâm. (Cáo chết tất quay đầu về phía núi gò, Chim mỏi tất bay về rùng cũ). Muông thú còn thế, huống chi con người! Khuất Nguyên dùng ẩn dụ để khẳng định một quy luật tâm lí muôn đời. Giản dị và dễ hiều hơn, người xưa nói: Lá rụng về cội. Lúc trưởng thành, vì hoàn cảnh khó khăn mà người ta phải xa quê kiêm sống khắp nơi. Khi già yếu, ai cũng mong được sống những ngày còn lại ở quê nhà vì không ở đâu tình người lại ấm áp như ở nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Dẫu làm tới một chức quan rất lớn ở triều đình thì Hạ Tri Chương cũng không nằm ngoài quy luật tâm lí ấy.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 5

Hạ Tri Chương là một trong những thi sĩ lớn của Trung Quốc ở thời Đường. Những vần thơ của ông chứa chan lòng yêu quê hương đất nước. Một trong những bài thơ hay nhất, đặc sắc nhất về chủ đề này là bài thơ “Hồi hương ngẫu thư”:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải, mấn mao tồi

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Hạ Tri Chương xa quê từ lúc ông còn bé. Mở đầu bài thơ, với thủ pháp nghệ thuật tiểu đối, tác giả đã nêu ra một hoàn cảnh của mình: phải từ biệt gia đình từ thuở thơ ấu, từ nhỏ đã phải xa quê, sống nơi đất khách với bao nhiêu buồn khổ. Mãi đến khi tóc đã pha sương mới có dịp trở về quê hương: “ Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

Xa quê từ khi còn bé xíu, khi trở lại thì đã già mất rồi. Thời gian ấy chẳng hề ngắn ngủi, đó không phải là 3 năm, 10 năm mà đó là cả hơn nửa thế kỉ, gần bằng một đời người. Sao mà không nhớ , không thương cho được? Cảnh ngộ ấy chính là bi kịch của vị quan đời Đường trên con đường theo đuổi công danh sự nghiệp. Với nhà thơ, cái giá phải trả để có được công danh đó là phải li gia, xa quê nhà yêu dấu. Đó là một khối sầu, một nỗi đau dai dẳng, khôn nguôi. Dù xa quê nhiều năm nhưng có những thứ vẫn không thay đổi trong nhà thơ: “Hương âm vô cải, mấn mao tồi”

.

Tác giả tiếp tục sử dụng phép đối để khẳng định tình cảm thủy chung son sắt với quê hương. Đối với con người, quê hương là máu thịt, là tâm hồn. Và với Hạ Tri Chương cũng thế. Hơn nửa thế kỉ xa quê, mái tóc đã điểm sương, nhuốm màu của thời gian nhưng “hương âm” chẳng hề thay đổi. Giọng quê chính là hơi thở, là tiếng nói và là cái hồn của quê hương. Chi tiết này cho thấy tình cảm gắn bó, thủy chung son sắt của tác giả với quê hương – nơi chôn rau cắt rốn, nơi có tình yêu thương của gia đình. Hơn nửa thế kỉ làm quan, sống trong vinh hoa phú quý, đứng trên đỉnh cao danh vọng, ấy thế mà tình cố hương trong Hạ Tri Chương vẫn không đổi. Đó là một điều đáng trân quý, đáng tự hào.Trở về nơi mà gần cả cuộc đời đã xa, tác giả đã gặp phải nghịch lí:

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?”

Câu thơ với sự bùi ngùi, chua xót. Khi đi xa giờ trở về đã là khách lạ, chẳng còn ai quen biết, chẳng còn họ hàng, thân thích. Một câu hỏi hồn nhiên ngây ngô của trẻ con để lại trong lòng tác giả nỗi buồn man mác. Sinh ra tại chính mảnh đất quê hương, đứng trên mảnh đất quê hương mình, ấy thế lại bị coi là “khách”. Thật là chua xót biết bao!

“Hồi hương ngẫu thư” mang đến cho người đọc nhiều xúc động. Nghệ thuật tiểu đối được sử dụng thành công tạo nên những vần thơ hàm súc. Bài thơ là tiếng lòng của Hạ Tri Chương, yêu quê hương tha thiết, thủy chung và gắn bó sâu sắc.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 6

Sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống có học, Hạ Tri Chương được đánh giá là người có tâm và có tầm. Sớm xa quê hương từ khi còn rất nhỏ, cuộc đời bôn ba, làm nhiều chức quan to trong triều đình, đến cuối đời lại gặp khó khăn, về quê an hưởng tuổi già. Trong chính tình huống trở về nơi chôn rau cắt rốn sau năm mươi năm xa cách đã khiến tác giả viết bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” – “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê”, thể hiện nỗi nhớ quê hương sâu nặng và cả sự buồn bã, tâm trạng đau thương của một người con xa xứ.

Xa quê khi mới chỉ là một cậu bé, cả cuộc đời cống hiến và phụng sự triều đình, đến khi về già, từ bỏ mũ cao áo dài về quê an dưỡng, tác giả hết sức bàng hoàng khi không còn ai nhận ra mình nữa. Với dòng cảm xúc vừa bồi hồi sau ngần ấy năm xa cách nay đã được hồi hương, vừa đau đớn, xót xa vì lại trở thành người lạ ngay trên mảnh đất mình sinh thành, nhà thơ viết “Hồi hương ngẫu thư”, gửi gắm vào đó những tâm sự, cảm xúc của một lão niên tuổi cao sức yếu. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, bốn câu thơ thể hiện tình yêu quê hương nồng nàn, cùng sự ngậm ngùi, tiếc thương cho thân phận của mình khi trở về quê hương. Hai câu thơ đầu, tác giả kể lại câu chuyện hồi hương sau năm mươi năm xa cách:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi

Hương âm vô cải mấm mao tồi

Tác giả sử dụng hàng loạt tính từ đối lập: “thiếu tiểu – lão đại”, “li gia – hồi”, cả một đời người, khi đi chỉ là cậu thiếu niên thơ bé, khi trở về, mái tóc đã bạc phơ, thân đã là một “lão đại” dạn dày sương gió. Người đọc còn nhận thấy cả chút tự trách, tự vấn lương tâm rằng tại sao bản thân không về thăm nhà lấy một lần trong ngần ấy năm. Câu thơ tuy không có lời nào thể hiện hàm ý buồn thương, nhưng cách viết nhấn mạnh sự đối lập khoảng thời gian cho người đọc thấy được nỗi tự trách, bận rộn một đời cho đến tận khi không còn nơi để đi mới ngậm ngùi trở về. Đến câu thơ thứ hai, dòng xúc cảm nồng nàn với quê hương được bộc lộ một cách cảm động, chân thực:

Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Một lần nữa, nghệ thuật đối lập được sử dụng liên tiếp “hương âm – mấn mao”, “vô cải – tồi”. “Hương âm” được dịch là “giọng quê”, giọng nói đặc trưng của quê hương qua năm tháng dãi dầu, bôn ba vẫn không hề phai nhạt. Thời gian có thể bào mòn con người, ngoại hình có thể cằn cỗi, tư tưởng có thể chuyển dời, nhưng cái chất thôn quê thuần túy không bao giờ có thể đổi thay. “Mấn mao tồi”, cái thay đổi ở đây chính là bản thân nhà thơ, thay đổi về hình dáng, về tuổi tác. Tuy vẫn là người con của quê hương, nhưng mái đầu xanh nay đã bạc, tuổi tác nay đã già, sức khỏe cũng đã suy yếu. Hai hình ảnh đối lập trong cùng câu thơ cốt để khẳng định rằng, dù cho có phải xa cách về thời gian hay địa lý, bản chất quê hương trong máu thịt vẫn không bao giờ thay đổi, khẳng định sự gắn kết, bền bỉ và tình yêu quê lớn lao, da diết.

Hai câu thơ vỏn vẹn mười bốn tiếng nhưng đã bao quát lại cả một đời người với bao thăng trầm sóng gió, nhưng dù vật đổi sao dời, tuổi đời có xế chiều, chức vị có thay đổi thì quê hương vẫn là nơi ta sinh ra và trở về, vẫn dang rộng vòng tay chào đón. Cả đời người xa quê hương xứ sở, tuổi già trở về an hưởng thái bình, vui thú điền viên là mong ước.Trong dòng cảm xúc bùi ngùi thương nhớ làng quê, tác giả lại gặp phải tình huống dở khóc dở cười khiến bản thân trằn trọc, suy tư. Xa quê lâu ngày, khi trở về, không còn ai nhận ra Hạ Tri Chương ngày nào. Đặt mình vào hoàn cảnh éo le, tác giả vừa bộc lộ cảm xúc, vừa đưa ra bài học triết lý sâu sắc:

Nhi đồng tương kiến bất tương thức

(Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai)

Lựa chọn nhân vật là “nhi đồng”, “trẻ con”, để cho đám trẻ cùng quê không nhận ra mình, không biết mình là ai nhằm nhấn mạnh sự xa cách về mặt thời gian. Rời quê từ khi còn nhỏ tuổi, nay trở về gặp đám trẻ cũng trạc tuổi mình hồi ấy, nhưng chúng chẳng nhận ra, chẳng biết mình là ai khiến thi sĩ không khỏi chạnh lòng. Cùng đồng hương đấy, cùng độ tuổi đấy, nhưng mọi thứ đều bị chia cắt bởi thời gian. Bản thân trở thành kẻ xa lạ từ đâu tới ngay trên chính mảnh đất quê hương. Để cho trẻ con lên tiếng, tác giả muốn tự trách mình đã vì cá nhân, vì thỏa chí tang bồng mà quên đi mất nguồn cội.

Con nít hồn nhiên lại làm đau lòng người lớn, ẩn sau câu hỏi của lũ trẻ là bài học quý báu về tình cảm quê hương, nhớ về nguồn cội, gốc gác. Tác giả đã nêu ra một triết lý sống sâu sắc rằng, dù có đi đâu, làm gì, dù có quyền cao chức trọng đến mấy, quan trọng nhất vẫn là giữ trọn được nguồn gốc của mình, không bị lai tạp, mất gốc, không quên nơi chôn rau cắt rốn.

Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt phổ biến thời Đường, ngôn từ ngắn gọn, hàm ý với nghệ thuật đối lập tương phản, bài thơ gói gọn những hỉ nộ ái ố của tác giả khi về quê an hưởng tuổi già.

Trong niềm vui được đoàn tụ là nỗi buồn man mác vì cô đơn, buồn tủi, cuối cùng là tự vấn, tự trách bản thân đã lãng quên nơi sinh thành. Với ngôn từ nhẹ nhàng mà sâu sắc, Hạ Tri Chương đã bộc lộ tình cảm sâu nặng từ tận tâm can đối với quê hương xứ sở cùng dòng cảm xúc buồn vui xen lẫn, để lại cho bạn đọc nỗi băn khoăn, khắc khoải với chính bản thân mình.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 7

Hạ Tri Chương là một nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc vào đời Đường. Ông là bạn vong niên với Lý Bạch. Hầu hết các sáng tác của ông đều thể hiện tình cảm yêu thương sâu nặng với quê hương. Một trong những bài thơ mang cảm hứng chủ đạo về nỗi niềm nhớ quê hương của tác giả là Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê (Hồi hương ngẫu thư):

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện niềm xúc động dâng trào khi tác giả trở về với mảnh đất đã sinh ra mình mà gần hết cuộc đời nay mới trở lại. Tình cảm nhớ quê luôn thường trực trong lòng tác giả, nhưng phải đến khi đứng trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, tình cảm ấy không thể nén được và trào dâng

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
(Khi đi trẻ, lúc về già)

Quê hương chính là cội nguồn của mỗi cá nhân, gia đình, thậm chí cả dòng họ. Được sinh ra nhưng tuổi ấu thơ đã phải rời gia đình, quê hương sống nơi đất khách quê người. Vậy là tác giả ngay từ nhỏ đã phải làm quen với phong tục tập quán và kể cả lũ bạn hoàn toàn mới lạ. Sự hoà đồng có lẽ cũng nhanh, nhưng nó vẫn không phải là quê nhà, là sinh khí âm dương hội tụ của mẹ cha để sinh ra mình. Điều đó có ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của nhà thơ. Nỗi niềm nhớ quê đã trở thành thường trực đau đáu trong lòng.

Quê hương trong bài thơ là cố hương. Tác giả xa cách không phải là 3 năm, 15 năm mà là hơn nửa thế kỷ, gần một đời người. Đành rằng cuộc sống chốn Tràng An náo nhiệt, ồn ào, sung túc. Công danh có thành đạt đến mức nào, cái chất quê, cái máu, cái hồn trong ông vẫn không hề thay đổi. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau “li gia”. Tuy vậy, ta thấy rằng với tác giả, vui sướng vô cùng là cuối đời còn được hồi hương.

Cuộc đời đầy sóng gió và cát bụi, mái tóc còn xanh mướt ngày nào khi xa quê thì nay, chính trên mảnh đất này mái tóc ấy đã bạc phơ. Dẫu cho tóc bạc, da mồi, địa vị công danh thay đổi. Nhưng cái cốt cách, cái linh hồn của đất mẹ quê cha vẫn nguvên đó.

Hương âm vô cải, mấn mao tồi
(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Lời nói, giọng quê vẫn không thay đổi, ấy chẳng phải là sự gắn bó với quê hương đó sao. Thật vậy truyền thống văn hoá của gia đình, dân tộc quê hương không dễ gì thay đổi được. Nó được ăn sâu trong máu, trong tâm hồn tác giả. Lý Bạch trên bước đường chống kiếm lãng du xa quê từ nhỏ nhưng ánh trăng nơi quán trọ đã gợi trong ông những kỷ niệm thân thương nhất về quê hương, ánh trăng làm sống dậy một thời gắn bó từ thuở nằm nôi. Hạ Tri Chương cũng vậy, ông sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương hết mực của cha mẹ, của quê hương, chỉ có những kẻ bạc tình mới nỡ nhắm mắt quên đi nguồn cội.

Càng cảm động nhường nào khi trên đỉnh danh vọng cao sang mà hình ảnh quê hương không hề phai nhạt. Ta hiểu rằng về với quê có lẽ là ước nguyện lớn nhất của đời ông. Ước nguyện ấy đã biến thành hiện thực, bao năm ly biệt nay trở về với quê hương, trong lòng sao tránh khỏi cảm xúc dâng trào. Có lẽ ngay từ đầu ngõ tác giả đã thốt lên con đã về đây hỡi người mẹ hiền quê hương, ông như muốn ôm trọn cả quê hương vào lòng với những dòng nước mắt sung sướng. Nhưng về tới quê hương một nghịch lý đã xảy ra:

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?)

Thời gian xa quê dài dằng dặc, bạn bè cùng trang lứa ngày xưa ai còn ai mất. Quê hương đã có thay đổi gì chưa. Đời sống cùa bà con như thế nào? Bao nhiêu câu hỏi cứ dội về hiện hữu. Sau tiếng cười nói ồn ào của lũ trẻ, lòng tác giả không khỏi man mác. Trong con mắt lũ trẻ thì mình là khách lạ, đó là một thực tế bởi khi ông từ giã quê hương thì làm gì đã có chúng. Sau nụ cười tinh nghịch của trẻ thơ là những giọt nước mắt chua cay và sung sướng. Ta là khách lạ! xa quê gần một đời người nay mới trở lại, ta dù lạ với lũ trẻ thơ như quá đỗi thân thuộc với mảnh đất quê hương. Sung sướng hơn bao giờ hết nhà thơ đang đứng trên mảnh đất quê hương, ông đã thực hiện được.tâm nguyện của mình “sống chết với quê hương”. Tình cảm ấy đẹp quá, thiêng liêng quá!.

Cảm ơn nhà thơ Hạ Tri Chương, chính ông đã đánh thức trong lòng độc giả những tình cảm gắn bó với quê hương. Nó làm thức tỉnh bao kẻ đang muốn từ bỏ quê hương. Đồng thời củng cố, khắc sâu hơn niềm tin yêu quê hương gia đình của mỗi con người. Và dĩ nhiên không có tình cảm gắn bó với quê hương sẽ không lớn nổi thành người.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 8

Hạ Tri Chương (659-744) tự QuýChân, hiệu “Tứ Minh cuồng khách”, người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Năm 695 ông đậu tiến sĩ, làm quan trên 50 năm ở Trường An. Ông thích uống rượu, kết thân với Lý Bạch, là một trong “Ngô trung tứ sĩ”, tự xưng “Tứ minh cuồng khách”. Tính tình phóng khoáng, thích đàm tiếu, làm quan lâu năm vì “hoảng sợ bệnh tật” và “muốn về làng” nên sau hơn 50 năm xa quê năm 86 tuổi ông trở về thăm quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Từ biệt rất lâu nay đến tuổi già lão Hạ Tri Chương mới về quê thăm nên có nhiều cảm xúc ngỡ ngàng và xa lạ. Ông đã làm hai bài thơ nhan đề Hồi hương ngẫu thư (ngẫu nhiên về làng viết). Bài thứ nhất như sau:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
Hương âm vô cải mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến bất tương thức,
Tiếu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”

Dịch thơ:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào,
Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?”
(Phạm Sĩ Vĩ)

Đầu đề bài thơ có 4 chữ (từ), chữ “ngẫu” được hiểu là tác giả trở về làng lúc đã quá già nên chỉ có ý định về làng thăm quê sau hơn nửa thế kỷ xa cách mà không có ý sáng tác. Đây là lần trở về quê đầu tiên và cũng có thể là lần cuối. Nhưng vừa đặt chân đến quê thì cảm xúc dâng trào nên tác giả “ngẫu hứng” mà sáng tác bài thơ này. Bài thơ theo thể thất ngôn tuyệt cú, lời lẽ đơn giản, dễ hiểu nhưng trở nên bất hủ và rất được truyền tụng xưa nay, và nó đều được đưa vào chương trình ngữ văn ở nhà trường phổ thông Trung Quốc (sơ trung), Việt Nam (THCS).

Bài thơ có 4 câu, hai câu đầu (1, 2) tác giả nói về sự thay đổi của bản thân và hai câu sau (3, 4) diễn tả cảm nghĩ của mình về sự thay đổi của quê sau bao năm dài xa cách. Ở hai câu đầu tác giả tự đặt mình vào hoàn cảnh vừa quen thân vừa xa lạ đối với quê hương khi trên đường trở về. Tâm tình của tác giả lúc này là “không bình tĩnh” với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Nguyên nhân của sự “không bình tĩnh” ấy là lời “tự thuật” khi từ biệt quê nhà ra đi tác giả còn ấu thơ (thiếu tiểu) và khi trở về thì đã quá già lão (lão đại).

Câu thơ chỉ có 7 chữ mà đối từng chữ (thiếu tiểu – lão đại; ly – hồi). Ở câu 1 xuất hiện chữ “gia” (nhà) rất gần gũi và thân quen. Cái nơi gần gũi, thân quen “chôn nhau cắt rốn”, “cất tiếng chào đời” ấy trở nên nghẹn ngào làm sao khi tác giả nhớ lại phải “ly gia” (xa cách ngôi nhà) để ra đi từ lúc còn quá bé nhỏ (thiếu tiểu). Xót xa, ngậm ngùi hơn là chính con người ấy nay lại trở về nhà vào lúc tuổi xế chiều “gần đất xa trời”. Một câu thơ có hai vế đối: “Thiếu tiểu ly gia” đối với “lão đại hồi” vừa chỉnh vừa hay. Câu thơ 1 được chuyển tiếp và làm rõ hơn ở câu 2.

Nếu câu 1 là sự thay đổi về thời gian năm tháng thì ở câu 2 tác giả làm nổi bật sự thay đổi rất lớn của bản thân ở hai khía cạnh là tâm hồn bên trong và hình dạng bên ngoài. Trong khi hình dáng bên ngoài sau bao năm ra đi và xa cách nay trở về râu và tóc của tác giả đã bạc phơ và thưa rụng đi rất nhiều (mấn mao tồi). Cái mà tác giả rất tự hào và có thể nói “hành trang” trở về rất quí giá của mình, đó là tấm lòng, tình cảm được thể hiện qua giọng nói của quê nhà vẫn không thể thay đổi (hương âm vô cải).

Nếu câu 1 tác giả gọi “gia” (nhà) là của riêng mình thì ở câu 2 nhà thơ lại dùng chữ “hương” (làng) rộng lớn, bao quát, thân thiết và gắn bó hơn. Câu 2 cũng có hai vế đối. Chữ “hương âm” (giọng quê) không thay đổi (vô cải) cho dù “mấn mao” (râu tóc) đã thay đổi (tồi). Câu thơ này ngụ ý tác giả muốn nói rằng “tôi không quên quê hương nhưng quê hương còn nhớ tôi không?” (Ngã bất vong cố hương, cố hương khả hoàn nhận đắc ngã ma?).

2. Câu 3, 4 miêu tả sự thay đổi của quê hương từ bức tự họa tràn đầy cảm khái tác giả chuyển sang câu chuyện giàu kịch tính mà trọng tâm là sự xuất hiện hình ảnh đứa trẻ (nhi đồng). Hai câu đầu nhân vật chính là tác giả (thiếu tiểu – lão đại), hai câu sau có hai nhân vật, một già (lão đại) và một đứa trẻ của làng (nhi đồng). Nếu như ở hai câu thơ đầu tác giả háo hức và mơ ước được nhanh chóng trở về quê lúc tuổi già sức yếu thì ở hai câu thơ sau nhà thơ cảm thấy bị hụt hẫng, ngỡ ngàng vì quê hương mà mình khắc khoải mong trở về trở nên xa lạ.

Đứa trẻ làng (ở tuổi chắt) nhìn thấy một ông lão rất già nhưng nó dửng dưng, xa lạ, không quen biết và không hề chào hỏi một câu (nhi đồng tương kiến bất tương thức). Câu thơ chỉ có 7 chữ với hai từ lặp (tương – nhìn thấy nhau và không quen biết nhau). Kịch tính của bài thơ được mở ra từ đây. Câu thơ không nói nhưng tác giả tỏ ra không vui và trách giận một đứa trẻ làng gặp ông, nhìn thấy ông mà xa lạ, không lễ phép đối với người già đáng tuổi cụ. Từ thái độ giận trách tác giả chuyển sang thái độ là tự trách mình, tự hỏi mình. Ông chợt nghĩ rằng đứa trẻ không có lỗi, thái độ “xử sự” của nó là đúng. Ông đã trở nên xa lạ trên quê hương mình.

Bài học rút ra ở ông lúc này chính là cách “xử sự” của đứa trẻ đối với những ai xa quê lại hờ hững mà ít gắn bó với quê bao nhiêu năm xa cách nay mới trở về. Tác giả – một nhà thơ lớn – làm quan lớn rời bỏ quê hương ra đi nay trở về với “tinh chất” là “Hương âm vô cải” nhưng lại trở nên xa lạ ngay trên quê hương thân yêu của mình mà người “chỉ ra” sự xa cách, xa lạ đó là đứa trẻ làng đáng yêu.

Câu thơ cuối (câu kết) rất hay, kịch tính được “thắt” (câu 3) và được “mở” với hình ảnh thân thiện hồn nhiên và lễ phép của đứa trẻ. Từ chỗ nhìn thấy (tương kiến) mà không quen biết (bất tương thức) đứa trẻ có một thái độ cởi mở, niềm nở với ông già (tiếu vấn). Sau nụ cười là một câu hỏi cũng phát ra từ miệng của đứa trẻ thơ: “Ông là khách từ nơi đâu đến?” (Khách tòng hà xứ lai?). Câu thơ có một lời thoại – một lời hỏi của đứa trẻ mà người đáp là ông già (tác giả) – không có trả lời. Chữ “khách” tác giả sử dụng ở đây thật tài tình được coi là “thi nhãn” của bài thơ này.

Tác giả là chủ làng, già làng ra đi nay trở về là “khách” còn đứa trẻ làng là kẻ hậu bối mấy đời nay trở nên là “chủ”. Nó sẽ rất tự hào và hãnh diện là “chủ” của quê hương trong hiện tại và tương lai. Với những ai từng là “con em” và “chủ” của làng ra đi lâu ngày không còn thân thiết, gắn bó nữa nếu không có ý thức về quê hương sẽ trở nên là “khách” xa lạ ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn và cất tiếng chào đời. Nhà thơ không trả lời được câu hỏi đơn giản của đứa trẻ và tác giả cũng nhận thức ra rằng không thể trả lời! Sau câu hỏi này chắc chắn tác giả sẽ lại phải ra đi vì mình là “khách” của quê hương rồi.

Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương tuy ngắn mà hay, sâu xa, ý tứ ít có thi phẩm nào sánh kịp. Bài thơ có không gian, thời gian, con người và sự việc. Bài thơ có hai nhân vật, một lời thoại, có kịch tính dâng trào và có sự hài hước. Yếu tố tự vấn, tự trách, giận mà thương thể hiện khá rõ trong bài thơ. Bài thơ như một màn kịch có bối cảnh, nhân vật đọc lên ai nấy cũng có cảm giác là “xem” một vở hài kịch thân thương.

Cảm xúc trước bài thơ này sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên sau mấy mươi năm xa quê thuở trai trẻ một thời ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sau ngày giải phóng trở về thăm lại, nhân nhớ đến bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương ông đã làm bài thơ Trở lại An Nhơn.

Trở lại An Nhơn tuổi đã lớn rồi,
Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai?
Nền nhà cũ xây cơ quan mới,
Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 9

Người ta thường hay nói “Sinh ra ở đâu thì mãi thuộc về nơi ấy”, ai cũng có cho mình một quê hương để thuộc về nhưng đôi khi vì sự xa cách, không biết tự lúc nào mà bản thân đã không còn được mảnh đất mình sinh ra công nhận. Đó là một nỗi đâu đớn ngậm ngùi không nói lên lời mà Hạ Tri Chương đã cảm nhận khi sau nhiều năm quay trở về quê của mình, ông trở thành khách lạ ngay trên quê hương mình. Và bao nhiêu đó đã gửi gắm qua những dòng thơ: “Hồi hương ngẫu thư”.Bài thơ thất ngôn tư tuyệt cô đọng mà để lại bao nhiêu dư vang;

Thiếu tiểu li gia lão đại hồi

Hương âm vô cải mấn mao tồi

Dịch thơ:

Khi đi trẻ, lúc về già

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao

Câu thơ chia làm hai vế đó là về thời gian cũng như hành động của con người, khi xa quê, tác giả còn thanh niên, như cánh chim bằng muốn dang rộng đôi cánh bay lên bầu trời cao rộng, đến khi nhìn lại muốn quay trở lại quê hương thì đã già. Có lẽ sau bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường, đã đến lúc, ông muốn về quê hương nơi mình sinh ra an dưỡng những năm tháng tuổi già trong thanh bình.

Xa quê lâu như thế nhưng “Hương âm vô cải” thật là một điều đáng quý. Giọng nói quê là một cái gì đó vô cùng đặc trưng mà dường như mỗi vùng miền đều có những chất giọng khác nhau và chỉ có người ở nơi đó mới có giọng ấy. Nhưng giọng quê cũng không phải là một đặc điểm dễ giữ nguyên vẹn nhất là khi người ta đi xa, đến và sinh sống lâu dài ở một nơi khác, tiếp xúc với giọng nói, nền văn hóa khác, nhiều người bị biến đổi giọng nói.

Thế nhưng tác giả còn rất tự tin mình vẫn giữ được giọng nói quê hương, giữ nguyên cái bản sắc quê hương và là sự thể hiện của một tấm lòng không bao giờ quên quê hương mình. Làm sao ông có thể quên quê hương khi mà mỗi ngày ông đều nói giọng quê mình, mỗi âm thanh phát ra hẳn còn hằn lại một nỗi nhớ quê da diết, một quê hương luôn trong trái tim tác giả. Nhưng hình ảnh đối lập ngay sau đó: “mấn mao tồi” cho thấy dấu hiệu của thời gian đã làm cho con người đổi khác, mái đầu bạc là biểu thị cho tuổi tác cao, tuổi già đã bao phủ.

Thế nhưng cũng vì thế mà nổi bật lên một tình cảm thủy chung từ ngày đi lúc còn trẻ cho đến ngày trở về tuy ã già bao nhiêu thì quê hương vãn thường trực trong trái tim tác giả. Quê hương ấy hiện lên trong giọng nói không thể đổi khác mà ông tự hào. Thế nhưng, nhà thơ không khỏi ngạc nhiên xen lẫn ngậm ngùi khi mà:Nhi đồng tương kiến bất tương thức

Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai
Dịch thơ:Trẻ con thấy lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi

Dân gian ta có câu: “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Trẻ con thì ngây thơ, thật thà, cũng chính vì vậy mà câu hỏi của chúng khiến cho nhà thơ không khỏi đau lòng. Chúng vì lần đầu nhìn thấy ông bởi đã nhiều năm ông không về quê hương, bạn bè cũ hẳn còn nhớ nữa là trẻ con chưa bao giờ gặp mặt. Ông trở thành người “lạ” với những đứa trẻ, cũng chính là với thế hệ sau của dân làng, với chính mảnh đất quê hương mình. Còn nỗi đau nào lại xót xa hơn nỗi đau quay trở lại quê hương của mình mà lại bị coi là “khách”? Ông ở đất khách bao nhiêu năm luôn mong về quê hương, tức là chưa khi nào ông coi nơi mình đang sống là quê cả, ấy vậy mà khi trở về quê lại bị coi là khách, vậy rốt cuộc quê hương ông là ở đâu?

Bài thơ là niềm ngậm ngùi xót xa của một người khát khao về với quê hương mà lại hụt hẫng ngày trở về. Qua đó ta thấy rằng thời gian trôi đi, mọi thứ đều có thể đổi khác, không ai khống chế được, nên khi có thể, đừng trì hoãn lần về với quê hương để mà hối hận xót xa khi không còn được tha thiết như ngày nào.

Bài văn phân tích bài thơ “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” số 10

Con người xưa nay luôn mang một nỗi niềm thiên cổ, mang mang thiên cổ sầu, ấy là cảm thấy sự nhỏ bé, hữu hạn của mình trước không gian, thời gian vô cùng. Thời gian tuyến tính, một đi không trở lại, bởi vậy ngoảnh mặt đã thấy già đi. Xa quê, bôn ba khắp bốn phương, trở lại quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn, bỗng thấy mình như xa lạ. cảm giác ấy thật xa xót biết bao. Với cảm hứng ấy bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương đã làm bâng khuâng nhiều thế hệ bạn đọc.

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao tồi
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiểu vấn: khách tòng hà xứ lai?

Ngay nhan đề bài thơ đã thể hiện niềm xúc động dâng trào khi tác giả trở về với mảnh đất đã sinh ra mình mà gần hết cuộc đời nay mới trở lại. Tình cảm nhớ quê luôn thường trực trong lòng tác giả, nhưng phải đến khi đứng trên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn, tình cảm ấy không thể nén được và trào dâng:

Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi
(Khi đi trẻ, lúc về già)

Có ai sinh ra và lớ lên mà không mang trong mình nỗi niềm thương nhớ về mảnh đất quê hương. Tưởng như đó đã trở thành mùi riêng của đất, của quê hương này, ăn sâu vào tiềm thức và tâm thức của mỗi người. Chỉ tiếc lắm khi, xa quê, vì mưu sinh, vì sự nghiệp con người ta dần già rời xa bến đỗ ấy. Đến khi ngoảnh lại bỗng thấy mình như vị khách, đứng trên quê hương mà vẫn thấy nhớ quê hương. Và cảm xúc bâng khuâng, nghẹn ngào thiên liêng như một lười khấn khứa trở đi trở lại rất nhiều trong thơ. ở đây, với Hạ Tri Chương cũng không là ngoại lệ. Nỗi niềm nhớ quê đã trở thành thường trực đau đáu trong lòng. Quê hương trong bài thơ là cố hương.

Tác giả xa cách không phải là 3 năm, 15 năm mà là hơn nửa thế kỉ, gần một đời người. Đành rằng cuộc sống chốn Tràng An náo nhiệt, ồn ào, sung túc. Công danh có thành đạt đến mức nào, cái chất quê, cái máu, cái hồn trong ông vẫn không hề thay đổi. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau “li gia”. Tuy vậy, ta thấy rằng với tác giả, vui sướng vô cùng là cuối đời còn được hồi hương.Tuổi trẻ một đi không trở lại. tác giả ở đây, xa quê khi còn trẻ, khi trở về tóc đã bạc mái đầu. Dường như cả một khối ngậm ngùi chau xót biết bao khi ta sinh ra và phải rời bỏ nơi này đến một vùng đất mới. Nhưng dẫu cho dòng thời gian vô thủy, vô chúng có chảy trôi mãi mãi, khiến cho tóc bạc, da mồi, địa vị công danh thay đổi. Nhưng cái cốt cách, cái linh hồn của đất mẹ quê cha vẫn nguyên đó.

Hương âm vô cải, mấn mao tồi
(Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao)

Lời nói, giọng quê vẫn không thay đổi, ấy chẳng phải là sự gắn bó với quê hương đó sao. Thật vậy truyền thống văn hoá của gia đình, dân tộc quê hương không dễ gì thay đổi được. Nó được ăn sâu trong máu, trong tâm hồn tác giả. Lý Bạch trên bước đường chống kiếm lãng du xa quê từ nhỏ nhưng ánh trăng nơi quán trọ đã gợi trong ông những kỉ niệm thân thương nhất về quê hương, ánh trăng làm sống dậy một thời gắn bó từ thuở nằm nôi. Hạ Tri Chương cũng vậy, ông sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương hết mực của cha mẹ, của quê hương, chỉ có những kẻ bạc tình mới nỡ nhắm mắt quên đi nguồn cội.Nhưng về tới quê hương một nghịch lý đã xảy ra:

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức
Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?
(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?)

Một quãng thời gian đủ để cho quên nhớ đời người. Và ở đây vẫn còn thấy một con người son sắt, thủy chung, nặng lòng với mối tình quê. Sau tiếng cười nói ồn ào của lũ trẻ, lòng tác giả không khỏi man mác. Trong con mắt lũ trẻ thì mình là khách lạ, đó là một thực tế bởi khi ông từ giã quê hương thì làm gì đã có chúng. Sau nụ cười tinh nghịch của trẻ thơ là những giọt nước mắt chua cay và sung sướng. Ta là khách lạ! Xa quê gần một đời người nay mới trở lại, ta dù lạ với lũ trẻ thơ như quá đỗi thân thuộc với mảnh đất quê hương.

Sung sướng hơn bao giờ hết nhà thơ đang đứng trên mảnh đất quê hương, ông đã thực hiện được tâm nguyện của mình “sống chết với quê hương”. Tình cảm ấy đẹp quá, thiêng liêng quá! Chỉ khi một người yêu quê tha thiết, mới xa xót trước cảnh tượng như vậy. Giọt nước mắt chảy vào trong, trào dâng và âm ỉ trong lòng người con xa quê.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, nghệ thuật đối, kết hợp tự sự và biểu cảm… bài thơ đã khắc họa thành công tình yêu quê hương tha thiết của một người sống xa quê lâu ngày trong khoảnh khắc vừa mới trở về.