Top 10 Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh hay nhất

Top 10 Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh hay nhất

Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm. Bài thơ “Tiếng gà trưa” của nữ sĩ Xuân Quỳnh được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, in lần đầu trong tập “Hoa dọc chiến hào” năm 1968. Bài thơ đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ
của tuổi thơ với tình cảm bà cháu, qua đó thể hiện tình cảm gia đình và tình yêu quê hương sâu sắc. Mời các bạn tham khảo một số bài văn phân tích “Tiếng gà trưa” mà phongnguyet.info tổng hợp trong bài viết sau để cảm nhận vẻ đẹp của tác phẩm này.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 1

Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là nhà thơ nữ được nhiều người yêu thích. Thơ chị trẻ trung, sôi nổi, giàu chất trữ tình, vốn xuất thân từ nông thôn nên Xuân Quỳnh hay viết về những đề tài bình dị, gần gũi của cuộc sống đời thường như tình mẹ con, bà cháu, tình yêu, tình quê hương, đất nước. Ngay từ tập thơ đầu tay Tơ tầm – Chồi biếc (in chung – 1963), Xuân Quỳnh gây được sự chú ý bởi phong cách thơ mới mẻ. Hơn hai mươi năm cầm bút, chị đã sáng tác nhiều tập thơ có giá trị, tạo ấn tượng khó quên trong lòng người đọc.

Bài thơ “Tiếng gà trưa” được viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ trên phạm vi cả nước. Bị thua đau ở chiến trường miền Nam, giặc Mĩ điên cuồng mở rộng chiến tranh phá hoại bằng máy bay, bom đạn… ra miền Bắc, hòng tàn phá hậu phương lớn của tiền tuyến lớn.

Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng ấy, hàng triệu thanh niên đã lên đường với khí thế xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mĩ, Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Nhân vật trữ tình trong bài thơ là người chiến sĩ trẻ đang cùng đồng đội trên đường hành quân vào Nam chiến đâu. “Tiếng gà trưa” đã gợi nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm gia đình, quê hương đã làm sâu sắc thêm tình yêu đất nước.

Bao trùm bài thơ là nỗi nhớ cồn cào, da diết. Nhớ nhà, đó là tâm trạng tất yếu của những người lính trẻ vừa bước qua hoặc chưa bước qua hết tuổi học trò đã phải buông cây bút, cầm cây súng ra đi đánh giặc cứu nước. Nỗi nhớ ở đây thật giản dị và cụ thể. Chỉ một tiếng gà trưa bất chợt nghe thấy khi dừng chân bên xóm nhỏ là đã gợi dậy cả một trời thương nhớ.

Tiếng gà nhảy ổ làm xao động nắng trưa và cũng làm xao xuyến hồn người. Nghe tiếng gà mà như nghe thấy tiếng quê hương an ủi, vỗ về và tiếp thêm sức mạnh. Điệp từ nghe được nhắc lại ba lần, mở đầu ba câu thơ liên tiếp thể hiện sự rung cảm cao độ trong tâm hồn chiến sĩ:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà cũ nhảy ổ

Cục… cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Quê nhà hiện lên rõ nét trong tâm tưởng và những kỉ niệm tuổi thơ lần lượt sống dậy qua những hình ảnh thân thương. Tiếng gà trưa nhắc nhở đến ổ rơm hồng những trứng của mấy chị mái mơ, mái vàng xinh xắn, mắn đẻ. Tiếng gà trưa khiến người cháu xa nhà nhớ đến người bà kính yêu một đời tần tảo.

Thương biết mấy là cảnh đứa cháu tò mò xem gà đẻ, bị bà mắng: Gà đẻ mà mày nhìn, Rồi sau này lang mặt. Chẳng hiểu hư thực ra sao nhưng cháu tin là thật: Cháu về lấy gương soi, lòng dại thơ lo lắng. Giờ đây, đứa cháu đã trường thành ao ước trở về thời bé bỏng để lại được nghe tiếng mắng yêu của bà, được thấy bóng dáng quen thuộc của bà khum tay soi trứng, chắt chiu từng mầm hi vọng sẽ có được một đàn gà con đông đúc.

Suốt một đời lam lũ, lo toan, bà chẳng bao giờ nghĩ đến bản thân mà chỉ lo cho cháu, bởi đứa cháu đối với bà là tất cả. Bà thầm mong đàn gà thoát khỏi nạn dịch mỗi khi mùa đông tới: Để cuối năm bán gà, Cháu được quần áo mới. Ao ước của đứa cháu có được cái quần chéo go, cái áo cánh chúc bầu còn nguyên vẹn lần hồ sột soạt và thơm mùi vải mới được nhân lên gấp bội trong lòng bà yêu cháu. Hạnh phúc gia đình giản dị, đầm ấm mà rất đỗi thiêng liêng cùng bao khát vọng tuổi thơ dường như gói gọn cả trong tiếng gà trưa:

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiều hạnh phúc,

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Thông qua nỗi nhớ được khơi dậy từ tiếng gà trưa, nhà thơ Xuân Quỳnh đã miêu tả tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và tình cảm yêu mến, kính trọng bà của một em bé nông thôn. Tình bà cháu thắm thiết đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người chiến sĩ hôm nay đang trên đường hành quân chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ

Khổ thơ cuối cùng là lời tâm sự chân thành của đứa cháu chiến sĩ trên đường ra tiền tuyến gửi về người bà kính yêu ở hậu phương. Từ tình cảm cụ thể là tình bà cháu đến tình cảm lớn lao như lòng yêu Tổ quốc, yêu xóm làng thân thuộc đều được biểu hiện bằng hình thức nghệ thuật giản dị, mộc mạc như lời ăn tiếng nói hằng ngày; ấy vậy mà nó lại gây xúc động sâu xa bởi nhà thơ đã nói giúp chúng ta những điều thiêng liêng nhất của tâm hồn.

Đọc bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh, một lần nữa chúng ta nhận thấy rằng nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua thật sáng suốt khi đúc kết nên chân lí: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 2

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của nền văn học hiện đại. Bà thường viết về những gì bình dị gần gũi trong đời sống thường ngày. Thơ của bà thường có giọng điệu sôi nổi trẻ trung mạnh bạo và giàu chất trữ tình. “Tiếng gà trưa” được viết vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ thể hiện tình yêu thương tổ quốc, quê hương trong đó sâu lặng và thắm thiết là tình bà cháu.

Được làm theo thể thơ 5 chữ có sự biến đổi linh hoạt. Cách gieo vần liền ở những câu 2, 3 xen kẽ là vần dãn cách. Thể thơ này thích hợp kể lại kí ức và kỉ niệm.

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”

Tiếng gà cục tác buổi trưa để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người chiến sĩ nó gắn với kỉ niệm sâu sắc tuổi ấu thơ, chính vì vậy trong vô vàn âm thanh của làng quê, người chiến sĩ nghe thấy rõ nhất là tiếng gà cục tác. Vào một buổi trưa hè tại một làng quê vắng vẻ, trên đường hành quân người chiến sĩ được tiếp sức từ tiếng gà trưa.

“Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”.

Điệp từ “nghe” được đặt ở 3 câu đầu liên tiếp để nhấn mạnh giàu cảm xúc mà tiếng gà trưa đem lại: Với lối ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, lấy thính giác thay cho thị giác. Tiếng gà trưa đã làm xao động cả không gian làm xao động cả lòng người. Tiếng gà trưa làm thức dậy cả những kỉ niệm tuổi thơ.

Cách hiểu nghĩa của cả hai câu thơ “Nghe xao động nắng trưa”, “Nghe gọi về tuổi thơ” thiên về nghĩa bóng thì câu thơ “Nghe bàn chân đỡ mỏi” thì thiên về nghĩa đen. Cách đảo trật tự ở các câu không giống nhau làm cho âm điệu các câu thơ thay đổi, tránh được sự nhàm chán và diễn tả sự bồi hồi xao xuyến của tâm hồn. Tiếng gà trưa được cảm nhận từ nhiều giác quan bằng cả tâm hồn.

Những câu thơ mở đầu không có ẩn ý hoàn toàn giản dị như một bài đồng dao nhưng nó làm cho lòng người đọc nhẹ lại vì sự trong trắng sinh động và thân thiết. Những kỉ niệm tuổi thơ sau mỗi câu thơ “Tiếng gà trưa” lại gợi lên kỉ niệm:

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái tơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng”.

Sau một câu kể là một câu tả, câu tả có kết cấu sóng đôi và lặp lại từ “Này” là từ dùng để chỉ và lưu ý người nghe tưởng tượng. Các tính từ “hồng”, “trắng”, “óng” đều là gam màu tươi sáng gợi lên bức tranh đàn gà lộng lẫy tác giả còn sử dụng biện pháp so sánh “Lông óng như màu nắng” gợi lên vẻ đẹp rực rỡ.

Tác giả tạo ra điều bất ngờ trong bài thơ không miêu tả tiếng gà trưa mà nói đến sự xuất hiện bất ngờ “ổ rơm hồng những trứng” đó là phép lạ mà tiếng gà trưa đem lại.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 3

Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ viết về những kỉ niệm tuổi thơ thân thương gắn với người bà mà tác giả vô cùng yêu quý. Tiếng gà trưa không chỉ gọi về tuổi thơ mà còn làm bừng sáng cả hiện tại và tương lai bởi tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.

Cũng như nhiều tác phẩm đã được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bài thơ này cũng hướng vào chủ đề chung của văn học thời kì này: lòng yêu nước và cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta. Vì thế, tác phẩm có nhiều kỉ niệm riêng của nhà thơ nhưng hình tượng nhân vật trung tâm lại là người chiến sĩ đang trên đường hành quân ra tiền tuyến. Cái tôi riêng của người nghệ sĩ hòa cùng cái ta chung của cả thế hệ, cả dân tộc một cách tự nhiên, vừa gần gũi, vừa cao cả, thiêng liêng, lay động lòng người.

Cảm hứng của tác giả được khơi gợi từ việc nghe thấy tiếng gà nhảy ổ khi dừng chân bên xóm nhỏ trên con đường hành quân ra trận. Tất cả được gọi về từ một âm thanh quen thuộc, bình thường – tiếng gà mái cục tác trong buổi trưa. Tiếng gà đã gợi lại trong tâm trí của người chiến sĩ những hình ảnh và kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ: Tiếng gà trưa gắn liền với những con gà mái mơ, gà mái vàng của tuổi thơ ấu.

Tiếng gà trưa gắn liền với người bà rất mực yêu thương và chăm lo cho cháu. Tiếng gà gắn với mơ ước bé nhỏ có được một bộ quần áo mới để đón tết từ tiền bán gà. Tiếng gà trưa cùng với người chiến sĩ hành quân vào cuộc chiến, khắc sâu thêm tình cảm tha thiết dành cho quê hương đất nước.

Xóm nhỏ là xóm nhỏ nào trên chặng đường hành quân không mệt mỏi, người đọc không biết và tác giả cũng không nói rõ. Chỉ có tiếng gà là rất thực, rất đời, rất thân thương và gần gũi, khiến cho người chiến sĩ ấy xiết bao xúc động. Tiếp sau đó điệp từ “nghe” nối tiếp nhau, được nhắc lại ba lần như những dự báo kì diệu của tiếng gà.

Tiếng gà làm xao động, làm dịu bớt đi cái oi ả buổi ban trưa, xua tan nỗi mệt mỏi bước chân người chiến sĩ và đánh thức những kỉ niệm ngọt ngào thời thơ ấu, đưa các anh sống lại những năm tháng tươi đẹp, hồn nhiên nhất của cuộc đời. Đoạn đầu mở ra không khí rất đỗi thanh bình, trái ngược hẳn với những đau thương mất mát mà hàng ngày, hàng giờ những người lính phải đối mặt, đương đầu.

Sau tiếng gà nhảy ổ ở hiện tại, sang khổ 2, 3, 4 đã gọi về những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Ba khổ thơ, cùng điệp từ tiếng gà trưa, khiến những kỉ niệm thân thương và đẹp đẽ cứ thế ùa về. Qua các câu thơ chúng ta như được cùng người chiến sĩ ấy sống những ngày tháng êm đềm trong tình yêu thương của bà. Tuổi thơ ấy được dệt lên bởi những kỉ niệm về những chị gà mái mơ, gà mái vàng, về chuyện nhìn gà đẻ bị bà mắng yêu, về hình ảnh bà khum soi trứng, về tấm lòng chắt chiu, âu yếm của bà và nỗi khao khát có được quần áo mới.

Càng đọc, những rung động tha thiết về tuổi thơ trong trẻo càng dâng lên tha thiết. Qua những dòng thơ êm nhẹ, thánh thót như những nốt nhạc trong veo, hình ảnh người bà hiện lên thật đẹp đẽ, hiền từ như một bà tiên. Bà đã dành tất cả sức lực và tình yêu cho đứa cháu nhỏ, đã tần tảo, chắt chiu, chăm sóc, nâng đỡ từng quả trứng, từng chú gà con như nâng đỡ hạnh phúc, mơ ước nhỏ bé và giản dị của đứa cháu thơ dại.

Hình ảnh đứa bé xúng xính, sột soạt trong bộ quần áo mới nghe sao mà cảm động đến nao lòng. Đấy đâu chỉ là một bộ quần áo mới biết kêu sột soạt mà còn là nỗi sung sướng và cảm động của đứa cháu, mà còn là niềm hạnh phúc, là tấm lòng chan chứa yêu thương của bà dành cho cháu.

Sau tiếng gà trưa lần thứ 4, người lính hướng hẳn vào trong tâm tưởng để giãi bày lòng mình. Bằng cách biểu đạt này, nhà thơ vừa bày tỏ được nỗi nhớ da diết về người bà ở phương xa, vừa bộc lộ được nhận thức của mình về trách nhiệm của người cầm súng.

Xuân Quỳnh đã sử dụng thể thơ ngũ ngôn với sự sáng tạo linh hoạt. Điệp ngữ: tiếng gà trưa, nghe kết nối các phần của bài thơ và điểm nhịp cho từng cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng. Lời thơ vô cùng xúc động.

Tiếng gà trưa trở thành tiếng nói của quê hương, của những người ruột thịt, của cả dân tộc và đất nước lúc bấy giờ, giục giã người cầm súng. Từ những kỉ niệm tuổi thơ thấm đẫm tình bà cháu, cảm hứng của bài thơ đã được mở rộng, hướng tới tình yêu đất nước, nhắc nhở những người chiến sĩ cầm chắc tay súng tiến lên chống kẻ thù xâm lược bảo vệ sự bình yên cho gia đình, cho quê hương đất nước, cho những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng của tuổi thơ.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 4

Từ lâu ta đã biết đến tiếng thơ vừa sôi nổi vừa đằm thắm mà tha thiết, trong sáng của Xuân Quỳnh, nay đến với Tiếng gà trưa lại một lần nữa ta bắt gặp điệu cảm xúc ấy. Bài thơ là sự bộc lộ tình cảm yêu quê hương, đất nước chân thành, sâu lắng của nhà thơ qua hình tượng tiếng gà trưa. Đó là âm thanh gọi về những kỉ niệm, những cảm xúc thiêng liêng và nơi chốn bình yên cho tâm hồn con người.

Tiếng hà trưa là âm thanh giản dị, quen thuộc của làng quê Việt. nó gợi về cuộc sống yên ả, sự lao động yên vui, ấm áp của người nông dân quanh năm sau lũy tre làng. Ở đây, bằng những cảm xúc mới mẻ, nồng nàn rất riêng Xuân Quỳnh đã thổi vào thứ âm thanh ấy một vẻ đẹp rất thiêng liêng của những cảm xúc ấu thơ của người lính hành quân. Nó làm xao động cái nắng trưa trên đường hành quân.

Âm thanh ấy làm cho anh như đang sống lại thời thơ ấu đẹp đẽ của mình, nó như tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân anh bớt mỏi, cho lòng anh xúc động dạt dào. Với ý nghĩa như vậy, tiếng gà trưa là âm thanh, tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, trở thành hành trang của người lính trẻ.

“Cục…cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”.

Đến đoạn thơ thứ hai, trong hai mươi sáu câu thơ, câu thơ Tiếng gà trưa được nhắc lại ba lần, âm thanh ấy gọi về bao kỉ niệm thân yêu. Xa xa tiếng gà trưa vọng lại, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu chắt chiu từng quả trứng hồng. Những quả trứng hồng, đàn gà chi chít đông đúc.

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.”

Tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu. Tuổi thơ sống bên bà có biết bao kỉ niệm đáng nhớ, tính hiếu kỳ, tò mò của trẻ thơ quan sát con gà đẻ trứng. Rồi bị bà mắng, sợ mặt bị lang, trong lòng cháu hiện lên lo lắng:

“Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng

Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.”

Nổi bật qua suốt những câu thơ ấy là hình ảnh người bà chắt chiu, giành giụm yêu thương cháu. Bà đã luôn ân cần, hi sinh và mệt nhọc để mong có được một đàn gà tốt giúp cháu có những bộ quần áo mới, dù nó chỉ nhỏ thôi những mà thấm thía biết bao nhiêu.

Đoạn thơ nghe giản dị mà thật gần gũi nhường nào, những chi tiết tác giả miêu tả gắn bó thân thuộc với quê hương làng xóm, hơn thế nó là những kỉ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí trẻ thơ. Nỗi lo của bà thật cảm động xiết bao, đàn gà kia sẽ bị chết nếu như sương muối giá lạnh và cháu bà lại chẳng được may áo mới.

“Ôi cái quần chéo go,

Ống rộng dài quết đất

Cái áo cánh trúc bâu

Đi qua nghe sột soạt”

Cháu nhớ mãi sau mỗi lần gà được bán, bà lại ra chợ chọn mua cho cháu yêu bộ quần áo thật đẹp. Tình cảm yêu thương nồng hậu bà luôn dành trọn cho cháu, cho con. Tuổi thơ sống bên bà đây là quãng đời đầy ắp những kỉ niệm khó quên. Lần thứ tư Tiếng gà trưa lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ của người lính trẻ.

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiều hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.”

Âm thanh xao động của tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó gợi tình cảm đẹp trong lòng người chiến sĩ hành quân ra trận. Âm thanh ấy như tiếng của quê hương, đất mẹ thân yêu. Tiếng gà trưa, đâu chỉ là âm thanh của một con vật vô tri mà nó là tiếng gọi của tuổi thơ, của yêu thương hồng, là những âm thanh của kí ức tươi đẹp, trong sáng đã theo cháu suốt một đời. nó cứ ám ảnh, âm vang day dứt mãi trong lòng nhà thơ, trong những giấc mơ tuổi nhỏ.

Âm thanh ấy đã đi vào tiềm thức đứa cháu nhỏ, đầy dịu dàng mà xúc động thiêng liêng vì nó gắn với tình bà cao cả. Đó cũng là lí do để người cháu sống cống hiến:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.”

Điệp từ “vì” được lặp lại 4 lần liên tiếp nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Đó là vì tổ quốc thân thương, vì xóm làng que thuộc nơi chôn rau cắt rốn của tuổi thơ, nhưng đất nước quê hương vô cũng vô tận, mênh mông ấy cũng chỉ mãi hữu hình trong dáng bà thầm lặng hi sinh, gắn với âm thanh của tiếng gà trưa quen thuộc. Hai tiếng “bà ơi” vang lên nghe mới tha thiết mà đằm thắm làm sao, nó vừa xúc động thiêng liêng, vừa bỏng sôi mãnh liệt.

Giống như nó được chực trào ra từ tận đáy lòng thổn thức không thể kìm lòng. Tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu.

Qua đây thấy được tình cảm tiền tuyến hậu phương của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến, gian khổ có thể làm mệt mỏi, bom đạn có thể hủy diệt mọi thứ nhưng những tình cảm về bà, về những kỉ niệm ấu thơ cùng tiếng gà trưa không bao giờ chết mà vẫn còn nguyên lửa, vẫn cứ dâng dâng trong lòng người.

Bài thơ “Tiếng gà trưa” là một nốt trầm sâu lắng, da diết của người lính trên bước đường hành quân gian khổ, nhưng tiếng gà ấy còn là tên gọi khác của kỉ niệm, của hồi ức, của tình bà cháu thiêng liêng bất diệt. với cách sử dụng linh hoạt điệp từ, các hình ảnh giản dị mà xúc động, Xuân Quỳnh đã truyền tải được thật chính xác lòng mình tới độc giả.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 5

Theo thời gian, mọi thứ luôn có thể thay đổi theo quy luật năm tháng nhưng có lẽ có một điều không bao giờ thay đổi đó là những rung động do kỉ niệm tuổi thơ đem lại mà mỗi người đều có. Đối với Xuân Quỳnh kỉ niệm ấy là tiếng gà “cục…cục tác cục ta” của những năm tháng sống êm đềm bên người bà kính yêu. Từ những tình cảm tha thiết mến yêu bà, người đọc cảm nhận sâu sắc tình yêu quê hương đất nước mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Bài thơ được sáng tác vào năm 1968, thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt và gian khổ, trong hoàn cảnh đó, nhà thơ đã chọn cho mình một điểm gợi cảm xúc đó là trên con đường hành quân:

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”

Như một lời kể về chuyến hành trình bắt gặp cảm xúc, trên con đường hành quân, khi đi qua một xóm nhỏ, nghe tiếng gà vọng ra, vọng về cả một vùng trời bâng khuâng xúc cảm. Tiếng gà ấy vừa vang lên thì:

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Từ “nghe” được điệp lại ba lần đặt ở đầu ba câu thơ như bật lên niềm xúc cảm xao xuyến bâng khuâng khó tả của lòng người. Tiếng gà dường như có một sức mạnh ghê gớm khiến cho chỉ vừa cất lên đã làm cho nắng ngả phải xao động hay có lẽ chính là lòng người xao động làm cho nắng nhìn như ngả sang.

Chỉ cần nghe được tiếng gà ấy mà bao nhiêu mệt nhọc trên con đường hành quân như tan biến hết bởi kí ức tuổi thơ theo tiếng gà ùa về đã làm cho bàn chân vơi mỏi. Khi ấy, mọi hình ảnh của tuổi thơ như ùa về trong tâm trí tác giả:

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng

Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng:

– Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt!

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng

Kỉ niệm tuổi thơ bên bà là những cô gà mái mơ “khắp mình hoa đốm trắng” cùng “lông óng như màu nắng”. Rồi cả tiếng bà mắng nhìn gà đẻ sẽ lang mặt đều là những hình ảnh không thể nào phai nhòa trong kí ức Xuân Quỳnh. Kỉ niệm ấy còn là tình cảm chắt chiu thầm kín của bà:

Tiếng gà trưa

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chiu

Cho con gà mái ấp

Hình ảnh người bà “tay khum soi trứng” thật đẹp, thật hiền từ, đó là hình ảnh của một người bà tần tảo, chu đáo sớm hôm lo cho đàn gà đẻ trứng và cũng là lo cho gia đình thân yêu.

Cứ hàng năm hàng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt

Mọi hi vọng bà đều đặt vào đàn gà, bà lo trời sương muối, đàn gà không chịu được và chỉ mong cuối năm bán gà có được tiền cho cháu mua quần áo mới. Có lẽ hình ảnh của những bộ quần áo được đổi bằng tiền bán gà, đổi bằng những tần tảo sớm hôm của bà vô cùng đặc biệt, đó là chiếc quần chéo go rộng đến quét đất, rồi chiếc áo chúc bâu rộng thùng thình, khi đi lại nghe sột soạt.

Tất cả những món ấy tuy bình dị mà hết sức thân thương, trìu mến, đó không chỉ là cái quần, cái áo mà còn là công sức, tình cảm yêu thương của người bà thầm lặng cho cháu. Tình cảm ấy luôn được ẩn giấu trong tiếng gà trưa:

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng

Và từ tình cảm gia đình cụ thể, Xuân Quỳnh đã khái quát lên tình cảm lớn lao rộng rãi đó là tình yêu tổ quốc:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ

Ta như hình dung ra tâm trạng người lính từ những kỉ niệm về tuổi thơ của mình mà khi quay về thực tại với con dường hành quân trở nên giàu lòng hăng hái với giọng thơ tràn trề sinh khí. Xuân Quỳnh đã khẳng định mục đích chiến đấu hôm nay đó là vì tổ quốc, vì bà, vì kỉ niệm tuổi thơ êm đềm của mình.

“Ổ trứng hồng tuổi thơ” không đơn thuần là những hình ảnh kỉ niệm mà còn biểu tượng cho sự êm đềm, thanh bình của một làng quê mà khi giặc Mỹ đến đã phá tan sự yên bình ấy. Và nhà thơ khẳng định mình chiến đấu hôm nay chính là vì muốn bảo vệ quê hương, bảo vệ sự yên bình của mọi mái nhà trên tổ quốc.

Bài thơ chỉ với ngôn từ và hình ảnh giản dị nhưng thật dễ đi sâu vào lòng người, ta cảm nhận rõ nét tình cảm của hai bà cháu thắm thiết hòa quyện trong tình yêu quê hương đất nước.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 6

Xuân Quỳnh (1942-1988) nhà thơ nổi tiếng với những bài thơ như Thuyền và biển; Sóng; Tiếng gà trưa… biểu lộ một hồn thơ nồng nàn, đằm thắm dào dạt thương yêu. Bài thơ tiếng gà trưa được viết vào những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tiếng gà trưa là âm thanh, tiếng gọi của quê hương, gia đình, xóm làng còn in đậm trong lòng người lính ra trận, trở thành hành trang của người lính trẻ.

Tiếng gà nhà ai nhảy ổ cục…cục tác cục ta cất lên nơi xóm nhỏ. Tiếng gà là âm thanh rất bình dị, quen thuộc của làng quê bao đời nay. Với người lính, âm thanh quen thuộc ấy gây cho anh bao xúc động. Nó làm xao động cái nắng trưa trên đường hành quân. Âm thanh ấy làm cho anh như đang sống lại thời thơ ấu đẹp đẽ của mình, nó như tiếp thêm sức mạnh cho đôi chân anh bớt mỏi, cho lòng anh xúc động dạt dào:

Cục…cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Đến đoạn thơ thứ hai, trong hai mươi sáu câu thơ, câu thơ Tiếng gà trưa được nhắc lại ba lần, âm thanh ấy gọi về bao kỉ niệm thân yêu. Xa xa tiếng gà trưa vọng lại, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu chắt chiu từng quả trứng hồng. Những quả trứng hồng, đàn gà chi chít đông đúc. Ta như thấy rất nhiều gà, rất nhiều màu sắc và lứa gà:

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.

Trong bức tranh gà mà Xuân Quỳnh miêu tả rất đặc biệt, ê rơm vàng óng lăn lóc những quả trứng hồng, con gà mái mơ có bộ lông đan xen các màu trắng, đen, hồng… trứng nó giống hình hoa văn mà người nghệ sĩ tạo hình chấm phá. Ánh vàng rực rỡ của con gà mái vàng, lông óng lên như màu nắng, bà cùng cháu vừa tung những hạt cơm, hạt gạo cho lũ gà ăn, quan sát những chú gà xinh đẹp đang nhặt thóc quanh sân.

Cháu cùng bà đếm từng chú gà trong vườn nhà. Tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người chiến sĩ nhớ về người bà thân yêu. Tuổi thơ sống bên bà có biết bao kỉ niệm đáng nhớ, tính hiếu kỳ, tò mò của trẻ thơ quan sát con gà đẻ trứng. Rồi bị bà mắng, sợ mặt bị lang, trong lòng cháu hiện lên lo lắng:

Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng

Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng

Cháu còn làm sao quên được hình ảnh Tay bà khom, soi trứng… bà “tần tảo” “chắt chiu” từng quả trứng hồng cho con gà mái ấp là cháu lại nhớ đến bao nỗi lo của bà khi mùa đông tới:

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.

Đoạn thơ nghe giản dị mà thật gần gũi nhường nào, những chi tiết tác giả miêu tả gắn bó thân thuộc với quê hương làng xóm, hơn thế nó là những kỉ niệm không bao giờ phai nhạt trong tâm trí trẻ thơ. Nỗi lo của bà thật cảm động xiết bao, đàn gà kia sẽ bị chết nếu như sương muối giá lạnh và cháu bà lại chẳng được may áo mới.

Ôi cái quần chéo go,

Ống rộng dài quết đất

Cái áo cánh trúc bâu

Đi qua nghe sột soạt

Cháu nhớ mãi sau mỗi lần gà được bán, bà lại ra chợ chọn mua cho cháu yêu bộ quần áo thật đẹp. Tình cảm yêu thương nồng hậu bà luôn dành trọn cho cháu, cho con. Tuổi thơ sống bên bà đây là quãng đời đầy ắp những kỉ niệm khó quên.

Lần thứ tư Tiếng gà trưa lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ của người lính trẻ.

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiều hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Âm thanh xao động của tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó gợi tình cảm đẹp trong lòng người chiến sĩ hành quân ra trận. Âm thanh ấy như tiếng của quê hương, đất mẹ thân yêu.

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ

Trong bài thơ có ba câu thơ rất hay ổ rơm hồng những trứng; giấc ngủ hồng sắc trứng; ổ trứng hồng tuổi thơ cả ba câu thơ đều nói về hạnh phúc tuổi thơ, hạnh phúc gia đình làng xóm. Hình ảnh người bà hiện lên trong tâm trí người chiến sĩ hành quân ra trận thật đẹp.

Lưu Trọng Lư khi nghe “Xao xác gà trưa gáy não nùng” đã nhớ về nét cười đen nhánh, màu áo đỏ của mẹ hiền đã đi xa. Bằng Việt khi xa quê đã nhớ về quê qua hình ảnh người bà kính yêu. Tiếng tu hú kêu gọi hè về, nhớ bếp lửa ấp iu nồng đượm bà nhen nhóm sớm hôm. Và bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh gợi nhớ về bà qua tiếng gà xao xác ban trưa.

Bài thơ Tiếng gà trưa là bài thơ hay tha thiết ngọt ngào. Tiếng gà cũng là tiếng gọi thân yêu của bà, của mẹ, của quê hương. Tiếng gọi thân yêu ấy như là niềm tin cho người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ quê hương yêu dấu.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 7

Nhắc đến chiến tranh, chúng ta thường hình dung ra sự hiểm nguy, sự bạo tàn của khói lửa chiến tranh. Khi viết về đề tài chiến tranh, đề tài người lính thì các tác giả thường có xu hướng tái hiện lại không khí dữ dội, ác liệt của chiến tranh hay xây dựng hình tượng về những người lính anh hùng, quả cảm.

Cũng viết về đề tài chiến tranh, nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm của người phụ nữ, Xuân Quỳnh không tái hiện lại cái dữ dội của chiến tranh mà khai thác ở khía cạnh nhạy cảm hơn, đó chính là đời sống tinh thần của con người khi ra lính. Bài thơ “Tiếng gà trưa” thể hiện sâu sắc điều này.

Ngay trong phần ở đầu của bài thơ, nhà thơ Xuân Quỳnh đã mở ra một không gian hành quân của những người lính, sau những chặng hành quân đầy mỏi mệt thì họ đã dừng chân bên một xóm nhỏ. Và tại đây, âm thanh của cuộc sống vọng lại khiến cho họ nhớ về những kí ức của tuổi thơ, cảm xúc về quê hương cũng chợt ùa về trong tâm trí:

“Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ

Cục…cục tác cục ta”

Tiếng gà nhảy ổ vọng lại từ xóm nhỏ đã có tác động mạnh mẽ đến tinh thần, cũng như tâm hồn của những người lính. Tiếng gà “Cục cục tác cục ta” quen thuộc mà vô cùng thân thương đối với mỗi con người- bởi vì nó gắn liền với cuộc sống đời thường, gắn liền với những kí ức của tuổi thơ. Bởi vậy khi nghe tiếng gà nhảy ổ thì những người lính cảm thấy những mỏi mệt của cuộc hành trình như bị xua tan, những kí ức của tuổi thơ cũng tràn về như thác lũ:

“Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”

Không chỉ âm thanh tiếng gà thân quen mà cả những hình ảnh mà những người lính quan sát được cũng gợi lên bao cảm xúc, đó là hình ảnh của những ổ rơm đầy ắp những quả trứng hồng. Màu sắc rực rỡ của những con gà mái hoa mơ, hay màu lông vàng óng của những chú mái vàng khiến cho bức tranh trưa hiện lên sống động và gợi ra cho chúng ta một cảm nhận, đó chính là không khí chiến trường như bị đẩy lùi về phía sau, trước mắt người đọc là bức tranh về sự sống.

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng”

Xúc động hơn nữa, ấm áp hơn nữa đó chính là hình ảnh, âm thanh của tiếng gà đã gợi dậy trong tâm hồn của những người lính hình ảnh của người bà đầy thân thương cùng những kí ức , kỉ niệm của hai bà cháu:

“Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng

Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lăng mặt

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng”

Hình ảnh người bà hiện lên đầy tự nhiên như một miền kí ức chợt được gợi mở. Cũng trong không gian trưa, trong tiếng gà ấy rộn không gian có tiếng của bà “Có tiếng bà vẫn mắng”, bà đã mắng yêu đứa cháu vì nhìn những con gà đang đẻ, theo quan niệm dân gian xưa thì nhìn gà đẻ sẽ bị lang mặt, trở nên xấu xí. Bà đã nhắc nhở đứa cháu khiến cho người cháu lo lắng mà về nhà lấy gương soi. Người bà hiện lên trong chốc lát nhưng lại khiến cho người đọc cảm động khôn nguôi. Bởi trong chiến tranh vẫn ấm lên thứ tình cảm đẹp như thế, đó là tình bà cháu, tình cảm gia đình.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 8

Xuân Quỳnh là nhà thơ của hạnh phúc đời thường với những rung cảm, khát vọng mãnh liệt của một trái tim người phụ nữ chân thành, đằm thắm. Thơ Xuân Quỳnh đa dạng với nhiều đề tài phong phú như tình yêu quê hương đất nước, tình bà cháu, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi,…

Bài thơ “tiếng gà trưa” được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ vừa là tiếng nói của tình cảm gia đình, vừa là câu chuyện của thời đại. Tình yêu bà gắn với tình yêu tổ quốc, tình cảm gia đình đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Mạch cảm xúc của bài thơ luân chuyển từ hiện tại trở về quá khứ và sau cùng lại về với thực tại. Sự thay đổi về thời gian cũng chính là sự luân chuyển dòng cảm xúc của tác giả. Mở đầu bài thơ, với giọng điệu nhẹ nhàng, tự nhiên cùng lời lẽ ngắn gọn, hàm súc Xuân Quỳnh đã khiến người đọc hình dung ra câu chuyện về người chiến sĩ trên đường hành quân mệt mỏi, dừng chân nghỉ lại nơi xóm làng ban trưa, nghe thấy tiếng gà nhảy ổ và bất giác nghĩ về kỉ niệm tuổi thơ cùng người bà kính yêu của mình:

“Trên đường hành quân xa

…. Nghe gọi về tuổi thơ”

Tiếng gà trưa được mô phỏng rất cụ thể “cục…cục tác cục ta” gợi lên sự thân thương, quen thuộc đối với người chiến sĩ, nó chính là âm thanh khơi gợi niềm xúc cảm trong lòng người. Từ “nghe” được điệp lại ba lần với những hình ảnh ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “Nghe xao động nắng trưa, nghe bàn chân đỡ mỏi, nghe gọi về tuổi thơ” đã khẳng định sức lan tỏa của tiếng gà. Nó không chỉ làm thay đổi về ngoại cảnh, về cảm giác mà còn thấm sâu vào tâm hồn với sức mạnh đánh thức tiềm thức của tuổi thơ, gọi những cảm xúc dường như đã được ngủ quên thức dậy. Những dấu ấn tuổi thơ cùng tình cảm bà cháu chợt ùa về.

Những kỉ niệm tuổi thơ của người chiến sĩ hiện về vô cùng bình dị, hồn nhiên. Đó là hình ảnh về những ổ rơm hồng đầy trứng, con gà mái mơ hoa đốm trắng, con gà mái vàng lông óng như màu nắng. Cách gọi thân thương “này…này” cũng cách miêu tả rất chi tiết về con vật cho thấy đây đều là những hình ảnh rất đỗi gần gũi, thân thuộc đối với người chiến sĩ.

Đó còn là kỉ niệm xem trộm gà đẻ trứng, bị bà mắng rồi dại khờ lo lắng bị lang mặt. Kí ức tuổi thơ hồn nhiên, ngây ngô, sáng trong ấy là kỉ niệm không bao giờ quên đối với người chiến sĩ. Những kỉ niệm ấy còn là niềm vui của con trẻ khi được bộ quần áo mới. Sống lại những kỉ niệm tươi đẹp, hồn nhiên của tuổi thơ, người chiến sĩ như được tiếp thêm tinh thần, động lực chiến đấu.

Nhà thơ đã miêu tả rất nhiều chi tiết, những hình ảnh thân thuộc với làng quê Việt Nam, tạo nên sự gần gũi thân thương đối với mỗi người. Cùng với những kỉ niệm tuổi thơ, hình ảnh về bà cùng tình bà cháu thiêng liêng, sâu nặng cũng được vọng về qua tiếng gà trưa.

“Tiếng gà trưa/Tay bà khum soi trứng

…Để cuối năm bán gà/Cháu được quần áo mới.

Hình ảnh người bà tần tảo, chắt chiu trong cảnh nghèo khó với bàn tay khum khum soi trứng, lo cho đàn gà toi khi gió mùa đông tới, mong trời đừng sương muối để cháu có được bộ quần áo mới thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc tận tâm mà bà dành cho các cháu. Tình bà cháu thiêng liêng, thắm thiết thật khiến lòng người xúc động. Ta trân quý tình bà tần tảo hi sinh để chăm lo cho đàn cháu, ta thương cảm tình cháu kính yêu và biết ơn bà.

Tiếng gà trưa không chỉ đánh thức bao kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp, trong sáng, vọng về tình cảm bà cháu thiêng liêng, cao quý mà tiếng gà ấy còn mang đến bao nhiêu hạnh phúc với những giấc mơ hồng sắc trứng. Tất cả những điều ấy đã thôi thúc, giục giã mục đích chiến đấu của người chiến sĩ ngày hôm nay:

“Cháu chiến đấu hôm nay

…Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Điệp từ “vì” được lặp lại bốn lần trong một khổ thơ để nhấn mạnh mục đích chiến đấu của người chiến sĩ. Các anh gác bút nghiên lên đường ra trận không phải vì riêng bản thân mình mà vì tất cả, vì Tổ quốc, vì xóm làng, vì bà, vì cả tiếng gà cục tác. Các đối tượng được liệt kê theo hướng cụ thể hóa, từ mục đích cao cả, thiêng liêng, lớn lao đến những mục đích cụ thể, giản dị, gần gũi. Có thể thấy, tình cảm gia đình đã làm phong phú, sâu sắc tình yêu quê hương, đất nước.

Tiếng gà trưa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch cảm xúc của bài thơ, gợi nhắc những kỉ niệm, khơi gợi những tình cảm và là động lực chiến đấu của người chiến sĩ. Mỗi lần tiếng gà trưa được lặp lại là mỗi lần ta bắt gặp một dòng cảm xúc da diết, nghẹn ngào.

Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, trìu mến, da diết bài thơ “tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh đã gợi về tình cảm bà cháu cao quý, thiêng liêng đầy cảm động và chính từ tình cảm đó trở thành động lực để bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Bài thơ dường như có một góc khuất sâu xa nào đó trong kí ức của chính tác giả được sống dậy, đó là một tuổi thơ nghèo khó, khổ cực nhưng ấm áp bên bà. Chính vì thế càng hiểu sâu bài thơ càng khiến ta xót lòng thương cảm.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 9

“Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh là một bài thơ hay. Bài thơ đã khẳng định giá trị và sức sống của nó qua thời gian. Bài Tiếng gà trưa nổi trội mạch cảm xúc và âm thanh tiếng gà ngân vang, như thả neo vào lòng người đọc. Âm thanh Tiếng gà trưa là hình tượng nổi bật xuất hiện và chiếm lĩnh toàn bộ tác phẩm.

Bài thơ được mở đầu bằng tiếng gà Cục.. .cục tác cục ta vang lên xao động tâm hồn người chiến sỹ trên đường hành quân ra chiến trường đánh giặc:

Tiếng gà ai nhảy ổ:

Cục…cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ.

Chỉ nghe một tiếng gà trưa gióng lên giữa chút thời gian ngắn ngủi mà bao nhiêu cảm xúc ùa về ào ạt, chắc chắn âm thanh đó đã chạm khắc vào tâm hồn nhà thơ ? Điệp từ “nghe” láy đi láy lại 3 lần biểu hiện sinh động nỗi xúc động trào dâng và như sợi dây vô hình níu giữ cho âm thanh tiếng gà lắng vào chiều sâu tâm linh, ngân rung nơi nốt nhớ, xôn xao gọi về kỷ niệm êm đềm, đầm ấm đã qua.

Đó là một tuổi thơ mang bao nỗi niềm, đầy thân phận: thiếu mẹ, vắng cha, sống với bà. Chỗ nương tựa chính của người chiến sĩ là người bà già nua, khắc khổ ở một làng quê nghèo. Thiếu vắng tình cảm của mẹ, của cha, người chiến sĩ được bù đắp bởi tình bà. Trong hồi ức người lính tình cảm của bà hàm chứa cả tình mẹ bao dung, đa mang, thương con hết mực, tình cha nghiêm khắc, nặng sâu.

Tấm thân gầy guộc của bà ôm trùm hết thảy mọi thứ tình cảm mà cuộc đời không ưu ái dành cho tuổi thơ người lính. Bà buộc phải dồn ghép nghĩa vụ, tình cảm, bồi đắp yêu thương cho những mất mát, thiếu hụt, tổn thất tinh thần nơi đứa cháu. Người cháu sớm nhận ra bao nhiêu vất vả, nhọc nhằn đều đổ lên đôi vai mỏng mảnh, yếu ớt nơi bà.

Thương cháu bà dành tất cả tình cảm nồng đượm, lo lắng, chăm chút nhất để mong cháu nên người. Nghe tiếng gà trưa, tác giả hình dung dáng liêu xiêu của bà khum soi trứng:

Dành từng quả chắt chiu

Cho con gà mái ấp.

Nhà thơ cũng đọc được nỗi lo lắng của bà khi mùa đông tới:

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.

Hiện về trong cánh đồng ký ức tuổi thơ còn là tiếng bà vẫn mắng như lời nhắc nhở, chăm chút từng ly ti, luôn giữ gìn dung nhan cháu bé. Đó chẳng phải là lời dặn dò, thủ thỉ, sự quan tâm hết mực của bà? Lời trách mắng sao mà đầy yêu thương đến thế. Tất cả như khảm vào hoài niệm ngọt ngào. Qua âm thanh tiếng gà hiện lên cuộc đời vất vả, tần tảo, chịu thương chịu khó của người bà. Nghĩa là bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ, tình cảm bà – cháu đều gắn với âm thanh tiếng gà.

Đồng hiện cùng ký ức tuổi thơ còn là hình ảnh những con gà mái vàng, mái mơ với ổ trứng hồng đẹp như tranh lụa. In đậm trong cõi lòng nhà thơ vẫn còn ôm trọn cái màu nắng lóng lánh nơi chùm lông những mẹ gà đốm trắng và kỉ niệm tuổi dại thơ tò mò xem trộm gà đẻ trứng.

Rồi những khát khao của tuổi thơ mong được quần áo mới có từ tiền bán gà. Chữ “ ôi” nghe tha thiết, đằm sâu một nỗi nhớ không nguôi về những tháng năm khốn đốn, khó nhạt nhòa. Cái âm thanh bình dị, thân quen, dân dã ấy sao bỗng trở nên thiêng liêng kỳ lạ trong tâm hồn thi sĩ khi nó gắn với tình cảm bà – cháu và tình quê hương đất nước.

Nhưng tất cả đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, là cảm xúc chân thành, gần gũi của đời sống thường nhật trong gia đình. Bề nổi bài thơ vẫn là tình cảm bà – cháu đằm thắm, sáng trong và vô vàn yêu thương trìu mến. Phần chìm, bên trong bài thơ là âm thanh tiếng gà gắn với biểu tượng của cuộc sống yên bình, hạnh phúc, tượng trưng cho ấm no, nảy nở sinh sôi, rộn ràng, nơi làng quê đông đúc, êm đềm.

Đó cũng là khát vọng muôn đời của nhân loại. Bài thơ ra đời trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đang tâm phá hoại cuộc sống yên lành của cả dân tộc. Khi chúng ta cầm súng đánh giặc thì âm thanh đó còn là niềm khát khao mong đợi, là ý nghĩa cao cả của cuộc chiến đấu. Mỗi khi bầu trời và mặt đất không lúc nào ngơi tiếng súng tiếng bom giặc, một chút thanh bình có lẽ cũng là niềm khát khao lớn của con người.

Âm thanh tiếng gà trở thành niềm mong đợi chung của mọi con người trong cuộc chiến. Đó cũng là tình cảm chung của thời đại, là sức mạnh chính nghĩa của dân tộc chống kẻ thù hung bạo. Bài thơ còn là lời cổ vũ động viên sức mạnh chiến đấu. Chiều sâu tư tưởng mà nhà thơ muốn gửi gắm chính là ở chỗ đó. Lắng lại lần nữa qua âm thanh tiếng gà, ta bắt gặp hình tượng tác giả với con người công dân đậm chất sử thi, đồng hiện cùng con người thế sự, đời tư được thể hiện ở phần cuối bài thơ:

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì tình yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ

Hướng hẳn về người bà để tâm sự, chủ thể trữ tình đã thông qua đó giãi bày được nỗi niềm da diết nhớ, lời yêu thương, lòng kính trọng bà và nguyên nhân của hành động ra trận. Điệp từ vì đi liền nhau, đứng đầu các dòng thơ cùng với các cụm từ khu biệt cung bậc cụ thể tính mục đích càng thể hiện rõ nội dung tư tưởng lớn lao và sâu sắc của bài thơ.

Từ âm thanh tiếng gà trưa, tác giả đã triển khai diễn biến tâm trạng trôi theo dòng chảy cảm xúc từ tình bà – cháu, từ kỷ niệm tuổi thơ về hội tụ thành tình yêu quê hương đất nước. Cuồn cuộn trong tình ruột thịt, gia đình là tình cộng đồng, dân tộc. Chúng ta chiến đấu để bảo vệ non sông gấm vóc, để gìn giữ bình yên cho mỗi ngôi nhà, cho âm thanh tiếng gà vang mãi không thôi.

Bài văn phân tích bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh số 10

Bài thơ “Tiếng gà trưa” được nữ sĩ viết vào những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mĩ, in trong tập thơ “Hoa dọc chiến hào” (1968). Bài thơ có 43 câu, trong đó có 39 câu thơ ngũ ngôn, 4 câu thơ có 3 chữ. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được điệp lại 4 lần, cứ ngân vang mãi trong tâm hồn người lính trên đường hành quân ra trận, như tiếng gọi của quê nhà thân thương.

Dòng cảm xúc từ hiện tại man mác và bâng khuâng trôi về những năm tháng tuổi thơ với bao kỉ niệm cảm động về đàn gà và ổ trứng hồng, về người bà đôn hậu, đã làm sâu nặng tình yêu đất nước quê hương. “Tiếng gà trưa “ là một âm thanh đồng vọng của gia đình, của xóm làng quê, trở thành hành trang của người lính trẻ. Đoạn thơ đầu 7 câu nói về tâm trạng người chiến sĩ trên đường hành quân xa.

Tiếng gà nhà ai nhảy ổ: “Cục… cục tác cục ta” cất lên nơi xóm nhỏ. Tiếng gà nhà ai nhảy ổ là âm thanh bình dị, thân thuộc của làng quê ta đã bao đời nay. Đối với người lính trẻ lại vô cùng xúc động. Tiếng gà trưa đã làm “xao động” nắng trưa và cả hồn người. Như cho người lính thêm sức mạnh mới. Như gợi nhớ tuổi thơ. Chữ “nghe” được điệp lại 3 lần với sự chuyển đổi cảm giác tinh tế đã làm cho giọng thơ thêm phần ngọt ngào, tha thiết, bồi hồi:

“Cục… cục tác cục ta

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”

Đoạn thơ thứ hai có 26 câu thơ. Câu thơ “Tiếng gà trưa” được láy đi láy lại 3 lần, một âm thanh hiện hữu đồng vọng gợi nhớ bao kỉ niệm sâu sắc một thời thơ bé. Nghe tiếng gà trưa, người lính trẻ sống lại, nhớ lại màu hồng trứng gà trên ổ rơm, nhớ lại đàn gà đông đúc mà bà đã tần tảo “chắt chiu”. Ta như được ngắm một bức tranh gà rất sống động, rất đẹp. Không phải là bức tranh gà Đông Hồ ngày xưa:

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng”

Nghệ thuật phối sắc của Xuân Quỳnh rất thần tình. Một gam màu sáng tươi mát dịu của bức tranh gà. Có màu hồng của trứng gà trong ổ trứng. Có sắc “đốm trắng” của con gà mái mơ hoa. Có “lông óng như màu nắng” của con gà mái vàng. Cấu trúc song hành đối xứng, chữ “này” điệp lại hai lần: “Này con gà mái mơ… Này con gà mái vàng…”. Ta cảm thấy tay bà, tay cháu đang chỉ, đang đếm những con gà mái tìm mồi trong sân nhà, vườn nhà thân thuộc…

Nghe tiếng gà trưa cất lên nơi xóm nhỏ, người lính lại bồi hồi nhớ lại bao kỉ niệm về bà. Quên sao được “tiếng mắng” của bà vì tội cháu nhìn gà đẻ. Sợ bị lang mặt: “Cháu về lấy gương soi – Lòng dại thơ lo lắng”. Cháu nhớ mãi hình ảnh “tay bà khum soi trứng…”. Bà tần tảo “chắt chiu” từng quả trứng hồng “ cho con gà mái ấp”. Là cháu nhớ tới bao nỗi lo, bao niềm mong ước của bà với tình thương bao la:

“Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới”

Cái hay của thơ Xuân Quỳnh có lúc là ở những chi tiết nghệ thuật, tuy rất bình dị mà sống động nên thơ. Đó là cái “ổ rơm hồng những trứng “, là hình ảnh “tay bà khum soi trứng. Đó là tiếng “sột soạt” của bộ quần áo mới:

“Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quết đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt”

Tục ngữ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Cháu có bao giờ quên được cái quần chéo go, cái áo chúc bâu ngày xưa bà mua cho sau mỗi lần bán gà. Tình thương cháu của bà đã tạo nên hạnh phúc tuổi thơ. Trang thơ nữ sĩ đã đi vào mạch sống đời thường một cách dung dị hồn nhiên. Từ liên tưởng, nữ sĩ chuyển sang suy tưởng. Lần thứ tư câu thơ “Tiếng gà trưa” lại cất lên. Tiếng gà gọi về những giấc mơ tuổi thơ của người lính trẻ:

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng”

Tiếng gà trưa bình dị mà thiêng liêng, nó nhắc nhở, nó lay gọi bao tình cảm đẹp dâng lên trong lòng người chiến sĩ trên đường hành quân ra trận thời chống Mĩ cứu nước:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”

Bài thơ “Tiếng gà trưa” có 3 câu thơ hay nhất, đẹp nhất: “Ổ rơm hồng những trứng” , “Giấc ngủ hồng sắc trứng”, “Ổ trứng hồng tuổi thơ”. Tất cả đều nói về niềm vui hạnh phúc. Chữ “hồng” là tính từ, làm chức năng vị ngữ, hình tượng thơ vừa đẹp, vừa biểu cảm. Hơn 60 năm về trước, trong làn nắng mới và âm thanh đồng quê “xao xác gà trưa gáy não nùng “, thi sĩ Lưu Trọng Lư “rượi buồn” nhớ về tuổi thơ, nhớ “nét cười đen nhánh”, nhớ màu áo đỏ của mẹ hiền nay người đã đi xa.

Bằng Việt trong những năm du học ở nước ngoài, nhìn ngọn khói con tàu quê người, lại da diết nhớ về tuổi thơ, nhớ tiếng chim tu hú, nhớ bà, nhớ bếp lửa “ấp iu nồng đượm” do tay bà nhen nhóm sớm hôm. Trong bài thơ của Xuân Quỳnh, nghe tiếng gà trưa, người chiến sĩ lại nhớ bà, nhớ ổ trứng hồng tuổi thơ.

Xuân Quỳnh đã tìm được một cách nói mới về kỉ niệm tuổi thơ, về tình bà cháu chan hòa trong tình yêu quê hương đất nước. “Tiếng gà trưa” là một bài thơ hay, tha thiết ngọt ngào. Tiếng gà trưa cũng là tiếng vọng của quê hương, là tình hậu phương của anh bộ đội trong kháng chiến chống Mĩ. Rất thơ và rất đẹp.

Hi vọng với bài viết trên, phongnguyet.info có thể giúp bạn nâng cao khả năng làm văn phân tích của mình. Các bạn có thể tham khảo thêm các bài văn phân tích khác trên phongnguyet.info. Chúc các bạn học tốt.