Hai Chữ Nước Nhà – Thi Phẩm đặc sắc vang danh của nhà thơ Trần Tuấn Khải

(Nghĩ lời ông Phi Khanh dặn ông Nguyên Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)
Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!
Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây
Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng
Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đoạ tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?
Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!
Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên
Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!
Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công
Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!
Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
Con ơi! Hai chữ nước nhà!

Trên văn đàn hợp pháp ba mươi năm đầu thế kỉ XX, Á Nam Trần Tuấn Khải là một tên tuổi để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Thơ Trần Tuấn Khải đã rung vào dấy đàn yếu nước thương nòi của mọi lòng người (Xuân Diệu).

Là một hồn thơ yêu nước lưu hành công khai, hợp pháp, nên nội dung yêu nước trong thơ ông thường được biểu hiện một cách riêng biệt để có thể lọt qua vòng kiểm duyệt khắt khe của chính quyền thực dân lúc bấy giờ. Mượn đề tài lịch sử để kí thác tâm sự yêu nước là một cách thức biểu hiện hữu hiệu và là một thành công lớn của Trần Tuấn Khải. Trong đó có thể xem: Hai chữ nước nhà là một bài thơ tiêu biểu cho hồn thơ ấy.

Hai chữ nước nhà là bài thơ mở đầu cho tập Bút quan hoài I (xuất bản năm 1924). Bài thơ lấy đề tài lịch sử thời quân Minh xâm lược nước ta. Nhà thơ đã mượn lời của người cha là Nguyễn Phi Khanh dặn dò con là Nguyễn Trãi để gửi gắm nỗi lòng của mình.

Bài thơ mở đầu bằng một cuộc chia li đầy máu và nước mắt:

” Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu,
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình.
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước.
Chút thân tàn lần bước dặm khơi,
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên.”

Nhà thơ đã chọn một bối cảnh không gian thật đặc biệt để làm nền cho cuộc chia li của hai cha con. Đó là chốn Ải Bắc heo hút, ảm đạm. Ải Bắc là một địa danh có sức gợi cảm lớn, và đối với cuộc ra đi không ngày trở lại của ông Nguyễn Phi Khanh thì đây là điểm cuối cùng để rồi chia biệt vĩnh viễn đối với Tổ quốc, với quê hương:

” Chốn ải Bắc mây sầu ảm đạm,
Cõi giời Nam gió thảm đìu hiu,
Bốn bề hổ thét chim kêu,
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình ”

Và cảnh vật tang tóc, thê lương càng tô đậm thêm nỗi buồn đau trong lòng người hoá thành máu và lệ chia li:

” Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước,
Chút thân tàn lần bước dặm khơi.
Trông con tầm tã châu rơi,
Con ơi, con nhớ lấy lời cha khuyên. ”

Nước đã mất, nhà đã tan, hai cha con trở thành một kẻ vong quốc. Hơn nữa, tình cảnh của ông Nguyễn Phi Khanh là tình cảnh của một tù binh đang phải chịu cảnh lưu đày biệt xứ. Hình ảnh người cha già với chút thân tàn đang lê bước tới chốn lưu đày khiến người con rất đỗi đau lòng. Nguyễn Trãi những muốn đi theo để phụng dưỡng cha già cho tròn đạo hiếu. Nhưng thù nhà, nợ nước chất chồng, làm sao ông Nguyễn Phi Khanh có thể để con báo hiếu.

Đối với người cha, nỗi đau mất nước đè nặng tâm hồn ông như: hạt máu nóng thấm quanh hồn nước, khiến ông không thể nghĩ đến tình riêng. Người cha ngậm ngùi gạt nước mắt chia li, dằn lòng khuyên con quay trở lại tìm cách diệt thù báo quốc. Cảnh nước mất nhà tan, cha con li biệt thật đau đớn, xót xa. Bao trùm lên nỗi đau thương ấy là tình nhà nghĩa nước thiết tha, sâu đậm khiến người đọc không thể không bồi hồi, xúc động.

Trong hoàn cảnh cha con chia lìa, lời khuyên của người cha trở thành lời trăn trối thiêng liêng và xúc động. Trong lời trăn trối đầy máu và nước mắt của người cha, hiện tình đất nước hiện ra đầy đau thương tang tóc:

” Bốn phương khói lửa bừng bừng,
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!
Nơi đô thị thành tung quách vỡ,
Chốn nhân gian bỏ vợ lìa con,
Làm cho xiêu tán hao mòn ”

Thảm cảnh ấy gắn liền với tội ác của giặc thù, của bọn lòng lang, dạ sói: Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu.

Thảm cảnh của đất nước và tội ác của quân giặc khiến người cha tột cùng đau đớn và căm uất:

” Thảm vong quốc kể sao xiết kể,
Trồng cơ đồ nhường xé tâm can,
Ngậm ngùi đất khốc giời than,
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Khói Nùng Lĩnh như xây khôi uất,
Sông Hồng Giang nhường vật cơn sầu,
Con ơi! Càng nói càng đau,
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà? ”

Vượt lên trên sô phận của cá nhân là số phận của một dân tộc, một quốc gia. Vì thế nỗi đau của ông Nguyễn Phi Khanh đã trở thành nỗi đau lớn lao, cao cả: nỗi đau non nước; một nỗi đau thấu cả đất trời: Ngậm ngùi đất khóc giời than.

Gắn bài thơ với hoàn cảnh ra đời của nó là bối cảnh đầu thế kỉ XX, thì những người dân Việt Nam lúc này cũng chỉ là những kẻ vong quốc đang chịu cảnh lầm than cơ cực. Nỗi đau mất nước của người xưa cũng là nỗi đau thương của cả dân tộc ta đầu thế kỉ XX. Lời thơ Trần Tuấn Khải đã tác động đến sâu thẳm trái tim yêu nước thương nòi của người dân đất Việt.

Trở lại với đoạn thơ và tâm sự của ông Nguyễn Phi Khanh, ta nhận thấy hình như trong tiếng nấc xót xa cho tình cảnh đau thương của đất nước, có cả sự ngậm ngùi chua xót của một người cảm thấy mình có lỗi với nước, với dân:

” Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay ”

Nên ông càng thêm tha thiết mong mỏi con trai có thể thay mình mà phục thù, báo quốc, rửa được mối hận cho cha già:

” Giang sơn gánh vác sau này cậy con”

Có lẽ, đây cũng là lời tâm huyết cuối cùng của người cha!

Càng đọc kĩ đoạn thơ, ta càng xúc động sâu sắc trước tâm sự yêu nước mãnh liệt của người cha, cũng là tâm sự yêu nước mãnh liệt của nhà thơ. Và ta càng hiểu vì sao thơ Trần Tuấn Khải lại nhận được sự đón chào nồng nhiệt của công chúng độc giả, nhất là tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ.

Trên đây phongnguyet.info đã dành tặng các bạn bài thơ Hai Chữ Nước Nhà đầy hấp dẫn và ý nghĩa của nhà thơ Trần Tuấn Khải. Bài thơ nêu cao tinh thần yêu nước của sự hi sinh và nỗi đau của hai cha con Nguyễn Trãi, đồng thời cảm nhận được tình yêu nước và mong muốn vượt qua số phận trong hoàn cảnh nước mất nhà tan. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!