Bài thơ Hai Chị Em – Nỗi đau của những đứa trẻ khi gia đình tan vỡ

Nín đi em, Bố Mẹ bận ra toà!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.
Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?
Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về.
Mẹ bế em âu yếm, vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần, nồi cơm mở vung ra!
Nó biết đâu bố mẹ nó ra toà
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng ký
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa.
Nó biết đâu Bố Mẹ nó ra toà
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn Mẹ thì thôi, không còn Bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau…
Nín đi em! Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo, đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình!

Vương Trọng sinh năm 1943 tại Nghệ An. Những tập thơ được nhiều người biết đến nhất của anh là Khoảng trời quê hương, Về thôi nàng Vọng phu, Tặng người trong mơ… Bên cạnh bài thơ Bên mộ cụ Nguyễn Du rất nổi tiếng đã được chọn đăng trong tuyển tập 100 bài thơ hay thế kỷ XX (1), anh còn có một bài thơ được các “trung niên thi sĩ” chọn ngâm dài dài trong các buổi sinh hoạt, đó là bài Hai chị em.

Bài thơ bảy khổ này đã được truyền tụng từ rất lâu. Với tôi, đây là một trong những bài độc đáo nhất của anh, vì nó đã khiến cho biết bao người xúc động và trăn trở thật sự, đặc biệt là những cặp hôn nhân “bên bờ chia cắt”. Khi có dịp diễn giải về sức mạnh của ngôn ngữ thơ, bản thân tôi cũng thường viện dẫn bài thơ này của anh, xem đó như là một câu chuyện văn học đáng suy gẫm.

Quả đúng như vậy, ngay từ khổ đầu, nhà thơ đã mang đến cho người cảm thụ thơ hình ảnh hai đứa trẻ rơi vào một hoàn cảnh đáng thương tâm: Bố mẹ ra tòa, chị bảy tuổi phải dỗ em ba tuổi. Chúng từ đâu đến trong cõi đời lạ lẫm này, để rồi giờ đây người lớn bỏ đi đâu cả, hai chị em bơ vơ lạc lõng trong cảnh thèm cơm khát cháo thế này?

” Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay níu áo chị đòi cơm ”

À, thì ra lâu nay chúng vẫn được bố mẹ đoái hoài, vậy còn hôm nay, bố mẹ đi đâu? Đứa chị có thể hiểu, mà hiểu mơ hồ, không rõ ràng. Ra tòa là sao nhỉ?

” Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện”

Lên bảy, cô bé có thể hiểu rằng bố mẹ ra đi, dường như tất bật lắm, tất bật đến độ không kịp nói với nhau nửa lời, không kịp nấu nướng gì. Hay là giữa họ đã có một điều gì chăng? Điều này thì cô bé không hề nhận ra được, không hề biết được, chỉ thấy rằng bố mẹ đã ra đi từ rất sớm.

” Hai bóng nhỏ, hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?”

Vậy thì ai thắc mắc đây? Có phải là cô bé lên bảy hay chính là tác giả? Cô bé còn liu riu ngủ, cô bé mải mê với em, hay cũng có thể cô bé đã “để mắt” đến bố mẹ? Cặp câu này ý rất rõ nét, nhưng ai nhận ra “tình trạng bất thường” này thì không biết được, chính cái lấp lửng ấy tạo cho người đọc một cảm giác rất thơ. Dường như căn cứ vào giọng điệu của câu, căn cứ vào lối đặt câu hỏi rất chững, có thể nghĩ rằng đây là “nghi vấn” của tác giả, một người lớn, “nhân vật thứ năm” trong chuyện thơ chứ không phải là của cô bé.

” Biết lấy gì dỗ em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó tưởng như ra đồng ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về”

Dỗ em, nhưng cô bé bảy tuổi ấy không biết dựa vào đâu, nhờ vào đâu mà dỗ cho được, thành thử chỉ biết nói “Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!”. Khổ thế! Ra tòa, chẳng biết là đi đâu, về đâu, làm gì. Nhưng nó một mực yên trí, vì thế nào lát nữa bố mẹ cũng về, ra tòa chứ có phải đi đâu xa mà sợ! Vương Trọng rành tâm lý trẻ em nên mới am hiểu được một cô bé lên bảy thì chẳng nghĩ ra điều gì phức tạp hơn. Ra tòa mà, có gì đâu!

” Mẹ bế em âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp”

Bây giờ tới lượt cô bé tưởng tượng đây. Khi bố mẹ về thì mọi sinh hoạt sẽ đâu ra đấy. Nó sẽ nhìn thấy mẹ ẳm em và chơi đùa với em nè. Em khóc gì thì mẹ dỗ, đôi lúc mẹ cho em bé ngậm vú nữa nè. Còn bố, bố sẽ tươi cười xách nước cho mẹ, mà hay lắm nhen, bố sẽ xách nước đúng vào cái lúc mẹ nhóm bếp cơ! Ôi, thích thú lắm! Cô bé lên bảy đáng yêu của chúng ta tha hồ hồi tưởng về quá khứ và dự tưởng về tương lai gần một hình ảnh gia đình sum vầy, mỗi người mỗi việc, đỡ đần cho nhau, ăn nhịp với nhau.

Thật vui vẻ, hồn nhiên, êm thắm. Hình ảnh bữa ăn đạm bạc mà vui tươi, nồi cơm bốc hơi nóng, mọi người quây quần bên nhau từ lâu đã là biểu trưng của hạnh phúc trong truyền thống gia đình Việt Nam. Tác giả đã rất tinh tế khi đưa vào thơ hình ảnh ăm ắp tình thương yêu này. Mà hình ảnh ấy thì không có gì xa lạ, ngay một em bé lên bảy cũng biết được, cũng cảm được. Nhưng thực tế mà nó sắp nếm trải là gì?

” Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lý
(…)
Nó biết đâu bố mẹ nó ra tòa
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ”

Rõ mười mươi đây là tư duy của “nhân vật thứ năm”. Tác giả với tấm chân tình và sự rung cảm của một người trưởng thành đứng trước cảnh hai chị em như thế thì không thể im lặng được nữa! Chẳng đao to búa lớn, chẳng vạch lá tìm sâu, nhưng, với một tấm lòng dành cho hai đứa trẻ vô tư bị bỏ rơi về tình cảm, chủ thể trữ tình đã cay đắng nói lên một sự thật đau lòng: Ra tòa, chẳng khác nào người ta cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ! Lưỡi cưa sắc bén là thế, xưa nay chỉ để cắt lìa sắt, xẻ phứt gỗ, nào hay lại có ngày lưỡi cưa sáng bóng kia đành lòng cắt luôn tình gia đình ruột thịt, đau đớn lắm thay! Dường như đây là lần đầu tiên trong văn chương trữ tình có bóng dáng của lưỡi cưa não nề cứa ngang tình máu thịt.

Tiếp liền sau cái cảm xúc mãnh liệt, chơi vơi, ngỡ ngàng do vết cắt dã man kia đem lại, Vương Trọng đưa ngay vào tâm tư người cảm thụ hình ảnh hai chị em mỗi đứa mỗi nơi, sự xót xa, đau đớn lên tới tột đỉnh. Những ai đang sống với một tấm lòng dành cho đồng loại, những ai còn có một trái tim nhân ái để biết rung động và sẻ chia không thể nào không đồng cảm cùng tác giả, đau lòng cùng hai đứa bé đáng thương và thầm trách cặp bố mẹ kia sao nỡ chia lìa. Có thể nói, tại đây, sự diễn đạt bằng thơ đã đạt tới đỉnh cao. Với một thi pháp đặc sắc, với tình cảm chân thành, với ngôn từ bình dị và gần gũi, Vương Trọng đã thể hiện là một cây bút thơ có tài chinh phục trái tim của biết bao cặp hôn nhân bên bờ vực thẳm.

Hai Chị Em là một tác phẩm nói lên được nỗi buồn của hai đứa trẻ thơ khi cha mẹ sắp xa nhau. Bài thơ thể hiện sự hồn nhiên trong suy nghĩ của cô bé mới 7 tuổi, nó đâu biết rằng điều gì đang sắp xảy ra. Bài thơ như lòng nhắn nhủ của nhà thơ đến các bậc làm cha mẹ hãy biết bảo vệ gia đình mình, bảo vệ tâm hồn của những đứa trẻ thơ chưa hiểu chuyện. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này!