Bài Ca Xuân 68 – Lời khích lệ nhân dân tiến công bảo vệ đất nước

Anh chị em ơi!
Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68
Xuân Việt Nam
Xuân của lòng dũng cảm.
Ai đến kia, rộn rã cùng Xuân?
Hoan hô anh Giải phóng quân. Kính chào Anh,
con người đẹp nhất!
Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất
Sống hiên ngang: bất khuất trên đời
Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi
Một dây ná, mót cây chông, cùng tiến công giặc Mỹ.
Không tự ngắm mình. Anh chẳng hay đâu.
Hỡi chàng dũng sĩ! Cả năm châu, chân lý đang nhìn theo
Bóng Anh đi… và vành mũ tai bèo
Của Anh đó!
Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ.
Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
Sáng trên đầu như một mình trời xanh mà xông xáo,
mà tung hoành, ngang dọc.
Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả
Lầu năm góc! Ta muốn hỏi Trường Sơn
Có đỉnh nào cao hơn
Chiếc mũ kia của chủ nghĩa anh hùng cách mạng?
Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng làm ra ánh sáng
Người chưa đưa ta lên được sao Kim.
Nhưng đã cho ta một linh hồn và một trái tim
Biết lẽ phải, biết yêu thương, căm giận
Biết đi tới và làm nên thắng trận
Hôm nay sao vui thế? Sáng xuân nay
Ta đi tới, lòng ta như bay
Với mỗi làn mây, với từng cơn gió
Gió miền Bắc đang thổi vào Nam đó!
Gió mây đi, không đợi nắng xuân về
Không bay đi mà che những đoàn xe
Và những đoàn quân tuôn ra tiền tuyến….
Tổ quốc ta hai mươi ba năm đau khổ gian nan:
bền gan kháng chiến.
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về la!
Hôi bốn phương và những chiến trường xa
Xin lắng nghe… Phút giao thừa đang chuyển
Bác Hồ tới ấy là mùa xuân đến…
Hoan hô Xuân 68 anh hùng!
Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng
Tất cả pháo!
Và xông lên, dũng sĩ!
Như khí phách Trần, Lê
Như oai vũ Quang Trung.
Khắp thành thị nông thôn
Đánh tan đầu Mỹ, Nguỵ!
Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ
Vì thiêng liêng giá trị Con Người
Vì muôn đời hoa lá xanh tươi
Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất.

Những năm đất nước còn chiến tranh, nhà thơ Tố Hữu vẫn thường viết những bài thơ xuân để ngợi ca những chiến công của đất nước, của dân tộc. Một trong những bài thơ xuân hay nhất của ông là “Bài ca xuân 68” – bản anh hùng ca về người chiến sĩ giải phóng quân.

Trong ký ức của nhiều người Việt, mỗi khi Tết đến Xuân về, mọi người thường chờ đợi thơ chúc Tết của Bác Hồ và sau đó là mong chờ những bài thơ xuân của nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu có nhiều bài thơ xuân hay: Xuân nhân loại, Bài ca Xuân 61, Tiếng hát sang Xuân, Xuân sớm, Chào Xuân 67, Với Đảng – mùa Xuân… Nhà thơ Tố Hữu viết Bài ca Xuân 68 ngày 23-1-1968 (chỉ một tuần trước khi nổ ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968).

Ngay khi mở đầu khúc ca xuân, nhà thơ đã reo vang với muôn triệu đồng bào, đồng chí: Anh chị em ơi!/Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68/Xuân Việt Nam/Xuân của lòng dũng cảm. Mạch thơ cuồn cuộn chảy khi nói về mùa xuân, và nhân vật chính của khúc ca xuân (người chiến sĩ giải phóng quân) hiện ra một cách giản dị, nhưng đẹp đẽ:

Ai đến kìa, rộn rã cùng Xuân?/Hoan hô anh Giải phóng quân/Kính chào Anh, con người đẹp nhất!/Lịch sử hôn Anh, chàng trai chân đất/Sống hiên ngang, bất khuất trên đời/Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi/Một dây ná, một cây chông vẫn tiến công giặc Mỹ/Không tự ngắm mình, anh chẳng hay đâu, hỡi chàng dũng sĩ/Cả năm châu, chân lý đứng nhìn theo. Ở đây, với chất thơ mang đậm tính sử thi, những người lính “chân đất” bình dị đã được Tố Hữu nâng lên thành những anh hùng mang tầm vóc của thời đại và lịch sử.

Người lính Việt Nam ở đây thật dũng cảm, kiên cường, và nhà thơ đã gọi người chiến sĩ giải phóng quân là “con người đẹp nhất”. Ở đây, vẻ đẹp của mùa xuân chính là vẻ đẹp của con người – người chiến sĩ giải phóng quân hiên ngang, bất khuất: Bóng Anh đi và vành mũ tai bèo/Của anh đó!/Ôi chiếc mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ/Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh. Mà xông xáo mà tung hoành, ngang dọc/Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả lầu Năm Góc! Ta muốn hỏi Trường Sơn/Có đỉnh nào cao hơn/Chiếc mũ kia của chủ nghĩa anh hùng cách mạng?…

Người lính giải phóng quân với chiếc mũ tai bèo giản dị, với tinh thần cách mạng bất khuất và những chiến công vang dội thật sự đã làm “run sợ cả lầu Năm Góc”. Người lính giải phóng quân Việt Nam thật đẹp bởi chiến đấu vì “chủ nghĩa anh hùng cách mạng”, được Đảng soi sáng dẫn đường.

Và không khí mùa xuân, không khí chuẩn bị cho một đại chiến dịch đã được nhà thơ “hát” lên trong niềm vui phơi phới: Hôm nay sao vui thế! Sáng xuân nay?Ta đi đây mà lòng ta như bay/Với mỗi làn mây, với từng cơn gió/Gió miền Bắc đang thổi vào Nam đó/Gió mây ơi, không đợi nắng xuân về/Hãy bay đi mà che những đoàn xe/Và những đoàn quân tuôn ra tiền tuyến…

Đọc những vần thơ ấy, trong ta luôn có cảm giác rạo rực. Hình ảnh những đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu với tinh thần Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai như hiển hiện ra trước mắt.

Sau những tiếng reo vui ấy, nhà thơ đã ngầm báo hiệu thời khắc mở màn chiến dịch: Tổ quốc ta! Hai mươi ba năm đau khổ/Gian nan, bền gan kháng chiến/Tiến lên!/Toàn thắng ắt về ta!Hỡi bốn phương và những chiến trường xa/Xin lắng nghe… /Phút giao thừa đang chuyển/Bác Hồ gọi. Ấy là mùa xuân đến…

Cái cách dùng mấy câu thơ Phút giao thừa đang chuyển/Bác Hồ gọi. Ấy là mùa xuân đến là cách để thông tin cho “bốn phương và những chiến trường xa” làm chúng ta nhớ lại tình tiết cô gái Nga hát bài tình ca Đôi bờ để báo cho người lính Hồng quân Xô Viết biết sáng sớm mai Hồng quân sẽ tấn công vào căn cứ địch ở trong một bộ phim nói về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Đoạn cuối của Bài ca Xuân 68, nhà thơ đã dự cảm và tiên đoán về một cuộc tổng tiến công của “khắp thành thị nông thôn” với khí phách oai hùng của cha ông để giành lấy mùa xuân cho dân tộc: Hoan hô Xuân 68 anh hùng/Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng/Tất cả pháo/Và xông lên, dũng sĩ/Như khí phách Trần, Lê.

Như oai vũ Quang Trung/Khắp thành thị nông thôn/Đánh tan đầu Mỹ, ngụy/Vì Độc lập, Tự do, núi sông hùng vĩ/Vì thiêng liêng giá trị Con người/Vì muôn đời hoa lá xanh tươi/Ta quyết thắng. Giành mùa xuân đẹp nhất.

40 năm đã qua nhưng với Bài ca Xuân 68 của Tố Hữu, khí thế tiến công của Xuân Mậu Thân 1968 như vẫn còn vang vọng đến hôm nay.

Bài Ca Xuân 68 là một thi phẩm đi cùng năm tháng gắn liền với một giai đoạn lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc ta. Bài thơ chính là lời kêu gọi khơi gợi tinh thần yêu nước và chiến đấu của nhân dân ta. Đến nay, bài thơ này vẫn vẹn nguyên giá trị và được ca ngợi mạnh mẽ. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!