Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Đường xa (1989) phần cuối

Tập thơ Đường xa của nhà thơ Nguyễn Duy được đánh giá khá cao. Đó chính là một cuốn băng với đậm chất du ký đã ghi lại những thước phim bằng thơ từ Á sang Âu, sang Mỹ. Từ các vùng đất cổ kính này sang các thành phố hiện đại. Và cũng không thể thiếu được các cảm xúc từ hồi ức cho tới hiện tại đầy ắp các kỷ niệm và dấu ấn của thời gian. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ hay của Nguyễn Duy viết trong tập Đường xa bạn nhé!

Nội Dung

Ðối diện ngọn đèn
trang giấy trắng như xeo bằng ánh sáng

Đêm bắc bán cầu vần vụ trắng
nơm nớp ai rình sau lưng ta

Nhủ mình bình tâm nhìn về quê nhà
xa vắng
núi và sông
và vết rạn địa tầng

Nhắm mắt lại mà nhìn
thăm thẳm
yêu và đau
quằn quại bi hùng

Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng
cột biên giới đóng từ thương đến nhớ

*

Ngọn đèn sáng trắng nóng mắt quá
ai cứ sau mình lẩn quất như ma

Ai?
im lặng

Ai?
cái bóng!

A…
xin chào người anh hùng bất lực dài ngoẵng
bóng máu bầm đen sõng soài nền nhà

Thôi thì ta quay lại
chuyện trò cùng cái bóng máu me ta

*

Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta vẫn mê ta

Vâng – đã có một thời hùng vĩ lắm
hùng vĩ đau thương hùng vĩ máu xương
mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

Vâng – một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi – cấm lội ngược dòng

Thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên nhồn nhột cả tim gan

*

Ta đã xuyên suốt cuộc chiến tranh
nỗi day dứt khôn nguôi vón sạn gót chân
nhói dài mỗi bước

Thời hậu chiến ta vẫn người trong cuộc
xứ sở phì nhiêu sao thật lắm ăn mày?

Ai?
không ai

Vết bầm đen đấm ngực

*

Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh đi kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng

Mẹ liệt sĩ gọi con đội mồ lên đi kiện
ma cụt đầu phục kích nhà quan

Ai?
không ai

Vết bầm đen quều quào giơ tay

*

Xứ sở từ bi sao thật lắm thứ ma
ma quái – ma cô – ma tà – ma mãnh…
quỉ nhập tràng xiêu vẹo những hình hài

Đêm huyền hoặc
dựng tóc gáy thấy lòng toang hoác
mắt ai xanh lè lạnh toát lửa ma trơi

Ai?
không ai

Vết bầm đen ngửa mặt lên trời

*

Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh

Giấy rách mất lề
tượng Phật khóc Ðức Tin lưu lạc
Thiện – Ác nhập nhằng
Công Lý nổi lênh phênh

Ai?
không ai

Vết bầm đen tọa thiền

*

Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương

Tuổi thơ oằn vai mồ hôi nước mắt
tuổi thơ còng lưng xuống chiếc bơm xe đạp
tuổi thơ bay như lá ngã tư đường

Bịt mắt bắt dê đâu cũng đụng thần đồng
mở mắt… bóng nhân tài thất thểu

Ai?
không ai

Vết bầm đen cúi đầu lặng thinh

*

Xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm
điếm biệt thự – điếm chợ – điếm vườn…

Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn

Vật giá tăng
vì hạ giá linh hồn

Ai?
không ai

Vết bầm đen vò tai

*

Xứ sở cần cù
sao thật lắm Lãn Ông
lắm mẹo lãn công

Giả vờ lĩnh lương
giả vờ làm việc

Tội lỗi dửng dưng
lạnh lùng gian ác vặt
Đạo Chích thành tôn giáo phổ thông

Ào ạt xuống đường các tập đoàn quân buôn
buôn hàng lậu – buôn quan – buôn thánh thần – buôn tuốt…
quyền lực bày ra đấu giá trước công đường

Ai?
không ai

Vết bầm đen nhún vai

*

Xứ sở bao dung
sao thật lắm thần dân lìa xứ
lắm cuộc chia ly toe toét cười

Mặc kệ cỏ hoang cánh đồng gái góa
chen nhau sang nước người làm thuê

Biển Thái Bình bồng bềnh thuyền định mệnh
nhắm mắt đưa chân không hẹn ngày về

Ai?
không ai

Vết bầm đen rứt tóc

*

Xứ sở kỷ cương
sao thật lắm thứ vua
vua mánh – vua lừa – vua chôm – vua chĩa
vua không ngai – vua choai choai – vua nhỏ…

Lãnh chúa sứ quân san sát vùng cát cứ
lúc nhúc cường hào đầu trâu mặt ngựa

Luật pháp như đùa – như có – như không có
một người đi chật cả con đường

Ai?
không ai

Vết bầm đen gập vuông thước thợ

*

?…
?…
?…

*

Ai?
Ai?
Ai?

không ai!

Tự vấn – mỏi
vết bầm đen còng còng dấu hỏi

*

Thôi thì ta trở về
còn trang giấy trắng tinh chưa băng hoại
còn chút gì le lói ở trong lòng

*

Đôi khi nổi máu lên đồng
hồn thoát xác
rũ ruột gan ra đếm

Chích một giọt máu thường xét nghiệm
tí trí thức – tí thợ cày – tí điếm
tí con buôn – tí cán bộ – tí thằng hề
phật và ma… mỗi thứ tí ti…

Khốn nạn thân nhau
nặng kiếp phân thân mặt nạ

Thì lột mặt nạ đi – lần lữa mãi mà chi
dù dối nữa cũng không lừa được nữa
khôn và ngu đều có tính mức độ

*

Bụng dạ cồn cào bất ổn làm sao
miếng quá độ nuốt vội vàng sống sít
mất vệ sinh bội thực tự hào

Sự thật hôn mê – ngộ độc ca ngợi
bệnh và tật bao nhiêu năm ủ lại
biết thế nhưng mà biết làm thế nào

Chả lẽ bây giờ bốc thang chửi bới
thấy chửi bới nhe giàn nanh cơ hội

Chả lẽ bốc thang cỏ khô nhai lại
lạy ông-cơ-chế lạy bà-tư-duy…
xin đừng hót những lời chim chóc mãi

Đừng lớn lời khi dân lành ốm đói
vẫn còng làm cho thẳng lưng ăn

Đổi mới thật không hay giả vờ đổi mới?
máu nhiễm trùng ta có thể thay chăng?

*

Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét

Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì?
ta cần thiết cho ai?

*

Có thể ta không tin ai đó
có thể không ai tin ta nữa
dù có sao vẫn tin ở con người

Dù có sao
đừng khoanh tay
khủng khiếp thay ngoảnh mặt bó gối

Cái tốt nhiều hơn sao cái xấu mạnh hơn?
những người tốt đang cần liên hiệp lại

*

Dù có sao
vẫn Tổ Quốc trong lòng
mạch tâm linh trong sạch vô ngần
còn thơ còn dân
ta là dân – vậy thì ta tồn tại

*

Giọt từng giọt
nặng nhọc

Nặng nhọc thay

Dù có sao
đừng thở dài
còn da lông mọc còn chồi nảy cây

Thế là qua băng giá ảm đạm dài
nắng ngàn xưa về giặt giũ vòm trời
lênh láng cái sự đời phơi phóng

Trước nắng
vạn vật đều bình đẳng
cành cây phơi cơn run rẩy sinh chồi
con chim phơi giọng hót
con đường phơi bóng người

Và người già ngồi phơi trầm ngâm
trẻ con phơi bước chân tung tăng
các chàng trai phơi trần sức vóc
các em công khai phơi cái đẹp vĩnh hằng

Và… tường cao phơi khẩu hiệu tươi rói
tờ báo phơi cụm từ pê-rét-xtrôi-ka
trang thơ phơi khúc ca đổi mới
tôi ngồi phơi một nỗi nhớ nhà

Rồi nỗi nhớ nào cũng sẽ sần chai
rồi sẽ cũ những khúc ca mới hát
rồi cụm từ trên báo sẽ phai
rồi câu khẩu hiệu một mai đổi dời…

Tôi muốn đem phơi
vài câu thơ còn ướt

Câu thứ nhất:
nắng cải tổ trần gian rất tuyệt!

Câu thứ hai:
mãi mãi phơi tươi cái đẹp muôn đời!

Câu thứ ba…

Mà thôi!…

Trước khi có người trái đất đã có cây
thân thể người lấy cây ra mà ví
lá và cành
hoa rồi quả
sự bền vững so cùng gốc rễ
tuổi trẻ em thì ứng với màu xanh

Tôi đã qua những cánh rừng chiến tranh
mùi cây cháy xót xa như thịt cháy
tôi đã ở những vùng đồi trơ trụi
nhớ cỏ cây như nhớ vợ con mình

Matxcơva của em
thành phố trong rừng
rừng trong thành phố
đại lộ sáng trưng từng chùm táo đỏ
người ta hái nấm đâu đây
vườn lá nhọn kêu ồn tiếng quạ

Cây sát bên nhà
nhà sát bên cây
người con trai sát bên người con gái

Đôi mắt em cười
quê tôi gọi là mắt lá răm đầy…

Tặng Linh và Long

Miếng băng mỏng trôi đi chút lạnh lẽo cuối cùng
tia nắng mỏng ấm khoảng trời năm ngoái
hy vọng vốn mỏng manh
le lói

Đừng vội
trơn con đường tuyết tan
tuồn tuột trôi dấu chân thuyền giấy
gót giày khua lốp cốp mõ luân hồi

Đừng vội
mặc ai thụ tinh nhân tạo cho thơ
rặn ra mà làm gì bài thánh ca giả dối
số phận vinh quang mỏng mảnh đến không ngờ

Đừng vội
ta tự nhủ và ta lững thững
đồi Lê-nin dốc dựng
sông Mat-xcơ-va mong mỏng vàng phù điêu
chiều như sương
thương nhớ mỏng như chiều

Đừng vội
ta lững thững và ta chờ đợi
mùa hạ về trên lá biếc tưng bừng
thiếu nữ ấm như màu hồng trên má
áo mỏng bập bùng
Vệ-nữ đi ngược nắng
ngược gió…
Ta chờ…

Lẳng lặng cúi đầu trước cánh rừng thông
mỗi cây xanh có một người dưới gốc

Những luống rừng tươi tốt cỏ và hoa
mộ đấy ư… bằng phẳng như mặt đất

Chủ tịch nước đầu tiên nằm cạnh bác đánh cờ
người thợ dệt kề bên nhà nghệ sỹ…

Tìm gốc cây làm giấc ngả lưng thôi
cõi siêu thoát thảnh thơi và giản dị

Nến quả thông vàng… hàng bia đá nhỏ…
bình đẳng và bác ái nhẹ nhàng không

Dìu dịu gió hát bài ca êm ái
sống yên vui và nằm xuống yên lòng…

Với hoàng hôn Ta-sken

Nghe đồn xứ bạn vừa cai rượu
trời chiều càng mông lung hơi men
một cốc không gian tràn vang đỏ
chuếnh choáng hoàng hôn Ta-sken

(Tasken, 25.8.1985)

Với sông Nê-va

Sông lung linh đền đài và cung điện
thời hoang vu hiu quạnh trôi qua rồi
thử phân chất giọt nước sông lưu niệm
máu một phần. Phần còn lại: mồ hôi!

(Lêningrát, 9.1985)

Với Xi-ôn-côp-xki

Người mơ mộng với thiên hà
lại nhằm Mat-xcơ-va trở về
trời sao là cõi đam mê
để thêm yêu mặt đất quê hương mình

tặng nhà thơ N. Lu-kip
với đội bóng Đi-na-mô Ki-ép của bạn

Ta đang sống thời vi điện tử
sân cỏ rộng ra kín mặt địa cầu
bóng đá thành thơ không cần phiên dịch
quả bóng thành ngôn ngữ của năm châu

Phút dàn trận… cầu thủ dàn chữ cái
lẻ loi từng nguyên âm, phụ âm
phút cảm hứng sục sôi biến ảo
thành tứ thơ, thành nhạc điệu, thành vần…

Bao nhiêu người bị quả bóng thôi miên
như trai gái bị thơ tình cám dỗ
thơ có làm cho ai phát điên?
bóng đá đã làm nên chuyện đó

Ngày một gần nhau – thơ và bóng đá
thẳng và nhanh – bớt bay bướm bườm rườm
bớt dông dài để thêm hiệu quả
không ngại ngùng va chạm, chấn thương

Vì thế mà ở Đông Nam châu Á
tôi là người Ki-ép-cổ động-viên
tôi say ngọn cuồng phong Bê-la-nốp
điệu kèn đồng bền bỉ Blô-khin…

Sân bóng mở như trang sách mở
có chút gì lắng đọng cũng như thơ
chút vững chãi lạnh lùng Cha-nốp
chút thâm trầm Đê-mi-a-nen-cô…

Cũng như thơ – đi quanh mà đến thẳng
truyền cảm tuyệt vời tia chớp suy tư
sâu sắc lắm đường lượncong của Rát
nét tài hoa Da-va-rốp tu từ…

Ngày một gần nhau – thơ và bóng đá
thẳng và nhanh – bớt uốn éo lằng nhằng
nhằm cầu môn trái tim người hâm mộ
công phá bằng sắc đẹp của tài năng

tặng chị Lê Giang

Cốc… cốc… cốc…
bình minh Ban-tích đánh thức mình chăng
ồ không
chú hải âu to đùng mổ vào kính cửa sổ
và líu ríu lũ cu cườm, se sẻ

Thực tình mình không có gì cho chim cả
mẩu bánh mì khô vỡ vụn từ đêm qua
con chim biển gật gù
được… được… được…

Cứ thế, những ban mai Ta-lin
bầy chim trời đánh thức tôi từ tầng nhà thứ hai mươi
vui vẻ chia nhau vụn bánh mì rồi bay đi
dửng dưng như chả có chuyện gì

Quê tôi, nơi chiến tranh kéo dài
chim trời tới nhà là điềm lạ
ở đây thì chả có gì lạ cả
nhìn lên nhà Ô-lem-pia cao vời
mọi cửa sổ của người
đều có chim tới gõ

Thế là tôi có thêm một thứ gì đó
nhét vào cái tay nải quả mướp của đời mình
tiếng chim trời nhặt được ở Ta-lin
tiếng thiên nhiên

cốc… cốc… cốc…

Trên đây là những bài thơ cuối cùng mà Nguyễn Duy viết trong tập thơ Đường xa. Ở đó tác giả đã mang chúng ta đi qua rất nhiều khung cảnh của thiên nhiên. Từ các lối kiến trúc của quá khứ cho tới hiện tại. Đó cũng chính là cái hay của nhà thơ này. Để rồi vẫn luôn ráo riết trong lòng của mỗi người chính là hình bóng quê nhà sâu đậm. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay nhất bạn nhé!

Viết một bình luận