NAM CAO – NGƯỜI VIẾT TRUYỆN BẰNG NHÂN CÁCH VÀ TÌNH THƯƠNG

Nam Cao (1915 – 1951) là bút danh của nhà văn – nhà báo – liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay thuộc Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam.

Ông là cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực (1940 – 1945), là người tiên phong trong việc xây dựng nền văn học mới.

1. Một con người lạnh lùng, ít nói nhưng nội tâm luôn sôi sục

Những ai từng sống, chiến đấu cùng Nam Cao đều thấy ông là một người vẻ ngoài có phần vụng về, ít nói, lạnh lùng nhưng nội tâm thì luôn sôi sục bởi cuộc xung đột gay gắt giữa lòng nhân đạo và thói ích kỷ, giữa tinh thần dũng cảm và thái độ hèn nhát. giữa tính chân thực với sự giả dối, giữa khát vọng cao cả với mong muốn tầm thường. Đặc điểm tính cách của ông được thể hiện rõ nhất trên những trang văn của mình.

Ông cho rằng: không có tình thương thì không xứng đáng được gọi là Người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng giữ trọn tấm lòng nhân hậu, hiền hòa. Vì vậy, khi viết về người nghèo, ngòi bút của Nam Cao lúc nào cũng tràn đầy niềm thương xót, cảm thông. Nam Cao luôn đăm đăm soi xét nhân cách con người trong tương quan với môi trường sống, với hoàn cảnh xã hội.

Nam Cao luôn trăn trở, suy tư về bản thân và cuộc sống. Vì thế, từ những chuyện nhỏ nhặt, thường ngày, ông đã nêu được nhiều vấn đề xã hội lớn lao, nhiều bài học triết lý sâu sắc. Với mình thì khiêm nhường, với người thì trân trọng. Khi tự đánh giá văn học thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông viết: “Nguyễn Huy Tưởng dẫn đầu… Tố Hữu, Kim Lân thứ nhì; Nam Cao bét, bởi vì xét ra vẫn cũ…”

2. Nhà văn phải là nhà nhân đạo

Sinh thời, Nam Cao thường suy nghĩ về vấn đề “sống và viết”. Sự nghiệp của ông bắt đầu bằng các trang văn lãng mạn. Lúc này, quan điểm sáng tác lãng mạn ảnh hưởng đến Nam Cao khá rõ. Nhưng rồi, tác giả nhận ra: văn chương lãng mạn có phần xa lạ với đời sống lầm than, nhà văn lãng mạn thoát li không ưa sự thật; âm điệu ảo não, thất tình tràn đầy các trang sách của họ.

“Trăng sáng” (1943) được xem là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao. Truyện ngắn trên đánh dấu bước trưởng thành của Nam Cao về quan điểm sáng tác. Nó thể hiện cuộc đấu tranh day dứt của nhà văn Điền trước hai lối viết, hai cách sống (mơ mộng hay thực tế; lãng mạn hay hiện thực …). Qua Điền, Nam Cao thiết tha khẳng định: “nghệ thuật có thể chỉ là tiếng kêu đau khổ kia toát ra từ những kiếp lầm than”. Vì thế, văn nhân không được “trốn tránh” sự thật, mà “cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời”. Sau “Trăng sáng”, Nam Cao là nhà văn hiện thực – người thư kí trung thành của thời đại. Với quan niệm “chỉ tả được cái bề ngoài của xã hội”, văn chương sẽ không có giá trị, ông nghĩ: viết thì “rất cần sự thực”. Từ những việc nhỏ nhoi, xoàng xĩnh, người sáng tác phải nêu được những vấn đề có ý nghĩa xã hội.

Tác phẩm văn học có giá trị phải thể hiện nội dung nhân đạo sâu sắc, “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bằng… Nó làm cho người gần người hơn” (Đời thừa). Trước Cách mạng, Nam Cao đã coi trọng đôi mắt tình thương và khẳng định: nhà văn phải là nhà nhân đạo. Qua “Trăng sáng”, “Đời thừa”,… ông muốn văn học phản ánh cuộc đời của tầng lớp sống dưới đáy xã hội. Từ bi kịch của Hộ, Nam Cao khuyên nhà văn tạm thời hi sinh nghệ thuật đề giữ lối sống nhân đạo.

Hơn ai hết, Nam Cao coi nghề văn là nghề sáng tạo, nhà văn là nhà sáng tạo. Đành rằng, làm nghề gì cũng phải sáng tạo, nhưng yêu cầu này đối với các tác gia nghệ thuật khắt khe hơn nhiều. Trong cuộc sống, sáng tạo là làm ra những sản phẩm tinh thần, vật chất chưa từng có; nhà văn phải biết tìm tòi, “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”… Đối lập với sáng tạo là sự cẩu thả – cẩu thả trong nghề văn chẳng những “bất lương” mà còn “đê tiện”.

Ông đã thể hiện những quan điểm này trong từng trang sách của mình. Không chỉ xây dựng được những tính cách điển hình vô tiền khoáng hậu, mà còn là người đầu tiên phản ánh sâu sắc hiện tượng nông dân lương thiện hóa thành quỷ dữ, trí thức tài năng vật lộn với bi kịch tinh thần nhằm bảo vệ nhân cách.

Trước Cách mạng tháng Tám, quan điểm sáng tác của Nam Cao là hiện thực phê phán. Sau 1945, đặc biệt là từ kháng chiến chống Pháp, ông nêu quyết tâm: “sống đã rồi hãy viết”. “Sống” là cầm súng chiến đấu giải phóng dân tộc, sẵn sàng làm anh “tuyên truyền viên nhãi nhép” đem ngòi bút phục vụ công nông binh. Ông vui vẻ nhận ra “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. Quan điểm tiến bộ trên đây giúp Nam Cao thành nhà văn cách mạng, nghệ sĩ chân chính của thời đại.

sưu tầm

Viết một bình luận