Màu tím hoa sim, của nhà thơ Hữu Loan là một bài thơ được rất nhiều độc giả yêu thích từ trước cho đến nay. Bài thơ đã được phổ nhạc thành bài hát Chuyện hoa sim vô cùng nhẹ nhàng và lắng đọng.
Màu tím hoa sim một bài thơ tình buồn được sáng tác năm 1949, tại thời điểm sau khi người vợ đầu tiên của tác giả qua đời. Bài thơ miêu tả về một cuộc tình buồn trong thời kì chiến tranh, họ yêu nhau, cưới nhau nhưng chẳng thể ở bên nhau vì chàng trai phải ra trận. Nhưng khi ở chiến trường thì nghe tin người vợ mất, anh đau khổ, hồi tưởng lại những kier niệm xưa.
Khóc vợ Lê Đỗ Thị Ninh
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn
nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
đôi giày đinh
bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa…
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Đứa em nhỏ lớn lên
Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết
Nhìn áo rách vai
Tôi hát trong màu hoa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu…
Bài thơ màu tím hoa sim được sáng tác năm 1949, đây là thời điểm sau khi người vợ đầu tiên, bà Lê Đỗ Thị Ninh, của tác giả chết đuối khi trượt chân xuống bến nước trong trang trại của nhà. Bài thơ là tiếng khóc buồn xót cho người vợ Lê Đỗ Thị Ninh của tác giả.
Màu tím Hòa Sim, bài thơ ra đời khi mảnh khăn tang còn trĩu nặng, khi nước mắt chưa khô nên lời thơ bật ra từ trái tim nát tan rất chân thành, rất thực và điều làm thổn thức tâm hồn người đọc cũng chính từ điều rất thực đó.
Mở đầu bài thơ là cách kể về một câu chuyện tình lãng mạn, của một người lính kể về tình duyên của mình trên chặng đường hành quân. Nhân vật chính tự sự được giới thiệu ngắn gọn đó là “tôi và nàng”
Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân
Xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Những câu thơ cho ta hiểu hơn về hoàn cảnh đất nước thời đó. Chàng trai phải ra đi để làm “vệ quốc quân” một chiến sĩ cách mạng cùng 3 người anh của nàng. Một câu chuyện tình yêu giản dị của cô gái thôn quê với anh bộ đội. Tính chất tự sự cảu bài thơ thể hiện vô cùng chân thực đó là một tình yêu đơn thuần “yêu nàng như yêu em gái” tình yêu của một chàng trai trẻ xuất phát từ tấm lòng.
Cách kể, cách mở đầu bài thơ khi mất mát người thân vô cùng quen thuộc, là sự tái hiện những kí ức lần lượt hiện lên. Với Hữu Loan, quá khứ là màu áo tím hoa sim dịu dàng, là mái tóc xanh người thiếu nữ, là nụ cười xinh xinh rạng ngời hạnh phúc của giai nhân và còn là vết bùn đất hành quân trên đôi giày người lính trẻ…
Ngày hợp hôn
Nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giày đinh
Bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh
Bên anh chồng độc đáo.
Người vợ yêu quý của Nguyễn Hữu Loan là một người phụ nữ dù sống ở trong gia đình giàu sang, nhưng nàng có lối sống vô cùng giản dị. Điều đó thể hiện rõ trong ngày cưới nàng cũng “không đòi may áo mới”. Còn với chàng trai thì trong ngày cưới “mặc đồ quân nhân” “đi giày đinh” một lễ cưới trong thời kì chiến tranh hết sức đơn giản.
Nhưng hạnh phúc của ngày cưới thể hiện ở ” nàng cười xinh xinh” bên “anh chồng độc đáo” một hạnh phúc viên mãn, một tình yêu bình dị nhưng vô cùng ngọt ngào và hạnh phúc.
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
thì thương
người vợ chờ
bé bỏng chiều quê…
Nhà thơ lo, “nhỡ mình không về” lo cho người vợ thân thương của mình là nếu mà mình đi bộ đội không trở về nữa thì thương người vợ ở nhà chờ mong. Nhưng câu thơ thể hiện sự quan tâm của người chồng đối với người vợ vô cùng sâu sắc. Càng quan tâm, càng yêu thì khi mất mát con người ta càng đau khổ.
Ở đoạn thơ này có cái gì đó như dấu hiệu báo trước về những trắc trở, éo le của cuộc tình thời chiến, đó là mất mát, đau thương. Cái bất trắc xảy ra ở đây không phải là ở chàng trai đi bộ đội mà cái bất trắc chính là người vợ ở hậu phương.
Nhưng không chết
người trai khói lửa
Mà chết
người gái nhỏ hậu phương
Tôi về
không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
thành bình hương
tàn lạnh vây quanh
Cái buồn đau, cái bi đát được thể hiện đó là người đi bộ đội ở chiến trường khói lửa thì không chết, không hi sinh. Mà người vợ ở nhà, người ở hậu phương lại ra đi. Một sự mất mát quá lớn lao, sự mất mát này chưa được chuẩn bị sẵn sàng tạo nên tiếng vang, nỗi đau dữ dội.
Hình ảnh người vợ hậu phương bé bỏng, từng đêm đợi chồng trở về đã kết thúc bằng nấm mồ tàn lạnh. Đau đớn và chua xót hơn là hình ảnh “chiếc bình hoa ngày cưới” lại thành “bình hương” cái hạnh phúc chỉ vừa mới đây thôi, sao ngắn ngủi đến vậy.
Tóc nàng xanh xanh
ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
không được nghe nhau nói
không được trông nhau một lần
Sự mất mát đó càng lớn, càng đau thì những kí ức, kỉ niệm về người vợ của mình cứ thế càng hiện ra. Người vợ xinh đẹp với mái “tóc xanh xanh”. Là tình vợ chồng chưa trọn vẹn, chưa ở được bên nhau mấy ngày, chưa được nói chuyện thì giờ hai người đã phải xa nhau thế này.
Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc
Được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
Câu thơ diễn tả nỗi mất mát càng lớn, khi mà ba người anh trai đi bộ đội của nàng lại được tin em mất trước tin em lấy chồng. Cái mất mát, nỗi đau đớn bàng hoàng diễn ra thật nhanh, chỉ trong phút chốc mà giờ đây “cỏ vàng sân mộ chí”.
Cái mất mát, đau thương đó lại được dấu trong lòng, chàng trai lại tiếp tục hành quân, để bảo vệ độc lập đất nước. Nhưng nỗi đau đó cứ âm ỉ cháy, hình ảnh về những kỉ niệm “đồi hoa sim tím” càng làm cho chàng trai thêm nhớ vợ hơn. Màu tím hoa sim giờ đây đã không còn là màu tình yêu thủy chung nữa rồi mà đã trở thành màu của sự chia ly, màu của sự biền biệt, chia ly.
Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Không phải là câu ca tình tứ thủa nào của chàng trai mượn sợi chỉ vá áo để kết duyên tơ hồng mà câu ca dao khi mang vào bài thơ nó được chứa đựng thêm nghĩa mới. Áo sứt chỉ như tình yêu dở dang, như cuộc đời đứt đoạn, như vết thương không được vá…vì thế cuối bài hình ảnh này được Hữu Loan lặp lại ở mức độ cao hơn :
Tôi ví vọng về đâu
Tôi với vọng về đâu
Áo anh nát chỉ dù lâu.
Dù thời gian đã qua đi rất lâu, nhưng vết thương trong lòng cũng chẳng thể ngôi ngoai, đường chỉ nát thể hiện cho sự đơn bóng, lẻ loi của một con người.
Màu tím hoa sim, tím tình trang lệ rớm
Tím tình ơi lệ ứa
Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành
Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn
Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
Cả một không gian tràn ngập màu tím hoa sim, tím cả hồn người. Điệp ngữ Những đồi hoa sim vừa có tính tạo hình khi vẽ nên một không gian dài rộng lại vừa là một biểu tượng nghệ thuật mang giá trị thẩm mỹ cao.
Màu tím hoa sim, bài thơ tình buồn chứa đầy âm hưởng. Với nhịp điệu thơ linh hoạt, lời thơ hài hòa ở những câu thơ đầu tạo nên sự rạo rực của tình yêu thời xưa. Nhưng giữa bài với âm thanh lắng đọng, sự bi thương càng làm cho người đọc thêm phầm xót xa, ai oán. Bài thơ Hoa sim tím đã trở thành một siêu phẩm thơ ca mang thể hiện tình yêu sâu sắc, tình yêu vĩnh cửu không bao giờ phôi phai.