Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhoà trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Năm 1943, Phạm Duy theo gánh hát Đức Huy tới Huế vào một ngày êm đẹp. Cảm xúc ngày ấy như vẫn ngọt lịm trên từng giác quan người nhạc sĩ. Ông mơ màng hồi tưởng: “Ai tới Huế lần đầu tiên cũng đều cảm thấy như vừa gặp một nơi để biết ái tình ở dòng sông Hương… vì những bầy ‘Huế nữ’ không những đẹp thôi, ăn nói lại mặn mà có duyên. Tôi may mắn được quen biết mấy chị em trong một gia đình quyền quý và được mời tới dinh thự Hương Trang ở Nam Giao chơi… Trong số đó có một cô gái rất trẻ tên là Võ Tá Hoài Trinh. Cô này còn làm thơ nữa, lấy bút danh Minh Đức Hoài Trinh… Nói rằng tôi biết ái tình ở dòng sông Hương là thế, nhưng lúc quen nhau rồi thì cũng phải xa nhau. Tôi tiếp tục sống đời giang hồ, người mới quen dần trôi vào dĩ vãng…”
Cuộc đời Phạm Duy, không ít những cuộc gặp đầy lưu luyến, song phần lớn chỉ là đôi ba khoảnh khắc ngắn ngủi rồi muôn trùng cách biệt. Trường hợp của nữ sĩ Hoài Trinh có thể gói trọn trong một chữ “duyên”. Năm 1948, nơi không gian nhỏ hẹp là khu vực của làng văn nghệ Quần Tín (tỉnh Thanh Hóa) vào thời gian mà cuộc toàn quốc kháng chiến đã gần đi vào năm thứ hai. Phạm Duy kể: “Tôi bấy giờ đang là quân nhân… bỗng gặp lại Minh Đức Hoài Trinh lúc đó được mười bảy tuổi từ thành phố Huế thơ mộng chạy ra với kháng chiến. Nàng còn đem theo đôi gót chân đỏ như son và đôi mắt sáng như đèn pha ô tô. Từ tướng Tư lệnh Nguyễn Sơn cho tới các văn nghệ sĩ, già hay trẻ, độc thân hay đã có vợ con… ai cũng đều mê mẩn cô bé này. Phạm Ngọc Thạch từ Trung ương đi bộ xuống vùng trung du để vào Nam bộ, khi ghé qua Thanh Hóa, cũng phải tới Trường Văn hóa để xem mặt Hoài Trinh. Hồi đó, Minh Đức Hoài Trinh đã được Đặng Thái Mai coi như là con nuôi và hết lòng nâng đỡ”.
Con tạo xoay vần. Họ lại chia tay nhau. Nhưng, Phạm Duy tiếp tục câu chuyện về nữ sĩ Hoài Trinh: “Năm 1954, tôi gặp Minh Đức Hoài Trinh lần thứ ba khi tôi tới Paris ở khoảng hai năm. Nàng đã rời Việt Nam, đang sống với một người em trai trong một căn phòng nhỏ hẹp. Ba lần gặp nhau là rất hy hữu, tôi bèn giao lưu với nàng và soạn được hai bài ca bất hủ”.
Minh Đức Hoài Trinh, trong ký ức của Phạm Duy là một người phụ nữ có tính cách mạnh mẽ pha chút “bạt mạng”. Thói đời thích ban cho người đàn bà đẹp cuộc sống trắc trở. Có lẽ vì thế mà đằng sau mỗi nhan sắc yêu kiều thường là tâm hồn cứng cỏi vượt lên mọi nghịch cảnh. Cuộc giao duyên thơ – nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy và nữ sĩ Hoài Trinh đã kịp cho ra đời hai bản tình: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình.
“Nhạc tình của tôi trong loại nhạc tình cảm tính, nhạc của lứa đôi, nên tôi rất chú trọng tới chữ “nhau”: Cho nhau, Đừng xa nhau… Một bài thơ cũng ở trong chữ ”nhau” của Hoài Trinh đã nói lên mối tình xanh vẫn còn lo sợ… Bài thơ nhan đề Kiếp nào có yêu nhau…
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối… để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng.
Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chấp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát…
Nói thêm cho rõ: ca khúc gồm 154 chữ, dài gấp rưỡi bản gốc. Bản gốc là thơ năm chữ theo luật thi, nhịp lẻ; ca từ nhịp chẵn 6-10 theo sườn lục bát vần lưng kết hợp với vần chân; hai câu ngũ ngôn trở thành bát cú (hémistiche) cho câu 10 từ với vần giữa câu. Như vậy, chỉ về âm luật thôi, bài hát đã khác bài thơ. Những câu, những từ, những âm (đừng… đã) luyến láy tạo ý nghĩa mới cho lời thơ – chưa kể nhạc thuật phong phú, tha thiết mang chất bi kịch
Kiếp nào có yêu nhau chính là một câu chuyện đau lòng của nhà thơ. Tác phẩm mang đậm chất trữ tình cùng âm hưởng sầu mặc làm cho bạn đọc cảm nhận được một nỗi buồn man mác của nữ thi sĩ . Đây là một thi phẩm vang danh được nhiều bạn đọc yêu thích. Hy vọng sẽ làm hài lòng quý vị độc giả. Cảm ơn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!