DÒNG SÔNG QUÊ ANH, DÒNG SÔNG QUÊ EM

Dòng sông Đáy quê em
Sông trăng hay sông lụa
Nong kén vàng như lúa
Tròn vạnh một góc trời

Là sông dâu, tằm ơi
Sóng xanh như mắt trẻ
Sao giống nhau đến thế
Tiếng mưa như tiếng tằm ăn

Dòng sông Đà quê anh
Đá dựng ghềnh dựng thác
Mênh mông ngàn sóng bạc
Đàn voi đá nhấp nhô

Sông cho anh làm thơ
Về sức gầm của sóng
Về tầm cao chiều rộng
Những thiết kế công trình

Bình minh trên công trường
Mở ra trên dòng thác
Nguồn than trắng vô biên
Nước reo thành điệu nhạc

Dòng tơ và dòng thác
Sao gắn bó với nhau
Áo lụa sáng đèn màu
Đêm liên hoan em hát

Cuộc đời lên bát ngát
Chúng mình đi dựng xây
Anh lại gặp em đây
Hai dòng sông họp bạn

Lai Vu
1976

Miền Bắc Việt Nam có một hệ thống sông ngòi dày đặc và chằng chịt. Nó gắn bó với tất cả mọi người, những kí ức tuổi thơ , cung cấp phù sa, tưới tiêu và cả trong kí ức kinh hoàng về những trận mưa lụt. Có thể thời gian trôi đi, cảnh vật con người thay đổi nhưng những dòng sông thì muôn đời vẫn nằm đó, vẫn chảy theo những hướng đó, âm thầm, lặng lẽ chứng kiến những thăng trầm của cuộc đời.
Từ xưa đến nay, hình ảnh những dòng sông luôn là đề tài muôn thủa của thi ca nhạc họa. Rất nhiều tác giả đã gửi gắm tâm tư tình cảm của mình vào những bài viết, những tác phẩm để cho người đời sau khi đọc lại đều có thể hình dung lên một khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng và cả những sự việc xảy ra trong thời kì đó. Nguyễn Trãi, Trương Hán Siêu hay Nguyễn Du đều có những tác phẩm để đời lấy đề tài những dòng sông như vậy.

Bài thơ “dòng sông quê anh, dòng sông quê em” được tác giả sáng tác lấy cảm hứng từ 2 dòng sông, sông Đà và sông Đáy. Bài thơ ra đời năm 1976, một năm sau ngày thống nhất và cả đất nước đang dồn toàn tâm sức đi lên xây dựng CNXH. Dù đây là thời kì khó khăn về kinh tế và chính trị nhưng đọc bài thơ ta có thể thấy được sự lạc quan yêu đời và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống của những con người thời đại.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Đoàn Bổng phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Viết một bình luận