Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P3

Kết thúc tập thơ dịch của tác giả khác của Bằng Việt P2, cùng chúng tôi đón đọc các tập thơ dịch của các tác giả khác của nhà thơ Bằng Việt Phần 3 để hiểu rõ hơn về tài năng sáng tác và dịch thơ của ông nhé.

Nội Dung

Cha tôi đã bỏ cả một đời
Để mơ ước xây ngôi nhà bé nhỏ
Chiều nào ông cũng ngồi trong bếp
Lơ đãng trước tách cà phê đắng ngắt
Nhấm nháp một chút gì ngọt ngào
Để nuôi dưỡng lòng tin vào những gì chưa có

Bao năm rồi chúng tôi đi xa
Ngôi nhà vẫn chưa xây nổi
Và cha tôi, nay cũng mất rồi

Có phải thế chăng, hỡi em gái u buồn
Khi anh nhìn sâu vào mắt em
Có chút gì ấm lòng đến xót xa
Đồng điệu với giấc mơ, thời cha từng ấp ủ

Hãy tìm ra một chút xíu tình yêu
Như người nghèo tìm chỗ nương thân giữa chợ

Đôi khi, đấy là điều không sao mua được
Ở thời buổi con người quá đỗi cô đơn!

Một đĩa hát réo lên
Hạ giọng xuống, lại cất lên, hạ giọng xuống, rồi réo lên đột ngột
Như một kẻ say không biết làm gì

Làm sao tôi viết nổi cho em lấy một dòng thơ
Khi phải tìm lại những từ hầu như quên lãng
Giống như chiếc áo váy tinh khôi, em từng bỏ mất
Chiếc áo váy thời học sinh năm cuối ở trường làng!

Làm sao thấy lại những viên đá hoang sơ thời nguyên thuỷ
Ở những bến bờ chưa có ai qua

Tôi đã bị làm hỏng đi rồi
Tôi còn biết nhìn ra ngọc quý ở đâu giữa vô vàn đá hộc

Dưới cầu Mirabeau, dòng sông Seine trôi
Trôi cả tình ta theo nữa
Có cần chăng để khiến lòng tưởng nhớ?
Buồn mãi rồi có tới được niềm vui?!

Đêm cứ đến, khắc giờ cứ điểm
Anh còn đây, dầu năm tháng qua rồi!

Mình từng đối diện nhau, tay nắm chặt tay,
Tay kết liền nhau, như thành cầu xiết chặt,
Khi sóng dưới kia, cứ từng làn nối nhau mỏi mệt
Vỗ đập thờ ơ, mặc cái nhìn say đắm muôn đời!

Đêm cứ đến, khắc giờ cứ điểm,
Anh còn đây, dầu năm tháng qua rồi!

Năm tháng cũng như sông, như nước chảy vô tình,
Tình yêu đã ra đi, là ra đi mãi mãi…
Cuộc đời ơi, cớ sao mà chậm rãi,
Và hy vọng, cớ sao tàn khốc đến nhường này!

Đêm cứ đến, khắc giờ cứ điểm,
Anh còn đây, dầu năm tháng qua rồi!

Ngày nối ngày, tuần lại nối tuần đi,
Cả quá khứ, cả tình yêu, nào sẽ còn gì?
Tất thảy rồi tan, không hề trở lại,
Chỉ dưới chân cầu, dòng sông Seine trôi mãi.

Đêm cứ đến, khắc giờ cứ điểm
Anh còn đây, dầu năm tháng qua rồi!

Bạn láng giềng tôi ơi
Tôi đã trông thấy bạn
Khi tên lính xộc vào nhà tù
Xiên lưỡi lê, đóng bạn vào vách đất!

Và bạn thấy tôi nhìn
Làm thinh, ngồi trên mái!
Phận riêng, tôi giữ gìn
Không hé môi đáp lại?

Cái tàn bạo kẻ ngoại xâm
Bạn không thấy kinh khủng hơn
Bằng sự đóng băng tim tôi phút ấy!

Nhưng bạn đâu có thấy
Tôi im lặng nỗi gì!
Cổ bạn, lưỡi lê kề
Cổ tôi thành tắc giọng:
Bị tọng đầy kín họng
Một mớ những đồng xu!

Đỏ là màu của máu
Màu của cơn giận hờn
Và cả màu đỏ mùa hè
Và mặt trăng nhiều khi cũng đỏ

Xanh là màu của trời
Màu của cơn sợ hãi
Và người lính canh mặc áo choàng xanh
Và bức tường quanh tôi xanh lặng

Lá cây là màu hy vọng
Màu của đại dương xa vời
Và cũng là màu chiến khu
Màu của quân mình trong ấy

Trắng là màu của ngày
Đêm nhiều khi cũng trắng
Và đó là màu mẩt ngủ
Le lói hắt lên quanh tường nhà giam

Đen là màu ngục tù
Cũng là màu mực in rõ nhất
Và đó là màu trang giấy
Khi những dòng thơ đã được viết lên

I
Đêm khoá chặt cơ thể tôi
Như rượu chát

Còn ngoài kia
Sau tấm ri-đô tròn của đại dương
Những người mù liên kết cùng nhau
Để đánh mất đi giấc mộng

II
Tình yêu
Là bộ sưu tập những trạng thái cô đơn

Những ngôi sao
Giống nắm hạt khô vãi tung lên trời
Lung linh sống lại
Dù vẫn sống dưới ách của ngày

Con bò cày vẫn cày
Dưới những làn roi quất

III
Có sự lãng quên làm khô bầu mực
Có cơn khát giãi bày làm bút hút se ngòi

Anh
Đầu đội trời. Chân đạp đất
Mà không tìm ra bầy cừu nào để chăn
Chả lẽ anh quên
Mình còn có thể chăn dắt cả những đám mây tứ xứ!

Thế kỷ đồ kim khí đã già rồi
Đã hoen rỉ và đã dần xám xịt
Đến tháp Epphen cũng thành mỏi mệt
Đứng còng vai chống đỡ vòm trời!
Chả cần chi, khi sắt đã hết thời
Thế giới đã cần đến cao phân tử
Nhưng thế giới trong nghề đồ sắt cũ
Vẫn y nguyên còn lại chiến tranh!
Dù con người đã đứng thẳng tầm mình
Cao hơn hết mọi thánh thần vua chúa
Nhưng Trái đất trong nghề đồ sắt cũ
Vẫn cứ lưỡi lê, bom đạn, súng trường!
Có thể nào bên cạnh nơtơrông
Cái chết cổ xưa vẫn về đeo đuổi?
Không thời gian nào xoá nổi
Không bao giờ rỉ sét đến ăn đi?

Trái đất ơi! Biết mấy những thần kỳ
Còn phải tới trong ngày mai vĩ đại
Chất liệu mới sẽ cứ dần thay mãi
Thế kỷ đồ kim khí đã già rồi!
Trong giấc mơ nối tiếp những đời người
Sẽ thêm nữa biết bao điều mới mẻ
Nhưng biết làm sao cũ đi được nhỉ
Vết đạn nằm trong ngực của cha ta?

Một ngọn cỏ
Như em thường nói
Có màu của gió
Một thứ màu không ai nhìn thấy
Nhưng sao cả cánh đồng
Cứ run rẩy lên mãi thế
Vì một kỷ niệm đã từng lãng quên

Tất cả trí nhớ của anh
Không thể đủ
Để quên đi
Một người vắng mặt

Chủ nhật
Anh không nhắc đến tên em
Không nhắc lại tiếng xào xạc của khu vườn
Đã bị làm loãng ra vì bầy trẻ nhỏ
Anh cũng không nhắc đến tiếng chuông
Quá buồn và lẻ loi
Cứ tan dần và lùi xa
Cùng tiếng hát

Chỉ còn trời
Trời thì còn gì để nói
Một chữ Trời – Thế đủ rồi!

Và đêm đến
Anh tưởng tượng ra
Một mặt trời
Mặt trời thổi một trận gió ào qua
Trên mặt đất
Không hề tồn tại

Là người Đức cả thôi, nhưng chúng ta không đồng nhất
Lịch sử dạy chúng ta điều đó lâu rồi!
Kẻ xảo trá ở cạnh người mơ mộng
Kẻ dã man và nhà tư tưởng sống song đôi!

Và điệu kèn đồng ô nhục đã lôi đi
Tất cả chúng ta vào thời kỳ cay đắng
Vào tội lỗi nặng nề không thể tránh
Tưởng loại bỏ dân ta khỏi tổ hợp loài người

Khi các thành phố đã đều tan vụn
Chúng ta đi như mê sảng giữa nhà mình
Nhưng hy vọng dần nhóm sau đổ nát

Tự lòng sâu tiềm tàng nhân dân hồi sức
Và lòng tự hào lại chắp cánh cho ta
Mở đường đi tới chân lý sâu xa…

Đêm trên sóng

Một chiếc ắc-mô-ni-ca
Trên chiếc thuyền lướt qua bên cạnh
Với nhiều giọng hát cất lên

Thuyền ơi
Thuyền đẹp quá hay thuyền là ảo ảnh ?
Chúng tôi tới tương lai, thuyền có tới cùng…
Dù sóng vỗ vẫn đang là hiện tại!

Cái bình thường mỗi ngày cứ đang qua
Đến mãi nửa đêm mới tiếc rằng sắp mất!
Mỗi việc thường ngày gắng sức
Lúc sắp sang canh mới thấy bất ngờ

Con thuyền trôi lâng lâng
Hẳn biết rõ đường xuyên qua bóng tối
Có phải chiếc ắc-mô-ni-ca
Đang thổi thật say mê khúc ấy
Có phải mọi người ngồi đâu đấy
Đang muốn cất cao điều đó thành lời…

Mỗi buổi chiều gió nhẹ
Vỗ về ta thân quen
Ánh hoàng hôn chảy khẽ
Trên cánh đồng vừa yên

Lá rung rinh mỗi chiều
Mộng những con đường lớn
Khoảng vô cùng lẳng lặng
Trăng lên bỗng thành lời!

Và biển cả muôn đời
Nặng nề xô tới đất
Bờ mênh mang bạc rắc
Cánh buồm sao chưa đi ?

Tôi trở về Tổ quốc
Trở về Thơ
Lại ngồi
Trên chiếc bàn viết cũ
Đặt hai tay
Lên trước mặt mình
Thấm một chút gì mỏi mệt
Sau bao chặng đường dài dặc
Sau bao xúc động lớn lao
Được gặp lại nhà mình!

Bức chân dung cũ – trên tường
Nhìn thẳng vào tôi
Nhìn xoáy vào đôi mắt
Với câu hỏi không lời:
Tôi phải kể những gì
Về bao vất vả đã qua
Ở xa mãi, rất xa
Nơi tôi đã lăn lưng bảo vệ
Chỗ ngồi này
Có cái bàn viết cũ
Dãy phố này
Rì rầm tình yêu trong tiếng người

Nếu có khi nào nữa
Tôi không thể trở về
Thì các bạn tôi ơi
Các bạn hãy hiểu rằng
Tôi đã phải quyết định
Cùng với số phận mình
Số phận ngôi nhà tôi và Tổ quốc tôi
Số phận của Thơ ca
Cùng số phận của toàn thế giới.

Tôi có thể nhìn thẳng vào mặt trời
Nhưng với bạn bè đã chịu nhiều oan khuất
Tôi không thể đang tâm
Mắt dám nhìn thẳng mắt!

Phải. Tôi đã từng ôm hôn họ
Đã sẻ chia với họ từng mẩu bánh mì, ngụm nước
Có khi từng say với họ bên vò rượu
Đấy là thời đã rất xa xưa

Khi tôi nghĩ về những gì tai hoạ
Do thánh thần hay con người gây ra
Là do tôi đã nghĩ tìm cách nào chạy chữa
Dù thầy thuốc hay các nhà phù thuỷ, tiên tri cũng chưa thể chữa lành

Thế rồi năm tháng trôi qua
Đến tuổi này, không biết vì sao
Tôi vẫn có thể nhìn thẳng vào mặt trời
Mà không dám dàn mặt nhìn thẳng vào bè bạn nữa!

Em bé: Này chim bạn chim bầy
Người dù bay dù đậu
Người ruổi rong trăm nẻo
Cho ta nhắn một lời
Người có biết vì sao
Mẹ ta không thể nào
Còn về nhà nổi nữa

Bầy chim: Lũ chúng ta đâu rõ
dám dối trá cùng em
Ngọn triều lên rồi xuống
Cứ muôn đời triền miên
Con người còn rồi mất
Là quy luật thiên nhiên
Có cách nào trả lại
Cuộc đời cho mẹ em

Chán ngấy rồi những gì cân xứng
Những tượng đài kia, những bức tranh này
Cả những thói quen chỉn chu, cách điệu
Những sắp xếp, chuyện trò, nhà cửa, đường cây…

Nghe tôi thở than, lắc đầu, em nói
Một thoáng khinh khi, một thoáng mỉm cười:
– Tất cả những gì sống, đều cân xứng
Hoa lá, chim muông, thú vật, con người!

– Vâng, đúng thế? Nhưng dầu sao đi nữa
Cây bạch dương kia chẳng hạn, có gì
Mà hướng Bắc, cành vừa thưa vừa ngắn
Còn hướng Nam, cành rậm lá, xum xuê?

Và thêm nữa, có gì đâu kì cục
Khi trái tim dồn dập đập đêm ngày
Chỉ dồn dập đạp đều bên ngực trái
Còn bên phải này, em nói sao đây?

Hãy cho tôi chiếc vé giã từ
Trên chuyến tàu đi đâu cũng được
Hãy cho tôi lên được chuyến tàu
Với chiếc vé chia tay quá khứ
Miễn là tôi đừng lỡ chuyến tàu xa

Hãy đừng buồn dù cuộc tình quá ngắn
Cuộc tình ngọt ngào, tươi tắn nhường kia
Hãy đừng buồn dù cuộc tình quá ngắn
Đủ cho tim ta chói sáng một lần
Hãy đừng buồn dù cuộc tình quá ngắn
Đủ ghi dấu đời mình trước lúc phải đi xa

Và có thể đây là lời vĩnh biệt

Thiên hạ bảo: Lên phương Bắc kiếm ăn
Ở đó, việc làm xem chừng dễ sống
Thiên hạ bảo: Phương Bắc giờ khá lắm
Ở đó, đủ dư công ăn việc làm
Và tôi lên phương Bắc, bơ vơ
Không một xu dính túi

Tôi hít đầy không khí ban mai
Hít nở phổi thay cho bữa sáng
Tôi hít đầy không khí ban mai
Hớp không khí luôn căng phồng bụng
Cho đến tận bữa chiều, hoa mắt
Tôi tiếp tục hớp tràn không khí đặc hoàng hôn

Tôi nhảy tưng tưng
Cốt cho quên cơn đói
Tôi hát tưng tưng
Cho đỡ buồn, đỡ mỏi
Tôi hát, tôi rên ư ử
Một điệu blues toàn không khí trống trơn

Thôi đừng ai nỡ hỏi
Điều gì sẽ đến với tôi
Thôi đừng ai nỡ hỏi
Nơi đây sống khá hay tồi
Tốt hơn hết hãy nghe
Điệu hát của tôi, căng phồng không khí

Mẹ tôi thuần chủng da đen
Cha tôi trớ trêu, lại là da trắng
Tôi đã nhiều phen căm ghét cha tôi
Nhưng dần dà tôi đầu hàng số phận

Tôi chuyển nỗi đau sang hờn dỗi mẹ
Trách mẹ sao không an phận thủ thường
Nhưng cũng dần dà, tôi đầu hàng số phận
Mẹ khổ sở đã nhiều, nên chuyển giận thành thương

Cha tôi chết ở xa, giữa đồn điền to rộng
Mẹ tôi mất trong túp lều rách, tồi tàn
Tôi – đứa trẻ da màu, biết tìm đâu chỗ chết?
Khi lăn lóc vào đâu cũng chỉ kiếp con hoang?

Nếu tôi có hàng trăm đô la
Trong túi áo cũ mèm, sờn rách
Thì tôi sẽ mua lấy một con la
Để cưỡi lang thang thoả thích

Nếu tôi có hàng ngàn đô la
Thì tôi sẽ mua chiếc xe bốn bánh
Để rong ruổi thoả chí trên đường
Thả một đám mây bụi mù tứ phía

Nếu tôi là triệu phú
Ắt hẳn tôi mua một chiếc máy bay
Và cả nước Mỹ sẽ cúi rạp đầu
Tôi dù ở đâu cũng thành long trọng!

Nhưng tôi chẳng có gì hết cả
Túi rách sờn, không có một đồng xu
Và cuộc đời tôi cứ thế vô tư
Khi chỉ ước có toàn chữ “Nếu…”!

Chơi

Trẻ con chơi làm phi công
Chơi trò lái tàu, chơi trò xây dựng
Chơi cả trò kiếm tìm địa chất
Hoặc thậm chí du hành bay mãi tới trăng sao

Trẻ con
Chỉ chơi những trò ước mơ nghiêm túc
Không lãng mạn như người lớn bao giờ!
Bởi chỉ có người lớn là vô bổ
Dám chơi trò sáng tạo những vần thơ!

Tôi thấy rõ từng dải băng lấp lánh
Những tảng sáng ghê người nhọn sắc, gồ ghề
Khi chiếc máy bay chở tôi nhào xuống
Sắp vỡ tan tành dưới dải sáng rợn người kia!

Nhưng tôi đâu còn thời gian sợ hãi
Những gì đáng sợ hơn tới lúc cũng qua rồi
Nếu chắc chắn phút này cuộc đời tôi vỡ nát
Thì chỉ các thiên thần sẽ đến nhạo cười thôi!…

Nếu đời sống sẽ rộng dài thêm nữa
Ắt hẳn chúng ta cũng ngông ngạo ra trò!
Ta có thể quên đi cội rễ
Để vượt qua mọi ranh giới không ngờ!

Nhưng còn đó, chiếc ấm lò Nga cũ
Cái cốc đựng Kêphia, như thời cũ quen dùng
Có lẽ chúng còn vẹn toàn duy nhất
Từ thế giới hôm qua đã tan vỡ, nổ bùng!

Ai không lẩn tránh tổ tiên mình
Không lẩn tránh đất nước mình
Không lẩn tránh chủng tộc mình
Có đường đi nước bước rõ ràng
Có chủ đích, có niềm tin vững chãi
Có những khổ đau, những điều từng trải
Những say mê và yêu ghét phân minh
Thì người ấy
Đáng được nhân danh chính mình
Làm một thực thể không tan biến mất
Làm một người bạn của đời tôi đích thực
Để tôi mở vòng tay, đón nhận vào lòng!

Con không thích những chuyện thần thoại nữa

Nhưng người ta vẫn kể cho con
Về những con rồng thiêng, con chó trung với chủ
Con cáo xám, và nàng công chúa

Tất cả những chuyện này, con còn thích đâu con!

Bây giờ những buổi chiều, con ngồi với cha
Cha bảo: Con chó là con chó, con sói là con sói
Và dạy con những tên người đáng nhớ
Những anh hùng đã hi sinh

Phải nói hết cho con sự thật!

Đào bới cuộc đời, sau nhiều lần tưởng chết
Bàn tay không ngơi nghỉ bao giờ
Ngày tiếp ngày, hãy mở to đôi mắt:

Một hàng cây trong vườn đủ làm thầy của ta
Nó nở hoa để mai này kết trái
Còn những thứ không cần, chỉ làm củi đun thôi!

Nào hãy xem
Em đã nói với anh
Những gì đã xảy ra thế nhỉ?

Phải. Rõ cả mà đủ lắm rồi!
Nên bỏ hết những chuyện lằng nhằng ấy đi
Và đóng lại bằng dấu chấm
Ở bên kia ranh giới thời gian

Còn bây giờ, việc của chúng ta
Là lại phải bắt đầu
Lại phải hành trình tiếp tục
Chúng ta vừa dừng chân
Ở giữa chữ: “Cuộc đời”
Chúng ta lại bắt đầu
Cũng chính từ chữ ấy

Mép bàn ăn
Mùi mỡ, mùi hành
Và cả ống tay áo chùi vào nước bẩn

Mép bàn ăn
Một cánh hoa rơi
Một quyển sách khép hờ
Nằm nhịn đói giữa hai lần được đọc

Mép bàn ăn
Những cái miệng há ra của cả gia đình
Ngày ngày chờ đợi
Và sự im lặng khôn cùng

Tôi là con của Người, sinh ra trên đất ấy
Và biết bò trên đất ấy thân thương
Người cho tôi biết cảm thụ sắc màu
Cho tôi chiếc cọ lông để vẽ
Có điều, tôi không biết phải vẽ Người ra sao?

Trời thế này chăng? Đất thế này chăng?
Và trái tim người? Và anh em trong lửa cháy?
Và những thành phố hoang tàn, máu chảy
Nước mắt tràn mi, tôi đâu thấy được gì
Tôi đi đâu? Tôi bay hướng nào cho thoát?

Vẫn biết có ai đó cho tôi được sống
Vẫn biết có ai đó có quyền bắt tôi phải chết
Nhưng chẳng ai giúp gì cho những bức tranh tôi
Để chúng có hồn hơn và yêu đời trở lại!

Tổ quốc lặng thinh ư? Trái tim tôi muốn vỡ
Vì sự lặng thinh dai dẳng của Người!
Ngày lại đêm, với mọi lời cầu nguyện
Chẳng giúp được gì cơn khát bỏng trong tôi…
Tôi quỳ gối van xin, hi vọng
Nuôi mãi lòng tin phấp phỏng một đời!

Tổ quốc ơi! Tôi làm chi để Người phải giận?
Tôi luôn mở oà ra hết thảy cùng Người
Tôi như cái chai đặt trước Người dốc cạn
Như bát nước đầy, rót cho đến khi vơi
Nhưng tháng rồi năm, nỗi xa cách dày thêm
Biết có cách nào cho tôi trở lại?
Có lẽ còn chăng nắm tro tàn rơi vãi
Một ngày kia tôi về lại cùng Người!

Những ánh chớp mùa Hè vụt tắt
Có dễ ba mươi năm có lẻ, xa rồi!
Hai chúng mình đâu còn ba mươi tuổi
Đã già ư ? Đâu chỉ thế mà thôi!

Cái bến cảng xa xưa tĩnh lặng ơi, ngày ấy!
Ba mươi năm, mình vẫn cứ mơ về…
Quay trở lại, dù chỉ trong chớp mắt
Còn có gì nơi đó để say mê ?

Nhưng không phải! Trái tim là thế đấy!
Vẫn y nguyên đợt sóng cũ xô bờ
Trái tim đã già, cuộc đời đã chín
Nhưng chợt lại hoà cùng ký ức trẻ thơ

Tất cả thời thanh niên như hồi sinh trọn vẹn
Trái tim run như dẽ lúc chiều tà
Vẫn biết rõ trái tim cần đa cảm
Sao mãi đến lúc này, mình mới thực hiểu ra!

Mắt vẫn sáng long lanh, bàn tay đầy tin cậy
Câu trả lời vẫn sẵn ở trên môi…
Ừ, có lẽ bài hát khi thật chín
Là bài hát nhập về với tuổi trẻ xa xôi!

Em nhớ căn phòng ẩm thấp
Cái lò to gộc, khói mù
Học bổng chung nhau một suất
Hai ta cùng sống, đơn sơ

Chiếc đĩa ta cầm đã cụt
Chiếc thìa ta xúc thì cong
Chỗ đặt ấm trên thành cửa
Nước chè loang vệt vòng cung…

Ôi bao năm rồi, quen thuộc
Vị khoai tây nguội ngon lành
Cái màu cà chua đỏ lợ
Lẫn trong cá hộp còn tanh!

Em thuộc từng thói quen anh
Thân thương với em từ ấy
Đôi mắt anh thường nheo lại
Khi cần dặn bảo gì em
Đôi ngón tay cầm que diêm
Cái cách anh nhai thuốc lá
Cái giọng anh khàn đến lạ
Khẽ khàng trìu mến bên em
Cái quầng đèn đục thâu đêm
Những tháng năm dài mất ngủ
Cái túi cũ, đầy sách vở
Sáng sáng lặng tờ em đi
Cát sẫm trên đường se se
Rắc đầy lớp băng mỏng dính
Giọt nước mắt rơi thấm lạnh
Trước gió buốt da đầu mùa…

Duy một điều mãi bất ngờ
Vì sao em yêu anh thế ?

Có người tạc bằng đá, có người bằng đất sét
Tôi từ sóng tạo ra, óng ánh khắp toàn thân
Tôi là Marina, quen mọi điều bội phản
Tôi là lớp thuỷ triều tung toé bọt phù vân

Có người bằng đất sét, có người bằng xương thịt
Loại sẽ có quan tài và bia mộ đi kèm
Tôi được rửa tội trong sóng biển, nổi trôi cùng biển
Nêu được thổi bay lên, sẽ dập vỡ tan tành!

Thấm qua mọi trái tim, lọt qua nhiều mắt lưới
Tôi tự do ngang dọc tung hoành
Tôi mãi mãi xoắn tròn như rác rều phóng túng
Chẳng bao giờ thành muối của người ăn!

Dù vỡ vụn ra dưới chân đá hoa cương
Tôi sẽ lại hồi sinh với từng cơn sóng lớn
Nhưng mãi là bọt thôi, vui tươi và sống động
Bọt cao vời của biển cả dâng cao!

Mọi thứ hát hò, tranh luận… mệt rồi
Tôi chỉ muốn khép môi thầm, lặng lẽ
Còn thời gian, đánh lừa tôi quá dễ
Rằng cách gì cũng sẽ tới cơn mơ

Tôi nằm im, khép chặt mi mắt lại
Cho đến khi mọi sự đã hầu quên
Chẳng còn thấy ai hát hò, tranh luận
Chỉ còn mỗi tiếng chim và bóng lá dịu hiền

Anh đã yêu em bằng chân lý giả
Và cả bằng sự thật của dối lừa
Anh yêu thế, giờ tránh đâu được nữa!
Dù bỏ nước mà đi, rời khỏi mọi bến bờ!

Anh đã yêu em lâu hơn hạn định
Nhưng phẩy tay một cái cũng là thôi!
Không cần nữa không thể thêm gì nữa
Chân lý của giã từ thật ngắn ngủi…đơn côi!

Hôn trán anh đi, để xoá những buồn lo
Tôi hôn anh lên trán!

Hôn mắt anh đi, để thoát cơn mất ngủ
Tôi hôn anh vào mắt!

Hôn môi anh đi, để qua khỏi ngày khô khát
Tôi hôn môi anh và thấp thỏm đợi chờ!

Không thấy gì cả ư? Em hôn lại một lần đi
Tôi vâng lời anh và mất luôn trí nhớ!

Những câu thơ tôi viết từ rất sớm
Thuở chưa nghĩ mình lại hoá nhà thơ
Như tia nước vọt lên từ miệng giếng phun
Như tia lửa toé ra từ quả pháo

Những câu thơ hệt như bầy quỷ nhỏ
Ào vào tận thánh đường hương khói, mộng mơ
Những câu thơ về tuổi trẻ và cái chết
Cho đến nay chưa được đọc bao giờ

Chúng bị vứt lăn lóc trong cửa hàng bụi bám
Chưa có một ai nhìn ngắm, đôi hồi
Nhưng chúng giống thứ vang, càng lâu càng quý
Sẽ đến ngày, đến lượt chúng lên ngôi

Em có lẽ nào không muốn sống cùng anh
Trong thành phố xinh nhỏ ấy
Nơi có những hoàng hôn vĩnh cửu
Và tháp chuông bất tử đến muôn đời!

Một khách sạn mảnh mai, tất cả đều bằng gỗ,
Tiếng chuông đồng hồ điểm thánh thót xa xăm
Như từng giọt thời khắc cổ xưa còn rớt lại…
Trên gian gác nhỏ nhoi áp mái
Tiếng sáo buổi chiều như có như không!
Đôi khi, người thổi sáo hiện ra
Cùng những bông uất kim hương thật to bên cửa sổ.

Anh có thể không còn yêu em nữa,
Nhưng ở thành phố xinh nhỏ ấy
Em có lẽ nào không muốn sống cùng anh!

Ngỡ có cánh bay quanh rồi dừng lại
Lên nữa ư? Cũng đã quá cao rồi!
Trong giây phút mê man lần chót
Tốt hơn là đừng tỉnh dậy mà thôi!

Kẻ mộng du lúc ấy giống thiên tài
Lên cao mãi, không một ai bầu bạn
Trong giây phút tỉnh ra lần chót
Tốt hơn là không được phép hồi tâm!

Trăng là mắt của người. Hình mắt cú
Mắt của mái nhà đang dõi nhìn ngươi
Nếu bên dưới réo gọi ngươi lùi xuống
Tốt hơn là ngươi giả điếc đi thôi!

Trăng là hồn của người, là thần Urania thông tuệ
Cánh cửa cho ngươi bước tới thiên thần
Trong giây phút cuối cùng kéo ngươi hoà nhập
Tốt hơn là ngươi rũ sạch phân vân!

“Yêu, như thể bốn mươi nghìn anh em”
(Shakespear, Hamlet)

Buổi hoà nhạc. Matxcơva. Cô gái áo choàng đen
Lần thứ hai mươi ra chào khán giả
Tôi bỗng nao lòng, tôi dễ yêu cô quá
Cả hội trường yêu cô, như bốn mươi người anh em

Và tôi lang thang trong phố suốt đêm
Cô gái ấy trong tôi thành nốt đàn lặp lại
Đêm se giá, Maxcơva… Tôi hãy còn nhớ mãi
Với những ngọn đèn đường cuồng nhiệt của riêng tôi

Thế giới hôm qua còn lại thế thôi
Tôi sống ở chiến hào những ngày giặc đến
Ngay từ những trận đầu, giáp lá cà kịch chiến
Ở Sakhôpxki này, tôi chẳng nhắc gì em

Năm tháng làm nhịp thở gắt gao thêm
Thơ tôi khác, nỗi nhớ dần cũng khác
Nhưng trên đất Ba Lan, lại một lần tôi gặp
Khuôn mặt nào phảng phất giống như em

Những ánh chớp đỏ bầm, đầy dữ tợn trong đêm
Hầm bọc sắt. Đất rung khô. Im lặng
Cái máy hát góc hầm bỗng cất cao một giọng
Xa xôi rồi, như giọng hát của em

Tôi mê đi trong bài hát ngỡ chừng quên
Như giấc mơ tháng Giêng, tốt lành, trong trẻo quá!
Nhà Hát Lớn. Tiếng người. Thủ đô và phố xá
Trong bộn bề ánh sáng những đèn giăng

Có ngày nào thấy lại chút bâng khuâng?
Cho tôi được gặp em, nghe em hát về tình yêu như trước
Yêu như thể bốn mươi nghìn anh em, trong câu thơ quen thuộc
Rồi hãy trở về trận đánh lớn hôm sau!

Gió lại thổi về rồi
Thổi ùn lên cao ngất
Những biệt ly chua xót
Cuốn từng vòng quanh tôi…
Đâu giấc mơ xa xôi
Cỏ mùa thu hây hẩy
Lá vàng như trang giấy
Bay tơi bời trong quê?
Và tôi đứng như mê
Giữa vòng thu vàng rợi
Nơi xưa ai đứng đợi
Những nàng tiên bên bờ?…

Ôi giấc mơ, giấc mơ…
Trong vòng vây chật chội
Tôi làm sao chịu nổi
Giấc mơ xa nhường kia
Giấc mơ không biệt ly
Không khổ đau chua xót
Không gió và tiếng hát!

Em đã gặp để sẻ chia mãi mãi
Cuộc đời anh vất vả không yên
Anh biết yêu những con tàu từ đó
Những con tàu đưa anh tới nơi em

Chỗ thắt nút trăm ngả đường. Ngọn gió
Ánh lửa đèn phao. Một bến cảng mơ hồ
Anh thân thiết mảnh đất này vĩnh viễn
Đất có hồn khi em bước chân vô!

Cho đến cả phút đau thương lầm lỗi
Lúc khói sương mờ mịt phủ quanh mình
Anh duy nhất còn biết thương anh nổi
Chỉ vì em còn duy nhất yêu anh!

Ạ ời! Con ngủ cho ngon,
Trong mơ toả ánh trăng tròn êm ru!
Ạ ời! Đôi mắt bé thơ
Chờn vờn cái ngủ…sao chưa thấy về,
Còn chờ mẹ hát cho nghe
Hay chờ mẹ kể chuyện gì ngày xưa?
Ạ ời ru… ạ ời ru!

Sông Têrếch đá nhô cao thấp,
Sóng đục ngầu, sóng dập ngày đêm,
Kìa quân địch tới bờ bên,
Mài dao cho sắc ở trên đá này!
Nhưng cha con, dạn dày chiến trận,
Đã một đời lận đận binh đao
Ạ ời! Con chớ lo âu,
Ngủ đi, khôn lớn ngày sau diệt thù!
Ạ ời ru… ạ ời ru!

Phải! Con hãy còn thơ dại lắm,
Nhưng mai sau đời sẵn định rồi:
Thúc chân lên ngựa bồi hồi,
Vai mang vũ khí thành người chiến binh,
Thương con biết mấy ân tình,
Yên cương, mẹ sẽ thêu viền chỉ tơ…
Ạ ời ru… ạ ời ru!

Thân dũng sĩ không thua sức vóc
Mang tâm hồn Cô – dắc cha ông,
Vẫy tay, buổi ấy lên đường,
Tiễn con đi, mẹ khóc thầm trong đêm!
Ạ ời, con ngủ cho yên,
Thiên thần của mẹ dịu hiền đang mơ…
Ạ ời ru… ạ ời ru!

Mẹ biết sẽ héo khô mòn mỏi
Trong nỗi buồn chờ đợi, vắng tanh,
Suốt ngày cầu nguyện một mình,
Bồn chồn ước đoán dữ lành đêm đêm…
Thương con dầu dãi ưu phiền,
Nắng mưa thui thủi tận miền xa khơi!
Ạ ời, hãy ngủ, con ơi,
Khi chưa đến tuổi bời bời âu lo…
Ạ ời ru…ạ ời ru!

Lúc đưa tiễn, mẹ cho con giữ
Một bức hình Đức Chúa thiêng liêng,
Mỗi lần làm dấu cầu kinh
Con đeo lên ngực, chớ xem làm thường!
Mỗi khi cất bước lên đường
Đem thân vào giữa chiến trường hiểm nguy,
Con đường quên mẹ, con nghe,
Ạ ời, lòng mẹ, ai hề biết cho!
Ạ ời ru… ạ ời ru!

Những con chim đổi mùa bay đi
Trên nền trời thu sâu thẳm
Chúng đi tìm xứ ấm
Tận bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ
Hay xứ nào Châu Phi?
Còn tôi. Tôi ở lại!

Tôi đã qua không ít
Những đất nước xa vời
Suốt cả cuộc chiến tranh
Bao đêm nằm nhớ nước
Bao nhiêu lần dằn vặt
Không thoát khỏi điều này
Thuỷ chung cùng Tổ quốc
Như đá vàng không phai!

Dẫu ngụp trong đồng lầy
Dẫu cóng trong tuyết giá
Nếu như Tổ quốc cần
Tôi vượt qua tất cả!
Bao khát khao kỳ vọng
Nối chặt cùng quê hương
Từ những ngày tươi sáng
Tới những ngày tai ương!

Thôi chim cứ bay đi
Những đàn chim đổi mùa
Bay đuổi theo mùa Hạ
Qua rồi không níu nổi
Bay tìm ra xứ nóng
Ẩn nơi nào yên thân!

Còn tôi, tôi thuỷ chung
Cùng đất này gắn bó
Từng búi cây, cọng cỏ
Tất thảy, ruột rà tôi!
Tôi có một mặt trời
Mặt trời không đổi được
Tôi ngủ trên mặt đất
Đất không hề phản tôi!

Tập thơ dịch của các tác giả nhà thơ nước ngoài khác của nhà thơ Bằng Việt rất nhiều. Vì vậy chúng tôi sẽ tổng hợp thành từng phần để độc giả có thể dễ dàng theo dõi nhất.

Tiếp: Bằng Việt và các tập thơ dịch của tác giả nước ngoài P4

Viết một bình luận