Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thĩ gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, nước sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Một nét phong cách thơ Tế Hanh là cảm xúc chân thực và cách diễn đạt cũng rất chân thực bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và rất giàu hình ảnh. Thơ ông là một tiếng nói nhỏ nhẹ, hiền lành, bình dị mà tha thiết nên rất dễ đi vào lòng độc giả một cách tự nhiên và sâu sắc.
Có thể lấy bài thơ “Vườn xưa” trên đây làm một ví dụ tiêu biểu.
Đây là một bài thơ chủ yếu là tám tiếng, có đôi câu bảy và chín tiếng xen cài vào. Khổ thứ nhất được lập lại thành khổ thứ sáu. Trong sáu khổ thơ, tình yêu đôi lứa, tình mẹ con, tình quê hương hòa quyện vào nhau.
Nổi bật hơn cả, bài thơ là một khúc tình ca với nhân vật chính là hai ta: anh và em. Đôi lứa này do ở hai đầu công tác nên luôn phải cách biệt nhau. Họ cùng nuối tiếc nhớ thương ngày tháng đã qua và chung một lời tự hỏi: “Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”
Ý tưởng vừa nói cũng được thể hiện ngay trong khổ thơ mở đầu:
” Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”
Hai câu đầu đặt theo lối đối sách bộc lộ sức mạnh của thời gian. Chính thời gian đã làm cho cây cối ngày mỗi xanh thêm, tốt tươi, sầm uất thêm. Cũng chính thời gian đã làm tóc bà mẹ mỗi ngày mỗi bạc thêm, xơ xác, già nua thêm. Đó là quy luật tự nhiên không sao thay đổi được. Hai câu sau nêu lên hoàn cảnh cách biệt của đôi lứa và bày tỏ một ước mơ, một hy vọng được gặp lại, được “cùng trở lại vườn xưa”.
Cũng chính sức mạnh của thời gian đã làm ước mơ hy vọng nói trên của lứa đôi này trở nên xa xôi khó thực hiện, có bao giờ mà cứ tưởng như chẳng bao giờ. Câu thơ này được lặp lại đến những ba lần cũng chính là tình điệu chủ yếu của bài thơ.
Bởi thế hai khổ thơ tiếp đó chẳng qua là tác giả minh họa cho rõ thêm tình điệu vừa nói bằng các phép so sánh :
” Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim em đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.”
Rất nhiều phép so sánh đã được sử dụng ở đây để không những nhấn mạnh vào sự xa cách của đôi lứa mà còn thể hiện một cách sinh động tài tình trạng thái của tâm hồn, một trạng thái bất an, bứt rứt, băn khoăn của con người trong tình huống muốn gặp lại người thương nhưng thật khó. Cái khó đó chẳng khác nào ngày nắng/ngày mưa, mặt trăng/mặt trời, sao Hôm/sao Mai, sen mùa hạ/cúc mùa thu, tháng mười hồng/tháng năm nhãn, đi về tháng tám/tháng ba qua. Nhà thơ đã so sánh cái khó đó cùng các hiện tượng trong vũ trụ phải chăng muốn ngầm nói đó là quy luật, là định mệnh … Cách so sánh ví von trên đậm chất dân gian đặc biệt là hai câu cuối khổ thơ sau :
“Em theo chim em đi về tháng tám. Anh theo chim cùng với tháng ba qua” khiến độc giả không khỏi nghĩ đến lời tục ngữ: “Tháng tám chim qua/ tháng ba chim về”.
Đoạn tiếp đó thật ra cũng chỉ để làm rõ đoạn trên :
” Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thĩ gọi anh về.
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.”
Phép trùng lặp, phép đối xứng được sử dụng nhiều trong bài thơ này đặc biệt là hai khổ thơ trên đây: một ngày xuân, một ngày hè, em trở lại, anh trở lại, em nhìn lên ngọn cây, anh nhìn giếng, lá như môi, nước như giếng… Hai khổ thơ ghi lại những kỷ niệm cũ của hai người để cho thấy là họ khó có thể gặp nhau. Bởi lẽ tuy cả hai người đều đã có lần trở về vườn xưa nhưng kẻ về trước, người về sau chứ không được cùng về một lúc để được gặp nhau. Những hình ảnh anh hái ổi, lá như môi, em bên giếng giặt, nước như gương soi lẻ bóng hình anh… vừa trẻ trung chân thực vừa hồn nhiên gần gũi biết bao. Thấp thoáng trong bài thơ luôn có hình ảnh bà mẹ. Tuy nhà thơ rất kiệm lời về bà (hai lần “tóc mỗi ngày mỗi bạc” và hai lần nghe mẹ nói) nhưng độc giả vẫn hình dung ra được một cụ bà hiền từ nhân hậu. Bà cũng chính là người làm chứng cho cuộc tình của lứa đôi này, một cuộc tình thủy chung, tuy đẹp mà buồn. Những phút giây họ đã quấn quýt bên nhau chan hòa hạnh phúc lứa đôi và cả những phút giây từng người đã về đây nhớ thương tiếc nuối: nhìn lên ngọn cây gió thổi, nhìn giếng, giếng sâu trong vắt đều có mặt bà. Bà mẹ già như một ngọn lửa nhỏ nhen nhóm ít nhiều cũng làm ấm lại lòng của cô gái, của chàng trai và làm nồng ấm cả bài thơ xinh xắn.
Sau cùng, tác giả lặp lại khổ thơ đầu để kết thúc bài thơ:
” Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?”
Vẫn là một lời tự hỏi đầy khát khao tha thiết của sự bâng khuâng khắc khoải muốn được “cùng trở lại vườn xưa” với người yêu. Vườn xưa, nhan đề bài thơ, phải đâu chỉ là một khu vườn nhỏ đầy “hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim” (Từ ấy, Tố Hữu) mà đây có thể là một khung cảnh, một thời khoảng trăng mật của tuổi thanh niên, một thời êm đềm nồng đượm. Trước quy luật khắc nghiệt của thời gian, tất cả rồi đều sẽ tàn phai kể cả hạnh phúc của người làm chứng cho năm tháng hạnh phúc kia. Ngọn sóng thời gian sẽ cuốn hút tất cả đúng như một thi sĩ nào đó viết:
” Mây của trời rồi gió sẽ mang đi”
Tất cả chỉ còn là hoài niệm. Một lần hoài niệm là một lần được sống lại tuy không trọn vẹn như hương sắc thuở ban đầu. Hoa đã thành hoa khô. Bướm đã là bướm ép nhưng dẫu sao đó vẫn là quà tặng dành cho những ai là người nhân hậu thủy chung.
Trên đây chúng tôi đã dành tặng cho các bạn một bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tế Hanh. Bài thơ với bút pháp tả thực khiến người đọc như đang trải qua những cung bậc cảm xúc của thi sĩ luôn trực trào niềm nhớ thương quê nhà , người yêu và thể hiện khát khao ngày đoàn tụ của đôi lứa. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!