Top 10 Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki hay nhất

Mác -xim Go-rơ-ki (1868-1936) là một nhà văn Nga xuất sắc của thế kỉ XX. “Thời thơ ấu” là tiểu thuyết đầu tiên trong 3 tiểu thuyết tự thuật của ông được sáng tác vào năm 1913-1914 bao gồm 13 chương. Văn bản “Những đứa trẻ” trích ở chương 9 của tác phẩm này. Đoạn trích thành công bởi cách kể chuyện nhẹ nhàng giàu hình ảnh đã kể lại tình bạn thân thiết giữa Aliosa và ba đứa trẻ hàng xóm con ông đại tá sống thiếu tình thương, bất chấp sự cách biệt và cản trở của địa vị xã hội. Mời các bạn đọc tham khảo một số bài văn phân tích đoạn trích đặc sắc đầy tính nhân văn này đã được phongnguyet.info tổng hợp trong bài viết dưới đây.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 1

Chắc hẳn mỗi chúng ta đều có những kỉ niệm về tuổi thơ của mình. Đó có thể là những ngày tháng đầy ắp niềm vui, tiếng cười nhưng cũng có thể đó là một tuổi thơ đong đầy nước mắt. Nhưng cho dù là kỉ niệm vui hay buồn thì mỗi khi nhớ lại, nó gợi cho chúng ta rất nhiều cảm xúc. Và nhà văn Mác-xim Go-rơ-ki đã tái hiện thời thơ ấu của mình trong đoạn trích “Những đứa trẻ”.

Mác-xim Go-rơ-ki (1868 – 1936) có tên thật là A-lếch-xây Pê-scốp. Theo tiếng Nga, bút danh này có nghĩa là “cay đắng”, qua đó bạn đọc thế giới có thể hình dung được những khó khăn, bất hạnh, khổ cực mà ông phải trải qua trong cuộc đời. Đoạn trích “Những đứa trẻ” thuộc chương IX của cuốn tiểu thuyết tự thuật “Thời thơ ấu” được sáng tác năm 1913 – 1914.

Nội dung đoạn trích này kể về việc A-li-ô-sa không thấy ba anh em con của đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp ra sân chơi sau một tuần xảy ra sự kiện thằng em nhỏ nhảy vào gàu rơi xuống giếng. Chúng bị cấm không được chơi với A-li-ô-sa nhưng sau đó “chúng xuất hiện và ồn ào hơn trước”. Dù bị cấm đoán nhưng những đứa trẻ vẫn tiếp tục tình bạn với nhau. Chúng gặp nhau bằng nhiều cách và kể cho nhau nghe những câu chuyện cổ tích của bà hay câu chuyện về những con chim.

Những đứa trẻ ấy đều là những đứa trẻ sống thiếu tình thương từ gia đình. Cậu bé A-li-ô-sa sống với ông bà ngoại do bố cậu đã mất còn mẹ thì đi lấy chồng khác. Bà ngoại cậu hết mực thương yêu, chăm sóc cháu nhưng ông ngoại lại là một người nóng tính, dữ tợn. A-li-ô-sa không nhận được tình thương của bố mẹ và cả ông ngoại của mình. Còn những đứa trẻ con nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp sống với bố và mẹ mới vì mẹ đẻ của chúng đã mất nên đại tá lấy vợ khác.

Ông ấy đã đánh và cấm không cho chúng chơi với A-li-ô-sa. Hành động cấm đoán ấy có lẽ xuất phát từ sự đối ngược nhau về hoàn cảnh sống. Ba đứa trẻ sống trong một gia đình quan chức có kinh tế khá giả, sung túc còn A-li-ô-sa sống trong một gia đình thường dân, kinh tế sa sút.

Tuy có sự cách biệt về địa vị xã hội nhưng chúng đều giống nhau ở hoàn cảnh sống thiếu tình thương của cha mẹ. Chính điều ấy đã khiến những đứa trẻ gắn bó thân thiết với nhau bằng sự hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ. Tình bạn trong trắng giữa chúng được bắt nguồn từ sự mất mát, thiếu thốn đời sống tình cảm từ những người sinh ra chúng.

Tình bạn chân chính sẽ không vì bất cứ lí do gì mà tan vỡ. Dù bị cấm đoán nhưng chúng vẫn tìm mọi cách để duy trì tình bạn. Phải là một tình bạn thắm thiết thì chúng mới vượt qua rào cản, sự ngăn cấm để tiếp tục chơi với nhau như vậy. Chúng trèo lên cái xe trượt tuyết cũ ở dưới mái hiên nhà kho để “ngắm nghía” và trò chuyện cùng nhau. Đó cũng là nơi ba đứa trẻ nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp tâm sự về cuộc sống của mình, về người mẹ đẻ đã mất, về người mẹ mới mà trong các câu chuyện cổ tích thường gọi là dì ghẻ.

Với suy nghĩ của một cậu bé, A-li-ô-sa tin rằng mẹ của ba đứa trẻ kia sẽ trở về, sẽ sống lại nhờ nước phép. Cậu kể cho những đứa trẻ về các câu chuyện cổ tích của bà ngoại khiến chúng lặng yên, chăm chú nghe. Bỗng “một ông già với bộ ria trắng, mình vận chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt như của thầy tu, đầu đội chiếc mũ xù lông” đến và dọa A-li-ô-sa: “Cấm không được đế nhà tao”. Đó là đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp. Ông nắm chặt vai cậu bé A-li-ô-sa khiến cậu “sợ đến phát khóc” nhưng chưa kịp khóc òa lên thì cậu “đã ở ngoài đường rồi”.

Ngỡ tưởng bọn trẻ vì sự dọa nạt của người lớn mà trở nên cách biệt nhưng chúng vẫn chơi với nhau và cảm thấy rất vui thích. A-li-ô-sa đã “khoét một lỗ hổng hình bán nguyệt” ở hàng rào để nói chuyện với lũ trẻ. Chúng “ngồi xổm hoặc quỳ xuống nói chuyện khe khẽ với nhau” và một trong ba đứa trẻ kia phải đứng canh để đề phòng sự xuất hiện của người bố. Câu chuyện của những đứa trẻ xoay quanh cuộc sống buồn tẻ của chúng, chuyện về những con chim đang sống như thế nào và “nhiều chuyện trẻ con khác”.

A-li-ô-sa kể cho chúng nghe những truyện cổ tích của bà, khi nào quên cậu lại chạy về hỏi bà kiến ba đứa trẻ rất thích thú. Chúng “ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con”. Thằng anh lớn thì mỉm cười, thằng bé nhất thì “mím chặt môi và phồng má lên, còn thằng kia thì chống khuỷu tay lên đầu gối, tay kia quàng lên vai em nó ấn em nó cúi xuống” để tránh sự bắt gặp của người bố. Khoảng cách và sự phân hóa giàu nghèo không thể ngăn cách tình bạn keo sơn, sâu sắc của những đứa trẻ. Chúng gắn bó với nhau bằng những gì hồn nhiên, trong sáng nhất. Tình bạn chân thành ấy không có sự hà khắc nào chia rẽ được.

Không chỉ làm nổi bật tình bạn của những đứa trẻ, đoạn trích này còn khắc họa hình ảnh người bà ngoại hiền từ của A-li-ô-sa. Những truyện cổ tích bà kể là nền tảng vững chắc để Go-rơ-ki có được sự nghiệp văn học đồ sộ, trở thành nhà văn nổi tiếng được nhiều thế hệ bạn đọc thế giới biết đến. Tuy không được nhà văn miêu tả chi tiết nhưng chúng ta có thể cảm nhận được bà là một người nhân hậu và rất yêu thương cháu.

Câu nói của thằng lớn nhà đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp nói cũng là lời khẳng định của tác giả: “Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt”. Bà luôn là người yêu thương, gần gũi, chăm sóc các cháu một cách chu đáo nhất. Chính bà cũng là người đưa cháu đến với thế giới cổ tích, những câu chuyện thấm đượm tính nhân văn và tình người cao đẹp. Câu nói của thằng lớn khiến A-li-ô-sa thấy “dường như nó đã sống trên trái đất này một trăm năm chứ không phải mười một năm”.

Đoạn trích này nằm trong cuốn tiểu thuyết tự thuật được kể theo ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” khiến câu chuyện trở nên chân thật và vô cùng hấp dẫn. Những gì xảy ra trong tác phẩm cũng là những gì mà tác giả Go-rơ-ki trải qua vì đặc trưng của thể loại này là nhà văn tự kể chuyện về cuộc đời của mình.

“Những đứa trẻ” có sự kết hợp của các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận và các yếu tố li kì tạo được hứng thú nơi bạn đọc. Sự đan xen giữa những câu chuyện đời thường và những câu chuyện cổ tích về người mẹ, người bà đã tạo nên một không gian truyện đầy chất thơ và thấm đẫm tình người.

Bằng lối kể chuyện giàu hình ảnh, nhà văn đã tái hiện lại sinh động tình bạn thân thiết thời thơ ấu của ông với những đứa trẻ nhà hàng xóm vượt qua những khoảng cách xã hội, sự ngăn cấm của gia đình để gắn bó với nhau. Mác-xim Go-rơ-ki đã mang đến cho bạn đọc những trang văn tuyệt vời. Qua đó, chúng ta có thể hiểu thêm phần nào về cuộc đời, bản thân con người của nhà văn.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 2

Macxim Go-rơ-ki là nhà văn nổi tiếng trong xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa của văn học Nga. Đoạn trích “Những đứa trẻ” được trích trong tiểu thuyết “Thời thơ ấu” của tác giả, đây là một đoạn trích rất xúc động thể hiện tình yêu bà chứa chan của cậu bé Aliosa, đồng thời người đọc đã thấy được thời thơ ấu của tác giả.

Tác giả có tuổi thơ với quá nhiều đắng cay và bất hạnh, cả cha và mẹ đều mất sớm, bỏ lại một mình chú bơ vơ côi cút. Chú sống với ông bà ngoại nhưng ông ngoại luôn đối xử với chú bằng roi vọt tàn nhẫn, hai cậu thì luôn tranh giành nhau gia tài, lão đại tá hàng xóm luôn hách dịch và coi thường tầng lớp dưới. May sao chú còn có bà ngoại, được sống trong tình thương của bà ngoại, và cả người thợ bên hàng xoma, những đứa trẻ đáng yêu của con nhà đại tá. Nhờ có những tình cảm ấy mà tâm hồn tuổi thơ của chú có được những cảm xúc trong sáng và thắm thiết.

Lần đầu tiên những đứa trẻ gặp nhau là khi Aliosa bắt gặp con nhà đại tá từ trên cành cây vắt vẻo, chú say mê và khát khao được chan hòa bạn bè, chú cố ý để cho bọn trẻ chú ý tới nhưng chúng chỉ thì thầm, làm cho chú “ngượng quá bèn tụt xuống đất”. Đó là kỉ niệm ban đầu đầy nước mắt về tình bạn của Aliosa. Cho tới lần chú cùng hai thằng anh con nhà đại tá cứu đứa em út ngã xuống giếng, đó chính là chiến công và thử thách phá vỡ hàng rào ngăn cách tình bạn. “Xuống đây chơi với chúng tớ” là tiếng gọi đầu tiên của những người bạn bè, đầy tình thương và sự tin cậy, là giây phút hạnh phúc nhất.

Rồi từ đó bốn đứa trẻ chơi với nhau vui vầy “ngồi sát bên nhau như những chú gà con”, chúng đã có những giây phút thần tiên bên nhau cho tới khi lão đại tá xuất hiện và đuổi chú ra khỏi nhà, cấm chú không được chơi với con của mình. Nhưng tình bạn ấy đã chẳng có gì ngăn cách được, chúng tiếp tục chơi với nhau mà quan hệ ngày càng thân thiết. Chúng thay phiên nhau canh để nghe Aliosa kể chuyện cổ tích về cuộc sống buồn tủi và những con chim. Tình cảm bạn bè hồn nhiên, trong sáng và tươi đẹp ấy như một dấu ấn không thể phai nhòa trong cuộc đời của tác giả, dù hơn 40 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ như in và vẹn nguyên cảm xúc ban đầu.

Trong tình bạn và tuổi thơ của những đứa trẻ ấy có sự xuất hiện của bà ngoại Aliosa, bà là nguồn hạnh phúc và dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn chúng. Bà là chỗ dựa tinh thần và che chở cho Aliosa khỏi những điều chẳng lành, mỗi lần đang kể mà quên tình tiết trong câu truyện cổ tích là em lại chạy về hỏi bà, đó là điều mà ba đứa trẻ kia đều khao khát và mơ ước. Aliosa rất tự hào kể những điều tốt đẹp về bà ngoại.

Có thể nói, chính tình bạn và tình yêu thương của bà đã giúp Aliosa vượt lên trên nỗi bất hạnh cuộc đời mình. Từ đó ta thấm thía giá trị và ý nghĩa của một tình bạn đẹp, nó thắp sáng niềm tin và đem lại hạnh phúc cho tuổi thơ. Đó chính là ý nghĩa nhân văn của tiểu thuyết nói chung và đoạn trích nói riêng.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 3

Bộ ba tự truyện của Gorki (Thời thơ ấu, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi) là những trang văn có chỗ thấm đầy lệ, có nơi có những tiếng thở dài, cũng có nụ cười tiếng hát, có những dặm đường đầy thử thách của một chú bé, một chàng trai có những tấm lòng tràn đầy nhân hậu mênh mông.

Đọc chương 9 tập “Thời thơ ấu”, dõi theo hành trình của cậu bé Pê-scốp, lòng chúng ta xôn xao rung động trước vẻ đẹp một tâm hồn thơ bé. Tình bạn, tình yêu bà của bé A-li ô-sa Pê-scốp nhiều rung động, chứa chan.

Pê-scốp đã sớm nếm trải nhiều cay đắng, bất hạnh. Lên mười tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều lần lượt qua đời. Ông ngoại dữ đòn. Chỉ có bà ngoại dịu hiền, yêu thương đứa cháu côi cút hết mực. Những chuyện cổ tích bà kể, những bài thánh ca bà hát như hương hoa ngào ngạt ướp vào tâm hồn tuổi thơ A-li-ô-sa. Cháu chỉ còn biết tìm đến thế giới loài chim, cháu bẫy chim, nuôi chim để nghe chim hót. Khao khát tình thương và tình bạn.

Nhà nghèo, ít được đến trường nên A-li-ô-sa ngồi vắt vẻo trên cành cây nhìn sang một cái sân rộng, có lúc phải nhìn qua khe hở hàng rào nhìn ba anh em nhà láng giềng chơi. Khuôn mặt tròn, mắt xám với màu áo xanh cùng những trò chơi lạ của ba anh em đã làm chú ta rất thích. Chúng chơi rất thú vị, vui vẻ và không bao giờ cãi nhau. A-li-ô-sa thích cách ăn vận, thích thái độ săn sóc của chúng đối với nhau …

Mỗi khi đứa em nhỏ. một thằng bé “ngộ nghĩnh và lanh lợi” bị ngã thì hai thằng anh lại cười vui, rồi xúm vào đỡ em dậy, hoặc lấy khăn tay, lấy lá cây ngưu bàng lau các ngón tay và quần cho em. Tiếng nói của đứa anh thứ hai, nói một cách hiền hậu “Em lóng ngóng quá” làm cho Aliôsa chú ý. Cả 3 anh em đều khỏe mạnh, rất nhanh nhẹn, chan hòa yêu thương, không bao giờ cãi nhau hoặc gian lận cả! Aliôsa đã ngắm nhìn say mê, tưởng như chú đang cùng chơi vui vẻ với chúng.

Chú phải leo lên cành cây, lúc thì “huýt sáo gọi chúng”, lúc thì “hét lên hoặc cười thật to để 3 anh em nhà nọ nhìn thấy …, chúng thì thầm bàn bạc gì với nhau, chúng nói khẽ với nhau điều gì, … nên đã làm cho Aliôsa “ngượng quá bèn tụt xuống đất”. Có một cái gì ngăn cách hai thế giới tâm hồn tuổi thơ, hay là hàng rào, hay là …, điều đó làm cho Aliôsa cảm thấy tủi và “cô đơn” nhiều lắm!

Go-rơ-ki đã kể lại một cách tỉ mỉ kỉ niệm xa xưa ấy, đã làm cho mỗi chúng ta cảm động nhớ lại những chuyện vui buồn thời bé thơ, nhớ lại những kỉ niệm ấm áp về tình bạn dưới mái trường Tiểu học ngày nào… Một cơ hội đã đến để 3 anh em nhà kia mời Aliôsa cùng sang chơi. Một lần chơi trò ú tim, đứa em út non nớt ngây thơ và khờ dại đã ngồi vào gầu và rơi xuống giếng.

Aliôsa chợt nhìn thấy, nhảy phắt xuống sân và kêu to: “Ngã xuống giếng rồi!”. Chú đã đến kịp thời để cùng hai đứa anh kéo thằng em út lên, thoát hiểm. Thằng bé ướt sũng, bàn tay rớm máu, “mặt tái xanh nhưng vẫn mỉm cười”. Chúng bàn nhau cách nói dối “em ngã vào vũng nước”.

Trước lúc đưa em vào nhà, thằng anh lớn đã “gật đầu” và “chìa tay” cho Aliôsa và nói: “Cậu chạy đến nhanh lắm!”. Sự việc diễn ra quá nhanh, đến nỗi Aliôsa lúc nhìn lại cành cây mà từ đó, chú nhảy xuống cứu bạn “vẫn còn rung rung và một chiếc lá vàng rụng xuống”. Có thể nói, sự nhanh nhẹn và tấm lòng của Aliôsa trong việc ứng cứu đứa bé là một “chiến công”, một thử thách cho tình bạn của chú với anh em nhà nọ một tuần sau đó.

Hàng rào ngăn cách vô hình đã bị lũ trẻ phá tung. Và chỉ mấy ngày sau, ba anh em lại kéo nhau ra sân chơi, thằng anh lớn nhìn thấy Aliôsa trên cây đã thân mật gọi: “Xuống đây chơi với chúng tớ”. Đó là tiếng gọi của bạn bè. Là niềm thương yêu tin cậy. Là phần thưởng, là giây phút hạnh phúc nhất đối với Aliôsa mà chú mong đợi bấy nay.

Vốn tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, bốn đứa bé như bốn con chim non ríu rít chơi với nhau. Aliôsa hỏi chúng nó có bị đánh không. Chúng trao đổi với nhau về chuyện bắt chim nuôi chim, về chim Bạch yến… Chúng nói với nhau về mẹ và dì ghé. Cả bốn đứa bé đều cùng cảnh ngộ “mồ côi mẹ”, sự đồng cảm về cảnh ngộ đã gắn bó tâm hồn tuổi thơ.

Aliôsa kể cho chúng nghe “Chuyện mụ dì ghẻ phù thủy” … Bốn đứa bé “ngồi sát vào nhau như những chú gà con”. Đây là những khoảnh khắc thần tiên của chúng. Thằng bé nhất thì “mím chặt môi và phồng má lên”. Một đứa thì “chống khuỷu tay lên đầu gối… ” và quàng lên vai em nó. Chúng im lặng lắng nghe cổ tích.

Ở đời, xưa và nay, tình bạn luôn luôn được thử thách qua cảnh giàu nghèo, sang hèn, lúc thành đạt, v.v … Ở người lớn và trẻ em có tình bạn thủy chung, có thứ tình bạn “nắng sớm, chiều mưa”, v.v … Bốn đứa trẻ này đang chơi thân với nhau, bỗng người lớn đã xông vào “phá đám”. Lão đại tá già xuất hiện với bộ ria trắng, đầu đội chiếc mù xù lông đã thô bạo “nắm lấy vai” và đuổi Aliôsa ra khỏi cổng với lời đe dọa: “Cấm không được đến chỗ tao!”.

Rồi trận đòn của ông ngoại. Sự đặt điều mách lẻo, sự để ý “theo dõi” của bác Piốt. Ông ngoại đã nghiêm cấm cháu không được chơi với mấy đứa con lão đại tá, v.v … nhưng tuổi thơ và tình bạn trong sáng của tuổi thơ, ai có thể ngăn cấm và li gián được? Vì thế Aliôsa vẫn tiếp tục chơi với 3 đứa bé kia và quan hệ giữa chúng nó “càng ngày càng trở nên thích thú”. Chẳng có “ải quan”, “bức tường thành” nào ngăn cách được bốn đứa trẻ!

Mọi định kiến giai cấp, mọi sự ngăn cấm và đòn roi đối với chúng nó chẳng có nghĩa lý gì. Giữa bức tường và hàng rào nhà ông đại tá, có một cây du, một cây bồ đề và một bụi hương mộc rậm rạp, “một lỗ hổng hình bán nguyệt” đã được bí mật khoét ra. Chính tại đây ba đứa con trai đại tá, một đứa đứng canh, hai đứa “ngồi xổm hoặc quỳ nói chuyện khe khẽ với nhau”.

Chúng nói về cuộc sống buồn, về những con chim, nhiều chuyện trẻ con khác, … Chúng nghe Aliôsa kể chuyện cổ tích. Có một chi tiết rất thú vị là mỗi lần kể chuyện, nửa chừng quên mất chỗ nào, Aỉiôsa lại chạy về hỏi bà … Chúng vẫn chơi vui, vẫn tâm tình, vẫn chan hòa trong niềm thơ ấu cổ tích. Một tình bạn trong sáng, hồn nhiên.

Ba anh em con nhà đại tá mồ côi mẹ, chịu cảnh dì ghẻ, chúng lại không còn bà. Còn Aliôsa, tuy thỉnh thoảng vẫn bị ông ngoại đánh đòn, nhưng em còn có bà ngoại. Bà là dòng sữa cổ tích ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn em. Bà là chỗ dựa tinh thần bảo vệ che chở cháu khi bị người lớn đặt điều. Ta hãy nghe bà trả lời dứt khoát bác Piốt:

“Ôi chà, bác Piốt, tự bác đặt điều ra thì có, nó không chửi bác như vậy đâu!. Mỗi lần Aliôsa quên một tình tiết nào đó trong cổ tích, chạy về hỏi bà, em đã làm cho bà “rất hài lòng”. Chú đã tự hào kể bao nhiêu chuyện tốt đẹp vé bà ngoại mình, đã làm cho 3 anh em nhà đại tá xúc động. Cả 3 anh em đều buồn và thằng anh lớn đã thở dài nói: “Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà mình trước đây cũng rất tốt”.

Đó là một câu nói giản dị của một em bé đã trải qua nhiều bất hạnh. Những bạn nhỏ nào đó đã từng được nghe bà ru, bà kể chuyện cổ tích, từng được bà ôm ấp gãi lưng cho ? Những bạn nhỏ nào đó trong cơn mơ từng thấy bà hiền hậu đang cầm “quả thị Tấm Cám” trên tay ? Và những ai đó khi cất tiếng chào đời chưa một lần nào được nhìn thấy mái tóc bà, nụ cười hiền hậu của bà sẽ xúc động biết bao khi nghe một đứa bé “thở dài” nói trong ngao ngán “bà mình trước cũng rất tốt”.

Có thể nói tình bạn và tình yêu thương bà là những tình cảm đậm đà, trong sáng, thiêng liêng của tuổi thơ. Đọc những dòng tự thuật trên đây, ta thấy chất thơ dào dạt trên trang văn của Go-rơ-ki – Ta biết yêu bà, yêu bạn. Ta lớn lên và được sống tin cậy trong tình yêu thương mênh mông. Thiếu tình thương, tuổi thơ buồn lắm vì phải trải qua những tháng ngày u ám cô đơn,

Từ khi có bạn, được chơi trong tình bạn, những em bé mồ côi như có ánh nắng đem lại sự ấm áp cho tâm hồn. Go-rơ-ki đã nói rất cảm động điều đó. Tính chân thực, hồn nhiên và truyền cảm tạo nên vẻ đẹp văn chương đích thực của “Thời thơ ấu”.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 4

Mác-xim Go-rơ-ki (1868 – 1936) là nhà văn hiện thực xuất sắc của nước Nga cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Tên thật của ông là A-lếch-xây Pê-scôp, gọi thân mật là A-li-ô-sa. Ông sinh trưởng ở thành phố Ni-giơ- ni Nô-vơ-gô-rôt (sau có thời đổi tên là thành phố Go-rơ-ki), trong một gia đình lao động nghèo, bố làm nghề thợ mộc. Chú bé A-li-ô-sa trải qua tuổi ấu thơ nhiều cay đắng, tủi nhục, phải tự lực kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau khi mới mười một tuổi.

Nhà văn sáng tác rất nhiều, gồm các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch… Các tác phẩm chính: tiểu thuyết Người mẹ (1906-1907), bộ ba tiểu thuyết tự thuật Thời thơ ấu (1913-1914), Kiếm sống (1915-1916), Những trường đại học của tôi (1923)…

Thời thơ ấu là cuốn đầu tiên trong bộ ba tiểu thuyết tự thuật. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất (tôi). Tác giả tự kể chuyện đời mình. Mở đầu tác phẩm là chuyện bố mất, khi A-li-ô-sa mới ba tuổi. Chú bé về ở với ông bà ngoại vì mẹ đi lấy chồng khác. A-li-ô-sa sống những năm tháng tuổi thơ héo hắt, sớm phải chứng kiến trong gia đình những cảnh đời nhức nhối. Ông ngoại Va-xi-li Ca-si-rin là người khó tính, tàn nhẫn, hay đe dọa và đối xử với cháu bằng roi vọt. Hai người cậu thì luôn chửi bới và đánh nhau vì tranh chấp gia tài.

Lão đại tá góa vợ Ốp-xi-an-ni-cop hàng xóm thì hách dịch, coi khinh những người thuộc tầng lớp dưới… Nhưng A-li-ô-sa cũng gặp những người tốt bụng. Chú được sống trong sự che chở và tình thương yêu của bà ngoại A-cu-li-na I-va-nôp-na. Bà thường kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, khơi dậy trong tâm hồn trẻ thơ những tình cảm tốt đẹp. Bác thợ Xư-ga-nôc có lần đỡ đòn cho A-li-ô-sa nên cả cánh tay bị bầm tím. Những đứa trẻ vừa tội nghiệp vừa đáng yêu con của đại tá Ôp-xi-an-ni-côp rất mến A-li-ô-sa… Tác phẩm kết thúc bằng sự kiện mẹ cậu bé qua đời, lúc cậu mới lên mười.

Bài văn này trích ở chương IX của tác phẩm Thời thơ ấu. Nhà văn thuật lại tình bạn thân thiết nảy sinh giữa cậu bé A-li-ô-sa với mấy đứa trẻ hàng xóm mồ côi mẹ, sống thiếu tình thương, bất chấp những cản trở trong quan hệ giai cấp và tầng lớp xã hội lúc bấy giờ.

Ông bà ngoại của A-li-ô-sa là hàng xóm với đại tá Ôp-xi-an-ni-cốp. Hai nhà thuộc hai thành phần xã hội khác nhau. Một bên là dân thường, một bên là quan chức giàu sang. Vì thế, viên đại tá không cho mấy đứa con của mình chơi với A-li-ô-sa. Do A-li-ô-sa góp sức cứu đứa con nhỏ của ông ta bị rơi xuống giếng nên ba đứa trẻ yêu thích A-li-ô-sa và rủ cậu sang vườn chơi.

A-li-ô-sa đã mất bố, mẹ lại đi lấy chồng khác. Cậu thường bị ông ngoại đánh đòn. Chỉ có bà ngoại là người hiền hậu, hết lòng yêu thương, che chở cho cậu. Qua trò chuyện, A-li-ô-sa biết mấy đứa bạn mới quen kia tuy sống trong cảnh giàu sang nhưng cũng chẳng sung sướng gì. Mẹ chết, chúng phải sống với dì ghẻ và cũng thường xuyên bị cấm đoán, bị đánh đòn…

Do hoàn cảnh giống nhau là đều thiếu tình thương nên A-li-ô-sa nhanh chóng kết thân với mấy đứa trẻ kia. Tình bạn trong sáng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng A-li-ô-sa, khiến mấy chục năm sau, khi đã trở thành nhà văn M.Gor-ki, ông vẫn còn nhớ như in và kể lại hết sức xúc động.

Trước khi làm quen, mỗi lần nhìn sang hàng xóm, A-li-ô-sa chỉ thấy: Ba đứa cùng mặc áo cánh và quần dài màu xám, cùng đội mũ như nhau. Chúng có khuôn mặt tròn, mắt xám và giống nhau đến nỗi tôi chỉ có thể phân biệt được chúng theo tầm vóc. Tuy bị ngăn cấm vì không cùng đẳng cấp nhưng bọn trẻ vẫn lén gặp nhau để chuyện trò tâm sự. Chúng giống nhau ở chỗ đứa nào cũng bị đối xử hà khắc và không có niềm vui tuổi thơ.

Khi mấy đứa trẻ kể cho A-li-ô-sa biết mẹ chúng đã chết, chúng phải sống với dì ghẻ, cậu bé thấy cả ba đứa có vẻ nghĩ ngợi, gương mặt sầm lại… Chúng ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con. Sự so sánh chính xác khiến ta liên tưởng đến cảnh lũ gà con sợ hãi co cụm vào nhau khi nhìn thấy bóng diều hâu.

Mấy đứa trẻ hàng xóm vừa nhắc đến chuyện dì ghẻ mà chúng gọi là mẹ khác, A-li-ô-sa liên tưởng ngay đến nhân vật mụ dì ghẻ độc ác trong các chuyện cổ tích. Cậu chỉ biết an ủi các bạn: Mẹ thật của các cậu thế nào cũng sẽ về, rồi các cậu xem! Thằng lớn có vẻ nghi ngờ: Chết rồi cơ mà, về làm sao được… A-li-ô-sa như chìm trong thế giới cổ tích.

Cậu nói với các bạn như nói với chính mình: Không được ư? Trời ơi, biết bao nhiêu lần những người chết, thậm chí đã bị xả ra từng mảnh, mà chỉ cần vẩy cho ít nước phép là sống lại; có biết bao nhiêu người chết mà không phải là chết thật, vì phép của bọn phù thủy.

Khi đại tá Ôp-xi-an-ni-cốp bất chợt xuất hiện và vặn hỏi mấy đứa con rằng: Đứa nào gọi nó sang? A-li-ô-sa thấy cả mấy đứa trẻ lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà. Cảnh ấy khiến cậu bé nghĩ đến những con ngỗng ngoan ngoãn hình ảnh so sánh vừa miêu tả chính xác dáng dấp bên ngoài tội nghiệp của ba đứa trẻ và phần nào thể hiện thế giới nội tâm của chúng. Chúng bị cha áp chế, sợ hãi lẳng lặng theo nhau vào nhà, chẳng dám hé răng. A-li-ô-sa thông cảm với cuộc sống hoàn toàn thiếu tình thương của các bạn nhỏ.

Chú bé cảm thấy mình may mắn hơn chúng vì còn có người bà nhân hậu. Bà thường kể chuyện cổ tích cho chú nghe và chú kể lại cho các bạn, chỗ nào quên thì chạy về hỏi bà. Khi đứa con lớn của viên đại tá trầm ngâm bảo: Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà tớ ngày trước cũng rất tốt… thì A-li-ô-sa nhận xét: Nó thường nói một cách buồn bã: ngày trước, trước kia, đã có thời… dường như nó đã sống trên trái đất này mội trăm năm, chứ không phải mười một năm.

Không chỉ lời nói mà còn hình dáng, ánh mắt của mấy người bạn nhỏ đọng lại trong trái tim, khiến cho nhà văn sau bao nhiêu năm cũng chẳng thể nào quên: “Tôi còn nhớ nó có đôi bàn tay nhỏ nhắn, những ngón tay thon thon và người mảnh dẻ, yếu ớt, cặp mắt rất sáng, nhưng dịu dàng như ánh sáng của những ngọn đến trong nhà thờ. Hai em nó cũng rất dễ thương, tôi tin yêu lắm, tôi luôn muốn làm cho chúng vui thích, nhưng tôi ưa thằng lớn hơn cả…”.

Qua đoạn trích, chúng ta thấy A-li-ô-sa tuy còn nhỏ nhưng đã biết thương người, biết an ủi, san sẻ nỗi bất hạnh của các bạn gần như cùng cảnh ngộ. Rõ ràng, sự phân biệt giai cấp, giàu nghèo trong xã hội không thể nào ngăn cản được tình bạn trong sáng của tuổi thơ. Tình bạn ấy là của cải tinh thần vô giá trong cuộc sống tinh thần của mỗi con người.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 5

Mác- xim Go- rơ- ki là một nhà văn Nga xuất sắc, người có công đầu tạo lập nền văn học Xô- viết, và là một nhà văn lớn của nhân loại thế kỉ XX. Cuộc đời của ông trải qua nhiều khó khăn ngay từ những ngày còn bé. Một trong ba cuốn hồi kí nổi tiếng về cuộc đời của ông đó là “Những ngày thơ ấu” viết trong những năm 1913- 1914.

Đoạn trích “Những đứa trẻ” được trích trong tập hồi kí đã để lại cho người đọc nhiều ấn tượng.Những chuyện được kể trong “Những đứa trẻ” là những chuyện có thật xảy ra vào lúc A- li- ô- sa (tên thân mật hồi nhỏ của tác giả) được chín, mười tuổi. Mặc dù sau đó nhiều năm ông mới viết tác phẩm nhưng người đọc vẫn thấy rung động sâu sắc trước những đứa trẻ ngây thơ thiếu thốn tình thương nhờ tài kể chuyện của một tâm hồn đa cảm như ông.

Những nhân vật chính trong đoạn trích đó là cậu bé A- li- ô- sa mồ côi cha lại không có mẹ, thường bị ông ngoại đánh đòn. Ba cậu con trai lão đại úy sống trong cảnh giàu sang nhưng sớm mồ côi mẹ và phải sống dưới sự khắt khe của bố và dì ghẻ. Tuy thuộc những tầng lớp khác nhau nhưng hoàn cảnh thiếu tình thương giống nhau nên chúng dễ thân thiết, đồng cảm, tuy bị ông đại úy cấm đoán nhưng tình bạn của chúng vẫn cứ tiếp diễn.

Và tình cảm ấy đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng M. Go- rơ- ki sau này để cho đến ngày trưởng thành, những chuyện mà ông đã cùng trải qua với những đứa trẻ hàng xóm vẫn còn in đậm.Người ta thường nói tâm hồn trẻ thơ như tờ giấy trắng, cuộc đời hay nói cách khác là những người lớn vẽ vào tờ giấy trắng đó như thế nào nó sẽ hiện lên đúng như thế. Mỗi đứa trẻ lớn lên đâu chỉ cần đủ cơm no áo mặc mà còn cần một thứ vô cùng quan trọng đó là tình yêu thương nhưng những đứa trẻ trong hồi kí của M. Go- rơ- ki lại thiếu đi thứ quan trọng nhất ấy.

Chúng chỉ biết bù lấp khoảng trống tâm hồn bằng cách được tìm đến nhau để sẻ chia. Chúng đều là những đứa trẻ vô cùng ngây thơ hồn nhiên và đáng yêu. Sự đáng yêu, ngây thơ mà cũng rất lương thiện của chúng thể hiện trong cuộc đối thoại về những chú chim. Khi mấy đứa trẻ kể cho A-li-ô-sa biết mẹ chúng đã chết, chúng phải sống với dì ghẻ, cậu bé thấy “cả ba đứa có vẻ nghĩ ngợi, gương mặt sầm lại”… “Chúng ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con”.

Sự so sánh chính xác khiến ta liên tưởng đến cảnh lũ gà con sợ hãi co cụm vào nhau khi nhìn thấy bóng diều hâu. Mấy đứa trẻ hàng xóm vừa nhắc đến chuyện dì ghẻ mà chúng gọi là mẹ khác, A-li-ô-sa liên tưởng ngay đến nhân vật mụ dì ghẻ độc ác trong các chuyện cổ tích. Cậu chỉ biết an ủi các bạn: Mẹ thật của các cậu thế nào cũng sẽ về, rồi các cậu xem! Thằng lớn có vẻ nghi ngờ: “Chết rồi cơ mà, về làm sao được…” A-li-ô-sa như chìm trong thế giới cổ tích.

Cậu nói với các bạn như nói với chính mình: “Không được ư? Trời ơi, biết bao nhiêu lần những người chết, thậm chí đã bị xả ra từng mảnh, mà chỉ cần vẩy cho ít nước phép là sống lại; có biết bao nhiêu người chết mà không phải là chết thật, vì phép của bọn phù thủy”. Và Cậu cảm thấy mình còn hạnh phúc hơn những đứa trẻ này vì dù hay bị ông đánh nhưng cậu còn có bà yêu thương, kể chuyện cổ tích cho cậu nghe.

Thật buồn vì những đứa trẻ ngây thơ ấy là những đứa trẻ thiếu tình thương, bị ngăn cấm bởi sự khác biệt về giai cấp. Khi đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp bất chợt xuất hiện và vặn hỏi mấy đứa con rằng: Đứa nào gọi nó sang? A-li-ô-sa thấy cả mấy đứa trẻ lặng lẽ bước ra khỏi chiếc xe và đi vào nhà. Cảnh ấy khiến cậu bé nghĩ đến những con ngỗng ngoan ngoãn hình ảnh so sánh vừa miêu tả chính xác dáng dấp bên ngoài tội nghiệp của ba đứa trẻ và phần nào thế hiện thế giới nội tâm của chúng.

Chúng bị cha áp chế, sợ hãi lẳng lặng theo nhau vào nhà, chẳng dám hé răng lấy một lời. A-li-ô-sa thông cảm với cuộc sống hoàn toàn thiếu tình thương của các bạn mình. Nhưng sự hung dữ và ngăn cấm của ngài đại tá không có nghĩa lí gì trong tình bạn của chúng khi chúng đã yêu quý nhau, vậy là chúng vẫn tiếp tục chơi với nhau. A- li- ô- sa hay kể cho các bạn nghe những câu chuyện cổ tích bà kể, dù chúng phải trong bụi cây để che giấu, tình bạn của chúng vẫn cứ đẹp đẽ và kéo dài, để lại một vùng kí ức không bao giờ quên trong tâm trí của M. Go- rơ- ki.

Phải chăng, tình cảm trong sáng hiền hậu của bọn trẻ đã phá tan rào cản giai cấp lạnh lùng, nối liền đường ranh những định kiến, chiến thắng mọi sự ngăn cấm của bất cứ một ai.“Những đứa trẻ” là trích đoạn hay nói về tình bạn ấm áp của M Go- rơ- ki với những người bạn thời ấu thơ của mình. Đó là một tình bạn trong sáng, cảm động, chúng chơi với nhau vô tư, hồn nhiên, tránh xa được sự ảnh hưởng của những suy nghĩ phức tạp của người lớn.

Chính sự trong sáng và tình yêu thương của bọn trẻ đã làm cho tuổi thơ của chúng được hưởng một phần đúng nghĩa của từ “hạnh phúc” dù là sống trong hoàn cảnh không mấy hạnh phúc. Đó là những đứa trẻ mà ta sẽ nhớ mãi…

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 6

Tình bạn trong sáng hay tình bà cháu sâu nặng là nguồn sức mạnh nâng đỡ tâm hồn tuổi thơ. Nhà văn Mac-xim Go-ro-ki cũng ngợi ca những tình cảm đẹp đẽ ấy trong chương IX “Những đứa trẻ” trích trong tiểu thuyết “Thời thơ ấu”.

Tình bạn tuyệt đẹp giữa A-li-o-sa và ba đứa con của đại tá Op-xi-an-ni-cop đó không chỉ là tình cảm ngẫu nhiên mà đó là điều tất yếu. Đó là một trái tim nhân hậu của A-li-o-sa một lần tình cờ cùng hai đứa lớn kéo dây gàu lên và cứu sống thằng em nhỏ do chơi nghịch nhảy vào gàu rơi xuống giếng, tình bạn được nảy mầm một cách tự nhiên như thế. Nhưng tình cảm bền chặt đó càng lớn dần lên khiến tác giả chưa một lần quên khi tự thuật về tuổi thơ của mình.

Bốn đứa trẻ chơi với nhau, ở gần nhau chúng thấy bạn của mình cũng trải qua nhiều bất hạnh. Tâm hồn trẻ thơ tìm đến nhau cũng chính là tìm kiếm sự đồng cảm, sẻ chia. Chúng bên nhau như keo sơn, ruột thịt, vắng bóng những người bạn, cậu bé A-li-o-sa mong đợi da diết và đếm thời gian một cách chán nản: “Có đến một tuần không thấy ba anh em nhà ấy ra sân chơi”. Tiếng gọi thân mật của thằng anh lớn xóa bỏ rào cản của giai cấp để chúng trở nên gần nhau hơn: “Xuống đây chơi với chúng tớ!”.

Tình bạn trẻ thơ chân thành có khi được thể hiện một cách giản dị như thế. Chúng tâm sự, trò chuyện với nhau về hoàn cảnh gia đình mình. Đồng cảnh ngộ mồ côi mẹ, lại hay bị người lớn đánh đập, những đứa cảm thấy cần nhau hơn. A-li-o-sa cảm thông khi thấy những đứa bạn lắng nghe chuyện cổ tích “chúng ngồi sát vào nhau, giống như những chú gà con” . Nếu cậu bé A-li-o-sa ngây thơ tin vào thế giới cổ tích nhiệm màu rằng người chết sẽ sống lại thì thằng anh lớn nhận rõ hiện thực không xảy điều đó. “Đấy là những chuyện cổ tích…”. Cậu bé có lẽ cũng cảm nhận được nỗi buồn, cay đắng không gì khỏa lấp được khi vắng bóng mẹ.

Sự im lặng, “thằng nhỏ nhất mím chặt môi và phồng má lên, còn thằng kia chống khuỷu tay lên đầu gối…ấn em nó cúi xuống”. Không khí trầm buồn chưa bị cắt ngang bởi một ông già- ông đại tá già, một thử thách đặt ra cho tình bạn khi người cha già dữ dằn cấm đoán khiến mấy đứa trẻ vừa sợ hãi, buồn “lặng lẽ bước ra khỏi xe và đi vào nhà” như “những con ngỗng ngoan ngoãn”. Hình ảnh so sánh chính xác khắc họa hình tượng đáng thương của những đứa trẻ đã quen bị chèn ép, roi vọt.

Còn với A-li-o-sa, “ông ta nắm chặt lấy vai, giơ ngón tay dọa”, làm cậu sợ phát khóc. Sức mạnh mãnh liệt của tình bạn không gì chia cắt nổi, dù đó là những trận đòn của ông đại tá hay ông ngoại. “Tôi vẫn tiếp tục chơi với mấy đứa trẻ ấy và cảm thấy rất vui thích”. Chúng còn tạo ra một lỗ hổng hình bán nguyệt ở hàng rào và cẩn thận “đứng canh đề phòng ông đại tá bất chợt gặp chúng tôi”.

Những cuộc gặp gỡ chuyện trò vẫn tiếp diễn như trước và chẳng bao giờ chúng nói về bố và dì ghẻ. Chi tiết ngộ nghĩnh trong trích đoạn, khi A-li-o-sa kể lại những chuyện bà đã kể, “quên chỗ nào,… chạy về nhà hỏi lại bà”. Tình cảm đó thật vô tư, trong sáng.

Bên cạnh tình bạn bền chặt, tuổi thơ của nhà văn còn hạnh phúc khi được sống trong tình thương của người bà hiền hậu. Những câu chuyện cổ tích bà kể nuôi dưỡng tâm hồn thơ ngây của A-li-o-sa giúp cậu không mất niềm tin vào cuộc đời. Cậu may mắn hơn những người bạn của mình bởi chúng chẳng được ai trong gia đình chở che, đùm bọc. Tiếng thở dài của thằng lớn khi nghe A-li-o-sa kể về bà mình, khiến ta không khỏi nghĩ ngợi: “Có lẽ tất cả các bà đều rất tốt, bà tớ ngày trước cũng rất tốt…”. Lời nói vẫn bình dị, kết thúc bằng dấu chấm lửng, gợi những nỗi buồn xa xăm thẳm sâu trong cặp mắt cậu.

Qua đoạn trích “Những đứa trẻ” nhà văn người Nga giúp ta nhận thấy vẻ đẹp của tình bạn tuổi thơ đẹp đẽ và tình bà cháu nồng đượm. Đó chính là nguồn động lực sưởi ấm tâm hồn và thời ấu thơ bất hạnh.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 7

Đoạn trích “Những đứa trẻ” trích trong tác phẩm “Thời thơ ấu” được Mác-xim Go-rơ- ki viết vào những năm 1913 – 1914, cũng là những năm tháng sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Nga trở nên gay gắt. Tác phẩm mang tính chất tự thuật về chính cuộc đời của tác giả và những người hàng xóm, người thân trong gia đình ông.

Đoạn trích là bức tranh sinh động về cuộc đời và số phận của những đứa trẻ và tình bạn trong sáng của chúng, Những nhân vật trong tác phẩm không được tác giả đặt tên, nó giúp cho bài văn mang tính chất khái quát hơn và đồng thời cũng làm cho câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích. Số phận của những đứa trẻ gợi lên trong người đọc lòng thương cảm trước hoàn cảnh khó khăn của chúng.

Sống trong một xã hội phân biệt đẳng cấp giàu – nghèo rõ ràng, nhân vật tôi và ba đứa trẻ không có điều kiện để phát triển một tình bạn. Nhân vật tôi cũng như ba đứa trẻ nhà ông đại tá có chung một hoàn cảnh đó là không được nhận tình yêu thương từ cha mẹ. Khác với những đứa trẻ bình thường, nhân vạt tôi phải sống chung với ông bà ngoại vì bố mất sớm, mẹ đi lấy chồng khác.

Đã thế ông ngoại còn là một người khó tính nên nhân vật tôi thương bị đe dọa và bị đánh đòn một cách oan uổng. Còn ba đứa trẻ nhà ông đại tá thì mồ côi mẹ từ nhỏ, bố lấy vợ khác, chúng phải sống với bố và dì ghẻ – là những người mà chẳng bao giờ thấy chúng kể cho nhân vật tôi nghe. Chỉ biết rằng, bố của chúng là một người khó tính, hách dịch, luôn luôn cấm đoán chúng mọi thứ, nhất là chơi với nhân vật tôi và còn luôn đánh đòn chúng nữa.

Chúng đều là những đứa trẻ đáng thương, không được nhận tình yêu thương từ cha mẹ và cũng không được yêu thương, chăm sóc chu đáo. Chúng có chung một nỗi bất hạnh là luôn luôn bị cấm đoán và bị đánh đòn. Trong hoàn cảnh đó, chúng cần một người mẹ, một người mẹ luôn luôn quan tâm, chăm sóc và dành cho chúng tình yêu thương. Và tình bạn đã thay thế cho tình mẫu tử, nó đã bù đắp phần nào cho nỗi bất hạnh của những đứa trẻ.

Phải sống trong một xã hội như thế, một gia đình như thế nhưng chúng vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn, trong sáng và nhân hậu. Không chỉ cùng hoàn cảnh mà chúng còn có những sở thích giống nhau, đó là thích nghe kể chuyện cổ tích. Dù biết những câu chuyện đó chẳng hề có thật nhưng chúng vẫn say sưa nghe kể. Chúng thường kể cho nhau nghe qua một ngách hẹp giữa bức tường nhà nhân vật tôi và hàng rào nhà Ốp-xi-an-ni-cốp.

Và chúng còn thích chim, thích nghe tiếng chim hót nhưng lai sợ không được phép nuôi nên chúng cũng chẳng dám bắt nữa. Sống trong một xã hội phân chia đẳng cấp giàu – nghèo rõ ràng, tuy là hàng xóm nhưng gia đình nhân vật tôi và gia đình ba đứa trẻ không hề thân thiện. Người lớn cũng cấm những đứa trẻ không được nói chuyện và chơi với nhau. Nhưng bất chấp mọi cản trở trong quan hệ xã hội lúc bấy giờ, tình bạn thân thiết giữa những người bạn cùng cảnh ngộ đã nảy sinh và phát triển.

Tình bạn mang lại cho chúng lòng dũng cảm và tâm hồn cao thượng. Nhân vật tôi dành cho ba đứa trẻ sự thông cảm với cuộc sống thiếu thốn tình thương và nỗi bất hạnh của chúng. Còn ba đứa trẻ mang lại cho nhân vật tôi một tình bạn ấm áp, chia sẻ những sở thích chung mà từ trước tới giờ nhân vật tôi chưa từng có được. Chúng đến với nhau, không bằng vật chất để chia sẻ mà bằng tình cảm trong sáng và nhân hậu. Dù có bị la mắng, bị đánh đòn cấm đoán, nhưng chúng vẫn là bạn của nhau. Đối với chúng thì tình bạn là tất cả, dù cho mọi rào cản của xã hội có được dựng lên thì cũng không thể nào ngăn cản tình bạn của chúng phát triển.

Bằng cách kể chuyện nhẹ nhàng, hấp dẫn, nhà văn Nga Mác-xim Go-rơ-ki đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều cảm xúc cho người đọc. Tác giả đã kết hợp nhiều phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả.,. Việc kết hợp giữa hiện tại và cổ tích, cuộc sống đời thường được lồng vào thế giới cổ tích làm cho đoạn văn thêm gợi cảm, hấp dẫn đồng thời cũng thể hiện ước mơ của những đứa trẻ đáng thương.

Ngoài ra, tác giả còn sử dụng cách kể chuyện và miêu tả nội tâm nhân vật, khiến cho các nhân vật trong tác phẩm hiện lên với từng tính cách riêng, thể hiện một thế giới nội tâm riêng của mỗi con người, giúp cho người đọc có thể hiểu được nỗi bất hạnh và niềm khát khao được nhận tình yêu thương của những đứa trẻ. “Những đứa trẻ” không chỉ để lại cho người đọc lòng thương cảm đối với số phận bất hạnh của tuổi ấu thơ mà còn có tác dụng giáo dục sâu sắc về một tình bạn trong sáng và nhân hậu.

Đồng thời như một lời nói với người lớn: ‘Trẻ em đang mong ước và chờ đợi tình cảm yêu thương từ người lớn dành cho chúng” Qua câu chuyện “Những đứa trẻ”, thế giới cổ tích như hiện ra, và đó cũng chính là mơ ước của những đứa trẻ: mơ ước về người mẹ hiền từ và được sống trong một trái đất không còn sự buồn bã, mơ ước về một xã hội về một gia đình giàu lòng yêu thương con trẻ.

Với ngòi bút kể chuyện tài tình của nhà văn Nga Mác-xim Go-rơ-ki, tình bạn thân thiết giữa ông hồi còn nhỏ với mấy đứa trẻ bên hàng xóm, bất chấp những cản trở trong quan hệ xã hội lúc bấy giờ được thuật lại một cách sinh động. Đó là một tình bạn trong sáng, ấm áp, hồn nhiên của tuổi thơ rất đáng trân trọng.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 8

Đề tài về trẻ thơ luôn luôn có sức hấp dẫn đối với bạn đọc ở mọi lứa tuổi. Người lớn thì muốn đọc để được sống lại giây phút tuổi thơ của mình. Trẻ thơ thì muốn đọc để xem người ta nói gì về thế hệ của mình, để biết những bạn nhỏ khác sống như thế nào, có giống mình hay không,… Mác-xim Go-rơ-ki, một nhà văn đại tài đã viết một tác phẩm kinh điển mang tên Thời thơ ấu. Đoạn trích Những đứa trẻ chính là trích ra từ tác phẩm này. Nội dung của nó mang đầy chất thơ và thể hiện được tài năng của người kể chuyện.

Muốn trưởng thành, ai cũng phải trải qua một thời thơ dại với những bước đi chập chững. Tuổi thơ ấy dù có xảy ra như thế nào đi chăng nữa thì đến khi trưởng thành chúng ta cũng vẫn sẽ nhớ về nó. Tất nhiên không phải tất cả kỉ niệm ta đều có thể nhớ nhưng những kỉ niệm cay đắng, ngọt bùi, những kỉ niệm như cứa vào tim gan sẽ là những kỉ niệm không thể nào quên. Chúng trở thành một hành trang theo con người trong suốt những chặng đường còn lại của cuộc sống.

Nếu xét về hoàn cảnh sống và thành phần xã hội thì A-li-ô-sa và mấy đứa con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp rất khác nhau. Người lớn có thể nhận thấy rõ điều đó nhưng với trẻ thơ thì lại khác. Sự phân cách xã hội ấy chưa đủ lớn để tạo thành một bức tường ngăn cách chúng. Nhất là khi chúng có một điểm chung, đủ để chúng xích lại gần nhau đó chính là mất mẹ. Mất mẹ giống như mất đi một nguồn sữa tình người lớn nhất trên thế giới.

Những đứa trẻ mất mẹ bao giờ cũng cảm thấy thiếu thốn tình cảm và vì vậy chúng luôn thèm khát được yêu thương. Thế giới chung của chúng chính là vầng sáng tuổi thơ. Chúng đến với nhau nhưng không đi bằng cổng chính. Đó cũng là cái kiểu riêng của trẻ thơ. Mỗi lần bọn trẻ nhà Ốp-xi-an-ni-cốp thấy A-li-ô-sa là mỗi lần thằng bé ở trong một tư thế khác nhau, khi qua cái lỗ, cái ngách hẹp của hàng rào, khi lại vắt vẻo trên cây.

Tư thế mà chúng nói chuyện với nhau cũng không được đường hoàng cho lắm. Khi thì ngồi xổm, khi thì quỳ xuống và cũng chỉ dám nói chuyện khe khẽ bởi vì sợ ông đại tá bắt gặp. Địa điểm để cho chúng trò chuyện không phải là phòng khách giống như người lớn mà là những nơi chẳng ai nghĩ đến. Có khi chỉ là trên cái xe trượt tuyết đã hỏng để ở dưới nhà kho. Tuy nhiên, những cuộc gặp gỡ vụng trộm ấy khiến chúng cảm thấy vui sướng, cảm động.

Chúng ngắm nhìn nhau và trò chuyện với nhau rất lâu. Nội dung của những câu chuyện mà chúng nói thì chẳng có gì quan trọng. Khi là về những con chim tôi bẫy được đang sống ra sao, khi thì nói về phép phù thủy làm cho người chết sống lại y như thật. Những câu chuyện mà chúng kể đều lấy từ kho cổ tích của bà ngoại nên nếu như có chỗ nào quên thì A-li-ô-sa sẽ dặn chúng đợi để chạy về nhà hỏi lại bà.

Trẻ nhỏ thì bao giờ cũng mê nghe những câu chuyện cổ tích. Chính vì vậy mà những câu chuyện chúng kể cho nhau nghe hấp dẫn cả người kể lẫn người nghe. Người kể cứ say sưa kể, người nghe cứ dỏng tai mà nghe. Dù có muốn không tin thì người kể cũng sẽ giải thích và nhấn mạnh để cho nhất định phải tin. Chính vì thế nên những đứa trẻ nhà Ốp-xi-an-ni-cốp lúc nào cũng im lặng lắng nghe.

Thằng anh lớn nhất, khôn nhất thì đã biết mỉm cười khi được nghe kể chuyện còn thằng em bé nhất thì cứ mím chặt môi và phồng má lên vì bị căng thẳng. Vậy là thế giới tuổi thơ của chúng đã được chắp cánh bay bổng vào không gian, thời gian của cái ngày trước, trước kia, đã có thời,… Dường như thằng lớn nhà Ốp-xi-an-ni-cốp đã sống trên trái đất này cả trăm năm chứ không phải chỉ mới 11 năm giống như tuổi cha sinh mẹ đẻ của nó.

Không chỉ giống nhau ở chỗ chúng là những trái tim mơ mộng, chúng còn giống nhau ở chỗ có một tuổi thơ thiếu tình thương. Đó là lí do mà chúng gắn bó và thân thiết với nhau. Ban đầu A-li-ô-sa không tin mấy đứa trẻ nhà ông đại tá bị đánh đòn. Trong suy nghĩ của A-li-ô-sa thì chỉ có nó, người không còn ai che chở mới bị đánh đòn. Còn những đứa trẻ kia sinh ra đã được sống trong nhung lụa thì cớ gì chúng lại phải chịu đòn. Nhất là khi nguyên nhân mà chúng bị đánh lại là chơi với con nhà thường dân, quả thực là nguyên nhân vô cớ.

Nó khiến cho A-li-ô-sa cảm thấy giận dù chẳng phải là chuyện của mình. Cho tới khi gần gũi và thân thiết với nhau, A-li-ô-sa mới thấu hiểu được nỗi đau của những người bạn cũng như nỗi đau của chính mình. A-li-ô-sa đã hỏi những người bạn của mình rằng “Thế các cậu có mẹ không?”. Câu hỏi như chạm sâu vào nỗi đau của những đứa trẻ. Đứa thì nói là không, đứa lại bảo là có mẹ khác.

Mẹ khác tức là dì ghẻ, là người không sinh ra chúng. Vậy là A-li-ô-sa đã tìm ra được câu trả lời. Với những đứa con của ông đại tá thì câu nói của A-li-ô-sa “Mẹ khác thì gọi là dì ghẻ” như một tiếng sét bên tai. Một nỗi sợ mơ hồ khiến những đứa trẻ ngồi sát vào với nhau. Chúng như những chú gà con bơ vơ, lạc mẹ ngơ ngác và thật tội nghiệp làm sao. A-li-ô-sa thì đã quá quen với những bà dì ghẻ trong các câu chuyện cổ tích mà bà ngoại vẫn thường hay kể.

Giờ thì A-li-ô-sa đã hiểu được nỗi bất hạnh của những đứa trẻ thơ mất mẹ kia. Chúng chưa bao giờ kể về bố và về dì ghẻ. Mặc dù hai tiếng dì ghẻ chỉ được nhắc tới thoáng qua trong câu chuyện của những đứa trẻ nhưng nó tạo nên một bóng tối bao trùm lên không khí. Thông qua những câu chuyện mà bà đã kể rồi thông qua thái độ và hành động độc đoán, gia trưởng của ngài đại tá và sự bất lực của những đứa trẻ, A-li-ô-sa hiểu được vì sao lại có bầu không khí nặng nề nay.

Một khi ông đại tá đã đưa ra quyết định thì không ai có thể thay đổi được, kể cả những đứa con ruột thịt mang dòng máu của ông. A-li-ô-sa khi bị ông ta tóm cổ đuổi ra khỏi nhà cũng đã sợ đến phát khóc. Ngược lại với cha của mình, những đứa con của ông đại tá có một vẻ đẹp dịu dàng, thơ ngây và cam chịu.

Nhìn vào cặp mắt của thằng anh, A-li-ô-sa nghĩ đến những ngọn đèn trong nhà thờ như một thứ ánh sáng hắt hiu bị cái tăm tối mênh mông bủa vây. Ông đại tá với bộ ria trắng, trên người mặc một chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt như của thầy tu chính là hiện thân của kẻ ác, của một con quỷ xa tăng chính hiệu.

Qua đoạn trích này, Mác-xim Go-rơ-ki đã cho thấy tài năng kể chuyện của mình. Mặc dù không mấy dụng công và cũng không dựng chuyện li kì nhưng tác phẩm vẫn đậm đà, hấp dẫn. Trong câu chuyện ấy, nhà văn đã đưa vào một không khí trẻ thơ vô cùng hấp dẫn. Nó làm kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng của người đọc. Ví dụ như chuyện người chết có thể sống lại không. Đám trẻ nhà ông đại tá thì bán tín bán nghi còn A-li-ô-sa thì thề sống thề chết như mình đã trải qua. Nó khiến người đọc cũng phải nghi ngờ rằng phải chăng điều đó là sự thật.

Trước một giọng kể chắc như đinh đóng cột của A-li-ô-sa thật khó mà có thể không tin được. Nhưng trên hết những đứa trẻ muốn tin bởi vì chúng lúc nào cũng khao khát mẹ của mình có thể sống lại. Trong câu chuyện nửa hư, nửa thực, trí tưởng tượng của con người được dịp bay xa. Trong những câu chuyện thần tiên có thấp thoáng bóng hình của những ông bụt, bà tiên hiền lành, phúc hậu.

Họ xuất hiện giống như mong ước được che chở của những đứa trẻ tội nghiệp. Hình ảnh người bà xuất hiện cũng như một bà tiên giúp những đứa trẻ thêm yên lòng. Với A-li-ô-sa cậu bé có thể chạy đi chạy lại để gặp bà. Có thể được nghe bà kể chuyện mỗi ngày. Nhưng với những đứa trẻ nhà đại tá thì những câu chuyện về bà của chúng chỉ là chuyện trước kia. Cũng giống như mẹ, bà của chúng không còn nữa.

Mác-xim Go-rơ-ki còn thể hiện tài năng kể chuyện của mình ở sự dẫn dắt, từ chuyện nuôi chim đến chuyện dì ghẻ của ông đại tá. Trẻ con hầu như đứa nào cũng ham nuối chim. Một cái việc tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng những đứa trẻ phải chờ đợi sự cho phép của cha mới dám thực hiện và dĩ nhiên cha của chúng thì chẳng bao giờ đồng ý với chuyện này. Người duy nhất có thể hiểu chúng là mẹ thì qua đã đời từ lâu. Chúng có mẹ khác và đó là dì ghẻ.

Cuộc đối thoại giữa những đứa trẻ cứ thế diễn ra một cách tự nhiên giúp chúng hiểu nhau hơn và cũng giúp người đọc hiểu hơn về thế giới nội tâm của những đứa trẻ thơ. A-li-ô-sa vào sân nhà ông đại tá theo một cái lối khác lạ là nhảy dù từ trên cây xuống nhưng em lại ra rất đàng hoàng bằng cổng chính do ông đại tá nắm cổ áo lôi ra. Sự hăm dọa của ông đại tá khiến người đọc nhận thấy được tính cách của ông.

Với sự dẫn dắt câu chuyện như vậy, Mác-xim Go-rơ-ki đã cho người đọc thấy được chân dung của từng nhân vật. Mặc dù nhìn tổng thể nội dung của đoạn trích khá bình dị nhưng chính sự bình dị đã làm nên một tác phẩm tuyệt vời.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 9

Mác xim Go- rơ- ki là một nhà văn nổi tiếng người Nga, ông có rất nhiều những sáng tác độc đáo, thu hút làm say mê bao nhiêu thế hệ độc giả không chỉ của nước Nga mà còn là độc giả trên toàn thế giới. Go- rơ – ki phản ánh hiện thực thông qua những trang thơ văn của mình một cách sâu sắc, toàn diện, chẳng những thế mà ông được coi là một trong những nhà văn hiện thực xuất sắc nhất của nước Nga.

Một trong số những tác phẩm của ông được đông đảo độc giả Việt Nam biết đến đó chính là tác phẩm “Thời thơ ấu”, trong đó có đoạn trích “Những đứa trẻ” được đưa vào chương trình của sách giáo khoa ngữ văn lớp 9.

Nếu trong nền văn học Việt Nam có tác phẩm tự truyện của nhà văn Nguyên Hồng “Những ngày thơ ấu” kể về chuỗi ngày cay đắng, tủi nhục của nhà thơ khi còn là đứa trẻ thì trong nền văn học Nga cũng có tác phẩm nổi tiếng của Go-rơ-ki “Thời thơ ấu”. Cũng giống như “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, “Ngày thơ ấu” của Mác xim Go-rơ- ki là cuốn tự truyện về quãng thời gian thơ ấu của tác giả.

Trong đó thì trích đoạn “Những đứa trẻ” là đoạn trích gây xúc động cho độc giả bởi tình bạn thân thiết cũng như tình yêu mến của cậu bé Aliosa với người bà của mình. Qua trích đoạn này người đọc cũng có thể phần nào hình dung ra được những kí ức thời thơ ấu của nhà thơ Go-rơ-ki.

Mác xim Go-rơ-ki có một tuổi thơ đầy tủi nhục, cay đắng khi còn rất nhỏ đã phải mồ côi cha mẹ, nếu như những đứa trẻ khác được sống trong vòng tay che chở, quan tâm của bố mẹ thì cậu bé Go-rơ-ki không được may mắn như vậy. Cha mẹ mất, cậu bé phải sống với ông bà ngoại nhưng người ông ngoại lại vô cùng khắc nghiệt, luôn trừng phạt cậu bé bằng những trận đòn roi tàn nhẫn.

Hai người cậu của Go- rơ- ki cũng không hề đoái hoài, quan tâm gì đến sự tồn tại của cậu bé, mà chỉ lo tranh giành, đấu đá nhau để tranh chấp tài sản. Không chỉ những người thân của Go-rơ- ki thờ ơ, vô tình với cậu bé mà ngay cả những người hàng xóm cũng đa dạng, đủ thể loại người, đó là lão đại tá chỉ biết cậy quyền uy của chức vụ mà hống hách, ngang ngược, coi thường những người thuộc tầng lớp dưới.

Đối với một đứa trẻ như Go-rơ-ki lúc bấy giờ mà nói cuộc sống của cậu vô cùng khắc nghiệt, sống trong một gia đình, giữa những người thân thích, máu mủ nhưng không hề quan tâm gì đến nhau, việc nuôi dưỡng cậu bé có lẽ cũng chẳng phải vì tình thương mà do trách nhiệm của họ phải như vậy.

Người trong gia đình đã vậy, những người hàng xóm cũng lạnh lùng, coi thường lẫn nhau thì cuộc sống vốn vui vẻ, hồn nhiên của cậu bé không phải khắc nghiệt, vô vị lắm sao. Nhưng cũng rất may mắn vì cậu bé cũng có một người yêu thương, quan tâm thật lòng đến cậu bé, đó chính là bà ngoại, cũng là người thay mẹ chăm sóc, dưỡng dục cậu bé lên người.

Ngoài ra còn có bác thợ hàng xóm, tuy cuộc sống không quá dư giả nhưng lại rất biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh, và những đứa trẻ con của lão đại tá, chúng rất đáng yêu chứ không hống hách, kiêu ngạo như bố của chúng. Cũng chính những con người đó đã làm cho tuổi thơ của Go- rơ – ki trở nên tươi đẹp hơn, làm cho cuộc sống của cậu bé không chỉ có những đau thương, mất mát mà còn những kí ức tươi đẹp.

Qua câu chuyện tuổi thơ của Go- rơ- ki ta có thể thấy được đây là một cậu bé rất hồn nhiên, thân thiện luôn luôn yêu đời, cởi mở và muốn kết giao bạn bè. Có lẽ cũng vì cuộc sống của cậu bé đã rất tẻ nhạt, vô vị nên cậu bé có những khát khao được yêu thương, khát khao có những những người bạn để sẻ chia.

Trong một lần ngồi vắt vẻo trên cành cây cao, cậu bé Go- rơ-ki đã bắt gặp những đứa con của ông đại tá, chúng đang vui vẻ đùa nghịch, cậu bé đã ngắm nhìn với vẻ say mê, và trong tận sâu trong tâm hồn cậu bé khát khao được kết giao bạn bè với chúng, muốn cùng chúng chơi đùa thật vui vẻ.

Và như đã nói, cậu bé này rất vô tư, hồn nhiên, thích điều gì thì cậu bé sẽ hành động, không quan tâm đến sự khác biệt về đẳng cấp, địa vị. Go- rơ- ki đã huýt sáo, hú hét nhằm gây sự chú ý với những đứa trẻ, mong chúng quan tâm đến mình, nhưng chúng chỉ khẽ đưa mắt nhìn rồi thì thầm điều gì đó làm cậu bé ngượng ngùng mà tụt xuống đất.

Chỉ đến khi cậu bé cùng hai người con của ông đại tá cứu đứa em út của chúng bị ngã xuống giếng thì tình cảm bạn bè của những đứa trẻ này chính thức bắt đầu. Tiếng gọi đầu tiên mà lũ trẻ nói với Go-rơ-ki “Xuống đây chơi với chúng tớ” là tiếng gọi của tình bạn, cũng là sự mở lòng của những đứa trẻ, chúng chấp nhận sự hiện diện của cậu bé trong các cuộc vui chơi của chúng.

Nhưng sự thân thiết của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên đã vấp phải sự ngăn cản của người ông ngoại tàn nhẫn, đó là những trận đòn roi rơi xuống người cậu bé khi cậu bé không nghe lời ông mà tiếp tục chơi với chúng. Nhưng tình bạn của bốn đứa trẻ đã vượt qua mọi rào cản địa vị, sự ngăn cấm vô lí của người lớn. Đó là tình bạn trong sáng, cũng là những người để lại dấu ấn tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của nhà văn.

“Những đứa trẻ” là trích đoạn hay nói về tình bạn ấm áp của nhà thơ với những người bạn thời ấu thơ của mình. Đó là một tình bạn trong sáng, cảm động, chúng chơi với nhau vô tư, hồn nhiên, tránh xa được sự ảnh hưởng của những suy nghĩ phức tạp của người lớn. Cũng nhờ sự yêu thương của bà ngoại, những người bạn thân thiết mà nhà văn Go-rơ-ki có những điểm sáng trong kí ức của mình, không bị những đen tối của hoàn cảnh làm cho gục ngã, hay bị ám ảnh.

Bài văn phân tích truyện ngắn “Những đứa trẻ” của M. Go-rơ-ki số 10

Đọc Những đứa trẻ ta nhận ra một đoạn văn thấm đẫm chất thơ, chất thơ của tuổi thơ, của tình thương và cả chất thơ của tài kể chuyện.

Con người ta, ai chẳng có một thời thơ dại, những bước chân chập chững vào đời. Nhưng một khi đã lớn khôn, không phải chúng đều được nhớ. Phải là những kỉ niệm cay đắng hay ngọt ngào cứa vào tim gan, hoặc bay bổng hồn người, kí ức mới có thể không quên và trở thành hành trang đi suốt chặng đường đời còn lại. A-liô-sa và mấy đứa con nhà ông đại tá Ốp-xi-an-ni-cốp nếu xét về hoàn cảnh sống, về thành phần xã hội thì rất khác nhau. Nhưng trong thế giới tuổi thơ, sự phân cách ấy chưa đủ để thành một bức tường vướng cản.

Ấy là còn chưa nói, chúng có cùng một bất hạnh như nhau: mất mẹ, mất đi một nguồn sữa tình người lớn nhất trên đời. Vầng sáng tuổi thơ là thế giới chung của chúng. Chúng đến với nhau theo kiểu của trẻ thơ: không đi bằng cổng chính. Khi thì bọn trẻ nhà Ốp-xi-an-ni-cốp thấy thằng bé vắt vẻo trên cây, khi qua cái lỗ, cái ngách hẹp của hàng rào, chúng nói chuyện với nhau bằng cái tư thế không được đàng hoàng cho lắm: ngồi xổm hoặc quỳ xuống và cũng chỉ “khe khẽ với nhau” vì sợ ông đại tá bắt gặp.

Nơi chúng trò chuyện với nhau cũng không phải là phòng khách, có khi chỉ là trên cái xe trượt tuyết đã hỏng để ở dưới mái nhà kho. Song những cuộc hẹn hò vụng trộm ấy là cả một thế giới thần tiên, cả bọn đều sung sướng, cảm động biết chừng nào, chúng vừa “ngắm nhìn nhau vừa nói chuyện rất lâu”.

Nội dung các câu chuyện rôm rả mà chúng nói với nhau chẳng có gì quan trọng, hoặc về “những con chim tôi bẫy được đang sống ra sao và nhiều chuyện trẻ con khác”, về phép phù thủy làm cho người chết sống lại y như thật chứ không bịa đặt chút nào. Vì hầu hết là lấy từ kho cổ tích của bà ngoại nên chẳng may có chỗ nào quên thì đợi đấy, A-li-ô-sa chạy về nhà “hỏi lại bà tôi” đã. Những câu chuyện không biết chán hấp dẫn cả người kể lẫn người nghe, người kể thì say sưa, còn người nghe nếu có nghi ngờ thì lập tức được A-li-ô-sa giải thích và nhấn mạnh để không thể không tin.

Cả ba anh em nhà Ốp-xian-ni-cốp, nhất là hai đứa em đều “im lặng lắng nghe”. Thằng anh do đã có trí khôn, đã biết “mỉm cười”, còn thằng bé nhất “mím chặt môi và phồng má lên” do bị căng thẳng. Tuổi thơ được chắp cánh bay bổng, bay vào không gian, chạy ngược thời gian vẻ cái “ngày trước, trước kia, đã có thời…” dường như thằng lớn nhà Ốp-xian-ni-cốp đã “sống trên trái đất này một trăm năm” chứ không phải là mười một năm như tuổi mẹ đẻ, cha sinh của nó.

Sự gắn bó thân thiết giữa mấy đứa trẻ vì chúng có một tuổi thơ mơ mộng, cũng còn vì một tuổi thơ thiếu tình thương. Đầu tiên, việc mấy đứa trẻ nhà ông đại tá bị đánh đòn làm A-li-ô-sa “thấy khó mà tin”. A-li-ô-sa cứ tưởng chỉ có mình mới bị đánh đòn vì không còn được ai che chở (mẹ bỏ đi lấy chồng), còn con nhà quan chức giàu sang làm sao phải chịu roi vọt. Mà nguyên nhân dẫn đến việc bị đánh đòn chi là đi chơi với con nhà thường dân hèn hạ, nghĩa là một nguyên nhân vô cớ, Ali-ô-sa cảm thấy một cơn giận bùng lên vì “tức thay cho chúng”.

Phải sau này, A-li-ô-sa mới thấu hiểu nỗi đau của mấy đứa bạn, một nỗi đau chính mình mới thấm thía mà chúng chưa kịp biết, chưa kịp nói thành tên. “Thế các cậu có mẹ không?” – câu hỏi bật ra như một bi vọng. Nhưng nghe mấy đứa trả lời, đứa thì nói là “không”, đứa thì trả lời là “mẹ khác”, A-li-ô-sa quả quyết “Mẹ khác thì gội là dì ghẻ”, em đã tìm ngay ra đáp số. Hai tiếng khủng khiếp ấy được nói ra, quả thật với mấy đứa con ông đại tá, như một tiếng sét bên tai. Chúng sợ hãi “ngồi sát vào nhau giống như những chú gà con” bơ vơ tội nghiệp.

Còn A-li-ô-sa thì hiểu dì ghẻ trong những câu chuyện cổ tích của bà. Nỗi bất hạnh của những đứa trẻ thơ mất mẹ đang phải sống với người mẹ danh nghĩa chứ không phải “mẹ thật” của mình giúp A-li-ô-sa phát hiện ra cái điều bấy lâu chính bọn trẻ kia giữ kín là “chưa bao giờ chúng nói một lời nào về bố và về dì ghẻ”. Hình ảnh người dì ghẻ dù chỉ là một ý nghĩ thoáng qua nhưng bóng tối của nó cũng đè nặng lên không khí vui tươi hồn nhiên của đám trẻ.

Riêng đối với A-li-ô-sa, em hiểu từ những câu chuyện cổ tích của bà mình và nhất là từ thái độ, hành động độc đoán, gia trưởng của ngài đại tá và sự bất lực vô hồn của mấy đứa trẻ thơ – con ông – khi răm rắp phục tùng như “những con ngỗng ngoan ngoãn”. Quyết định ở ông ta là không thể đổi thay nhất là đối với con mình, ngay cả đến A-li-ô-sa một người dưng xa lạ bị ông ta tóm cổ đuổi ra khỏi nhà làm em “sợ phát khóc”.

Còn những đứa con dễ mến của ông có vẻ đẹp dịu dàng, thơ ngây và cam chịu. Cặp mắt của thằng anh làm A-li-ô-sa nghĩ đến “những ngọn đèn trong nhà thờ” như một thứ ánh sáng hắt hiu bị cái tăm tối không cùng, mênh mông của toà nhà vây bủa. Trong bóng tối dày đặc vừa nói trên đây, không phải cha cố mà là chính ông già đại tá “với bộ ria trắng, mình vận chiếc áo dài lùng thùng màu nâu nhạt như của thầy tu” là hiện thân của kẻ ác, một hung thần, một quỷ dữ Xa tăng chính hiệu.

Tài kể chuyện của Go-rơ-ki không phải ở sự khéo léo dựng chuyện li kì. Tuy không mấy dụng công mà câu chuyện vẫn đậm đà, hấp dẫn. Nhà văn đưa ta vào một không khí trẻ thơ vô cùng thú vị. Trước hết, nó kích thích sự tò mò và trí tưởng tượng. Chẳng hạn như chuyện người chết có thể sống lại được không, thì trẻ con nhà ông đại tá bán tín bán nghi, còn A-li-ô-sa thề sống thề chết như mình đã trải qua, đã chứng kiến: có người chết mà không phải là chết thật.

“Trời ơi, biết bao nhiêu lần những người chết, thậm chí đã bị xả ra từng mảnh, mà chỉ cần vẩy cho ít nước phép là sống lại”. Giọng A-li-ô-sa nói như đinh đóng cột thế kia làm sao có thể không tin. Hơn nữa, nó liên quan đến một người, người mẹ của bọn trẻ mà chính chúng đang khao khát ước mơ là làm sao sống lại. Câu chuyên cứ nửa thực nửa mơ, mờ mờ ảo ảo không còn một ranh giới nào để trí tưởng tượng con người tha hồ bay bổng.

Trong thế giới kì lạ ấy, hình ảnh những bà tiên, ông bụt hiện lên thật hiền lành phúc hậu. Nó đối lập với cái xấu xa, cái độc ác. Nó che chở và bao dung, nhất là đối với những trẻ thơ bất hạnh trên đời. Hình ảnh về người bà của mỗi đứa cứ như lướt đi trên đầu lũ trẻ. Với A-li-ô-sa, người bà gần gũi hơn, cứ chạy ra chạy vào là gặp, gặp nụ cười nhân ái bao dung (khi nghe A-li-ô-sa cần đến những câu chuyện cổ tích, “bà tôi thường rất hài lòng”).

Còn với mấy đứa con ông đại tá “bà tớ ngày xưa cũng rất tốt”, nghĩa là cũng y như bà ngoại của A-li-ô-sa bây giờ, chi có điều bà không còn nữa, bà đã thuộc về chặng đời đẹp nhất “ngày trước”, “trước kia”… nghĩa là đã vụt qua đi như một tia chớp mà bọn chúng phải nhớ tiếc, thẫn thờ.

Tài kể chuyện của Go-rơ-ki còn thể hiện ở sự dẫn dắt, từ chuyện nuôi chim đến chuyện dì ghẻ của con ông đại tá. Việc nuôi chim thì trẻ con đứa nào chẳng ham (“Chim gì hót vui vui ấy. Để nhốt vào lồng”). Nhưng cái việc tưởng như cỏn con ấy phải được người cha cho phép, mà cha chúng thì dứt khoát chẳng bao giờ cho phép chúng nuôi. Thế còn người mẹ, người mẹ có thể chiều chúng, có thể đồng tình. Chúng tớ không còn mẹ. Chúng tớ có nhưng là mẹ khác. Mẹ khác thì gọi là dì ghẻ…

Diễn biến của đối thoại dẫn dắt rất tự nhiên như chúng vốn là như thế. Rồi chuyện lối vào sân nhà ông đại tá của A-li-ô-sa là từ trên cao, từ “trên cây”, em đã “nhảy dù” xuống theo lời mời của chính con ông đại tá. Nhưng lối ra của em thì thật “đàng hoàng”, do ông đại tá nắm cổ áo lôi ra, mà ra bằng cổng chính với câu nói đầy hăm doạ: “Cấm không được đến nhà tao”. Những chi tiết ấy thật bất ngờ, nhưng đối chiếu trong một hệ thống, tự nó tạo ra một ý nghĩa riêng, từ mạch ngầm của văn bản.

Trong sự dẫn dắt ấy, những chân dung nhân vật hiện ra mỗi người một khác, như mấy đứa con ông đại tá. Một mặt chúng giống nhau như những giọt nước trong trẻo, ngây thơ, nhưng bản năng che chở đã hình thành ở hành động của hai đứa lớn hơn, một đứa đã biết “mỉm cười” nghe chuyện thần tiên, còn một đứa khi nghe những câu chuyện đầy tưởng tượng ấy, quàng tay lên vai em và ấn nó “cúi xuống”. Nghệ thuật ấy cùng với nội dung đã tạo nên những trang viết tuyệt vời. Nó thật dung dị, cái dung dị của một tài năng.

Hi vọng qua bài viết này, bạn đọc có thêm nhiều thông tin cũng như cách phân tích tác phẩm. Chúc các bạn học tốt.

Viết một bình luận