Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương)

Top 10 Bài thơ hay nhất của nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương)

Trần Tế Xương (1870-1907) tên khai sinh là Trần Duy Uyên, hiệu Vị Thành, làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân từ một gia đình thanh bạch. Đường khoa cử của ông lận đận: đi thi từ năm 15 tuổi nhưng hỏng hoài, mãi tới năm 24 tuổi (1894) mới đỗ Tú tài. Sau đó ông lại trượt Cử nhân 5 khoa liền. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn, ông chỉ còn biết trông cậy vào bà vợ đảm đang. Tác phẩm ông để lại gồm nhiều thể loại: thơ, phú, câu đối, hát nói…, phần lớn đều bằng chữ Nôm. Thơ văn ông giản dị, bình dân, nhưng tự nhiên và linh hoạt. Nhiều sáng tác trình bày tâm sự đau đớn, xót xa; hoặc mỉa mai, ngạo đời một cách chua chát, cay độc; hoặc gửi gấm tấm lòng yêu nước thương nòi một cách kín đáo và sâu sắc. phongnguyet.info.vn xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.

Bài thơ: Thương vợ

Thương vợ

Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ, âu đành phận,
Năm nắng, mười mưa, dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:
Có chồng hờ hững cũng như không!

Lời bình:

Thương vợ dựng lên hai bức chân dung: bức chân dung hiện thực của bà Tú và bức chân dung tinh thần của Tú Xương. Trong những bài thơ viết về vợ của Tú Xương, dường như bao giờ người ta cũng gặp hai hình ảnh song hành: bà Tú hiện lên phía trước và ông Tú khuất lấp ở phía sau.

Ở bài thơ Thương vợ cũng vậy, ông Tú không xuất hiện trực tiếp nhưng vẫn hiển hiện trong từng câu thơ. Đằng sau cốt cách khôi hài, trào phúng là cả một tấm lòng, không chỉ là thương mà còn là biết ơn đối với người vợ nữa.

Điều lạ là dù xuất thân Nho học, song Tú Xương không nhìn nhận theo những quan điểm của nhà nho: quan điểm “trọng nam khinh nữ”, “xuất giá tòng phu” (lấy chồng theo chồng), “phu xướng, phụ tuỳ” (chồng nói vợ theo) mà lại rất công bằng. Tú Xương dám sòng phẳng với bản thân, với cuộc đời, dám nhìn nhận ra những khuyết thiếu của mình để mà day dứt. Một con người như thế là một nhân cách đẹp.

Ngâm thơ bài Thương vợ – Trần Tế Xương


Bài thơ: Văn tế sống vợ

Văn tế sống vợ

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ
Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ
Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?
Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!
Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười
Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ
Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai
Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ
Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu
Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

Thế mà:
Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở
Chẳng nói chẳng rằng, không than không thở.
Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?
Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?
Thôi thôi
Chết quách yên mồ
Sống càng nặng nợ
Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay
Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ

(Nhà thơ chơi bời phòng túng, tốn tiền, bà Tú giận doạ tự tử. Nhà thơ nhân đó làm bài văn tế này đùa nịnh, làm lành khéo với vợ)
Nguồn: Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hóa – Thông tin, 1998

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bà thơ: Năm mới chúc nhau

Năm mới chúc nhau

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối,
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc,
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước, đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con:
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp, người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời.
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.

Khổ thơ cuối cùng có người nói là của Trần Tế Xương, có người cho rằng do người khác bắt chước giọng thơ Tế Xương mà thêm vào.

Lời bình:
Nói đến Trần Tế Xương, người ta không thể không nghĩ tới ngòi bút châm biếm quyết liệt, dữ dội như những làn roi vun vút quất thăng vào mặt kẻ thù của ông. Sinh ra, lớn lên và được trực tiếp chứng kiến thời buổi nhiễu nhương, nhan nhản lũ người nhí nhố, ngang nhiên làm những việc bất chính ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Thế mà chẳng ai làm gì được. Dường như không kìm được nỗi căm uất và khinh ghét đến tột cùng. Tú Xương ném thẳng tiếng cười châm biếm chua cay vào lũ người nọ ngay vào dịp Tết đón xuân về bằng bài thơ Năm mới chúc nhau.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Sông Lấp

Sông Lấp

Sông kia rày đã nên đồng,
Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

Lời bình

Bài thơ tả về đoạn sông Vị Hoàng bị lấp. Sông Vị Hoàng chảy qua thành phố Nam Định, quê hương của tác giả. Sông bị phù sa bồi lấp, nhân dân trồng trọt và làm nhà cửa ở đó. Sự việc này khiến Tú Xương liên tưởng đến cảnh thay đổi thời thế, nhân tâm.
Lời bài thơ ko chỉ đơn giản, dễ nhớ mà còn chứng tỏ rằng: đằng sau những câu thơ trào phúng, “chỉ thích” mỉa mai giễu cợt xã hội là 1 con ng` yêu quê, yêu xóm làng, yêu cảnh vật thiên nhiên. Hơn thế nữa, đó là 1 tâm trạng tiếc nuối quá khứ đã xa và bất lực trước thời cuộc thay đổi

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Áo bông che bạn

Áo bông che bạn

Hỡi ai, ai có thương không?
Đêm mưa, một mảnh áo bông che đầu
Vì ai, ai có biết đâu?
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô?
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình
Non non nước nước tình tình
Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ!

Bài thơ này từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Ba cái lăng nhăng

Ba cái lăng nhăng

Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà!

Nguồn: Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hóa – Thông tin, 1998

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Vợ chồng Ngâu

Vợ chồng ngâu

Tục truyền tháng bảy mưa Ngâu,
Con trời lấy chú chăn trâu cũng phiền.
Một là duyên, hai thời là nợ,
Sợi xích thằng ai gỡ cho ra?
Vụng về cũng thể cung nga,
Trăm khôn nghìn khéo chẳng qua mục đồng.
Hay là sợ muộn chồng chăng tá?
Hơi đâu mà kén cá chọn canh!
Lấy ai, ai lấy cũng đành,
Rể trời đâu cả đến anh áo buồm.

Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Đánh tổ tôm

Đánh tổ tôm

Bực chẳng nhẽ anh hùng khi vị ngộ,
Như lúc đen chơi cuộc tổ tôm,
Bài trạm thành cuối cánh phỗng ầm ầm,
Ngồi thôi chẳng bốc quân rác rảnh.
Cũng có lúc không chi thì bát sách,
Cũng có khi bạch định bốc yêu hồng;
Cất bài lên ông lão vẫn lẩn vòng,
Không đâu cả gặp kề năm bảy phỗng.
Cũng có ván tôm lèo lên chờ rộng,
Vớ phải thằng bạch thủ phỗng tay trên.
Gớm ghê thay đen thực là đen!
Sắc như mác cũng thua thằng vận đỏ.
May mắn nhẽ hữu duyên năng tái ngộ,
Bĩ cực rồi đến độ thái lai;
Tiếng tam khôi chi để nhường ai,
Hết bạch lại hồng, thông mãi mãi.
Nào những kẻ tay trên ban nãy,
Đến bây giờ thay thẩy dưới tay ta;
Tiếng bài cao lừng lẫy khắp gần xa,
Bát vạn ấy người ta ai dám đọ.
Thế mới biết tổ tôm có đen thì có đỏ.
Thì anh hùng vị ngộ có lo chi;
Trước sau, sau trước làm gì?

Tổ tôm bởi hai chữ “tụ tam” (hợp ba quân thành một phu), bài lá có 120 quân chia ra hàng sách, hàng vạn, hàng văn.
Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Than thân

Than thân

Kể đã ba mươi mấy tuổi rồi,
Tôi ngồi tôi nghĩ cái thằng tôi.
Mấy khoa hương thí không đâu cả,
Ba luống vườn hoang bán sạch rồi.
Gạo cứ lệ ăn đong bữa một,
Vợ quen dạ đẻ cách năm đôi.
Bắc thang lên hỏi ông trời nhẽ:
Trêo ghẹo người ta thế nữa thôi?

Nguồn: Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Bài thơ: Bỡn tri phủ Xuân Trường

Bỡn tri phủ Xuân Trường

Tri phủ Xuân Trường được mấy niên
Nhờ trời hạt ấy cũng bình yên.
Chữ “thôi” chữ “cứu” không phê đến,
Ông chỉ quen phê một chữ “tiền”!

Con tem phát hành nhân 100 ngày mất của nhà thơ Tú Xương
Con tem phát hành nhân 100 ngày mất của nhà thơ Tú Xương

Viết một bình luận