Top 10 Bài thơ hay đã được phổ nhạc và diễn ngâm của nhà thơ Cù Huy Cận

Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) tên thật là Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 tại xã Ân Phú, huyện Dương Sơn, Hà Tĩnh, mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội. Trước khi mất ông sống tại Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957. Ông nguyên là Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Hiện là Phó chủ tịch uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Nhà thơ còn là Đại biểu Quốc hội khoá 1, 2 và 7. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt I-1996). phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.

Đoàn thuyền đánh cá

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.

Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Hồng Gai, 4-10-1958

Bài thơ này được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế của tác giả ở Hồng Gai, in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng (1958).

Nguồn: Tuyển tập Huy Cận (tập I), NXB Văn học, 1986

Tràng giang

Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài.
H.C.
Tặng Trần Khánh Giư

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Bèo giạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, Ngữ văn 11 từ 2007.

Nguồn:
1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007
4. SGK Văn học 11 (tập 1), NXB Giáo dục, 2005

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động, và bế tắc không tìm được lối ra.

Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn….

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

27-12-1960

Chùa Tây Phương nằm tại huyện Thạch Thất, trước năm 1965 thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, qua thời gian được nhập vào các tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, và thuộc Hà Nội từ năm 2008.

Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.

Nguồn: Bài thơ cuộc đời, NXB Văn học, 1963

Con chim chiền chiện

Con chim chiền chiện
Bay vút, vút cao
Lòng đầy yêu mến
Khúc hát ngọt ngào.

Cánh đập trời xanh
Cao hoài, cao vợi
Tiếng hót long lanh
Như cành sáng chói

Chim ơi, chim nói
Chuyện chi, chuyện chi?
Lòng vui bối rối
Đời lên đến thì…

Tiếng ngọc trong veo
Chim gieo từng chuỗi
Lòng chim vui nhiều
Hát không biết mỏi

Chim bay, chim sà
Lúa tròn bụng sữa
Đồng quê chan chứa
Những lời chim ca.

Bay cao, cao vút
Chim biến mất rồi
Chỉ còn tiếng hót
Làm xanh da trời…

Con chim chiền chiện
Hồn xanh quê nhà
Sáng nay lại hót
Tưng bừng lòng ta

1964

Chiền chiện là một loài chim nhỏ thuộc bộ sẻ, thường có lông màu nâu xám hoặc xám, được tìm thấy tại các khu vực đồng quê như các đồng cỏ hay bụi cây rậm. Nhìn bên ngoài rất khó phân biệt với một số loại chim khác do nhiều loài có bề ngoài khá giống nhau nên tiếng hót của chúng có lẽ là chỉ dẫn nhận dạng tốt nhất.

Nguồn:
1. Hai bàn tay em, NXB Kim Đồng, 1969
2. SGK Tập đọc lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 1999
3. SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002

Ngậm ngùi

Nắng chia nửa bãi; chiều rồi…
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
Sợi buồn con nhện giăng mau;
Em ơi! hãy ngủ… anh hầu quạt đây.

Lòng anh mở với quạt này;
Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ…

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ…
– Hồn em đã chín mấy mùa thương đau?
Tay anh em hãy tựa đầu,
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

Áo trắng

Tặng Nhất Linh

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước toả hồng.

Em đẹp bàn tay ngón ngón thon;
Em duyên đôi má nắng hoe tròn.
Em lùa gió biếc vào trong tóc
Thổi lại phòng anh cả núi non.

Em nói, anh nghe tiếng lẫn lời;
Hồn em anh thở ở trong hơi.
Nắng thơ dệt sáng trên tà áo,
Lá nhỏ mừng vui phất cửa ngoài.

Đôi lứa thần tiên suốt một ngày.
Em ban hạnh phúc chứa đầy tay.
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Toả phất đôi hồn cánh mộng bay.

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
3. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

Buồn đêm mưa

Tặng Khái Hưng

Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la…

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn.

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

Rơi rơi… dìu dịu rơi rơi…
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ…

Tương tư hướng lạc, phương mờ…
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe.

Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư…

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Nguồn:
1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

Hai bàn tay em

Yêu sao những cánh tay non
Bàn tay con trẻ chồi son lá hồng
Bài thơ tay, viết vừa xong
Tặng cho các cháu, gởi lòng mến yêu
Bàn tay tập viết, tập thêu
Tậm làm, tập múa, trăm điều đẹp tươi
Đôi bàn tay: hoa của người
Quý yêu, gìn giữ trọn đời, cháu nghe!

Hai bàn tay em
Như hoa đầu cành
Hoa hồng hồng nụ
Cánh tròn ngón xinh

Đêm em nằm ngủ
Hai hoa ngủ cùng
Hoa thì bên má

Hoa ấp cạnh lòng

Buổi sáng em dậy
Hai bàn tay hoa
Nở trên mặt mẹ
Cúi bồng em ra

Tay em đánh răng
Răng trắng hoa nhài
Tay em chải tóc
Tóc ngời ánh mai

Giờ em ngồi học
Bàn tay siêng năng
Nở hoa trên giấy
Từng hàng giăng giăng

Hai bàn tay em
Có lúc cãi nhau:
Và cơm, viết chữ
Tay mặt công lao!

Tay mặt tự hào
Gánh bao việc nặng!
Cả giơ tay chào
Như măng mọc thẳng

Tay trái nó dỗi
Ngoảnh mặt, quay lưng
Nhưng rồi thương bạn
Lại làm việc chung

– Cùng khiêng chiếc ghế
Ai nắm, ai đừng?
Chung bát cơm nhé
Ai và, tôi bưng!

Rồi khi vui vầy
Tay cùng vỗ tay
Vun san sẻ đều
Chẳng ai bì ai

Những lúc em buồn
Tay ôm má phịu –
Em yêu bàn tay
Cái gì cũng hiểu…

Có khi một mình
Nhìn tay thủ thỉ:
– Em yêu em quý
Hai bàn tay em

5-1-1964

Bài thơ khi in trong SGK Tiếng Việt 3 được lược bỏ một số khổ.

Nguồn:
1. Huy Cận, Hai bàn tay em, NXB Kim Đồng, 1969
2. Định Hải, Hương cốm, NXB Kim Đồng, 1975
3. Tiếng Việt 3 – tập 1, NXB Giáo dục, 2008

Đẹp xưa

Tặng Tô Ngọc Vân

Ngập ngừng mép núi quanh co,
Lưng đèo quán dựng, mưa lò mái ngang…
Vi vu gió hút nẻo vàng;
Một trời thu rộng mấy hàng mây nao.

Dừng cương nghỉ ngựa non cao
Dặm xa lữ thứ kẻ nào héo hon…

Đi rồi, khuất ngựa sau non;
Nhỏ thưa tràng đạc, tiếng còn tịch liêu…

Trơ vơ buồn lọt quán chiều,
Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người.

Nguồn:

1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

Tình tự

Sáng hôm nay hồn em như tủ áo,
Ý trong veo là lượt xếp từng đôi.
Áo đẹp chưa anh! Hoa thắm thêu đời,
Áo mơ ước anh bận giùm chiếc nhé.

Vàng rạng cùng xanh, hồng cười với tía,
Xin mời anh chọn hình sắc yêu đương.
Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường,
Anh hãy bận hồn em màu sáng chói.

Anh có biết hôm nay là ngày hội
Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.
Anh đã về; em nghe dưới chân vang
Hoa lá nở với chuông rền giọng thắm.

Thủa chờ đợi, ôi, thời gian rét lắm,
Đời tàn rơi cùng sao rụng cảnh canh thâu;
Và trăng lu xế nửa mái tình sầu,
Gió than thở biết mấy lời van vỉ?

Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ,
Gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa.
Yêu giữa đời mà hồn ở trong mơ,
Tình rộng quá, đời không biên giới nữa.

Đây cửa mộng lòng em, anh hãy mở.
Màu thanh thiên rời rợi, gió long lanh:
Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc thành bài hát Một ngày cho tình yêu.

Nguồn:
1. Huy Cận, Lửa thiêng, NXB Đời nay, 1940
2. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, 2007

Đọc thơ Huy Cận, người ta thường hay nhắc tới những nỗi buồn nhân thế bao la, với những cảm nhận về một thời xưa cũ trong lịch sử dân tộc hay con người.