Nhà thơ Hoàng Trung Thông (1925-1993) còn có những bút danh khác như Đặc Công, Bút Châm, quê quán xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Viện trưởng Viện Văn học (Việt Nam).
Hoàng Trung Thông tham gia cách mạng từ trước 1945 trong phong trào Việt Minh, từng đảm nhiệm các chức trách: cán bộ văn nghệ của khu uỷ Liên khu IV, tỉnh uỷ viên tỉnh uỷ Nghệ An, uỷ viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương; thư ký toà soạn tạp chí Văn nghệ thuộc Hội Văn nghệ Việt Nam; tổng biên tập báo Văn nghệ, báo Tác phẩm mới của Hội Nhà văn Việt Nam; Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương; Viện trưởng Viện Văn học (1976-1985). phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay của ông.
Bài thơ
Anh chủ nhiệm
Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh
Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc
Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp
Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi
Tiền đã lo xong đất cắm rồi
Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói
Phơi phới lòng anh như gió thổi
Anh làm chủ nhiệm đã ba năm
Ba năm vật lộn cùng khó khăn
Có mùa mạ cháy đồng khô cạn
Mười bậc nước leo lên ruộng hạn
Có mùa lúa chín lụt tràn qua
Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra
Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít
Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít
Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi
Không chịu khoanh tay đứng ngó trời
Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất
Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất
Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây
Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay
Hõm mắt thâu đêm lo việc xã
Gió rét đường trơn, chân bấm đá
Hết làng, hết ruộng thôi đi về
Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe
Cùng bao đồng chí, anh đi trước
Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược
Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo
Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo
Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới
Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi
Lại lao vào việc lòng say sưa
Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa
“Ơi anh củ nhiệm! Anh chủ nhiệm”
Bao tiếng thân thương, lời cảm mến
Tay anh nắm chặt tay xã viên
Xốc cả phong trào vững tiến lên
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh
Cả dáng hình anh thành bức tranh
4-1962
Bài thơ
Bài ca vỡ đất
Chúng ta đoàn áo vải
Sống cuộc đời rừng núi bấy nay.
Ðồng xanh ta thiếu đất cày.
Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng
Tháng ngày ta góp sức chung.
Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.
Ðường xa ta tới đây
Trên đồi cây khát nắng.
Giữa hai dòng suối vắng
Ðoàn ta vui cấy cày.
Bàn tay lao động
Ta gieo sự sống
Trên từng đất khô.
Bàn tay cần cù.
Mặc dù nắng cháy
Khoai trồng thắm rẫy
Lúa cấy xanh rừng.
Hết khoai ta lại gieo vừng.
Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta.
Suối chảy quanh ta
Tiếng suối ngân nga
Hòa theo gió núi
Ta đào mương mở suối
Tuổi ta là những tuổi đấu tranh
Cho dù bạc áo nông binh
Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.
Chim reo trong lá.
Hòn đá cheo leo.
Chúng ta một lớp người nghèo.
Giữa chiều nắng gió.
Ðào cây cuốc cỏ
Tỉa đỗ trồng khoai.
Ngày còn dài
Còn dai sức trẻ.
Cuốc càng khỏe.
Càng dễ cày sâu.
Hát lên! ta cuộc cho mau
Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.
Bàn tay ta làm nên tất cả
Có sức người sỏi đá cũng thành cơm.
Ta vui mùa lúa thơm.
Ta mừng ngày quả chín.
Gửi ra người tiền tuyến
Diệt quân thù, gối đất nằm sương.
Máu ai nhuộm thắm sao vàng.
Mồ hôi ta đổ xuống hàng rau tươi.
Rừng xanh xanh cả máu người.
Còn màu lúa tốt còn tươi áo chàm.
1948
Trích đoạn bài thơ này được sử dụng trong sách giáo khoa tập đọc trong nhiều năm.
Bài thơ: Những cánh buồm
Những cánh buồm
Hai cha con bước đi trên cát
Ánh mặt trời rực rỡ biển xanh
Bóng cha dài lênh khênh
Bóng con tròn chắc nịch,
Sau trận mưa đêm rả rích
Cát càng mịn, biển càng trong
Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng
Nghe con bước, lòng vui phơi phới.
Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi:
“Cha ơi, sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời,
Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?”
Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ:
“Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa,
Sẽ có cây, có cửa, có nhà
Vẫn là đất nước của ta
Ở nơi đó cha chưa hề đi đến.”
Cha lại dắt con đi trên cát mịn,
Ánh nắng chảy đầy vai
Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời
Con lại trỏ cánh buồm xa hỏi khẽ:
“Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé,
Để con đi!”
Lời của con hay tiếng sóng thầm thì
Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm
Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận
Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con.
Bài thơ: Bao giờ trở lại
Bao giờ trở lại
Các anh đi
Ngày ấy đã lâu rồi
Xóm làng tôi còn nhớ mãi
Các anh đi
Bao giờ trở lại
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ mong
Làng tôi nghèo
Nho nhỏ bên sông
Gió bấc lạnh lùng
Thổi vào mái rạ
Làng tôi nghèo
Gió mưa tơi tả
Trai gái trong làng vất vả ngược xuôi
Các anh về mái ấm nhà vui
Tiếng hát câu cười
Rộn ràng xóm nhỏ
Các anh về tưng bừng trước ngõ
Lớp đàn em hớn hở theo sau
Mẹ già bịn rịn áo nâu
Vui đàn con nhỏ rừng sâu mới về
Từ lưng đèo
Dốc núi mù che
Các anh về
Xôn xao làng tôi bé nhỏ
Nhà lá đơn sơ
Nhưng tấm lòng rộng mở
Nồi cơm nấu dở
Bát nước chè xanh
Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau
Anh giờ đánh giặc nơi đâu
Chiềng Vàng, Vụ Bản, hay vào Trị Thiên
Làng tôi thắng lợi vụ chiêm
Lúa thêm xanh ngọn, khoai lên thắm vồng
Giảm tô hai vụ vừa xong
Đêm đêm ánh đuốc dân công rực đường
Dẫu rằng núi gió đèo sương
So anh máu nhuộm chiến trường thấm chi
Bấm tay tính buổi anh đi
Mẹ thường vẫn nhắc: biết khi nào về?
Lúa xanh xanh ngắt chân đê
Anh đi là để giữ quê quán mình
Cây đa, bến nước, sân đình
Lời thề nhớ buổi mít tinh lên đường
Hoa cau thơm ngát đầu nương
Anh đi là giữ tình thương dạt dào
Các anh đi
Khi nào trở lại
Xóm làng tôi
Trai gái vẫn chờ mong
Chờ mong chiến dịch thành công
Xác thù chất núi bên sông đỏ cờ
Anh đi chín đợi mười chờ
Tin thường thắng trận, bao giờ về anh?
Trích đoạn bài thơ này đã được sử dụng trong sách giáo khoa tập đọc cấp I trong nhiều năm.
Bài thơ: Đọc thơ Bác
Đọc thơ Bác
Ngục tối, trái tim càng cháy lửa
Xích xiềng không khóa nổi lời ca
Trăm sông nghìn núi chân không ngã
Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.
Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác
Một tấm gương trong chẳng bụi mờ
Bóng cây đại thụ trùm xanh mát
Cánh rộng chim bằng bay tự do.
Tự do! Gươm súng nào ngăn được
Biển rộng sông dài ý chí cao
Thân ở trong tù, lòng ở Nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.
Khi chim rừng ca rộn núi
Khi nhìn khóm chuối ánh trăng soi
Lao lung vẫn giữ lòng thư thái
Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.
Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
5-1960
Nguồn: Đường chúng ta đi, NXB Văn học, 1960
Bài thơ: Trên hồ Ba Bể
Trên hồ Ba Bể
Tặng Nông Quốc Chấn
Thuyền ta chầm chậm vào Ba-bể
Núi dựng cheo leo, hồ lặng im
Lá rừng với gió ngâm se sẽ
Hoạ tiếng lòng ta với tiếng chim.
Thuyền ta lướt nhẹ trên Ba-bể
Trên cả mây trời trên núi xanh
Mây trắng bồng bềnh trôi lặng lẽ
Mái chèo khua bóng núi rung rinh.
Thuyền ta vòng mãi trên Ba-bể
Cây chạy theo thuyền thuyền vẫy đi
Phải ta vượt khỏi nơi trần thế
Tới giữa mông lung, giữa diệu kỳ.
Nghe đồn xưa có thần Ba-bể
Vì giận nhân dân giết mất bò
Nửa đêm nổi sấm làm giông tố
Dìm bản làng vui xuống đáy hồ.
Thuyền ta lại lướt trên Ba-bể
Chuyện cũ tan dần như khói sương
Ta đẩy mái chèo xua lặng lẽ
Sáng ngời mặt nước ánh vầng dương.
Đẹp sao du kích hồ Ba-bể
Chồng Nhật kiên cường lại đánh
Tây Rẽ đá chèo mây chân bước nhẹ
Vụt chém quân thù như chặt cây.
Thuyền ta quanh quất trên Ba-bể
Đỏ ối vườn cam, thắm bãi ngô
Nhộn nhịp trâu về, vang tiếng trẻ
Đâu còn giông bão hung thần xưa.
Thuyền ơi chầm chậm chờ ta nhé
Chim hót trên đầu ta lắng nghe
Một lần đã tới, ôi Ba-bề
Muốn ở đây thôi chẳng muốn về.
Bản Pắc-ngoi, 1-1-1961
Bài thơ: Tiếng sáo
Tiếng sáo
Em bé trên mình trâu
Ngồi thổi cây sáo sậy
Tiếng sáo ngân xa mãi
Đàn trâu đi chậm rãi, cúi đầu…
Đàn trâu đi mồm nhai cỏ xanh
Mấy con chim nhảy nhót trên cành
Mặt trời lên bờ tre sương lóng lánh
Tiếng sáo em đánh thức cả bình minh.
Tiếng sáo em: bài ca gọi nghé
Tiếng sáo em: khúc hát gọi bê
Bê nghé tung tăng theo bước mẹ
Tiếng sáo em: hơi thở của đồng quê.
Tôi muốn đổi những tháng ngày mơ mộng
Lấy một phút em ngồi thổi sáo trên mình trâu
Mồ hôi rơi vầng trán em đen bóng
Giọt giọt mồ hôi tôi thấy đâu.
Trong gió mai tiếng sáo em ngân dài
Như cánh cò trên đồng xanh sóng vỗ
Vầng trán em giọt mồ hôi rơi
Tiếng sáo dắt đàn trâu ra bãi cỏ.
1962
Theo: NXB Kim Đồng
Bài thơ: Gió biển
Gió biển
Gió mặn gọi tôi về với biển
Như mùa xuân gọi én bay về
Hàng thông sóng vỗ. Chao xao xuyến!
Tôi đứng mênh mông gió bốn bề.
Gió gió! Mặt trời căng ánh đỏ
Cánh buồm căng ngực vút ra khơi
Mặt nước biển căng đầy sóng vỗ
Máu phập phồng căng giữa tim tôi
Bấy lâu bụi phủ trong phòng nhỏ
Lấy cánh quạt trần làm cánh gió
Bây giờ biển thổi gió bao la
Lảo đảo thuyền tim chừng muốn vỡ.
Bấy lâu soi bóng mặt hồ xinh
Chút sóng lăn tăn cũng rợn mình
Bây giờ tám hướng trời tung sóng
Như cuốn người bay thành vệ tinh
Tôi tắm gió, tắm trời, tắm sóng
Biển khơi ơi! Lồng lộng gió đông
Thịt da tôi ngấm đầy gió mặn
Như cánh buồm nâu ngấm gió nồng.
1960
Nguồn: Đường chúng ta đi, NXB Văn học, 1960
Bài thơ
Nếu tôi chết
Nếu tôi chết
Đừng có ai
Khóc lóc làm gì
Thế là hết
Đừng có ai bi
Nằm dưới mồ
Tôi ngượng ngùng
Chỉ nhớ khúc tình si
Nếu tôi chết
Đắp điếm ngôi mồ tôi
Và anh hay chị sẽ viết
Giữ lòng trong suốt đời
Đã hơn sáu muơi tuổi
Tôi chỉ cười thôi
Đỗ Phủ đã từng nói
Nhân sinh thập cổ lai hy
Tôi sống hơn ông nhiều tuổi
Còn mơ màng chi
Tôi viết còn ít quá
Thì đi là phải đi
Ấy đó món nợ đời
Đã vay thì phải trả
Xong một cuộc đời tôi
Nghĩ bụng thì bảo dạ
Nếu tôi chết
Có ai
Đưa vòng hoa xuống mộ
Thì thôi đừng tiếc hoài.
Theo: NXB Kim Đồng
Bài thơ: Chiều đến Bình Ca
Chiều đến Bình ca
Chiều đến Bình – ca không tiếng hát
Chỉ nghe rào rạc tiếng sông Lô
Dòng sông chảy biếc trời man mác
Một chuyến phà sang sóng vỗ bờ.
Phải chăng anh người lái phà năm trước
Ánh đèn đêm soi bóng nước lăn tăn.
Phà xưa chở xe ta đi chiến dịch,
Nay chở đầy máy kéo xe lăn.
Tôi đứng bên sông chiều gió lạnh
Tưởng như còn đứng gọi đò đêm.
Núi cao ngửa mặt nhìn mây trắng
Bè nứa xuôi về, thuyền ngược lên.
Phải chăng anh người lái phà năm trước
Chờ suốt đêm dài xe nối xe…
4 – 1961
Trong các thi sĩ Việt Nam Thế kỷ 20, Hoàng Trung Thông là người có học vấn uyên bác. Thơ ca của ông giúp con người sống tốt hơn, tâm hồn trong sạch hơn, đánh thức tình yêu với con người, nỗ lực đấu tranh vì những lý tưởng nhân đạo và sự tiến bộ của con người. Thơ Hoàng Trung Thông ảnh hưởng mạnh mẽ và tác động tới đời sống nhiều thế hệ. Nhà nghiên cứu – giáo sư Phan Ngọc đã từng viết về ông: “Trong thâm tâm, anh là con người nhỏ bé, của những con người nhỏ bé. Trong thơ, anh chỉ là nhà thơ của những người nhỏ bé” và “Chỉ có một Hoàng Trung Thông nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung Thông”.