Bài thơ Mùa Hoa Cải mở đầu với câu thơ “Có một mùa hoa cải, nở vàng bên bến sông” … một câu thơ, một câu hát đã từng khắc khi trong trí nhớ của bao thế hệ lớp người 6X,7X. Bài thơ Mùa hoa cải gợi cho ta bao kỷ niệm của một thời xa ngái, một thời hào hùng của tuổi hai mươi: Gác bút nghiên, tạm biệt người yêu lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
(Nghiêm Thị Hằng)
Có một mùa hoa cải
Nở vàng bên bến sông
Em đương thì con gái
Ðợi tôi chưa lấy chồng.
Tôi rụt rè không dám
Hái một bông cải ngồng
Sợ làm con bướm trắng
Giật mình bay sang sông.
Qua bao mùa hoa cải
Chỉ mình tôi biết thôi
Mình tôi không dám hái
Hoa cải bay về trời .
Bâng khuâng chiều làng bãi
Không còn hoa cải ngồng
Ai xui tôi trở lại
Ngày em đi lấy chồng.
Tôi lại gieo hạt cải
Lại âm thầm đợi mong
Có một người con gái
Ðợi tôi chưa lấy chồng.
Cảm xúc hoa cải đã trở thành đề tài sáng tạo nghệ thuật. Khi là thơ, khi là chuyện, khi là nhạc… vẫn gieo vào lòng người cảm xúc khó quên.
Mùa hoa cải là không gian của những cảm xúc phiêu bồng, mộc mạc của một chuyện tình giữa cô thiếu nữ đương tuổi xuân thì với người thương, một người lính ra đi mãi không về. Tuổi xuân cũng chỉ như mùa hoa cải, thoắt trải thảm vàng, thoắt đổi sắc thay màu, chỉ rộ lên thoáng chốc, chỉ một chiếc “cầm tay bối rối”, người con gái ấy ôm lời ước hẹn đợi chờ người yêu “bao mùa vàng rực nắng” nhưng “anh mãi không về”. Giai điệu buồn man mác tương phản với màu “nắng vàng tươi mê mải”, với “mùa hoa cải nở vàng bên bến sông”, là sự xáo trộn giữa quá khứ và hiện tại, với những mộng ước đẹp đẽ, nên thơ của tuổi xuân và bộn bề cuộc sống, quy luật của thời gian, của đời người.
Thế nhưng, điều đẹp đẽ và đọng lại của Mùa hoa cải là tình yêu còn ở lại, như màu hoa vàng lung linh không bao giờ phai nhạt trong tâm tưởng. Cô gái “đành bước sang ngang” nhưng tình yêu vẫn còn đó, con tim vẫn cháy mãi, vẫn mong ngóng ngày trở về của người yêu, dù đã qua những tháng năm mòn mỏi trông chờ vô vọng. Bỏ lại mùa hoa cải sau lưng và những tháng năm một lòng sắt son chung thủy nhưng ngọn lửa tình yêu và kỷ niệm một thời đáng nhớ không tắt lịm, vẫn cháy sáng âm thầm và bền bỉ trong trái tim của người con gái ấy.
Chiến tranh đưa những người con trai đẹp nhất, can đảm nhất ra đi không hẹn ngày trở về. Và hình ảnh những người con gái, những người chị, người em, người mẹ hiền nuôi nấng niềm tin yêu và khoảnh khắc sum họp đã trở thành một biểu tượng bất tử của dân tộc ta. Biểu tượng ấy đã được các nhạc sĩ tài hoa khắc họa bằng vẻ đẹp của ngôn từ, của những hình ảnh có sức sống bền bỉ với thời gian, trong đó Mùa hoa cải của nhạc sĩ Lê Vinh là một thí dụ nổi bật.
Lời ca đẹp kết hợp với nhạc điệu tha thiết, trầm tư đã kể một câu chuyện buồn nhưng không bi lụy, vừa gợi lên niềm thương xót lại gợi mở ra một không gian, nơi công chúng được đắm mình trong những cảm xúc lắng sâu, giúp lây lan và nuôi dưỡng sự tinh tế của tâm hồn, sự nhạy cảm với nhân tình thế thái.
Mùa hoa cải được nhạc sĩ lãng du Lê Vinh phổ thơ Nghiêm Thị Hằng. Đây được xem là một dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của ca sĩ Thái Bảo, cũng là ca khúc từng giúp ca sĩ Thanh Tâm đoạt Huy chương Vàng hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995.
Chắc hẳn giờ đây, đã mấy chục năm trôi qua, chiến tranh đã đẩy lùi nhưng bài thơ Mùa hoa cải vẫn để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Mỗi lần đọc lại bài thơ ấy, nghe lại bản nhạc ấy nhiều người không giấu được những giọt nước mắt xúc động…