Trọn bộ những bài thơ chữ nôm của nhà thơ Nguyễn Khuyến phần 1

Nhắc đến những bài thơ chữ nôm thì chúng ta không quên nghĩ đến nhà thơ Nguyễn Khuyến.Ông là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên. Cùng nhau khám phá những bài thơ của ông nhé!

Nội Dung

Trong thiên hạ có anh giả điếc,
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây!
Chẳng ai ngờ “sáng tai họ, điếc tai cày”,
Lối điếc ấy sau này em muốn học.
Toạ trung đàm tiếu, nhân như mộc,
Dạ lý phan viên, nhĩ tự hầu.
Khi vườn sau, khi ao trước, khi điếu thuốc, khi miếng trầu.
Khi chè chuyên năm bảy chén, khi Kiều lẩy một đôi câu;
Sáng một chốc, lâu lâu rồi lại điếc,
Điếc như thế ai không muốn điếc?
Điếc như anh dễ bắt chước ru mà!
Hỏi anh, anh cứ ậm à!

Gõ cửa làm chi quấy cả ngày,
Hỏi ra mới biết lão ăn mày.
Ăn mày chớ có ăn tao nhé,
Gạo kém, đồng khô thế mới rầy.

Hạ hơi hơi, hạ hời hời,
Nam nhi đứng ở trên đời,
Thông minh tai mắt là người trần gian.
Tang tình tang, tịnh tình tang,
Em thơ chị ẵm, em ngoan chị bồng.
Màn Đồng Tử, gối Ôn Công,
Lớn lên em phải ra công học hành.
Xinh ghê xinh gớm là xinh,
Tình tính tinh,
Sớm khuya cửa Khổng, sân Trình,
Dốc lòng nấu sử sôi kinh chớ rời.
Hạ hơi hơi, hạ hời hời,
Học là học đạo làm người,
Làm người phải giữ lẽ trời dám sai.
Làm trai cho đáng nên trai,
Ngày một, ngày hai,
Chớ đừng nay lại ngày mai,
Chớ đừng đi nghịch cho phai lòng vàng
Ngoan ngoan, ngoan thực là ngoan,
Bé cần học, lớn làm quan,
Khắp triều chu tử, đều làng thi thư.
Ư ư giữ khư khư,
Chiêu ư tư, tịch ư tư,
Văn chương thầy nước, thi thư báu nhà.
Ạ a a,
Ghê thậm là ghê,
Có công cách tri tu tề,
Khốn quẫn cũng biết, ngu si cũng hiền.
Khuyên khuyên khuyên thực là khuyên,
Lẻn lèn len,
Hễ mà có chí thì nên
Cầu kiều đã bắc dịp lên đấy rồi.
Đi chơi, chớ có đi chơi,
Chị khuyên em, em phải nghe lời,
Chim hằng bay,
Nga hằng lội,
Đáp cao núi Thái, tát vơi sông Thù,
Ru hời ru hỡi tình ru,
Cu cu hề cu cu,
Chèo thuyền đến bến thầy Chu,
Bút nghiên làm dấu võng dù cân đai.
Rõ bảng rõ bài,
Tranh khôi đoại giáp dễ nhường ai,
Chị Hằng Nga vốn yêu người niên thiếu,
Chuyên chuyên, em học cho chuyên,
Hi thánh hi hiền,
Kìa người tiến sĩ, trạng nguyên,
Cũng là học vấn cần chuyên những ngày.
Hay hay thế mới là hay,
Này đây này,
Cửa trời mở rộng đường mây,
Có công mài sắt có ngày nên kim.
Chị yêu em!
Nhẻm nhèm nhem,
Nắm nem không thèm,
Một nhà đầm ấm ơn trên,
Mở giòng phiệt duyệt, rộng nền tổ tông,
Sênh sang áo phượng sân rồng,
Bõ công cha mẹ vẫy vùng áo xiêm,
Em ơi em hỡi em hời!
Muốn nên tai mắt ở đời,
Thì em phải nhớ lấy lời chị ru.
Ru hời ru hỡi tình ru!

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây ta với ta.

Bóng người ta nghĩ bóng ta,
Bóng ta, sao lại hoá ra bóng người?
Tỉnh tinh rồi mới nực cười.
Giấc hồ ai khéo vẽ vời cho nên?
Cô đào Sen là người Thi Liệu,
Cớ làm sao õng ẹo với làng nho?
Bóng đâu mà bóng đè cô?
Bỗng thấy sự nhỏ to thêm thắc mắc.
Cố diệc hữu thân vi ngoại vật,
Khán lai đô thị mộng trung nhân.
Sực tỉnh ra nào biết chuyện xa gần,
Còn văng vẳng tiếng đàn lần tiếng trống.
Quân bất kiến: Thiên Thai động khẩu cần tương tống;
Dẫu bóng ta, ta bóng có làm sao,
Thực người hay giấc chiêm bao?

Chú huyện Thanh Liêm khéo giở trò,
“Bồ tiên thi” lại lấy vần bồ.
Nghênh ngang võng lọng nhờ ông sứ,
Ngọng nghẹo văn chương giở giọng ngô.
Bồ chứa miệng dân chừng bật cạp,
Tiên là ý chú muốn vòi xu!
Từ vàng sao chẳng luôn từ bạc,
Không khéo mà roi nó phết cho.

Ôm tiu, gối mõ ngáy khò khò,
Gió lọt phòng thiền mát mẻ cô.
Then cửa từ bi cài lỏng cánh,
Nén hương tế độ đốt đầy lò.
Cá khe lắng kệ đầu hi hóp,
Chim núi nghe kinh cổ gật gù.
Nhắn bảo chúng sinh như muốn độ,
Sẽ quỳ, sẽ niệm, sẽ nam mô.

Tháng ngày thấm thoắt tựa chim bay,
Ông gẫm mình ông, nghĩ cũng hay.
Tóc bạc bao giờ không biết nhỉ!
Răng long ngày trước hãy còn đây.
Câu thơ được chửa? Thưa rằng được.
Chén rượu say rồi. Nói chửa say.
Kẻ ở trên đời lo lắng cả,
Nghĩ ra ông sợ cái ông này.

Mái tóc chòm đen, chòm lốm đốm,
Hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay.
Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
Ông ngẫm mình ông thêm ngán nỗi:
Đi đâu, giở những cối cùng chày.

Năm ngoái, năm kia đói muốn chết,
Năm nay phong lưu đã ra phết!
Thóc mùa, thóc chiêm hãy còn nhiều
Tiền nợ, tiền công chưa trả hết.
Trong nhà rộn rịp gói bánh chưng,
Ngoài ngõ bi bô rủ chung thịt.
Ta ước gì được mãi như thế,
Hễ hết Tết rồi, thời lại Tết!

Châu chấu làm sao dám đá voi,
Đứng xem ta cũng nực cơn cười.
Loe xoe sấn lại dương đôi vế,
Ngứa ngáy không hề động nửa đuôi.
Hay giở cuộc này ba chén rượu,
Được thua chuyện ấy một trò chơi.
Nghĩ ra ta cũng thương mình nhỉ,
Theo đít còn hơn một lũ ruồi!

Trò trẹt chi bay học cạnh thầy,
Gật gà gật gưỡng nực cười thay!
Giọng khê nồng nặc không ra tiếng,
Mắt lại lim dim nhắp đã cay.
Đồng nổi đâu đây la liệt đảo,
Ma men chi đấy tít mù say.
Dễ thường bắt chước Chu Y đó
Quyển có câu thần vậy gật ngay.

Văn hay chữ tốt ra tuồng,
Văn dai như chão, chữ vuông như hòm.
Vẻ thầy như vẻ con tôm,
Vẻ tay ngoáy cám, vẻ mồm húp tương.
Vẻ lịch sự ai bằng thầy Cự Lộc,
Vẻ cô đầu nói móc có vài câu:
Anh chẳng sang, mà cũng chẳng giàu.
Hầu bao ních, rận bâu quanh chiếu;
Khăn nhuộm lờ lờ mùi nước điếu,
Nón sơn không méo cũng không tròn.
Quần vải thô, ngại giặt ngả màu son,
Giày cóc gặm, nhặt dây đàn khâu lấy.
Phong lưu ấy, mà tình tính ấy,
Đến cô đầu, vẫn thấy lả lơi bông,
Xinh thay diện mạo anh hùng!

Đầu làng Ngang có một chỗ lội,
Có đền ông Cuội cao vòi vọi;
Đàn bà qua đấy vén quần lên,
Chỗ thì đến háng, chỗ đến gối;
Ông Cuội ngồi trên mỉm mép cười,
Cái gì trăng trắng như câu cúi?
Đàn bà khép nép đứng liền thưa:
Con chót hớ hênh ông xá tội;
Thôi, thôi con có tội chi mà,
Lại đây ông cho giống ông Cuội;
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người,
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.

Dở trời, mưa bụi còn hơi rét.
Nếm rượu, tường đền được mấy ông?
Hàng quán người về nghe xáo xác,
Nợ nần năm hết hỏi lung tung.
Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.
Pháo trúc nhà ai một tiếng động.

Ai đi Hương Tích chợ trời đi!
Chợ họp quanh năm cả bốn thì.
Đổi chác người tiên cùng khách bụt,
Bán buôn gió chị lại trăng dì.
Yến anh chào khách nhà mây toả,
Hoa quả bày hàng điếm cỏ che.
Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ,
Bán mua mặc ý muốn chi chi.

Chom chỏm trên sông đá một hòn,
Nước trôi sóng vỗ biết bao mòn?
Phơ đầu đã tự đời Bàn Cổ,
Bia miệng còn đeo tiếng trẻ con.
Rừng cúc tiền triều trơ mốc thếch,
Hòn câu Thái phó tảng rêu tròn.
Trải bao trăng gió xuân già giặn,
Trời dẫu già, nhưng núi vẫn non.

Một con thuyền đủng đỉnh dạo Hồ Tây.
Sóng rập rờn sắc nước lẩn chiều mây,
Bát ngát nhẽ dễ trêu người du lãm.
Yên thuỷ mang mang vô hạn cảm,
Ngư long tịch tịch thục đồng tâm.
Rượu lưng bầu, mong mỏi bạn tri âm.
Xuân vắng vẻ, biết cùng ai ngâm hoạ?
Gió hây hẩy bõng nức mùi hương xạ,
Nhác trông lên, vách phấn đã đôi bài.
Thơ ai, xin hoạ một vài.

Nay mừng ông lão tám mươi,
Ấy dân Hoài Cát hay người Đường Ngu?
Nhởn nhơ kích nhưỡng khang cù,
Thiều quang chín chục, xuân thu tám nghìn.
Chẳng tiên ấy cũng là tiên!

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được.
Chừa được nhưng mà cũng chẳng chừa.

Trên đây chúng tôi đã chia sẻ đến các bạn những bài thơ chữ nôm của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Qua đó ta thêm yêu và ngưỡng mộ tài năng của ông trong sáng tác thơ. Đồng hành cùng phongnguyet.info để theo dõi phần 2 vào một ngày không xa nhé! Thân Ái!

Viết một bình luận