Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và tập Bạch Vân quốc ngữ thi tập Phần cuối

Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều sáng tác nổi tiếng trong đó phải kế tới tập Bạch vân quốc ngữ thi tập. Đây cũng được xem là một tập thơ Nôm đánh dấu mốc thành tựu lớn của văn học trung đại Việt Nam. Đây là một tập thơ mở đầu cho dòng văn thơ giàu tính triết lý, thế sự. Bởi nó đã mô tả được xã hội ở góc nhìn và là sự cống hiến của văn hoc thời Mạc.

Nội Dung

Giàu chễnh chện khói lơi thơi
Vận chuyển lưu thông há của ai
Vũng nọ ghê khi làm bãi cát
Chồi kia có thuở lọt hòn thai
Khôn ngoan mới biết thăng rồi giáng
Dại dột nào hay tiểu có đài
Đã khuất bao nhiêu thì lại duỗi
Đạo trời lồng lộng chẳng hề sai

Giàu ba bữa khó hai niêu
An phận thì hơn hết mọi điều
Khát uống trà mai hơi ngút ngút
Sốt kề hiên nguyệt gió hiu hiu
Giang sơn tám bức là tranh vẽ
Hoa cỏ tư mùa ấy gấm thêu
Thong thả hôm khuya nằm sớm thức
Muôn vàn đã đội đức trời Nghiêu

Giàu sang người trọng khó ai nhìn
Mấy dạ yêu vì kẻ nhỡ nhàng
Thuở khó dẫu chào chào cũng lảng
Khi giàu chẳng hỏi hỏi thì quen
Quen hiềm dan dít đều làm bạn
Lảng kẻo lân la nỗi bạ men
Đạo nọ nghĩa này trăm miệng tiếng
Nghe lui thinh thỉnh lại đồng tiề

Thấy dặm thanh vân bước ngại chen
Được nhàn ta sá dưỡng thân nhàn
Ba gian am quán lòng hằng mến
Đôi chốn sơn hà mặt đã quen
Thanh vắng thú quê giàu bao nả
Dữ lành miệng thế mặc chê khen
Mai kia chửi dễ thu nên muộn
Xuân nọ tin hoa cũng mấy phen

Tháng mảng đã qua ngày đã rồi
Hay yên thửa phận mới nên vui
Bóng hoa lay động am chư phật
Măng trúc còn tươi bếp mới sôi
Hội đám công danh nhiều thoả chí
Thư nhàn sơn dã mới hay mùi
Làm người chớ thấy tài mà cậy
Có nhuệ bao nhiêu lại có đồi

Trải nỗi nguy nan đã mấy phen,
Thân nhàn phúc lại được về nhàn.
Niềm xưa trung ái thề không phụ,
Cảnh cũ điền viên thú đã quen.
Ba quyển đồ thư thu nặng túi,
Một thuyền phong nguyệt chở đầy then,
Trời cũng biết nơi lành với dữ,
Hoạ phúc không dong cái tóc chen.

Ðược thua thấy đã ít nhiều phen,
Ðể rẻ công danh đổi lấy nhàn.
Am Bạch Vân rồi nhàn hứng,
Dặm hồng trần vắng ngại chen.
Ngày chầy họp mặt, hoa là khách,
Ðêm vắng hay lòng, nguyệt ấy đèn.
Chớ chớ thờ ơ nhìn mới biết,
Ðỏ thì son đỏ mực thì đen.

Học ít thì thêm lại bất tài
Già mà luống phụ chí con trai
Quân thân thề hết lòng thờ một
Xuất xử cầu chưa đạo được hai
Mầm phúc vun trồng đừng ngại nẩy
Cửa no ngỏ kẻo phải then cài
Yêu đòi phận dầu tự tại
Lành dữ khen chê cũng mặc ai

Buồn về biếng thấy cái đao binh
Yên phận thì làm ở một mình
Nghĩa cả luống quen tôi chúa cũ
Thề xưa nỡ phụ nước non xanh
Rỗi nhàn thời ấy tiên vô sự
Ngâm ngợi cho nên cảnh hữu tình
Hai chữ mãn đoanh này khá ngẫm
Mấy người trọn được chữ thân danh

Tuổi già đã ngoại tám mươi già
Thấm thoát xem bằng bóng ngựa qua
Mai bạc lạnh quen nhiều tháng tuyết
Cúc vàng thêm đổi mấy phen hoa
Dẩu có phận là ơn chúa
Ðược làm người bởi đức cha
Am quán ngày nhàn rồi mọi việc
Dầu ta tự tại mặc dầu ta

Mệnh ở trời há phải cầu
Đòi thời đi đỗ mặc ai dầu
Kìa ai ải Bắc lưng đeo ấn
Nọ kẻ miền Đông tay dủ câu
Giữa đám công danh đi phải luỵ
Trong nơi ẩn dật mới nên mầu
Thưa nơi doanh mãn là nơi tổn
Hãy ngẫm cho hay kẻo nữa âu

Cầu may cuốc nguyệt gánh yên hà
Nào của nào chăng phải của ta
Đêm đợi trăng lồng bóng trúc
Ngày chờ gió thổi tin hoa
Thấy cơ doanh mãn cho hay chửa
Phải đạo trung thường chớ có qua
Dẫu lấy thánh kinh noi thửa học
Ví chưng xuất xử đạo thờ cha

Tuổi già mới tám mươi hai
Mọi của nhưng nhưng thấy đã ngoài
Yên phận ta nhàn được thú
Có dùng người trọng vì tài
Chim kêu hoa động thời xuân muộn
Nguyệt bạc đêm thanh hứng khách đài
Ân chúa đã nhiều chưa báo
Lòng còn canh cánh ắt khôn nài

Tóc đã thưa, răng đã mòn,
Việc nhà đã phó mặc dâu con.
Bàn cờ cuộc rượu vầy hoa trúc,
Bó củi cần câu trốn nước non.
Nhàn được thú vui hay bao nả,
Bữa nhiều muối bể chứa tươi ngon.
Chín mươi thì kể xuân đà muộn,
Xuân ấy qua thì xuân khác còn.

Lấy không ai cấm mặc ai dùng
Hễ của tự nhiên ấy của chung
Non nước có màu lòng khách hớ
Trúc mai làm bạn hứng thơ nồng
Chốn điền viên cũ dầu thong thả
Đạo thánh hiền xưa luống chốc mòng
Lòng thử hỏi lòng không hổ thẹn
Đến đâu thì cũng có xuân phong

Chửa dễ ai là bụt Thích Ca
Mọi niềm nhân ngã nhẫn thì qua
Lòng vô sự trăng in nước
Của thảng lai gió thổi hoa
Kìa khách xuân xanh khi trẻ
Mấy người đầu bạc tuổi già
Thanh nhàn ấy ắt là tiên khách
Được thú ta đà có thú ta

Chớ chê người ngắn, cậy ta dài,
Hơn kém dù ai cũng mặc ai.
Mùi nọ có bùi, không có ngọt,
Màu kia chày thấm, lại chày phai.
Đã hay định phận, đành yên phận,
Dẫu có tài hay, chớ cậy tài.
Quân tử ngẫm xem cơ xuất xử,
Ắt là khôn hết cả hoà hai.

Nhưng nhưng mọi sự gác bên ngoài,
Dù kém, dù hơn, ai mặc ai.
Mùi thế gian nhiều mặn nhạt,
Đường danh lợi có chông gai.
Mấy người phú quý hay yên phận?
Hễ kẻ anh hùng những cậy tài.
Dù thấy hậu sinh thời dễ sợ,
Sừng kia chẳng mọc, mọc hơn tai.

Vụng khéo nào ai chả có nghề,
Khó khăn ai luỵ đến thê nhi.
Được thì thân thích đem chân đến,
Thất thế hương lư ngoảnh mặt đi.
Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến,
Gang không mật mỡ kiến bò chi!
Đời nay những trọng người nhiều của,
Bằng đến tay không ai kẻ vì?

Thế gian biến đổi vũng nên đồi,
Mặn lạt chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc còn tiền còn đệ tử,
Hết cơm hết gạo hết ông tôi.
Xưa nay vẫn trọng người chân thực,
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người thế bạc,
Giàu thì tìm đến, khó tìm lui.

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu
Làm chi cho có sự đôi co
Đây cậy đây khôn đây chẳng chịu
Đấy rằng đấy phải đấy không thua
Duật nọ hãy còn đua với bạng
Lươn kia đâu dễ kém chi cò
Chữ rằng: “Nhân dĩ hoà vi quý”
Vô sự thì hơn kẻo phải lo

Thị phi chẳng quản mặc chê khen
Ngu dại chan chan tính đã quen
Cảnh cũ điền viên tìm chốn cũ
Khách nhàn sơn dã dưỡng thân quèn
Nhà thông ngõ trúc lòng hằng mến
Cửa mận tường đào bước ngại chen
Thế sự tuần hoàn hay đắp đổi
Từng xem thua được một hai phen

Dị bản (chép trong “Văn đàn bảo giám”):

Dữ lành miệng thế mặc chê khen
Tuổi đã già thì mọi sự hèn
Lộc nặng há quên ơn chúa nặng
May nên những lệ thuở công nên
Đồng triều quan cũ hay lòng ít
Bạn sĩ quê xưa họp mặt quen
Vinh nhục một cơ hằng đắp đổi
Ắt là từng thấy một đôi phen

Nói nên hoang lại nói rằng thì,
Giàu: trọng, sang: yêu, khó: chẳng vì.
Nhị kết, hoa thơm, ong đến đỗ,
Mỡ bùi, mật ngọt, kiến nào đi?
Thanh tao của có, thanh tao bấy,
Náo nức tay không, náo nức gì?
Mặc rủi, mặc may khi gặp gỡ,
Khen chi, khen miệng, cợt mà chi?

Nép mình qua trước chốn xôn xao
Mấy sự bên tai gió thoảng ào
Cửa trúc vỗ tay cười khúc khích
Hiên mai tréo cẳng hát nghêu ngao
Lo le đã vậy thời dầu vậy
Vặt vãnh màng bao sá quản bao
Chẳng hết trung cần hai chữ ấy
Nhờ ơn đất rộng cậy trời cao.

Một bầu một bát vũng sơn tăng
Thế sự ngoài tai biếng nói năng
Hoa nở luống hay tin gió
Đầm thanh còn thấy dáng trăng
Già ai ủ thông làm củi
Trẻ người yêu trúc mọc măng
Nếu có công danh thì có lụy
Cho hay dù có chẳng bằng chăng.

Gần son thì đỏ, mực thì đen,
Sáng, biết nhờ ơn thuở bóng đèn.
Ăn uống miễn theo nơi phép tắc,
Tới lui cho biết lẽ kinh quyền.
Nên chăng, mặc thế người lành dữ,
Tráo trở, khôn ai thói bạc đen.
Ở thế có khôn thì có khó,
Chữ rằng: “Vô sự tiểu thần tiên”.

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Ðời này nhân nghĩa tựa vàng mười
Có của thì hơn hết mọi lời
Trước đến tay không nào thiết hỏi
Sau vào gánh nặng lại vui cười
Anh anh chú chú mừng hơ hải
Rượu rượu chè chè thết tả tơi
Người của lấy cân ta sẽ nhắc
Mới hay rằng của nặng hơn người

Vòi vọi xuân xanh nửa tiền
Già càng khoẻ khó càng bền
Đòi phen lẩn luốt vì thơ dại
Mọi sự lờ đờ bởi rượu quen
Ngày vãn giải phiền cờ một cuộc
Đêm thanh làm bạn sách hai bên
Xưa nay xuất xử đâu là phải
Ở cũng nên về ắt cũng nên.

Giầu mặc phận khó đâu bì
Đọ thanh nhàn khá nhất nhì
Vếu váo câu thơ cũ rích
Khề khà chén rượu hăng xì
Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri
Sự thế đôi co dầu sự thế
Dữ không thây thẩy chẳng hề chi

Trên đây là những bài thơ cuối cùng của Nguyễn Bỉnh Khiêm viết  trong tập Bạch vân quốc ngữ thi tập mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn sẽ hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ. Cũng như nắm được dòng thơ văn giàu tính triết lý, tư duy lý trí. Và cũng đã mô tả được đời tư, đời thường trong tiến trình văn học dân tộc. Cũng đừng quên đón đọc những bài viết theo để cập nhật những bài thơ hay bạn nhé!

Viết một bình luận