Top 10 bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh

Xuân Quỳnh là nhà thơ nữ xuất sắc của những năm cuối thế kỉ XX. Thơ Xuân Quỳnh mộc mạc, tự nhiên, là tiếng lòng, là những khát khao, suy nghĩ và cách hiểu về cuộc sống tình yêu và hạnh phúc. Đọc thơ của tác giả ta như đang đọc một cuốn nhật kí mà ở đó người đọc như bị thu hút bởi nét phong cách rất riêng không lẫn vào đâu được: chân chất, đôn hậu, yêu đời, vui tính nhưng cũng rất sắc sảo và không kém phần sâu cay. Hãy cùng phongnguyet.info thưởng thức những bài thơ hay nhất góp phần tạo nên tên tuổi của nhà thơ nữ tài hoa này bạn nhé.

Tự hát

Bài thơ “Tự hát” sáng tác năm 1984, in trong tập thơ cùng tên của tác giả được đánh giá là một trong những thi phẩm hay, mang đậm phong cách phụ nữ nói chung và Xuân Quỳnh nói riêng. Ta có thể nhận thấy một hồn thơ đa cảm mà dung dị, một trái tim yêu mãnh liệt, ào ạt, đam mê, sẵn sàng cháy đến tận cùng nỗi khát khao dâng hiến. Được viết trong tâm trạng hạnh phúc của một người phụ nữ đang yêu và được yêu, không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ đặt tên cho thi phẩm là “Tự hát”. Phải chăng đó là tiếng lòng, là trạng thái phấn chấn của con người đang say đắm trong tình yêu như đang cất lên khúc nhạc du dương về một tình yêu trọn vẹn.

Chả dại gì em ước nó bằng vàng

Trái tim em, anh đã từng biết đấy

Anh là người coi thường của cải

Nên nếu cần anh bán nó đi ngay.

Em cũng không mong nó giống mặt trời

Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống

Lại mình anh với đêm dài câm lặng

Mà lòng anh xa cách với lòng em.

Em trở về đúng nghĩa trái tim

Biết làm sống những hồng cầu đã chết

Biết lấy lại những gì đã mất

Biết rút gần khoảng cách của yêu tin.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu.

Mùa thu nay sao bão giông nhiều

Những cửa sổ con tàu chẳng đóng

Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm

Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh.

Em lo âu trước xa tắp đường mình

Trái tim đập những điều không thể nói

Trái tim đập cồn cào cơn đói

Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn.

Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa

Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

Sóng

Bài thơ “Sóng” sáng tác năm 1967, in trong tập “Hoa dọc chiến hào” xuất bản năm 1968 của tác giả. Bài thơ lấy cảm xúc trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), khi đó Xuân Quỳnh mới 25 tuổi, trẻ trung, yêu đời. Đây là bài thơ rất hay về tình yêu được rất nhiều bạn đọc đón nhận, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh với vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu thông qua hình tượng con sóng. Đó là tình yêu tha thiết, nồng nàn, đầy khát vọng, sắt son, chung thủy và vượt lên mọi giới hạn của đời người. Từng câu chữ của bài thơ như những nốt nhạc trong bản nhạc của một tâm hồn đang rung lên đồng điệu với nhịp sóng biển, rạo rực, xôn xao, khát khao đến khắc khoải. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển khơi vô bờ bến.

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể.

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.

Trước muôn trùng sóng bể

Em nghĩ về anh, em

Em nghĩ về biển lớn

Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu?

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau.

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.

Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương.

Ở ngoài kia đại dương

Trăm nghìn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở.

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa.

Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.

Thuyền và biển

Bài thơ “Thuyền và biển” của nhà thơ Xuân Quỳnh được in trong tập “Chồi biếc” của tác giả xuất bản năm 1963, sau đó được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc năm 1981. Với thể thơ 5 chữ, giai điệu khi trầm lắng, chậm rãi, khi dạt dào cảm xúc mang sức sống của biển khơi, thi phẩm “Thuyền và biển” thực sự đã trở thành một bài thơ tỏ tình cho bất kì đôi lứa nào đang yêu thời bấy giờ.

Thuyền và biển trở thành một cặp không thể thiếu trong cuộc hành trình trên đại dương bao la, đúng là khoảng cách bến bờ của biển chỉ có thuyền mới xác định được bao nhiêu hải lý và cũng chỉ có biến mới theo kịp những chuyến rong ruổi của thuyền trên sóng biển bao la. Hình ảnh sóng đôi xuyên suốt bài thơ là thuyền và biển tượng trưng cho người con trai và người con gái trong tình yêu được thể hiện thật chân thành và sâu sắc. Tình thuyền và biển cũng như tình anh và em muôn đời không thay đổi, thủy chung, son sắc dù bão tố hay bình yên, dù đau khổ hay hạnh phúc. Dẫu có buồn đau sau chuỗi ngày xa cách, nhưng vẫn luôn nguyện gắn bó bền chặt bên nhau. Tất cả tạo nên một cung bậc tình yêu nhiều màu sắc, nồng nàn, thiết tha.

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển”

Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi.

Lòng thuyền nhiều khác vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa … còn xa.

Những đêm trăng hiền từ

Biển như cô gái nhỏ

Thầm thì gửi tâm tư

Quanh mạn thuyền sóng vỗ.

Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền

Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên?

Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mang nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu.

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau – rạn vỡ.

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.

Mẹ của anh

“Mẹ của anh” là bài thơ nàng dâu tặng mẹ chồng hay nhất trong thi ca Việt Nam ngày nay. Bài thơ được nhiều người yêu thích vì lời thơ chân tình, mộc mạc, chất thơ đằm thắm, đôn hậu, ý thơ ý nhị mà sâu xa, phản ánh tình cảm tốt đẹp giữa mẹ chồng – nàng dâu, một mối quan hệ mà xưa nay vẫn bị nhiều người cho là phức tạp, xa lạ và khó dung hòa.

Bài thơ “Mẹ của anh” của nhà thơ Xuân Quỳnh đã làm rơi nước mắt và vui lòng biết bao bà mẹ chồng Việt Nam bởi sự thấu hiểu và yêu quý của con dâu dành cho mẹ của chồng. Tác phẩm được sáng tác trước khi Xuân Quỳnh về làm dâu bà Vũ Thị Khánh (mẹ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) năm 1973. Cả bài thơ là lời thủ thỉ tâm tình như lời ru, với giai điệu chủ đạo là ngợi ca, tự hào và biết ơn mẹ.

Phải đâu mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.

Ngày xưa má mẹ cũng hồng

Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau

Bây giờ tóc mẹ trắng phau

Để cho mái tóc trên đầu anh đen.

Đâu con dốc nắng đường quen

Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần

Thương anh thương cả bước chân

Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao.

Lời ru mẹ hát thuở nào

Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh

Nào là hoa bưởi hoa chanh

Nào câu quan họ mái đình cây đa.

Xin đừng bắt chước câu ca

Đi về dối mẹ để mà yêu nhau

Mẹ không ghét bỏ em đâu

Yêu anh em đã là dâu trong nhà.

Em xin hát tiếp lời ca

Ru anh sau nỗi lo âu nhọc nhằn

Hát tình yêu của chúng mình

Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng.

Giữa ngàn hoa cỏ núi sông

Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ

Chắt chiu từ những ngày xưa

Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Thơ tình cuối mùa thu

Bài “Thơ tình cuối mùa thu” nằm trong tập thơ “Tự hát” của nhà thơ Xuân Quỳnh xuất bản lần đầu năm 1984. Bài thơ tựa như một bản nhạc du dương, êm ái thấm dần vào lòng bạn đọc. Không chỉ là cách miêu tả đất trời vào thu một cách đơn thuần, thi phẩm còn muốn nhấn mạnh tình cảm thiêng liêng của con người, đó là tình yêu.Tình yêu được thêu dệt bởi bức tranh phong cảnh cuối mùa thu càng trở nên độc đáo, lãng mạn và vô cùng mới mẻ.

Lời thơ giản dị, trong sáng không hề cầu kì hoa mĩ; tứ thơ khoan thai, nhịp nhàng như nói lên chính nỗi lòng của nhà thơ, chính nhịp đập của trái tim yêu thương chan chứa, khát khao được yêu thương và sống hết mình với tình yêu đó. Đọc thơ, ta như nhận thấy mình ở trong đó, trào dâng nỗi nhớ da diết với người mình yêu thương. Mùa thu tuy có phảng phất một nỗi buồn man mác, nhẹ nhàng nhưng đó lại là cung bậc của tình yêu. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều đã phổ nhạc bài thơ này và được rất nhiều người yêu thích.

Cuối trời mây trắng bay

Lá vàng thưa thớt quá

Phải chăng lá về rừng

Mùa thu đi cùng lá

Mùa thu ra biển cả

Theo dòng nước mênh mang

Mùa thu và hoa cúc

Chỉ còn anh và em

Chỉ còn anh và em

Là của mùa thu cũ

Chợt làn gió heo may

Thổi về xao động cả

Lối đi quen bỗng lạ

Cỏ lật theo chiều mây.

Đêm về sương ướt má

Hơi lạnh qua bàn tay

Tình ta như hàng cây

Đã bao mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ.

Thời gian như là gió

Mùa đi cùng tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi
Chỉ còn anh và em.

Chỉ còn anh và em

Cùng tình yêu ở lại…

Kìa bao người yêu mới

Đi qua cùng heo may.

Bàn tay em

Bài thơ “Bàn tay em” được sáng tác năm 1976 nằm trong tập “Tự hát” của nhà thơ Xuân Quỳnh là một tác phẩm rất đặc biệt với đề tài tình yêu. Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện ra một cách sống động từ sự dịu dàng, đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh tần tảo, lam lũ, yêu thương chồng con và khát khao được yêu thương lại đều thể hiện rất trọn vẹn qua hình tượng đôi bàn tay. Người phụ nữ ấy phải chăng cũng là chính tác giả hay người phụ nữ Việt Nam nói chung – những người đang ngày ngày đắp xây cho tổ ấm của mình. Thật đáng yêu, đáng trân trọng và khâm phục biết bao.

Gia tài em chỉ có bàn tay

Em trao tặng cho anh từ ngày ấy

Những năm tháng cùng nhau anh chỉ thấy

Quá khứ dài là mái tóc em đen.

Vui, buồn trong tiếng nói, nụ cười em

Qua gương mặt anh hiểu điều lo lắng

Qua ánh mắt anh hiểu điều mong ngóng

Anh nghĩ gì khi nhìn xuống bàn tay?

Bàn tay em ngón chẳng thon dài

Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả

Em đánh chắt chơi chuyền thuở nhỏ

Hái rau rền rau rệu nấu canh.

Tập vá may, tết tóc một mình.
Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ

Đường tít tắp, không gian như bể

Anh chờ em cho em vịn bàn tay.

Trong tay anh, tay của em đây

Biết lặng lẽ vun trồng gìn giữ

Trời mưa lạnh tay em khép cửa

Em phơi mền vá áo cho anh.

Tay cắm hoa, tay để treo tranh

Tay thắp sáng ngọn đèn đêm anh đọc

Năm tháng đi qua mái đầu cực nhọc

Tay em dừng trên vầng trán lo âu.

Em nhẹ nhàng xoa dịu nỗi đau.

Và góp nhặt niềm vui từ mọi ngả

Khi anh vắng bàn tay em biết nhớ

Lấy thời gian đan thành áo mong chờ.

Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở…

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ

Em trao anh cùng với cuộc đời em.

Hoa cỏ may

Nằm trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1989, bài thơ “Hoa cỏ may” của thi sĩ Xuân Quỳnh được độc giả rất yêu thích. Chỉ cần đọc tên bài thơ thôi, người đọc đã hình dung ra một khung cảnh thiên nhiên đẹp và hoang sơ – một mạch nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn trong dòng chảy thi ca của các nhà thơ Việt Nam. Tuy nhiên, với Xuân Quỳnh, tác giả lại thổi hồn vào tác phẩm của mình theo một cách riêng.

Với những câu thơ 7 chữ, nhịp thơ 2/2/3, thi sĩ như đang vẽ ra trước mắt độc giả một không gian mênh mang, im lìm đang chuyển mùa nên cứ ngẩn ngơ, xao xuyến, nhớ nhung về những kỉ niệm của những mùa thu đã qua. Hoa cỏ may, một loài hoa đồng nội, không kiêu kì, không hương sắc, mộc mạc và kiên cường. Chỉ cần có gió thổi là hoa cỏ may sẽ đặt chân đến bất cứ đâu. Bởi thế cho nên nó biểu trưng cho tình yêu dung dị, cho hạnh phúc đời thường và cả những khát khao yêu thương nồng cháy.

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ

Không gian xao xuyến chuyển sang mùa

Tên mình ai gọi sau vòm lá

Lối cũ em về nay đã thu.

Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa.

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may

Áo em sơ ý cỏ găm đầy

Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

Ai biết lòng anh có đổi thay?

Chuyện cổ tích về loài người

Xuân Quỳnh là nhà thơ tình với nhiều bài thơ nổi tiếng làm nên tên tuổi của nữ thi sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết Xuân Quỳnh còn là một nhà thơ dành cho thiếu nhi những vần thơ rất hay trong sáng và ngộ nghĩnh. “Chuyện cổ tích về loài người” là một trong số những bài thơ như thế.

Bài thơ nằm trong tập thơ “Lời ru trên mặt đất” xuất bản năm 1978 của nhà thơ và được trích đoạn làm bài tập đọc trong chương trình sách giáo khoa lớp 4 hiện nay. Đây là câu chuyện huyền thoại về thời gian đầu tiên thuở khai thiên lập địa được thuật lại bằng quan hệ tiếp nhận cổ tích khi tác giả hướng người nghe về trẻ em, biến trẻ con thành nhân vật trung tâm. Tất cả hiện ra với những dòng thơ năm chữ như giọng kể chuyện tâm tình, thủ thỉ. Sự sáng tạo về trời đất và con người được thể hiện không chỉ qua nghĩa của từ mà qua cả cấu trúc âm thanh của bài thơ.

Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Trên trái đất trụi trần

Không dáng cây ngọn cỏ

Mặt trời cũng chưa có

Chỉ toàn là bóng đêm

Không khí chỉ màu đen

Chưa có màu sắc khác

Mắt trẻ con sáng lắm

Nhưng chưa thấy gì đâu!

Mặt trời mới nhô cao

Cho trẻ con nhìn rõ

Màu xanh bắt đầu cỏ

Màu xanh bắt đầu cây

Cây cao bằng gang tay

Lá cỏ bằng sợi tóc

Cái hoa bằng cái cúc

Màu đỏ làm ra hoa

Chim bấy giờ sinh ra

Cho trẻ nghe tiếng hót

Tiếng hót trong bằng nước

Tiếng hót cao bằng mây

Những làn gió thơ ngây

Truyền âm thanh đi khắp

Muốn trẻ con được tắm

Sông bắt đầu làm sông

Sông cần đến mênh mông

Biển có từ thuở đó

Biển thì cho ý nghĩ

Biển sinh cá sinh tôm

Biển sinh những cánh buồm

Cho trẻ con đi khắp

Đám mây cho bóng rợp

Trời nắng mây theo che

Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Cho nên mẹ sinh ra

Để bế bồng chăm sóc

Mẹ mang về tiếng hát

Từ cái bống cái bang

Từ cái hoa rất thơm

Từ cánh cò rất trắng

Từ vị gừng rất đắng

Từ vết lấm chưa khô

Từ đầu nguồn cơn mưa

Từ bãi sông cát vắng…

Biết trẻ con khao khát

Chuyện ngày xưa, ngày sau

Không hiểu là từ đâu

Mà bà về ở đó

Kể cho bao chuyện cổ

Chuyện con cóc, nàng tiên

Chuyện cô Tấm ở hiền

Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc

Con mắt bà thì vui

Bà kể đến suốt đời

Cũng không sao hết chuyện

Muốn cho trẻ hiểu biết

Thế là bố sinh ra

Bố bảo cho biết ngoan

Bố dạy cho biết nghĩ

Rộng lắm là mặt bể

Dài là con đường đi

Núi thì xanh và xa

Hình tròn là trái đất…

Chữ bắt đầu có trước

Rồi có ghế có bàn

Rồi có lớp có trường

Và sinh ra thầy giáo…

Cái bảng bằng cái chiếu

Cục phấn từ đá ra

Thầy viết chữ thật to

“Chuyện loài người” trước nhất.

Nói cùng anh

Tình yêu là một thứ tình cảm không mới. Nó đã tồn tại từ khi loài người thoát thai khỏi đời sống động vật. Con người với bản năng sinh tồn cần có cơm ăn, nước uống và khí trời để thở. Có nhiều người chẳng yêu cũng sống được. Nhưng nếu không có tình yêu thì sao? Hai người xa lạ gặp nhau, mang nỗi buồn vui chia sẻ cùng nhau và cảm thấy hạnh phúc khi bên nhau, thậm chí hạnh phúc ngay cả khi nghĩ về nhau. Thế là yêu.

Nhưng đọc bài thơ nói cùng anh này, người đọc cảm nhận thấy có một vẻ bất cần. “Em biết đấy là điều đã cũ/ Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu”. Cảm giác này có thể được lí giải theo Sigmun Freud, đó là do những chấn thương về tình cảm tạo thành ẩn ức khiến cho người đã một lần thất bại trở nên mặc cảm.

Em vẫn biết đấy là điều đã cũ

Chuyện tình yêu, quan trọng gì đâu:

Sự gắn bó giữa hai người xa lạ

Nỗi vui buồn đem chia sẻ cùng nhau.

Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi

Niềm đau đớn tưởng như vô tận

Bỗng có ngày thay thế một niềm vui.

Ðiều hôm nay ta nói, ngày mai

Người khác lại nói lời yêu thuở trước

Ðời sống chẳng vô cùng, em biết

Và câu thơ đâu còn mãi ngày sau.

Chẳng có gì quan trọng lắm đâu

Như không khí, như màu xanh lá cỏ

Nhiều đến mức tưởng như chẳng có

Trước cuộc đời rộng lớn mênh mang.

Nhưng lúc này anh ở bên em

Niềm vui sướng trong ta là có thật

Như chiếc áo trên tường, như trang sách

Như chùm hoa mở cánh trước hiên nhà.

Em hiểu rằng mỗi lúc đi xa

Tình anh đối với em là xứ sở

Là bóng rợp trên con đường nắng lửa

Trái cây thơm trên miền đất khô cằn.

Ðó tình yêu, em muốn nói cùng anh

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự Người hơn.

Tiếng gà trưa

Bài thơ “Tiếng gà trưa” được nhà thơ Xuân Quỳnh viết năm 1968 giữa cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, khi lớp lớp thanh niên Việt Nam phải từ biệt gia đình, quê hương và gác lại những kí ức tuổi thơ thân thuộc để lên đường ra trận. Những năm tháng ấy có ý nghĩa vô cùng lớn lao, tác động trực tiếp đến sự ra đời cũng như mạch nguồn xúc cảm của bài thơ. Qua những câu thơ sáng trong, đằm lắng, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã mang cả kỉ niệm tuổi thơ mộc mạc, tình cảm bà cháu hòa vào cuộc chiến tranh, vào cảm hứng chung cho cả một thời đại.

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”.

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng

Này con gà mái mơ

Khắp mình hoa đốm trắng

Này con gà mái vàng

Lông óng như màu nắng.

Tiếng gà trưa

Có tiếng bà vẫn mắng:

– Gà đẻ mà mày nhìn

Rồi sau này lang mặt!

Cháu về lấy gương soi

Lòng dại thơ lo lắng.

Tiếng gà trưa

Tay bà khum soi trứng

Dành từng quả chắt chiu

Cho con gà mái ấp.

Cứ hàng năm hàng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới.

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt.

Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.

Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ.

Đọc thơ Xuân Quỳnh, không ai lại không cảm nhận được hồn thơ dung dị, nồng nhiệt và đằm thắm với nhiều mảng màu cảm xúc trong cuộc sống: vui có, buồn có, hạnh phúc có, lo âu có, tin tưởng có và cả hoài nghi vỡ vụn cũng có. Càng đọc, ta lại càng thêm yêu thơ Xuân Quỳnh cũng như tác giả nữ tài hoa cống hiến hết mình cho nghệ thuật vị nhân sinh, để rồi ta đồng cảm với tiếng hát của trái tim chân thành, nồng ấm và khát khao yêu thương không bao giờ ngơi nghỉ.

Viết một bình luận