Hoa tàn hoa nở cũng vô tình – Câu thơ đặc sắc trong bài thơ Vãn Cảnh của Hồ Chí Minh

玫瑰花開花又謝,
花開花謝兩無情。
花香透入籠門裡,
向在籠人訴不平。

Vãn cảnh

Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ,
Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình;
Hoa hương thấu nhập lung môn lý,
Hương tại lung nhân tố bất bình.

Dịch nghĩa

Hoa hồng nở hoa hồng lại tàn,
Hoa nở hoa tàn đều vô tình;
Hương thơm bay vào thấu trong ngục,
Tới kể với người trong ngục nỗi bất bình.

Theo thứ tự trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh “Cảnh chiều hôm” (Văn Cảnh) là một trong những bài thơ cuối tập, chỉ cách bài “Tân xuất ngục học đăng sơn” (Mới ra từ tập leo núi) chỉ có mười bài… Như vậy, lúc làm bài thơ này, nhà thơ bị giam cầm đã khá lâu, tâm trạng đã trải qua nhiều bức bối, phiền muộn. Tình hình thế giới và trong nước cũng đang có nhiều biến chuyển mau chóng, khiến cho chiến sĩ cách mạng càng cảm thấy cảnh ngộ của mình trở nên không thể chịu đựng. Sau hơn nửa năm trời bị giam cầm và di chuyển “Quảng Tây giải khắp mười ba huyện, mười tám nhà giam đã ở qua”, cái khổ của cảnh lao tù có thể nói là đã tạm quen, nhưng nỗi khát khao được tự do, được hoạt động thì lại thêm cháy bỏng. Bài thơ này, và cả những bài thơ tiếp theo đều nói lên tâm trạng ấy

Theo đầu đề, đây là một bài thơ tả cảnh (Văn cảnh – Cảnh chiều hôm), nhưng thật ra, bài thơ lại không tả cảnh mà chỉ nhân cảnh để nói lên tâm trạng, đo là nổi bất bình trước cảnh ngộ và niềm khao khát tự do của người tù.

Thường thì trong những hoàn cảnh như thế này, bất cứ thời khắc nào trong ngày cũng khiến người ta suy nghĩ để cay đắng về cảnh ngộ của mình. Tuy nhiên, trong những thời khắc ấy, thì cái thời khắc khi chiều đỗ xuống vẫn tác động đến tâm trạng người ta nhiều và mạnh hơn cả. Lí do một phần có lẽ do thứ ánh sáng nhàn nhạt của đất trời trước khi sập tối, cái hơi lành lạnh của buổi chiều về dễ khiến người ta nhận ra: thế là một ngàu nữa đã trôi đi mất. Càng nhận ra cuộc đời mình là quý giá, là cần thiết, thì cảm nhận về sự uổng phí của một ngày bị mất đi ấy càng thêm rõ ràng và cay đắng.

Cho nên, nói đến cảnh chiều hôm ở đây chỉ là cái cớ, cái thời khắc, hơn là nội dung của bài thơ.

Thực ra, xét riêng câu thơ đầu, nếu gọi đó là câu thơ tả cảnh cũng được:

” Mai khôi hoa khai hoa hữu tạ…”
(Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng)

Cảnh ấy là: Chiều đã xuống, hoa hồng đã rụng xuống. Coi đó là câu thơ tả cảnh thực, ta có thể hình dung ra bức tranh mà người tù đang nhìn thấy qua cửa sổ (hoặc khe hở nào đó) của phòng giam: trời đang sập tối, bóng tối càng xuống nhanh của một ngày đang độ mùa mưa, không gian cả trong và ngoài phòng giam đều âm u (ngay trước bài này là bài Thanh minh lất phất mưa phùn.. và sau đó là hai bài là bài Mưa lâu: Một ngày nắng hưởng, chín ngày mưa); trên mặt đất có mấy cây hồng ủ rũ với những bông hồng đang tàn pha…

Có thể trước mắt người tù thi sĩ và chiến sĩ này, đang diễn ra cảnh hoa hựu tạ (hoa lại rụng) ấy thật… Nhưng nếu thật như thế thì cảnh này cũng chỉ là nguyên cớ làm nảy sinh một cảnh trong tâm trạng, ấy là:

” Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng…”

Thấy hoa hồng rụng là nghĩ đến hoa nở, ấy là để cảm nhận một quá trình: thấm thoắt thời gian trôi qua, cái gì cũng có thể chuyển dời, cái gì cũng trôi mất, hết nở rồi tàn…

Trong câu thơ này, cần lưu ý từ hựu (nghĩa là lại, lại lần nữa). Việt nhìn thấy hoa hồng tàn ở đây không chỉ mới có trong buổi chiều hôm nay, cũng không phải chỉ có từ chiều hôm qua. Chính cái điều lại nở, lại tàn là gây ấn tượng mạnh cho nhà thơ lúc này.

Vì đó cũng là chỗ xuất phát cho cảm hững của bài thơ. Cũng vì thế mà, khác với nhiều bài thơ tả cảnh khác của Hồ Chính Minh, sang câu thơ thứ hai, tác giả không chỉ tả cảnh nữa mà là ngẫm nghĩ về cảnh.

” Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình…”
(Hoa tàn hoa nở cũng vô tình…)

Câu này có thể được hiểu theo mấy cách. Cách thứ nhất là: Hoa nở rồi hoa tàn, đó là chuyện tự nhiên, hoa nào có ý thức gì về việc tàn hay nở. Cách hiểu thứ hai có thể là: hoa nở rồi hoa tàn, hoa là vật vô tri, vô tình, hoa nào quan tâm gì đến ai, nào biết gì đến tâm trạng như ta. Lại có thể hiểu theo cách thứ ba: hoa nở rồi hoa tàn, đó là việc của hoa, việc của tự nhiên, ta đâu có quan tâm đến điều ấy.

Đọc hai câu thơ này, cứ tưởng là thở của vị ẩn sĩ nào thời xưa đã đến, lúc cuộc đời gác bỏ ngoài tai, mọi chuyện đời đều chỉ là chuyện nước chảy, mây trôi, hoa tàn, hoa nở. Nhưng thật là thú vị, tưởng là vô tình, nói là vô tình, mà lại hữu tình, rất hữu tình.

” Hoa hương thấu nhập lung môn lí,
Hương tại lung nhân tố bất bình.”
(Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình)

Hoa tưởng vô tình nhưng lại đưa hương đến tận nhà giam, đến tận người tù để kể với người tù nỗi bất bình của mình. Người tưởng vô tình lại đón được hương hoa từ bên ngoài vào ngục, lại lắng nghe được tâm sự của hoa. Như vậy, giữa hoa và người đã diễn ra một sự cảm thông chứ không có gì là vô tình nữa, Hoa có thể vô tình, vô giác về sự bất công của xã hội, về cảnh ngộ của người tù nữa.

Còn lỗi bất bình? Nỗi bất bình của ai? Theo ý tứ câu thơ thì đó là nỗi bất bình của hoa, nỗi bất bình mà hoa, nhờ hương của mình làm tiếng nói mang đến kể với người tù. Nhưng nỗi bất bình nào? Có phải đó là nỗi bất bình về chuyện hoa hồng nở, hoa hồng lại rụng? Nhưng đã nói rồi kia mà: Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình!

Thế thì, ở đây chỉ còn lại là nỗi bất bình của hoa về người tù, về cảnh ngộ của người tù. Phải chăng nỗi bất bình của hoa là thế này: tại sao, giữa hoa và người, có kẻ ở ngoài trời, có kẻ ở nhà giam? Và con người ở trong ngục kia, có tội gì mà phải bị giam cầm?

Hoa ra, đây cũng lại chính là nỗi bất bình của nhà thơ.

Cả bài thơ bốn câu, nhẹ nhàng, gần như vu vơ, chỉ để dồn vào hai tiếng cuối cùng bất bình. Đọc cả bài thơ, ấn tượng sau cùng, mạnh nhất, vẫn là hai tiếng: bất bình. Hẳn nhà thơ, khi viết bài thơ này, cũng chỉ là nói lên hai tiếng: bất bình. Đó là nỗi phẩn uất nhất, bức xúc nhất của nhà thơ lúc này, điều nhà thơ muốn kêu lên giữa nhà giam, muốn nói to lên giữa cuộc đời lúc này. Lời của bài thơi dịu, mà ý nghĩa của bài thơ rất mạnh là thế.

Từ dây, ta nhìn lại ý nghĩa của mấy từ này: tố bất bình (nói lên nỗi bất bình). Theo chữ nghĩa thì chủ ngữ của mấy tiếng này là hoa hương (hương của hoa nói lên nỗi bất bình).

Tuy nhiên, ở đây không chỉ là tiếng nói tố cáo của hoa hương mà chủ yếu, là tiếng nói của người tù. Người tù nói nên nỗi bất bình của mình. Ở đây, hương hoa chỉ là tác nhân làm bùng lên nỗi bất bình trong lòng người tù, khiến người phải thốt lên. Hay nói cách khác, hương hoa làm cho nỗi bất bình đã có sẵn trong lòng người từ phút chốc bùng lên, da diết, cháy bỏng hơn.

Trong bóng chiều hôm đang xuống, nhìn cảnh vật ngoài trời mà chỉ thấy hoa mai khôi, chỉ nhận ra hoa mai khôi đã tàn, ấy không phải chuyện ngẫu nhiên. Vì sao? Hẳn vì hoa hồng là loài hoa đẹp, tượng trung cho cái đẹp, tượng trưng cho hạnh phúc.

Nhìn hoa hồng tàn mà liên tưởng đến hoa nở, hoa tàn, ấy cũng không phải ngẫu nhiên. Thời gian đang trôi qua ngày này qua ngày khác, phí uổng trong lao tù.

Nhìn hoa hồng mà nghĩ đến hương hoa hồng, ấy càng không phải là ngẫu nhiên. Thực tế thì có lẽ ngồi trong trại giam khó mà ngửi thấy hương hoa hồng từ ngoài bay vào. Nhưng đây thì là hương hoa bay thấu vào trong ngục. Noi thấu là để nhấn mạnh, xa xôi cách trở thế, nhà tù có thể ẩm thấp hôi hám thế, hương hoa vẫn cứ bay tới tận nơi. Có được cái thấu ấy là bởi vì không những hoa hồng vốn có hương thơm mà còn bởi lòng người sẵn mở ra để đón nhận hương thơm. Đến đây ta lại càng hiểu thêm tấm lòng của Bác đối với cuộc đời, hiểu thêm sự đồng cảm tri âm tri kỷ của tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh với tất cả các sự vật thân thiết với con người. Một sự đồng cảm tuyệt vời!

Những đón nhận hương hoa rồi không chỉ để thưởng thức hương hoa, mà còn để nhận rõ thêm nỗi bất bình của mình. Vì sao? Vì hoa hồng là đẹp, là hạnh phúc, là tự do. Càng thấm thía hương thơm của hoa hồng, càng phẫn nộ trước cái xấu, cái ác đang có trong cuộc đời, càng nhận ra nỗi bất hạnh của mình. Bởi vậy, trong bao nhiêu điều mà hoa hồng có thể gợi lên cho mỗi người, nhà thơ đã bắt gặp điều tâm đắc nhất: khát vọng tự do.

“Cảnh chiều hôm” có cái đặc sắc của nó: câu từ lạ, bất ngờ, chủ đề thơ không hề được thông báo trước, đến cuối cùng mới xuất hiện, chỉ trong hai chữ, thế mà vẫn chặt chẽ, tự nhiên.

Vãn Cảnh là một tác phẩm đặc sắc của Hồ Chí Minh. Ông mượn cảnh để bộc lộ tâm trạng cô đơn, buồn chán của mình khi bị giam cầm. Đồng thời qua bài thơ chúng ta cảm nhận được niềm mong nhớ nhân dân và một tâm hồn kháng chiến mãnh liệt của ông. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!

Viết một bình luận