Nhà thơ Bằng Việt có tên khai sinh là Nguyễn Việt Bằng, sinh năm 1941 tại phường Phú Cát, thành phố Huế, lớn lên ở Hà Tây, học phổ thông tại Hà Nội. Năm 1961 được cử đi học luật tại Matxcơva (Liên Xô). Từng làm việc ở Hội Luật học, Hội nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội.
Đã in các tập thơ: Hương cây – Bếp lửa (chung với Lưu Quang Vũ, 1968), Những gương mặt – Những khoảng trời, Đất sau mưa (1977), Khoảng cách giữa lời, Phía nửa mặt trăng chìm (1995), Ném câu thơ vào gió, Thơ trữ tình (2002)…phongnguyet.info xin giới thiệu những bài thơ hay của nhà thơ Bằng Việt.
Bài thơ: Bếp lửa
Bếp lửa
Thơ Bằng Việt
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!”
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ…
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
– Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?…
Kiev, 1963
Nguồn:
1. Hương cây – Bếp lửa, NXB Văn học, 1968
2. Bếp lửa, NXB Văn học, 2005
3. Bằng Việt, tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Mẹ
Mẹ
Thơ Bằng Việt
Con bị thương, nằm lại một mùa mưa
Nhớ dáng mẹ ân cần mà lặng lẽ
Nhà yên ắng, tiếng chân đi rất nhẹ,
Gió từng hồi trên mái lá ùa qua.
Nhớ vườn cây che bóng kín sau nhà
Trái chín rụng suốt mùa thu lộp độp
Những dãy bưởi sai, những hàng khế ngọt,
Nhãn đầu mùa, chim đến bói lao xao…
Con xót lòng, mẹ hái trái bưởi đào
Con nhạt miệng, có canh tôm nấu khế
Khoai nướng, ngô bung, ngọt lòng đến thế
Mỗi ban mai toả khói ấm trong nhà.
Ba con đầu đi chiến đấu nơi xa
Tình máu mủ mẹ dồn con hết cả,
Con nói mớ những núi rừng xa lạ
Tỉnh ra rồi, có mẹ, hoá thành quê!
“Ông mất lâu rồi…” – Mẹ kể con nghe
Những chuyện làm ăn, những phen luân lạc,
Mắt nhoà đục và mái đầu tóc bạc
Cả cuộc đời chèo chống bấy nhiêu năm…
Những lúc hiếm hoi, mưa tạnh, trời trăng,
Mẹ hể hả ngắm con hồng sắc mặt
Con ra ngõ, núi chập chùng xanh ngắt
Lại tần ngần nói với mẹ ngày đi.
Mẹ cười xoà, nước mắt ứa trên mi:
– “Đi đánh Mỹ, khi nào tau có giữ!
Súng đạn đó, ba lô còn treo đó,
Bộ mi chừ đeo đã vững hay chăng?”
…Ôi mẹ già trên bản vắng xa xăm
Con đã đi rồi, mấy khi trở lại?
Dằng dặc Trường Sơn những mùa gió trái
Những mùa mưa bạc trắng cả cây rừng!
Con qua đâu thấy mái lá, cây vườn,
Cũng đất nước, phơ phơ đầu tóc mẹ…
Từng giọt máu trong người con đập khẽ,
Máu bây giờ đâu có của riêng con?
1972
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Thơ tình ngày biển động
Thơ tình ngày biển động
Thơ Bằng Việt
“Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể”
(Nghĩ lại về Pauxtôpxky, 1969)
Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa…
Trời ơi! Buổi sớm quá chừng thơm!
Anh hít thở mùa sen, năm anh mười tám tuổi,
Một ánh vui táo tợn của mùa hè
Khi những vệt ong hôn vào nhuỵ hoa cháy bừng
như vệt lửa,
Những trận lốc, những cơn mưa trước hồn anh bỏ ngỏ…
Và ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa,
Đã bao giờ anh ước đâu em?
*
Rất nhiều chuyện qua rồi. Rất nhiều chuyện
giống như quên,
Sau tuổi hai mươi, ngỡ không cần đến nữa:
Chút xôn xao trong hàng cây nắng nhỏ,
Giọt nước tròn rung rinh trong lá sen
Cả gợn sóng mơ hồ trong ánh mắt riêng em
Màu trời xám mênh mông ngày động biển
Cánh bướm mai hồng, cơn mưa chiều tím,
Một cửa sổ lặng thầm chi chút đếm sao rơi…
Hạnh phúc ta cần, thực cũng giản đơn thôi
Như chỉ ở trước ta trên một tầm tay với
Ngỡ rảo bước là sớm chiều sẽ tới
Suốt một đời, sao vẫn giục mình đi?
Em có thể là gì sau trang sách Pauxtốpxky?
Là một ánh bình minh xanh mờ không thể tắt,
Hay hương mát rừng thông cao ẩm ướt,
Một bóng mây khắc khoải cả mùa hè?
Anh không biết dãy phố ta đi hôm ấy gọi là gì?
Không biết lá cây trên đầu sao buổi chiều phát sáng?
Giọt nước mắt khác xưa giữa tình yêu, tình bạn,
Những kỷ niệm nơi này xáo trộn với nơi kia…
Anh và em (chỉ thế thôi). Mà không có Pauxtôpxky,
“Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!”
Chỉ còn lại cuối cùng những cảm thông da diết
Của tất cả những gì vừa có lại vừa không!
*
Tất cả có vậy thôi! Em – màu trong suốt của trời xanh
trên phố thợ,
Chỗ mặn nhất của đầu bọt sóng tự khơi xa…
Lại cũng là vết thương của anh, tuổi thơ của anh,
nơi ẩn kín của hồn anh bão tố,
Lá cỏ bồng gió ru trên bãi cát khô cằn,
Đốm lửa nhỏ bất ngờ trong một đêm ngủ rừng,
hai bàn tay lạnh cóng,
Hay màu ngói đỏ đầu tiên, sau cả cuộc chiến tranh dài!
Em thao thức mãi trong anh Tình Yêu lớn –
Yêu Người,
Yêu những thứ bị tàn phá đi, bây giờ cần dựng lại,
Yêu một cái cây, tự lúc gây mầm cho đến khi ra trái,
Yêu mọi nét đẹp của Đời,
để bồi đắp, sản sinh thêm…
*
Chưa bao giờ anh ước đâu em
Một ngôi nhà, bão dừng sau cánh cửa!
Hải Phòng, 1975
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Nghĩ lại về Pauxtôxpki
Nghĩ lại về Pauxtôpxki
Thơ Bằng Việt
1
Đồi Trung du phơ phất bóng thông già,
Trường sơ tán, hồn trong chiều lặng gió,
Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ
Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu!
“Lẵng quả thông” trong suối nhạc nhiệm màu
Hay “Chuyến xe đêm” thầm thì mê đắm,
Mùi cỏ dại trên cánh đồng xa thẳm
Một bầu trời vĩnh viễn ướp hương hoa…
Có thể ngày mai ta cũng đi qua
Một cánh cửa nao lòng trong truyện “Tuyết”,
Có tiếng chuông rung và con mèo Áckhíp
Ánh nến mơ hồ như hạnh phúc từng mong…
Xa xôi sao… Thời thơ ấu sau lưng!
2
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
cuộc đời không phải thế!
Giọt nước soi trên tay không cùng màu sóng bể,
Bể mặn mòi, sôi sục biết bao nhiêu
Khi em đến bên anh trước biển cả dâng triều…
Ta thu hết xa khơi vào trong lồng ngực trẻ
Dám thử mọi lo toan để vạch dấu chân trời,
Dấu xanh thẳm khi bình minh vụt đến
Dấu đen rầm khi đáy bóng đêm trôi…
Và hạnh phúc vỡ ra như một nốt đàn căng,
Nốt cao quá trong đời xao động quá,
Hạnh phúc cực hơn mọi điều đã tả
Lại ngọt ngào, kỳ lạ, lớn lao hơn!
Anh đã đi qua bão lốc từng cơn
Cây rung lá trong chiều thanh thản nhất,
Anh qua cả màu không gian ngây ngất
Một tiếng thầm trong nắng mới lao xao…
Em đã đến rồi đi như một giấc chiêm bao!
3
Bây giờ, anh biết nói gì hơn?
Có thể, ngày mai thôi… Có thể…
“Hoa tóc tiên ơi! Sớm mai và tuổi trẻ…”
Lật trang nhật ký nào cũng chỉ xát lòng thêm!
Pauxtốpxky là dĩ vãng trong em
Thành dĩ vãng hai ta. Bây giờ anh ngoảnh lại:
Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu,
anh hiểu rằng không phải,
Như tuổi thơ, vừa đó đã xa vời!
Đưa em đi… Tất cả thế xong rồi…
Ta đã lớn. Và Pauxtốpxky đã chết!
Anh vẫn khóc khi nghĩ về truyện “Tuyết”,
Dầu chẳng bao giờ mong đợi nữa đâu em!
1969
Cônxtantin Pauxtốpxky (1892–1968): Nhà văn Nga, thần tượng của tuổi trẻ một thời, với những truyện ngắn nổi tiếng như: “Lẵng quả thông”, “Chuyến xe đêm”, “Tuyết”… và nhiều tác phẩm khác, có phong cách lãng mạn cao thượng, có bút pháp phóng túng, tràn đầy lòng cảm thương và trân trọng con người, cũng như những khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc con người.
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Đi chợ tết
Đi chợ tết
Thơ Bằng Việt
Bản Sán Dìu xanh hơi khói lên
Sương ủ cành xuân, đất ẩm mềm
Hôm nay xuống chợ như đi hội
Khi chị cài hoa lên áo em!
Bản Sán Dìu bắn máy bay rơi!
Hôm nay đi chợ quên đường thôi!
Bốn bên thắt nút dây lưng tía
Ai cũng cùng em chia nỗi vui…
Một thoáng rồng lên núi ngậm tăm
Lăn lộn xông pha tính hướng tầm,
Công đi săn Mỹ như săn thú
Chửa bắn rơi xong, bụng chửa mừng!
Bản Sán Dìu thắng xong, trẻ quá!
Vồng cải vàng hoe, tươi tắn lạ!
Em xuống triền núi dốc như say
Mùi cúc thơm khi nào không hay
Quay lại nhìn bóng mây Tam Đảo
Biết chị đang ngồi trực đổi phiên
Hôm nay chị đi chợ mua nhiều lắm
Chị ngóng lâu về đến phát ghen!
Nhưng vui chân quá, vui chân thế!
Chị ơi, thôi chị chẳng nên hờn.
Hôm nay đi chợ quên đường nhá!
Đánh Mỹ rồi, em lại trẻ con!…
1967
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài hơ: Em và tôi
Em và tôi
Thơ Bằng Việt
1
Em có nét buồn sâu như ngọn gió
Thổi lang thang qua năm tháng hao gầy,
Tôi có chút buồn xa như vạt cỏ
Khuất chìm sau cát bỏng đến chân mây…
Khi quay lại nhìn nhau trong khoảnh khắc
Gió qua truông thương cỏ cháy ven trời,
Chỉ em biết, cỏ rồi xanh mút mắt,
Chỉ một mình em biết – cỏ là tôi!
2
Em có thể có gì xa cách lắm
Những ưu phiền chưa nói hết cùng tôi,
Mưa sau núi trải về xa thẳm thẳm
Lối em đi, mù xoá dấu chân rồi…
Nhưng gương mặt qua sa mù trẻ lại
Tươi như sương mà lãng đãng như sương…
Có thể hoá hồ ly trong truyện cổ
Có thể hoá nàng tiên trong cuộc đời thường.
Tôi chớp mắt…chờ phút giây huyễn hoặc!?!
Em vẫn vô tâm, lặng lẽ như thiền…
Nếu hoá nước, hẳn hoá nguồn trong suốt,
Chỉ một mình tôi biết – đó là em!
1999
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Khoảng cách giữa lời
Khoảng cách giữa lời
Thơ Bằng Việt
Biết làm sao! Chúng ta quá nhiều lời
Ngay ở chỗ lẽ ra cần nói ngắn!
Bao lần em lẳng lặng
Đủ khiến tôi bàng hoàng!
Khi phần nói lấn hết phần được sống
Lấn hết mọi điều tiềm ẩn giữa câu
Thì vạn câu thơ cũng thành rẻ rúng
Liệu còn gì vang vọng nữa trong nhau?…
1983
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Bách thảo
Bách thảo
Thơ Bằng Việt
Bách thảo hồn xưa cũ
Công viên đã quá già
Hoa còn gì đâu nữa
Lá khô đầy lối qua!
Ngựa voi về vườn Láng
Núi rêu phong một mình
Hàng rong chiều quạnh vắng
Leo lét ngọn đèn xanh.
Nhưng có phải không em
Có một thời, ở đó…
Có một mùa, ánh trăng…
Có một chiều, tuổi nhỏ…
Thế đủ là tất cả,
Dẫu công viên đã già
Dẫu cây giờ trụi lá
Dẫu cỏ giờ không hoa!
1989
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Em đừng ghen với quá khứ
Em đừng ghen với quá khứ
Thơ Bằng Việt
Em đừng ghen với những thoáng say mê
Trong giấc mơ hoa niên, chỉ bay mà chẳng đứng!
Cơn gió nhỏ giữa chiều thu lơ lửng
Búp lá bên đường cũng thức dậy tình yêu!
Và mùa hè đầy ắp tiếng ve kêu
Hoa sen thắm đưa hương mười sáu tuổi,
Và những cái nhìn rất vội
Suốt cả mùa trăng, mùa trăng, mùa trăng…
Em đừng ghen với quá khứ trong anh
Những khuôn mặt đi qua, nụ cười và nước mắt,
Tuổi trẻ rì rầm những đêm không tắt
Thuở tình yêu như cánh gió không bờ!
Nhưng chỉ tới hôm nay, lắng hơn hết bao giờ
Khi chỉ có em thôi, mới thành đời sống thật,
Em ghen chi những điều đã mất
Như ánh sáng cầu vồng, bong bóng những cơn mưa!
*
Em từng khêu bấc dầu, những năm tháng gay go
Không phải để đọc thơ, mà để ngồi vá áo,
Em từng xách ba lô vẹo người trong mưa bão
Cho kịp chuyến xe tàu đi công tác nửa đêm…
Khi chia tay, em chỉ biết lặng nhìn
Chân trời đỏ, ánh đèn pha dữ dội…
Đôi mắt thẳm sâu, không còn có tuổi
Vừa gan góc lạ lùng, vừa yếu đuối, ngây thơ…
Thiêng liêng sao những phút ấy bây giờ!
Quá khứ đâu làm bận bịu hai ta,
Mà chỉ có hôm nay, những ngày đang sống thật,
Khi ta chỉ là ta, sau nhiều phen đánh vật
Cuộc đời càng khó khăn, càng phải biết thương đời!
Quá khứ đã thành xa xỉ lâu rồi
Tất cả tâm hồn anh có dừng đâu ở đó!
Chỉ tụ lại trong em mọi vui buồn sướng khổ…
Em đừng ghen với quá khứ trong anh!
1971
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bài thơ: Mùa mưa
Mùa mưa
Thơ Bằng Việt
Tháng Ba, săng lẻ vừa ra lá,
Rừng lại mù mưa… Nước ngập rồi!
Xe đi trầy trụt, đường trơn quá
Áo quần mốc hết, bạn gùi ơi!
Kho bắc cao lên sát mái nhà
Từng đàn kiến cánh nối nhau ra,
Những chùm mốc trắng lan theo gió
Cơn lũ vừa im lại thốc qua.
Vắng tiếng người đi phía cửa rừng
Núi đặc sa mù, buốt thấu lưng,
Cây dựng thành cao, che kín mắt
Lũ suốt đêm ngày, lội nhớp chân!
Em vẫn như xưa, thầm lặng thế,
Giữa rừng săng lẻ, nhựa trào dâng…
Hoa trắng tưng bừng như tuổi trẻ,
Em với rừng sâu, suốt tám năm!
Binh trạm 12, xuân 1973
Nguồn: Bằng Việt, Tác phẩm chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, 2010
Bằng Việt mãi là cây đại thụ trong nền thi ca Việt nam. Những vần thơ của ông luôn mang lại cho người đọc những cảm xúc khó quên.